Tuyển tập truyện ngắn – 75 gương mặt văn nghệ

Dạ Ngân

399474248_1777724849349757_7945784545273155104_n

Một cháu ở Văn phòng Báo phôn cho tôi “Cô à, cô có truyện trong tuyển tập, nhắn địa chỉ cháu gửi sách biếu cho cô, cô nhé!” Trước đó một cháu khác cũng bảo tôi cho địa chỉ để gửi thư mời, nhưng tôi từ chối “Ở Sài Gòn bay ra, xa quá, vả lại 15 năm về hưu, cô chưa một lần quay lại đó, xa cách, rất là xa cách rồi, thôi nhé!” Nhiều cháu ở đó, (an tâm chân văn thư suốt đời), vẫn quý tôi, tôi biết.

Sách 75 suất truyện của 75 tác giả được nhấn mạnh là 75 GƯƠNG MẶT VĂN NGHỆ. Tôi biết “cái nết nhân dịp” này, nó là một Món trên mâm cỗ, tôi viết hoa từ món. Tiêu chí ấy thì sẽ không gồm toàn các truyện hay mà, mà nhất định phải yếu tố nhân thân (chiến binh giải phóng), có chú ý cơ cấu vùng miền và phải có những Gương mặt mới mới sau năm 2000 nữa nhé.

“Chiếu “tiên chỉ” hầu như có tất cả: từ Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Mạc Phi, Nguyên Hồng, Bùi Hiển… đến Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Xuân Khánh, Vũ Thị Thường, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Vũ Tú Nam, Võ Huy Tâm, Nguyễn Chí Trung, Hồ Phương, Anh Đức, Phan Tứ, Đào Vũ, Nguyễn Thị Ngọc Tú… Thiết nghĩ, các Cụ đông đủ nhưng không phải Cụ nào cũng có truyện ngắn để đời, phần này chắc có ích cho Thư viện và những nơi cần khảo cứu.

“Chiếu 2”, vẫn những chiến sĩ trên mặt trận cầm bút (có phản tỉnh, nhận chân, nói tóm là gây sự): Ngô Ngọc Bội, Bùi Ngọc Tấn, Trang Thế Hy, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Lê Vĩnh Hòa, Đỗ Chu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Vũ Bảo, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Đoàn Lê, Dương Hướng, Nguyễn Quang Lập, Văn Chinh, Tạ Duy Anh, Y Ban…Không liệt kê hết ở đây vì thà dẫn thiếu nhiều còn hơn là để sót vài vị, khi ấy sẽ rất phiền. Riêng tôi, không hiểu sao phần PR ở bìa gấp, tôi được “nhảy tót” vào chiếu trên, cạnh liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa (ông ấy là em trai nhà văn Võ Phiến, hy sinh ở xã Vĩnh Viễn nhà tôi, năm tôi còn bé tí). Có lẽ do tôi viết Con Chó Và Vụ Ly Hôn năm 1985, và ấy là sự sắp xếp truyện theo năm? Tôi không lấy thế làm vui khi soi mục lục thì việc sắp xếp cứ dần lộ ra sự ngẫu hứng, văn nghệ mà, lộn xộn mới vui.

“Chiếu 3”, bỗng thấy việc xếp chiếu này không ra sao, dù chỉ để hình dung thế hệ mà thôi, và cũng để xem sự bao quát của “Ban dự án” có thấu suốt không thôi. Nhìn thấy những Hồ Anh Thái, Ngô Phan Lưu, Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thùy Mai, Trần Hạ Tháp… đến Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Võ Diệu Thanh, Uông Triều… Chiếu này chật quá, cả chiếu 2 nữa, những Nhật Tuấn, Hoà Vang, Bão Vũ đâu, vì quá khắc nghiệt con số 75 nên nên lộ rõ sự thiếu, (có lẽ quá ưu tiên cho Chiếu 1, bởi cái kiểu không dám sót ai trong cái hàng “tiên chỉ” ấy). Tôi thấy ngậm ngùi, tiền Dân tiền Nước, một công trình dày 772 trang, có truyện gọn gàng năm ba trang, có truyện dày tới hơn 40 trang, riêng việc ấy đã nói lên phần nào chăng? (bởi truyện hay không cứ phải dày).

Càng chăm chú tôi càng thấy tiếc. Không thể tránh quan niệm đây là Xôi làng, vậy thì Ban biên soạn sẽ phải đứng lên để chỗ cho những suất khác không thể không có mặt. Thật ngạc nhiên khi không có truyện hay của Lê Văn Thảo, của Nguyễn Ngọc Thuần, của Phan Thị Vàng Anh, của Ngô Khắc Tài và… và không có “Vũ Điệu Của Cái Bô” của Nguyễn Quang Thân. Lạ thật, hay là như đã thấy trong đây: đã có Vũ Thị Thường thì Phan Thị Vàng Anh không nhé; có Dạ Ngân thì Nguyễn Quang Thân nghỉ khỏe nghen. Nhưng những Lê Văn Thảo, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Ngọc Thuần, cả Phạm Trung Khâu và Nguyễn Ngọc Tư nữa, không thể có một truyện dù mỏng hay sao? 75 Gương Mặt, thiết nghĩ, đã là gương mặt khắp các vùng miền thì không thể nào sót những tên tuổi tôi vừa nêu.

Vì vậy, càng tiếc. Nếu tôi còn ngồi ở Văn Nghệ và đươc mời trong Ban chủ biên, có lẽ tôi sẽ dõng dạc: “Không thể mỗi người trong Ban dự án đều có 1 suất, chúng ta hay là bởi tầm bao quát, sự công tâm và sự khiêm nhường, chắc chắn không vì không có suất mà chúng ta sẽ dở đi. Chúng ta là ngọn đèn, các cộng sự quanh ta đang ở dưới chân đèn. Nếu 5 hoặc 7 người chúng ta thu mình lại, không vì thế mà chúng ta bị tối, tin tôi đi, không hề”.

Nghĩ mãi mới viết những dòng này và không khỏi bật cười, không khí ấy mà tôi lại giở cung cách thẳng tưng như đã từng thì thế nào cũng bị ném đá “Cái con mẹ hay gây rối này, bà ngồi yên với cái xó của bà đi nhé, cảm ơn!” Tặc lưỡi, xôi làng, báu gì mà lớn giọng, đúng không?

———-

Tb: Lẽ nào các bạn biên tập và morat ở Văn Nghệ không phân biệt dời đi khác với rời đi hay sao? Trong truyện của tôi, có 3 lỗi trọng, “dời” đi biến thành “rời” đi hết.

Nguồn: FB Dạ Ngân

Comments are closed.