Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng" (kỳ 4)

Đỗ Quyên

*

11.

NHT & tiền

Bàn về tiền với văn nghệ sĩ ta ở thời a còng khó hơn ở thời trước. Nhưng với NHT chúng tôi cảm thấy không khó lắm? Tiền. Nhà văn của chúng ta luôn uýnh bài ngửa, tênh hênh, lắm lúc lột trần. Trong tác phẩm, phát ngôn, tính cách, đời thường… Mà anh giai nom dáng hình là biết: Thông thái trong vẻ ngờ nghệch. Giai ngoại ô cổ mà! Thành thử thiên hạ hiểu sao cũng trúng. Vả, sự sấp ngửa của đồng tiền vốn đã minh triết rồi. Bàn tay nghệ sĩ giỏi là biết búng nó theo chiều quay Ông tạo định hướng.

Ba vị sau đây nói về NHT và tiền.

Chúng tôi chưa được quen biết Phạm Xuân Trường, thi sĩ, nghệ sĩ vang danh thành phố Cảng – người chắc chắn sẽ lưu đời với siêu phẩm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ VN hiện đại.

Đến đây, người viết phải xong bài gấp; chỉ kịp ngắm lại trên mạng chừng 20 nhân vật trong khi tìm NHT. Thần thái là những Phan Khôi, Phù Thăng, Ngô Tất Tố, Bùi Ngọc Tấn, Sơn Nam; kiêu hãnh với Nguyên Ngọc qua cái nhoẻn cười khinh bạc tạc vào thế kỷ; dữ dội là các ánh mắt Trần Dần, Phùng Cung. Nhưng mà xin nói thật, điêu khắc gia buồn ít thôi nha: Mai Văn Phấn, Trần Đức Thảo, Kim Lân, Trần Vàng Sao, Nguyễn Hữu Đang, Đỗ Trọng Khơi, và tức cười nhứt là Trần Đăng Khoa – nếu không có tên ở dưới, nhận ra được chết liền! Điểm chung ở các tranh chưa đạt trên là quý tộc hóa đối tượng mà xem ra chẳng ai trong số này quý tộc cả, ngay cả vua triết gia họ Trần.

Chưa thấy NHT? Hy vọng gò đồng Thiệp bởi Phạm Xuân Trường sẽ là thần thái, là kiêu hãnh nhoẻn cười khinh bạc tạc vào thế kỷ, là ánh mắt dữ dội. Chớ, chớ quý tộc hóa cái ông nhà văn mang vẻ nông dân khổ đến chết vì tiền!

Vinh Huỳnh và Nguyễn Văn Thọ là cặp đôi văn hữu vong niên thâm tình mà chúng tôi sở hữu. Nhớ, ba anh em trên một chiếc xe con Huỳnh lái, (Thọ – Quyên đấu hót và lo đi tè hihi), làm vệt du vãn về xứ hoa ban ruộng bậc thang xuân quê hương một đận. Người trẻ hơn, mấy năm nay tụ tập bạn đồng hướng làm báo in sách mộng làm trẻ, làm mới văn đàn Việt; người ít trẻ hơn, văn giới trong-ngoài hình chữ S mấy thập niên qua quá rành danh rẽ tiếng, nổi nhất là tiểu thuyết Quyên kẻ này dính duyên làm bạt. Nhị vị, người trước người sau người đậm người mau đều đánh bạn cùng Thiệp, tâm giao đủ cung bậc chầm bập mổ xẻ… Nhớ, hồi 2008, người ít trẻ hơn từng tính tạo cuộc gặp chơi chơi tay ba cùng nhà văn nhớn mà chả hiểu sao bất đạt.

*

Thơ Phạm Xuân Trường:

“Những ngày hấp hối mà trong nhà [NHT] chỉ có 5 triệu đồng”.

