Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (3)

Thụy Khuê 

Chương 2

Các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong

clip_image002

Từ thế kỷ XV, hai nước đứng đầu về hàng hải là Bồ Đào Nha và Y Pha Nho đã phát triển việc đánh chiếm thuộc địa, dưới sự bảo trợ của Tòa Thánh. Bồ Đào Nha trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới, đẩy lui đạo Hồi, mở rộng địa bàn Thiên chúa giáo và được coi là "con trưởng" của Giáo hội.

Tòa Thánh muốn đạo Chúa lan toả trên toàn cầu, bằng cách "khai hoá" các dân tộc kém mở mang, chưa biết đến ánh sáng Phúc Âm. Một số đế vương châu Âu, tự mệnh danh là: Vua rất Thiên Chúa giáo (Le Roi très chrétien), được Giáo hoàng ban quyền đánh chiếm thuộc địa nhân danh Chúa, để "khai hoá" các dân tộc "man di" ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, chưa biết đến văn minh Tây phương. Chính sách truyền giáo của Tòa Thánh đi đôi với việc đánh chiếm thuộc địa của các vua châu Âu (Bồ, Y, Ý, Pháp), bởi cùng một chủ trương "khai hoá" và mở rộng đế quốc thánh địa hay thuộc điạ.

La Mã gửi giáo sĩ đi Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, để chinh phục Á Châu, nhưng việc truyền đạo qua thông ngôn, không đạt kết quả mong đợi. Muốn phát triển nhanh, cần phải trực tiếp giảng đạo bằng tiếng địa phương, và để cho giáo sĩ học được thứ tiếng địa phương này, họ đã tìm cách sáng chế ra thứ chữ viết theo mẫu tự La tinh, cho các giáo sĩ dễ nhận mặt chữ để học, hơn là chữ Nôm, chữ Hán, hoàn toàn xa lạ với người Âu.

Vì vậy, Giáo hội đã cho in ngay các sách liên quan đến việc dạy tiếng Việt, mà giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người có công đầu, đem về La Mã năm 1649.

Cuốn Tự điển Việt Bồ La (ghi là) của Alexandre de Rhodes, được in sớm nhất (1651) vì cần thiết cho việc truyền giáo, soạn cho các giáo sĩ Tây phương đã biết tiếng Bồ, tiếng La, học tiếng Việt. Cuốn tự điển này không dành cho người Việt, vì Toà thánh không có lo lắng đó và hầu như cũng không có người Việt nào nghĩ đến việc học tiếng Bồ và tiếng La tinh.

Ba nước lớn ở châu Á được chiếu cố sớm nhất là Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Không kể trường hợp Phi Luật Tân, đã được Magellan[1] "khám phá" từ năm 1521, và được Y Pha Nho chiếm làm thuộc địa và Gia-tô hóa từ năm 1565.

Nhật Bản đã mở rộng cửa đón các giáo sĩ Tây phương từ giữa thế kỷ XVI, là nước đầu tiên được các giáo sĩ thử nghiệm việc sáng chế chữ quốc ngữ Nhật.

Ngày 15-8-1549 giáo sĩ Dòng Tên[2] François Xavier[3] tới Nhật truyền giáo. Đạo Chúa được phát triển ở Nhật, trong nửa thế kỷ, và các giáo sĩ người Âu ở Nhật đã tìm cách viết chữ quốc ngữ Nhật theo mẫu tự La tinh.

Đầu thế kỷ XVII, Mạc phủ, bắt đầu thấy "hiểm họa" nếu tiếp tục để người Âu tự do truyền đạo, nên từ năm 1612, quyết định bế quan toả cảng. Năm 1614, Tướng quân Tokugawa Ieyasu, ra lệnh triệt để cấm đạo, giáo sĩ nào lọt vào nước Nhật, bị bắt, bị tử hình.

Bởi vậy, kể từ năm 1615, Macao [tức Áo Môn, Quảng Châu], trung tâm Công giáo thứ hai ở Á Châu sau Goa (Ấn Độ), phải chuyển hướng: gửi các giáo sĩ Dòng Tên đến Đại Việt.

Các giáo sĩ người Âu sang Đại Việt, luôn luôn có giáo sĩ Nhật đi kèm, làm thông ngôn; bởi vì người Nhật có thể bút đàm bằng chữ Hán, với người Việt, giống như người Tầu "nói chuyện" với người Việt, vì chữ Nhật chính là chữ Hán đọc thành tiếng Nhật. Ngoài ra, những giáo sĩ Nhật còn có kinh nghiệm chữ quốc ngữ Nhật la tinh hóa, vì vậy sự giúp đỡ của họ rất lớn.

Nhưng công lao của người Nhật (cũng như người Việt) trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ, thường được các giáo sĩ người Âu bỏ qua.

 

Những nhà truyền giáo đầu tiên

Trước thế kỷ XVII, đã có một số giáo sĩ người Âu đến Việt Nam, nhưng công việc của họ không được ghi chép rõ ràng, những điều đáng tin cậy về thời kỳ này rất hiếm, vì thế chúng tôi chỉ bắt đầu tìm hiểu việc truyền giáo, từ năm 1615, khi đã có các tài liệu khả tín.

Trong số những nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên được gửi đến Đàng Trong, ba linh mục sẽ giữ địa vị chủ chốt:

Francesco Buzomi (Ý), là vị chủ giáo đầu tiên, khai sinh việc truyền giáo ở Đàng Trong.

Francesco de Pina (Bồ) và Cristoforo Borri (Ý), là hai nhà ngữ học đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ cùng với người Việt và giáo sĩ Nhật.

Chúng ta cũng nên biết hai điểm quan trọng:

– Các giáo sĩ Ý và Bồ không có tham vọng chiếm thuộc địa cho nước họ như trường hợp Alexandre de Rhodes, người Pháp, bởi vì Bồ và Ý, lúc đó đã "có đủ" thuộc địa rồi.

– Vì được đào tạo trong các giáo trường ưu tiên, lâu đời, có trước giáo trường Pháp nhiều thế kỷ, nên những giáo sĩ Bồ và Ý được gửi sang nước ta, đều có trình độ cao.

Việc này giải thích về đức độ hiền hòa của cha Bề trên Francesco Buzomi, với đường lối truyền đạo mềm dẻo, phù hợp với nền văn hóa cổ truyền Việt Nam; sự thông bác về thiên văn của Cristoforo Borri, về ngữ học của Francesco de Pina, của Gaspar d’Amaral và của Antonio Barbosa, hai người soạn tự điển Việt-Bồ, Bồ-Việt đầu tiên, đều là học giả.

Hai cuốn sách chủ yếu giúp chúng tôi tìm hiểu về đề việc truyền giáo và quốc ngữ trong buổi đầu, là cuốn Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri (1583-1632), viết trong khoảng 1618-1622, cũng là tác phẩm đầu tiên viết về việc truyền giáo ở Đàng Trong, cho biết tình hình xã hội và chính trị Đàng Trong, đời sống của giáo sĩ người Âu đến Việt Nam và sự đón nhận đạo Chúa của dân chúng và chính quyền trong những năm đầu thế kỷ XVII.

Cuốn sách chủ yếu thứ hai là Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659[4] viết năm 1972, của linh mục Đỗ Quang Chính (1929-2012). Trong thời gian du học tại Pháp từ 1965 đến 1970, linh mục Chính đã sang Roma và Lisbonne, thu thập tài liệu viết tay của các giáo sĩ trong các thư viện giáo hội, đặc biệt thư từ và bài viết của các vị linh mục đã hoạt động truyền giáo ở Việt Nam trong giai đoạn đầu, liên quan đến chữ quốc ngữ (1620-1659).

