Nguyễn Viện – một tác giả gây chia rẽ người đọc

Lý Đợi phỏng vấn

image[2]

Nguyễn Viện 2023 – ảnh: Lý Đợi

* Để cho độc giả mới hôm nay có thể tiện theo dõi, xin bắt đầu câu chuyện từ khoảng 20 năm trước. Tiểu thuyết “Rồng và Rắn” (2002), hay “Thời của những tiên tri giả” (2003) đã mở ra tinh thần phản kháng của anh trong trang viết?

– NGUYỄN VIỆN: Tiểu thuyết Rồng và Rắn của tôi được Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ xuất bản năm 2002 tại Mỹ, gồm bốn tác phẩm: Thời của những tiên tri giả, Đâm sừng vào bóng tối, Người dẫn đường đã tới, Rồng và Rắn. Sau đó, Thời của những tiên tri giả đã được in lại ở Việt Nam do NXB Công An phát hành vào năm 2003. Tuy nhiên, cuốn sách đã bị thu hồi ngay sau đó mà không có bất kỳ một văn bản quyết định chính thức nào của chính quyền.

Tuy không phải là những tác phẩm đầu tiên của tôi được xuất bản, nhưng quả thật, với Rồng và Rắn, trong đó có Thời của những tiên tri giả, đã mở ra một cách viết khác, không chỉ là một tinh thần phản kháng không khoan nhượng, mà tôi đã tự đổi mới mình bằng một bút pháp hay nghệ thuật khác, một hình thức thể hiện khác nhằm tương thích với nội dung truyền đạt của mình. Tôi gọi đó là không gian văn chương Nguyễn Viện. (*)

Sự mở đầu ấy đã đến một cách tự nhiên như nó phải thế của tâm thế tôi trước thời đại. Nói cách khác, đó cũng là sự thức ngộ của tôi trước lịch sử và những vấn nạn chính trị xã hội đương thời. Tôi đã bước ra khỏi dòng văn chương chính thống một cách triệt để nhất theo mọi nghĩa và hệ lụy của sự thức ngộ ấy là tên tôi bị loại trừ trên tất cả các phương tiện truyền thông, cũng như bị cấm cửa trong hệ thống xuất bản phát hành trong nước.

Bạn không cần phải ái ngại cho tôi, bởi tôi cho đấy là một niềm vui, một sự may mắn. Tôi đã tự vất bỏ vòng kim cô của hệ tư tưởng độc đoán và lỗi thời ra khỏi cuộc sống mình. Tôi trở thành người tự do. Và phản kháng là một phẩm chất tất yếu của một nhà văn tự do. Tôi không còn bận tâm viết thế này thì có đụng chạm đến chế độ không, có in ấn được không. Tôi không phải luồn lách như loài rắn, hoặc phải ẩn dụ, ám chỉ như những tên chỉ điểm.

Tôi không còn bận tâm viết thế này thì có đụng chạm đến chế độ không, có in ấn được không. Tôi không phải luồn lách như loài rắn, hoặc phải ẩn dụ, ám chỉ như những tên chỉ điểm. – Nguyễn Viện.

* “Phản kháng là một phẩm chất tất yếu của một nhà văn tự do”. Anh nói “không cần phải ái ngại cho anh”. Nhưng xin hỏi thật, lúc ấy tòa soạn và vợ con có ái ngại không? Anh làm sao để vượt qua?

– NGUYỄN VIỆN: Khi tôi bị buộc phải rời khỏi báo Thanh Niên chỉ vì có truyện đăng ở hải ngoại, với chapeau giới thiệu của tạp chí Hợp Lưu rằng “Nguyễn Viện là Trưởng ban Văn Nghệ báo Thanh Niên”, điều ấy giống như tôi là kẻ “hồi chánh” trong thời chiến tranh và là kẻ phản bội ở thời bình. Một kẻ “vượt biên” trái phép. Vào thời điểm năm 2001, cho dù chỉ là đăng một câu chuyện tình ở hải ngoại, thì nó vẫn được coi như một scandal văn nghệ. Quả thật, đáng quan ngại với tòa soạn, tôi tin thế, bằng chứng là tôi bị đuổi việc. Nhưng cá nhân tôi hay gia đình tôi, đấy không phải là điều gì quá ghê gớm. Tôi vốn từng là một tù nhân lương tâm mà. Nó cũng không gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình tôi bao nhiêu, bởi ngay ngày hôm sau, tôi đã có việc làm bên phụ san Chủ Nhật của báo Gia Đình & Xã Hội tại Sài Gòn. Nhưng cũng phải thú thật rằng, tôi đã rất lận đận khi phải đi qua nhiều báo khác nhau với áp lực từ phía an ninh để kiếm cơm.

Trong giai đoạn khó khăn này, tôi không quên ơn các nhà thơ Trần Quang Quý, Trương Nam Hương, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa giúp tôi về báo Gia Đình & Xã Hội. Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu cho tôi vài chỗ làm, tuy không thành công. Nhà thơ Ý Nhi và nhà báo Hoàng Hoài Sơn giúp tôi làm tạm tại báo Pháp Luật (văn phòng phía Nam). Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, tuy không thể đưa tôi về tuần báo Doanh Nghiệp, nhưng luôn sẵn sàng đăng thơ cho tôi kiếm bạc cắc, bất cứ lúc nào. Cho đến bây giờ, anh Thái vẫn là người rất tử tế với tôi, luôn có sẵn café và đường kiêng cho tôi khi ra uống với ảnh ở quán cuối nhà thờ Đức Bà, thậm chí có thể uống café ở đó miễn phí, khi không có ảnh. Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long giúp tôi về báo Đẹp. Đặc biệt, Dương Minh Long còn nhờ tôi làm một loạt phỏng vấn các tên tuổi quan trọng với số tiền nhuận bút rất lớn so với thời ấy, một bài phỏng vấn bằng một tháng lương của báo Gia Đình & Xã Hội. Hồ Thu Hồng (Beo) đưa tôi về báo Thể Thao & Văn Hóa. Phạm Tường Vân nuôi tôi ở Saigon City Life. Có một người tôi cũng không bao giờ quên là nhà báo Nguyễn Hồng Lam bên báo Công An Nhân Dân, dù chỉ là một lời nói: “Anh viết bài ký tên khác đưa tôi đăng”, cũng là cách Trương Nam Hương giúp tôi bên báo An Ninh Thế Giới. Một “đồng chí công an” khác là nhà văn Nguyễn Thành Phong giúp tôi in cuốn tiểu thuyết Thời của những tiên tri giả (NXB Công An Nhân Dân)…

Còn một chỗ tôi không thể không nhắc ở đây là BBC của nước Anh xa xôi nhưng rất gần gũi với người Việt Nam. Tiền bạc quả thật không đáng kể, nhưng tình nghĩa thì quá lớn. Nguyễn Giang và Hồng Nga đã mang đến cho tôi một niềm vui lớn. Hồi ấy, Hồng Nga còn muốn đưa tôi qua Bangkok tập huấn về kỹ thuật làm báo truyền thanh, nhưng tôi bị cơ quan chủ quản của báo Thanh Niên giữ hộ chiếu nên không đi được.

