Văn học miền Nam 54-75 (615): Nguyễn Đình Toàn (kỳ 9)

Áo mơ phai

chương chín

Nhưng tất cả mọi chuyện, mọi dự tính của Lan, đã bị một biến cố làm sai lạc đi cả.

Bởi vì sáng hôm sau, cả thành phố đã bàng hoàng vì tin hiệp định Genève đã được ký kết.

Cả thành phố trong phút chốc tưởng được treo trên một sợi dây. Thực ra thì trong suốt thời gian mấy tháng ròng thành phố có thể coi như đã được buộc sẵn trên dầu sợi dây đó, nhưng vẫn còn một điểm tựa ở phía dưới. Cái Hiệp Định chia đôi đất nước được ký kết, giống như cái điểm tựa được rút đi, và cả thành phố bị treo lửng lơ trên một vực thẳm.

Lan nhận thấy rõ ràng bố uống hớp cà phê buổi sáng đã bị nghẹn khi mắt ông nhìn thấy những dòng chữ báo cái tin khủng khiếp đó trên mặt báo. Ông đã phải cố gắng lấy hơi để nuốt ngụm nước xuống.

Những tin tức về một cuộc di cư vĩ đại cùng với những tia nắng đầu tiên của một người, cùng với giờ mọi người ra khỏi nhà, tiếp tục những công việc hàng ngày, bỗng nghe rào rào như tiếng ong bay.

Trong suốt một ngày, trong suốt một tuần, những tiếng súng, những tiếng bom thốt nhiên im lặng, làm cho những đêm khuya bỗng trở nên nặng nề. Những sớm mai người ta nhớn nhác chạy đi chạy lại, hỏi thăm nhau những tin tức, bác đi hay ở, đi đâu, người ta cũng tự hỏi những người lưu lạc ở hậu phương ngày nào sẽ trở về?

Người ta mong gặp mặt nhau. Người ta tìm cách trốn mặt nhau.

Mùa Hè chấm dứt vội vã như trong cơn sốt cấp tính cùng với những trận mưa thác lũ trong đêm khuya đổ xối xả trên mái, cái lạnh lẽo chụp xuống khắp mọi nơi cùng những đám sương đặc.

Lan thực tình không hiểu rõ cuộc chia cắt đất nước rồi ra sẽ như thế nào. Nàng chỉ có những ý niệm rất mơ hồ về việc này.

Nhưng mẹ Lan lo lắng thấy rõ. Lan cho rằng, có lẽ mẹ nàng cũng chẳng biết một điều gì hơn nàng, nhưng bà có linh tính của một người đàn bà, có con cái, gia đình, phải che chở, bảo vệ, bà đã nghe ngóng thấy những điều không hay, hệt như những con chim nhận biết trước mùa Đông sắp đến bay đi tìm mùa Hè ấm áp ở những miền xa xôi khác, hay những con kiến biết trước mùa lụt, rủ nhau tha mồi, rời tổ.

Bà hỏi chồng:

– Nước chia đôi thế người ở trong đó không ra đây được, người ở đây không vào trong ấy được nữa hay sao?

Ông Nam nói:

– Nếu đi lại được thì ai người ta còn gọi là chia cắt nữa.

– Thế thì sẽ bị cấm đoán đi lại trong bao lâu?

– Có trời biết.

– Hai bên cùng biệt vô âm tín cả à?

Ông Nam không trả lời câu hỏi sau cùng của vợ. Ông mải miết đọc nốt tờ báo.

Bà Nam luôn tay khoắng mãi ly nước của mình dù Lan nghĩ chắc chẳng còn một hạt đường nào trong đó lại chưa tan hết.

Lan hỏi bố:

– Sông Bến Hải có phải là sông Gianh ngày xưa không ba?

Ông Nam nói:

– Cũng là một.

