Chính trị của bóng đá: câu chuyện từ nước Nga

Nguyễn Hoàng Văn

Trả lời một ký giả ngay sau trận thua 0-4 truớc đội Maltida của Úc trong giải World Cup nữ vào tối 31/7/2023 tại Sydney, huấn luyện viên đội nữ Canada, bà Bev Priestman, tuyên bố rằng “bóng đá có thể tàn nhẫn” và “tối hôm nay nó đã tàn nhẫn như thế”. [1]

Bóng đá, nói theo nhà thể thao chuyên nghiệp này, có thể tàn nhẫn như chúng ta vẫn thường thấy ở sự tương phản trong hình ảnh hân hoan tột độ của bên thắng với bóng dáng thẫn thờ của bên thua. Thế nhưng đó chỉ là thể thao thuần túy. Khi bóng đá bị lôi kéo vào đường banh của chính trị thì sự tàn nhẫn sẽ nâng cao đến mức cùng tận, hạ thấp đến mức bần tiện và kéo dài đến mức tàn đời.

Đó chính là những gì chúng ta có thể nhìn thấy ở nền bóng đá Nga mà đài BBC đã tái hiện như là một phần trong thiên lịch sử truyền hình Communism and Football cực kỳ hấp dẫn. [2]

Nước Nga đã gia nhập FIFA rất sớm; từ năm 1912 trong tư cách là Đế quốc Nga (Russian Empire), từ năm 1917 trong tư thế là Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nga (RSFSR) và từ năm 1924 trong tư thế Liên Xô cho đến khi tan rã vào năm 1991. Thế nhưng mãi đến năm 1958 Nga mới được tham dự World Cup và mãi đến năm 1966 mới đạt giải Tư, thành tích cao nhất từ trước đến nay. Cho đến nay những người Nga hoài cổ vẫn cho rằng nếu không có sự can thiệp thô bạo và nhỏ mọn của chính trị vào sân cỏ, rất có thể Nga đã đạt những thành tích cao hơn, thậm chí cả cúp vô địch ngay từ lần đầu tiên tham dự World Cup vào năm 1958.

Thoạt đầu giới lãnh đạo cộng sản Nga có một cái nhìn đầy mâu thuẫn với môn thể thao này. Ở Tây phương thì đây là một trò chơi của giới bình dân nhưng với họ thì đó lại là trò trưởng giả khi phải bỏ ra hàng núi tiền để trút vào một sân bóng rộng lớn chỉ để cho 22 người rèn luyện sức khỏe với nhau.

Nhìn về mặt thể chất – xã hội thì hiệu quả “khoẻ để phụng sự” của môn thể thao này quá thấp nhưng, mặt khác, nếu nhìn vào khối khán giả rộng lớn dồn hai con mắt vào 22 người chạy nhảy quanh trái banh họ lại thấy đó là một vũ khí tuyên truyền lợi hại. Mà để bóng đá trở thành công cụ tuyên truyền được việc thì những đường bóng dưới đôi chân các cầu thủ phải trở thành những đường đạn “bắn vào đầu kẻ thù giai cấp”, “bắn vào đầu đế quốc” hay những đường pháo hoa tô điểm cho “tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa” và, thậm chí, “hiển dương uy thế” của giới lãnh tụ trong cuộc cạnh tranh hay đấu đá quyền lực nội bộ. Những cầu thủ cứng đầu, không chịu điều khiển đường banh bay đúng theo quỹ đạo này sẽ bị guồng máy cai trị dập nát một cách tàn bạo, bằng án tù, án khổ sai dưới mỹ danh
“cải tạo”.

Đó là câu chuyện oan khuất của anh em nhà Starostin, bốn cầu thủ nổi tiếng của Nga đã gánh chịu bản án cải tạo giữa đỉnh cao sự nghiệp của mình.

Anh em nhà Starostin

Trong số này thì người anh cả Nikolai Starostin (1902-1996) xuất sắc hơn cả, nổi bật trên cả bóng đá và ice-hockey, tức “khúc côn cầu trên sân băng” và là người sáng lập câu lạc bộ Spartak Moscow, đội bóng đã nhiều lần vô địch Liên bang Nga, vô địch Liên Xô và từng lọt vào bán kết của giải vô địch các câu lạc bộ Âu châu.