Vinh Huỳnh tốc ký ngay trong ngày tang, các lời nhắn sau cùng trước khi NHT trọng bệnh mùa Covid 2020 với mấy chú em làm báo Văn+:

“Tôi cũng viết tạp nhiều thứ kiếm sống, người ta thuê thì tôi viết. Còn nhớ hồi Lương Quốc Dũng (Cái tay làm sân vận động Mỹ Đình hồi đương chức ấy) chỉ ra đầu bài thuê tôi viết truyện Tiểu Long Nữ […] còn đâu kệ mình viết tất. Hỏi: “Ông trả bao nhiêu?”, “30 triệu…”, “Hơi ít!”, nhưng rồi tôi viết loáng cái có mấy ngày đã xong.”

1987, chiều xuân nọ. Chảy Đi Sông Ơi vừa được in còn nóng báo, tác giả rủ ngay Hồng Hưng và Thọ Muối ăn mừng tại quán thịt chó Hàng Gà – Hàng Phèn cho hết nhuận bút còi 200 đồng tầm 10 bát phở:

Chao ôi người bạn tôi, văn tài ấy – nhà văn viết cả một chuỗi dài 35 năm nay, tạo ra nhiều trước tác như vệt sét xé ngang nền văn học nước Nam này, in khắp nơi trên địa cầu này, vẫn lúng túng đến tận cuối đời về đồng tiền bát gạo.”; […] lương hưu còm hơn 2 triệu đồng…”

(Nguyễn Văn Thọ)

"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

“Tài năng ấy từ bàn tay chai sạn từng làm nhiều nghề để sống. Hết đi buôn giấy lậu lại mở quán ăn”; “nhưng đều thất bại”; “cho tới tận khi bán một phần đất hương hỏa của cha ông xây nhà cho hai con, ông vẫn đăm đắm về tiền chữa bệnh. Tài khoản lúc đột quỵ lần hai chỉ còn 9 triệu đồng.”

(Nt)

Nhà văn Việt Nam khổ như Thiệp!

*

Nhị vị sau, người nữ kẻ nam chúng tôi đều chưa được dịp mần quen, dù chung đụng ít nhiều không gian sinh sống/văn chương.

Một trong những nam doanh nhân thành đạt ở xứ Lá Phong, Nguyễn Hoài Bắc từng là đồng hương Việt cùng thành Tổ Rồng To. Trí nhớ nếu không phản chủ thì kẻ này có lần cùng một văn hữu liền anh ghé thăm tư gia mà không gặp gia chủ? Nhờ dịp NHT qua đời, dạo chợ Phây mới biết doanh nhân thành đạt cũng ham viết lách và viết có duyên đáo để:

Miên man một chữ "tiền" hay "tiên"…

Ăn xong bữa cơm trưa, muốn ngủ lấy sức để chiều cày tiếp, thấy điện thoại kêu tinh tang […] báo Tuổi Trẻ đăng bài viết về ngày cuối của một người, một nhà văn vang bóng một thời vừa cỡi tiên hạc khuất núi, ông là cố nhà văn NHT.

Câu chuyện kể về gia cảnh của ông, kể về nỗi cơ hàn vất vả của gia đình ông, vợ ông mới mất, con cháu thì không được bằng chị, bằng em, ông bị tai biến, khi ấy trong túi ông, gia tài của ông vẻn vẹn không quá 5 triệu đồng VN. Tệ xá của ông nơi gia đình đang sinh sống là căn nhà bé tý, nằm sâu trong hẻm giữa khu nửa quê, nửa phố trên đất Hà Thành.

Miên man nghĩ về chữ ‘tiền, nghĩ về các mảnh đời trong xã hội ngày nay, người tài ba trên chốn văn đàn trời Nam không nhiều, đạt đỉnh cao, thần tượng trong lòng người hâm mộ như ông NHT quả thực là hiếm có, khó tìm.