Linh mục Đỗ Quang Chính là người đầu tiên xác nhận Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ với những văn bản chứng minh, và ông đã tìm thấy tác phẩm của hai thầy giảng Văn TínBenito Thiện, viết năm 1659, tám năm sau khi sách của de Rhodes được in ra, có trình độ quốc ngữ cao hơn de Rhodes rất nhiều.

Tác phẩm của Đỗ Quang Chính soi sáng nhiều vấn đề văn bản liên quan đến việc thành lập chữ quốc ngữ, và là cuốn sách nghiên cứu công phu, có giá trị nhất về lịch sử chữ quốc ngữ từ trước đến giờ.

Sau khi bình định xong Việt Nam, tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) Đô thành hiếu cổ, được lập ra từ năm 1914, với các học giả Pháp, đi đầu là linh mục Léopold Cadière, chủ bút, để tuyên dương công trạng "khai hoá" Annam cho nước Pháp, kể cả việc truyền giáo lẫn thành lập chữ quốc ngữ và đưa Alexandre de Rhodes lên địa vị hàng đầu. Từ đó, người Việt rập khuôn theo những "tài liệu bác học" này để tôn vinh de Rhodes, mà không hề đặt câu hỏi.

 

Danh sách các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Việt Nam

Đỗ Quang Chính trong Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, ghi:

"Từ năm 1615 đến năm 1788, có 145 tu sĩ Dòng Tên thuộc 17 quốc tịch sau đây đến truyền giáo ở Việt Nam, không kể 31 tu sĩ Dòng Tên người Việt Nam:

74 Bồ Đào Nha. 30 Ý. 20 Đức. 8 Nhật. 5 Pháp. 4 Tây Ban Nha. 2 Trung Hoa. 2 Áo Môn. 2 Ba Lan. 1 Gêne. 1 Hung Gia Lợi. 1 Illyrien. 1 Sarde. 1 Savoyard. 1 Thụy Sĩ. 1 Tiệp Khắc. 1 Toà Thánh"[5].

Bonifacy, khi dịch tập Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri, từ tiếng Ý sang tiếng Pháp, trong bài Note finale (Chú thích cuối cùng) có chép lại tên 10 giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong từ năm 1615 đến năm 1618, như sau:

"Tác phẩm của cha Dòng Tên, không đề tác giả, in 1858 tại Paris, trang 386, ghi danh sách và thời gian các giáo sĩ đã làm việc ở Đàng Trong, gồm có:

1- Jacques [tức Diego] Carvalho (Bồ) (1615-1616).

2- François Buzomi (Ý) (1615-1639), cha Bề Trên đầu tiên.

3- Antoine Diaz (Bồ) (1615-1639).

4- Joseph (Nhật) (1615-1639).

5- Paul (Nhật) (1615-1639).

6- André Fernandez (Bồ) (1616-1624).

7- François de Pina (Bồ) (1617-1625 mất).

8- François Barreto (Bồ) (1617-1639).

9- Christophe Borri (Ý) (1618-1621).

10- Pierre Marques (Nhật) (1618-1655), nhiều lần làm cha Bề Trên"[6].

Danh sách này ghi Borri rời Đàng Trong năm 1621, nhưng trong Ký sự Đàng Trong, Cristoforo Borri cho biết ông rời Việt Nam năm 1622. Đây là danh sách hiếm hoi có ghi tên thánh hai người Nhật, cần thiết cho việc khảo sát công lao của người Nhật.

Dưới đây, chúng tôi dựa vào ba văn bản: Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri, Du hành và truyền giáo của Alexandre de Rhodes, và Lịch sử chữ quốc ngữ của Đỗ Quang Chính, để viết tiểu sử một số giáo sĩ đã đến Đàng Trong truyền giáo, trong giai đoạn đầu 1615-1639:

Francesco Buzomi (1576-1639), người Ý, sinh tại Gêne. Gia nhập Dòng Tên tại Naples. Dạy thần học ở Macao. Là cha Bề trên đầu tiên, đã tạo dựng nền móng cho đạo Chúa ở Việt Nam. Năm 1615, ông đến Cửa Hàn (Đà Nẵng), cùng với giáo sĩ Diego Carvalho và thầy giảng Antonio Dias, người Bồ và hai giáo sĩ Nhật Joseph Paul[7].

Diego Carvalho, chỉ ở lại Đàng Trong một năm, rồi đi Nhật và tử đạo.

Thầy giảng Antoine Diaz, và hai giáo sĩ Nhật Joseph Paul ở lại Đàng Trong tới năm 1639. Chúng tôi chắc chắn hai giáo sĩ Nhật Joseph Paul nền móng căn bản mà cha Buzomi dựa vào để tiếp xúc với người Việt, từ những ngày đầu tiên. Tuy nhiên tên họ không được nhắc đến trong các bản ký sự, hoặc chỉ nói là "người thông ngôn giỏi".

Nhờ những "người thông ngôn giỏi" mà Francesco Buzomi đã giảng đạo "được ngay", ông quảng bá rất nhanh đạo Chúa và năm 1616, ông đã dựng được nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng, với sự giúp đỡ và che chở của bà Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Đến năm 1618, vì nạn hạn hán, Đà Nẵng có cuộc "nổi dạy" chống đạo, chúa Sãi phải ra lệnh cấm đạo và đuổi giáo sĩ. Nhà thờ Đà Nẵng bị đốt cháy. Các giáo sĩ bị lùng bắt. Cùng năm ấy, cha Buzomi bị một mụn nhọt ác tính hành hạ tưởng chết, may được quan Khám lý Qui Nhơn Trần Đức Hòa đưa về Qui Nhơn chữa trị trong một năm mới bình phục.

Rồi tình hình bớt căng thẳng, các giáo sĩ lại được tiếp tục giảng đạo.

Cha Buzomi ở Đàng Trong tất cả 24 năm. Tuy không nói thạo tiếng Việt, nhưng nhờ hai vị thông ngôn giỏi người Nhật, cha đã thành công trong bước đầu truyền giáo và đã góp phần vào việc hình thành chữ quốc ngữ.

Năm 1639 chúa Thượng Nguyễn Phước Lan phái cha về Macao lo công việc cho chúa, rồi cha bị bệnh, mất ở Macao năm đó.

Cũng năm 1639 chúa Thượng Nguyễn Phước Lan ra lệnh cấm đạo gắt gao và trục xuất tất cả các giáo sĩ về Macao. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes cho rằng: Cha Buzomi nghe tin này nên mắc bệnh mà chết. Sự thật có lẽ không phải như vậy. Chúng tôi sẽ trở lại việc này, trong một chương khác.

Diego Carvalho (1576-1624), người Bồ, đến Đàng Trong năm 1615 cùng với Buzomi và Antonio Dias, nhưng chỉ ở Đàng Trong một năm. Năm 1616, ông trở về Nhật truyền đạo. Theo Cristoforo Borri[8], ông bị ném xuống hồ nước lạnh, dầm gió tuyết, chết cóng, ngày 22-2-1624, tại Nhật.

Antonio Dias (1585-?) thầy giảng, người Bồ, đến Đàng Trong cùng với Buzomi và Carvalho. Sống ở Đàng Trong liên tục từ 1615 đến 1639, cộng sự viên đắc lực của cha Buzomi, và cũng là người có công trong việc thành lập chữ quốc ngữ. Dias ở lại Đàng Trong đến năm 1639 thì bị chúa Thượng trục xuất cùng với tất cả các giáo sĩ khác. Không rõ ông qua đời ở đâu.