Nikolai Starostin chào đời năm 1902 ở Presnensky, ngoại ô Moscow. Bố làm huấn luyện viên cho Câu lạc bộ săn bắn của hoàng tộc Nga nên đời sống rất khá giả. Thời này bóng đá mới bắt đầu du nhập vào Nga với Câu lạc bộ bóng đá đầu tiên ra đời năm 1910. Đến cách mạng vô sản 1917 thì câu lạc bộ này giải tán nhưng người ta vẫn tiếp tục chơi, trong đó có Starostin, nổi tiếng chơi hay từ thời đi học.

Năm 1920, khi bố qua đời thì Starostin mới 18 tuổi. Để nuôi nấng ba đứa em nhỏ như Alexander (16 tuổi), Andrei (12) và Peter (10), thoạt đầu ông anh cả đem bộ sưu tập súng săn cổ quý giá và các bức tranh của bố để lại đi bán dần. Đến khi không còn gì để bán thì Starostin chuyển sang chơi thể thao chuyên nghiệp: mùa hè thì chơi bóng đá, mùa đông chơi ice-hockey. Nổi tiếng trong cả hai môn này, Starostin được cử làm thủ quân của đội tuyển quốc gia ở cả hai bộ môn. Năm 1921 Ivan Artemev thành lập Câu lạc bộ thể thao Moscow và mời Starostin về phụ trách bóng đá. Dưới sự dẫn dắt của Starostin, đội bóng này phát triển mạnh, đi du đấu khắp nước Nga và có thể tự nuôi sống mình bằng tiền bán vé.

Tuy nhiên tài năng của Starostin phải hướng tới một đội bóng lớn hơn chứ không thể đóng khung trong một đội làng nhàng như thế. Năm 1926 cơ quan công đoàn nhận bảo trợ cho đội bóng và Starostin đưa đội bóng đến sân vận động Tomskii với sức chứa 13.000 người. Thời điểm này Moscow có 5 đội bóng lớn và tất cả đều là “quốc doanh”: Dinamo Moscow của công an, CSKA của Hồng quân, Torpedo Moscow của kỹ nghệ xe hơi (Zil), Lokomotiv của ngành hoả xa, ngoài ra còn có đội Burevestnik của các trường đại học ở thủ đô; trong đó vị trí bá chủ về đội Dinamo Moscow của công an.

Để vươn lên giữa những đội bóng như vậy thì Starostin phải tìm một nhà bảo trợ bề thế hơn. Lúc ấy Alexander Kosarev, Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Cộng sản, gọi tắt là Komsomol, cũng là người đam mê thể thao. Trong khi đó thì Phó Bí thư Komsomol lại là Ivan Kharchenko, Bộ trưởng Thể thao. Với uy tín của mình, Nikolai Starostin thuyết phục Kosarev thành lập một câu lạc bộ mang tính “nhân dân” hơn những câu lạc bộ kia. Đó phải là sân chơi của mọi người, của những xã viên của các hợp tác xã may mặc, đồ da, dệt và thực phẩm. Đó là các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh đang nở rộ trong thời kỳ “Kinh tế mới” nhưng chưa có một đại diện xứng đáng trong làng túc cầu: họ có tiền để tài trợ và Đoàn Thanh niên có tư cách pháp lý để tổ chức. Kosarev thuận ý và tháng 11 năm 1934 ký lệnh nhận Starostin và ba người em vào cơ quan Đoàn Thanh niên với nhiệm vụ xây dựng một đội bóng mạnh.

Năm 1935 câu lạc bộ Spartak Moscow chính thức ra đời, tập hợp nhiều bộ môn thể thao như bơi lội, quyền Anh, bóng chuyền, v.v. nhưng nổi tiếng nhất đội bóng đá mà bốn anh em Starostin là những trụ cột.

Tên Spartak xuất phát từ Spartacus, võ sĩ giác đấu, người nô lệ đã đứng lên chống lại đế quốc La Mã. Khi Starostin sử dụng tên này, ông cũng không nhắm gì khác hơn ý nghĩa “vùng lên”: vùng lên chống lại các đội bóng quốc doanh. Sự ra đời của đội bóng này không chỉ là một hiện tượng thể thao mà là một hiện tượng xã hội: căm tức chế độ, công chúng ghét lây các đội của ngành công an và quân đội nên nhiệt liệt ủng hộ đội mới.

