Văn Hải ngoại sau 1975 (210): Mùa biển động (11)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"


MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 2: BÃO NỔI

Chương 20

Trong thời gian ngày nào cũng có biểu tình bãi thị, gia đình ông Văn cũng sống trong không khí ngột ngạt quạnh quẽ khác thường!

Mọi người sum họp đông đủ. Bà Văn, Quế, Lãng ở Đà nẵng về. Ông Văn nằm nhà khỏi xách cặp đạp xe đi dạy tư. Ngữ muốn vào Tiểu khu cho đỡ cuồng chân cũng được, mà nằm nhà đọc sách đọc báo cũng không sao. Nam lên năm thứ hai Đại học Sư phạm bài vở đi sâu vào chuyên môn, sách phải đọc để làm bài cả đống nên vất vả hơn năm đầu chỉ mới nhập môn những kiến thức khoa học xã hội tổng quát. Nhưng vì khu vục khang trang của Đại học Sư phạm ở ngay trung tâm phát động tranh đấu, hằng ngày loa truyền thanh treo ở khu Morin ra rả oang oang hết bài nhận định thời cuộc này đến bản tuyên cáo, bản kháng thư khác, nên các thầy muốn dạy cũng không được. Nhiều lớp tạm nghỉ học cho sinh viên Sư phạm khỏi mang tiếng đứng ngoài.

Nam mượn một lô sách trên thư viện về, nghĩ rằng nhân dịp hiếm hoi này ghi chép tài liệu cần thiết để sang năm làm tiểu luận tốt nghiệp. Ai cũng nghĩ đây là cơ hội tốt để tự do làm những việc thích thú cần làm. Nhưng rồi cuối cùng, ai cũng thấy thời cuộc ngoài đời không cho phép họ sống đời sông riêng tư.

Khác với một hai năm trước, lần biến động này ông Văn đỡ lo âu chuyện không thể lãnh được lương trường tư. Việc đấu thầu của Quế và Lãng trong Đà nẵng giúp cho gia đình sống sung túc hẳn lên. Lãng đem về cho mẹ một cái tủ lạnh Nhật hiệu Hitachi mới nguyên, sau đó mang về cho ông Văn một cái radio Sony 4 băng để ông nghe đài BBC, đài VOA, đài Úc Ðại Lợi… Trong tủ lạnh, xếp đầy thịt “ham”, thịt bít-tết cắt sẵn từng lát bằng bàn tay gói trong những bao ni lông in nhãn hiệu Mỹ, đùi gà tính từng pound, những quả cam vàng rộm in chữ Sunkist, hàng chồng vỉ trứng gà loại lớn… Dù các chị tiểu thuơng chợ Đông ba có bãi thị hàng tháng theo lời kêu gọi của các thầy trên Từ đàm, bên Diệu đế, gia đình ông Văn vẫn không sợ cảnh đói khát. Một năm nay, bà Văn làm ngơ không hỏi chồng mỗi tháng lãnh được bao nhiêu tiền ở Nguyễn Du, ở Bồ đề. Ông Văn không tiêu pha gì nhiều, lần nào cũng để nguyên bì thư tiền lương đưa cho vợ. Bà Văn cất vào túi, không đếm. Một lần Ngữ cần tí tiền mua thuốc lá, hỏi xin mẹ. Bà Văn đưa nguyên phong bì lương tháng của trường Bồ đề cho Ngữ, bảo cú cất đấy mà tiêu vặt.

Mặc dù thế, tháng nào ông Văn cũng đưa đủ tiền lương ít ỏi cho bà Văn, có làm như vậy ông mới thấy an tâm. Ðồng tiền bán cháo phổi của ông kiếm được so với số lợi tức hai đứa con nhỏ mang về thật chênh lệch, nhưng nó là bằng chứng ông còn hữu ích. Ông không ăn bám vào ai cả. Lời giảng của ông không còn hấp dẫn huyễn hoặc được học trò như thời ông còn dạy Tường và Ngữ. Ðó không phải là lỗi của ông. Ông tin vậy. Ông biết học trò bây giờ chê ông lỗi thời, ngồi trong lớp mà nhấp nhổm chuyện chuẩn bị dự thuyết pháp, xuống đường. Nhưng trong các giờ giảng bài, ông chỉ bị khựng lại, do dự ngập ngừng có năm phút đầu. Sau đó, tư tưởng tình cảm cổ nhân, và chính lời ông nói thuyết phục cuốn hút ông. Ông có thói quen mỗi khi giảng bài hay ngước mặt nhìn chếch lên trời, mặt đăm chiêu lắng hết vào bài giảng, tay vân vê cục phấn. Những lúc ấy, tiếng gọi huyền bí của quá khứ, mơ ước về tương lai, còn mạnh gấp trăm lần thực tại trước mắt. Ông mường tượng ra được những phút lâm chung của Nguyễn Du, nụ cười ngạo đời kín đáo của Nguyễn Khuyến, những cơn say phẩn nộ của Trần Tế Xương, cảnh học trờ tiễn thầy khăn gói vượt nghìn dặm đi thi trong thơ Cao Bá Quát… Phong bì tiền lương ít ỏi là kết quả mồ hôi nước mắt của ông, là tâm huyết là khát vọng của đời ông. Ông hãnh diện ngửng đầu mà nhận nó. Hãnh diện dùng món tiền đó để nuôi cả gia đình, tuy nuôi một cách thiếu thốn hụt trước hụt sau. Cho đến khi nguồn lợi chính của gia đình không do ông kiếm ra nữa, niềm hãnh diện đó giảm dần. Ông tự an ủi là dù sao, mình vẫn nuôi được mình. Lột một trái cam vàng Sunkist, ăn một quả trứng Mỹ, ông không áy náy. Ông Văn chỉ áy náy thật sự khi hai tháng qua nhà trường không kín đáo gửi phong bì tiền lương cho ông như trước. Nhà trường cũng không hề giải thích, vì biết các thầy đã hiểu vì sao. Ông được nằm nhà, nhưng cảm giác áy náy bất lực, cảm giác vô vọng vì thấy mình thừa thãi ngày một lớn. Vợ con sum họp đầy đủ, nhưng suốt thời gian đó ông thường nằm lì trong buồng, đến giờ ăn ra ngoài cắm cúi và bát cơm cho xong rồi lại trở vào.

Ngữ thấy cha buồn, không hiểu được hết tâm sự của ông Văn. Vì Ngữ cũng trải qua những băn khoăn riêng. Chỉ có Nam là đứa con độc nhất thông cảm phần nào tâm trạng ông. Và chỉ có Nam là người ông nói chuyện một cách tư nhiên, không gượng gạo hoặc ơ hờ.

Một lần thấy căn phòng của cha bừa bộn quá, Nam vào dọn dẹp bắt gặp ông Văn đang đọc kinh Phật. Một lần khác, nàng thấy cha đọc cuốn “Thơ Văn Đời Lý Trần”. Chẳng hiểu vì sao, ông Văn đâm ra ngượng nghịu với con gái khi bị bắt gặp đọc toàn sách vở Phật giáo. Có lẽ ông sợ con gái nghĩ mình theo thời trang, lo đọc lại Phật giáo đúng lúc phong trào Phật giáo đang lên, tạo thành một sức mạnh đủ thay đổi cả guồng máy quyền bính trong Sài gòn. Ông nói với Nam, như để tự biện hộ:

– Ba đang tìm hiểu xem các thiền sư ngày xưa nghĩ và làm gì trước thời cuộc rối ren phức tạp như thế này.

Nam ngồi xuống chiếc ghế trước bàn làm việc của cha, hỏi lại:

– Ba có tìm thấy gì không?

Ông Văn không đáp lời con, chỉ hỏi:

– Con đã học đến giai đoạn này chưa?

– Dạ rồi! Nhưng con không hiểu hết được các công án thiền!

– Còn thơ văn?

– Con thích lắm. Như những bài tuyệt bút của Sư Không Lộ, Sư Mãn Giác, hoặc của Tuệ Trung thượng sĩ.

Ông Văn vui mừng tìm được người để nói chuyện, vội vã lật tìm bài kệ “Nhất Chi Mai” của Mãn Giác thiền sư, đọc cho con nghe:

– Ba cũng thích bài này:

Xuân khứ bách khoa lạc
Xuán đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!

Con thấy không, một đóa hoa mai nở đơn độc giữa cảnh trăm hoa rơi rụng tan tác, đóa hoa còn đó sau một đêm bão táp mưa gió, đẹp quá! Giữ được tâm an nhiên lặng lẽ giữa cuộc sống bụi bặm xô bồ này, ba ao ước được như thế!

Nam thì thào vì cảm động:

– Con cũng vậy!

