Vũ điệu không vần (kỳ 3)

Khế Iêm

Thơ Và Hiệu Ứng Cánh Bướm

______________________________________

RA ĐI TỪ DẠO

Một trong những câu nói nổi tiếng của Einstein được lập đi lập lại nhiều lần: “Thượng đế không chơi xúc sắc với thế giới.” (God does not play dice with the world). Điều này ngụ ý rằng ông không tin những tính năng căn bản nhất của vũ trụ được căn cứ trên xác suất và sự bất định (probability and uncertainty). Nhưng nhà vật lý Joseph Ford tại Georgia Institute of Technology khi đề cập đến lý thuyết hỗn mang trả lời: “Thượng đế chơi xúc sắc với vũ trụ, nhưng là con xúc sắc đã được gài vào. Mục đích của toán học và vật lý bây giờ là tìm ra con xúc sắc được gài vào theo những luật lệ nào.” Nhưng muốn tìm ra luật tắc nào đã được gài vào thơ, phải nhìn từ nhiều góc cạnh, qua lộ trình từ Tiền chiến, tự do, đến Tân hình thức, và từ nền tảng khoa học và nền thơ khác, để nhận ra chân tướng thơ.

Theo các nhà nghiên cứu, thơ có từ cả 5 ngàn năm trước, và bài thơ cổ nhất ở thời điểm này, thuộc nền văn hóa Mesopotamia. Một bài thơ của nhà thơ Enheduanna, một tu sĩ cao cấp ở Nanna, được các nhà khảo cổ phát hiện cách đây khoảng 150 năm, in trên những miếng đất sét, ca ngợi vị nữ thần Trăng của tôn giáo Mesopotamia. Thơ, ở dân tộc nào cũng vậy, phát xuất từ hai nguồn chính, những khúc ca dân dã và bài ca trong các nghi lễ tôn giáo. Như vậy, thơ xuất hiện từ ngữ điệu hát, rồi theo thời gian – nhất là khi phát minh được chữ viết, hình thành hệ thống luật tắc văn phạm – dần dần tạo ra nhịp điệu và tiết tấu riêng từ ngôn ngữ, tách lìa thành ngữ điệu đọc.

Chữ viết và ngữ điệu thơ

Lịch sử bắt đầu từ Sumer, với nền văn minh đầu tiên của nhân loại, Mesopotamia, thuộc vùng lưỡng hà Trung Á, giữa hai con sông Tigris và Euphrates, Iraq và Iran ngày nay, vào khoảng 3200 trước Công nguyên. Khám phá lớn nhất của nền văn minh này là chữ viết, Cuneiform, Hình nêm (wedge-shaped), khắc chữ có dạng hình tam giác, trên miếng đất sét ướt rồi đem nung (khoảng 500 ký hiệu), ghi lại sổ sách điều hành về thương mại và văn học. Cùng thời, người Ai Cập có loại chữ tượng hình, hieroglyphs, Linh tự, dùng để viết xuống những lời nguyện, những bản văn có tính cách ma thuật liên hệ tới sự sống sau khi chết và cầu nguyện thượng đế, có ý nghĩa như “ngôn ngữ của thượng đế”, nhưng sau đó nới rộng phạm vi, ghi chép ranh giới đất đai, thủy triều lên xuống của sông Nile, biến cố lịch sử và các phép tính toán. Hệ thống chữ Ai cập có khoảng trên 700 ký hiệu căn bản gọi là glyphs chia làm hai nhóm, biểu âm (phonograms) và biểu ý (ideograms), và người đọc phải dùng cả hai để quyết định ý nghĩa của chữ. Hai hệ thống Hình nêm và Linh tự đều thuộc loại biểu tượng và biểu ý (pictographic and ideographic system), khó học, chỉ dành riêng cho một thiểu số giới chức và tăng lữ.