Joseph Paul, hai giáo sĩ Nhật đến Đàng Trong năm 1615, cùng với Francesco Buzomi, Diego Carvalho và Antonio Dias, ở đến 1639. Chúng tôi không có thông tin gì thêm.

 Joseph (1568-?) thầy giảng, người Nhật. Gia nhập Dòng Tên năm 1590, đến Đàng Trong năm 1616 và ở tới năm 1639. Không biết ông mất ở đâu.

Paulus Saito (1577-1633) thầy giảng người Nhật, đến Đàng Trong năm 1616, ở tới năm 1627 trở về Macao. Từ tháng 10-1629 đến tháng 5-1630, Paulus Saito được cử đi Đàng Ngoài cùng với Gaspar d’Amaral. Ông được thụ phong linh mục tại Macao khoảng năm 1632. Paulus Saito tử đạo tại Nhật ngày 29-9-1633.

Francesco de Pina (1585-1625) sinh tại Guarda, Bồ Đào Nha, chết đuối ngày 15-12-1625 tại vịnh Đà Nẵng. Vào Dòng Tên năm 1605. Sang Macao học từ 1613 đến 1616, học tiếng Nhật, và thần học (với Buzomi). Thụ linh mục năm 1616 ở Malacca. Năm 1617, được gửi sang Cửa Hàn (Đà Nẵng) cùng với một thầy giảng người Nhật, để trợ giúp Buzomi. De Pina giỏi tiếng Nhật, cũng là điểm giúp ông trong việc nghiên cứu chữ quốc ngữ. Francesco de Pina là người Âu đầu tiên giảng đạo bằng tiếng Việt.

Năm 1618, vì hạn hán, dân chúng nổi lên chống đạo. Các giáo sĩ bị lùng bắt. De Pina được người Nhật ở Hội An giấu giếm. Nghe tin này, Macao gửi cha Pedro Marques, người Bồ lai Nhật đi cùng Cristoforo Borri sang Cửa Hàn. Cha Pedro Marques ở lại Hội An, xây dựng cơ sở đạo Chúa đầu tiên ở Hội An với người Nhật. Cristoforo Borri đến Đà Nẵng mới biết tin cha Buzomi bị bệnh nặng, đã được quan Khám lý Trần Đức Hoà chở về Quy Nhơn chữa chạy. Năm sau, 1619, cha Buzomi bình phục, được quan Khám lý đưa về Đà Nẵng gặp lại đạo hữu. Quan Khám lý mời Buzomi, de Pina, Borri về Quy Nhơn. Họ sẽ thành lập được cơ sở đạo Chúa thứ hai ở Nước Mặn. Năm 1620, quan Khám lý đột ngột qua đời, các giáo sĩ không còn nơi nương tựa, buộc phải chia tay.

De Pina trở về Đà Nẵng, được Thế tử Nguyễn Phước Kỳ, Trấn thủ Quảng Nam, cho ở trong Dinh Chàm, lập cơ sở thứ ba của đạo Chúa: cơ sở Quảng Nam, sau Hội An và Nước Mặn.

Tháng 12-1924, cha Gabriel de Mattos, Giám sát các tu sĩ ở Đàng Trong, đi kinh lý Đàng Trong. Phái đoàn tháp tùng do cha Pedro Marques hướng dẫn, có 5 giáo sĩ người Âu: Antonio de Fontes, Gaspar Louis, Alexandre de Rhodes và 2 linh mục khác cùng đến Cửa Hàn[9]. De Rhodes và Antonio de Fontes sẽ được ở lại Dinh Chàm, học tiếng Việt với de Pina. Gaspar Louis xuống Quy Nhơn, học tiếng Việt tại cơ sở Nước Mặn.

Ngày 15-12-1625, Francesco de Pina chết đuối trên vịnh Đà Nẵng. Lúc đó đang có lệnh cấm đạo, các giáo sĩ bị trục xuất, Thế tử Kỳ cho phép các giáo sĩ được ở lại để chôn cất linh mục de Pina. Sau đó, tình hình dịu dần, các giáo sĩ không phải ra đi nữa.

Cristoforo Borri (1583-1632), người Ý, sinh tại Milan năm 1583 và mất tại Roma ngày 24-5-1632. Gia nhập Dòng Tên ngày 16-9-1601. Năm 1615, sang Á Châu truyền giáo, ông đi nhiều nơi. Năm 1618, Borri cùng với cha Pedro Marques đến Đàng Trong, để trợ giúp cha Buzomi đang gặp khó khăn.

Cha Pedro Marques, đi với tư cách là cha Tuyên Uý của người Bồ, Borri "được đi theo" ông, giả làm bồi tầu… Đến Đà Nẵng, Borri và Marques gặp de Pina, đã đến đây một năm trước (1617).

Sau khi cha Buzomi lành bệnh, được quan Khám lý Trần Đức Hoà đưa về Đà Nẵng, cả ba người Borri, de Pina và cha Buzomi, được quan Khám lý mời xuống Quy Nhơn (1619). Trần Đức Hòa dựng nhà thờ cho họ và giúp họ lập cơ sở Nước Mặn. Năm 1620, quan Khám lý đột ngột qua đời, không còn nơi nương tựa, họ phải chia tay. Cha Buzomi và de Pina trở lại Quảng Nam nhờ người Bồ và người Nhật giúp đỡ. Trong thời gian ở chung ba năm tại Đà Nẵng và Qui Nhơn (từ 1618 đến cuối 1620) de Pina và Borri đã cộng tác sáng tạo chữ quốc ngữ cùng với các thầy giảng Việt, Nhật.

Cuốn Ký sự Đàng Trong của Borri có 70 chữ quốc ngữ và một câu quốc ngữ đầu tiên.

Borri ở lại Đàng Trong tới 1622, như ông đã ghi trong Ký sự[10].

Piotro Della Valle còn gặp Borri ở Goa năm 1623; ông về tới Âu châu năm 1624. Borri đã đi nhiều nơi như: Đông Ấn, Nhật, Tầu, Ethiopie, Madagascar… trước và sau khi đến nước ta.

Là nhà khoa học, giỏi về hàng hải, và thiên văn, ông đã viết sách về những địa hạt này. Trở về Âu châu, ông dạy toán ở Coimbra và Lisbonne. Vua Tây Ban Nha, Philippe, triệu ông về Madrid giảng cho vua những khám phá mới của ông về địa bàn.

Về thiên văn học, Borri đưa ra quan niệm Ba trời (Trois cieux), theo ông, có ba trời lỏng (liquide): một, gọi là khí (quyển): hai, là những vì sao hành tinh; và ba là Vòm trời (Thiên đỉnh). Lý thuyết này làm cho Tòa thánh nổi giận, ông bị gọi về Roma và bị quở phạt. Borri bỏ Dòng Tên năm 1632, ít lâu sau ông mất, trong điều kiện tối tăm. Thư của linh mục Venot gửi cho linh mục Ayrault, viết từ Roma ngày 15-7-1632, cho biết:

"Borri bỏ Dòng Tên năm 1632, được Giáo hoàng cho phép vào dòng Bernadins de St Croix de Jérusalem, ở Roma, sau ba tháng tu luyện. Quá thời hạn, ông chẳng đến chầu mà lại xin vào dòng Citeaux, rồi vài tuần sau bị đuổi. Ông kiện dòng này và thắng kiện. Khi ông đến báo tin mừng cho vị giám mục, thì bị một "tai nạn" [ngoặc kép trong nguyên văn]. Người ta khiêng ông lên giường, hôm sau (24-5) ông mất tại nhà vị giám mục, trong vị thế "chẳng là Dòng Tên, chẳng dòng Bernadin, chẳng còn đạo".[11]

Cristoforo Borri để lại tập Ký sự Đàng Trong, có giá trị hàng đầu về giai đoạn truyền giáo dưới thời chúa Sãi. Chúng tôi sẽ trích dịch và giới thiệu ký sự này trong chương 3.