Như thế Lan bắt đầu có chút ý niệm về có ranh giới này. Nó nằm trong một bài học thuộc lòng nàng đã học năm còn ở lớp nhất. ”Ôi sông Gianh nơi nồi da nấu thịt…”. Cũng con sông đó ngày xưa đã là nơi được chọn làm răn giới chia cắt đất nước của hai họ Trịnh Nguyễn, cuộc chia cắt kéo dài trong hai trăm năm. Tại sao lại có con sông định mệnh buồn thảm đến thế?

Ông Nam đứng dậy đội mũ đi làm.

Chỉ còn hai mẹ con trong phòng. Buổi sáng với cái tin tức vừa được loan truyền trên mặt báo và trên đài phát thanh bỗng làm cho không khí có vẻ như vừa đổi khác.

Bà Nam bồn chồn lo lắng. Bà vẫn không tin việc chia cắt có thật và giả thử là nó có thật, bà cũng chưa thể hình dung cái hậu quả sẽ ra làm sao.

Lan bảo với mẹ:

– Thì con xem ngoài phố người ta nói gì, họ sẽ đi hay ở lại.

Bà Nam bực mình bảo:

– Làm sao mà mày nghe được.

Lan nói:

– Con đến nhà bạn con một lúc. Thử xem nhà nó định sao.

Bà Nam nói:

– Đi mau lên rồi về. Tình hình nay ngoài phố rồi lắm chuyện rắc rối lắm đấy.

Lan cười bảo với mẹ:

– Con về ngay mà.

Bà Nam cầm lấy tờ báo ông Nam đã để lại trên mặt bàn trước khi đi làm. Bà đọc đi đọc lại cái tin có cái ”tít” in bằng hàng chữ lớn. Những dòng chữ dưới mắt bà phút chốc hiện ra đầy vẻ đần độn của nó.

Nhưng chẳng phải như vậy đâu, bà Nam thầm nghĩ, rồi sẽ có một cuộc thay đổi lớn lao đây.

Bà đặt tờ báo xuống bàn bưng tách nước lên uống. Bỗng nhiên bà thấy chân tay run lẩy bẩy.

Lan được mẹ người bạn ngồi sau cái quầy nhỏ làm chỗ thu tiền bảo lên trên gác, Lan ở trên đó.

Lan mỉm cười chào bà và hơi nghiêng mình khi đi qua chỗ bà ngồi như một cách xin phép trước khi bước lên cầu thang.

Nàng chợt nhớ hình như vừa trông thấy những hàng lọ bằng thủy tinh đựng bánh kẹo bên dưới có nhiều lọ đã vơi và gần hết nhưng chưa được đổ hàng mới vào.

Đó có phải là dấu hiệu bất thường của cửa hàng này?

Lan gõ cửa phòng người bạn. Nàng nghe tiếng bạn bảo vào. Lan mở cửa, thấy người bạn đang ngồi trước bàn học nhìn ra ngoài cửa sổ.

Lan hỏi:

– Học bài hả?

Người bạn đáp:

– Hôm nay mà học hành gì.

Lan đóng cánh cửa phòng lại. Nàng lại gần người bạn, ngồi xuống thành chiếc giường kê sát bàn học.

Người bạn hỏi:

– Nhà mày sẽ đi hay ở lại?

Lan nhìn quanh quẩn mấy cuốn sách để trên bàn học của người bạn.

Nàng nói:

– Chưa biết.

Người bạn bảo:

– Tao sẽ ở lại.

Lan không nói gì. Nàng thầm nghĩ hắn ở lại hay hắn đi cũng chẳng có nghĩa gì khi hắn cũng như Lan còn hoàn toàn tùy thuộc vào gia đình.

Lan nói:

– Sáng nay ra đường trông khác hẳn.

Người bạn hỏi:

– Đối với tao đó là ngày chiến thắng.

Lan lại không nói gì. Nàng bắt đầu nghe lạ tiếng người bạn cùng tên với mình. Cứ ngồi một chỗ rồi muốn nói ngược, nói xuôi, nói gì thì nói, là một điều chán nản đối với Lan.

Tôi đến đây không phải để nghe nói những điều như vậy. Lan mân mê một cuốn sách để trên bàn của người bạn và thầm nghĩ.