Vào khoảng 1600 trước Công nguyên, người Phoenicia – nói tiếng Semitic (Semitic language), Ả rập, Do thái và Ethiopia bây giờ – một sắc dân sống dọc theo bờ biển phía Đông eo biển Địa trung hải (Lebanon ngày nay), giữa Ai cập và vùng lưỡng hà, chuyên nghề thương mại, kết hợp hai hệ thống chữ viết của Ai cập và Sumer, tạo ra hệ thống chữ viết ký âm alphabet (hai chữ đầu Alpha và Beta của alphabet Hy lạp). Câu chuyện về người Phoenicia như một huyền thoại, là những thương buôn và thủy thủ nổi tiếng ở thời cổ đại, tự nhận là Canaanites (có nghĩa là buôn bán), mang theo hàng hóa (phẩm nhuộm, vải vóc, lừa ngựa, ngà voi, quí kim …), kiến thức và văn hóa từ nơi này truyền đến nơi khác. Vì nhu cầu buôn bán – không bảo đảm những người bình thường mà họ giao tiếp có khả năng am hiểu ký hiệu Hình nêm và Linh tự, hơn nữa, những tên ngoại quốc khó diễn đạt bằng hình tượng – ghi lại đơn đặt hàng, và gửi đi xa, họ cần một hệ thống chữ viết ký âm để có thể chuyên chở chính xác nhiều ngôn ngữ của nhiều sắc dân khác nhau. Alphabet của người Phoenicia gồm 22 mẫu tự, không có nguyên âm (vowels), và người nói phải tự điền vào, có lẽ để tiện dụng cho nhiều thứ tiếng, bởi nếu không có nguyên âm thì không thể phát âm (thí dụ Jackie, nếu không có nguyên âm a, i, e sẽ thành Jck, không phát âm được). Mẫu tự alphabet của người Phoenicia mau chóng trở thành kiểu mẫu cho những văn tự khác như Do thái (Hebrew), Ả rập, Ai cập, Hy lạp và Roma. Vào khoảng 1000 trước Công nguyên, Hy lạp tiếp nhận chữ alphabet của người Phoenicia thêm vào 3 nguyên âm, và thay đổi cho thích hợp, sau đó khoảng 700 trước Công nguyên truyền qua Roma (tiếng Latin), và những văn tự Âu châu ngày nay, qua ảnh hưởng của tiếng Latin đều dùng hệ thống alphabet. Khoảng 64 trước Công nguyên, sau chiến thắng của Alexandre Đại đế từ Âu sang Á, cái tên Phoenicia biến mất, và người phoencia đồng hóa vào một giống dân khác, như một số phận lạ lùng của lịch sử, để lại một món quà vô giá, mẫu tự alphabet, điển hình cho một cơn gió bụi, giữa những cuộc suy trầm và nổi lên của nhiều nền văn minh, từ Mesopotamia, Babylon, Ai cập, Hy lạp và Roma, chung quanh eo biển Địa trung hải và vùng lưỡng hà.

Hình dạng mẫu tự alphabet là hình thức chỉ dẫn phát âm.Thí dụ, hai vòng cong của chữ B chỉ môi trên và môi dưới, hoặc những mẫu tự khác, khởi đầu là những nét vẽ đơn sơ của miệng, môi, mũi, răng, cổ họng và lưỡi, khi phát âm. Theo William Bright, ngôn ngữ chia làm 2 đơn vị căn bản: Âm vị (phoneme), hay đơn vị âm thanh (gồm các mẫu tự), khi nói lên hay viết xuống tự nó không có nghĩa nhưng kết hợp với nhau thành chữ hay hình vị (morpheme), trở thành có nghĩa, theo qui ước (những mẫu tự /b/, /i/, /t/ chẳng hạn, thành chữ ‘bit’). Chữ viết mẫu tự alphabet chuyên chở âm nói, theo đúng cách trên. Trong tiếng Anh, một câu nói bình thường lúc phát âm nghe rất ròn rã, vì một số âm không nhấn bị lướt đi, rất giống iambic (không nhấn, nhấn). Nhưng khi viết trên giấy, đọc không lướt âm, nghe không giống gì với âm thanh nói bình thường. Nếu chữ viết làm cho tiếng nói hiện hình, hay một hình thức giữ lại tiếng nói, như những khúc ca, huyền thoại, truyền kỳ ở thời chưa có văn tự, thì luật tắc của văn viết dựa trên luật tắc của tiếng nói – với tiếng Anh, khi thói quen biến thành qui luật (ungrammatical), không thiếu trường hợp, một số chữ bị bỏ đi (chủ từ, động từ, liên từ…) trong những câu văn phức tạp – Thơ truyền thống vì vậy, chuyển âm thanh nói lên mặt giấy, giống như âm thanh nói khi nói lên, thành luật iambic. Còn thơ tự do (free verse), chuyển âm thanh nói lên mặt giấy, như ngôn ngữ khi chưa lướt âm, thành văn viết, lúc đọc lên, không còn giống với âm thanh nói. Vậy thì thơ hiện thân là ngữ điệu tự nhiên của ngôn ngữ, và luật thơ, chẳng qua là cách thể hiện ngữ điệu tự nhiên giống như ngữ điệu tự nhiên, dù đọc lên hay ghi lại trên giấy. Luật thơ cuối cùng, qua nhà thơ – kẻ nắm chắc cái hồn và âm thanh tinh tế của ngôn ngữ – đã bị hóa giải, không còn là mối bận tâm, tiềm tàng sẵn từ trong vô thức, và luật tắc chúng ta gặp nơi các sách giáo khoa, cũng chỉ là phương tiện để tìm hiểu thơ.