Chỉ tiếc phần viết về đời sống tinh thần và tôn giáo ở Việt Nam có những định kiến sai lầm, vì ông chưa hiểu rõ nền văn hóa Đông phương. Tuy nhiên, tác phẩm của Borri, vẫn là tập tài liệu quý giá nhất cho việc nghiên cứu xã hội và truyền giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XVII.

Pedro Marques (1575-1670), còn viết là Marquez, sinh tại Nhật, cha Bồ, mẹ Nhật, được gửi đến Đàng Trong lần đầu, năm 1618, ông đã 43 tuổi, dưới danh hiệu cha Tuyên úy của người Bồ, cùng với Cristoforo Borri, sang giúp cha Buzomi đang gặp khó khăn ở Đàng Trong.

Pedro Marques đi đi về về Đàng Trong nhiều lần, tùy theo nhiệm vụ, trong các khoảng thời gian: 1618-1626; 1637-1639; 16-2 đến 13-7-1652; 1653-1655; 1658-1664 và 1670. Ông đến Đàng Ngoài một lần: 1627-1630[12] trong địa vị Trưởng đoàn truyền giáo, de Rhodes đi cùng. Ông truyền giáo tại Hải Nam từ 1632 đến 1635. Năm 1670, nhận nhiệm vụ đi Macao mua hàng cho chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, cha Pedro Marques chết vì đắm tầu, ở tuổi 95, gần đảo Hải Nam[13]. Ông xây dựng cơ sở đạo chúa ở Hội An, từ năm 1618 với người Nhật và là cha Bề trên tại Hội An, từ năm 1620.

Cha Pedro Marques là vị linh mục lớn tuổi nhất trong số tất cả các giáo sĩ đến Đàng Trong, hơn cha Buzomi một tuổi, và cũng là vị linh mục Dòng Tên ở Đại Việt lâu nhất trong số các giáo sĩ, từ 1618 đến 1670. Là người Bồ lai Nhật, ông biết chữ Bồ, chữ Hán tức chữ (Nôm) Nhật, và chữ (quốc ngữ) Nhật.

Trường hợp Pedro Marques tiêu biểu cho việc Macao phải dựa vào các giáo sĩ Nhật.

Việc Macao cử Pedro Marques đến Đàng Trong năm 1618 với Cristoforo Borri, mở đầu cho chính sách dùng giáo sĩ Nhật trong việc truyền giáo và thành lập chữ quốc ngữ.

Ông nhận nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn tháp tùng cha Giám sát Mattos đi "kinh lý" Đàng Trong năm 1624, trong có de Rhodes. Năm 1627, ông cầm đầu phái đoàn Macao đi Đàng Ngoài, với de Rhodes, dưới thời chúa Trịnh Tráng.

Nhưng trong hồi ký Du hành và truyền giáo, de Rhodes hầu như không nhắc đến tên ông, mặc dù ông là cha Bề trên. Năm 1630, de Rhodes bị trục xuất, ông cũng phải rời khỏi Đàng Ngoài. Sự đóng góp của ông, không được người Pháp ghi nhận mà còn "dìm" đi:

Bonifacy, là người dịch Ký sự Đàng Trong của Borri sang tiếng Pháp, viết những nhận định lạ lùng như sau về Pedro Marques:

"Cha Marquez [tức Marques] thực ra là người lai, chứ không phải người Nhật, là trưởng phái đoàn truyền giáo Đàng Ngoài năm 1627, bản thân ông bị lu mờ trước vị đồng nghiệp, cha de Rhodes, có lợi thế vô song vì nói tiếng Việt giỏi. Ông bị đuổi khỏi Đàng Ngoài năm 1630. Chúng ta thấy lại ông ở Đàng Trong, làm cha Bề Trên ở Hội An năm 1665, ông đón M. Louis Chevreuil, tu sĩ đầu tiên của Hội Thừa Sai đến Đàng Trong. Ông bị đuổi cùng năm ấy, đi Xiêm với các bạn đồng hành, và chúng ta mất dấu ông"[14].

Câu này thể hiện đúng thái độ không nhìn nhận công lao của giáo sĩ Nhật, Việt đối với việc truyền giáo và hình thành chữ quốc ngữ, mà còn tỏ ra vô ơn nữa.

Trong Ký sự Đàng Trong, Cristoforo Borri nhắc đến cha Marques với giọng kính nể Bề trên, nhưng dịch giả Bonifacy đã cố tình "dìm" cha Marques: "bản thân ông bị lu mờ trước vị đồng nghiệp, cha de Rhodes, có lợi thế vô song vì nói tiếng Việt giỏi". Một nhận định vô cớ của kẻ hậu sinh, ba thế kỷ sau. Tiếp đến câu: "Ông bị đuổi khỏi Đàng Ngoài năm 1630". Bonifacy không biết hay biết mà lờ đi: chính de Rhodes đã viết trong hồi ký: ông bị chúa Trịnh Tráng đuổi, giấy trát dán trước cửa nhà. Cha Marques là trưởng đoàn bị vạ lây, cùng với cha Gaspar d’Amaral và các giáo sĩ khác, đều phải lên tầu rời Đàng Ngoài, vì de Rhodes. Vì vậy mới có chuyện, năm sau, Macao cử phái đoàn Bề trên (trong đó có d’Amaral), sang điều tra xem de Rhodes làm gì khiến chúa Trịnh Tráng nổi giận.

Pedro Marques sống rất thọ.

Năm 1664, Louis Chevreuil được gửi đến Đàng Trong, với một thầy giảng người Nhật làm thông ngôn, dưới triều chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687), với chức vụ Chủ giáo (Vicaire général), để thay thế giáo đoàn Bồ. Lúc đó, linh mục Pedro Marques đã 89 tuổi, là cha Bề trên ở Đàng Trong, hết sức khuyên Chevreuil nên giảng đạo theo đường lối phù hợp với đời sống tinh thần của người Việt, nhưng Chevreuil có thái độ trịch thượng, muốn áp dụng chính sách truyền giáo cứng rắn của Roma, nên đã thất bại. Chevreuil bị các giáo sĩ Bồ tẩy chay, họ định "bỏ" ông lên tầu về Macao, ông phải trốn ở lại (theo lời Chevreuil kể trong hồi ký), chứ không phải cha Marques "bị đuổi khỏi Đàng Trong" như lời Bonifacy nói ở trên.

Theo Đỗ Quang Chính, nhiều văn thư của Pedro Marques về Đàng Trong còn giữ tại văn khố Dòng Tên ở La Mã[15]. Pedro Marques là vị linh mục truyền đạo lâu dài nhất ở Đại Việt, từ 1618 đến 1670, nếu đọc được những tài liệu này, hẳn ta sẽ biết thêm về nửa thế kỷ truyền giáo ở Đàng Trong.

