2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 30)

Hoàng Hưng

301. Continental philosophy: Triết học lục địa

Những sự phát triển về triết học có nguồn gốc từ lục địa châu Âu vào giữa thế kỷ XX, bao quát các phong trào như Hiện tượng học (Phenomenology), Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), thuyết Cấu trúc (Structuralism) và phong trào Giải cấu trúc (Deconstruction). Thường tương phản với truyền thống Anglo-Saxon của Triết học phân tích (Analytic Philosophy).

302. Contingency management: (sự) Quản trị cơ duyên

Một kĩ thuật trị liệu hành vi dựa trên việc điều kiện hoá thao tác (operant conditioning), trong đó người điều trị và các thành viên gia đình bỏ qua hành vi mang tính triệu chứng của rối loạn của cá nhân đang được điều trị và tích cực tưởng thưởng những hành vi không tương hợp với rối loạn. Trong nửa thập niên đầu thế kỷ XXI, quản trị cơ duyên bắt đầu được áp dụng rộng rãi hơn ở Hoa Kì, đặc biệt trong các chương trình chữa trị ma tuý và các sáng kiến về sức khoẻ công ty. Hậu quả là những người mắc HIV vô gia cư bắt đầu nhớ uống thuốc khi được trả một ít tiền nhỏ, và tỉ lệ tái phạm về ma tuý giảm bớt đáng kể.

303. Contingency theory of leadership effectiveness: Thuyết cơ duyên về hiệu quả lãnh đạo. Nhiều hình mẫu khác nhau dự đoán rằng hiệu năng lãnh đạo phụ thuộc vào tương tác giữa các đặc tính cá nhân của người thủ lĩnh và tính chất của tình huống nhóm.

Một hình mẫu của phong cách lãnh đạo và hiệu quả lãnh đạo được đề xướng bởi nhà Tâm lý học Áo gốc Mĩ Fred Edward Fiedler (1922-) trong sách A Theory of Leadership Effectiveness – Một lí thuyết về hiệu quả lãnh đạo (1967), theo đó một phong cách lãnh đạo mệnh lệnh, độc đoán có hiệu quả nhất khi hoàn cảnh rất thuận lợi hoặc rất không thuận lợi cho người lãnh đạo, và phong cách không lệnh mệnh thì hiệu quả nhất trong những hoàn cảnh trung gian. Ba nhân tố then chốt xác định sự thuận lợi của hoàn cảnh đối với người lãnh đạo là: các quan hệ lãnh đạo-thành viên (lãnh đạo được các thành viên nhóm yêu thích, kính trọng đến đâu), quyền lực của chức vị (uy quyền của lãnh đạo đối với các thành viên nhóm lớn đến đâu) và cấu trúc của nhiệm vụ (nhiệm vụ của nhóm được cấu trúc thế nào).

304. Continuity theory: Thuyết liên tục

Một lí thuyết học mà nhà Tâm lý học Mĩ Clark L. Hull và một số người khác ủng hộ, cho rằng một con vật hay con người học được một lượng nhỏ trong tất cả những kích thích mà nó gặp, do đó học là phải từng bước và liên tục.

305. Continuous recognition task: Bài tập nhận biết liên tục

Một bài tập về ghi nhớ trong đó một loạt khoản mục được bày ra, với vài khoản mục được bày nhiều lần. Người làm bài phải cho biết mỗi khoản mục là cũ (đã thấy trước đó) hay mới (chưa thấy trong loạt).

306. Continuous reinforcement: (sự) Củng cố liên tục

(trong việc điều kiện hoá thao tác – operant conditining) Một lịch trình củng cố trong đó vật hoặc người được tưởng thưởng sau mỗi đáp ứng với kích thích.