Một lát, Lan nhìn thấy một bóng nắng hắt trên tấm kính trên mặt bàn học của người bạn, và nàng chợt nhớ, hình như, hôm qua trong lúc đi chơi với Quang, Lan có thầm nghĩ một điều, nàng sẽ thử bói tình cảm của mình đối với Quang bằng cách đến nhà Lan, nếu Lan gặp bạn, có nghĩa là nàng có yêu Quang.

Lan đã gặp bạn, và điều này làm Lan choáng váng.

Cùng một lúc Lan nghe bạn nói một vài câu nàng tự thấy xa lạ. Lan gặp bạn, nhưng trước khi đi nàng không hề nhớ ra nàng có ý định bói tình cảm của mình, buổi sáng lại thức dậy với một biến chuyển kinh hoàng làm đổi thay cả đất nước, trong suốt mười năm chiến tranh, mười năm không một ngày nào người ta không nghe thấy tiếng nổ, nhưng lại chưa có một ngày nào khủng khiếp hơn cái ngày không còn tiếng súng này, mọi sự đều như lật ngược, biểu hiệu một bộ mặt khác, bắt đầu ngay bằng cái tia nắng sớm thay vì nóng bức, lại nghe lạnh lẽo.

Lan nghe sự lạnh lẽo đó bao phủ trên khắp người mình, trên vai áo, trên hai chân xỏ trong đôi giầy hở mũi, trên những ngón tay đang cầm cuốn sách, khiến Lan có cảm tưởng ghê gai như mình sắp không cử động được nữa.

Người bạn thấy Lan không nói gì quay lại nhìn. Nhưng trước cái nhìn của nàng, Lan không có gì thay đổi cả, không có gì khác lạ. Lan vẫn là Lan, nàng không chỉ không nói chi thôi.

Đúng thế, ngày cũng vẫn bắt đầu bằng mặt trời đang dần dần lên cao, nhưng có phải tất cả mọi người đều đang đổi thay, đổi thay bằng một sự đổi thay thầm lặng và rùng rợn, có thể mọi người đều hay biết hay không hề hay biết một tí gì, như Lan và người bạn trước mặt đây.

Tự nhiên Lan thấy lòng bối hồi và cũng như sự xúc động nàng không hề dự đoán có thể xẩy đến với mình lúc này, Lan bỗng ứa nước mắt. Hai giọt nước mắt chảy ra quá nhanh Lan không kịp giữ lại, không kịp giấu bạn.

Người bạn ngạc nhiên mở to mắt nhìn Lan. Nàng định hỏi xem Lan có chuyện gì buồn, nhưng lại nhìn thấy Lan mỉm cười lấy khăn tay thấm nước mắt.

Lan cười bảo bạn:

– Thành phố này chắc chẳng còn như trước nữa sẽ thay đổi hẳn.

Người bạn hỏi:

– Mày ăn sáng chưa?

Lan nói:

– Ăn rồi.

Người bạn nói:

– Tao với mày ra phố chơi một lúc.

Lan nói:

– Thôi. Ngồi chơi một tí rồi tao về, không muốn đi đâu nữa.

Người bạn bảo Lan:

– Không chừng mày bị cảm đấy. Nằm tạm xuống đó một chút tao đi lấy thuốc cho.

Lan mỉm cười bảo:

– Không có đâu. Sớm mai trời lạnh, tao lại ra đường sớm thành ra bây giờ hơi bị rét.

Người bạn bảo:

– Nắng rồi.

Nàng cũng nói thêm:

– Nếu mày không đi, tao đi một mình vậy.

Khi người bạn nói hai mắt nàng long lanh, hòa lẫn với buổi sáng trong suốt ngoài cửa sổ.

Hai người leo cầu thang xuống nhà.

Lan ngồi ở quầy hàng hỏi:

– Hai chị em đi đâu đấy.

Lan mỉm cười chưa kịp đáp, người bạn đã nói:

– Con đi chơi một tí.

Lan để ý nhìn những lọ đựng kẹo đã vơi dấu hiệu của sự trì trệ, buồn nản trong việc buôn bán.

