Cuốc kêu, đêm năm canh ngày sáu khắc…

Nguyễn Thị Tịnh Thy

image

Đọc xong tập tản văn Hơi thở trong bàn tay của Thái Hạo (Nxb. Đà Nẵng, 2024), cơ hồ như chẳng còn gì để viết thêm. Bởi vì, tác giả đã làm luôn cái việc mà những người khác ít làm, là tự viết lời tựa và lời bạt cho tác phẩm của mình. Tựa và bạt của Thái Hạo, cũng gọn ghẽ như những tản văn của anh – hay, sâu, và chắc – khiến cho mọi bình luận, “can dự” của người đọc dường như trở nên thừa thãi.

Lẽ ra, tác giả Thái Hạo nên giữ nguyên tên cho tập tản văn Hơi thở trong bàn tayTiếng cuốc, như dự định ban đầu. Tiếng cuốc, vừa hợp với chủ đề cuốn sách, vừa đồng bộ với nhan đề từng bài trong toàn tập: tất cả đều hai chữ, tối giản, dễ hiểu. Tiếng cuốc cũng là âm thanh ám ảnh nhất trong 46 tản văn thiếu âm thanh, giàu hình ảnh, hoài niệm và nỗi chênh chao của lòng người trước những mất mát, tàn phai. Và, không hẹn mà gặp, tôi thấy tâm đắc với hoạ sĩ Lê Minh Phong, khi anh cho rằng, văn của Thái Hạo “như tiếng cuốc trong đêm xô ta vào cõi vắng”. Đúng vậy, văn Hạo là tiếng cuốc, Hạo là con chim cuốc buồn của nước Việt – con chim cuốc của nước Việt buồn – đa đoan, lầm lụi, bền bỉ cất lên tiếng kêu thương nước thương nhà.

Chim cuốc trong văn của Thái Hạo phải từ bỏ bản năng loài để tồn tại. Cuốc không dám kêu, chúng phải nín lặng để tránh sự săn đuổi của con người – sự nín lặng ấy “còn thảm khốc hơn cái chết”. Một lần, dường như phẫn uất và đau đớn không thể kìm nén, tiếng cuốc tức tưởi oà lên, rồi thút thít, nhỏ dần và im bặt.

Con cuốc của đất trời thì câm nín để sống, để yên thân. Nhưng con cuốc Thái Hạo thì vẫn cất tiếng khắc khoải, da diết trong từng tản văn hiền hoà mà bỏng rát như xát muối vào lòng. Con cuốc của đất trời, của ngày xưa chỉ kêu trong “Năm canh máu chảy đêm hè vắng” (Nguyễn Khuyến); con cuốc Thái Hạo thì suốt đêm năm canh ngày sáu khắc vẫn không thôi xa xót. Nó kêu tiếng của người nông dân mất tên làng, của làng quê mất ruộng mất sông mất núi mất giếng mất chùa mất miếu mất đình mất cây mất chim mất cá mất chó mất mèo… Nó kêu tiếng của người công nhân cơ cực và tăm tối phải/bị/chịu và an phận đắm chìm trong nghèo hèn, lạc hậu, quẩn quanh, bế tắc giữa thế kỷ văn minh. Tiếng kêu của nó trầm buồn, phát ra một phần nơi cổ họng, nén lại mười phần trong khuôn ngực nặng trĩu đau xót và phẫn nộ.