Và tôi chỉ thật sự ổn định khi về làm cho một công ty quảng cáo của cô bạn từ năm 2006 cho đến lúc nghỉ hưu, đúng 65 tuổi. Tất nhiên là cô ấy cũng không tránh khỏi bị an ninh “sờ gáy” như mấy chỗ khác.

Sau này, tôi còn biết một nhân vật “trong bóng tối, tôi đã cứu ông nhiều lần”. Đó là chị Phan Thanh Lệ Hằng ở Cục Báo chí.

Nhưng trên hết, yếu tố giúp tôi vượt qua hoạn nạn chính yếu là một động lực sáng tạo dựa trên sự nghịch thường của đời sống. Tôi tìm thấy trong cái vũng lầy của xã hội một quặng mỏ chất liệu cho sáng tác và với ý chí làm thay đổi đời mình, văn chương mình, tôi đã viết miệt mài, viết như không thể không viết. “Viết như ma ám” như một vài người đã nhận xét về tôi như thế. Văn chương trở thành dưỡng chất nuôi sống tôi phương phi khỏe mạnh. May thay, lúc ấy trang văn học Tiền Vệ ở Úc ra đời với chủ trương cách tân không giới hạn, sau đó không lâu có thêm trang Da Màu ở Mỹ, tôi có đất để sống. Rồi Talawas bên Đức nữa, tôi có thêm chỗ để đọc và viết.

Tôi đã coi hoạn nạn như một cơ hội. Và cái nghịch thường trong cuộc đời ấy đã biến tôi từ một kẻ khó chịu thành một kẻ giễu nhại và phạm thánh.

* Anh có thể tóm tắt ngắn gọn hai tiểu thuyết này trong vài dòng và cả ẩn ý, thông điệp, để khiến nó trở thành cái gai trong mắt của phía quản lý thời bấy giờ?

– NGUYỄN VIỆN: Có lẽ tôi nên bắt đầu với tiểu thuyết Thời của những tiên tri giả. Trước hết, Thời của những tiên tri giả là truyện đã được in chung trong cuốn Rồng và Rắn, trước khi quay lại in ở trong nước với tư cách độc lập. Đồng thời, Thời của những tiên tri giả cũng là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự thay đổi của tôi trong bút pháp, từ cấu trúc đến nghệ thuật ngôn ngữ. Nó đã tạo ra sự khác biệt của một Nguyễn Viện như nhiều người nhận xét.

Có thể nói, Thời của những tiên tri giả là tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam đầu tiên được nhìn từ phía những nạn nhân của nó sống ở miền Nam sau 1975, xuất hiện ở hải ngoại cũng như trong nước. Thời của những tiên tri giả kể về những khốn khổ mà người dân miền Nam đã kinh qua từ những biến cố khốc liệt nhất của cuộc chiến, Mậu Thân 1968, mùa Hè đỏ lửa 1972 và cuộc tổng tấn công 1975 dẫn đến chấm dứt chiến tranh và những hệ lụy của cuộc thống nhất đất nước, xuyên qua câu chuyện của một gia đình có người thân vốn đã thuộc về hai phía như bản chất của cuộc chiến tranh ấy. Nội chiến.

Lồng trong thảm kịch của người dân, tôi đã cho chen ngang vào mạch truyện những đoạn như sấm truyền của chủ nghĩa duy ý chí để phơi bày cái linh hồn của cuộc chiến. Một kẻ dẫn dắt điên cuồng cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc Việt. Chính ở điều này, nó tạo cho tác phẩm một khác biệt không chỉ trong tư duy, quan điểm mà còn ở cấu trúc mang dấu ấn cách tân của tôi.

Truyện thứ hai trong Rồng và RắnĐâm sừng vào bóng tối. Nó cũng có một cách viết như Thời của những tiên tri giả, trong Đâm sừng vào bóng tối cũng đã có hai dòng chảy song hành giữa một cuộc tình lãng mạn say đắm của một đôi tình nhân “bên bờ vũ trụ” và nỗi cô đơn khốn cùng của một con tê giác lầm lũi đâm sừng vào cái vô tận của bóng tối. Truyện này, được đăng lần đầu trên tạp chí Hợp Lưu vào năm 2001, cũng là lần đầu tiên truyện tôi xuất hiện ở hải ngoại. Và chính nó đã là cái nguyên khởi của mọi gian truân trong cuộc sống tôi. Kẻ bị khai trừ.

Truyện thứ ba, Người dẫn đường đã tới. Người dẫn đường ở đây là một bà thầy bói bằng lá. Vì thế, được gọi là bà Năm Lá. Và nhờ tài bói toán, bà Năm Lá nhếch nhác trong xóm nhà tôi đã trở thành một giáo chủ lừng lẫy uy quyền. Đấy, ngay cả bạn, nếu bạn muốn, bạn cũng có thể trở thành một giáo chủ, lãnh tụ, hoặc đại gia, bằng cách kinh doanh tâm linh, hoặc niềm tin của con người. Lịch sử nhân loại chẳng phải đã được dẫn dắt bởi các nhà tiên tri hoặc thầy bói sao?

Truyện cuối, Rồng và Rắn. Có lẽ Rồng và Rắn là thành quả hay trải nghiệm của một cuộc sống bị giám sát, theo dõi. Cái bóng ma trong truyện không chỉ là ám ảnh của một quá khứ chiến tranh, mà còn là một xung đột của thì hiện tại về ý thức và mối quan hệ xã hội trong hệ thống cai trị của chế độ độc tài. Con người bị mai phục và trấn áp toàn diện theo mọi chiều kích của sống và chết, quá khứ và hiện tại.

Tất cả bốn tiểu thuyết ấy không chỉ là những bi kịch trầm uất của cuộc sống con người Việt Nam hôm nay, mà còn đầy chất bi hài của chính những người trong cuộc, cai trị và bị trị. Vì thế, văn chương tôi bỗng thành giễu nhại một cách hậu hiện đại. Cũng bởi, không đâu hơn Việt Nam, một xã hội hỗn độn đa tầng, rất hậu hiện đại và kỳ quái.

Văn chương tôi là một sản phẩm của thời đại. Trong hoàn cảnh đặc thù của xã hội đương đại, giả dối và tàn bạo, tôi là kẻ muốn sống sót và sống sót bằng chữ nghĩa, một cách chân thật. – Nguyễn Viện.

* Còn về bút pháp tiểu thuyết, nếu so với mặt bằng chung thời bấy giờ, anh tự thấy cách viết của mình ra sao?

– NGUYỄN VIỆN: Thời bấy giờ và ngay cả bây giờ, tôi tự thấy tôi không giống ai. Văn phong và cách viết hoặc bút pháp của Nguyễn Viện là một Nguyễn Viện, độc nhất.