***

Từ hôm 22 tháng 3, những cái loa truyền thanh bên khu Morin hết quấy rầy các buổi học bên Ðại học Sư phạm, nhưng các giáo sư phân khoa này vẫn không thể dạy dỗ gì được. Lực lượng tranh đấu không cần dùng đến micro và loa phóng thanh những lời tuyên cáo nẩy lửa nữa, vì họ đã chiếm đài phát thanh Huế. Đồng thời các trường học đều bãi khóa để sinh viên dồn mọi nổ lực bảo vệ đạo pháp và quyền tự quyết, đòi tổ chức bầu cử tái lập chính quyền dân sự, đòi bọn quân phiệt tham nhũng từ chức…

Tường xuống thăm Nam đều hơn, chịu khó ngồi bàn luận thời sự lâu hơn. Đặc biệt hơn nữa, trong khi Tường tránh nói chuyện với ông Văn, chàng lại để tâm thăm hỏi Nam những điều thật vặt vãnh không đâu. Nam mừng rỡ, nghĩ đã chiếm trọn lại được Tường như những ngày chàng bị trọng thương nằm một chỗ cho Nam đút cháo, thay băng, thay áo. Nhiều hôm Nam hỏi thăm tin tức tranh đấu, tin công nhân bến tàu Ðà nẵng đình công, tin Sài gòn náo loạn vì những vụ đốt xe Mỹ, tin học sinh Qui nhơn vây ông tỉnh trưởng mấy tiếng đồng hồ để chất vấn, tin cảnh sát cầm súng đứng ra bảo vệ chùa Tỉnh hội… Tường gạt phắt đi, hỏi Nam những câu thật bất ngờ, như:

– Ðộ này hình như em hơi xanh xao. Thức khuya phải không?

Những lần được hỏi như thế, Nam đỏ mặt vì sung sướng. Nàng đáp, giọng nũng nịu:

– Đâu có. Em vẫn thường. Chỉ có anh xanh xao thôi! Anh thật cẩu thả! Chẳng chịu cạo râu gì cả!

– Anh tìm hộp lưỡi lam không biết biến đi đằng nào.

Nam e dè đề nghị:

– Hay để em đi lấy cái cạo râu của ba cho anh mượn. Em đi lấy bây giờ nhé!

– Sợ phiền ba không? Ba đang làm gì trong đó?

– Ba đang đọc báo. Anh cần gặp ba không?

Tường ngần ngừ một lúc, rồi đáp:

– Thôi! Vào lấy cái cạo râu cho anh đi!

Nam vào buồng ông Văn đem cái cạo râu hiệu Gillette ra, bẽn lẽn cưỡi đề nghị với Tường:

– Ðể em cạo râu cho anh nhé?

Tường lắc đầu quầy quậy:

– Không được đâu. Em không quen, làm cắt da mặt anh bây giờ!

– Không đâu! Em cạo được mà! Anh không nhớ hồi anh bị thương trong Đà nẵng, em cạo râu giùm cho anh hoài sao?

Tường sung sướng vâng lời. Nhà vắng, nên Nam mạnh dạn dẫn Tường xuống chỗ vòi nước rửa mặt, quệt kem cạo râu trắng cả nửa khuôn mặt Tường rồi để đấy, không làm gì thêm. Tường biết Nam đùa, nhìn vào gương nói:

– Anh thành ông già Noel.

Nam đưa tay quệt một tí kem dưới cằm Tường, rồi vừa cười vừa quệt thêm lên chóp mũi một vệt bọt kem. Tường cứ để yến, đến soi gương, nói đùa:

– Bây giờ thì ông già Noel có thêm một tí tuyết trên chóp mũi.

Nam cười sung sướng, bắt Tường ngồi lên cái ghế gỗ ngay gần bếp, bắt Tường ngửng mặt lên cho Nam cạo râu. Nàng nín thở đưa nhẹ lưỡi lam, sợ làm xây xát da mặt Tường. Tường ngửng lên thấy Nam mím môi chú ý, da mặt đỏ hồng khác thường, cảm động lắm, nhưng cố khôi hài để che giấu cảm xúc:

– Em làm thợ cạo chắc giúp đời nhiều hơn làm cô giáo.

Nam bật cười lớn:

– Sao thế? Anh ngồi yên nao!

– Vì anh nghĩ khi ra trường, đi dạy, chắc học trò không sợ em!

Nam nghiêm mặt nhướng cao mày làm bộ hung dữ:

– Em coi thế nhưng không hiền đâu. Cả anh nữa, nếu…

– Nếu thế nào?

Nam buồn rầu nói:

– Nếu như bao lâu nay…

Nam nghẹn lời, không nói tiếp được. Tường nói lảng sang chuyện khác:

– Em cạo kỹ dưới cằm anh một chút. Nghe tiếng lưỡi lam như thế, anh biết là cạo chưa được sát lắm!

Nam yên lặng làm theo lời Tường. Tường cũng im lặng. Mãi tới lúc đã cạo râu cho Tường xong xuôi, Nam mới tìm cách pha trò cho bớt ám ảnh của những ngày hờ hững vừa qua. Nàng bảo Tường đứng dậy soi gương, rồi khen:

– Ðẹp trai và trẻ đi mười tuổi, anh thấy không?

– Nhờ bàn tay bà thợ cạo đấy!

– Nếu hôm nào anh cũng xuống đây cho em cạo râu cho, anh sẽ trẻ đi thêm hai mươi tuổi.

– Lúc đó anh thành đứa trẻ thơ.

Nam nghiêm mặt nói:

– Em thích anh luôn luôn là đứa trẻ thơ. Em không thích anh lớn!

Lần đó, Tường hiểu Nam muốn nói gì. Chàng cũng không biết phải đáp lời Nam thế nào, vì tận thâm tâm, Tường biết mình luôn luôn muốn lớn lên, lớn lên mãi. Hai người đi ngược đường nhau, nên những phút dừng lại gặp gỡ đúng nghĩa như hôm ấy trở nên mong manh phù du.

***

Có thể cái quyết định phải đi cùng chiều với Tường mới mong đuổi bắt được Tường, quyết định âm thầm trong cảnh vô vọng chới với, đã khiến Nam vui vẻ nhận lời, khi Tường đề nghị Nam lên giúp cho đài phát thanh. Tường bảo:

– Tụi anh cần một giọng nữ vừa ngọt ngào vừa nghiêm trang. Cô sinh viên Luật khoa lâu nay đọc trên đài giọng chanh chua quá, ai cũng nói! Em lên giúp tụi anh đi!

Nam xem đó là một lời khen kín đáo, lại là dấu hiệu sự tôn trọng tin cẩn của Tường đối với mình, nên đồng ý ngay. Nàng từ chối cho có lệ:

– Em đọc trên đài phát thanh, chắc phong trào tranh đấu tan hàng hết!

Tường vội nói:

– Không phải đâu. Giọng em thích hợp lắm. Với lại không phải tụi anh chỉ cần người xướng ngôn mà thôi. Cần cả người viết bài nữa. Em viết bài, rồi đọc luôn thể.

Nam rùn vai, lắc đầu:

– Ôi chao! Em mà viết cái gì!

– Sao em nói thế! Anh đưa tài liệu cho, em chỉ việc tóm tắt rồi xếp đặt cho có hệ thống.

Rồi sợ Nam từ chối, Tường hạ giọng năn nỉ:

-Em không nhận, anh kẹt lắm. Anh đã hứa với anh em là ngay chiều nay có người lo cho phần bình luận thời sự.

Nghe đến bốn chữ “bình luận thời sự”, Nam lo âu ra mặt:

– Em biết gì mà bình với luận!

– Có phải một mình em làm đâu. Có nhiều anh em khác nữa. Em nhận rồi nhé! Gật đầu đi cho anh an tâm. Gật đầu đi. Rồi! Chốc nữa bốn giờ anh trở lại đèo em lên đài phát thanh nhận việc liền.

Nam thực sự nhập cuộc từ hôm ấy!

***

Ngày đầu tiên, công việc của Nam đơn giản y như lời Tường báo trước. Những sinh viên phụ trách phòng truyền thanh ở khu đại học đương nhiên được chuyển qua nắm đài phát thanh vừa được ông quản đốc công chức nhà nước “bàn giao” êm thấm. Toàn bộ nhân viên cũ đài phát thanh Huế vẫn làm việc như thường; bộ phận kỹ thuật vẫn lo canh chừng máy móc vì sợ anh em sinh viên không rành máy móc bấm bậy một cái nút cũng đủ làm cho “tiếng nói của những người thao thức trước hiện tình đất nước” phải im tiếng. Mà tiếng nói ấy im, thì lôi thôi to! Chắc chắn là có bàn tay lông lá nào đây lén phá hoại máy móc để bịt miệng những người trẻ tranh đấu cho dân chủ và độc lập! Và tay sai của những bàn tay lông lá ấy, có ai khác ngoài chính những kỹ thuật viên của đài. Họ sợ như vậy, nên giữ thân bằng cách túc trực siêng năng tại đài, săn sóc cưng chiều máy móc còn hơn cả cưng chiều vợ con.

