Nguyễn Hoàng Anh Thư Nhà văn: “Người nặn tò he” trong văn chương

Lê Vũ Trường Giang (tạp chí sông Hương) phỏng vấn Nguyễn Hoàng Anh Thư – Cho tiểu luận về năng lượng trẻ

1. Chị bén duyên với văn chương từ khi nào? Trong hoàn cảnh nào? Có sự thôi thúc nào chăng?

– Thật ra, gọi là “bén duyên” thì mình “bén” từ những năm học phổ thông, nhưng thời đó chỉ viết thơ, tản văn lưu lại trong sổ tay như một dạng ghi chép cá nhân, mình viết chỉ mình đọc. Năm 2013, mình mới bắt đầu chính thức sáng tác, mình viết miệt mài trong 3 năm liền, giống như một cuộc chơi càng viết càng đam mê, có lúc cảm chừng như mình không đủ thời gian còn lại để viết tất cả những gì mình muốn, song hành cả thơ và truyện ngắn

2. Quan niệm của chị về truyện ngắn?

– Truyện ngắn như là một lát cắt của đời sống, nhưng là “lát cắt” bén và sâu. Truyện ngắn đòi hỏi phải có ý tưởng mới lạ, khám phá. Nhiều người cho rằng, phải viết cái gì lớn mới thể hiện được cái tầm lớn, nên viết tiểu thuyết thì mới khẳng định được tầm của một nhà văn. Mình không nghĩ thế, thể loại không làm nên thành công của một tác phẩm. Với truyện ngắn, mình có thể thỏa mãn được sự sáng tạo trong lối dựng truyện, phá cách trong kết cấu, độc đáo trong việc thể hiện ý tưởng… Những nhà văn mà mình yêu thích đọc hầu hết họ chủ yếu viết truyện ngắn. Mình thích lối truyện ngắn có ngôn ngữ tinh lọc, ngôn ngữ nhẹ nhàng mà thấm, như thơ vậy. Những tình huống, lời thoại, chi tiết…đôi khi chỉ là những cú chạm rất nhẹ, cốt đủ lột tả được thần hồn của nhân vật. Những truyện ngắn có sức chưa lớn hơn khuôn khổ của nó, có sức nén càng lớn thì nó có thể mạnh rất nhiều lần so với tiểu thuyết.

Mình thích kiểu “truyện  chớp”, theo cách gọi của nhà văn Đặng Thơ Thơ, cũng là một dạng truyện ngắn, thiên về cảm nhận, những dòng lột tả nội tâm từ ngoại cảnh, với ngôn ngữ tái hiện sinh động, nhiều lớp cảm xúc và thể hiện được ý tưởng độc đáo. Loại truyện này như là dùng ngôn ngữ để chớp lại như một người thợ chụp ảnh, cảm xúc chân thực và tự do xoay hướng,thay đổi góc nhìn để mang lại cảm hứng mới mẻ.

3.  Đôi điều về xu hướng văn chương chị đang theo đuổi?  (Bút pháp, Đề tài)

– Hiện tại tôi thiên về thơ và truyện ngắn, đang có dự định sẽ viết bút ký. Về bút pháp thì tôi sử dụng đa dạng lắm, khi tả thực, khi tượng trưng,lúc huyền ảo, thơ cũng như truyện.

Về thơ, viết mọi thể thơ, cũ – mới, từ lục bát đến hậu hiện đại, từ thất ngôn đến tự do, kể cả thơ tân hình thức tôi đều trải nghiệm. Mỗi bàithơ phải là một sự khám phá ý tưởng, đôi khi như một câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ  thú vị của thơ, sự ẩn ý trong nó mang lại cho mình một cái thú như trò trẻ con chơi trốn tìm. Và thơ cũng như là một cách sám hối trong bóng tối. Vì vậy, đã dấn mình vào thơ thì khó dứt bỏ mạch cảm xúc của nó, thật tò mò và đầy cám dỗ. Đề tài của thơ tôi viết thì đa dạng, nhưng đa số là đề tài xã hội, con người trong các mối quan hệ nhân sinh. 

