Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (20)

Thụy Khuê

 

Chương 16: III- Le Brun

Hai người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh, được vua cho chức vụ cao hơn người khác và có trách nhiệm lớn hơn, là Théodore Le Brun và Jean-Marie Dayot. Khác với những đồng hành, tên tuổi của họ còn tồn tại đến ngày nay, vì được các sử gia thuộc địa đưa lên hàng đầu trong số những “sĩ quan” có công “dựng lại ngôi báu” cho Nguyễn Ánh. Sự kiện này có lẽ thoát thai từ việc, ngay từ đầu, tức là từ ngày 27/6/1790, chức vụ của họ đã cao hơn người khác:

Le Brun chỉ là binh nhất trên tàu Pháp khi đào ngũ, được nhận chức Khâm sai cai đội thanh oai hầu, quản chiếu việc công thự, có lẽ vì đã khai man là “sĩ quan” và “kỹ sư”, rồi các ngòi bút thuộc địa viện vào để đưa lên hàng “kiến trúc sư thiết kế đô thị” đầu tiên của Việt Nam.

Jean-Marie Dayot, người duy nhất đã từng là sĩ quan trên thương thuyền ở Ấn Độ, với chức trợ tá đại uý, cai quản tàu buôn nhỏ Adélaide, hoạt động trong vịnh Bengale, trước khi đến Việt Nam. Vì vậy mà Dayot có khả năng vẽ được thuỷ đạo đồ bờ biển nước Nam.

Nhờ kinh nghiệm và phẩm trật có thực, JM Dayot được nhận chức Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu, quản chiếu hai tàu Đồng Nai và Le prince de Cochinchine (tàu này không biết tên Việt là gì, đây là tên đã dịch sang tiếng Pháp) với sự trợ tá của Vannier, cai đội chấn thanh hầu, quản tàu Đồng Nai, và Isle-Sellé, cai đội long hưng hầu, quản tàu Le Prince de la Cochinchine, cùng với Guillon, phó cai đội oai dõng hầu và Guilloux, phó cai đội nhuệ tài hầu. Dayot, sau khi phạm tội, trốn đi, kể lại chuyện mình và Puymanel cho Sainte-Croix nghe và viết lại: Sainte-Croix sẽ biến Puymanel thành “kỹ sư trưởng” chỉ huy việc đóng thuyền và xây dựng các thành đài ở nước Nam và Dayot thành “thủy tổ ngành hải quân” Việt Nam.

Chúng tôi thử điều tra lại con đường thực thụ của hai nhân vật này, trước hết là Théodore Le Brun.

Théodore Le Brun

Trước khi đến Việt Nam

Không biết quê ở đâu. Qua những thông tin Faure chép được trong Văn khố Bộ Hải quân (Archives de la Marine), Le Brun trước hết là lính tình nguyện trên tàu Vénus, “tàu Vénus khởi hành từ Brest ngày 18/6/1785 và bị nạn trong vịnh Ba Tư. Thuyền trưởng tàu này chuyển sang tàu Méduse ngày 18/6/1788 (Faure, t. 241). Như vậy, Le Brun ở trong số những thuỷ thủ của tàu Vénus bị chuyển sang tàu Méduse, tuy nhiên, trong bản kê khai tên các thuỷ thủ đào ngũ của tàu Vénus, cũng lại có tên Le Brun: “Danh sách tên những thuỷ thủ của tàu Vénus bị đuổi hay đào ngũ, gồm có: Le Brun (Théodore), tình nguyện binh nhì (chức nhận ngày 8/2/1788), chuyển sang tàu Méduse, ngày 19/6/1788… (Faure, t. 241).

Ở trang 241 thì Faure viết như vậy, nhưng đến trang 243, về tàu Méduse, Faure lại ghi: “Tên những thuỷ thủ đào ngũ hay bị đuổi trong hành trình, gồm có: Le Brun (Théodore), tình nguyện binh nhất (chức nhận ngày 1/1/1789) (Faure, t. 243).

Như vậy, Le Brun bị hai lần ghi tên trong danh sách đào ngũ, của tàu Vénus và tàu Méduse, chắc có sự nhầm lẫn, vì anh ta được chuyển từ tàu Vénus sang tàu Méduse, vậy chỉ đào ngũ một lần ở tàu Méduse.