Trong khi chữ viết Trung hoa, có vào khoảng 1200 trước Công nguyên, chia làm 6 kiểu (type), và chỉ có 1 trong 6 kiểu chứa hai yếu tố biểu ý và biểu âm, như chữ ma (mẹ) gồm chữ nữ (biểu ý người đàn bà) và chữ mã (biểu âm giống như ma). Nhưng dân tộc Trung hoa lại có rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, như Phúc kiến, Triều châu, Quan thoại, Quảng đông, Hẹ, Hải nàm… người nói tiếng này không hiểu người nói tiếng khác, và chỉ có thể qua mặt chữ, vả lại yếu tố biểu âm phải phân tích ra mới biết được, nên không có ích dụng gì. Chữ Trung hoa vì vậy thuộc về hệ thống hình tượng (logographs), mỗi hình tượng tương đương với một chữ, không có dấu hiệu của sự phát âm nên trở thành một hệ thống biệt lập, rất ít liên hệ tới âm thanh và ngữ vựng của tiếng nói. Từ đó thơ Đường là loại thơ dựa vào chữ và hình ảnh của sự vật, thu vào một thế giới riêng. Thơ chẳng phải để chuyên chở đời sống, mà là một nghệ thuật tu từ, một trò chơi thanh nhã và sính chữ, dành riêng cho giới quan cách.

Văn hóa Việt mấy ngàn năm dựa vào Hán học, dùng chữ Hán để làm thơ, thi cử, lâu ngày trở thành văn viết, giao tiếp nơi quan trường. Cách làm thơ rập khuôn theo thơ Đường, dựa vào chữ, hình ảnh, và điển tích, cố làm cho ngôn ngữ cô đọng, khó hiểu – và vì quá chú tâm vào chữ (tìm chữ, dụng chữ) và mỹ cảm văn chương nên không phát huy được tư tưởng, ngoài một thế giới nhập nhòa của chữ. Song song đó có loại văn chương truyền khẩu hay văn chương bình dân, hình thành tự nhiên, phối hợp bằng trắc, khởi đầu từ những chữ kép như cha mẹ, chị em, bà cháu… nhân lên thành câu thơ. Ca dao lục bát, rất ngắn gọn, 2 câu hay 4 câu, là một ngôn ngữ có vần điệu, không phải câu nói bình thường, do những người có học làm ra, kết hợp giữa cách làm thơ Đường và ngữ điệu hát đồng dao, để răn dạy đời, hay phản ảnh tâm tư, tình cảm của con người và là nhu cầu trong sinh hoạt của một xã hội nông nghiệp. Có lẽ ca dao lục bát thịnh hành ở những thời kỳ phong kiến cho đến hết thời kỳ Tiền chiến. Sau Tiền chiến vì hoàn cảnh chiến tranh, ly tán, và sự bành trướng đời sống thị dân, cho đến bây giờ, ca dao lục bát chỉ còn ghi nhận ở trong sách vở, như một dấu tích của thời gian, rất hiếm khi nghe được những giọng hò câu hát xa xưa. Nếu ca dao lục bát được coi như đậm đà bản sắc dân tộc thì bản sắc ấy chỉ là bản sắc dân tộc của những thời kỳ rất lâu rồi. Bản sắc dân tộc hay văn hóa là những dòng chảy không bao giờ cố định, luôn luôn đổi thay vì đời sống xã hội và con người chẳng bao giờ dừng lại.