Văn chương tôi là một sản phẩm của thời đại. Trong hoàn cảnh đặc thù của xã hội đương đại, giả dối và tàn bạo, tôi là kẻ muốn sống sót và sống sót bằng chữ nghĩa, một cách chân thật.

* Với các tiểu thuyết như “Chữ dưới chân tường” (2004), “Em có gì bí mật, hãy email cho anh” (2008)… thì nhiều người còn cho rằng nó đang phản tiểu thuyết. Anh bình luận hoặc bào chữa nhận định này ra sao?

– NGUYỄN VIỆN: “Phản tiểu thuyết”? Thật tuyệt. Tôi chẳng có gì phải bào chữa. Vì đúng là tôi muốn phản tiểu thuyết. Chẳng những thế, tiểu thuyết của tôi còn được Phạm Thị Hoài cho là “phản lịch sử, phản hư cấu, phản hiện thực” như trong lời giới thiệu tiểu thuyết Đĩ thúi đăng trên Blog Pro&Contra của nhà văn này. Hoặc nhà báo Mặc Lâm viết trên RFA (đài Á châu Tự do của Mỹ), rằng nhân vật của tôi đã “khai mở một cách nhìn khác về tiểu thuyết hiện đại”.

Bằng cách từ chối mọi lề thói hoặc định hướng, tôi có tham vọng thiết lập một thế giới văn chương định danh Nguyễn Viện. Được định danh, nhưng chắc chắn, nó vẫn là một thế giới mở cho những khả thể. Tôi đi đến đâu, đường mở ra đến đó. Và tôi vẫn đang trên đường đi tới.

Cho dù, tôi bị cho là một tác giả gây chia rẽ người đọc nhất, tôi vẫn luôn cảm thấy thú vị vì điều ấy.

Từ nghệ thuật ngôn ngữ đến cấu trúc. Tôi phi tuyến tính, phản lịch sử, phản hiện thực, phản tiểu thuyết, phản hư cấu. Nhân vật của tôi không chân dung. Tôi hỗn độn như chính sự hỗn độn. Tôi phù phiếm như chính sự phù phiếm. – Nguyễn Viện.

* Nhờ anh nói rõ hơn một chút về các đặc điểm của “không gian văn học Nguyễn Viện” mà anh muốn tập trung vào?

– NGUYỄN VIỆN: Khi tự định danh “không gian văn học Nguyễn Viện”, tôi tự xác định tôi là một tác giả khác. Cái khác ấy, xét trong bối cảnh hiện thực, tôi phi chính thống, tôi ngoài lề và cũng ngoại lệ. Văn chương tôi dẫu có thể là dưỡng chất hoặc độc dược, nó khác với tất cả các tác giả trong quá khứ hoặc đương thời, ít nhất là trong nền văn học Việt. Từ nghệ thuật ngôn ngữ đến cấu trúc. Tôi phi tuyến tính, phản lịch sử, phản hiện thực, phản tiểu thuyết, phản hư cấu. Nhân vật của tôi không chân dung. Tôi hỗn độn như chính sự hỗn độn. Tôi phù phiếm như chính sự phù phiếm. Và bởi hỗn độn và phù phiếm là bản chất của cuộc sống, tôi phạm thánh và giễu nhại thần tượng, cũng như tôi dè bỉu các giá trị giả tạo.

Cái tôi truy cầu không phải là kể một câu chuyện hoặc triết lý của câu chuyện, mà sự quyến rũ của chữ làm tôi mê đắm. Và tôi khát khao khai mở cái bất khả của ngôn ngữ, cũng như cái bất khả của hiện hữu. Bởi thế, viết là một cuộc phiêu lưu bất tận của chữ và cách tôi thực hiện cuộc phiêu lưu ấy.

* Vì sao lúc ấy anh nghĩ mình cần phải phản kháng hoặc đổi mới, phá cách trong sáng tác? Nhất là về tuổi tác, ở lứa tuổi đã tri thiên mệnh, lại đang làm ở báo Thanh Niên nữa, làm điều này với anh khó hay dễ?

– NGUYỄN VIỆN: Không phải đến “lúc ấy” tôi mới “nghĩ mình cần phải phản kháng hoặc đổi mới…”. Thật ra, từ năm 1979 tôi đã có những hoạt động mang ý thức cách mạng xã hội. Việc này dẫn đến hậu quả là tôi đã phải đi tù ít năm. Cũng cùng một cách ấy, khi các trang mạng Tiền Vệ ở Úc, Da Màu ở Mỹ, Talawas ở Đức mở ra cũng là cơ hội để tôi có chỗ đăng đàn những diễn ngôn văn chương mới của mình. Thật lòng, nếu không có các trang mạng ấy, tôi cũng khó tìm được niềm hứng khởi cho cuộc phiêu lưu chữ nghĩa.

Với tôi, làm báo chỉ là việc kiếm cơm. Viết văn, tôi mới coi là sự nghiệp là cuộc đời mình.

Mất việc ở báo Thanh Niên chỉ vì tôi đăng truyện trên tạp chí Hợp Lưu ở Mỹ, cũng chỉ có nghĩa là tôi không còn gì để mất. Tôi được giải phóng và tôi tự do. Tôi có cơ hội để toàn tâm với văn chương, dấn thân không sợ hãi. Nhưng quả thật, tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm cơm sau tai nạn này. Trong hoạn nạn, may mắn thay, tôi đã gặp nhiều “quý nhơn” giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi kiếm sống, tuy không phải ai cũng là bạn tôi. Họ đã không ngại khi tôi bị coi là “phản động”. Tôi luôn luôn biết ơn họ. Bên cạnh đó, tôi cũng phải thành thật khai báo rằng, cho đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người trong giới văn nghệ e ngại, tránh né tôi, đặc biệt là các nhà phê bình. Họ sợ liên lụy. Cái bóng ma trong các vụ án văn nghệ trước đây vẫn làm họ khiếp đảm. Nhiều khi tôi tự hỏi, sĩ khí có phải là thứ quá xa xỉ trong đời sống xã hội hiện nay không? Và văn chương có cần sĩ khí không?

Với tôi, làm báo chỉ là việc kiếm cơm. Viết văn, tôi mới coi là sự nghiệp là cuộc đời mình. – Nguyễn Viện.

* Vậy theo anh thì văn chương có cần sĩ khí không?

– NGUYỄN VIỆN: Nếu hỏi: Con người có cần sĩ khí không? Tôi tin là mọi người sẽ nói cần, cho dù sĩ khí thật sự chỉ là của hiếm. Văn chương, bọt bèo hoặc trường cửu, tầm phào hoặc xuất sắc, tôi nghĩ đều cần sĩ khí. Nó là phẩm hạnh của nhân cách và là cái đẹp của văn chương.