Bộ phận biên tập thì được ngồi chơi xơi nước, vì ban đầu, hai sinh viên vẫn viết bài cho phòng truyền thanh hoàn toàn tin tưởng ở lập trường và khả năng của mình. Khổ nỗi giờ truyền thanh bằng loa trước đây ngắn, mỗi ngày chỉ hai giờ, sáng và chiều, có tin tức hay thông cáo khẩn cấp thì mới mở cửa phòng bật công tắc lên thổi phù phù vào micro vài cái rồi đọc nhanh mấy phút, là xong. Qua đài phát thanh, giờ giấc kéo dài ra, bài vở đâm thiếu. Chẳng lẽ chỉ đọc đi đọc lại mấy cái tuyên cáo hoặc kháng thư? Hai anh sinh viên cong lưng viết mà bài vở chẳng được bao nhiêu. Lúc ấy, nhân viên biên tập của đài mới e đè đề nghị cần giúp đỡ điều gì, họ sẽ sẵn sàng. Ban phát thanh hỏi ý Tường. Tường ngần ngại, nhưng thấy rõ không có con đường nào khác. Ðiều quan trọng là có một người tin cẩn được để kiểm sóat, theo dõi nội dung phát thanh.

Tìm những người như vậy thật khó. Ai cũng muốn hoạt động ở chỗ đông đảo, có nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng và nhiều đôi mặt khâm phục. Đọc tuyên cáo trên loa truyền thanh còn có thú vị được nghe lại âm vang của lời mình nói, sức mạnh của chữ nghĩa, sự khuếch đại ảnh hưởng của một câu văn nguệch ngoạc im lìm trên giấy. Đàng này làm việc ở đài phát thanh chỉ đối diện với máy móc vô giác, và tuy lời nói cũng âm vang khắp hang cùng ngõ hẹp, nhưng âm vang đó tản mạn ra từng nhà, mất dấu vô danh, không kiểm chứng được. Tường phân công cho ai, người đó cũng tìm cớ thoái thoác. Cuối cùng, chàng nghĩ đến Ngữ. Tường do dự, nhớ lại những lần hai đứa cãi nhau để chỉ dẫn nhau đến bế tắc, hay đẩy nhau xa hơn. Vả lại, đã chắc gì Ngữ nhận. Từ Ngữ, chàng nghĩ tới Nam. Chàng sung sướng hân hoan vì biết Nam sẽ nhận lời. Tường nghĩ đến câu văn quen thuộc của Saint-Exupery mà trước đây chàng vẫn cho là lẩm cẩm xoàng xỉnh: “Yêu nhau không phải chỉ là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”.

***

Nam chỉ phải đọc qua bài vớ lần chót trước khi thu thanh, và phụ trách phần xướng ngôn nữ. Có thông báo khẩn, như triệu tập các quân nhân Phật tử trong chiến đoàn Nguyễn Ðại Thức, như thông cáo giờ thuyết pháp của thầy Trí Quang… đại diện các đoàn thể tranh đấu chỉ việc đưa cho Nam là yên tâm ra về. Lúc rảnh, Nam có thể lấy sách ra đọc, hoặc đứng trước đài phát thanh nhìn cảnh xuống đường tấp nập của những học sinh sinh viên được rỗi nhờ bãi khóa. Nam nghiệm rằng đến giúp cho đài phát thanh, nàng sống hào hứng và yên tâm hơn ru rú ở nhà. Nàng được gặp Tường thường xuyên hơn, được gần gũi với cuộc sống hôi hổi nhiều hơn, được biết tin tức mau lẹ hơn. Nàng được thở nhịp thở đầu tiên của Huế, vì nếu Huế lạc quan hay lo lắng, giận dữ hay an nhiên, thách thức hay hòa giải… tất cả đều phải qua đài phát thanh rồi mới biểu lộ cho các nơi khác như Ðà nẵng, Hội an, Qui nhơn, Nha trang, Sài gòn, kể cả Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Bắc kinh, Hà nội biết. Mối quan hệ giữa nàng với Tường nâng Nam lên cao trước các đoàn thể tranh đấu, và dù khiêm nhường nhũn nhặn đến bao nhiêu, Nam vẫn cảm thấy kiêu hãnh, sung sướng.

Nam thay đổi nhanh chóng đến độ một tối về nhà gặp Ngữ, Ngữ ngỡ ngàng không hiểu tại sao em mình bỗng nhiên say sưa nói đến những chuyện như là quốc hội lập pháp, chủ nghĩa thực dân mới, chiến thuật và chiến lược đấu tranh, vận động quần chúng…

Ngữ lừ mắt hỏi:

– Sao tự nhiên trở chứng thế?

Nam cãi lại:

– Hồi này đi đâu thiên hạ cũng bàn những chuyện đó, có gì đâu anh bảo trở chứng. Với lại em nghỉ học, buồn, lên giúp cho đài phát thanh, nên quen miệng.

– Từ hồi nào?

– Từ hơn tuần nay.

– Hơn một tuần à? Sao anh chẳng biết gì cả. Thấy Tường đến đây chở đi chở về, anh tưởng…

Nam đỏ mặt, sợ anh nói đến chuyện tình cảm của mình, phải giành nói trước:

– Anh ấy nhờ em lên xướng ngôn thế cho một cô giọng không được tốt.

Ngữ trố mắt nhìn em:

– Hóa ra giọng nữ trên đài phát thanh Huế là giọng em đấy à? Sao có vẻ…

Nam cười tưởng Ngữ sắp nói nịnh mình, hỏi anh:

– Có vẻ thế nào?

– Có vẻ “sắt máu” lắm! Chỉ thua giọng các cô trên đài Hà nội một chút xíu thôi!

Nam không cười nữa, lo âu hỏi:

– Anh nói thật à?

– Lại không thật. Đến nỗi anh không nhận ra được, Nam đủ biết.

Nam buồn rầu, tìm cách giải thích:

– Có lẽ tại nội dung bài vở “sắt máu” (nếu dùng chữ anh vừa nói) chứ không phải tại giọng em đâu. Em vẫn đọc như nói thường. Hoặc có thể hệ thống máy móc không tốt.

Ngữ thấy em lo lắng quá, nói cho qua:

– Chắc tại máy xấu.

_______________________________________

Chương 21

Cho đến đầu tháng tư, gần như các đô thị dọc duyên hải miền Trung đều ở trong tình trạng vô chính phủ. Tình hình an ninh nông thôn tương đối yên tĩnh, nhưng ở các thành phố, quận lỵ, chính quyền hoàn toàn bất lực. Ba năm xáo trộn từ ngày Ngô triều bị lật đổ với biết bao nhiêu cuộc đảo chánh chỉnh lý, với biết bao nhiêu tấn tuồng ở trung ương cũng như ở địa phương, đã đủ cho kẻ thức thời học bài học sống còn trong thời loạn. Bài học sống theo thời, cư xử đồng phục, có mặt mà vẫn vô danh, tham dự mà đường rút lui mở sẵn. Mỗi người là một tài tử đi dây, và khó hơn nữa, là phải tỏ ra mình là một tay đi dây hạng xoàng, để nếu lầm lẫn ngã xuống, kẻ thắng thế còn thương hại cho là kẻ không đáng trị. Thật ra nếu ở trung ương, tình hình trắng đen rõ rệt hơn thì hạng công chức tỉnh lẻ hoặc quân nhân cấp thấp đã đỡ phải mệt nhọc nín thở đi dây như vậy. Đàng này không ai biết tình thế sẽ về đâu. Sài gòn sẽ thắng hay miền Trung thắng? Quân đội, nhất là các ông tướng vùng, các tư lệnh binh chủng sẽ đứng về phe nào? Quan trọng nhất là người Mỹ. Họ ủng hộ ai? Các thành phố lớn miền Trung hồi đó đều ở sát các căn cứ quan trọng của quân đôi Mỹ. Nhiều nơi quân đội Mỹ lãnh nhiệm vụ chính trong công tác bảo vệ an ninh lãnh thổ. Cho nên, để dễ dàng ứng phó với tình thế, những sĩ quan giữ chức vụ điều khiển hành chánh và quân đội các tỉnh rán theo dõi cho được phản ứng của các cố vấn Mỹ. Họ nghĩ gì? Tướng Westmoreland nghĩ gì? Đại sứ Lodge nghĩ gì? Nhiều viên cố vấn kín đáo giấu nhẹm một sự thực khôi hài, là chính họ, họ cũng không biết chính phủ Mỹ ủng hộ phe nào, chính họ không hiểu vì sao đột nhiên tướng Kỳ cách chức tư lệnh quân đoàn Một.

