Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (4)

Nạn “cuồng dịch” hay phương pháp dịch “hậu google” (2)

Nhân đọc những phần dịch Anh – Việt trong tập sách Tư tưởng triết học (nxb Hội Nhà văn, 2015) và phần Lịch sử nghệ thuật trong tập 2013 VCL Tranh vẽ Võ Công Liêm (nxb Hội Nhà văn, 2013) của Võ Công Liêm

Nguyễn Thanh Văn

imageNxb Hội Nhà văn, 2013

VỀ PHẦN LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT

Quay trở lại đề tài, do có sẵn cuốn sách mỏng về hội họa của cùng tác giả (NXB HỘI NHÀ VĂN – 2013), tôi có thêm vài ghi chú ngắn, cũng giới hạn trong phần dịch Anh – Việt, để các bạn tham khảo thêm. Cuốn sách này có chỗ đặc biệt: nó không đánh số trang! Do đó, những dẫn chứng sau đây trích từ cuốn sách đành phải không ghi số trang.

– “mỗi một lời diễn giải có một giá trị riêng và thêm vào đó một ý thức … ” (each interpretation has its own value and adds to our awareness …).

Nhận xét: “adds to our awareness” nghĩa là “giúp thêm cho tri thức/nhận thức của chúng ta”.

– “Dù có đặt vào một khía cạnh riêng biệt nào đi nữa hoặc cùng đi tới với nhau, điều đó có thể không cung cấp đầy đủ cho một cái nhìn tầm xa” (even placing several strands or approaches together may not provide a complete overview).

Nhận xét: Người dịch chọn lối dịch ẩu tả chỉ vì không hiểu ý. Trong văn cảnh, “placing … together” nên dịch là “kết hợp” (nghĩa đen là đặt gần nhau). Danh từ “appoaches” là cách tiếp cận/phương pháp bị hiểu sai là một động từ, chưa nói là động từ nó có nghĩa là tiến gần, tiếp cận. Tạm dịch là “Ngay cả khi kết hợp nhiều yếu tố và phương pháp cũng có thể không đem lại được một cái nhìn bao quát triệt để”. Võ Công Liêm không biết cả một kiến thức ngữ pháp đơn giản là hai vế trước và sau liên từ “and” phải theo phép “parallel”, có chung chức năng ngữ pháp và cùng hình thức, từ loại. Nếu đã biết “strands” là danh từ thì “approaches” phải là danh từ, sao lại dịch là “đi tới” … với nhau được. Cũng nhân đây nhắc nhau rằng phép “parallel” này ứng dụng cả cho sự cân đối và tương xứng về ý tưởng. Nói “Chúng ta chiến đấu để bảo vệ hòa bình, độc lập và hạnh phúc của nhân dân” thì OK, nhưng hô hào “Ta quyết chiến đấu để bảo vệ hòa bình, độc lập và các ao cá tra của chúng ta” thì – dù đúng ngữ pháp – e cả phe địch lẫn phe ta phải phì cười. Có khi đụng độ địch quân, chỉ thấy các đồng bào chủ ao cá tra là chiến đấu quyết liệt nhất chăng!

– Siêu thực là một nghệ thuật chuyển động … (surrealism is an art movemennt …)

Nhận xét: Một người không biết nghĩa từ “movement” là phong trào, tư trào đến độ dịch “art movement” (phong trào nghệ thuật) “thành nghệ thuật chuyển động”, sai nghĩa, sai cả trật tự từ trong danh từ kép thì không thể nghĩ bàn.

– “Mục đích thực sự của khuynh hướng siêu thực là không tạo ra cái thứ văn chương mới, một thứ nghệ thuật mới, ngay cả hoạt động thuộc triết học …” (the real purpose of surrealism was not to create a new literary, artistic, or even philosophical movement …).

Nhận xét: Có thể nhận ra lần nữa cách dịch tùy tiện, không theo kiến thức Anh văn cơ bản thầy cô giáo thời trung học đã dạy và đã lưu ý ở trên – trong một danh từ kép, phải dịch danh từ cuối đầu tiên rồi lần lượt dịch các tính từ từ trước ra sau – dẫn tới nghĩa sai be bét. Từ “movement” dịch là “hoạt động” chưa chính xác, nhưng so với “chuyển động” ở trên xem ra có khá hơn chút đỉnh. Ý câu văn tiếng Anh khá rõ “Mục đích thật sự của chủ nghĩa siêu thực không phải là tạo ra một phong trào văn học nghệ thuật hay thậm chí một phong trào triết học mới …”.