Chữ nôm thay thế chữ Hán, chữ theo mẫu tự Latin – còn gọi là chữ Quốc ngữ – thay thế chữ nôm. Sự phát minh ra chữ Quốc ngữ là một biến cố lớn, giúp người Việt tạo nên cuộc cách mạng thơ ca Tiền chiến. Tiếng Việt thuộc ngôn ngữ độc âm, và chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự alphabet làm căn bản, chữ viết giống phương Tây, tải âm. Sự liên hệ giữa Hán tự và chữ Quốc ngữ có lẽ, tương tự như tiếng Latin và những ngôn ngữ ngày nay ở phương Tây. Trong thời Trung cổ (1000-1450) Latin là một ngôn ngữ chính thức, qua ảnh hưởng và quyền lực giáo hội, được sử dụng toàn khắp Âu châu. Nhưng ở thời kỳ này những nhà thơ cũng bắt đầu sáng tác bằng ngôn ngữ địa phương của họ. Đến thời Phục hưng (1450-1674), thừa hưởng truyền thống ngôn ngữ Latin, các ngôn ngữ Đức, Anh, Pháp … đã thiết lập được những hệ thống giáo dục vững chắc về văn phạm, lý luận và thuật hùng biện, đưa văn viết đến tình trạng tinh vi ngày nay. Các ngôn ngữ này thuộc hệ thống đa âm, khó biến hóa chữ nên thơ và văn xuôi vẫn giữ chung một nền tảng văn phạm, có những nguyên tắc phân biệt rõ ràng. Trong khi đó, chữ Quốc ngữ mới hơn một thế kỷ – kể từ lúc chính thức được sử dụng vào năm 1865, với sự ra đời của tờ công báo “Nông Cổ Mín Đàm”.

Tân hình thức

Con người là sản phẩm của nhận thức (hay ngược lại), bị ràng buộc và vướng mắc trong nhận thức, dễ đưa tới ngộ nhận về thể thơ truyền thống, mang ý nghĩa chỉ như một hình thức. Bởi những vật thể trong thiên nhiên, biến cố trong đời sống chẳng phải đều có một hình thể hay sao? Theo Plato (Theory of Forms), hình thể có một ý nghĩa trừu tượng, nếu tách ý niệm vòng tròn ra khỏi một trái banh với màu sắc và sức nặng riêng của nó… và quan tâm tới chính vòng tròn, chúng ta có hình thể (form) vòng tròn. Plato cho rằng vòng tròn hiện hữu ngoài và khác hơn trái banh, độc lập với trái banh và ý nghĩ của chúng ta về nó. Tất cả những vật thể có hình tròn, chỉ là bản sao của cùng một hình thể hình tròn. Hình thể bất biến, hiện hữu ở ngoài không và thời gian, trong khi vật thể, như trái banh, hiện hữu ở một nơi chốn và thời gian đặc biệt. Hình thể thuần túy, không hòa hợp với bất cứ yếu tố nào của vật thể, hiện diện qua sự vật, dù rằng sự vật có thể bị phá hủy đi.

Nhưng cho tới bây giờ, không gian và thời gian, ngay cả tinh thần và thể xác, cũng không thể phân chia. Không gian và thời gian là những phần của toàn phần gọi là không-thời gian. Không-thời gian có bốn chiều kích, ba chiều cho chúng ta vị trí trong không gian và một chiều là vị trí trong thời gian. Khi bước đi, chúng ta chuyển động trong không-thời gian, và khi đứng lại (bởi thời gian trôi qua) cũng chuyển động trong không-thời gian. Kinh nghiệm về thời gian là kết quả của sự chuyển động tới của chiều thời gian này trong không-thời gian.