Miên man trong chữ "tiền" hay "tiên", ta ngộ ra rằng: có "tiền" vẫn tốt hơn, sướng hơn trở thành "tiên", chắc bạn cũng không mong thành "tiên" bởi nếu thành "tiên" thì bạn cũng thăng thiên rồi.

Hà Nội, 25/3/2021 – HB”

Đoàn Cầm Thi, nữ nghiên cứu gia khoa bảng, dịch giả khá là thành danh trong môi trường hàn lâm và xuất bản văn học bản địa (ý là không tử thủ lô cốt cộng đồng con cháu Vua Hùng) ở kinh thành Ba Lê. Vị nữ giáo sư văn học có em song sinh bút danh Thuận – nữ văn sĩ “đẻ” tiểu thuyết không chỉ cái nào cũng cách tân mà đáng nể là sòn sòn là đô sòn hơn tá sách xuất bản ở VN và Pháp 20 năm qua, và cũng là 1 VIP tham dự Tiểu truyện NHT mà ở bài tóm lược này chưa hiện diện. Cặp Thi – Thuận là một ví dụ hiếm, đẹp ơi là đẹp cho bài toán khó (vô cùng Tổ quốc ta ơi) luôn hành hạ giới văn nghệ sĩ di dân: bằng nghề văn nghiệp nghệ hòa nhập xứ người và gắn bó cố quốc.

Điều mà Đoàn giáo sư đã để lại cho đời, ngu ý chúng tui, là tủ sách truyện văn học VN đương đại in ở Pháp trong hơn thập niên qua. (Tiếc, vắng mặt Thiệp nhà ta trong đó).

“[…] một câu Đoài nói với Khảm trong Không Có Vua: "Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú có thấy cái chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không. Nó là triết học đấy." Có lẽ chỉ NHT mới có một cách định nghĩa vừa bất ngờ vừa cụ thể và giản dị về một khái niệm cực kỳ trừu tượng và phức tạp như vậy. Anh là người của thực tế vật chất, của cơm áo gạo tiền. Cái sâu sắc của NHT là cái tinh thâm của kẻ luôn phải vật lộn với mưu kế sinh nhai.

(Đoàn Cầm Thi)

Nếu hên đận này lọt Giải Nhà nước, tài khoản nhà văn của chúng ta sẽ đẫy đà chun chút?

Vĩ thanh:

“Tiền nhiều mà để làm gì?” – Vua cà phê Trung Nguyên.

“Để gió cuốn đi…” – Vua nhạc Trịnh.

“Để làm nhà văn!” – Vua truyện ngắn Thiệp chắc sẽ ấp úng nói vậy từ nơi chín suối…

12.

NHT & tôn vinh

Hãy cùng chúng tôi liều phen "gái góa lo chuyện triều đình":

1) Giải thưởng văn học mang tên NHT

2) NHT & tên đường

3) NHT & sách giáo khoa

4) NHT & nhà tưởng niệm

5) “Thiệp học", chuyên ngành mới

*

1) Giải thưởng mang tên NHT

Với văn tình và xu hướng xã hội hóa các sinh hoạt văn học nghệ thuật VN hiện nay, không khó lắm để nghĩ đến và đi tìm giải pháp về một giải thưởng văn học tư nhân vinh danh NHT, dù có thể gặp ít nhiều thủ tục cơ chế?

Các đại gia yêu chữ nghĩa văn nghệ văn giềng xứ ta đang ngày một thêm lượng và chất; lúc này chưa nhiều, nhưng cũng chẳng ít. Qua mấy tuần trăng khuất bóng Thiệp, cứ nghĩ là khả thể đi cho sớm chợ, về một giải thưởng tư nhân, ví dụ "Giải thưởng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" (quả này cảm động, kẻ đả tự không nỡ viết tắt!), dành cho các tác giả, tác phẩm chuyên trị truyện ngắn viết bằng tiếng Việt. Có thể hàng năm, hoặc để chất lượng, mỗi 2-3 năm.