Ban đầu, Barry Zorthian trưởng phòng thông tin dân sự tòa đại sứ Mỹ bảo với các phóng viên ngoại quốc rằng tướng Kỳ đã cách chức tướng tư lệnh vùng Một với sự thỏa thuận của đại sứ Cabot Lodge, vì cả hai xem đấy là bước đầu cần thiểt để củng cố uy quyền của Trung ương. Muốn chấm dứt tình trạng giang sơn nào anh hùng nấy lâu nay bốn ông tướng vùng mặc nhiên chấp nhận, ông Kỳ không có cách nào khác là đánh phủ đầu viên lãnh chúa sừng sỏ ương ngạnh nhất là tướng vùng Một. Tướng giỏi là tướng biên ải. Và tướng nguy hiểm dễ lấn lướt cậy công nhất, vẫn là tướng biền ải. Truyện Tàu đầy dẫy những trường hợp tướng biên ải kéo quân về vây ông vua bạt nhược ở triều đình để đặt lên ngai một ông vua bạt nhược hơn. Mà cũng không thiếu trường hợp ông vua lo xa kiếm cớ giết tên tưóng biên ải đầy công trạng để tránh hậu hoạn. Lập luận ấy nghe rất hợp lý, nhất là đã có xác nhận của một viên chức Mỹ rất am tường nội tình như Barry Zorthian.

Rồi chính các cố vấn Mỹ cũng đâm ra ngờ vực nguồn tin ban đầu của Zorthỉan. Nếu đại sứ Lodge thỏa thuận cho tướng Kỳ ra tay, hoặc nếu đã có một kế hoạch ổn định chính trị ngay từ hội nghị Honolulu thì tại sao các viên chức cao cấp của Mỹ tại Sài gòn không có một chỉ thị rõ rệt nào cho họ để đối phó với cảnh hỗn loạn. Chưa hết. Các phóng viên Mỹ đến Sài gòn trong thời hỗn loạn này còn được một viên chức cao cấp có thẩm quyền của tòa đại sứ cho biết rằng đại sứ Lodge không hề dính dáng gì đến vụ cách chức tướng tư lệnh quân đoàn Một, rằng lời loan báo trước đây của Barry Zorthian thiếu chính xác và vội vã, rằng tướng Kỳ đã nổi hứng tự ý hành động, sau đó mới thông báo cho đại sứ Mỹ.

Sư ổn định chính trị, mục tiêu của chính quyền trung ương và tòa đại sứ Mỹ, và có thể là mục tiêu của hội nghị Honolulu, đã được thực hiện theo cung cách bất ngờ và huyền bí lạ lùng, chẳng khác nào chuyện âm mưu tranh giành ngôi báu ở các cung đình ngày xưa. Hậu quả là ổn định không thấy đâu, đã thấy suốt dọc duyên hải miền Trung, dân chúng sống trong nom nớp thấp thỏm. Ðã bao năm nay rồi, dân quê ở các vùng xôi đậu muốn bám lấy quê hương thì phải đi dây giữa quốc gia và cộng sản, giữa sống và chết, giữa ngày và đêm, giữa thối nát và tàn bạo… Bây giờ, dân thành phố được dịp đi dây để chia sẻ số phận những người chân lấm tay bùn. Ít ra, lịch sử còn lẽ công bằng ở điểm nhỏ ấy!

Nhưng có phải biến động miền Trung bộc phát do sự tranh chấp và thanh toán lẫn nhau giữa hai ông tướng trẻ hay không? Nếu không có vụ cách chức viên tướng tư lệnh quân đoàn Một, cảnh hỗn loạn có xảy ra không? Trả lời câu hỏi ấy, không phải dễ!

Câu trả lời chính xác, có lẽ là “có” và “không”.

Không ai phủ nhận sự thực lịch sử này: là những cá nhân, nhờ khả năng hay may rủi nắm được vai trò quan trọng trong guồng máy quyền lực, có tác động nhiều hay ít đến chiều hướng lịch sử. Hoàn cảnh đưa đẩy họ đến vị trí đặc biệt nào đó, rồi từ vị trí ấy, họ có thẩm quyền ánh hưởng lại hoàn cảnh. Nhưng thẩm quyền này lại chịu vô số các động lực khác nhau, nên chỉ có những kẻ ngu dốt mới dám vỗ ngực cho ràng chính mình tạo ra biến cố này, chính mình xoay thời cuộc nọ. Lời chứng của người trong cuộc phần lớn đều là ảo tưởng, đều là những lời tự biện hộ đã đãi lọc hết tính phức tạp của lịch sử cho trở nên hợp lý dễ hiểu, chưa nói đến trường hợp những người chứng thất thế đó muốn tô vẽ quá khứ để thành một kỷ niệm đẹp cho mình.

Thành thử, phải trả lời “có”, vì rõ ràng biến động Miền Trung bắt đầu sau khi có vụ cách chức tư lệnh quân đoàn Một, nghĩa là làm mất đi cái thế liên minh tạm vững giữa sức mạnh quân đội và hậu thuẫn Phật giáo tại miền Trung. Ông tướng vùng đưa vào Phật giáo để củng cố thế lực đối với Trung ương và làm bậc thang lên cao hơn. Phật giáo miền Trung dựa vào ông tướng vùng để củng cố thế lực chính trị và thực hiện khát vọng đưa dân tộc đi theo giải pháp của mình. Ông tướng vùng Một chỉ quan trọng khi ông còn là tư lệnh một quân khu, dưới trướng có vũ khí có binh lính có phương tiện. Cho nên khi đại sứ Mỹ yêu cầu ông ra Huế để tìm cách hòa giải với các lãnh tụ Phật giáo, ông bằng lòng đi. Nhưng với cái bệnh thối mũi, tấm vé máy bay sắp sửa qua Mỹ chữa bệnh thối mũi và bàn tay thiếu gậy chỉ huy, ông không còn gì để thuyết phục hay ảnh hưởng đến ai! Ông hết còn gì để nói! “sứ mệnh” của ông thất bại.

Ðáng lẽ đại sứ Cabot Lodge phải thấy trước điều đó, để ông khỏi phải nhọc công bay ra Huế. Như vậy thì chính đại sứ Lodge cũng quờ quạng giữa lịch sử. Ông đại sứ phù thủy từng chủ động tạo ra bao nhiêu cuộc biển dâu của lịch sử Việt nam, từng nặn ra bao nhiêu con cờ, từng là nguồn hứng khởi để văn hào Úc Morris West viết ra một cuốn tiểu thuyết sâu sắc tuyệt vời, chẳng qua cũng chỉ là một người lòa giữa đám sa mù.

Kể cả những người sau đó cử một ông tướng khác ra miền Trung để thương lượng với phe ly khai. Lại thêm một nạn nhân bất đắc dĩ cho trò xiếc lịch sử! Cho nên trả lời “không” vẫn đúng!

***

Công việc của Nam ở đài phát thanh ngày càng bận rộn. Ban đầu nàng chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận các thông cáo đưa đến nhờ phổ biến, xướng ngôn tin tức do hai anh sinh viên thu lượm, và đọc bài bình luận in trên những tờ nhật báo Phật giáo ở Sài gòn như Đất Tổ, hoặc các bài trên tờ Lập Trường. Nam có nhiều thì giờ rảnh, nhưng không lấy bài ra học được như đã dự tính. Chữ nghĩa trở nên khô khan lạnh lẽo dưới mắt Nam. Chẳng những thế, càng ngày nàng càng thấy những điều ghi trong sách vở trở nên phù phiếm. ‘Tình trạng chữ nôm thời Nguyễn Trãi viết Quốc âm thi tập… So sánh các dị bản cuốn Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp… Hình thức chữ quốc ngữ qua nhật ký chuyến hành hương đến Bồ Đào Nha của linh mục Philiphê Bỉnh. .. Cách tổ chức các khoa thi để tuyển chọn nhân tài dưới thời vua Lê Thánh Tôn… Thử góp phần đề nghị một phương pháp làm mục lục bộ châu bản triều Nguyễn… Có là người điếc người què mới có thể ngồi yên để đọc bấy nhiêu chuyện trời trăng đó giữa lúc ngay trước mặt đài phát thanh, người ta rộn rã xuống đường hoan hô đả đảo, khuyến cáo tố cáo, hò hét ca hát. Người ta làm lịch sử vào ban ngày, và ban đêm, người ta đốt đuốc diễn hành để thắp sáng tương lai, để giữ lửa tranh đấu, để soi rọi chân lý và lương tâm.

Mang sách đi rồi nặng nhọc mang về nhiều lần, cuối cùng Nam vứt đống cours quay ronéo, vở ghi chép, sách tài liệu, sách tham khảo vào xó. Thay vào đó, Nam sưu tầm báo chí, ghi chép các tin quan trọng, cắt để dành những tài liệu liên quan đến thời cuộc trước mắt.

Tường theo dõi biến đổi ấy nơi Nam một cách thích thú. Cho đến một hôm Tường vui vẻ đề nghị:

– Tại sao em không viết cho đài những bài bình luận sát với tình hình Huế hơn. Các thầy ở Sài gòn đâu biết gì thời sự ở đây. Vả lại, Huế là đầu tàu. Ðáng lẽ Sài gòn phải đăng lại những bài Huế viết, như là địa phương lặp lại chỉ thị của trung ương mới đúng. Em thử viết xem sao!