Gọi là chuyển động tới, có nghĩa là theo một đường thẳng tuyến tính, như đồng hồ cơ học, trong khi thời gian thật sự là một vận hành phi tuyến tính, tùy thuộc cường độ và nhịp điệu, một thứ thời gian Fractal cuộn lại, tràn đầy, tách lìa, tuôn chảy, chung góp, im lặng, lấp lánh, những khoảnh khắc hiện xuất của sự thật. Thể thơ vì vậy là hiện thân tính nguyên ròng của đời sống và của chính thơ, không chỉ đơn giản như một hình thức. Từ đó dẫn tới một cái nhìn về Tân hình thức (New Formalism). Gọi là Tân hình thức có nghĩa là lấy những thể cũ (old form) tiêu biểu cho một nền văn hóa, một truyền thống, định hướng lại, mang ý nghĩa vừa hòa tan vừa nối kết, giữa thời đại này và thời đại khác.

Thơ Cổ Anh (Old English Poetry) thuộc thời kỳ Anglo-Saxon (440-1066), khi bắt đầu có sự xâm lăng và di dân từ những bộ lạc Angles, Saxons và Jutes từ phần Bắc nước Đức ngày nay tới Anh. Đây là thời kỳ đầu tiên tiếng Anh xuất hiện dưới hình thức chữ viết. Trước đó, những nhà học giả không biết gì ngoài những mảnh còn truyền lại nơi các trường học. Thơ chủ yếu, đọc bởi những người ngâm thơ dạo (gleeman), kể những chuyện bằng thơ rất dài. Có thể kể bài hùng ca “Beowulf” vào thế kỷ thứ 8 của một nhà thơ Thiên chúa giáo (khoảng 750 sau Công nguyên), về cuộc phiêu lưu kỳ diệu và thử thách của người anh hùng, Beowulf, với hàng loạt những con quái vật hung ác. Thơ dùng phép điệp vận (chữ bắt đầu cùng một âm), giúp người nghe dễ theo dõi câu chuyện và dễ nhớ, thí dụ như: “The Hall of the Heart”, “Fitted and Furnished”… Trong dòng chỉ cần 4 âm tiết nhấn số âm tiết không nhấn không giới hạn, dừng ở chỗ ngắt giọng. Dòng thông thường là vắt dòng, không ngừng ở cuối dòng (end-stopped) và không vần. Ở đây chúng tôi không đề cập tới sự khác biệt về mặt chữ, văn phạm và cách phát âm giữa tiếng Anh cổ và tiếng Anh hiện thời.

Vần xuất hiện trong thơ tiếng Anh sau thời kỳ Anglo-Saxon – nguyên nhân do sự lấn chiếm của công tước William, người Normandy, thuộc một tỉnh ở miền Bắc nước Pháp, lên ngôi vua nước Anh vào ngày Giáng sinh năm 1066 – qua ảnh hưởng thơ Latin, đặc biệt là những bản thánh ca trong nhà thờ, đồng thời cũng là thời kỳ ngôn ngữ Anh bắt đầu trở nên giàu có, phổ quát, bởi sự pha trộn với các ngôn ngữ gốc Đức, Pháp và Latin. Tuy vậy, vần gần như không có giá trị trong các ca khúc vì khó tạo nên âm điệu du dương, và không thích hợp với tính tự nhiên của ngôn ngữ tiếng Anh, chủ vào nhấn giọng. Vào cuối thế kỷ thứ 15, nhà thơ Anh Earl of Surrey (1517-1547) trong khi dịch một phần tác phẩm “Aeneid” của nhà thơ Ý, Virgil (70-19 trước Công nguyên), kết hợp giữa không vần của thơ Ý và cách đếm âm tiết của thơ Pháp làm thành loại thơ không vần (blank verse), iambic pentameter không vần. Thơ không vần trở thành ưu thế. Thật ra, thơ không vần và thơ tự do (free verse) khởi đầu rất gần với iambic và ngôn ngữ nói thông thường, vì cùng chung nền tảng cú pháp văn phạm và âm nhấn, nhưng sau này thơ tự do kết hợp thêm yếu tố thị giác, bác cầu giữa ngôn ngữ nói và viết. Qua ghi nhận trên, thật khó vạch ra lằn ranh giữa các thể loại, không những thế, chúng ta còn thấy rõ dấu ấn của sự giao lưu văn hóa. Nếu thơ không vần xuất phát từ sự chuyển dịch giữa phép làm thơ Ý qua thơ Anh, thơ tự do phương Tây hình thành do nhà thơ Pháp Charles Baudelaire khi dịch tác phẩm của nhà văn Mỹ, Edgar Allan Poe, thơ tự do Việt dựa theo thơ dịch tiếng Pháp, thì Tân hình thức Việt rút tỉa, tổng hợp và chọn lọc những nguyên tắc thích hợp, từ phong trào thơ Tân hình thức Hoa kỳ và nhiều thể loại thơ tiếng Anh. Sự giao lưu đó đã làm phong phú cho nhịp điệu và từ vựng của nhiều ngôn ngữ.