Alexandre de Rhodes (1591-1660), Alexandre de Rhodes mơ ước được đi Nhật từ năm 1612. Đến 1619, ông xin sang Ấn Độ, chờ đợi ở Goa, nhưng không được đi Nhật; cuối cùng được đi Đàng Trong, trong nhóm tháp tùng linh mục Gabriel de Mattos đi kinh lý Đàng Trong tháng 12 năm 1624, do Pedro Marques hướng dẫn, cùng với các giáo sĩ: Gaspar Luis, Antonio de Fontes, và hai tu sĩ khác. Hành trình truyền giáo của Alexandre de Rhodes sẽ được trình bày trong chương 5.

De Rhodes ra vào Đại Việt cả thảy sáu lần, ở lại tổng cộng khoảng 9 năm:

– Lần đầu, ông đến Đàng Trong với phái đoàn Mattos (1624-1626) như đã nói ở trên. De Rhodes và Antonio de Fontes được ở trong Dinh Chàm học tiếng Việt với Francesco de Pina, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên.

Ở đây có lẽ chúng ta nên phân biệt: việc học tiếng Việthọc chữ quốc ngữ. Khi de Rhodes mới đến, có lẽ ông chỉ học tiếng Việt, tức là học cách phát âm và nghiã mỗi tiếng, để tập nói, chứ chưa học cách viết chữ quốc ngữ, bởi vì những văn bản viết tay ông để lại, có rất ít chữ quốc ngữ so với văn bản viết tay của những người cùng thời.

– Lần thứ hai, ông đến Đàng Ngoài (1927-1930) cùng với cha Pedro Marques, truyền giáo được ba năm thì bị chúa Trịnh Tráng trục xuất.

– Mười năm sau ông trở lại Đàng Trong, từ 1640 đến 1645, sau khi tất cả các giáo sĩ đã bị trục xuất năm 1639, dưới thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. De Rhodes tìm cách ra vào Đàng Trong 4 lần, trong tình trạng cấm giáo sĩ.

Tác phẩm chính của ông là tập ký sự Voyages et Missions (Du hành và truyền giáo) ghi lại hành trình hơn hai mươi năm truyền đạo; phản ánh tư tưởng bài trừ Tam giáo và thờ cúng tổ tiên, kể lại việc lập đoàn thầy giảng trẻ quyết tử vì đạo, dẫn đến cái chết của André Phú Yên. Bản thân ông, coi thường luật lệ Đàng Trong, hai lần ra sông Gianh, biên giới Nam Bắc giảng đạo. Lần thứ hai bị bắt và bị trục xuất vĩnh viễn. Trong Du hành và truyền giáo, ông nhận mình là tác giả cuốn Phép giảng tám ngày, nhưng không nói đến việc nghiên cứu chữ quốc ngữ và soạn tự điển.

Antonio de Fontes đến Đàng Trong cùng với Gaspar Luis, Pedro Marques và Alexandre de Rhodes năm 1624 trong phái đoàn Mattos. Gaspar Luis xuống Quy Nhơn. Antonio de Fontes và de Rhodes được ở lại trong cơ sở Dinh Chàm, học tiếng Việt với cha de Pina.

De Fontes viết bản tường trình hàng năm bằng tiếng Bồ, về tình trạng truyền giáo, gửi Linh mục Mutio Vitelleschi, cha Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã[16]. Theo Gaspar Luis: "Chúng tôi có hai cơ sở [Hội An và Nước Mặn] mỗi cơ sở có bẩy giáo sĩ Dòng Tên: bốn linh mục và ba thầy giảng"[17].

Sau khi cha de Pina qua đời, Antonio de Fontes ở lại Đàng Trong, tiếp tục việc nghiên cứu chữ quốc ngữ của người thầy đến năm 1631, sau đó ông được cử vào phái đoàn của cha André Palmeiro, Giám sát Dòng Tên hai Tỉnh[18] Nhật Hoa, cùng với Gaspar d’Amaral, đến Đàng Ngoài để điều tra công việc của de Rhodes, tìm hiểu lý do tại sao de Rhodes bị trục xuất năm 1630. De Fontes sẽ ở lại Đàng Ngoài đến năm 1648.

Giuliano Baldinotti (?-1630), người Ý, là giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Ngoài, năm 1626. Macao cử thày giảng Giulio Piani, người Nhật, đi cùng với ông. Khởi hành từ Macao ngày 2-2-1626, tới Thăng Long tức Đông Kinh ngày 7-3-1626, và rời Đàng Ngoài trở về Macao ngày 18-8-1626.

Trong hơn năm tháng ở Đông Kinh, Baldinotti đã quan sát đời sống ở đây, khi trở về Macao, ông viết bản phúc trình gửi Bề Trên ở Roma, đó là lá thư Baldinotti gửi cho Giáo trưởng Dòng Tên ở La Mã, đề ngày 12-11-1626, tường trình công việc và kết quả chuyến đi Đông Kinh, một vương quốc ông "vừa khám phá" và được chúa Trịnh Tráng tiếp đãi rất tử tế. Baldinotti còn cho biết nguyện vọng muốn được trở lại Đông Kinh. Nhưng rồi không thấy ông trở lại. Và năm 1630, ông qua đời tại Macao.

Ký sự Đàng Ngoài của Baldinotti được đăng cả tiếng Ý lẫn tiếng Pháp, ở Hà Nội, trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient (Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ), quyển III, năm 1903, trang 71-78, trong mục Notes et Mélanges (Ghi chú và Tạp bút). Bản Pháp văn do bác sĩ Mario Carti dịch. Chúng tôi sẽ dịch lại toàn bộ văn bản này trong chương 4.

Gaspar d’Amaral (1592-1654) sinh tại Curvaceira (Bồ Đào Nha), vào Dòng Tên ngày 1-7-1607. Năm 1623, d’Amaral sang Macao hoạt động truyền giáo. Ở Đàng Ngoài từ tháng 10-1629 đến tháng 5-1630, và từ tháng 3-1931 đến hết tháng 12-1638. Tổng cộng 7 năm. Là học giả, giáo sư La tinh, Triết học, Thần học tại đại học Evora, Braga, Coimbra ở Bồ Đào Nha.

Ông tới Đàng Ngoài lần đầu tháng 10-1629, cùng với thầy giảng Paulus Saito, người Nhật. Đến tháng 5-1630, vì de Rhodes bị trục xuất, ông cũng phải rời Đàng Ngoài, về Macao. Nhưng ông trở lại ngày 18-2-1631, trong phái đoàn André Palmeiro, để kiểm điểm tại chỗ công việc của de Rhodes và Marques (tìm hiểu tại sao họ bị trục xuất năm 1630). Năm 1638, ông được gọi về Macao, giữ chức Viện trưởng Học viện Madre de Deus (Mẹ Đức Chúa Trời). Ba năm sau, ông được cử làm Phó Giám Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản (gồm các nước Nhật, Việt, Lào, Cam-Bốt, Xiêm, các tỉnh Macao, Quảng Đông và Quảng Tây). Năm 1645, d’Amaral từ Macao đi Đàng Ngoài, bị đắm tầu gần đảo Hải Nam ngày 23-12-1654[19].

Gaspar d’Amaral ở lại Đàng Ngoài 7 năm, là học giả, không những ông nghiên cứu chữ quốc ngữ, mà còn cả lịch sử, địa lý, đời sống Đàng Ngoài nữa. Chính ông đã tìm ra hai chữ Đàng Trên, chỉ vùng Cao Bằng của nhà Mạc, mà chúng tôi đã nói đến trong chương 1.