Nam ngộp thở vì hân hoan lẫn e ngại. Rồi nàng viết thử. Buổi chiều Tường có việc ghé đài phát thanh, Nam hồi hộp đưa cho Tường đọc như lần đầu một người tập tò làm thơ đưa tác phẩm cho một thi hào định giá. Tường chăm chú đọc, càng đọc càng chăm chú hơn, lâu lâu dừng lại, đăm chiêu. Nam lo âu hỏi:

– Tệ lắm phải không anh?

Tường không đáp ngay, chỉ phác tay bảo Nam im lặng để mình đọc tiếp. Khi đọc xong, Tường nghiêm trang nói:

– Em viết thế này, mà lâu nay giấu nghề! Anh viết cũng không bằng được em đâu!

Nam chưa bao giờ sung sướng đến như vậy. Nàng biết Tường thực lòng, không khen đãi bôi. Tường hào hứng nói:

– Từ nay em lo hẳn phần tin tức và bình luận đi. Khỏi cần xào lại báo Sài gòn. Mình làm riêng, cả phóng sự cũng vậy nữa. À, ngày mai Sài gòn lại cử một ông tướng khác ra đây tìm cách mua chuộc các thầy và anh em sinh viên. Tòa Hành chánh vừa cho biết ông ta muốn gặp anh đấy.

Nam cảm thấy hãnh diện vì vị thế của Tường, giọng hỏi lạc đi vì hân hoan:

– Thế à, lúc mấy giờ hở anh? Và ở đâu?

– Ở bên Morin. Anh định tiếp ông ta lúc mười giờ. có thể trễ hơn, vì ông ta lên chùa trước.

Nam do dự, rồi đề nghị với vẻ e dè:

– Cho em theo với, được không?

Tường chưa biết đáp thế nào, Nam đã nói thêm:

– Em có thể viết một bài tường thuật về cuộc tiếp xúc đó.

Tường nhớ ra, nên vui vẻ nhận lời!

***

Cuộc tiếp xúc diễn ra ở phòng quay ronéo của Ðại học Văn khoa giữa khung cảnh bề bộn dơ dáy. Không có cái bàn nào sạch vì đâu đâu cũng dính mực in. Giấy stencil cũ, những tờ ronéo quay hư bị vò nát vứt bừa bãi khắp nền phòng. Vài mẩu bánh mì. .. Những chai nước ngọt đã uống hết lăn lóc đây đó. Tường bỏ áo ra ngoài quần, tay áo xắn lên, bàn tay còn dính mực. Hai đại diện khác của sinh viên tranh đấu ăn mặc tề chỉnh hơn, áo sơ mi trắng bỏ vào trong đai quần đàng hoàng. Không nói cho ai biết, nhưng Tường cố ý bận bịu và ăn mặc xốc xếch như thế để gặp ông tướng.

Xe Jeep Tiểu khu đưa ông tướng đến. Vì sinh vien đã biết trước nên Tường vừa đưa ông vào phòng quay ronéo, kéo ghế mời ông ngồi thì bên ngoài, sinh viên tranh đấu đã ùn ùn kéo tới bu quanh các cửa sổ cửa lớn. Họ làm ầm ĩ quá đến nỗi viên tướng e ngại nhìn quanh như muốn tìm một lối thoát nào đó. Tường phải ra cửa nói lớn với anh em sinh viên:

– Yêu cầu anh em yên lặng cho! Tôi nhắc lại, yêu cầu anh em giữ trật tự.

Bên ngoài, đám đông chỉ im lặng được một chốc, sau đó tiếng ồn ào lại như cũ. Mạnh ai nấy nói:

– Cô nào trong đó vậy mày?

– Không được nói lớn. Vợ ông Tường đấy!

– Ổng có vợ rồi à?

– Bồ của ổng đấy. Mày không biết gì ráo mà ưa nói.

– Bồ gì mà ốm nhách vậy!

– Suỵt. Có tốp bớt cái radio lại không!

– Sao lại mang bồ đến chỗ này.

– Cô ấy làm bên phát thanh. Phải viết bài chứ!

– Bàn luận quan trọng phải có người ghi chép chứ!

Cứ như vậy, họ bàn tán không ngớt. Tường bắt buộc phải nhờ hai sinh viên kia ra đóng cửa kính cửa sổ lại. Tiếng ồn có giảm, nhưng vẫn còn là tiếng lao xao chợ phiên.

Đã thế, cuộc đối thoại giữa hai bên giống y cuộc đối đáp giữa những người điếc. Ông tướng ăn nói khôn khéo, giọng Bắc uyển chuyển và tế nhị. Tường và hai sinh viên kia nói giọng Huế cũng mạch lạc hùng hồn không kém. Nhưng cả hai chỉ chú ý nói, không ai chú ý lắng nghe. Câu chuyện ban đầu còn có chỗ gặp gỡ, còn có điểm chung. Càng về sau, hai bên nói hai thứ ngôn ngữ khác. Nam chú ý lắm mà cũng không hiểu ai nói gì, tờ giấy ghi chỉ được có vài dòng.

Tình trạng nhì nhằng chưa biết phải chấm dứt ở đâu, lúc nào, thì cánh cửa sổ đóng kín bên trái bị bật tung, tiếp theo sau, là tiếng hò hét òa vỡ:

– Thôi, khỏi nói gì nữa!

– Về bảo Thiệu Kỳ Có từ chức đi!

– Cút về Sài gòn ngay!

Ông tướng đứng bật dậy, quắc mắt nhìn ra cửa. Tiếng lo ó càng lớn:

– Tống nó về Sài gòn lập tức.

– Không nói gì nữa! Nói vô ích!

– Điệu nó ra phi trường đi anh em!

Có tiếng đập cửa ầm ầm. Nam lo sợ, đứng nép sau lưng Tường. Tường gỡ tay Nam định tiến tới chỗ cửa ra lệnh cho bên ngoài giữ trật tự, thì cửa lớn bật tung. Đám đông sinh viên ùa vào phòng, điệu ông tướng ra ngoài. Họ tìm đâu được một chiếc cyclo đạp, đẩy ông lên xe, rồi một anh sinh viên thay bác phu cyclo đạp xe đưa ông tướng đi diễu khắp phố! Anh đạp chậm để đám đông sinh viên còn lại kịp đi theo, cười cợt, hò hét, đùa giỡn, văng tục, để lăng mạ viên sứ giả của chính quyền trung ương.

Những người tò mò hiếu kỳ trố mắt nhìn đám biểu tình khác thường này, nhìn ông tướng ngồi trân trên chiếc cyclo giữa đám trẻ quần áo xốc xếch, chỉ đoán đây là cuộc truy lùng thành công một sĩ quan “phản động”, một thành tích mới của sinh viên tranh đấu. Họ chạy đi hỏi tên ông tướng. Và khi biết rõ ngọn ngành, họ đâm sợ hãi, tìm cách tránh xa chỗ đông đúc.

Riêng Nam, nàng cũng thấy việc đi sát tình hình để tường thuật những thời sự nóng hổi không phải đơn giản. Ngoài giấy bút và sự xông xáo, còn cần điều gì khác hơn nữa. Chẳng hạn sự lãnh đạm quan sát những biến động quanh mình như người ngoại cuộc, không xúc động bất mãn hay bị cuốn hút theo dòng. Từ đó về sau, Nam không dám xông vào những chỗ đám đông nữa!

***

Trong phòng quay ronéo chỉ còn có Nam và Tường. Hai anh sinh viên đại diện đã đi theo đám đông. Tường đứng lặng nhìn khung cảnh sân trường trống trơn vắng vẻ hồi lâu, mới quay trở vào. Nam vẫn đứng bên cạnh bàn, mặt còn nhợt nhạt xanh xao vì chưa hết sợ hãi. Tường đến bên Nam, thấp giọng nói:

– Em đừng sợ. Không việc gì đâu!

Nam không dằn được nữa, ôm chầm lấy Tường, khóc òa.

Tường để yên cho Nam khóc, hai tay không dám ôm lấy thân hình mảnh khảnh nhỏ bé của Nam vì dính đầy mực. Chàng nhìn hai bàn tay, nhìn quang cảnh dơ dáy bừa bộn, nhớ lại chủ ý dàn cảnh của mình trước khi gặp ông tướng, không khỏi thẹn với mình. Nam vẫn khóc, hai vai run rẩy theo tiếng nấc. Tường ngắm những sợi tóc mịn và thưa trên đầu Nam, ngắm cái ót không được no tròn lắm của Nam, ngắm làn vải phin trắng in sát bên hai nhánh quai sau cái xu-chiên, thấy cuộc sống mong manh dễ vỡ hơn. Sợ Nam nhận thấy mình chưa chịu ôm lấy tấm lưng nhỏ của Nam, Tường khép chặt vòng tay hơn. Nam bớt khóc, chỉ còn thút thít nho nhỏ. Tường lấy lại đủ bình tĩnh để cảm được hơi ấm từ thân thể Nam tỏa ra, mùi thơm chanh một lọai thuốc gội đầu tỏa từ mái tóc. Cả mùi mồ hôi quen thuộc của Nam nữa. Tường nhắm mắt để sống trọn giây phút êm ả ngắn ngủi này, không còn giữ gìn nữa, hai bàn tay bẩn ôm chặt lấy người Nam.