Chủ nghĩa hậu hiện đại ưu tú ở thập niên 1980, như một ánh chớp lóe lên rồi mau chóng tàn lụi. Những nhà trí thức bận tâm tới lý thuyết, lý trí và trừu tượng, không phải với cảm xúc, niềm tin và sự thực, cho chúng ta ấn tượng, mọi thứ đều được cho phép, không giới hạn và nghệ sĩ tự do thể hiện chính mình trong bất cứ cách nào họ muốn. Chủ nghĩa hậu hiện đại thời kỳ này, căn cứ trên niềm tin về cái Tôi (I) tự do (hay cá thể), không giới hạn và không bị giới hạn. Nhưng ngoài cái Tôi tự do, còn có cái Chúng ta (We) giới hạn và bị giới hạn bởi những cái Tôi tự do. Và như vậy, sự nối kết giữa cái Tôi Chúng ta (hay cá nhân và xã hội) cho một ý nghĩa mới, chẳng khác nào thơ Tân hình thức, nối kết nhiều truyền thống, nhiều nền văn hóa. Khi phá vỡ ranh giới giữa cá thể và tập thể, Tân hình thức là một hiện tượng tự nhiên, vượt ngoài tinh thần trường phái, một khái niệm đã lỗi thời của phong trào tiền phong hiện đại. Lấy thí dụ, trong hội trường hay trên sân khấu, khi diễn giả có lối thuyết giảng lôi cuốn, hoặc một pha trình diễn hay, bất thình lình có tiếng vỗ tay, thì tiếp theo hàng loạt những tiếng vỗ tay nổi lên. Tiếng vỗ tay đầu tiên lập tức hòa lẫn với những tiếng vỗ tay khác, là một strange attractor (điểm quyến rũ kỳ lạ) hay yếu tố của trật tự, theo lý thuyết hỗn mang (Chaos Theory). Những tiếng vỗ tay, mới đầu hỗn loạn, nhưng dần dần nhập thành một nhịp điệu rất đều, hình thành yếu tố trật tự khác, không bao giờ giống nhau. Tân hình thức cũng vậy, là một hiện tượng tự nhiên, ai cũng như ai, bình đẳng, và cùng bị cuốn vào trong một chuyển động lớn.

Tân hình thức Việt là con đường ngược chiều với Tiền chiến và ca dao lục bát, giải phóng khỏi vần và ngữ điệu hát (vần điệu), chắt lọc các yếu tố thơ cổ điển, thơ tự do và thơ không vần tiếng Anh, dùng ngữ điệu tự nhiên của những câu nói thông thường, vắt dòng kỹ thuật lập lại (không vần), giống Tiền chiến, mượn các thể thơ 7, 8, 5 chữ như một hình thức nối, giữa truyền thống và hiện đại. Vần, nếu là yếu tố mạnh trong ngữ điệu hát, thì lại là yếu tố trở ngại trong ngôn ngữ thông thường, làm mất tự nhiên, và không còn cần thiết. Nếu thơ Tiền chiến chủ yếu dùng cách hoán chuyển chữ của ngôn ngữ độc âm, và thơ Tân hình thức Hoa kỳ quay về truyền thống, sắp xếp các âm tiết nhấn, thì thơ Tân hình thức Việt làm một khúc rẽ, không dựa vào ngôn ngữ mà vào những yếu tố ngoài ngôn ngữ trong cách vận hành của các hiện tượng đời sống, chẳng khác nào các thế võ Trung hoa hình thành từ sự học hỏi những động tác của loài cầm thú. Chúng ta thử bước qua nền tảng khoa học, tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên, rút tỉa, so sánh, áp dụng, để tạo nhạc tính cho thơ Tân hình thức.

Comments are closed.