Faure viết tiếp: “[Le Brun] vào bệnh viện Pondichéry ngày 28/6/1788, ra ngày 28/8/1788, lên bờ ở Macao ngày 13/1/1790, rồi ở lại; nợ Nicholas Lolier 45 piastres à 5l, 8s, [?] trị giá 243 livres. (Faure, t. 243). Như vậy, Le Brun ở bệnh viện Pondichéry trong hai tháng từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8 năm 1788. Rồi có lẽ anh ta phải lên tàu Méduse làm việc trở lại cho tới ngày 13/1/1790, tàu này ghé Macao, anh ta bèn ở lại đây, lần này mới thực sự là đào ngũ; không biết Le Brun ở lại Macao bao lâu rồi mới tìm cách sang Việt Nam.

Văn bằng Khâm sai cai đội của Le Brun

Ngày 13/1/1790 Le Brun mới tới Macao và ở lại, rồi tìm cách sang Nam Hà. Mà thành Gia Định, theo Trịnh Hoài Đức, đã đắp từ ngày 4/2/Canh Tuất [19/3/1790]. Vì vậy, tất cả các giả thuyết cho rằng Le Brun vẽ bản đồ thành Gia Định là hoàn toàn vô lý. Bởi việc xây dựng một thành phố, không thể xúc tiến trong vài ngày.

Ta chỉ có thể chắc chắn rằng, Le Brun có mặt ở Việt Nam trước ngày 27/6/1790, là ngày anh ta được nhận chức Khâm sai cai đội, với một văn bằng được ưu đãi hơn người khác:

Hoàng Thượng xét thấy tài năng của Théodore Lebrun, quốc tịch Pháp, với bằng văn bằng này, ban cho y chức Khâm sai cai đội thanh oai hầu, quản chiếu việc công thự [bản tiếng Pháp dịch là capitaine ingénieur]; vì thế, Hoàng Thượng, giao cho y coi sóc tất cả những đồn luỹ trong nước, và lệnh cho y phải tìm mọi cách để có được sự bảo đảm an toàn cho những thành trì này. Nếu vì bất cẩn, y không làm tròn nhiệm vụ, thì sẽ bị trừng phạt theo luật pháp.

Ngày thứ 15, tuần trăng thứ năm, năm thứ 51, đời Cảnh Hưng (27/6/1790)” (Louvet, t. 536).

Qua văn bằng này, ta thấy Le Brun đã tự nhận mình là kỹ sư xây dựng nên được vua cho chức Khâm sai cai đội oai thanh hầu, trông coi các thành trì. Chức vụ của Le Brun tương đương với chức vụ của Dayot, là Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu, khâm sai cai đội trông coi hai tàu (quản chiếu tàu nhị chích).

Rất tiếc là chúng ta không có văn bằng của Puymanel để so sánh xem Puymanel được nhận chức gì, khi mới đến. Việc này hơi lạ, vì chính Puymanel dịch bằng của các bạn ra tiếng Pháp, mà lại không thấy anh ta đưa văn bằng của mình ra dịch. Hoặc vì Puymanel sợ các bạn ganh tỵ hoặc vì anh ta khai man nhiều quá, nên sợ bị tố cáo chăng?

Và Puymanel, từ chức Khâm sai cai đội năm 1790, đến năm 1792, đã lên thẳng chức Vệ uý, là điều lạ, khiến Cadière cũng thắc mắc. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng vì Puymanel đã lập được nhiều công trong ngành pháo binh, như việc cùng với Trần Văn Học “chế tạo các hạng hoả xa, chấn địa lôi, binh khí (Liệt truyện, II, t. 282), nên được lên chức năm 1792, đúng vào lúc quân Pháp bỏ đi và Nguyễn Vương đang cần người, sẽ nói rõ hơn về vấn đề này, trong phần viết về Puymanel.