– Mấy chữ “all taboos are forbidden …” nghĩa đơn giản là “Mọi thứ kiêng kị đều bị cấm hẳn …” được Võ Công Liêm dịch là “Tất cả những cấm kị, cưỡng ép là TỬ CẤM THÀNH” (tôi nhấn mạnh – NTV). Các bạn có phát hiện ra bí ẩn lối dịch dị thường này không? Vì sao có Tử Cấm Thành lù lù xuất hiện ở đây? Hóa ra người dịch đọc “forbidden (cấm) thì liên tưởng “purple forbidden city” (Tử Cấm Thành) – quái thật, cấm và Tử Cấm Thành thì quan hệ bà con gì mới được chứ! Xin nói thêm, từ “Tử” trong “Tử Cấm Thành” có nghĩa là “tím/màu tím” không liên quan chi nghĩa “Chết/chết chóc/chết tiệt” để dọa nạt, cấm đoán ai cả.

– Tình yêu hội họa cũng như triết học phải say tới mức nào Võ Công Liêm mới dám dịch “in order to make …” là “trong đơn đặt hàng …”, “abstract expressionists” là “chủ nghĩa siêu ấn trừu tượng”, “hand-painted paragraphs” là “Bàn tay vẽ như chớp được những tấm hình của giấc mơ” – kinh khủng quá đi mất! – “conscious surrealists” là “tâm thức siêu thực”, “art rebels” thành “một thứ nghệ thuật bung phá” và “social order” thành “quy luật xã hội”.

– Nhưng đỉnh cao của giáo chủ trường phái dịch Võ Công Liêm là việc dịch từ “melting watches” ra Việt ngữ là “một cái nhìn nóng bỏng rởn rợn”. Phải nói tới hiệu quả “kinh rợn” – không phải rởn rợn – kết hợp hơi hướm Hàn Mặc Tử, Edgar Poe và cả Hitchcock! Dạ thưa, “melting watches” là “những chiếc đồng hồ tan chảy”, còn gọi là “soft watches” (đồng hồ mềm), là một mô típ hội họa quen thuộc ám ảnh Salvar Dali mà ai có chút quan tâm tới hội họa hiện đại và danh họa Tây Ban Nha này không thể không biết. Để thêm phần mỉa mai, “một cái nhìn nóng bỏng rởn rợn” lại được Võ Công Liêm không những giới thiệu trong bài tiểu luận “salvar dali – siêu thực hay siêu tưởng” nghĩa là Dali đang là đối tượng của bài viết của chính Võ Công Liêm, mà còn là trong một tập tiểu luận chuyên về lịch sử hội họa thế giới. Và điều kì dị hơn mọi thứ kì dị là trong một công trình về lịch sử và lý luận hội họa chỉ nhắc các đại danh cỡ Picasso, Miro, Dali, Modigliani, Leonardo da Vinci, Gauguin … – tất nhiên cỡ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Đỗ Quang Em hay Đinh Cường không có cơ hội chen chân – thì 100% minh họa là tranh của … Võ Công Liêm! Có tên tuổi họa sĩ Việt Nam rồi – Hú vía!

Từ những cái đồng hồ dù có dạng khá “lập dị” của Dali hóa thành “một cái nhìn nóng bỏng rởn rợn” phải có quy luật bí mật gì đó cần giải mã. Trình độ Anh ngữ chỉ chếch lên một tí xíu thôi, người dịch đã dịch là “những cái nhìn” (watches!), chứ không thể “một cái nhìn” được – thật ngược với vụ “cuốn sách này” lại hóa thành “những cuốn sách này” nêu phần trước – cho dù sai vẫn hoàn sai. Ít ra phải có tinh thần “Upanishad” ngồi hầu cạnh gối sư phụ Võ Công Liêm vài buổi như người viết bài này mới hiểu nổi sơ đồ dịch của bậc thầy. Hẳn ông thầy pháp trông gà hóa cuốc, nhớ mang máng “to watch TV” chẳng hạn, nên từ “xem” ti vi sang “nhìn”. Lại do căn bệnh cóc cần phân biệt danh từ và động từ, hay số ít và số nhiều nên từ “nhìn” thành “cái nhìn” tới “những cái nhìn” tưởng không có gì logic hơn (thực ra động từ “watch” có nghĩa “nhìn”, ‘xem” nhưng không có danh từ “watch” có nghĩa “cái nhìn”, mà là “phiên gác/người canh gác”). “Melting” nghĩa là tan chảy và với tư duy và liên tưởng bay bổng kiểu cát nóng ắt phải “nhảy phỏng lên”, thì tan chảy ắt phải “nóng bỏng” thôi cũng “có lý” của nó! Riêng “rởn rợn” thì phải thừa nhận là phần đóng góp hoàn toàn độc đáo của Võ Công Liêm – tuyệt đối không có bàn tay can dự của từ điển Oxford hay Cambridge, thậm chí Google gì ráo – phảng phất mùi thi ca và hương vị triết học.