Mẹ Lan hỏi:

– Sao nhà cháu có định đi không?

Như thế mọi người đều đã bận tâm đến việc đi hay ở.

Lan nói:

– Thưa bác, cháu cũng chưa biết nữa.

Đi hay ở, đó là việc mọi người dù muốn dù không, cũng vẫn phải chọn một quyết định, quyết định ấy sẽ làm đổi thay hay chẳng hề muốn như thế?

Mẹ Lan cười bảo:

– Ba mẹ cháu chắc là đi hả?

Lan cười không nói gì. Nàng loay hoay đứng lại trước mặt mẹ Lan xem bà có nói thêm gì không.

Nhưng mẹ Lan có vẻ không muốn nói thêm gì nữa.

Lan nói:

– Thôi cháu xin phép bác cháu đi ạ.

Mẹ Lan bảo:

– Có rảnh lại chơi nghe cháu.

Ra tới cửa Lan cáo từ người bạn. Đi ngược lên phía Hàng Bông.

Lan cặm cụi đi qua những vỉa hè đông đúc, những hàng quán quen thuộc, mọi người vẫn đi lại, buôn bán, sinh hoạt như thường, nhưng ở các góc đường, vài người phu xe ghếch chiếc xe của mình lên vỉa hè, túm tụm bàn tán chuyện đất nước phân chia với vẻ mặt vênh vang thông thạo, hay lo lắng, trong các căn nhà đi qua ghé mắt trông vào, Lan cũng thấy một vài người đang dán mũi trên trang báo, các cụ già, những người đàn ông đứng tuổi, các bà còn đang rảnh tay sau quầy hàng, quả thật cái tin khủng khiếp đó đang lan tràn như một cơn lụt mỗi lúc một cao hơn, và cùng một lúc nó lại cũng đang mau chóng có vẻ biến thành một chuyện thời thượng nhạt nhẽo.

Cơn nắng sáng Lan nhìn thấy lúc đứng trong phòng người bạn bây giờ đã trở thành cơn nắng gắt làm đổ mồ hôi.

Lan một nửa muốn đi kiếm Quang, một nửa muốn trở về nhà. Sau cùng nàng nghĩ, giờ này chắc Quang cũng chẳng có nhà, tối hơn Lan cũng nên về nhà, hy vọng chính Quang sẽ tới kiếm nàng.

Một chuyện như thế, chắc chắn thế nào rồi Quang cũng đến để xem gia đình nàng sẽ quyết định ra sao.

Lan vẫy một chiếc xe xích lô đạp ở đầu Hàng Gai để đi về. Người phu xe từ bên kia đường định quặt xe sang liền đã vội vàng phải quay ngay trở lại ép sát lề đường để tránh một chiếc xe vận tải nhà binh từ phía Cầu Gỗ chạy tới, trên xe có mấy người lính ngồi cú rũ, tất cả có vẻ chẳng buồn chú ý tới chiếc xe vừa vặn vẹo né tránh vừa rồ máy chạy, khiến người nọ bị xô đổ vào người kia, sau đó mỗi người lại nắm chặt cây súng chống trước mặt giống như một cái gậy.

Lan về đến nhà khoảng gần trưa.

Lan tới nhà vừa lúc người đưa thư của Sở Bưu Điện tới nhà phát thư, Lan cần lấy lá thư thấy đề tên riêng của mẹ nàng. Đó là một điều khiến Lan ngạc nhiên. Tên người gửi cũng lạ hoắc. Bức thư khá dầy và hình như có cả một tấm ảnh nữa.

Lan vào nhà đưa bức thư cho mẹ. Bà Nam đang ngồi sắp lại mấy bộ quần áo trên chiếc sập nhỏ gần cửa sổ. Bà cũng lộ vẻ ngạc nhiên khi thấy lá thư để rõ tên bà. Sự ngạc nhiên của bà biến thành sự bối rối khi bà nhìn thấy tên người gửi.

Bà lẩm bẩm một mình:

– Lạ thật.