307. Control group: Nhóm kiểm soát

Một thiết kế thử nghiệm, một nhóm so sánh gồm những người tham gia nghiên cứu hay chủ thể, khi biến tố độc lập bị thao túng, thì không được chữa trị như những người trong nhóm thử nghiệm, nhưng về một số mặt lại được chữa trị y như thế, nhằm cung cấp cơ sở để đánh giá các hiệu quả chữa trị. Việc sử dụng nhóm thử nghiệm lần đầu tiên được mô tả trong “Statistical Inquiries into the Efficacy of Prayer” (Đưa thẩm tra thống kê vào Hiệu quả của sự Cầu nguyện) bởi Sir Francis Galton (1822-1911) nhà thám hiểm, nhà khoa học tài tử và Tâm lý học người Anh, xuất bản trong tạp chí Fortnightly Review năm 1872. Galton giải thích ý tưởng này như sau: “Chúng ta chỉ đơn giản tìm kết quả cuối cùng – những người cầu nguyện có đạt được mục tiêu của mình thường xuyên hơn những người không cầu nguyện hay không, nếu những người không cầu nguyện sống trong những điều kiện về mọi mặt giống như những người cầu nguyện”. Kết quả ông đưa ra là cầu nguyện không có hiệu quả.

308. Controlled association: (sự) Liên tưởng có kiểm soát

Một kĩ thuật trong đó người ta qui định một hạn chế cho người tham gia phải tuân theo khi đáp ứng với kích thích. Ví dụ: trong một thử nghiệm về việc trình bày những từ ngữ kích thích, người tham gia có thể được chỉ đạo đưa ra một từ đồng nghĩa hay từ phản nghĩa của mỗi từ.

309. Conventional morality: Đạo lí qui ước

Giai đoạn thứ hai trong sự phát triển đạo lí theo Kohlberg, trong đó sự đúng-sai được xác định theo qui ước và “điều mọi người nói”. Thuyết Kohlberg chia sự phát triển đạo lí làm ba giai đoạn: Tiền qui ước (trình độ 1 và 2), qui ước (trình độ 3 và 4) và hậu qui ước (trình độ 5 và 6). Giai đoạn hai trình độ 3: hành xử đạo lí của trẻ được hướng dẫn bởi mục đích có được sự tán thưởng và tránh việc không tán thưởng của người khác (tôi sẽ không nói dối vì như thế mọi người kính trọng tôi), và trình độ 4 bởi những luật tắc cứng rắn của “luật và trật tự” (tôi sẽ không nói dối vì điều đó bị cấm).

310. Convergence-divergence: Đồng qui-bất đồng qui

Một phong cách nhận thức được xác định bởi hai phương thức khác biệt một cách triệt để. Một cực là convergent thinking (tư duy đồng qui), có đặc trưng là xu hướng đi đến một lời giải duy nhất cho một vấn đề, thường dính líu đến việc tổng hợp thông tin, điển hình là tư duy phân tích, diễn dịch trong đó các luật chính thức được tuân theo, như trong toán học. Nó mang tính logic, được kiểm soát một cách ý thức, hướng về thực tại, và phụ thuộc nhiều vào kiến thức và các kĩ năng đã học từ trước, và được đo bằng các đo nghiệm IQ (chỉ số trí khôn) qui ước. Cực bên kia là divergent thinking (tư duy bất đồng qui), có đặc trưng là sự sản sinh những ý tưởng mới, đa dạng, liên quan đến vấn đề phải giải quyết. Những người tư duy bất đồng qui ưa thích và thể hiện tốt hơn ở những vấn đề có kết cục mở, không có lời giải duy nhất. Những đo nghiệm về tư duy bất đồng qui nhắm vào những kiểu tư duy mang tính sáng tạo nhiều hơn, như “anh/chị nghĩ có bao nhiêu cách sử dụng một viên gạch?”. Trong một nghiên cứu các nam sinh, nhà Tâm lý học người Anh Liam Hudson (1933-2005) thấy rằng phần lớn bé trai có thể nghĩ đến 3 hay 4 đáp án trong 3 phút, nhưng phần lớn những trẻ được coi là có tư duy bất đồng qui thì cho 10 đáp án hoặc hơn. Một số nhà Tâm lý học đánh đồng tư duy bất đồng qui với tính sáng tạo. Khái niệm được đưa vào năm 1946 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Joy Paul Guilford (1897-1987); sự sản sinh đồng qui và sự sản sinh bất đồng qui là 2 trong 6 kiểu thao tác tâm trí khác nhau trong khối vuông Guilford.

Comments are closed.