Không đâu xa, cũng ngay trong tập sách mỏng về hội họa này, thi sĩ – triết gia Võ Công Liêm trổ tài dịch một ý thơ của đồng nghiệp Dali “my girlfriend’s knees are of smoke” (ý tạm chuyển là “Cặp đầu gối người yêu của tôi kết bằng khói/sương khói”) được Võ Công Liêm dịch là “Cặp đùi người bạn gái tôi quỳ xuống khói bốc hơi”. Cặp đùi sexy hơn đầu gối là cái chắc, nhưng một người như Dali tỉnh bơ “trang trí” buổi triển lãm tranh của mình bằng mấy nhóm phụ nữ trần như nhộng, có cô – xin lỗi – phơi cả lông kín đủ độn một cặp gối cho cả tôi và Võ Công Liêm dùng, mà để cho ai khác dạy dỗ vụ sexy thì khó nghe quá. “Knees” là danh từ, không phải là động từ “to kneel” nên không có vụ “quỳ xuống”. Từ “gối’ qua “đùi”, chắc Võ Công Liêm cho mình táo bạo lắm nhưng theo thiển ý chỉ là hạng nửa vời. Đã vờ vĩnh dịch – vì làm gì có vốn liếng mà dịch hở trời! – thì “phăng” lên luôn đi. Sau “quỳ xuống” thì đùng phương pháp dịch Siêu Google cứ mạnh dạn thêm “chổng mông”, dù có hoang dã một tí nhưng rất Dali và mới hợp cái image “khói bốc hơi” chứ! Nhưng “khói” thì bốc ra khói, y như “hơi” thì cứ việc bốc hơi, chứ vì sao “khói” lại “bốc hơi” – hay hơi bốc khói – thì ai thắc mắc cứ việc im lặng là vàng!

Vài phần dịch Pháp ra Việt của Võ Công Liêm rất đáng nghi ngờ, nhưng chắc không phải việc của một người học tiếng Pháp là sinh ngữ thứ hai, nên tôi không dám có ý kiến chi tiết. Dù vậy liếc qua thấy “Je vous attendrai” (Anh/Tôi sẽ đợi em) được dịch là “Tôi cùng em đợi” không khỏi băn khoăn. Tôi đợi em không bao hàm nghĩa em cũng đợi tôi. Tôi đợi em thì tôi là người đợi và em là đối tượng tôi đợi. Còn tôi cùng em đợi thì đẻ ra chất vấn “tôi” và “em” đợi ai? Hai nội dung không thể là một được. Chỉ mới nghĩ quanh vài ba phút, người viết đã thấy có dấu hiệu đau đầu, bèn lờ mờ đoán tiếng Pháp chắc là sinh ngữ thứ ba của Võ Công Liêm.

Dẫu sao cũng phải qua … hồi kết luận. Giọng có phần mai mỉa, người viết không dám phủ nhận, e lỡ xúc phạm tập quán phù suy đầy nhân hậu của dân tộc ta. Rằng ai mần chi kệ người ta. Rằng tuổi hưu rồi mà nhiệt tình nhiệt huyết sáng tạo như rứa “đánh” – từ có ý bạo động! – người ta tội nghiệp. Và rằng cũng chỗ xa gần quen mặt cả. Đúng như vậy thiệt, chỉ bổ sung cũng vì cái truyền thống nhân hậu chết tiệt đó giữa bọn văn hữu An Nam ta mà các sạp hàng ngày nay ối hàng giả, hàng nhái. Và đã thương thì không rõ sao không thương cho đều, thương luôn các vị sơ học và các cháu thanh thiếu niên không có tội tình chi ngoài cái tội ham học hỏi, không may ôm nhầm thứ thần chú Tư tưởng triết họcLịch sử nghệ thuật của Võ Công Liêm rồi tẩu hỏa nhập ma, bán thân bất toại thì hậu quả còn tới đâu, ngân sách mô mà chữa trị. Chỉ cái hậu quả của khu vực triết học chính thống, gọi đúng tên là “giáo lý xã hội chủ nghĩa”, e phải mất khoảng 50 năm cho tới tròn thế kỷ còn thao thức xử lý chưa xong, nay thêm cái họa triết-học-tư-nhân kiểu ni (đúng chủ trương Nhà Nước và Nhân Dân (và Việt Kiều) cùng làm đây rồi) – thì có nước chết … tươi! Do đó kẻ viết bài này mạn phép nghĩ rằng nếu một lời “thanh nghị” để giúp ai đó biết tới chữ “cẩn trọng”, đại khái chớ thấy người có đầu sách, có thư viện, hễ mở miệng là Cantơ (Kant), Mã Khắc Tư (Marx), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), Lư Thoa (Rousseau), thậm chí biết cả Giăngnơ Pônlơ Xạctờrơ (Jean-Paul Sartre) … mà ngỡ là chơn trí thức, hay nói ở trường hợp nôm na, thực tế này – với ca đặc biệt của tác giả Tư tưởng triết học – chớ thấy name card có chữ Việt kiều mà tin vào bản dịch người ta dúi cho … thì cũng đáng cho cái sự bị hiểu lầm vậy.