Trong nan đề liên hoàn giải thưởng – thiện nguyện – vinh danh – v.v… vấn đề đầu tiên không hẳn là “tiền đâu”. Mà ai là chủ thể: Vinh danh ai? Thiệp! Ổn. Thứ đến, ai là khách thể hành động, như người chủ trì. VIP khách thể trông thế thôi lại là chính chủ, nhiều khi tay không bắt giải thưởng. Vị chủ trì này có thể tìm gọi, phát động các vị chủ chi – nhân vật quan trọng thứ 3 trả lời bằng hành động cho câu hỏi “đầu tiên” – tiền đây!

Với dự án Giải thưởng NHT, về vị chủ trì, chúng tui tầm nhìn hạn hẹp, óc nghĩ nông cạn, giao lưu ít ỏi (và chưa một phút dậm chân qua bậc thềm các đại gia!) nghĩ nhanh đến Quang Thiều thi sĩ – người mà dư luận báo giới thi thoảng lại xướng rằng có thể khai mở được trái tim và hầu bao các doanh gia yêu thích văn nghệ, người mà tài hoa văn chương và chức sắc văn nghệ đang ngất ngưởng trên lâu đài văn học VN chính thống, người mà với bài điếu văn khóc Thiệp đang đi vào lịch sử sinh hoạt văn học nghệ thuật VN đương đại (nội cái “người mà” cuối cùng cũng đủ “ăn vạ bắt đền” rồi!)

Khởi động Giải thưởng Trần Văn Khê: Tôn vinh tài năng âm nhạc truyền thống VN / Nguoidothi.net.vn 18/5/2021

[…] Cuối cùng thì sau gần 6 năm kể từ ngày GS Trần Văn Khê từ giã cõi tạm, mới đây quỹ học bổng mang tên ông đã chính thức được UBND TP.HCM cấp phép thành lập và hoạt động.”

“Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê […] đã […] được Trường Đại học Văn Lang […] chịu trách nhiệm thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của cố GS Trần Văn Khê. Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tháng 3/2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã danh chính ngôn thuận ra đời trong sự vui mừng của những người yêu quý ông. Dù muộn nhưng đây là một việc làm rất có ý nghĩa.”

Cung cách trên bài bản, khó làm, lâu đạt. Với “cơ quan chức năng” bác Thiệp sao bì với cụ Khê?

Thôi cho nó lành, cứ làm kiểu tư nhân 100% như Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi (vừa trao lần thứ nhất hồi cuối năm ngoái mà kẻ này cũng được có tham luận):

“Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi: Đặc biệt và nhiều ý nghĩa/ baoquangngai.vn 28/11/2020

“Sau bao ấp ủ […] đã chính thức được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đình Thi. [….] Trong đó, nhà thơ Thanh Thảo được vinh danh ở hạng mục "Thành tựu trọn đời" […] Ông đã từng được trao nhiều giải thưởng lớn [..] Thế nhưng, khi nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Thanh Thảo rất phấn khởi phát biểu: "Tôi thấy giải thưởng này rất đặc biệt, nhiều ý nghĩa. Tôi cảm thấy vui, tự hào và xứng đáng với giải thưởng, mặc dù đây là giải thưởng không kèm theo tiền thưởng".

2) NHT & tên đường:

Chắc đến… mùa quýt. Nhưng là thi sĩ, chúng tôi cứ muốn tin sẽ có “mùa quýt” cho văn học hiện đại VN, tức là cho NHT.

Nhà văn đáng yêu của chúng ta chả nhẽ không có chút sát na biêng biêng nào đó vụt nghĩ đến cái chuyện “mùa quýt” ấy; tỷ như khi ngồi hàng tiếng dưới tượng Phật sân vườn, sửa gấp bản thảo kịp gửi sang kinh thành Ba Lê hòng soán giải tột đỉnh vinh quang của nhân loại về cho đất nước? Dám lắm chứ! Mất gì của bọ mà không sát na biêng biêng vậy?