Nam ngạc nhiên ngửng lên, bắt gặp ánh mắt Tường si dại. Nàng bối rối đẩy nhẹ vai Tường. Tường nới lỏng vòng tay, cố giấu ý nghĩ ham muốn thoáng qua bằng cách hỏi Nam:

– Em sợ lắm phải không?

Nam đứng xa ra một chút, vuốt lại tóc và chùi nước mắt trước khi đáp:

– Vâng. Nhưng em không sợ cho em.

Tường cười hỏi đùa:

– Em sợ họ đánh đòn hội chợ ông tướng à? Không sao đâu. Anh biết chắc là họ chỉ đùa một chút rồi cho ông ấy về Sài gòn.

Nam cải chính:

– Em sợ cho anh.

Tường ngạc nhiên hỏi:

– Anh có việc gì đâu em phải sợ?

Nam cúi mặt, thì thào: .

– Không phải bây giờ. Mà sau này.

– Em sợ mấy ông tướng Sài gòn trả thù ư?

– Không phải vậy. Thật khó nói. Có những điều bất ngờ làm em sợ. Chẳng hạn chuyện anh em sinh viên khi nãy.

Tường cúi xuống lượm một tờ giấy lau sạch hai bàn tay, cố trì hoãn để khỏi phải thú nhận với Nam là chàng không tiên liệu phản ứng bộc phát của anh em sinh viên. Chàng biết họ sẽ tụ họp để theo dõi cuộc tiếp xúc. Tường không ngăn, muốn họ tụ họp càng đông càng tốt, để làm một thứ áp lực, hoặc biểu dương sức mạnh. Chàng đã không thấy trước những điều bất ngờ.

Muốn cho Nam quên hẳn những điều khó đáp, Tường đưa hai bàn tay còn bẩn của mình cho Nam xem và nói:

– Riêng anh thì có những cái bất ngờ dễ thương. Này, em có ngờ là lúc nãy ôm em vào lòng, anh in nguyên cả hai tay mực lên lưng áo em không?

Nam nghe vậy, vội ngoái cổ nhìn vạt áo sau. Nét mặt nàng vừa vui sướng vừa hớt hải lo âu, mếu máo nũng nịu hết sức trẻ thơ.

___________________________________________

Chương 22

Sau hơn một tuần nằm nhà để chờ thời cuộc lắng dịu, sáng nay ông Thanh Tuyến, Lãng, và Mân trở vào Đà nẵng. Mân dùng chiếc xe Jeep của mình chở hai người bạn thầu, vì theo ý Mân, dùng chiếc Toyota trắng sang trọng của ông Thanh Tuyến trong tình thế này thật không thức thời. Chưa nói những nguy hiểm bất ngờ khác. Ông Thanh Tuyến thấy ý kiến của Mân hợp lý, nên bằng lòng.

Mân còn bảo Lãng nên mặc đồ lính như mình. Họ hẹn nhau ở nhà ông Thanh Tuyến lúc sáu giờ sáng. Bà Thanh Tuyến dậy sớm để sửa soạn bữa ăn sáng cho ba người. Sau khi bưng ba dĩa trứng rán và bánh mì phết bơ lên trịnh trọng đặt trước mặt Mân trước, rồi tới Lãng, cuối cùng đặt trước mặt chồng, bà Thanh Tuyến ngồi ghé lên chiếc ghế đối diện Lãng hỏi nhỏ:

– Mấy bữa nay Nam nó có đau yếu gì không, cháu?

Lãng đáp:

– Thưa bác chị ấy vẫn thường.

– Sao không thấy ghé lại đây?

Lãng cười:

– Bữa nay chị ấy hăng lắm, bác! Sáng nào anh Tường cũng xuống chở chị ấy đi tới tối mịt mới về. Bác không dùng sáng à?

Bà Thanh Tuyến trả lời chung cho cả Mân:

– Thưa không, mời anh tự nhiên. Buổi sáng tôi chỉ uống một cốc Cacao thôi. Nhưng phải tới chín giờ cơ!

Mân bưng tách cà phê sữa lên uống một ngụm, khen lấy lòng bà chủ:

– Chị cho uống cà phê Việt nam để bù những lúc chúng tôi phải uống cà phê chua lè nhạt thếch của Mỹ. Riết rồi cũng quen đi, bây giờ uống thức uống của tụi Mỹ thấy không đến nỗi tệ lắm.

Mân ngừng lại, liếc về phía cầu thang lên lầu, hỏi bà Thanh Tuyến:

– Anh Tường đâu không mời xuống xơi sáng luôn, hở chị?

Ông Thanh Tuyến đáp. thay vợ:

– Nó có về đâu. Bấy lâu nay ăn ngủ luôn bên đó!

Bà Thanh Tuyến sợ chưa rõ, liếc nhìn Lãng, tiếp lời chồng:

– Bên khu đại học, đó anh!

Mân yên tâm hơn quay về phía ông Thanh Tuyến nói:

– Tình hình có vẻ găng lắm! Nhất là vụ tướng Chiểu bị sỉ nhục. Tôi nghe anh em bên Tiểu khu nói Sài gòn họ tức giận lắm.

Ông Thanh Tuyến nhận ra trong câu nói bình thường của Mân, hình như có giọng trách móc, nếu không phải là lời cảnh cáo. Ông cúi xuống ăn, không đáp ngay. Trước mặt vợ và Lãng, ông không muốn nói với Mân rằng ông không hề dính dáng gì đến công việc Tường làm. Nói như vậy, theo ông nghĩ, là tự hạ quá đáng trước mặt một người bạn thầu trẻ tuổi và ít vốn hơn ông, mặc dù nhờ Mân mà ông phất mạnh trong hơn một năm nay. Ông uống cạn tách cà phê, rồi nói với Mân:

– Tình hình còn gay go, chúng ta vào liệu đã tiếp tục việc làm ăn được chưa?

Mân đáp:

– Chắc chắn là chưa. Nhưng phải vào ngay. Mật ít mồi nhiều, tụi mình ở ngoài này lâu, chắc chắn phe chúng nó sẽ tìm cách giật hết mối thầu. Hồi hôm, có tin ra là…

Ông Thanh Tuyến nháy mắt ra hiệu cho Mân. Mân hiểu, liếc về phía bà Thanh Tuyến, nói lạc đi một chút:

– Có tin cho biết là Mỹ đã mở cửa trại trở lại. Chắc là rác ngập đến cổ rồi, chúng nó chịu không nỗi. Chị biết không, rác Mỹ hôi cái mùi quái dị lắm, mình sống nghèo nàn quen chịu còn không được huống chi chúng nó.

Lãng hỏi Mân:

– Sao hôm qua anh bảo tụi Mỹ trí súng ở cửa các doanh trại không cho ai ra vào gì cả!

Bà Thanh Tuyến hết nhìn chồng đến nhìn Mân, ngờ ngợ, có cái gì không ổn mà chồng giấu mình. Bà sợ hãi hỏi nhỏ:

– Còn rắc rối quá thế, sao không chờ yên hãy hay?

Mân cười lớn, nói với bà Thanh Tuyến:

– Chị đừng lo trời sập! Lính Mỹ đóng dày chung quanh Đà nẵng, họ đã đổ biết bao nhiêu tiền của vào đây, họ còn lo gấp mấy mình nữa. Các ông tướng ông tá Việt nam kình cãi nhau, họ để mặc, để xem anh nào khá thì giúp. Thế thôi. Cũng như đá gà để thử sức rồi còn lựa gà đi dự giải vô địch thế giới vậy mà!

Quả nhiên cách giải thích đó khiến bà Thanh Tuyến bớt lo âu. Bà cười tự nhiên hơn, bảo Mân:

– Theo anh thì gà nào cứng cựa hơn?

Mân đặt cả muỗng nỉa xuống, ngồi ngay người nghiêm trang đáp:

– Ông Kỳ! Tôi cho là ông Kỳ cứng cựa hơn.

Cả Lãng lẫn ông Thanh Tuyến đều hỏi:

– Anh căn cứ vào đâu bảo vậy?

– Sao lại ông Kỳ?

Mân chậm rãi đáp:

– Đơn giản thôi. Vì ông Kỳ ưa đá gà. Người đã bỏ nhiều thì giờ để đá gà thì chắc chắn phải học được của gà nhiều cú đá ác.