Lan lặng yên theo dõi mẹ. Nàng đang lưỡng lự không biết có nên lánh mặt cho mẹ đỡ bối rối chăng thì nghe mẹ bảo:

– Con ngồi xuống đó.

Bà Nam cuối cùng vẫn đọc hết lá thư, nhưng Lan có cảm tưởng bà không hiểu rõ lắm những điều bà đọc hoặc đó là những điều bà đã biết rồi, chẳng cần đọc lại, hay bà có đọc cũng vô ích, mắt bà lướt trên những trang giấy với một vẻ thờ thẫn dần dần trở nên kỳ quặc, bà cầm tấm ảnh để trong phong bì lẫn với lá thư ra xem, ngắm nghía một tí rồi đưa cho Lan.

Bà nói:

– Con có nhận ra ai không?

Đó là một tấm hình gồm ba người, một người con gái và hai chàng thanh niên. Người con gái giống nàng đến nỗi Lan giật nẩy mình, một trong người thanh niên có một người hao hao giống ba nàng, người còn lại hoàn toàn xa lạ.

Họ đứng chụp chung với nhau chỗ lan can nhà Thủy Tạ ăn ra mặt hồ, nơi nàng đã đứng hôm cùng với bố mẹ tới chơi ở đó.

Lan chưa kịp nói với mẹ điều gì thì bà Nam đã bảo:

– Chắc con không biết ai cả phải không?

Lan nói:

– Vâng.

Bà Nam tiếp:

– Mẹ và ba con đó.

Lan chợt hiểu tại sao người con gái trong tấm ảnh giống nàng và người thanh niên giống ba nàng.

Nhưng còn người thứ ba?

Chắc là bạn của hai người, chỉ có thể là như thế.

Bà Nam cũng không nói gì với Lan về cái người thứ ba đó cả.

Lan đưa trả lại mẹ tấm hình. Bà Nam cầm lấy nhìn một lần nữa rồi cất tất cả vào trong chiếc phong bì, để trên bàn.

Buổi trưa sau bữa cơm, lúc Lan từ dưới nhà sau lên, nàng thấy bố đang cầm bức thư và tấm hình coi.

Lan nghe bố nói:

– Thế ra hắn vẫn còn sống hả?

Ông đọc hết lá thư, rồi trở về phòng ngủ trưa.

Buổi chiều, Lan thức dậy hơi muộn, ông Nam đến nhà thương, mẹ nàng cũng đã ra khỏi nhà từ lúc nào.

Lan đi qua, đi lại một mình trong phòng không biết làm gì.

Nàng trông thấy lá thư vẫn còn để trên mặt bàn. Lan tò mò lấy ra đọc.

Tuy ngoài phong bì để tiên mẹ nàng, nhưng lá thư bên trong được viết chung cho cả ba nàng nữa.

Người viết thư hỏi thăm về sức khỏe của hai người, nói rằng cũng biết tin hai người có con, người viết thư cũng nói một cách xa xôi, ngày hòa bình sắp đến, mọi người sắp được gặp lại nhau, nhưng không biết ”chúng ta có gặp lại nhau chăng” bởi vì chẳng hiểu hai người sẽ đi hay ở lại?

Thực ra Lan không hiểu rõ lắm những điều đã đọc được trong lá thư. Chúng dường bị che phủ bởi một lớp sương mù của quá khứ. Lan có cảm tưởng người viết thư vừa có ý miệt thị vừa có ý ghen tuông với những người ông ta đã gửi lá thư.

Thư cũng có nhiều câu khó hiểu giống như giọng một người tình, nhắc nhở với người cũ chuyện xưa, nhưng lại không nói thẳng ra.

Lan coi lại một lần nữa bức ảnh.

Người thanh niên trong đó đã khác xa với ông Nam hiện giờ. Chỉ có mẹ nàng giữ được đôi mắt gần giống như trước, dù khuôn mặt đã thay đổi. Giá không được nói cho biết trước Lan không thể đoán đó là bố mẹ mình.