Đã vậy, đội Spartak Moscow còn vượt xa các đối thủ thời ấy và đe doạ vị trí bá chủ của Dynamo Moscow. Mà đúng lúc ấy thì trùm mật vụ Lavrentii Beria, một người mê bóng đá, trở thành Chủ tịch danh dự của đội Dynamo Moscow. “Con người” này được xem là hiện thân cho những tội ác của chế độ Stalinist như là “tổng đao phủ” của vụ những vụ hành quyết tập thể lên tới hàng vạn người, những vụ đày ải, cầm tù hàng triệu người và cũng là kẻ gây thảm nạn cho anh em Starostin và cả Kosarev. [3]

oie_14143355yNDT8P26

Nikolai Starostin

Chọc tức tổng đao phủ

Ra đời năm 1935 thì ngay năm sau Spartak Moscow đã khiến Beria “lộn gan lên đầu”.

Về mặt biểu tượng thì Spartak Moscow là một câu lạc bộ thể thao nằm ngoài quỹ đạo máy móc của chính quyền vô sản, thể hiện rõ nhất trong cuộc diễn hành ngày “Văn hoá Thể lực” (Physical Culture Day) tại Hồng trường (Red Square), trung tâm của thủ đô Moscow.

Ngày này khai sinh từ năm 1931 để biểu trưng cho sức mạnh Xô viết với các cuộc diễn hành, trình diễn thể thao. Nó giống hệt bất cứ cuộc diễn hành choáng ngợp của bất cứ chế độ độc tài nào khác như Ðức Quốc Xã hay Bắc Hàn hiện tại: người người, lớp lớp, nhịp nhàng không thể chê được, cứ như là những con người bằng máy.

Với chính quyền Xô viết thì bất cứ tổ chức nào trong xã hội cũng phải thể hiện tính kỷ luật và tính phục tùng huống chi là một câu lạc bộ thể thao: nó phải răm rắp, máy móc như một đoàn quân duyệt binh. Thế nhưng khác hẳn với Dynamo Moscow của Bộ An ninh – Nội vụ, Spartak Moscow lại ra mắt công chúng với phong cách ngẫu hứng đầy nghệ sĩ tính và được tán thưởng nhiệt liệt.

Ðã vậy, trong trận đấu mang tính trình diễn trên Hồng trường ngày Văn hoá Thể lực năm 1936 Spartak đã cho Dynamo thua đau. Cho dù Alenxander Kosarev – Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Komonsol kiêm ủy viên Bộ Chính trị – lo sợ, dùng rút khăn trắng vẫy, ra dấu hãy “đầu hàng”, đội trưởng Nikolai Starostin vẫn chỉ huy toàn đội đá hết mình.

Trong đời sống nghẹt thở của chế độ Stalinist, dân chúng tìm thấy môn thể thao này như là chỗ duy nhất để “xả xú báp”: Đến đây là họ quên hết chuyện tem phiếu, chuyện sinh hoạt tổ dân phố hay kiểm điểm ở cơ quan, nhà máy. Chỉ có tới đó thì họ chỉ biết có trái banh, có thể tha hồ gào thét và do đó có thể “quên đời” ít nhất là 90 phút đồng hồ. Spartak Moscow được người dân thủ đô xem là “đội nhà” nên mỗi bàn thắng, mỗi pha tấn công của đội đều reo hò ủng hộ hết sức sôi nổi, đặc biệt là trong các trận đấu với các đội của Công an hay Hồng quân.

Boris Nazarov, một ủng hộ viên của Spartak Moscow thời ấy, đã kể lại trong cuộc phỏng vấn năm 1990 rằng mỗi khi “đội nhà” tràn lên là ông ta cùng bạn bè gào to, chẳng sợ hãi gì cả: “bei militsiia”, tức “diệt bọn công an đi” hay “bei koniushek”, tức “Diệt bọn Hồng quân đi”. Với bộ máy mật vụ dày đặc trong tay chắc chắn là Beria phải biết rõ điều này nên cuộc tranh tài giữa hai đội Spartak Moscow và Dynamo Moscow được diễn dịch như là “xung đột ai thắng ai” trong luận điểm đấu tranh giai cấp kiểu Stalinist. Mà Spartak Moscow lại luôn luôn chơi trên cơ, hạ thấp vị trí đội Dynamo Moscow của Beria.