Nói về thơ thì vô vàn, tôi xin mượn lời của nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng  nhận định về thơ tôi vậy: “Nguyễn Hoàng Anh Thư hướng về sự chia sẻ và đối thoại trong thơ. Con người chỉ có thể sống sót và lớn lên trong quan hệ với người khác, chịu ảnh hưởng của xúc cảm của người khác và chiếu ngược trở lại ánh sáng của tâm hồn họ lên chúng. Trong một xã hội thiếu tự do, sự đồng cảm sẽ bị thương tổn nhiều nhất, sớm nhất, dẫn tới sự không khoan dung và lòng thù hận. Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư chống lại điều ấy, bằng cách kêu gọi trước hết sự hiểu biết chính mình, đi ngược những nguồn cội của xúc cảm, tìm ra tiếng nói chung. Thơ trữ tình của chị không phải chỉ là sự bày tỏ mà còn là hướng tới việc giải thích và lời kêu gọi, niềm vui tựa vào hạnh phúc của kẻ khác. Mặt khác, với cái nhìn điềm tĩnh, phong cách châm biếm, thơ chị là sự phê phán xã hội, sự phân tích sáng tỏ các tình huống. Lòng thương cảm là kết quả cuối cùng của sự chia sẻ và phê phán này. Đôi khi thấp thoáng bút pháp hậu hiện đại, thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư vẫn đứng vững trên niềm tin về những mục đích mà thơ ca theo đuổi: cái đẹp, tựdo, lòng nhân ái”

Về truyện ngắn, với đề tài, thì tôi quan niệm nhà văn như một “người nặn tò he”, đa dạng và nhiều sắc màu. Với bút pháp thì tôi thích những gam màu lạnh, và cũng thỉnh thoảng cũng dùng những gam màu cháy bỏng. Nhưng tôi muốn sự khác biệt, tạo ra một phong cách của riêng mình.Tôi từng trả lời trong một bài phỏng vấn, về bút pháp truyện ngắn của tôi là: “Sự khác biệt đó thể hiện qua từng lời văn. Người làm thơ hay viết truyện với lối văn súc tích, hàm ẩn và đặt biệt chú ý đến cả âm hưởng của câu văn. Tôi thường khắc họa hình tượng mà không hề miêu tả trực tiếp, hay tả thực. Hầu như đó chỉ là những dòng văn cảm nhận và hình dung của tự người viết hoặc từ nhân vật. Chủ đề truyện giống như là thơ, những băn khoăn day dứt về con người, về cuộc sống hiện tại. Cuộc sống đi vào truyện phải được chuyển tải bằng thứ diễn ngôn thơ thì tuyệt hơn nhiều là ngôn ngữ trần trụi”. Trong mỗi tác phẩm, nhà văn sẽ tìm thấy được sự ngọt ngào khi nếm được nỗi đau, sự cô độc của chính mình, đó là một liệu pháp hữu hiệu để mình tự trò chuyện được với chính mình, vậy nên việc viết đôi khi không cần độc giả.

Với bất kỳ thể loại nào, tôi cũng muốn viết giản dị, giản dị trong ngôn ngữ và diễn đạt ý tưởng, càng viết thì tôi càng muốn thoát ra khỏi mọi sự phức tạp của văn chương. Sự giản dị mà tinh tế và độc đáo, điều đó thật là khó đạt được lắm. Và dù sao đi nữa, một người sáng tác không bao giờ muốn định hình, lặp lại khuôn mẫu của mình, phải luôn thay đổi, làm mới thì mới đúng nghĩa của một người sáng tạo.

