Người Việt – một câu hỏi lớn (7)

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà thơ – dịch giả Thiếu Khanh.


THIEU KHANH

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.

Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?

Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.

Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.

Dưới đây là trả lời của nhà thơ – dịch giả Thiếu Khanh.

*Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?

Ký ức tuổi thơ đã ảnh hưởng lên cuộc đời tôi là sự tàn bạo của thực dân Pháp với làng quê tôi. Dưới tay của bọn chỉ huy người Pháp là những tên lính lê-dương (Légion étrangère). Đa số chúng là da đen rạch mặt, được tuyển mộ từ các thuộc địa Pháp ở Châu Phi, và một số lính Miên, Thái.

Có thể thái độ sợ sệt khúm núm của những người dân quê mùa ở những ngôi làng hẻo lánh đã khiến chúng tha hồ có những hành động tàn bạo mà không phải e ngại gì. Từ thuở năm, bảy tuổi tôi đã chứng kiến nhiều tội ác man rợ của chúng. Chúng hành quân (hồi đó gọi là đi pa-trui/patrouille) đến làng Bình Thạnh quê tôi, một ngôi làng cổ rất trù phú ở ven biển (thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong – Bình Thuận), và sau đó đến các xóm ấp Gò Xanh và Cát Bay do người làng tôi tản cư lập nên để truy quét Việt Minh (VM). Chúng thẳng tay tàn sát, đốt phá, và hãm hiếp phụ nữ. Không chỉ bắn người, chúng còn cắt cổ những người chúng nghi là cán bộ VM.

Với tuổi còn non nớt, tôi đã phải chứng kiến việc chúng đốt nhà trong đó có nhà tôi, chứng kiến những xác người bị giết bằng súng hay bị cắt cổ với hai cánh tay bị trói quặt đàng sau, và biết những phụ nữ bị hãm hiếp.

Tôi từng cầm hai bàn tay của bố tôi với hai ngón cái bầm đen như mực vị bị tra điện. Bố tôi tham gia Việt Minh, là xã đội trưởng, bị giặc bắt chung với nhiều dân làng. Bố tôi kể lại với với mẹ tôi, ông và những người cùng bị bắt bị đánh đập, tra điện, đổ nước mắm, nước xà bông vào mũi… Sau thời gian bị giam cầm, bố tôi vượt ngục. Vài năm sau, khi mặt trận làng Bình Thạnh tan vỡ, bố tôi bị chúng truy giết.

Tuổi thơ tôi chứng kiến những điều khủng khiếp như thế nên trong tâm hồn non nớt tôi từ đó đã kết đọng sự căm hờn và u uất.

*Ngày nhỏ anh/chị từng mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?

Tôi mồ côi cha khi mới lên chín. Bố tôi đi kháng chiến và chết trong chiến tranh, không để lại tài sản gì. Dưới tôi có ba đứa em, mà em gái út mới sinh, cuộc sống của một mẹ với bốn con và hai bàn tay trắng trong thời nhiễu nhương đó cực kỳ khó khăn. Mẹ tôi làm lụng rất vất vả, chủ yếu là làm thuê, giật gấu vá vai vẫn không đủ sống, thế mà mẹ tôi lại cho hai đứa con trai lớn đi học!

Sau năm 1954, người dân tản cư khắp nơi lũ lượt trở về, ngôi làng cổ Bình Thạnh bề thế ngày xưa chỉ còn đống gạch đá hoang tàn. Đối với một số người trong làng, học hành là chuyện phù phiếm. Điều cấp bách là lấy gì ăn để sống. Cho nên việc anh em tôi đi học xa nhà ở trường quận rồi trường tỉnh (trường Phan Bội Châu – Phan Thiết, trường Trung học công lập duy nhất ở Bình Thuận) là điều khiến nhiều người trong làng đàm tiếu. Người ta nói thẳng: Để chúng ở nhà đi câu đi lưới, kiếm con tôm con cá mà ăn, chớ đi học rồi lỡ thầy lỡ thợ làm được trò trống gì!

Cho con đi học, mẹ tôi chỉ thực hiện mong muốn của bố tôi khi còn sống. Một hôm nào đó ông ngồi khoanh tay buồn rầu nói: “Đa số dân mình nghèo khổ quá. Nghèo khổ vì dốt nát, và dốt nát nên sinh ra nghèo khổ. Phải làm sao cho con mình được đi học để thoát khỏi nghèo khổ dốt nát mà ngẩng mặt với đời”.