Sự căm giận này càng căng hơn nữa với giải bóng đá quốc gia đầu tiên.

Trước khi Spartak Moscow ra đời thì nước Nga hay Liên bang Xô viết chưa có giải túc cầu quốc gia hay liên bang nhưng, trong niềm tin chung, đội Dynamo Moscow đang làm mưa làm gió trong làng túc cầu thủ đô được xem như đội bóng số một Liên Xô.

Mùa xuân năm 1936 nước Nga tuyển chọn một số cầu thủ của Spartak Moscow cùng Dynamo Moscow rồi đưa sang Pháp thi đấu và bị đội Racing Club de France – một trong những đội hàng đầu Âu châu thời đó – thắng với tỷ số 2-1. Khi trở về Starostin nắm lấy cơ hội này thuyết phục Kosarev tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp theo khuôn mẫu túc cầu Âu châu.

Ðến lượt Kosarev thuyết phục các lãnh tụ khác và đề nghị này được tán thưởng. Tháng 5 năm 1936 Uỷ ban Thể thao nhà nước tổ giải vô địch túc cầu quốc gia đầu tiên, và trước sự căm tức của “Chủ tịch danh dự” Beria, Spartak Moscow đã hạ gục Dynamo Moscow trong trận chung kết để giành cúp vô địch.

Nhưng vết thương của Beria còn bị thêm một đòn bồi: Dynamo Tbilisi cũng bị Spartak Moscow qua mặt, chỉ chiếm hạng ba. Tbilisi là thủ đô của Cộng hoà Xô viết Georgia, quê hương của Beria lẫn Stalin, và khi cả hai “đội nhà” của Beria đều bị qua mặt, Beria càng chú ý đến anh em Starostin và những nhà người bảo trợ Spartak Moscow.

Như đã nói, Spartak Moscow ra đời dưới cái ô của Ðoàn Thanh niên và nhận sự tài trợ của Liên hiệp xã (Cooperative Association), tức liên đoàn các hợp tác xã thương mại hay sản xuất ở Moscow. Ngay trong năm đó thì Chủ nhiệm Liên hiệp xã này bị bắt bỏ tù. Hai năm sau thì đến lượt Bí thư Ðoàn Kosarev bị bắt và bị xử bắn. Tất cả bị xem là “kẻ thù của nhân dân”.

Thế nhưng Starostin vẫn không nao núng và không chịu “hiểu” Beria, khiến ông trùm này tức điên, nhất là trận tranh cúp vô địch quốc gia năm 1939.

Trong giải này Spartak Moscow gặp Dynamo Tbilisi trong vòng bán kết, nghĩa là trận sinh tử, thua là về.

Kết quả đội Dynamo Tbilisi thua Spartak Moscow 1-0 và nhiều người cho rằng bàn thắng đó không hợp lệ vì sự bất nhất của trọng tài: đầu tiên trọng tài Ivan Gorelkin bác bỏ, sau đó mấy giây thì ông lại công nhận. Tuy nhiên Gorelkin là cựu cầu thủ của Dynamo và là một trọng tài quốc gia nổi tiếng nên chẳng ai có thể kết tội rằng đó là sự thiên vị. Dầu sao thì sau đó Gorelkin phải trả giá cho quyết định làm Beria bầm gan tím ruột này: ông bị tước còi rồi bị bắt. Từ đó về sau chẳng ai biết đích xác số phận cuối cùng của ông ta, không biết là bị hành quyết hay chết vị kiệt sức hay lạnh giá ở một trại cải tạo nào đó ở Siberia.

Sau đó, trước sự tức giận của Beria, Spartak Moscow tiếp tục vươn lên, chiến thắng đội Leningrad Stalinets 3-1 trong trận chung kết, đoạt cúp vô địch. Quá căm tức, Beria ra lệnh phải tổ chức đấu lại trận bán kết giữa Dynamo Tbilisi và Spartak cho dù giải đã kết thúc. Quyết định của Beria đã khiến cả Bộ Thể thao cũng phải ngạc nhiên nhưng ông trùm mật vụ muốn là trời muốn. Bộ Thể thao liền sắp xếp trận đấu mới và cử trọng tài Nikolai Usov điều khiển trận đấu.