* Nếu anh không ngại, anh có thể chia sẻ thêm một chút về sự việc dẫn anh đến phải đi tù ít năm như đã nói ở trên?

– NGUYỄN VIỆN: Có lẽ không một ai có thể quên một xã hội mới, xã hội chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam sau thống nhất 1975. Từ một thể chế văn minh theo xu thế chung của nhân loại, chúng ta quay ngược lại với sự mông muội của áp chế, cấm đoán mọi hình thức để con người có thể sống với phẩm giá của mình. Một đường lối cai trị độc đoán theo chủ thuyết cộng sản và sự điều hành đất nước theo cách mà chúng ta quen gọi là “ngăn sông cấm chợ” đã đưa cả cuộc sống con người vào khó khăn tăm tối, một cách vô lý. Trong bối cảnh ấy, tôi đã không thể ngồi yên. Và tôi nghĩ tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp, nhân bản và hạnh phúc hơn là trách nhiệm công dân của mỗi người. Tôi đã làm việc ấy theo cách của mình là “tranh đấu trong điều kiện hợp pháp”.

Rồi tôi bị bắt. Cuối năm 1980.

Một trải nghiệm mà tôi tìm thấy kết luận: Khi đi đến đường cùng (như ở tù), người ta không còn gì để sợ, vì thế sẽ bình an như cái chết.

* Nhìn lại, thấy anh cũng cập nhật rất nhanh với các công cụ mới như vi tính, email, blog, forum, website, Facebook, điện thoại thông minh… Đây là do cá tính, do ý chí, hoặc là do thói quen nghề báo, vốn cần cập nhật và nhanh nhạy?

– NGUYỄN VIỆN: Với tất cả các công cụ hoặc phương tiện hiện đại như bạn vừa kể, tôi buộc phải cập nhật như cách để trở thành con người đương đại. Cũng là điều kiện bắt buộc trong công việc hàng ngày. Vốn không chỉ là một nhà báo, một biên tập viên, mà tôi còn từng là một copywriter của một công ty event quảng cáo. Vì thế, kiến thức cơ bản về tin học hoặc việc sử dụng các công cụ và tiện ích thông thường của vi tính, điện thoại thông minh tôi biết vừa đủ để làm việc được.

* Từ sự cập nhật về công cụ, anh cũng khá cập nhật các thủ pháp, trào lưu, trường phái mới trong sáng tác. Nếu “Em có gì bí mật, hãy email cho anh” (2008) có thể là một ví dụ cho tinh thần tương tác của hậu hiện đại, thì “Đĩ thúi” (2013), “Thần thánh không biết bơi” (2019) có thể ví dụ cho sự giễu nhại, giải thiêng và giải trung tâm trong văn chương. Khi xuất bản “Thần thánh không biết bơi” (2019), một tiểu thuyết đa phương tiện, anh đã ở tuổi 70, nhờ đâu mà anh có được sự trẻ trung, cà rỡn, phá cách… đến như vậy? Trong khi nhiều tác giả khác thì thường đi vào lối mòn của chính mình từ tuổi U50?

– NGUYỄN VIỆN: Tôi là con người đương đại. 70 hoặc nếu may mắn sống đến 80 thì tôi tin, tôi cũng vẫn là con người đương đại. Vì tôi là đương đại cả trong suy nghĩ, cách sống và cách viết.

Cũng may là bạn chưa bảo tôi là người đi trước thời đại.

* Vậy thì anh quan niệm thế nào về đương đại trong ngòi bút?

– NGUYỄN VIỆN: Hình như khái niệm “đương đại” quen thuộc hơn trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình hoặc mỹ thuật. Vì thế, có phần nào tôi mượn khái niệm đương đại ấy cho văn chương, trên bàn phím.

Cũng như mọi thứ nghệ thuật khác, bao gồm nội dung và hình thức, văn chương đương đại theo tôi trước hết phải có nội dung phản ảnh các vấn đề hiện tại của xã hội bằng một ngôn ngữ đương đại. Đồng thời hình thức của nó có thể vận dụng sự đóng góp khác ngoài chữ viết thuần túy, thí dụ kết nối mạng và các phương tiện nghe nhìn. Tôi gọi đó là tiểu thuyết đa phương tiện như tác phẩm Thần thánh không biết bơi (NXB Mở Nguồn, 2019) chẳng hạn.

* Nhiều tác phẩm của anh đi từ các biểu tượng như rồng rắn, tiên tri, chữ, Truyện Kiều, ma, thần thánh, thảo mai… đến sự giải thiêng chính nó. Đôi khi anh phủ lên ngôn ngữ bụi đời, thô ráp, tục tĩu… cũng là để thêm một lần giải thiêng, cảnh tỉnh độc giả. Hình như giải thiêng với anh là một sứ mệnh phải không?

– NGUYỄN VIỆN: Cám ơn bạn đã rất hiểu tôi trong việc này.

Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện tại, tôi nghĩ không một thức giả hoặc một người yêu đất nước, yêu dân tộc nào mà không mất ngủ vì sự u mê chính trị và niềm tin chính trị, cũng như sự phá sản tâm linh tận cội rễ của đa phần người dân trong nước. Vì thế, tôi nghĩ giải thiêng là cách đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm được trong gọng kìm của độc tài, nhằm cứu vãn không chỉ văn hóa con người, mà còn là các giá trị nhân bản. Nhưng bảo rằng đó là một sứ mệnh thì hơi quá sức tôi. Tôi không gánh vác trọng trách nào trên vai, ngoài chính tôi và vợ con tôi.

* Đọc văn xuôi của anh thấy bàng bạc chất thơ tự do, không chỉ ở ngôn ngữ, mà còn ở tư duy cốt truyện, cách sắp xếp hình ảnh. Đây là do anh chọn lựa phong cách, hoặc do thơ đã ngấm sâu?

– NGUYỄN VIỆN: Có vẻ như mâu thuẫn khi tôi bị coi là người viết một thứ “ngôn ngữ bụi đời, thô ráp, tục tĩu…” nhưng đồng thời cũng đầy chất thơ.

Thật ra, tôi vốn là một thi sĩ bẩm sinh. Bụi đời, thô ráp hoặc bị gọi là tục tĩu… tôi coi đó là đạo đức giả, hoặc sự nhiễm độc trong nhận thức văn hóa người đọc. Nếu so với một số bài ca dao Việt Nam, cái gọi là tục tĩu của tôi có đáng vào đâu, đúng không? Việc dùng từ đúng với tên gọi của nó không phải là văn chương sao? Là tục tĩu sao?

Tôi yêu cái đẹp cũng như tôi yêu thơ. Dù có những từ bị “nguyền rủa” thì bản chất của cái đẹp không vì thế mà bị hoen ố.

* Đâu là những lý do để anh mở riêng NXB Cửa và tham gia vài NXB ngoài luồng khác?

– NGUYỄN VIỆN: Chỉ đơn giản là tác phẩm của tôi không được cấp phép xuất bản và phát hành trong hệ thống giao dịch thông thường, tôi đành tự xuất bản thôi.