Tôi không ngại nói rằng ngay một tình yêu mù quáng với triết học, tri thức cũng có cái đáng cảm động và sang cả của nó. Trường hợp Võ Công Liêm không phải không có chỗ đáng cảm thông! Love is blind, cụ Shakespeare từng cảm thán. Cái “blind” riêng giữa hai người trong chốn ái ân cũng mang lại khối cảm giác nhớ đời, có khi không thèm màng tới màn tham vấn của thiên hạ không khó hiểu lắm. Vấn đề là nơi thụ hưởng thứ “mù quáng” hạnh phúc kiểu này nên là chỗ kín đáo riêng tư. Khi tình yêu triết học đậm đà bản sắc hoang dã cỡ Võ Công Liêm với trường phái dịch thuật Google – thật ra đã là hậu-Google rồi – thay vì tự giới hạn trong thư phòng, giường ngủ, bên án thư hay trong một câu lạc bộ Triết học tư nhân nào đó, lại nỡ vươn ra với và về với dân tộc … qua ngõ Thái Bình Dương với mức độ sát thương cao như trong hai tập Tư tưởng triết họcLịch sử nghệ thuật, e ảnh hưởng sinh mạng người nghe và sinh mệnh của chính Triết học, thì phải đành kêu gọi lương tâm của kẻ si tình Võ Công Liêm rằng: Hãy buông tha cho triết học – PLEASE! – và luôn thể tự cứu lấy mình!

Không nghi ngờ chi nữa, với thứ tiếng Việt tù mù và kiến thức Anh ngữ kém cỏi, Võ Công Liêm đã chứng minh rằng người ta vẫn có thể sản xuất được những khuôn mẫu dịch thuật và cả những tiểu luận phức tạp – dù ở những lĩnh vực đầy thách đố như triết học hay hội họa – ở mức độ phải thừa nhận là hoàn hảo cả mặt tối tăm về ý nghĩa lẫn mặt bừa bãi về câu chữ. Đồng thời ông giúp cho chúng ta nhớ một nhận xét thẳng thắn của Paustovski, tác giả các tập truyện Bông hồng vàngMột mình với mùa thu nổi tiếng, rằng “Có một chuyện quái lạ ở nước ta lâu nay là có những cuốn sách dành cho người sáng mắt đọc lại do những gã mù viết”.

NGUYỄN THANH VĂN

* Riêng việc các lỗi không nhỏ tí nào trong các bài viết liều mạng của Võ Công Liêm về triết học và hội họa được nhiều báo mạng của người Việt ở nước ngoài đăng đều đặn mà không biên tập – cụ thể là phần dịch Anh Việt mà theo tôi biết anh chị em thừa sức edit – và các biên tập viên nhà xuất bản hồn nhiên thông qua không nằm trong ý định trao đổi của người viết. Dù sao cũng bàn qua rằng không thể có tiêu chuẩn không tưởng rằng Giám đốc nhà xuất bản hay Tổng Biên tập báo viết, báo mạng phải biết tất cả ngoại ngữ và nắm vững kiến thức mọi ngành mà vấn đề đặt ra là nhóm biên tập viên – những người cũng không cần có tiêu chuẩn vừa lưu ý – phụ trách bài vở cụ thể cần có trách nhiệm xác định phần bài nào ngoài tầm hiểu biết và biên tập của mình để đề xuất cấp trên có phương án giải quyết – kể cả biện pháp chẳng đặng đừng là (tạm) gác bài hoặc (tạm) ngưng việc in ấn. Một điểm tôi đã lưu ý là không nên đặt lòng tin mù quáng ở các cộng tác viên khi chưa có quá trình thẩm định và chưa có độ tin tưởng cao trong lĩnh vực liên quan để … hối không kịp! Cái chén bể thì quăng vào sọt rác, cuốn sách hỏng chất lượng, ngoài tầm sửa chữa, đã mắc kẹt trong đầu bạn đọc thì tính – xin lỗi – sao đây!

Comments are closed.