Thế nhưng Starostin vẫn không chịu “hiểu” điều Beria muốn và đá hết mình. Kết quả Spartak thắng Dynamo Tbilisi 3-2 khiến Beria đùng đùng đá ghế và vùng vằng bỏ đi ra khỏi khán đài khi trận đấu kết thúc.

Tuy nhiên vì Starostin quá nổi tiếng nên Beria chưa ra tay ngay: cầu thủ này chỉ biết đá banh, vội vã kết án ông ta là kẻ thù của nhân dân thì coi chừng. Vì lúc này Beria cũng có nhiều đối thủ trong điện Kremlin, lạng quạng họ sẽ xé chuyện bé thành chuyện to thì sẽ mất cả chài lẫn chì.

Ðệ nhị thế chiến đã cho Beria cơ hội trả thù. Sau khi Ðức xé bỏ hiệp ước bất tương xâm với Stalin và đưa đưa quân tấn công Liên Xô năm 1941 thì nước Nga hoảng lên, ai nấy cũng lo sợ, không nghĩ gì đến chuyện bóng bánh. Ngày 20.3.1942 Starostin bị bắt cùng với nhiều cầu thủ khác vì tội “âm mưu ám sát Stalin”. Vào tù, Starostin mới khám phá rằng ba đứa em của mình cùng nhiều đồng đội khác cũng đã bị bắt.

Trong vòng hai năm sau đó Starostin bị giam tại nhà tù Lubyanka ở Moscow. Trong thời gian này cơ quan mật vụ thay đổi giọng điệu: không cáo buộc ông tội ám sát, mà chỉ kết án là “phổ biến thể thao trưởng giả và âm mưu trưởng giả hoá nền thể thao Sô viết” và một trong những bằng chứng “trưởng giả” là Starostin hưởng lương 80 rúp một tháng, một số tiền khá lớn thời đó. Tuy nhiên vấn đề là số tiền này xứng đáng với sức làm việc của Starorstin cũng như được nhà nước đồng ý.

Với “tội” này, Starostin bị Toà án quân sự tối cao kết án 10 năm tù ở Siberia. Ngày nay nhìn lại chúng ta có thể nghĩ rằng đây là bản án nặng, tuy nhiên vào thời đó thì đấy là bản án cực kỳ nhẹ và đó là nhờ Starostin quá nổi tiếng: thời đó, bất cứ ai xúc phạm tới Beria (dĩ nhiên là trừ Stalin), kẻ đó phải chết.

Nhờ danh tiếng của mình nên khi vào tù Starostin nhận được sự kính nể của mọi người, từ các cai tù cho đến các tù nhân. Nhờ vậy mà ông sống thoải mái, được hưởng các đặc quyền mà chưa một tù nhân nổi tiếng nào được hưởng, dù họ là cựu Bộ trưởng, cựu Ủy viên trung ương Đảng hay nhà văn, tài tử nổi tiếng.

Thậm chí Starostin còn được mời về thủ đô làm huấn luyện viên. Ðó là năm 1948, khi con trai của Stalin là Vasily đích thân đưa Starostin từ trại cải tạo về Moscow. [3]

Trước đó, khi Starostin chưa bị bắt thì hai người đã biết nhau: Vasily quen biết con gái Starostin trong câu lạc bộ đua ngựa của Spartak, và lúc đó con trai Stalin giấu kín lai lịch, chỉ xưng tên là ‘Volkov’. Bây giờ được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân thủ đô, Vasily muốn đưa Starostin về Moscow để huấn luyện cho đội bóng của đơn vị mình, tuy nhiên chuyện này đã đưa đến xung đột giữa Vasily và Beria.

Khi Starostin vừa về Moscow và ghé thăm gia đình thì mật vụ của Beria đã theo sát, ra lệnh ông phải rời khỏi Moscow trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nghe tin Vasily liền phản ứng bằng cách đích thân mình bảo vệ Starostin, thậm chí đưa cầu thủ này vào ngủ cùng một giường với mình, súng nạp đạn để sẵn dưới gối.

