Chuyện bi thương có hậu

Hồ Anh Thái

Rất thiện cảm với tập hồi ức Hà Nội mũ rơm và tem phiếu của Trung Sỹ, tôi đọc tiếp tập sách anh viết trước đó là Chuyện lính Tây Nam. Tác giả trực tiếp kể lại câu chuyện tham chiến của mình, một dạng hồi ký, tất nhiên trong đó ghi toàn chuyện người thật việc thật. Cấu trúc của tập sách tuần tự theo thời gian, một kiểu biên niên (chronicle) gây cảm tưởng như nhật ký qua từng ngày từng tháng. Những sĩ quan chỉ huy cho đến người lính đều được giữ lại tên thật. Những vùng đất biên giới Tây Nam cho đến những làng xóm những thành phố trên đất Campuchia đều được giữ nguyên. Đã hơn bốn chục năm, dám chắc tác giả rất công phu khi tra soát lại trên bản đồ để khôi phục chính xác tên những vùng đất đó.

Chuyện đời lính, mà lại là lính chiến, trực tiếp cầm súng, bom rơi đạn nổ hàng ngày chắc chắn phải cực kỳ khốc liệt. Người đọc theo người viết đi đúng hành trình máu lửa ấy, suốt từ biên giới Tây Nam, truy đuổi quân Pôn Pốt sang đất Campuchia, tiến dần về thủ đô Phnompenh. Luồn rừng lội suối, đối đầu với kẻ thù là những con thú tàn bạo hung hiểm lì lợm. Trong cuộc giải cứu người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, nhiều đồng đội của anh ngã xuống, võng tử sĩ liên tục chuyển về tuyến sau, có khi không nguyên vẹn hình hài.

Chiến tranh tàn khốc. Có người lính trong lúc dừng chân, vớ được cái xe đạp ai đó vứt bên lề đường, bèn nhảy lên đạp qua đạp lại vài vòng. Ngay sau đó, đơn vị đi tiếp về phía trước khoảng 400m thì thấy anh lính “nằm sấp mặt trên vũng máu. Đầu lìa khỏi cổ vì một nhát chém bằng dao quắm cực ngọt từ phía sau. Cái xe đạp văng sang một bên. Súng đạn, mấy ruột tượng gạo, đôi dép đã biến mất” (trang 133). Lần khác một anh đại đội trưởng bị bắn tỉa, rồi tiểu đoàn trưởng lên tháp nước quan sát cũng bị bắn tỉa bằng súng K.63. Sau đó một thời gian, mấy anh lính vào nhà dân Khmer uống rượu với du kích trong làng. Rượu vào, thách nhau ngắm bắn lên cái tháp nước. Một du kích địa phương lì lợm bắn trúng ngay cái cột thu lôi trên tháp nước. Đến lượt anh lính Hà Nội bắn, đang ngắm thì linh cảm khiến anh nhớ đến người chỉ huy bị bắn tỉa, cũng bằng khẩu K.63 của du kích như thế này. Anh quay lại chĩa súng vào ngực gã du kích kia. Bộ đội và dân xúm vào can. Mấy ngày sau anh lính cùng đồng đội quay lại làng tìm gã du kích ấy, dân làng bảo nó bỏ đi mất rồi.

Tác giả có lúc phải kêu lên: “Tôi đã thấy những điều kinh dị quái gở không từng có trong bất kỳ một cuốn sách nào” (trang 252). Không chỉ kẻ thù luôn rình rập xung quanh, bộ đội đi rừng còn đối đầu với hổ báo rắn rết và bao thiên tai ghê rợn. Có anh chỉ huy quanh năm chỉ gọi lính là chúng bay, bị dính mìn, lúc hấp hối bỗng nhiên anh gọi lính là các em, dặn các em cách di chuyển: Các em xuôi suối, đừng lội ngược, nước đục, dễ bị lộ…

Trong hoàn cảnh tàn khốc, cũng có khi thoát chết một cách kỳ lạ. Chỗ đóng quân, ban đêm anh lính vẫn ra chỗ hòn đá để tiểu tiện mà không sao. Đến ngày di chuyển địa điểm, trước khi lên đường, hai người lính cũng ra chỗ hòn đá ấy để tiểu tiện, thì vấp phải mìn địch cài từ rất lâu trước đó. Lại có đêm hành quân, dừng lại giữa rừng mắc võng ngủ, thấy võng gần đó có đốm lửa hút thuốc rê, định sang xin hút, nhưng lười không sang. Sáng dậy thu võng để đi, thấy mấy người bên kia cũng thu dọn đồ, bèn hỏi chúng mày đơn vị nào. Mấy người bên kia lặng im thu dọn rồi bỏ chạy. Hóa ra suốt đêm mắc võng ngủ ngay bên cạnh kẻ thù. Cũng có chuyện may mắn đi hái nấm về nấu ăn, phải nấm độc, lính ta bị ngộ độc thành bệnh cười sằng sặc, mấy ngày sau còn đau bụng vì cười. Lính tráng lúc thiếu thốn mang gạo vào dân đổi lấy thuốc rê, lấy rượu, lấy cá thịt. Có anh lính nghiện mà hết thuốc, chuyên đời dùng xảo thuật láu lỉnh để xin thuốc của đồng đội. Cũng có những phút hiếm hoi nhận thư nhà, mơ về gia đình và bạn gái, mơ được về thăm nhà và mơ hết chiến tranh, tất nhiên.

Có cả những câu chuyện vấn vương mãi. Anh lính Việt mang về một thằng bé Khmer tám chín tuổi mồ côi cha mẹ, nhận làm con nuôi. Đứa bé rất có ý thức khi sống trong một đơn vị bộ đội. Nhưng rồi cuộc đời lính chiến, chỉ huy phải gọi trưởng phum đến bàn giao lại thằng bé cho dân nuôi. Thỉnh thoảng lại thấy nó lang thang ngoài chợ. Không phải là cái kết có hậu như motif Con nuôi trung đoàn của nhà văn Xô Viết Valentin Kataev.

Từ đầu đến cuối sách trọn vẹn hơn bốn năm làm lính Tây Nam của tác giả Trung Sỹ. Anh nhập ngũ cuối năm 1978 và trở về lúc gần tết năm 1983. Ghi rất kỹ chuyện vào lính bắt đầu đi huấn luyện ở xóm Núi huyện Kim Thanh, Hà Nam Ninh (sáp nhập Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lúc ấy). Hồi ức kết một cách có hậu khi những người lính được xuất ngũ, lên tàu về quê. Tàu đi qua ga Bình Lục, cũng tỉnh Hà Nam Ninh, có hai anh lính nhấp nhổm muốn xuống vì ngay gần làng họ. “Yên tâm, tụi tao sẽ giật phanh khẩn cấp cho chúng mày xuống. Hăm ba tháng chạp, tết ông Công ông Táo… Tiếng rít phanh bánh sắt ren rét đường ray. Toa tàu xô dúi, rùng rùng dừng lại. Hai thằng phi thân qua cửa sổ xuống đường. Chúng tôi quăng ba lô đồ đạc của tụi nó ra sau. Thằng Chiến thằng Lương xốc ba lô, bỗng ngô nghê chào anh em theo quân lệnh rồi cắm cổ chạy thẳng xuống đồng, chỗ đám đàn bà đang cấy”…

Sau những tổn thất của cuộc chiến thì đây là một cái kết không thể nào vui hơn.

——

* Chuyện lính Tây Nam, hồi ức của Trung Sỹ, Alpha và NXB Văn học tái bản 2019.

Comments are closed.