Trở lại các văn bằng phát ngày 27/6/1790, chỉ có Le Brun và Dayot là được hai chức Khâm sai, Vannier chỉ có chức cai đội, quản tàu Đồng Nai, dưới quyền Dayot; Isle-Sellé được chức cai đội, quản tàu Le prince de Cochinchine, dưới quyền Dayot; còn Guillon, nhận chức phó cai đội, dưới quyền Dayot, và Guilloux chức phó cai đội, dưới quyền Dayot.

Tóm lại, vì Dayot là người duy nhất có học lực và kinh nghiệm, từng điều khiển tàu ở Ile France, nên anh ta đã được chức cao và rất được trọng đãi, dưới quyền có tới 4 phụ tá: Vannier, Isle-Sellé, Guillon và Guilloux.

Nhưng đọc kỹ văn bằng phát cho những người này, ta thấy vua rất nghiêm khắc, luôn luôn có câu: “Nếu vì bất cẩn, y không làm tròn nhiệm vụ, thì sẽ bị trừng phạt theo luật pháp”. Vì câu này, mà Dayot khi làm đắm tàu Đồng Nai, có thể đã bị xử tử, cho nên y phải chạy trốn. Trường hợp của Le Brun không biết như thế nào, nhưng ta cũng có thể đoán: vì y khai man là kỹ sư, nên khi không làm được việc phòng bố các đồn luỹ, Le Brun cũng phải bỏ đi.

Le Brun bỏ đi

Le Brun bỏ đi rất sớm.

Le Brun bỏ đi, sang Macao, mà có lẽ một trong những người đầu tiên trong toà lãnh sự Pháp ở Quảng Đông mà Le Brun gặp là de Guignes, nhân viên hay điệp viên của Pháp ở Quảng Đông năm 1791, mà chúng tôi đã nói đến nhiều lần trong các chương trước. Vì vậy bản báo cáo của De Guignes gửi về Bộ Ngoại giao ngày 29/12/1791 có nói đến việc Le Brun bỏ đi. Nhờ bản báo cáo này (do Faure trích dẫn, chúng tôi đã nói tới trong chương 12) nay ghi lại hai đoạn đáng chú ý, để soi tỏ một số vấn đề. De Guignes viết:

1- Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta [Nguyễn Ánh] một cái bản đồ thành đài. Nhà vua muốn xây ngay một thành, mặc dù cần phải có thời gian thuận lợi. Vì vậy phải sách nhiễu dân chúng, phá nhà cửa, bắt 30.000 dân công làm thành cho vua có nơi rút quân khi thua trận. Quần chúng và quần thần nổi dậy. Olivier và Le Brun, hai tác giả công trình này cũng bị vạ lây. Giám mục Bá Đa Lộc, phải đưa hai ông về trốn ở nhà mình mới tránh khỏi tai nạn này (Faure, t. 214).

Người ta sẽ bạ vào câu trên để “chứng minh” Puymanel và Le Brun là tác giả xây thành Gia Định (xem chương 12). Nhưng ở đây, chúng ta có thêm một nhận xét nữa, rằng: de Guignes không bịa ra tin này, ông ta chỉ chép những gì Le Brun kể lại. Vậy trường hợp Le Brun rất có thể, cũng giống như trường hợp Dayot, tức là sau khi bỏ đi, phải thuật lại chuyện mình cho hay: Le Brun xuất thân binh nhất, nhưng khai man là kỹ sư, nên được trao trọng trách quản lý các thành trì; vì không làm được nên mới bịa chuyện: cho vua bản đồ và vua đã vội vã xây thành theo bản đồ của y và Puymanel cho, nên dân mới nổi loạn, khiến y và Puymanel bị vạ lây.

2- De Guignes viết: Ông Le Brun, thấy vua đánh giặc chậm quá, đã bỏ về Macao. Chỉ còn lại ở Nam Hà ông Olivier mà đức giám mục Adran không ngớt lời khen ngợi. Không có tàu ngoại quốc nào đến Nam Hà nữa (Faure, t. 215).

Câu Không có tàu ngoại quốc nào đến Nam Hà nữa, là sai hẳn rồi. Nhưng câu Ông Le Brun, thấy vua đánh giặc chậm quá, đã bỏ về Macao, cũng sai nốt: Khi Le Brun ở Nam Hà, từ tháng 6/1790 đến khi bỏ đi giữa năm 1791, không có trận đụng độ nào giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn cả, vì Quang Trung còn đó làm sao mà đánh. Thì không thể nói là đánh nhanh hay đánh chậm.