Nghiêm chỉnh: Bỏ đi danh hão, như những người yêu con người với xấu tốt của mình, yêu văn chương chữ nghĩa tiếng Việt, yêu người VN… ta vẫn tin vẫn tưởng sẽ có ngày dịu giời một con đường lối phố nào đó đất Hà Thành mang tên NHT. Biết đâu lại quanh quanh xóm Cò, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thì sao nhỉ? Mô Phật!

3) NHT & sách giáo khoa:

Nếu như có phim về NHT (tại sao không, hỡi các nhà đạo diễn tương lai – 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa?), sẽ là rất thích thú ở mộng cảnh Thiệp ta đang tí tửng can vẽ hình tranh cho cuốn sách giáo khoa đúng cái truyện ngắn được chọn. Hồi sinh, chàng cũng không thể mơ!

Thì vẫn, đưa truyện Thiệp vào sách giáo khoa trung học cũng là một “văn án” văn đàn và các nhà làm sách giáo dục VN bàn lên thảo xuống hơn thập niên rồi. Từ lâu, ai cũng biết, việc chọn tác phẩm hiện đại vào sách giáo khoa ở VN là cà một chu trình "cá vượt vũ môn", mà với các tác phẩm đương đại còn khó hơn. NHT lại là một ca đang còn nhiều tranh luận ngay cả ở các hướng chính thống và cởi mở.

Một nữ ký giả Đức và nhân vật chính của chúng ta có cuộc chuyện vào năm 2015:

“- Katharina Borchard: Truyện của ông có được đưa vào chương trình sách giáo khoa Việt Nam không?

– NHT: Sách tôi chỉ được đọc ở đại học. Ở trường học, các sách của tôi không được học sinh đọc, mặc dù bố của cô thông dịch viên đây này, Thuy Schmalz, ở VN vận động tích cực cho việc này!

– Tại sao vậy, bà Schmalz?

– Thuy Schmalz: Cha tôi phụ trách việc biên soạn chương trình sách giáo khoa ở VN”.

Ký giả Nguyên Sa vừa nhắc nhở sau ngày NHT lìa đời:

“Nếu từng là học sinh, bạn có thể sẽ thắc mắc, sao nhân vật quan trọng thế mà tác phẩm chẳng được đưa vào sách giáo khoa? Quả là vậy, NHT chưa từng được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn phổ thông bao giờ. Ông quá khác biệt và gây tranh cãi.”

Chính thế “già làng” Nguyên Ngọc, tổng công trình sư văn học đổi mới, ông bầu kỳ tài nhất, bà đỡ hiệu quả nhất cho truyện NHT (và tất nhiên là VIP trọng lượng cao trong các trích dẫn ở Tiểu truyện NHT này) đã phán từ khuya:

“Trong văn của anh, nhiều đoạn có thể chép nguyên làm mẫu tuyệt vời cho các sách giáo khoa dạy văn, ngay cả ở cấp 1, cấp 2 – như đoạn thả diều trong Những Bài Học Nông Thôn chẳng hạn. Đọc, bỗng nhớ Người Gieo Hạt (Le semeur) của Victor Hugo. Lại có đoạn, có truyện, chắc không bậc phụ huynh nào dám để cho con cái mình, dẫu đến tuổi mười lăm, mười sáu mó tới.”

Trong FB của mình, Tạ Duy Anh, nhà văn nức danh suốt từ thời hậu đổi mới đến tận hôm nay, cho biết:

“Khi Ban soạn thảo sách giáo khoa nhờ tôi tiến cử một số tác phẩm đưa vào dạy trong nhà trường, đến phần NHT, tôi ghi ngay truyện ngắn Muối Của Rừng. Sau đó tôi được thông báo là Ban soạn thảo quyết định chọn truyện Tướng Về Hưu”. Tôi không có ý kiến gì. Nhưng rồi cuối cùng hình như họ lại chọn Muối Của Rừng.”