Ông Thanh Tuyến cười lớn. Cười xong gật gù mãi. Bà Thanh Tuyến chau mày, nghĩ đến Tường. Bà nói:

– Anh nói thế sao được. Chuyện đời đâu có đơn giản như vậy. Với lại, sao tôi ghét những người chơi trò đá gà thế. Man dã độc ác thế nào! Ai đời người ta lấy dao chuốt cựa gà nhọn hoắt để gà mình đâm lòi cổ gà địch. Đã thế còn cột cả lưỡi lam vào chân gà. Mới đá hiệp đầu, máu đã đổ rồi. Chưa nói tới cảnh mỗi lần xong một hiệp, chủ gà kê miệng vào mỏ gà hút ra cả ngụm máu, nhổ toẹt xuống đất, rồi lại hút thêm ngụm khác. Vừa bẩn thỉu vừa dã man. Khiếp chết được!

Ông Thanh Tuyến sợ lời vợ làm mất lòng Mân, cố lấy giọng bông đùa:

– Này này. Tôi bắt quả tang mình ghiền đi xem đá gà rồi nhé! Không ghiền, tại sao biết kỹ như vậy?

Bà Thanh Tuyến chống chế:

– Đâu phải thế. Tại hồi em còn nhỏ, bố em mê đá gà lắm. Ði đâu bố em cũng dắt em theo cả. Mỗi lần gà đá bố em bị chết, em khóc cả ngày.

Ông Thanh Tuyến hỏi liền:

– Hồi xưa làm gì có dao lam mà cột vào chân gà?

Bà Thanh Tuyến cãi lại:

– Dao gì chẳng được. Không phải loại dao lam cạo râu bây giờ, mà là một lưỡi dao mỏng nhỏ hơn đầu đũa, bén lắm.

Vừa lúc đó, Quỳnh Như mắt nhắm mắt mở từ trong phòng ngủ đi ra. Thấy có khách ở phòng ăn, nàng khựng lại, sợ bị bắt gặp đang bù xù xốc xếch sau giấc ngủ vùi. Bà Thanh Tuyến quên hẳn chuyện đá gà, quay về phía con gái út âu yếm gọi:

– Quỳnh Như hả con! Lại đây điểm tâm với thầy và các anh!

Quỳnh Như bối rối nhìn Mân, hai bàn tay kéo thẳng vạt áo ngủ, lí nhí nói:

– Cảm ơn me. Con chưa kịp rửa mặt. Xin thầy me và các anh cứ tự nhiên.

Nói xong, Quỳnh Như nhận ra “một anh” khách là Lãng. Mắt nàng sáng lên tinh nghịch, định nói đùa một câu, nhưng thôi. Quỳnh như đi nhanh về phía phòng tắm. Bà Thanh Tuyến nhìn theo, hãnh diện nói với Mân:

– Cháu nó sắp xong cái tú tài hai đấy. Trông con nít thế, nhưng…

Lãng cười, nói với bà Thanh Tuyến:

– Không con nít đâu, bác ơi! Quỳnh Như mà lên nói trước micro, bác sợ ngay! Ăn nói đanh thép, đầu đuôi chặt chẽ lắm. Chị Nam cháu phục lăn, cứ bảo cháu: “Không biết tại sao ở nhà nó lanh chanh thế, mà ra trước công chúng, nó khác hẳn”.

Tiếng Quỳnh Như từ trong phòng tắm vọng ra:

– Nói xấu gì “chị” đó, ông mãnh!

Mọi người đều cười. Có lẽ nhờ thế mà cuộc khởi hành vào Ðà nẵng của ông Thanh Tuyến, Mân và Lãng bớt có vẻ bất thường, mạo hiểm. Bà Thanh Tuyến cũng yên tâm tiễn chồng ra xe.

***

Xe vừa qua khỏi An cựu, Mân đã hỏi ông Thanh Tuyến:

– Anh biết tin rồi chứ ?

Ông Thanh Tuyến nhìn gương chiếu hậu để e dè dò xét Lãng. Mân hiểu, nói ngay:

– Sẵn đây cũng nên cho chú Lãng biết luôn.

Ông Thanh Tuyến gật đầu, hỏi Mân:

– Anh đã nghĩ biện pháp gì chưa?

Mân ngạc nhiên đến nỗi vô tình đưa chân đạp thắng xe. Chiếc Jeep ngưng lại đột ngột, bánh xe cọ xát lên mặt đường kêu rít lên.

Lãng lo sợ hỏi:

– Cái gì thế?

Mân biết mình vô ý, sang số để bắt đầu cho xe chạy lại bình thường, rồi mới đáp:

– Không có gì đâu Lãng. Tại anh vô ý!

Rồi quay sang ông Thanh Tuyến, Mân hỏi:

– Anh hỏi biện pháp là thế nào? Chuyện các ông lớn sắp đánh nhau to, mình làm gì được mà biện với pháp!

Ông Thanh Tuyến trố mắt hỏi:

– Anh nói gì thế, không phải chuyện hồi hôm anh cho tôi hay…

Mân hiểu ra, vội cắt lời ông Thanh Tuyến:

– Không. Tin radio nói sáng sớm nay cơ. Tin ông Kỳ tuyên bố Đà nẵng coi như đã bị Việt cộng chiếm, và Trung ương sẽ gửi quân ra “giải phóng” Ðà nẵng.

Ông Thanh Tuyến kinh ngạc quay ngoắc về phía trái hỏi Mân:

– Thật à? Chính anh nghe radio hay nghe nói lại?

– Chính tôi nghe. Sau đó còn nghe cả đài VOA nữa.

– Đài VOA nói gì?

– Đài VOA không nói ẩu như ông Kỳ. Đại sứ Cabot Lodge tuyên bố mập mờ hơn, bảo rằng chính phủ Việt nam Cộng hòa cần tái lập kiểm soát tình hình tại Đà nẵng và Huế, và trong tình thế hỗn loạn này, chính phủ có thể sử dụng bất cứ phương cách nào, kể cả biện pháp quân sự.

Ông Thanh Tuyến hô hoán:

– Vậy là sắp đánh nhau to rồi. Đến khổ! Đã thế chúng ta còn vào đó làm gì nữa!

Mân nhấn mạnh ga cho xe chạy mau hơn, rồi đáp lời:

– Chính vì sắp đánh nhau to mà ta phải vào Đà nẵng. Mình phải nắm trước thời cơ, ngay khi thời cơ chưa tới. Anh thấy đấy, bây giờ hai năm rõ mười là người Mỹ ủng hộ ông Kỳ làm mạnh. Tụi chó đẻ toan giành mối thầu của mình dựa thế đại tá Y. Chúng cứ tưởng có ông đại tá và phe tranh đấu Phật giáo ở sau lưng là ăn chắc, nên mới bắn tiếng dọa dẫm như tôi nói với anh tối hôm qua. Chúng nó ngu như con bò. À này, anh biết chuyện này chưa?

– Chuyện gì nữa?

-Anh đừng hớt hải. Khổ quá. Làm ăn mà anh yếu bóng vía quá, đâu được. Đáng lý tôi nói với anh chuyện này từ lâu, nhưng chưa chắc chắn nên thôi. Bây giờ thì chắc đến tám mươi, à không, đến chín mươi phần trăm rồi. Ông Tôn Thất Đính nhà tôi sắp ra nắm quân đoàn Một.

Ông Thanh Tuyến nghe hết tin quan trọng này đến tin quan trọng khác, ngộp thở, ù tai, không dám tin ở mình nữa. Ông hỏi lại:

– Thật à? Chính tướng Đính tin ra hay lại tin đồn?

– Chính ông ấy điện thoại ra Huế cho ba tôi hay. Ông ấy còn hỏi thăm thật kỹ tình hình trên chùa, tình hình sinh viên, tình hình Ðà nẵng. Tôi được dịp nói rõ vụ Ðà nẵng cho “anh ấy” hay!

– Anh nói chuyện trực tiếp với tướng Đính sao?

Giọng Mân hãnh diện tự mãn:

– Chứ sao! Tôi nói rõ cả chuyện bác sĩ Mẫn đến từng ty sở hô hào chống chính phủ Sài gòn nữa.

– Rồi tướng Đính có nói gì không?

– Anh ấy chỉ ậm ừ, nói “thế à, thế à”. Xưa nay anh ấy vẫn khôn khéo kín đáo lắm, nhiều người lầm tưởng anh ấy phổi bò. Không đâu. Anh có nhớ vụ anh ấy lừa được cả ông Nhu không?

Cả Lãng lẫn ông Thanh Tuyến đều hỏi:

– Có chuyện đó thật à?

– Chuyện sờ sờ ai cũng biết, anh quên rồi! Vụ anh ấy giả vờ trung thành với anh em họ Ngô khéo đến nỗi ông Nhu đem giao cả quân trấn Sài gòn – Gia định cho anh ấy. Rồi ông tổng trấn trẻ tuổi họp báo chửi bới tụi phản loạn, hết dạ trung thành với Ngô Tổng thống. Hà hà! Không làm thế thì làm sao quật được một người mưu lược đa nghi như ông Nhu. Anh thấy đấy, năm 1963 anh ấy chỉ quật ngược một cái, là nhà Ngô đổ sụm.

Ông Thanh Tuyến yên tâm về chuyện đường xa, nên quay sang hỏi chuyện trước mặt:

– Trưa nay vào, chúng ta ghé đâu trước?