Bố tôi có bằng Sơ học Yếu lược (Certificat Élémentaire), còn mẹ tôi là con gái đầu lòng của ông bà ngoại, năm mười hai tuổi đã sớm mồ côi mẹ, và phải giúp cha trông nom chăm sóc hai người em, nên học hành không nhiều.

Có lẽ mẹ tôi không biết cụ thể sự học sẽ giúp các con thoát nghèo thoát khổ bằng cách nào, nhưng mẹ tôi bất chấp mọi khó khăn mọi lời dè bỉu, quyết cho chúng tôi đi học, để thực hiện điều mong muốn của bố tôi.

Tôi còn nhỏ tuổi, ham chơi và ngu ngốc, không nhận thức hết sự hy sinh lớn lao của mẹ, chưa biết nuôi dưỡng một mơ ước nào đáng kể, nên tôi làm… thơ!

Ông ngoại tôi là nhà nho, sớm bị mù lòa sau một cơn bệnh. Tôi là đứa cháu lớn nhất nên được ông ngoại sai làm người ghi chép gần như tất cả thơ văn phú đối của ông. Do đó tôi học được vần điệu và bắt chước ông làm thơ… Đường luật. Nhưng ông ngoại tôi nhận xét thơ tôi không có khí phách, nếu tiếp tục như thế, cuộc đời sẽ không thành đạt gì.

Có lần tôi nói với mẹ khi lớn lên tôi sẽ viết văn. Không ngờ mẹ tôi buồn rầu hỏi: “Rồi con sẽ bán văn mà sống hả con!?”.

Tôi giật mình ngơ ngác. Câu hỏi của mẹ tôi khiến tôi hụt hẫng. Tôi nhớ đến anh Y, anh lớn hơn tôi khoảng mươi tuổi. Nhà anh rất khá giả, anh Y được gia đình cho đi “du học” tận Sài Gòn. Không biết anh ấy học những gì, nghe nói anh ở lại Sài Gòn để làm báo. Cha mẹ anh hết sức thất vọng về sự “hư hỏng” của đứa con trai duy nhất. Nghề viết văn làm báo bị nhiều người cho là thứ nghề lông bông, không đáng coi là một công việc nghiêm túc.

Gia đình anh Y giàu có, anh “hư hỏng” vẫn không sao. Gia đình tôi nghèo quá, tôi không được phép “hư hỏng”. Tôi rất hoang mang.

Về sau, đọc thấy câu: “Nhà văn An Nam khổ như chó” trong bài thơ Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ, tôi giấu biệt, không kể cho mẹ biết. Kể cả chuyện ông Tản Đà “gánh văn lên bán chợ trời” tuy là cường điệu, “nói điêu,” nhưng cũng làm đậm thêm ấn tượng trong tôi: nhà văn/nghề văn là nghèo khổ.

Dù sao, không phải ai mang mộng trở thành nhà văn từ nhỏ chỉ vì sợ mang tội nghèo mà đều vỡ mộng như tôi. Trên thế giới không những có vô số nhà văn, mà nhiều nhà văn vĩ đại nữa là khác, họ có tài năng và cái chí trở thành nhà văn. Và họ… không sợ nghèo.

*Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?

Lịch sử của dân tộc Việt gắn với nền văn minh nông nghiệp từ xa xưa, dù hiện tại có tiếp thu một số tư tưởng mới từ phương Tây, nhưng quan niệm về cuộc sống của người Việt vẫn nặng sự hòa trộn triết lý nhân sinh của tam giáo cổ truyền: một chút yếm thế của Lão, một phần tính nhân đạo và quan niệm nhân quả của Phật, và tính tôn ti trât tự của Nho giáo. Có lẽ cái phần Nho giáo (nhất là Tống Nho) gây nhiều tai hại hơn hết.

Người Việt sống bằng tinh thần và tình cảm nhiều hơn bằng lý trí. Tinh thần vô vi Lão giáo khiến người ta không muốn tranh đua, làm gì cũng phiên phiến thôi, không cần phải triệt để, rốt ráo; “biết đủ là đủ”.

Tuy không tranh đua nhưng người ta lại rất ganh tỵ trong cuộc sống. Thấy người hàng xóm có thứ gì đó, ta sẽ cố gắng sắm một cái tốt hơn, sang chảnh hơn. Hàng xóm khoe đứa con học giỏi, ta khoe đứa con kiếm được nhiều tiền hơn… Cái đó không phải là tranh đua mà là ganh tỵ. Tính ganh tỵ không xuất phát từ giáo thuyết Lão Trang, nhưng kết hợp với tính không muốn tranh đua dễ chừng khiến cho tinh thần người Việt có phần bạc nhược, chậm tiến.