Ngoài cuốn tự điển Việt-Bồ (La Diccionário anamita-português) nay đã mất, mà de Rhodes dựa vào để soạn tự điển Việt-Bồ-La, d’Amaral còn để lại hai tài liệu viết tay năm 1632 và 1637, được Đỗ Quang Chính giới thiệu trong Lịch sử chữ quốc ngữ, nhờ đó, chúng ta thấy rõ trình độ quốc ngữ của d’Amaral vượt xa de Rhodes rất nhiều, làm sáng tỏ hơn, lịch sử chữ quốc ngữ.

Antonio Barbosa (1594-1647), sinh tại Arrifana de Souza, Bồ Đào Nha, gia phập Dòng Tên ngày 13-3-1624. Cuối tháng 4-1636, ông đến Đàng Ngoài, ở lại 6 năm. Trở về Macao tháng 5-1642, vì lý do sức khoẻ; nhưng tình trạng không khá hơn, năm 1647, Barbosa đi Goa dưỡng bệnh và qua đời ở dọc đường. Barbosa soạn cuốn tự điển Bồ-Việt (Diccionário português-anamita) mà de Rhodes đã dựa vào để soạn tự điển Việt-Bồ-La. Cuốn tự điển viết tay này của Antonio Barbosa cũng như tự điển của Gaspar d’Amaral, đều bị mất tích.

Sự biến mất cả hai tác phẩm này, gây nghi ngờ cho hai nhà nghiên cứu Việt, Pháp.

Đỗ Quang Chính viết: "Về "số phận" cuốn tự điển viết tay này cùng một hoàn cảnh như cuốn tự điển của Amaral, nghiã là có thể đã bị "tiêu diệt"?[20].

Roland Jacques viết rõ hơn: "Trong lời ngỏ cùng độc giả, Rhodes nói rõ ông đã làm việc trên nền tảng cuốn tự điển Việt-Bồ của Gaspar do Amaral và cuốn tự điền Bồ-Việt của António Barbosa. Nếu ta không bao giờ tìm thấy bản thảo viết tay của hai tác phẩm tiên khởi này, theo ý chúng tôi, chỉ đơn giản là vì cuốn tự điển Rhodes in ra đã hoàn toàn chép lại nội dung hai cuốn sách ấy, nên không cần giữ lại [bản chính] nữa."[21]

Lịch trình của các giáo sĩ

Theo thư từ và ký sự các giáo sĩ để lại, ta có thể xác định lịch trình đến Đàng Trong của họ như sau:

– 1615, Francesco Buzomi, Diego Carvalho và Antonio Dias, đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) cùng hai giáo sĩ Nhật Joseph và Paul. Cha Buzomi, với sự giúp đỡ và che chở của bà Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1600-1613), đã dựng được nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng.

– 1616, Macao gửi thêm André Fernandez sang trợ giúp cùng với thầy giảng Nhật Joseph (1568-?) Paulus Saito.

– 1617, Macao lại gửi thêm Francisco de Pina đến Đà Nẵng với một thầy giảng Nhật (không rõ tên), họ ở lại Hội An.

– 1618, lần đầu tiên có việc cấm đạo. Macao gửi cha Pedro Marques, người Bồ lai Nhật đến Cửa Hàn cùng với Cristoforo Borri. Cha Marques ở lại lập cơ sở Hội An.

– 1619, quan Khám lý Trần Đức Hòa mời Buzomi, Borri, và de Pina xuống Qui Nhơn; cho dựng nhà thờ Nước Mặn và giúp đỡ họ lập cơ sở Nước Mặn.

– Năm 1620, quan Khám lý Trần Đức Hòa đột ngột qua đời, không còn người cưu mang, cha Buzomi phải trở về Quảng Nam, nhờ người Bồ giúp đỡ. Cha de Pina trở về Đà Nẵng, được quan Trấn thủ Quảng Nam là Thế tử Nguyễn Phước Kỳ, cho ở trong Dinh Chàm, xây dựng cơ sở Quảng Nam.

– 1622, Cristoforo Borri rời Việt Nam.

– Cuối năm 1624, phái đoàn Gabriel de Mattos, linh mục quản thủ các dòng Tỉnh ở Á Châu, đi kinh lý Đàng Trong với 5 giáo sĩ người Âu, do cha Pedro Marques hướng dẫn, trong đó có Alexandre de Rhodes, Antonio de Fontes, Gaspar Luis và 2 giáo sĩ khác, đến Đà Nẵng.

De Rhodes và Antonio de Fontes, học tiếng Việt với de Pina ở Dinh Chàm. Gaspar Luis xuống Quy Nhơn học tiếng Việt, để lại tập ký sự viết về thời kỳ này[22].

– Tháng 12-1625, linh mục de Pina chết đuối ở vịnh Đà Nẵng.

– Năm 1626, lần đầu tiên Macao gửi giáo sĩ người Ý Giuliano Baldinotti đến Đàng Ngoài, đi cùng với thày giảng Giulio Piani, người Nhật. Họ ở lại một năm rồi trở lại Macao năm 1627, Baldinotti qua đời tại Macao năm 1630, để lại bản Ký sự về xứ Đàng ngoài của cha Baldinotti (La relation sur le Tonkin du P. Baldinotti)[23]. Chúng tôi sẽ dịch và giới thiệu ký sự này trong chương 4.

– Năm 1627, Macao gửi phái đoàn cha Pedro Marques đến Đàng Ngoài cùng với de Rhodes.

Cùng năm ấy, chúa Trịnh Tráng rước vua Lê đi đánh chúa Sãi, khai trương trận chiến Nam Bắc đầu tiên (đánh nhau tất cả bẩy lần). Trên đường hành quân, chúa Trịnh Tráng dừng chân ở Thanh Hoá, Pedro Marques và Alexandre de Rhodes cũng vừa đến Cửa Bạng (Thanh Hoá), được đưa vào chầu, chúa Trịnh đối đãi tử tế, cho phép ở lại giảng đạo ba năm.

– Năm 1630, de Rhodes và Pedro Marques bị trục xuất, nhưng chúa Trịnh vẫn tiếp tục cho các giáo sĩ đến sau được phép vào giảng đạo.

 

Hội An, cơ sở đầu tiên của đạo Chúa

Việc ba giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong được ghi lại trong lá thư của linh mục Valentino de Carvalho gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas, Phụ tá Bề trên Cả Dòng Tên vùng Bồ Đào Nha, viết tại Macao ngày 9-2-1615:

"Ngày 6-1-1615, ba tu sĩ Dòng Tên, là hai linh mục Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalho (Bồ Đào Nha) và Thầy Antonio Dias (Bồ Đào Nha) đáp tầu buôn Bồ Đào Nha từ Áo Môn đi Đàng Trong và tới Cửa Hàn ngày 18-1-1615" [24].

Họ đến Đàng Trong dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên. Cửa Hàn tức Đà Nẵng, thuộc địa phận Quảng Nam, do Thế tử Nguyễn Phước Kỳ, con trưởng chúa Sãi làm Trấn thủ.

Cửa Hàn được người Âu phiên âm thành Tou Ran, rồi Touran. Bên cạnh Cửa Hàn là Hải Phố (tức Hội An), người Nhật đọc là Hoaipho, người Âu viết nhiều cách: Haifo, Hai fo, Haito, Faifo, Facto, Fayfo… Hải Phố có hai khu riêng biệt, dành cho người Tầu và người Nhật. Theo Borri: "mỗi cộng đồng có một viên quan cai trị riêng, người Tầu theo luật pháp Tầu, người Nhật theo luật pháp Nhật"[25].