Tại sao có việc lá thư này được gửi đến tay mẹ nàng? Lan chẳng thể nào đoán biết được.

Đúng vào lúc đó Lan nhìn thấy Quang bước lên thềm nhà, chàng tự mở cửa bước vào.

Quang hỏi Lan:

– Không đi đâu hả?

Lan bảo:

– Anh vào đây em cho xem cái này.

Lan đưa cho Quang xem bức ảnh.

Quang hỏi:

– Ai thế?

Lan hỏi:

– Anh nhận ra không?

Quang không nói gì.

Lan tiếp:

– Ba mẹ em đây.

Quang hỏi:

– Ở đâu ra thế?

– Vừa nhận được.

Quang nhìn Lan như có ý hỏi xem câu chuyện thực ra như thế nào. Nhưng Lan biết gì về việc này? Tuy nhiên nàng cũng nói sơ qua cho Quang biết thư đã nhận được do đường Bưu Điện và hiện nàng cũng đang thử đoán xem câu chuyện ra sao.

Quang cười bảo:

– Thế thì có trời đoán.

Lan nói:

– Cứ căn cứ vào những điều em đã nghe thấy từ trước tới giờ mà đoán thì có lẽ người gửi thư này quen biết ba mẹ em từ ngày còn trẻ. Từ bao lâu nay ba mẹ em tưởng rằng ông ta đã chết. Nhưng sự thật có thể ông ta vẫn còn sống chỉ lưu lạc đâu đó ngoài hậu phương. Thư này được gửi tới mẹ em như một cách là ông ta vẫn còn sống.

Thực ra tất cả những điều Lan vừa nói đó có liên quan gì đến Quang, liên quan gì đến ngay cả Lan nữa?

Quang hỏi Lan:

– Sao, Lan có nghe ba mẹ nói sẽ đi hay ở lại không?

Lan ngồi xuống ghế bảo:

– Chưa. Ba em chưa có gì cả nhưng em chắc ba em sẽ đi chứ không ở lại đâu.

Lan cũng hỏi lại Quang:

– Còn anh?

Quang mở to mắt nhìn Lan. Cái nhìn thăm thẳm khiến Lan chợt nhớ đến buổi sáng, nàng đã đến nhà người bạn để thử bói một điều về chàng.

Quang nói:

– Lan muốn đi hay muốn ở lại?

Lan đáp:

– Quyết định của em không đáng kể?

Quang bảo:

– Đáng kể chứ tại sao không?

Lan hỏi lại Quang:

– Anh tin thế hả?

– Giả thử như cô muốn ở lại.

– Thì sao anh?

– Thì cô cứ ở lại có sao.

– Nhưng có lẽ em không nghĩ như thế.

– Muốn hoặc không chứ có lẽ là thế nào.

– Giản dị lắm, em theo ba mẹ em.

Lan còn muốn nói thêm một câu nữa: ”em còn có thể theo anh nữa” nhưng nàng không dám.

Lan không dám nói và nàng cũng không muốn Quang đoán hiểu điều đó nữa.

Tháng bẩy, rồi tháng tám qua mau lẹ như những trận mưa đổ xuống không giờ giấc trong những đêm khuya, những buổi chiều, Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn giống hệt như một thân thể mất dần những hồng huyết cầu. Người Hà Nội bỏ đi và Hà Nội đang ở trong tình trạng mắc chứng hoại huyết.

Hà Nội võ vàng trong cơn bệnh xâm chiếm đột ngột. Từ những vùng quê xa, từng đoàn người lam lũ, lặng lẽ, ngày ngày gồng gánh, dắt díu nhau lếch thếch kéo về Hà Nội nằm la liệt tại các công viên, các vỉa hè, đầy ắp trên sân Tòa Thị Chính, để được đưa đi tới các phi trường, bến tàu, di cư vào Nam.

Gia đình Lan cũng đã sửa soạn xong xuôi cả chỉ còn chờ ngày lên đường.