3- Faure thấy de Guignes viết câu này sai, bèn chua thêm chú thích: “Như vậy, chắc chắn anh lính tình nguyện binh nhất Le Brun chẳng ở Nam Hà lâu hơn 15 tháng. Le Brun bỏ đi, không phải vì [vua] đánh chậm, mà bởi vì ít lương, và nhất là anh không bằng lòng ở dưới lệnh của Olivier, chỉ là tình nguyện binh nhất thôi, vậy mà được chức Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà (Chef d’état-major de l’armée de Cochinchine) chức vụ làm cho anh có quyền điều khiển người đồng bạn (Faure, note số 2, t. 215).

Câu này của Faure, chỉ đúng một phần: “lính tình nguyện binh nhất Le Brun chẳng ở Nam Hà lâu hơn 15 tháng. Bởi vì Le Brun đến Nam Hà khoảng tháng 6/1790, và trở về Macao, trong năm 1791. (Cuối năm 1791, de Guignes đã viết báo cáo trên đây, vậy thì Le Brun đã trở về Macao mấy tháng trước đó). Phần còn lại, là sai, bởi vì, Olivier de Puymanel chưa bao giờ được làm Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà, cả. Chức này do Dayot bịa ra khi nói chuyện với Ste-Croix để tự thăng mình và Puymanel lên, hoặc chính Ste-Croix bịa đặt.

Năm 1790-1791, Puymanel chỉ có thể là Cai đội hoạc Khâm sai cai đội mà thôi. Puymanel lại chuyên về pháo binh, chưa chắc đã làm việc chung với Le Brun.

Lý do chính về sự bỏ đi của Le Brun, mà cả Faure lẫn de Guignes đều không biết hoặc biết mà không nói ra, theo chúng tôi, là vì Le Brun trót khai man, anh ta không phải là kỹ sư, không biết gì về thành quách, ở lại mà không làm được việc, sợ bị vua trị tội.

Cosserat cho biết Le Brun từ chức năm 1791, trở về Macao, rồi biệt tích (Cosserat, t. 174).

Nhưng sau này Taboulet tìm thấy một thư Le Brun viết từ Ile de France ngày 15/6/1792, cho M. Létondal, trong có câu: “Tôi lui về ở cách bến tàu ba dặm, chỗ người bà con có nhà thợ ruộm, tôi trông nom công việc và làm quản lý cho họ. Còn hơn là làm việc cho vua Nam Hà” (Taboulet, I, t. 245).

Théodore Le Brun là người được một số ngòi bút thuộc địa và Việt Nam dựng nên huyền thoại vào loại cao nhất, ngang hàng với Olivier de Puymanel và Jean-Marie Dayot, tuy nhiên, ta cũng nên phân biệt hai loại tác giả:

Sainte-Croix, viết theo lời kể của Dayot, không đả động gì đến Le Brun, chắc vì Dayot không ưa Le Brun. Còn Faure, Maybon và Cadière cũng không “tha thiết” lắm với Le Brun.

Chỉ có Taboulet là thượng thăng Le Brun lên hàng: “nhà thiết kế đô thị đầu tiên của Sài Gòn”. Và sự dựng đứng này được nhiều sử gia Việt Nam chép lại, khiến y “đích thực” đi vào lịch sử.

Tại sao Le Brun trở thành “nhà thiết kế đô thị” đầu tiên của Sài Gòn?

Tại sao lại có sự chấp nhận dễ dàng một người lính đào ngũ binh nhất, trở thành “nhà thiết kế đô thị”, mà không cần tìm kiếm sâu xa; như thể, tất cả những người Pháp đến nước Việt, dù vô học, cũng dễ dàng trở thành các “đại kỹ sư”, “đại kiến trúc” như vậy?