Hai cộng đồng "tự trị" này tại Hội An sẽ có những đóng góp lớn cho việc truyền giáo và thành lập chữ quốc ngữ, nhờ người Tầu và nhất là người Nhật, sống ở đây, làm thông ngôn cho người Âu, qua ngả chữ Hán và chữ Nhật [tức chữ Hán đọc thành tiếng Nhật]. Hội An tiếp đón các giáo sĩ mới đến hoặc che chở họ khi gặp khó khăn, nhờ vị đại diện tiêu biểu là cha Pedro Marques, người Bồ lai Nhật, đã đến đây, xây dựng cơ cở Hội An từ năm 1618, và làm cha Bề Trên trong nhiều thời kỳ khác nhau.

Công lao của các giáo sĩ Nhật

Viêc giảng đạo nhất thiết phải tiến hành qua trung gian người thông ngôn. Những người thông ngôn này hầu hết là linh mục hay thầy giảng người Nhật, được gửi từ Macao đi cùng với các giáo sĩ người Âu đến Đàng Trong. Công lao của họ chưa ai định rõ, mà lại có phần còn muốn xoá bỏ: những ai không phải người Âu, chỉ được ghi tên thánh, chứ không ghi tên thật.

Và khi các giáo sĩ đến Cửa Hàn lần đầu năm 1615, ngoài tên ba giáo sĩ người Âu, không thấy ghi một tên nào khác.

Vậy, ba người Âu này đến Đàng Trong có thông ngôn không? Nếu không có, họ xoay xở cách nào? Chúng tôi tìm mãi mới thấy trong bài Note finale (Chú thích cuối cùng) của Bonifacy (dịch giả Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri) chép tên 10 giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong từ 1615 đến 1618, trong có hai giáo sĩ Nhật: PaulJoseph, đã đến Đàng Trong năm 1615.

Năm 1616, Macao lại gửi thêm hai thầy giảng Nhật, Joseph và Paulus Saito (1577-1633), đến Đàng Trong và năm sau (1617), Francesco de Pina (1585-1625) cũng đi với một thầy giảng người Nhật, không rõ tên.

Năm 1626, lần đầu tiên Macao gửi giáo sĩ người Ý Giuliano Baldinotti đến Đàng Ngoài, cùng với thày giảng Giulio Piani, được ghi tên lại.

Tháng 10-1629, Gaspar d’Amaral (1592-1654) tới Đàng Ngoài lần đầu, cùng với thầy giảng Paulus Saito, đã đến Đàng Trong năm 1616.

Ngày 26-7-1664, Louis Chevreuil được gửi đến Đàng Trong, với một thầy giảng người Nhật, không rõ tên, v.v.

Tóm lại, việc ghi tên các giáo sĩ Nhật, cộng tác với giáo sĩ người Âu, rất tùy tiện. Tuy nhiên nhờ hai yếu tố chủ chốt: cùng chung văn minh Á đông, và cùng biết chữ Hán, người Nhật và người Việt là chiếc cầu nối cho người Âu bước vào thế giới Á đông.

Ta có thể mường tượng: linh mục hay thầy giảng Nhật dịch lời của giáo sĩ người Âu sang chữ Hán, cho thầy giảng Việt hiểu; rồi lại dịch lời thầy giảng Việt, từ chữ Hán, sang chữ La tinh hay chữ Bồ cho giáo sĩ người Âu hiểu. Việc sáng tạo chữ quốc ngữ phức tạp hơn: Thầy (giảng) Việt đọc rồi giảng nghĩa mỗi tiếng Việt cho thầy giảng Nhật hiểu. Thầy giảng Nhật sẽ dịch lại những lời đó sang chữ Bồ hoặc chữ La tinh cho giáo sĩ người Âu hiểu. Sau đó, giáo sĩ người Âu mới tìm cách ghi âm bằng mẫu tự La tinh mỗi tiếng ấy, thành chữ quốc ngữ. Vậy công lao của các thầy Việt, Nhật, không nhỏ.

Tuy nhiên, trừ linh mục Pedro Marques, người lai, có tên "đầy đủ", nhờ cha là người Bồ. Còn các thầy giảng hoặc linh mục khác, thường chỉ có tên thánh, hoặc ghi "thông ngôn người Nhật". Cha Pedro Marques cũng là trường hợp điển hình: Ông sinh ở Nhật năm 1575, nhiều tuổi nhất trong đám các linh mục đến Đàng Trong. Cha Bồ, mẹ Nhật, sinh trưởng trong thời kỳ người Âu đến truyền giáo ở Nhật và sáng chế chữ quốc ngữ Nhật. Khi đến Đàng Trong, ông đã 43 tuổi, ông có tất cả các yếu tố của một người thầy về văn hoá Đông phương và một người thông ngôn giỏi, cho nên, năm 1618, Macao đã cử ông làm trưởng đoàn hướng dẫn Cristoforo Borri đến Đàng Trong. Năm 1624, ông lại hướng dẫn phái đoàn Gabriel de Mattos, đi kinh lý Đàng Trong, trong đó có Alexandre de Rhodes. Rồi năm 1627, ông lại được cử làm trưởng phái đoàn đi Đàng Ngoài, và lần này de Rhodes cũng chỉ đi "theo". Nhưng trong hồi ký, de Rhodes mô tả mình là nhân vật chính, không nói gì đến vai trò của Pedro Marques.

Những nhiệm vụ quan trọng này đã xác định vai trò chủ chốt của Marques. Ông là người Nhật ở Đại Việt lâu nhất, tất cả khoảng 17 năm, từ 1618 đến 1670, trải ba đời chúa: Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) và chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687). Từ 1627 đến 1630, ông cầm đầu phái đoàn ra Bắc (trong đó có de Rhodes) gặp chúa Trịnh Tráng (1623-1657). Ông là cha Bề trên lâu đời ở Hội An, và cũng là một trong những cha Dòng Tên cuối cùng trực thuộc phái Bồ Đào Nha. Tất cả những yếu tố này chứng tỏ vai trò quan trọng của các giáo sĩ người Nhật trong việc hướng dẫn và giúp đỡ giáo sĩ người Âu học tiếng Việt, giảng đạo và sáng tạo chữ quốc ngữ.

Việc giảng đạo và tạo chữ quốc ngữ

Francesco Buzomi, người Bồ, giáo sư thần học ở Macao, là linh mục Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong năm 1615, được chúa Sãi đón tiếp đón tử tế. Năm 1616, bà Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi của chúa Tiên, dựng cho ông nhà thờ ở Cửa Hàn.

Buzomi áp dụng chính sách khôn khéo, tránh đụng chạm đến tín ngưỡng chân truyền của người Việt, nên việc truyền giáo được phát triển, Đỗ Quang Chính viết:

"Ông trưng dẫn ý tưởng của Thánh Phao Lô và Tô Ma, để nhấn mạnh đến việc phải thích nghi tôn giáo và địa phương ngay cả trong ngôn ngữ… Ý của Buzomi là ở Đàng Trong nên dùng từ Thiên Chủ (Thiên Chúa) chứ không nên dùng Thượng Đế"[26].

Năm 1617, Macao gửi thêm linh mục Francesco de Pina, người Bồ, học trò của Buzomi, đến Cửa Hàn, để trợ giúp thày. Năm 1618, vì hạn hán, dân chúng cho rằng đạo Chúa báng bổ thánh thần, nên bị trời phạt; có phản ứng chống đối đầu tiên. Các giáo sĩ phải trốn tránh. Macao gửi linh mục Pedro Marques, người Bồ lai Nhật và linh mục học giả Cristoforo Borri, người Ý, đến Cửa Hàn. Pedro Marques sẽ thành lập cơ sở Hội An. De Pina, Borri và Buzomi được quan Khám lý Trần Đức Hoà đưa xuống Qui Nhơn.