Ban đầu, Cửa được tạo dựng bởi họa sĩ Trịnh Cung, nhà thơ Trần Tiến Dũng và tôi, với tên gọi Cửa Xuất Bản, đã in tập thơ chung của Trịnh Cung và El. Sau này tôi làm một mình và đổi lại thành NXB Cửa, chỉ in tác phẩm của tôi.

Ngoài ra, sách của tôi còn được in ấn bởi hai NXB ngoài luồng là Giấy Vụn của nhóm Mở Miệng và Mõm Vuông của nhà thơ Vương Văn Quang. Bên cạnh đó là các NXB Văn Mới, Tiếng Quê Hương, Mở Nguồn, Chương Văn, Nhân Ảnh và Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ ở Mỹ…

* Thường thì các NXB ngoài luồng chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau đó phải nghỉ vì nhiều lý do, trong đó có áp lực từ các cơ quan quản lý, từ an ninh văn hóa. Vì sao anh duy trì được Cửa lâu vậy, dù số lần bị an ninh mời/triệu tập không ít?

– NGUYỄN VIỆN: Tôi thường xuyên bị an ninh mời làm việc từ năm 2005 đến khi dịch Covid-19 bùng phát. Tôi cũng không biết vì lý do gì mà tôi được “tha” từ năm 2020 đến nay. Tôi hy vọng rằng nhà nước đang trở nên cởi mở hơn. Nếu chỉ tính từ năm 2001, khi tôi in tác phẩm đầu tiên ở hải ngoại và bị đuổi việc, chúng ta phải công tâm nhìn nhận rằng, chế độ cộng sản đang chấp nhận sự phê phán trong một chừng mực nào đó. Tính chuyên chế của chế độ đã bớt khắc nghiệt. Trên mạng xã hội, không chỉ phê phán đúng đắn, mà chúng ta còn thấy công dân chửi bới chính quyền thậm tệ. Đấy là điều chúng ta không thể mường tượng được trước khi Internet trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Trở lại với NXB Cửa, tôi thành thật khai báo, tôi chưa bao giờ bị an ninh làm việc về hoạt động của nhà xuất bản ngoài luồng này. Hầu như tôi không bị làm việc về những gì tôi đã viết, ngoại trừ cuốn Đĩ thúi.

Sau khi Đĩ thúi do NXB Cửa phát hành, tất cả những ai được tôi tặng sách mà công an biết đều bị truy lùng để thu hồi. Bản thân tôi bị triệu tập lên Phòng An ninh điều tra số 4 Phan Đăng Lưu với hai tội danh: tuyên truyền chống chế độ và phá hoại khối đoàn kết dân tộc, theo điều 87 và 88 của Bộ luật Hình sự.

* Khi đến làm việc, họ thường hỏi anh những điều gì?

– NGUYỄN VIỆN: Trong vòng 15 năm (2005-2020), tôi bị an ninh mời “làm việc” rất nhiều. Có thời kỳ họ mời làm việc mỗi tháng một lần. Có khi trong trụ sở công an, có khi ngoài quán cà phê. Tất nhiên, có những việc cụ thể, hầu hết liên quan đến những hoạt động chính trị của tôi, hoặc những tường thuật của tôi trên BBC. Tôi tham gia biểu tình chống Trung Quốc từ 2006 và cùng họa sĩ Trịnh Cung, nhạc sĩ Tuấn Khanh, các nhà thơ Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Lynh Bacardi soạn thảo “Tuyên cáo của người Việt yêu nước” (2006). Tôi cũng tham gia vào các hoạt động phản biện xã hội như ký các kiến nghị thay đổi thế chế (Kiến nghị 72) và các chính sách quản lý xã hội.

Ngoài các vấn đề cụ thể phải giải trình về lý do, hoặc quan điểm của tôi trong một sự kiện nào đó, cũng có những buổi làm việc chỉ để ngồi tán nhảm với nhau, như cách họ cho tôi biết tôi đang bị kiểm soát hoặc nhằm ngăn chặn không cho tôi đi biểu tình, hay tham dự một sự kiện mà họ không muốn tôi có mặt.

Nói chung, các buổi làm việc với tôi đều diễn ra ôn hòa và tôi hiểu công việc mà họ phải làm. Vì thế, tôi vẫn thẳng thắn nói với họ, việc các anh thì các anh cứ làm. Việc tôi, tôi cũng vẫn cứ làm, vì tôi không thể không làm.

Tất nhiên, không tránh được có người thiếu hiểu biết. Dù sao, với riêng cá nhân tôi, tôi nhận được sự tôn trọng nhất định và đặc biệt các anh công an địa phương đã luôn tỏ ra tử tế với tôi.

* Anh đánh giá thế nào về sức tác động của các NXB ngoài luồng, các website văn học thời kỳ đầu… vào đời sống văn học?

– NGUYỄN VIỆN: Các NXB ngoài luồng và các website văn học thời kỳ đầu, cũng là những năm đầu của thế kỷ 21, đã tác động vào đời sống văn học trong nước rất mạnh mẽ và ngoạn mục. Đó là những sân chơi tự do của những con người tự do. Từ chối kiểm duyệt và tự do sáng tạo, chưa bao giờ nền văn học Việt lại phong phú, đa dạng và bạo liệt đến thế.

Từ Giấy Vụn của nhóm Mở Miệng đã tạo cảm hứng cho hàng loạt cho các NXB tự do khác như Một Mình của Cung Tích Biền, Lề Trái của Đào Hiếu, Cửa của Trịnh Cung – Trần Tiến Dũng – Nguyễn Viện… thời kỳ đầu, rồi Vô Danh của Phùng Anh Kiệt, Mõm Vuông của Vương Văn Quang sau này… Danh sách này còn dài, mà tôi quên hoặc chưa tiện kể ra.

Các website như Tiền Vệ của các anh Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc và bạn hữu ở Úc với chủ trương tiền phong đã tạo nên một không gian văn học độc đáo và táo bạo… Song hành với Da Màu của Đặng Thơ Thơ, Phùng Nguyễn, Đỗ Lê Anh Đào, Lưu Diệu Vân, Đinh Từ Bích Thúy, Lê Đình Nhất Lang, Hoàng Chính, Nguyễn Hoàng Nam… mở rộng không biên giới, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho văn học Việt Nam.

Các tạp chí ở hải ngoại trước đó như Thơ, Hợp Lưu, Văn Học… cũng “nối dài diễn đàn” trên các website, tạo thêm đất viết, sự trao đổi.

* Nhiều người nói nếu Facebook sinh ra sớm hơn, khi văn học vẫn còn nhiều sức tác động với đời sống, thì tác động sẽ thật ghê gớm. Anh có tin vậy không?

– NGUYỄN VIỆN: Tôi không tin lắm.