Trong khi tính nhân hậu và quan niệm nhân quả từ Phật giáo làm cho người ta khoan dung thân thiện, sống có tình với môi trường, người và vật chung quanh hơn, thì quan niệm về trật tự xã hội từ Tống Nho làm hại người Việt rất nặng nề.

Người Việt thời nguyên thủy vốn theo chế độ mẫu hệ; đứng đầu là một Hùng Vương, tức pháp sư trưởng, một bậc minh triết, một đấng thánh nhân, chớ không phải vua, càng không phải hoàng đế con trời! [1]. Đấng thánh nhân minh triết đó không cai trị con người, mà nối kết con người với trời đất, tức nâng con người lên ngang hàng với hai Tài lớn trong vũ trụ để có Tam Tài Thiên-Địa-Nhân.

Trong gia đình của người Việt nguyên thủy, người phụ nữ được coi là nội tướng, cai quản bên trong, ngang hàng với người đàn ông phụ trách việc săn bắn (kinh tế) bên ngoài. Có khi việc “nội trị” quan trọng hơn việc kiếm ăn bên ngoài, khiến vai trò phụ nữ có nhiều ảnh hưởng hơn. Điều này thấy rõ ở các cuộc khởi nghĩa của người Việt vào các thế kỷ đầu công nguyên đều do phụ nữ lãnh đạo. Một thiếu nữ chưa chồng, mới mười chín tuổi là Triệu Thị Trinh đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo hàng vạn người đánh lại quân đô hộ.

Con cái trong gia đình ở xã hội đó không bị coi là thấp kém, phụ thuộc, và phải nhất nhất tuân lệnh người trên. Với quan niệm “Con hơn cha nhà có phúc”, người ta đặt vào con cái sự kỳ vọng sẽ tài năng hơn thế hệ đi trước, làm cho gia đình phát triển tốt đẹp hơn.

Với Nho giáo, người Việt không còn gần gũi với bậc thánh nhân minh triết của mình, mà bị cai trị bởi một hoàng đế con trời có toàn quyền sinh sát. Người cha cũng không còn kỳ vọng những điều tốt lành ở con mình mà cũng có quyền sinh sát với con. Cái tiêu chí “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” đã lấn át tinh thần văn minh rực rỡ độc đáo của người Việt. Cũng trong Nho giáo, vị trí của người phụ nữ sa sút tệ hại hơn. Các bà không còn là nội tướng mà gần như nô lệ, phục tòng quyền lực của ba người đàn ông: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”!

Những điều đó thật thảm hại, nhưng chưa bằng hại của tinh thần tôn quân của Nho giáo.

Dù kinh Xuân Thu được Khổng tử soạn ra với mục đích dùng lời khen chê đế trấn áp những người làm tôi mà giết vua, làm con mà giết cha, và để ngăn chặn những ông vua tàn bạo, nhưng người ta lại căn cứ vào “nghĩa Xuân Thu” để tôn quân, trung quân một cách mù quáng, xuất hiện những kẻ ngu trung, một mực theo vua dù là ông vua tàn bạo, hủ bại. Tinh thần ngu trung của Nho giáo đầu độc nặng nề trí óc của nhiều người Việt, tạo nên trong đầu họ quán tính trung quân kiểu mới một cách tăm tối, khiến đất nước khó bề phát triển. Ngoài nguyên do truyền thống, đó là một di chứng của lịch sử.

Phần đất nước từ sông Bến Hải trở ra, chưa một ngày nào được hưởng không khí tự do dân chủ. Miền Bắc vừa ra khỏi đêm trường của toàn trị quân chủ, đã chịu ngay sự bảo hộ của thực dân Pháp. Người Pháp ra đi thì lại chịu sự cai trị của chế độ cộng sản toàn trị. Với tinh thần trung quân Nho giáo, sau khi bị tuyên truyền tẩy não, người ta dễ dàng tiếp nhận và trung thành vô điều kiện với nhà nước cai trị. Những người vốn chưa sống một ngày nào dưới chế độ tự do dân chủ, không thể nào quan niệm được rằng ở những đất nước tự do, chính phủ chỉ là những người được người dân thuê mướn làm việc cho mình, để phục vụ mình, và được trả lương. Người dân trả lương để thuê anh, thì anh phải làm theo ý dân. Anh không làm được thì dân cho anh nghỉ việc để thuê người khác, chớ anh – chánh phủ – không phải thần thánh hay cha mẹ dân, có quyền hành hạ dân. Nếu anh phạm pháp, thì dù anh đang giữ cương vị tổng thống, người dân cũng có quyền lôi cổ anh xuống và bỏ tù anh, thậm chí người dân Hàn Quốc đã tuyên án tử hình tổng thống tham nhũng của họ.

Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln từng nói về nước Mỹ: “This country, with its institutions, belongs to the people who inhabit it. Whenever they shall grow weary of the existing government, they can exercise their constitutional right of amending it, or exercise their revolutionary right to overthrow it.” (Đất nước này, theo các thể chế của nó, thuộc về những người dân đang sinh sống trên nó. Bất kỳ khi nào những người dân này cảm thấy mệt mỏi với chính phủ hiện tại, họ có thể thực thi quyền hiến định của mình để sửa đổi chính phủ, hoặc thực hiện quyền cách mạng để lật đổ cái chính phủ đó).

Có lẽ có một số rất lớn người dân chưa có cơ hội nếm trải chế độ tự do dân chủ, rất xa lạ với những ý tưởng này. Họ có thể lạnh mình vì chuyện lật đổ chính phủ. Họ luôn gán “tội” phản động cho bất cứ ai tố cáo chính phủ độc tài và quan chức tham nhũng. Thậm chí biểu tình chống Tàu cộng xâm lược biển đảo quê hương cũng là “phản động”. Não trạng của họ chuyển từ trung quân sang “trung với đảng” và chỉ biết “còn đảng còn mình”, như ngày xưa “quân sử thần tử thần bất tử bất trung”. Họ vui lòng ăn thức ăn, uống nước, thở không khí ô nhiễm, và ra rả chửi bới những ai chống lại các tác nhân gây ô nhiễm.

Nhà văn, nhà điện ảnh kiêm tâm lý học người Tây Ban Nha Alejandro Jodorowsky đã nói “Birds born in a cage think flying is an illness”. (Những con chim sinh ra trong lồng cho rằng sự bay là bệnh hoạn).

*Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?

Có lẽ sự tồn tại của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam hiện nay là điều tự hào lớn nhất trong lịch sử nước nhà. Từ sau thời đại Hùng Vương đến nay, trải qua hơn hai ngàn năm, trong đó có hơn một ngàn năm bị Tàu đô hộ, và một ngàn năm độc lập tự chủ thì vẫn phải liên miên chinh chiến, vừa để tự vệ vừa để mở rộng giang sơn, trải qua vô số tình huống hiểm nguy, mà đất nước vẫn còn, dân tộc Việt Nam vẫn còn, thậm chí tiếng nói của dân tộc và nhiều giá trị tinh thần của dân tộc vẫn còn tồn tại. Thật đáng tự hào.

Nhưng bên cạnh đó lịch sử vẫn có không ít điều đáng hối tiếc.

Do hoàn cảnh lịch sử, dân tộc ta chịu ảnh hưởng văn hóa của Tàu là điều không tránh khỏi được. Nhưng ảnh hưởng văn hóa nặng nề nhất từ học thuyết Nho giáo đã buộc ta phải chịu sự ràng buộc chính trị với Tàu. Chính Nho giáo với tinh thần tôn quân đã luôn đặt các vị hoàng đế, kể cả những hoàng đế anh hùng kiệt hiệt của ta, sau khi đánh bại các cuộc xâm lăng của chúng, phải chịu hạ mình cầu hòa và triều cống, chịu để chúng phong vương – tức là nhận lệ thuộc vào chúng.

Winston Churchill, vị Thủ tướng lừng danh của Anh Quốc từng bảo: “Study history, study history. In history lie all the secrets of statecraft”. (Hãy học lịch sử, học lịch sử đi. Trong lịch sử chứa đựng tất cả các bí quyết điều hành một nhà nước). Cụ Đào Duy Anh cũng cho rằng nguyên liệu lịch sử then chốt là tri thức, chớ không phải ý chí. Có lẽ những nhà điều hành đất nước ngày nay quá duy ý chí, đã không đọc hay đọc mà không lãnh hội những bài học lịch sử.

Lịch sử của thế kỷ 20, 21 đã không còn giống gì với hoàn cảnh lịch sử đất nước nhiều thế kỷ trước. Sau khi “đánh thắng đế quốc Mỹ”, “giải phóng Miền Nam” thống nhất đất nước, thay vì “đốt tráp”[2] tha tội, hòa giải hận thù, đoàn kết lòng dân để phát triển đất nước, những người chiến thắng đã đày ải những người đồng chủng chiến bại, cào vét hết của cải của nhân dân miền Nam, xua đẩy nhiều gia đình lên vùng kinh tế mới… Rồi lại sợ “lòng dân còn nhớ tiên vương”, nên phải xun xoe xưng thần với Trung cộng, nhờ chúng che chở, khiến chúng hỗn láo coi ta là “đứa con hoang” và kêu gọi ta trở về với thiên triều. Thật nhục nhã, đáng tiếc.

*Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?

Qua những biến cố thăng trầm của lịch sử người ta thấy rõ một điều là trong hoạn nạn hay bị xâm lăng thì người Việt đoàn kết để có được một sức mạnh chiến thắng giặc thù, vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng trong hoàn cảnh bình yên, nếu là một tập thể thì hầu như luôn xảy ra cảnh “chín người mười ý”, kèn cựa ganh tỵ nhau, mỗi người là một đỉnh cao, không ai phục ai, không ai có tinh thần tập thể, dù từ xưa người Việt đã nhận ra “Một cây làm chẳng nên non” phải “ba cây chụm lại” thì mới nên việc. Xu hướng trên thế giới ngày nay là hợp tác, và làm việc với tinh thần đồng đội, là một thách thức lớn với người Việt.

Thêm vào đó, dường như người Việt thích lý thuyết và làm thầy hơn là phát triển kỹ thuật và trực tiếp làm công nhân. Tình trạng này được giáo dục làm cho trầm trọng thêm với hàng ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, trong khi công nghiệp trong nước thiếu công nhân lành nghề, một lực lượng lớn lao động trẻ hàng năm được xuất khẩu đi lao động phổ thông ở nước ngoài.

Mặc khác, dường như phần lớn người Việt ít chịu suy nghĩ độc lập, mà dễ chấp nhận ý kiến của những người có quyền thế. Tình trạng này rất phổ biến với mức độ khác nhau, nhưng có lẽ phản ảnh rõ rệt nhất trong một số không nhỏ những người mà, theo họ, đất nước chỉ gồm các nhà lãnh đạo ở trên, và ở dưới là “thần dân” có bổn phận phải vâng lời, mọi phản biện là phản động. Họ chửi bới bất cứ ai nói khác ý kiến của các lãnh đạo của họ.

Từ đầu thế kỷ 20, cụ Phan Bội Châu đã loại bỏ khái niệm về nhà nước gồm hai thành phần là nhà cai trị và thần dân, và xác định đất nước bằng các khái niệm toàn dân, lãnh thổ và chủ quyền. “Trong ba thành phần này, toàn thể công dân là nhân tố quan trọng nhất – những người đã thức tỉnh, ngày càng được giáo dục tốt và được vận động bằng chủ nghĩa yêu nước tổng quát hóa hơn là lòng trung thành với một nhà lãnh đạo”.[3]

Tuyệt đối trung thành với một nhà lãnh đạo nhỏ hay lớn có thể đưa đến tình trạng nô lệ tư tưởng một cách lố bịch. Trong cuốn Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, tác giả David G. Marr nêu một ví dụ vui: Ông Trần Hữu Độ, nhà cách mạng Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20 kể rằng: một viên chức người Pháp có thói quen thích một loại chuối rất bình thường làm món tráng miệng. Chẳng bao lâu sau đó, tất cả bọn người Việt dưới quyền ông ta cũng tìm ăn cùng loại chuối đó, và ca ngợi nó tận mây xanh, rồi nhạo báng các người xung quanh, những kẻ nhìn thấy quả chuối mà không biết đó là một món tráng miệng “văn minh”!

Nếu xác nhận những tính cách nào đó là tiêu cực, hẳn người ta tự tìm cách sửa chữa theo chiều hướng tốt hơn. Có lẽ khó ai có thể/dám chủ quan đưa ra một cái gì là cần nhất cho mọi người Việt hiện nay.

[1] Đọc: Thiếu Khanh, The Birth of VietnamDịch và ngẫm nghĩ: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/the-birth-of-vietnam-dich-v-ngam-nghi/

Thiếu Khanh, Vương đạo và vị Hùng vương thứ 19: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/vuong-dao-v-vi-hng-vuong-thu-19/

[2] Sử chép: sau khi đánh đuổi xong giặc Nguyên Mông, triều đình nhà Trần họp lại thưởng công cho tướng sĩ. Có người đem trình những “tráp” chứa đầy chứng cớ văn thư liên lạc hàng giặc của một số quan viên tướng lãnh, vua Trần Nhân Tông không xem mà sai đốt hết, tha tội cho những kẻ hèn nhát đó để họ không còn sợ sệt mà từ nay dốc lòng xây dựng đất nước.

[3] Theo David G. Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, University of California Press.

Comments are closed.