Chiều chiều Lan thường ngồi một mình ngoài ban công nhìn xuống khu phố đôi lúc vắng vẻ, đôi lúc chen chúc những đám dân quê níu áo nhau đi như chạy.

Nhìn hàng cây ngang tầm mắt Lan, xòe những cành thấp vào sát tận bao lơn như những cánh tay, những hàng cây xa tít tắp dọc theo các khu phố trong một ngày, trong một chiều, bao nhiêu là tưởng như biến thành hoa hết, bởi tất cả đã vàng óng, rồi cũng trong một buổi chiều khác, những khóm lá như tấm áo của thành phố, phai thêm một lần nữa, trút khỏi cành như những giấc mơ rời bỏ những vầng trán khô cằn, giống như những sợi tóc rụng khỏi những cái đầu đau ốm.

Trong nhiều ngày Lan có cảm tưởng cơn bệnh của thành phố, của những hàng cây lây sang nàng, Lan cảm thấy chân tay nặng nề, không muốn cử động, nàng nhận thấy hơi thở của mình có những chiều thoi thóp trong ngực, Lan thở một cách khó khăn. Nàng mong đợi ngày đi, để đi cho xong, cầu nghuyện cho ngày phải khởi hành đừng đến vội để nàng còn có thể được ngồi ở đây thêm mãi, ở lại với Hà Nội, chia sẻ cái buồn với Hà Nội sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, rũ rượt với Hà Nội, rõ ràng là Hà Nội đang kiệt sức, những đám sương lam buông kín trên thành phố đã làm cho Hà Nội ngạt thở, những ngọn lá còn sót, chẳng khác Hà Nội đang khóc. Lan bị xâm chiếm bởi những cảm giác nặng nề trên, đến nỗi có nhiều hôm nàng tưởng không đứng dậy nổi để đi xuống nhà ăn bữa cơm chiều.

Đêm khuya là lúc Lan sợ không dám ra đứng ở bao lơn ngó xuống phố. Trong ánh sáng của những ngọn đèn lộ, những đám sương mờ ảo, trắng toát, vắt trên những tàn cây, những mái ngói, chẳng khác chút tình cuối cùng vừa bốc ra khỏi một thây ma, những ý nghĩ, tưởng tượng rùng rợn đó đã làm Lan sợ không đủ can đảm đứng nhìn Hà Nội trong đêm khuya, vào những ngày cuối cùng nàng còn ở lại Hà Nội đó. Đôi lúc nghe tiếng heo may thổi lùa qua khe cửa, reo trên mái ngói, Lan muốn nói thầm với Hà Nội nhiều điều, nhưng nàng chẳng thể thốt ra một lời nào, một ước muốn vừa đau đớn vừa nồng nàn như một cơn dục tình. Lan ao ước được hòa hợp, được tan biến vào Hà Nội, đồng thời nàng cũng hoảng sợ khi tưởng tượng ra nàng đang kề sát mặt mũi mình bên một cái xác chết đang bắt đầu lạnh ngắt.

Nàng cũng mong mỏi một buổi chiều nào, ngồi ở bao lơn đó, nàng sẽ trông thấy Quang đi tới. Lan không gọi, nhưng Quang cũng sẽ ngửng lên, và trông thấy nàng. Họ sẽ phải gặp nhau một lần cuối cùng như thế trong Hà Nội, rồi có sẽ gặp nhau ở nơi xa xôi nào khác nữa không, là việc sau.

Lòng mong đợi gay gắt đến nỗi, đã có khi làm Lan tưởng như nàng sẽ chết thật, sẽ không thể nào thở được nữa.

Nhưng cái hơi thở hổn hển đó còn kéo dài mãi, dài như những trận gió heo may thổi quanh Hà Nội, thổi vào Hà Nội, trải dài hơn những hàng cây đang để trơ dần những cành gầy guộc, khẳng khiu.

Tưởng tượng mạnh mẽ đến nỗi, có một lần Lan đút mấy ngón tay mình lên miệng, và nàng có cảm tưởng chúng cháy bùng như những cây nến.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ao%20mo%20phai&page=9

Comments are closed.