Trong khi đến thời điểm này, các website văn học tự do vẫn bị chặn tường lửa, thì FB đã mở toang cánh cửa cho mọi mầm mống, mọi sáng tạo, mọi tư tưởng… xuất hiện. Tuy nhiên, cái bất lợi của FB là nó không có cửa cho những ai muốn tạo ra khác biệt, ít nhất là phương diện hình thức, cũng như sự trang trọng cần thiết của một website văn chương, hoặc một bản in trên giấy. FB là đại chúng. Nó không tạo cho người đọc cái cảm xúc về sự tinh hoa. Và cái thất bại nhất của tác phẩm trên FB là tính thoáng qua của nó. Trên nguyên tắc, nó vẫn còn đó, nhưng thực tế nó đã bị trôi đi bởi cái khác xuất hiện và xuất hiện càng lúc càng nhiều, càng nhanh. Thường thì bạn chưa kịp thấy một tác phẩm nào đó trên Fanpage hoặc tài khoản cá nhân, nó đã trở thành quá khứ. Nó bị tràn ngập trong hàng triệu News Feed xuất hiện từng giây.

* Anh có thử cắt nghĩa vì sao văn học đang dần xa rời đời sống?

– NGUYỄN VIỆN: Chúng ta hiểu thế nào về đời sống? Kiểu nào mà không phải là đời sống?

Nói văn học xa rời đời sống là chúng ta mặc định đã có một hiện thực văn học không phản ảnh thực tế cuộc sống, hoặc phản ảnh thiếu trung thực, thiếu cái toàn diện của cuộc sống mà lẽ ra nó phải được phô bày, diễn giải. Điều đó có nghĩa là văn học đương đại đã tránh né chính cái đương đại. Một nền văn học ảo tưởng vĩnh cửu, vượt thời gian không gian. Thật ra, phải nói chính xác đó là một nền văn học bạc nhược trước bất công, áp bức và những nỗi đau, niềm hy vọng của con người.

Tôi nghĩ đến tính cách xuê xoa của con người Việt Nam, tính nửa vời của tham vọng và khát vọng. Không chỉ chúng ta sợ hãi trong chính trị, mà chúng ta còn sợ hãi trong văn hóa. Không chỉ xa rời đời sống, chúng ta còn xa rời chính bản thân mình.

Tôi có cảm giác rằng, nhà văn Việt Nam chưa bao giờ cởi truồng. Lúc nào họ cũng chỉnh tề, kể cả lúc ngủ.

* Trong một cái nhìn có tính cách khái quát. Anh thấy văn chương hiện đại Việt Nam (tính từ sau cột mốc Thơ Mới, Tự Lực Văn Đoàn…) và đương thời có những đặc tính chung nào?

– NGUYỄN VIỆN: Nếu chúng ta gọi nền văn chương Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh là hiện đại, thì có thể nói nó chỉ mới thật sự tạo nên hình thể tương đối hoàn chỉnh từ phong trào Thơ Mới và Tự Lực Văn Đoàn vào khoảng từ 1930, mặc dù trước đó, văn chương chữ quốc ngữ đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 tại miền Nam. Trong nền văn chương hiện đại này, do đặc thù lịch sử, lại có thể chia làm hai giai đoạn: trước và sau 1945.

Ở miền Bắc, sau 1945 văn chương được định hướng chính trị cho đến tận ngày nay.

Ở miền Nam, có một giai đoạn tự do được tính từ 1954 đến 1975 với những thành tựu khá đặc sắc.

Sau khi thống nhất đất nước, theo tôi văn chương đương thời chỉ nên tính từ sau thời kỳ Đổi mới kinh tế, qua đó văn học cũng được cởi trói phần nào với những tác giả tiên phong như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh…

Dù cũ hoặc đổi mới, tính từ khởi đầu văn học chữ quốc ngữ đến giờ, đặc tính chung nhất của nó vẫn đi trên con đường hiện thực xã hội và nặng tính mô tả. Vẫn là văn dĩ tải đạo.

* Anh có thấy sự khác nhau: Giữa văn chương trước 1954 và sau 1954? Giữa văn chương miền Nam trước 1975 và sau 1975? Giữa văn chương miền Nam và miền Bắc?

– NGUYỄN VIỆN: Đương nhiên, có và có một cách rõ ràng.

Giữa văn chương trước 1954 và sau 1954, cần phải phân chia thành hai khu vực Nam và Bắc do sự chia cắt của đất nước dẫn đến hai chế độ chính trị khác nhau.

Như tôi đã nói ở trên, miền Bắc dưới chế độ Cộng sản chuyên chế, văn chương được định hướng và trở thành một công cụ chính trị. Vì thế, nó trở thành nền văn chương minh họa và phục vụ lợi ích của chế độ.

Trong khi đó, ở miền Nam với chế độ tư bản tự do, văn chương như bản chất của nó, là một sản phẩm cá nhân, phát xuất từ khát vọng của cá nhân ấy. Nhà văn hoặc chỉ muốn thể hiện mình, hoặc phục vụ xã hội, là một chọn lựa riêng tư. Vì thế, văn chương ở miền Nam là một nền văn chương của tự do sáng tạo. Nền văn chương ấy đã là một thành tựu, có thể nói, là đặc sắc nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Sau 1975, tuy đất nước thống nhất, nhưng do đặc thù văn hóa, văn chương hai miền Nam – Bắc vẫn khác nhau. Cùng một chế độ chính trị, nhưng tính cách người miền Nam khác tính cách người miền Bắc, vì thế văn chương không thể có một diện mạo như nhau. Sự khác biệt ấy càng rõ ràng hơn khi xuất hiện những người viết bên ngoài chính thống ở miền Nam. Họ đã tạo ra một bầu khí văn chương khác, một cách viết khác.

Nói chung, văn chương miền Nam có tính đột phá hơn, cũng sôi nổi và đa dạng nhiều phong cách hơn. Văn chương miền Bắc kín kẽ, sâu sắc, nhưng cũng vì thế chừng mực hơn.

* Kiểm duyệt, định hướng, văn tự ngục (ví dụ Nhân văn – Giai phẩm)… đã ảnh hưởng thế nào đến diện mạo và tương lai của văn chương?

– NGUYỄN VIỆN: Khi nghệ thuật hoặc văn chương bị kiểm duyệt, định hướng hoặc “tự ngục” như bạn nói, nền văn học nghệ thuật ấy sẽ không tránh khỏi bị biến dạng, méo mó. Nó không chỉ làm mất đi cái phẩm chất của tự do sáng tạo, mà còn làm sa đọa nhân cách nghệ sĩ. Diện mạo văn chương, cũng vì thế sẽ nghèo nàn, rỗng ruột. Ảnh hưởng của nó đến người đọc sẽ như một sản phẩm tuyên truyền, quảng cáo, mang tính áp đặt. Tha hóa con người.

* Vậy thì trong tiến trình chung của văn chương Việt/viết tiếng Việt, anh đánh giá thế nào về văn chương Việt ở hải ngoại?