Từ 1618 đến cuối 1620, Francisco de PinaCristoforo Borri ở chung tại Đà Nẵng và Quy Nhơn, chắc chắn họ đã cùng nhau tìm cách khảo sát ngữ âm và văn phạm tiếng Việt với các thầy giảng Việt, Nhật. Cuối năm 1620, de Pina từ Quy Nhơn trở lại Quảng Nam, tiếp tục xây dựng chữ quốc ngữ cùng nhóm giáo sĩ Việt-Nhật ở Hội An, ông được Thế tử Kỳ cho ở trong Dinh Chàm, và ông đã mở lớp dạy tiếng Việt đầu tiên cho giáo sĩ người Âu.

Borri rời Đàng Trong năm 1622, là năm bản lề: chữ quốc ngữ kể như đã thành hình.

Tập Ký sự Đàng Trong của Borri, viết trong thời gian ông ở Đàng Trong (1618-1622), có khoảng 70 chữ quốc ngữ. Đây là những chữ quốc ngữ viết sớm nhất, còn dưới dạng dính liền.

Tóm lại, với những tài liệu hiện hành, ta có thể xác định: Francisco de Pina, người Bồ và Cristoforo Borri, người Ý, là hai giáo sĩ đầu tiên, đã tạo ra chữ quốc ngữ, cùng với các thầy tu Nhật, Việt.

Tháng 12-1624, khi Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes tới Đà Nẵng, việc thành lập chữ quốc ngữ giai đoạn đầu "đã xong".

Một năm sau Francisco de Pina qua đời (15-12-1625), de Rhodes và de Fontes được hưởng công trình nghiên cứu chữ quốc ngữ của người thầy Francisco de Pina.

Cristoforo Borri để lại tập Ký sự Đàng Trong, cuốn sách đầu tiên và quan trọng nhất của người ngoại quốc viết về xã hội và con người Đàng Trong, thế kỷ XVII, với dấu tích những chữ quốc ngữ đầu tiên, còn viết dưới dạng dinh liền.

Ở Đàng Ngoài, năm 1631, Gaspar d’Amaral đến và ở lại 7 năm. Năm 1636, Antonio Barbosa đến và ở lại 6 năm. Hai linh mục học giả Bồ Đào Nha này đã làm hai cuốn tự điển giản yếu Việt-Bồ và Bồ-Việt đầu tiên, mà sau này Alexandre de Rhodes dùng để soạn tự điển Việt-Bồ-La.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Fernand de Magellan (1480-1521) nhà hàng hải người Bồ, khai phá đường thuỷ "vòng quanh thế giới".

[2] Dòng Tên tức Dòng Jésuite, do Ignace de Loyola sáng lập năm 1539, được Giáo Hoàng chuẩn y năm 1540.

[3] François Xavier đồng sáng lập Dòng Tên với Ignace de Loyola.

[4] Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972, Tủ sách Đường Mới, Paris, 1985.

[5] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 22.

[6] Note finale (Chú thích cuối) về bản dịch Ký sự Đàng Trong của Bonifacy, (BAVH) 1931, quyển 3-4, trang 400.

[7] Tên hai giáo sĩ Nhật Joseph Paul, chúng tôi chép theo bản danh sách giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, do Bonifacy chép lại, ở trên.

[8] Cristoforo Borri, Ký sự Đàng Trong, Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) 1931, quyển 3-4, trang 339.

[9] Theo thư của Emmuel Fernandes viết tại Hội An ngày 2-7-1625, bằng chữ Bồ, gửi cho Bể Trên Cả Dòng Tên ở La Mã, trích in trong Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 32.

[10] Nhiều nơi (trong đó có Đỗ Quang Chính) ghi ông rời Đàng Trong năm 1621, viết theo cuốn Les Voyages et Travaux des Missionnaires de la Compagnie de Jésus (Hành Trình và Hoạt động của các giáo sĩ Dòng Tên).

[11] Tóm lược tiểu sử Borri, phỏng theo bài "Notice sur Cristoforo Borri et sur les éditions de sa "Relation" (Chú thích về Cristoforo Borri và những ấn bản "Ký sự" của ông) của Charles B. Maybon, BAVH, 1931, quyển 3-4, trang (269- 276). Đoạn trích dẫn trên đây ở trang (270- 272).

[12] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, chú thích 3, trang 22.

[13] Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 86. Và Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 22, chú thích số 1.

[14] Nguyên văn tiếng Pháp: "Le P. Marquez qui, en réalité, était métis et non Japonais, fut le chef de la Mission du Tonkin en 1627, sa personnalité disparait un peu derrière celle de son confrère, le P. de Rhodes, qui avait l’immense avantage de bien parler l’annamite. Il fut chassé du Tonkin en 1630. Nous le retrouvons en Cochinchine, Supérieur en 1665, à Faifo; il y reçoit M. Louis Chevreuil, premier prête des Missions Etrangères arrivé en Cochinchine. Il fut expulsé la même année et dut aller au Siam avec ses confrères, nous y perdons sa trace" Bonifacy, Note Finale, BAVH 1931, trang 405.

[15] Theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, chú thích các trang 20, 21, 22, 23.

[16] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 35.

[17] BAVH, số 3-4, 1931, trang 122.

[18] Cha Giám sát Dòng Tên hai Tỉnh còn gọi là Cha Giám Tỉnh (Père Provincial). Tỉnh là tiếng trong đạo Chúa, chỉ một vùng: Nhật Bản hay Trung Hoa đều gọi là Tỉnh.

[19] Theo Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 53.

[20] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 67.

[21] Nguyên văn tiếng Pháp: "Dans son avis au lecteur, Rhodes note expressément qu’il a travaillé sur la base d’un dictionnaire vietnamien-portugais composé par Gaspar do Amaral, et d’un dictionnaire portugais-vietnammien dû à António Barbosa. Si l’on n’a jamais retrouvé de manuscrits des deux ouvrages précurseurs, c’est à notre avis tout simplement que le dictionnaire imprimé de Rhodes en avait intégralement repris la substance, rendant sans objet leur conservation." (Roland Jacqques, Le Portugal et la romanisation de la langue vietnamienne. Faut-il réécrire l’histoire? (Bồ Đào Nha và việc La tinh hóa tiếng Việt. Cần phải viết lại lịch sử? Outre-Mers. Revue d’histoire, Année 1998, 318, trang 21-54, bản in trên Internet).

[22] Tác phẩm tên là Lettre de Gaspar Luis sur la Cocincina-La Mission de Concincina (Thư Gaspar Luis về Đàng Trong – Truyền giáo ở Đàng Trong), tiếng Ý, được cha Dòng Tên dịch sang tiếng Pháp, In từ trang 122 đến trang 148, trong cuốn Relation d’Ethiopie (Ký sự Ethiopie) và trong BAVH, số 3-4, 1931, từ trang 406 đến 409.

[23]K ý sự Đàng Ngoài của cha Baldinotti (in trong Bulletin de l’Ecole Française d’Extrême-Orient, tome 3, 1903, trang 72-78.

[24] Trích thư của Linh mục Valentino de Carvalho gửi cho linh mục Nuno Mascarenhas, viết tại Áo Môn ngày 9-2-1615, ARSI, JS. 16 II, f.174, Đỗ Quang Chính Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 20-21.

[25] Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri do Đại tá Bonifacy dịch sang tiếng Pháp và chú giải, in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ, tức Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) 1931, quyển 3-4, trang 334.

[26] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 38.

Comments are closed.