Một lần, nhân lúc Vasily say rượu, Starostin đã lén trèo ra khỏi cửa sổ để trốn về nhà thăm vợ con. Ngay sáng hôm sau thì mật vụ của Beira đã đánh mùi, đến nhà bắt Starostin để áp giải đến trại cải tạo Maykop. Tuy nhiên, khi xe lửa đến ga Orel, thì sĩ quan phản gián củaVasily đã chặn đoàn tàu lại rồi đưa Starostin về lại Moscow.

Theo lời khẩn cầu, Vasily cho phép Starostin xin được về sống ở miền Nam nước Nga với điều kiện là phải huấn luyện đội bóng ở địa phương. Tuy nhiên chuyến đi này cũng bị mật vụ của Beria đánh hơi, và họ đã chặn bắt Starostin rồi đày đến Cộng hoà Kazakhstan ở Trung Á. Starostin bị ra lệnh: vĩnh viễn không được trở lại Moscow.

Ở Kazakhstan, đầu tiên Starostin bị chỉ định cư trú tại tỉnh Akmolinsk và ở đây ông nhận huấn luyện đội bóng địa phương. Ðội bóng này lên như diều gặp gió và ông được gọi về thủ đô Alma Ata để huấn luyện cả hai đội ice-hockey và túc cầu trong câu lạc bộ Kairat, giúp đội này nhiều lần đoạt cúp vô địch Kazakhstan.

Stalin qua đời vào tháng Ba năm 1953 thì đến tháng 12 Beria bị bắt và bị xử bắn. Sau đó thì đa số nạn nhân của Stalin và Beria được giải oan, trong đó có bốn anh em Starostin.

Bản án của họ được tuyên bố là phi pháp, và họ được tự do tuy nhiên họ không được quyền kể lại những gì đã xảy ra. Trong cuốn hồi ký in năm 1973, em trai của Nikolai là Andrei Starostin, chỉ có thể ngầm nhắc tới 10 năm mất tích của mình: “Tôi quay về Moscow năm 1954 sau nhiều năm sống nơi cực Bắc để xây dựng cuộc sống mới.”

Mãi cho đến năm 1989 thì Nikolai Starostin mới xuất bản hồi ký và lúc này mới có thể kể lại toàn bộ câu chuyện, trong đó có những chi tiết rất ly kỳ. Thí dụ khi vào tù ông đã “kỳ ngộ” với nữ Bộ trưởng Thể thao Ludmila Knopova. Bà này bị kết tội là “kẻ thù nhân dân” chỉ sau ba tháng làm Bộ trưởng, dù rằng trong thời gian đó bà đã “phấn đấu hết mình” để truy tố anh em Starostin.

Trong bốn anh em thì Nikolai là người duy nhất trở lại với túc cầu. Năm 1955, ông trở thành huấn luyện viên đội Spartak và sau này là Chủ tịch danh dự của Spartak cho đến năm 1992. Sau đó thì ông nghỉ hưu và qua đời vào năm 1996.

Cũng cần nói thêm rằng trong thời gian bốn anh em Starostin vào tù thì đội Spartak Moscow bị cảnh rắn mất đầu và lúc đó chỉ có đội CDKA của Hồng quân mới có khả năng chống chọi lại Dynamo Moscow. CDKA trở thành đội mạnh và đến Olympic 1952 ở Helsinki, Phần Lan, CDKA đã trở thành cột trụ của đội tuyển quốc gia Nga. Thế nhưng đến đây đội Nga bị Nam Tự hạ gục 3-1 khiến Joseph Stalin nổi giận. Là người chẳng mấy say mê bóng đá, Stalin ra lệnh giải tán đội Hồng quân ngay lập tức và thế là Dynamo Moscown lên hương.

Thế nhưng ngày vui của Beria không dài như đã thấy ở trên, sau cái chết của Stalin. Thế nhưng bóng đen trên nền bóng đá nước Nga cũng không tàn theo cái chết của Stalin hay Beria: cả trong thời của ông Nikita Khrushchev, bóng đã Nga vẫn bị chính trị lũng đoạn nặng nề qua số phận của cầu thủ Eduard Streltsov, người từng được mệnh danh là “Pelé của nước Nga”.

Đó là điều chúng ta sẽ bàn trong bài tới.