– NGUYỄN VIỆN: Người Việt hải ngoại chỉ chiếm khoảng 3% dân số trong nước, nhưng họ đã có rất nhiều thành công từ khoa học, kinh tế đến văn chương, báo chí.

Trong lĩnh vực báo chí, ngoài các nhật báo thời sự luôn có các trang mục văn học nghệ thuật, còn có các tạp chí văn chương in ấn trên giấy rất đình đám như Thơ, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Ngôn Ngữ… và các tạp chí mạng uy tín như Tiền Vệ, Da Màu, Talawas… Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng có một thời rầm rộ.

Văn chương, theo đó cũng khởi sắc và tạo dựng được hẳn một nền văn học riêng biệt mà chúng ta thường gọi là “văn học hải ngoại”.

Văn chương hải ngoại bằng tiếng Việt, theo tôi dòng chủ lưu của nó vẫn được xem là văn chương miền Nam nối dài. Bởi trước hết nó được hình thành từ những người Việt di tản từ miền Nam. Tuy chịu sự va chạm với nền văn chương thế giới, văn chương hải ngoại cũng không thay đổi nhiều. Rất may, chúng ta đã có Khế Iêm, Trần Vũ, Nguyễn Mộng Giác, Đặng Thơ Thơ, Phùng Nguyễn, Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Đỗ Kh., Nguyễn Hương, Lê An Thế, Lưu Diệu Vân, Đỗ Lê Anh Đào, Hoàng Chính, Nguyễn Đức Tùng, Vương Ngọc Minh, Cao Xuân Huy, Nam Dao, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trần Mộng Tú, Thận Nhiên, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Doãn Nho, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Chim Hải, Phan Quỳnh Trâm, Mai Ninh, Miêng, Hoàng Khởi Phong… Bên cạnh đó, chúng ta có Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương và Thuận là những trường hợp đặc sắc khác, đến từ miền Bắc.

Họ là những tác giả đáng kể và tác phẩm của họ thật sự giá trị. Danh sách vẫn còn dài, mà ngay lúc này, tôi có thể bỏ sót nhiều người.

* Trong các tương quan vừa nêu, có thể tạm gọi văn chương của những tác giả giống như anh là văn chương ngoài luồng hoặc bên lề không? Nếu có, thì những đặc trưng dễ thấy nhất của dòng văn chương này là gì?

– NGUYỄN VIỆN: Có lẽ một định nghĩa chuẩn xác nhất về văn chương ngoài luồng hoặc bên lề là một thứ văn chương không được cấp phép, hoặc từ chối sự cấp phép của nhà nước, được phổ biến bên ngoài hệ thống phát hành, truyền thông chính thống của nhà nước.

Từ định nghĩa ấy, đã hiện thực một nền văn chương ngoài luồng. Có thể kể nhóm Mở Miệng với Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán; các nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Phan Bá Thọ, Tuệ Nguyên, Bùi Chí Vinh, Liêu Thái, Lưu Mêlan, Bỉm…, các nhà văn Đào Hiếu, Cung Tích Biền (khi còn ở Việt Nam), Bùi Hoằng Vị, Lynh Bacardi, Khuất Đẩu… Danh sách chắc chắn không chỉ có thế.

Nếu mở rộng khái niệm ngoài luồng, coi ý thức tự do sáng tạo như một giá trị nội tại thì chúng ta sẽ có thêm những nhà văn nhà thơ tuy vẫn được in ấn phát hành theo hệ chính thống, nhưng cộng tác hoặc phổ biến tác phẩm trên các phương tiện ngoài vòng kiềm tỏa của nhà nước như tạp chí, website hải ngoại, Văn Việt của Văn đoàn Độc Lập trong nước… Có thể kể Trần Thị NgH, Phạm Lưu Vũ, Vũ Thành Sơn, Lê Vĩnh Tài, Mai Sơn, Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thúy Hằng, Đặng Thân, Vũ Lập Nhật, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Thái Hạo, Như Huy, Nguyễn Thị Từ Huy, Trà Đóa, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Đạt, Lê Minh Phong, nhóm Ngựa Trời (Lynh Bacardi, Khương Hà Bùi, Nguyệt Phạm, Phương Lan, Lê Thị Thanh Xuân), Nhã Thuyên, Vương Văn Quang… Danh sách còn khá dài.

Đặc trưng dễ thấy nhất của văn chương ngoài luồng là những suy tư cá nhân, những thầm kín con người, những quan điểm chính trị xã hội khác biệt được thể hiện ngang nhiên, không luồn lách, ẩn dụ, không làm màu nhân văn… bằng một thứ ngôn ngữ bạo liệt và thật thà. Qua đó, văn chương ngoài luồng còn nổi bật ở những tham vọng cách tân và tính đương đại của nghệ thuật.

* Là một tác giả ngoài luồng, anh thấy những cái được và những thất thế của mình là gì?

– NGUYỄN VIỆN: Cái được nhất và xứng đáng nhất của những người viết ngoài luồng như tôi là sự tự do. Qua tự do, tôi xiển dương được phẩm chất văn chương của mình. Tôi cũng giữ được phẩm cách con người của mình.

Nhưng cũng vì ngoài luồng, tôi không tránh khỏi những thất thế, thiệt thòi vì ít được công chúng biết tới. Độc giả trong nước rất khó tiếp cận tác phẩm của tôi. Trước hết vì sách của tôi không được phép xuất bản trong nước, nếu xuất bản chui thì cũng không thể phát hành. Mua sách ở nước ngoài thì không mang về được. Đọc trên mạng cũng khó, vì tất cả các website văn chương tự do trong nước hoặc ngoài nước đều bị chặn tường lửa.

Tuy thế, tôi cũng không buồn phiền gì. Đây là một cuộc phiêu lưu chữ nghĩa của tôi, cho tôi, trên những bẫy sập của cuộc sống. Hiểm nghèo nhưng cũng thú vị.

* Có khi nào anh thử cắt nghĩa vì sao văn chương Việt hiện đại và đương thời ít có được những tác phẩm vượt tầm biên giới ngôn ngữ?

– NGUYỄN VIỆN: Theo tôi, nhà văn Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của tầm vóc quốc gia. Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn là một nước kém cỏi, vì thế các sản phẩm vật chất hoặc tinh thần của nó ít được thế giới quan tâm. Khả năng tiếp thị của bản thân các nhà văn không có. Nhà nước dường như cũng không đặt mục tiêu cho những nỗ lực xuất khẩu văn hóa như văn chương, nghệ thuật.

Có một hiện tượng khác thường mà chúng ta đang chứng kiến, trong khi các nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài viết bằng tiếng Anh, Pháp đã có những thành công ngoạn mục như Phạm Văn Ký, Lê Thành Khôi, Linda Lê, Anna Moi, Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương, Linda Lê, Kim Thúy, Nam Lê, Lại Thanh Hà, Nguyễn Hoài Hương, lê thị diễm thúy, Trần Minh Huy, Monique Trương, Barbara Trần, Nuage Rose, Andrew Lâm … thì các nhà văn viết bằng tiếng Việt dù sống ở nước ngoài hoặc trong nước đều gặp khó khăn như nhau, ngoại trừ trường hợp Thuận. Chúng ta có thể lý giải hiện tượng này như thế nào?