Mân hơi khựng, vì không được khoe khoang về ông tướng bà con nữa, nhưng cũng vui vẻ đáp:

– Không nên ghé chỗ cũ. À, sẵn đây tin cho Lãng biết là cách đây ba hôm, trong đó nhận được thư nặc danh dọa mình phải bỏ mấy chỗ thầu ấy, không nghe sẽ ăn lựu đạn.

Lãng cau mày, chồm người ra phía trước hỏi:

– Bọn nào lớn gan vậy?

Mân đáp chậm cho Lãng ở phía sau nghe rõ hơn:

– Có thể là bọn cũ dưới Thanh bình. Cũng có thể là bọn chợ Cồn. Vào tới nơi, ghé khách sạn tắm rửa xong, em lên ngay chợ Cồn liên lạc với anh em mình. Rán tìm hiểu cho đích xác bọn nào. Nếu vẫn là bọn cũ, mình không ngại.

Lãng nói:

– Em còn để quần áo đồ đạc ở chỗ cũ. Anh ghé lại cho em lấy được không? Cả mấy thứ lặt vặt của chị Quế nữa!

Mân suy nghĩ một lúc, mới đáp:

– Tốt hơn hết mình nên cẩn thận. Chúng nó gửi thư đến đó, thì chắc là biết rõ mình. Chúng nó đứng trong tối, mình ở ngoài sáng bất lợi hơn. Cần lấy gì tối hãy lại.

Lãng băn khoăn hỏi:

– Cả chiếc Honda 90 em cũng để ở đó nữa, làm sao lấy?

– Thì tìm chiếc khác. Nếu cần mua luôn một chiếc mới. Hôm nay chúng ta không đi chiếc Toyota của bác Thanh Tuyến, em đủ thấy anh cẩn thận đến mức nào.

Xe bắt đầu leo đèo Hải vân. Đường đèo vắng vẻ hơn thường lệ, nhất là xe từ Đà nẵng ra Huế từ trạm nghỉ trên đỉnh xuôi xuống Lăng cô dường như không có chiếc nào cả. Ông Thanh Tuyến nói với Mân:

– Hình như trong Ðà nẵng giới nghiêm thì phải.

Mân không nói gì, chú ý lái xe cẩn thận. Lãng muốn hỏi nhiều chuyện nữa, nhưng sợ Mân phân trí lúc phải lái xe trên đoạn đường nguy hiểm, nên ngồi im, ngửa người dựa hẳn vào lưng ghế. Biển xanh phía dưới. Trời xanh bên trên, nắng tháng tư bắt đầu oi ả. Sự vắng vẻ mênh mông của thiên nhiên như tăng thêm. Lãng buồn ngủ vì phải dậy sớm lên nhà ông Thanh Tuyến, bắt đầu ngủ gật.

Lãng không nghe hai người lớn trên xe nói với nhau điều gì nữa!

***

Tối hôm đó Lãng lo liên lạc với băng Sáu Thẹo trên chợ Cồn và băng Hùng Sùi bên Thanh bình. Ông Thanh Tuyến ngồi nói chuyện với Mân trong căn phòng rộng rãi của một khách sạn hạng sang của Ðà nẵng tới khuya. Chỉ còn có hai người, nên ông Thanh Tuyến bớt e ngại khi nói thật tâm sự của mình. Câu chuyện ban đầu loanh quanh lan man toàn việc làm ăn, rồi như mọi câu chuyện giữa đàn ông với nhau, cuối cùng họ quay sang chuyện chính trị.

Bao giờ cũng vậy, hễ có hai người đàn ông trở lên ngồi với nhau là không trước thì sau họ cũng bàn đến chính trị. Bất kể trình độ văn hóa họ thế nào, bất kể tuổi tác hoặc nghề nghiệp. Trước đó họ có thể hăng say bàn chuyện làm ăn, chuyện nhậu nhẹt, chuyện trời mưa trời nắng , chuyện ái tình lẻ hay chẵn, nhưng những chuyện đó chỉ là phụ. Mỗi người chỉ góp chuyện một cách nửa vời, dè dặt. Chuyện làm ăn, họ nghiêm nghị nhưng lạnh nhạt cảnh giác. Chuyện ăn chơi, họ ngả ngớn cười cợt. Chuyện ái tình, họ ba hoa khoe khoang. Chỉ khi nào bắt đầu vào chuyện chính trị, họ mới lao hết vào cuộc với tất cả nghiêm chỉnh lẫn đam mê. Chỉ trong môi trường chính trị, họ mới tìm thấy những đề tài, những cơ hội thỏa mãn khát vọng quyền lực lâu nay vùi giấu thầm kín trong lòng họ. Lúc đó họ mới thực là họ, từ ông nhà tu suốt đời kinh kệ gác bỏ trần tục cho đến anh nhà buôn lúc nào cũng nghĩ tới lời lỗ, từ những nghệ sĩ khinh thế ngạo vật cho đến những cậu học trò hiền lành chăm chỉ. Cuộc sống của họ có vẻ bình thường. Tuy vậy, trong lòng mỗi người đàn ông đều có một khát vọng ngàn đời: khát vọng quyền thế. Khát vọng ấy còn mạnh hơn cả tiền bạc hay sắc đẹp. Cho nên khi câu chuyện đưa đẩy đến vấn đề chính trị, tức là biểu hiện trước mắt của một thứ quyền lực cụ thể, thì đôi mắt mọi người đàn ông đều sáng rực. Nhà tu hành quên ngay kinh kệ. Người nghệ sĩ quên ngay nghệ thuật. Nhà buôn quên ngay các con số, vì dù buôn bán lớn đến đâu, nghĩ cho cùng, cũng thua xa lối buôn vua của Lã Bát Vì.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tối hôm đó, trong một khách sạn lạ hoắc, từ cửa sổ căn phòng trên cao nhìn xuống ánh đèn nhấp nháy của một thành phố cảng quan trọng thứ nhì của Việt nam, một nhà buôn chuyên nghiệp và một anh con buôn cơ hội nghiêm chỉnh bàn luận với nhau về đủ đề tài thời sự, từ cuộc đối đầu chưa phân thắng bại giữa cộng sản và tư bản cho tới cuộc leo thang oanh tạc Bắc Việt, từ mâu thuẫn giữa thành thị và nông thôn cho tới vấn đề kỳ thị nam bắc, rồi sự khác biệt giữa Phật giáo và Công giáo trước cuộc đấu tranh giành độc lập, rồi chủ trương của phe Phật giáo tranh đấu… dần dần lan man tới những khác biệt giữa thượng tọa Trí Quang và thượng tọa Tâm Châu, giữa phương thức hành động của nhà chùa và sinh viên tranh đấu. Bao nhiêu đề tài nghiêm trọng mà một viện nghiên cứu khoa học xã hội mài miệt tìm hiểu nghìn năm vẫn chưa hết, tối hôm đó, hai người “xơi tái” trong vòng vài tiếng đồng hồ. Vào phút chót, khi cả hai đều thỏa mãn vì tự thấy mình cao lớn y như tầm cao lịch sử, Mân mới hạ giọng “khuyên nhủ” ông Thanh Tuyến:

– Anh đừng áy náy chuyện anh Tường. Anh lo nếu thời thế biến chuyển, chuyện làm ăn của mình sẽ bị liên lụy chứ gì? Chỉ sợ Tường không phải là tay cứng, không dám đi tới cùng. Chứ nếu sừng sỏ, leo lên tới chỗ chóp bu, thì không ai dám động tới lông chân đâu. Để rồi anh coi, giả sử sau này vụ tranh đấu tranh điếc ở đây thất bại, ông Kỳ dẹp được hết, lúc đó ông Trí Quang vẫn chẳng hề gì. Ðến cái vạt áo nâu cũng không bị lấm chứ đừng nói chuyện bắt bớ ông ta. Bị tù đày, chỉ có hạng tôm tép. Nếu anh Tường cho tới lúc đó vẫn chỉ là hạng tôm tép, thì phiền đấy. Còn nếu…

Ông Thanh Tuyến hãnh diện lớn tiếng:

– Còn lâu! Nó cừ lắm! Con tôi, chứ đâu phải ai!

Mân hớp một ngụm rượu Cognac, rồi nói:

– Nếu thế thì anh nên yên tâm. Riêng anh với tôi thì rán làm Lã Bất Vi cũng thú lắm. Thằng nào không ham tiền, miễn là mình biết đưa cho khéo, biết đưa thế nào để thằng nhận tiền thấy mình được nâng cao lên chứ không bị hạ thấp xuống sau khi lấy tiền của mình. Chẳng hạn bảo chúng nó rằng phải có món tiền này để giúp vào công cuộc xây dựng dân chủ hoặc bảo vệ đất nước. Hà hà… nói khéo như thế, chúng nó phải gật thôi. Vừa có tiền, vừa có danh. Còn đòi gì nữa.

Comments are closed.