4. Chị nghĩ gì về văn chương Việt đương đại trong mối tương quan với văn chương thế giới?

– Về văn chương Việt đương đại, trong cái nhìn của mình, so với văn chương của mấy mươi năm trước nó thật “đồ sộ”, nhưng chỉ là” đồ sộ” về lượng, còn chất thì vẫn còn rất ít nếu so với văn chương của thế giới. Tôi thường hay nói đùa rằng, không biết trăm năm sau, văn chươngViệt có bằng văn chương thời phục hưng của các nước phương Tây không. Nói như vậy không phải là nhìn bi quan, mà là luôn mong muốn văn chương đương đại Việt có những tác phẩm xứng tầm với văn chương thế giới. Hiện tại, văn chương Việt đương đại (trong nước) vẫn chưa có dòng chảy trong quỹ đạo của văn chương thế giới. Và tôi luôn mong, có những nhịp cầu kết nối văn chương Việt với thế giới, phát triển hơn về nghiên cứu, dịch thuật và xuất bản, để bạn bè văn chương thế giới hiểu hơn về văn học, văn hóa, con người Việt Nam. 

5. Những người viết trẻ đang phát triển như thế nào trong cái nhìn của chị?

– Về câu hỏi này, tôi rất ngại bởi phải viết “tuyên ngôn”, bởi đôi khi trình bày một cách chân thực ra thì dễ phật lòng nhiều người viết trẻ. Có nhiều người viết trẻ rất xuất sắc. Bên cạnh đó, tôi còn thấy rằng, người viết trẻ hiện tại rất giàu năng lượng, có lòng đam mê văn chương dư thừa nhưng phần lớn chưa định hình được lối viết của mình. Hoặc phần lớn họ viết như lối phô diễn ngôn từ mà không có hình trạng, ý tưởng. Nhiều lúc đọc họ, tôi lại thấy bóng dáng văn phong của một tác giả nào đó mình đã đọc. Muốn đổi mới văn chương, trước hết phải vun đắp cho mình cái cốt lõi, nền móng Á Đông truyền thống. Bởi văn chương hiện đại mà không có cái gốc Việt của mình thì không hiểu văn ấy viết ra dành cho ai đồng cảm thấu hiểu.

6. Chị có “người thầy văn chương” hay thần tượng?

– Tiếc là mình chẳng có “người thầy văn chương” nào. Mình yêu thích nhiều nhà thơ, nhà văn; với tác giả trong nước, đó là những nhà văn nhà thơthuộc thế hệ xưa. Nhận thấy mình cũng “cổ hủ” thật; với văn học nước ngoài thì thích nhiều. Và “ thần tượng” mang lại cảm hứng sáng tác cho mình lại không phải là nhà văn nhà thơ, mà đó là Albert Einstein, xin trích một đoạn ngắn trong bài tiểu luận ông viết tại Berlin năm 1930 khi ông 51 tuổi: “Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song, nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng ta đến đây vì người khác – trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông”

7. Chị có thể nói đôi điều về một tác phẩm văn chương mà chị yêu thích nhất cho đến nay?

– Nếu chỉ được lựa chọn một, tôi chọn tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng – O’Henry”, đó là một truyện tôi yêu thích từ nhỏ, và lớn lên, vẫn chưa quên cái cảm xúc khi lần đầu đọc truyện này. Kết cấu câu chuyện như một cán cân của thần Chết, thật cân xứng đến mức kinh ngạc. Một đêm mùa đông mưa gió bão bùng, người họa sỹ già cùng với chiếc thang, cây đèn bão và ngọn lá trường xuân, tất cả đang run rẩy. Đó là một tuyệt tác nghệ thuật mà tôi từng thấy. Một sự sống đã hồi sinh trong cõi chết, lòng đam mê và tài năng nghệ thuật đã tạo nên sức mạnh diệu kỳ ấy. Ồ không, người nghệ sỹ họ đã đánh đổi cả trái tim để lưu lại niềm tin vĩnh cửu cho thế gian này.  

clip_image001

Comments are closed.