Chúng tôi tạm đưa ra mấy giả thuyết sau đây:

1- Vì cái tên Le Brun (cũng viết là Lebrun), gợi sự liên tưởng tới Charles Le Brun (1619-1690) hoạ sĩ đại tài, trang trí cung điện Versailles của Louis XIV. Vậy chính cái tên Le Brun của Théodore đã gây ấn tượng mạnh khiến người ta tưởng ông là con cháu Charles Le Brun; do đó, chỉ cần nghe phong thanh có một bản đồ thành Sài Gòn do Le Brun vẽ, là người ta tin là thật ngay và khi Taboulet đặt Le Brun lên hàng “nhà thiết kế đô thị đầu tiên của Sài Gòn”, thì mọi người thi nhau chép lại.

2- Vì văn bằng của vua cấp cho Le Brun là Khâm sai cai đội thanh oai hầu quản chiếu việc công thự, và giao cho nhiệm vụ trông nom tất cả các thành trì trong nước (le soin de toutes les fortifications de ses Etats), theo như bản dịch tiếng Pháp của Puymanel; nhưng chúng tôi tin rằng câu này không dịch đúng nguyên văn chữ Hán, vì nếu một người có quyền trông nom tất cả các thành trì thì người ấy phải là thượng thư Bộ Công, hoặc quyền thượng thư, nhưng lúc đó chưa có chức này. Tuy ghi là Puymanel dịch nhưng Puymanel mới đến Việt Nam năm 1788, thì 1790 chưa thể dịch được văn bằng chữ Hán, chắc Trần Văn Học hay Hồ Văn Nghị dịch giúp.

Dịch giả diễn chức vụ của Le Brun sang tiếng Pháp là capitaine ingénieur (đại úy kỹ sư), chúng tôi dịch lại là quản chiếu việc công thự.

Sau đó đến câu: “và lệnh cho y phải tìm mọi cách để có được sự bảo đảm an toàn cho những thành trì này (et lui enjoint de prendre tous les moyens possibles pour pourvoir à leur sureté). Câu này gây khó khăn: nếu vua lệnh cho Le Brun phải “bảo đảm an toàn” những thành trì này, thì y lại không phải là “kỹ sư” nữa mà y là “tướng”. Do đó, vì không có bản trực dịch văn bằng từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, thì khó có thể biết đúng nhiệm vụ vua giao cho Le Brun.

3- Tuy vậy, có mấy điểm ta có thể chắc chắn:

– Le Brun khai man là kỹ sư chuyên về đồn luỹ, nên mới được nhận chức cao hơn các bạn.

– Văn bằng của vua viết rất nghiêm khắc: nếu không làm được việc thì phải chịu tội.

– Việc vua trao cho Le Brun khó làm, quá khả năng của y, nên tránh bị tội, y mới bỏ đi.

Sau khi bỏ đi năm 1791, thì năm sau, Le Brun nhận công việc trông coi nhà thợ nhuộm của người bà con ở Ile de France (thư Le Brun viết ngày 15/6/1792, Taboulet, I, t. 244) điều đó lại càng chứng tỏ Le Brun không có học lực hoặc khả năng đặc biệt một chuyên ngành nào cả.

Bản đồ thành bát quái được in lại trong sưu tập bản đồ của các tác giả thuộc địa, ghi là bản đồ Le Brun 1799, không thể là của Le Brun, vì Le Brun đã bỏ đi từ năm 1791, và nếu Le Brun có vẽ được một bản đồ nào đó về thành bát quái thì cũng chỉ là sự vẽ lại một bản đồ có sẵn của thành bát quái đã đắp xong. Vì, thứ nhất, khi Le Brun đến Gia Định nhận văn bằng thì thành đã làm xong rồi, và thứ hai, không có điều gì chứng tỏ Le Brun đã từng học ngành kiến trúc. Còn cái bản đồ thành phố Tây phương theo kiểu Mỹ với 40 đại lộ ngang dọc mà mọi người nhắc đến, kể từ Cadière trở đi, rồi Taboulet phóng đại thêm ra, để chứng tỏ “tài năng” của Le Brun, thì chưa ai tìm thấy ở đâu cả.

Công việc của chúng ta ngày nay, không phải là bác bỏ công lao của những người Pháp này, mà là tìm lại sự thực lịch sử. Ai có công thì ghi. Những gì chỉ là lời đồn, cũng phải được đưa ra ánh sáng.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-19/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-18/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-17/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html

Comments are closed.