Chú thích:

1. "Listen, football can be cruel sometimes and tonight it was cruel," Canadian coach Bev Priestman said afterward. "We got punished. We [let in] an early goal and the team lacked belief."

https://www.cbc.ca/sports/soccer/worldcup/opinion-women-world-cup-canada-australia-analysis-july31-shireen-ahmed-1.6922774

2. Phim tài liệu này còn đề cập đến cả bóng đá Hungaria và Đông Đức, với câu chuyện tương tự.

3. Người ta thường gọi Beria là “trùm KGB” nhưng thực ra từ KGB chỉ ra đời sau khi Beria bị thanh trừng. KGB viết tắt từ tiếng Nga “Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti”, tức Ủy ban An ninh Quốc gia (Committee for State Security).

Bộ máy an ninh của Liên Xô ra đời từ năm 1917 và trải qua nhiều thay đổi và danh xưng khác nhau.

Khi được thành lập năm 1917 nó mang tên “Cheka”, được Lenin diễn tả là “tấm khiên và thanh gươm” của chính quyền vô sản. Sau đó Cheka được cải tổ và mang nhiều tên khác nhau:

– 1923: Cục Chính trị nhà nước (State Political Directorate) viết tắt theo tiếng Nga là OGPU.

– 1941: Ủy ban Nhân dân An ninh Nhà nước (People’s Commissariat for State Security), viết tắt NKGB.

– Năm 1946 NKGB tách ra làm hai, tạo nên một cơ quan khác mang tên Bộ An ninh Nhà nước (Ministry for State Security), viết tắt là MGB.

– Tháng Ba 1953: Beria hợp nhất lại thành một cơ quan duy nhất là Bộ Nội vụ (Ministry of Internal Affairs), viết tắt là MVD.

– Ngay trong năm, Beria bị bắt và MVD lại bị tách ra làm hai với bộ phận mới là KGB. Lúc này MVD phụ trách guồng máy công an, còn KGB đặc trách an ninh – tình báo, và có trách nhiệm báo cáo với Hội đồng Bộ trưởng.

– Năm 1978 KGB được đổi tên là "KGB của Liên bang Xô viết" và người đứng đầu có chân trong nội các, tức quyền hành ngang với Bộ trưởng.

Trùm KGB Vladimir Kryuchko tham gia cuộc đảo chính ông Mikhail Gorbachev ngày 23.8.1991 nên bị bắt. Vadim Bakatin được bổ nhiệm làm người đứng đầu với nhiệm vụ giải thể “KGB của Liên bang Xô viết”. Ngày 6.11.1991 KGB bị giải tán, thay vào đó là hai cơ quan tách biệt: FSB (nội an – phản gián) và SVR (tình báo hải ngoại).

4. Sau đổi tên là Vasily Dzhugashvili, sinh năm 1921 và mất năm 1962, chỉ mới 41 tuổi.

Vasily là con của Joseph Stalin và vợ hai Nadezhda Alliluyeva (còn).

Mẹ mất từ nhỏ, Vasily và người em gái Svetlana được bố giao cho các tùy viên nuôi. Học hành rất kém nhưng nhờ thế bố nên vào được trường hàng không Kacinsc nổi tiếng và trở thành phi công trong Sư đoàn không quân 16 ở Moscow và lên rầt nhanh.

Tháng 12.1941 trở thành thiếu tá và vài tháng sau lên lon đại tá. Năm 1947 đã là trung tướng và năm 1948 là tư lệnh không lực tại quân khu thủ đô.

Stalin chết vào tháng Ba thì tháng Tư Vasily bị bắt với tội “tiết lộ bí mật quốc gia” và “tuyên truyền chống nhà nước Xô viết”, bị kết án 8 năm tù, bị giam dưới tên Vasily Pavlovich Vasilyev.

Ðược phóng thích năm 1960, Vasily được cấp nhà ở Moscow, được cấp lương hưu và được phép mặc quân phục, đeo quân hàm nhưng không được phục hồi chính thức và không được bổ nhiệm vào không quân. Tức giận Vasily đến toà đại sứ Trung Quốc xin visa đi Trung Quốc chữa bệnh nên bị bắt đưa tới quản thúc tại Kazan. Nghiện rượu nặng và qua đời ngày 19.3.1962 vì các bệnh liên quan tới rượu.

Năm 1999 được phục hồi một phần với bản án “tuyên truyền chống nhà nước Xô viết”.

Comments are closed.