Tản văn Thái Hạo có cái đẹp không? Vẫn có, rất nhiều! Cảnh quê, hồn quê, người quê, tình quê đều rất đẹp, đẹp đến xao xuyến lòng người. Nhưng cái đẹp đa phần thuộc về quá khứ, nó chỉ còn trong hoài niệm của một tâm hồn hoài cổ thương kim – nhớ xưa để tiếc nay. Làng quê bây giờ yên ắng nhưng không bình yên, vắng lặng nhưng không êm đềm. Người nông dân lạt lòng lạt dạ với bùn đất, từ bỏ thân phận mình (bỏ ruộng đồng để bước chân vào xí nghiệp); thay đổi điều kiện sống (nhà nào cũng ti vi, xe máy tay ga, xế hộp) nhờ vào việc cắt đứt dây rốn của mình với nhau thai đất mẹ (phân lô, bán nền, chặt cây, bỏ hoang ruộng đất để theo đuổi giấc mơ công nghiệp nhộn nhạo, gập ghềnh và trắc trở). Họ “như con thằn lằn tự ăn chiếc đuôi của mình trong mùa đông giá rét”. Những con thằn lằn ấy, liệu có gì cho tương lai? Lớp trẻ lớn lên, “không thấy chùa, không thấy miếu, không đình, không nghè…”; không cây đa bến nước; không bóng tre, bóng dừa; những đẹp đẽ của làng quê chỉ còn lại trong các câu chuyện kể, trong ký ức của người già. Chúng không biết làng, dù vẫn sống ở nông thôn. Mặt đất dần hoang vu, lòng người dần hoang vu, niềm vui đã khác, nỗi buồn cũng khác…

Hơi thở trong bàn tay là ghi chép hàng ngày về những gì thân thuộc chung quanh, là câu chuyện “viết dưới hiên nhà”, và như đã tỏ bày trong lời bạt, tác giả không có mục đích theo đuổi những điều to tát hay những vấn đề đại sự. Nhưng bao nhiêu mất mát và trống vắng trong 46 tản văn, dù được thể hiện với giọng văn điềm đạm, ôn hoà và trầm tĩnh, cũng khiến ta giật mình nghĩ đến những việc lớn lao hơn. Bởi vì, khi cái bất thường trở thành bình thường, cái tưởng bền vững nay đã vỡ tan và không mong ngày hồi phục, cái quý báu còn lại đã và đang dần sứt mẻ, hư hao, thì điều đọng lại sẽ là niềm nhớ tiếc khôn cùng. Niềm nhớ tiếc của Thái Hạo luôn đi kèm với những âu lo vượt lên cái đói no ấm lạnh đời thường. Kể từ sau Đổi mới, nhất là từ trào lưu đô thị hoá nông thôn, cảm thức “thương nhớ đồng quê” đã trở nên quen thuộc với văn chương Việt. Vẫn trong cảm thức quen thuộc đó, nhưng Thái Hạo khác biệt ở cách nhìn xa hơn, sâu hơn qua những câu kết của mỗi bài tản văn. Những câu kết như những tiếng kêu của chim cuốc, cứ thảng thốt bật lên “quốc quốc”: “Làng là tiểu quốc của người Việt, làng còn thì nước còn, làng mất thì nguy nan”.

Đi hết một đời vẫn không ra khỏi làng quê, người ta thường nói thế để chỉ sự mênh mông, sâu sắc, minh triết của làng quê. Thái Hạo thì ngược lại, anh không ra khỏi làng quê vì làng quê ngày một chật chội, cạn cợt và mê muội. Anh vẫn ở lại, tự neo mình vào mảnh đất trầm luân xơ xác ấy, như con cuốc gầy mòn, đêm năm canh ngày sáu khắc không thôi cất tiếng kêu cảnh tỉnh đồng loại.

Người xưa từng nói: “vô vi điểu trung chi đỗ quyên” – nếu là chim, đừng chọn làm chim cuốc. Bởi vì, chim cuốc là loài chim của khổ đau và sầu muộn, luôn gắn với những nỗi bi ai, day dứt, uất hận, tiếc nhớ, buồn thương. Nhưng chim cuốc lại là loài chim cất tiếng kêu vì cố hương, cố quốc, tổ quốc; thê thiết kêu cho đến ứa máu vẫn không thôi.

Vậy thì Thái Hạo ơi, hãy cứ là chim cuốc, cất tiếng kêu cho quốc dân, quốc tính, quốc sự bằng chính quốc ngữ của mình. Kêu nữa đi, dẫu có rạc người, kiệt sức, mòn hơi, ứa máu; để may ra, người dân này, làng quê này, nước non này tỉnh giấc mộng phù hoa!

Comments are closed.