Tôi nghiêng về giả thuyết nhà văn Việt viết bằng tiếng Việt không có khả năng tiếp cận thị trường quốc tế và thiếu chuyên nghiệp. Cũng có thể tư duy bằng tiếng Việt không như tư duy bằng ngoại ngữ Anh, Pháp… là một lý do khác.

* Tương lai nào cho văn chương Việt? Hoặc hỏi khác đi: Muốn văn chương Việt có tương lai xán lạn, thì những việc nào cần phải ưu tiên làm?

– NGUYỄN VIỆN: Một tương lai cho văn chương Việt hoặc văn chương thế giới cũng chẳng khác gì nhau. Con người ngày nay có tốc độ sống nhanh và nhiều thứ giải trí khác nhau, trong khi văn chương cần sự chậm rãi như cái nhàn tản, thanh lịch.

Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng nhìn thấy cảnh con người cắm mặt vào điện thoại, thay vì chúi mũi vào cuốn sách. Có lẽ, văn minh kỹ thuật sẽ làm con người thay đổi thói quen, cũng như thị hiếu. Văn chương đang dần trở thành thứ yếu.

Để có một tương lai xán lạn cho văn chương thì nhà văn Việt phải làm gì? Mà thật ra, xán lạn là thế nào? Có phải chúng ta coi việc chinh phục độc giả thế giới hoặc Nobel văn chương là mục tiêu? Kiểu gì thì trước hết văn chương Việt cũng cần phải được dịch ra ít nhất là hai ngôn ngữ Anh, Pháp và tìm đến các nhà xuất bản uy tín của thế giới. Nhưng trước cả cái trước hết này, chúng ta cần có tác phẩm đáng được trông đợi. Điều này, tất nhiên tùy thuộc từng tài năng cá nhân người cầm bút, bất chấp thuận lợi hoặc nghịch cảnh.

Nhưng dẫu sao, một bối cảnh hoặc hậu cảnh thuận lợi thì vẫn dễ dàng hơn cho những tài năng xuất hiện. Đó là tự do.

* Nếu có một kiếp nữa, anh có chọn để trở thành nhà văn không? Anh có đi lại con đường văn chương như đã từng, hoặc sẽ đi một con đường nào khác?

– NGUYỄN VIỆN: Từ khi tôi còn bé, tôi đã tự định hướng cho cuộc đời mình với hai cái nghề mà tôi thích nhất: làm lái buôn để trở nên giàu có, hoặc trở thành một nhà văn.

Có vẻ rất mâu thuẫn phải không? Thật ra, ngay từ khi học cấp hai, thiên hướng văn chương của tôi đã bộc lộ và tôi đã có ý thức theo đuổi nó.

Nhưng sau 1975, mọi thứ đổ vỡ. Tôi nói với cô bạn, bây giờ là vợ tôi, “anh không thể làm cả hai điều mình muốn”. Nhưng cuộc đời đưa đẩy, sau rất nhiều biến cố, khi tôi buôn bán chợ giời giữa khu Dân Sinh (quận Nhất, Sài Gòn) thất bại, tôi lại một lần nữa ngửa cổ nhìn trời như khi tôi đi cày cuốc ở Phan Thiết, rằng “đời ta chẳng lẽ mãi thế này?”. May thay, ở cái chợ khét tiếng nhất Sài Gòn ấy, tôi đã gặp hai ông lái buôn khác là nhà thơ Vũ Trọng Quang và Nguyễn Đăng Trình. Tôi bắt đầu viết lại, không ngoài mục đích kiếm thêm thu nhập.

Rồi những biến cố tiếp theo, tôi trở thành một người viết không cần tiền, không cần bất cứ thứ gì. Và có lẽ tôi sẽ còn viết không cần gì khác ngoài sự viết cho tới lúc chết. Vì thế, nếu có kiếp sau thì tôi chắc chắn cũng như bây giờ. Viết như một cách sống.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này. Chúc anh sức khỏe.

Sài Gòn, 3.2023

Bìa một số tác phẩm của Nguyễn Viện:

image[9]

image[10]

 

(*) Không gian văn chương Nguyễn Viện:

Trinh nữ (tập truyện). NXB Đồng Nai, 1995. Việt Nam.

Bố mẹ và con và… (tạp bút). NXB Trẻ 1997. Việt Nam.

Hạt cát mang bóng đêm (tiểu thuyết). NXB Trẻ 1998. Việt Nam.

Rồng và Rắn (tiểu thuyết). Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2002. Hoa Kỳ.

Thời của những tiên tri giả (tiểu thuyết). NXB Công An Nhân Dân, 2003. Việt Nam.

Chữ dưới chân tường (tiểu thuyết). NXB Văn Mới, 2004. Hoa Kỳ.

26 LầnTờbờlờ (tiểu thuyết). CỬA Xuất Bản, 2008. Việt Nam.

Cơn bấn loạn bằng phẳng (tiểu thuyết). CỬA Xuất Bản, 2008. Việt Nam.

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (tiểu thuyết). CỬA Xuất Bản, 2008. Việt Nam.

Nín thở & chạy & một hơi (thơ). CỬA Xuất Bản, 2008. Việt Nam.

Đi & Đến (tập truyện). CỬA Xuất Bản, 2009. Việt Nam.

Ngồi bên lề rất trái (truyện & kịch). NXB CỬA, 2011. Việt Nam.

Nhảy múa để chết (tiểu thuyết). NXB Tiếng Quê Hương, 2013. Hoa Kỳ.

– Đĩ thúi (tiểu thuyết). NXB CỬA, 2013. Việt Nam.

Đĩ thúi & phần còn lại ở cõi chết (tiểu thuyết). NXB Chương Văn, 2015. Hoa Kỳ.

– Em có gì bí mật, hãy mail cho anh (phiên bản mới). NXB Sống, 2015. Hoa Kỳ.

– Ma & Người (tiểu thuyết). NXB Tiếng Quê Hương, 2018. Hoa Kỳ.

– Trong hàng rào kẽm gai, tôi thở (thơ). NXB Nhân Ảnh, 2018. Hoa Kỳ.

Thần thánh không biết bơi. (tiểu thuyết) . NXB Mở Nguồn, 2019. Hoa Kỳ.

– Thảo mai trên dốc gió (tiểu thuyết). NXB Mõm Vuông, 2021. Việt Nam.

Cõi người ở lại (tập truyện). NXB Cửa, 2023. Việt Nam.

Nu Na Nu Nống – Xứ Mêman (cổ tích mới). NXB Cửa, 2023. Việt Nam.

Comments are closed.