Biên tập gia đầu bảng của các dòng sách “sinh sự” ở VN không nói rõ sự việc xảy ra năm bao nhiêu.

Trên FB của GS Trần Đình Sử đã có các chia sẻ thế này từ Đỗ Ngọc Thống, nhà giáo, nhà nghiên cứu có tên tuổi:

“[…] vì những người chủ trương không cho in không hiểu thế. Thậm chí họ cũng chưa đọc NHT, chỉ nghe nói NHT "tục tĩu, hạ bệ thần tượng, nói xấu Gia Long, xúc phạm Quang Trung…" thế là không được. Cho đến năm 2000 khi GS Trần Đình Sử là chủ biên chương trình Ngữ văn THPT, có tôi tham gia, chúng tôi đề xuất đưa tác phẩm của NHT (ngày ấy định trích Tướng Về Hưu) thì bị Hội đồng thẩm định gạt đi. Những vị trong Hội đồng thẩm định cũng bị ám ảnh bởi dư luận què quặt và u tối đó.”

Thôi thế này. Các giáo sư, các thầy thử cho thảo dân chúng tôi liều phen nữa, không biết đã xảy ra ở quốc gia nào chưa khi mần sách giáo khoa:

Những fan cứng NHT đang giảng dạy từ đại học tới phổ thông hãy thể hiện “tình yêu Thiệp”: Tự làm cuộc điều tra xã hội học với các nhóm học sinh năm cuối trung học về tầm đón đợi của học trò hiện nay với truyện NHT. Rồi cậy nhờ những VIP có thẩm quyền, uy tín và niềm say Thiệp (như thầy Đình Sử, thầy Lã Nguyên, thầy Xuân Nguyên, thầy Hữu Sơn, thầy Văn Thuấn, thầy Anh Tuấn, thầy Uông Triều) lọc ra đôi truyện ngắn, dăm trích đoạn truyện NHT làm bài mẫu cho dự án điều tra.

Thiển ý, chắc cờ hơn cả về nội dung và dung lượng đúng là Muối Của Rừng. Còn cụm Những Ngọn Gió Hua Tát ít nhất chắc cũng lọt "Truyện thứ sáu/ Đất quên". Như cư dân mạng Quy Vu “cầm đèn chạy trước ô tô”:

“Tác phẩm của NHT hiện tạo áp lực cho môn văn trong giáo dục. Họ phải chọn một đôi tác phẩm đưa vào chương trình. Muối Của Rừng lớp nghĩa nổi họ thấy yên tâm nhất. Tôi ngoại đạo, nếu được chọn tôi chọn Những Ngọn Gió Hua Tát, chỉ băn khoăn Trái Tim Hổ – Câu chuyện trong truyện này đau quá! Còn những truyện kia mỗi chuyện là một bài học đạo đức nhân sinh. Văn rất đẹp.

Nếu làm nghiêm túc và chu đáo, tin là kết quả điều tra không chỉ giúp các nhà làm sách một luồng thông tin tươi nóng về việc “học sinh đọc Thiệp”, mà còn đóng góp đáng kể cho hiểu biết văn hóa đọc NHT hiện nay (chứ không phải ở thời đổi mới).

Tóm, truyện Thiệp đi vào sách giáo khoa tuy không nhậy cảm về chính trị (chính quyền) nhưng phức tạp vì phải cân bằng kiềng 3 chân: Giá trị văn chương – quan niệm giáo dục – văn hóa thể chế.

Thôi thì mong NHT ẵm Giải thưởng Nhà nước, truyện của chàng hiệp sĩ sẽ tiến vô các trang sách giáo khoa dễ hơn?

4) NHT & nhà tưởng niệm:

“Người sưu tập là người hạnh phúc”. Chúng tôi nhớ có nhầm không, đại văn hào Charles Dickens bảo vậy? Suy ra, dân tộc giàu có tâm hồn sẽ phủ xứ sở mình bằng các bảo tàng, nhà tưởng niệm. Để tôn vinh những nhân vật danh tiếng, đây là một “loại hình vật chất” quen thuộc ở các quốc gia tiên tiến.

Trong đôi thập niên qua, người nước Nam ta tỏ ra hạnh phúc hơn, tiên tiến hơn khi tâm hồn mình được vật thể hóa hơn qua các cao trào bảo tàng, nhà tưởng niệm tư nhân. Với NHT, chuyện này có nhẽ “nhỏ như con thỏ”. Là chúng tôi nghĩ thế.

Đồ rằng Bảo tàng HNVVN khi nào to oách hơn nếu không có buồng riêng tương xứng thì “vua truyện ngắn” cũng phải yên nghỉ trên diện tích, thể tích nào đó trên bức tường đại diện chân dung, tác phẩm, vật phẩm nhà văn VN? Sẽ là thao tác đầu tiên và không khó để trả “món nợ lớn của Hội Nhà văn VN với NHT” (Lời thi sĩ Nguyễn Bình Phương).

Một bức tượng NHT thật là Thiệp rồi sẽ có ở Bảo tàng HNV? Hoặc trong một khuôn viên, ví dụ, 10 tac gia quan trọng nhất của văn chương VN thời đổi mới? Ai chứ chắc là bạn thiết của cố nhân, Hồng Hưng điêu khắc gia đã có ý tưởng? Tượng Phật, ngài làm ngon lành cái vèo nữa là tượng Thiệp!

Một nhà tưởng niệm NHT của tư nhân?

Trộm nghĩ, ấy là việc cần thiết và trong tầm tay gia đình, bạn hữu cố nhân. Về kỹ thuật đã có bàn tay nghệ sĩ từ người con trai cả – họa sĩ Nguyễn Phan Bách.

Thì đấy, nơi mạng xã hội trong tuần đầu nhà văn xa cõi tạm, các bạn thân, các fan đã bàn thảo; rộn ràng hơn cả là FB Uông Triều (một nhà văn đang xông xáo nơi văn đàn, cực "nghiện Thiệp" với 2 bài báo đáng giá mà Tiểu truyện NHT chọn được):

Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn và có lẽ bây giờ là NHT, những người làm văn giới tốn giấy mực nhất. Hôm đám tang NHT tôi đã nói với hai người con trai nhà văn nên giữ lại ngôi nhà cũ của ông để làm nhà lưu niệm. Những người như Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, dấu tích còn lại quá ít. Hàn Mặc Tử khiến tôi ngỡ ngàng khi vào thăm bệnh viện nơi ông điều trị phải mua vé. Điều ấy rất đáng kể vì nó nói lên giá trị và sự hấp dẫn của ông.” (Uông Triều)

Ngay hôm đó, ngồi với nhau mấy ông bạn cũng nói về việc giữ di sản anh Thiệp rồi.

“Tôi đã bàn với chủ cà phê Nhân và nhà văn Uông Triều, đều mong muốn giữ lại lưu niệm của Huy Thiệp tại gia đình và quán cà phê Nhân Hàng Hành.” (Bảo Sinh)

Hình dung nhà tưởng niệm NHT, so với "mặt bằng" các công trình tương tự dành cho văn nhân VN, có thể kém cạnh nhà tưởng niệm Nguyễn Du, Tố Hữu, Kim Lân… về số hiện vật? Mà sẽ nhiều hơn nhà tưởng niệm Hàn Mặc Tử, Vũ Trọng Phụng, Phạm Tiến Duật, Nguyên Hồng, Anh Thơ?

“Phú Thọ nhà tôi […] Quê nội tôi, huyện Thanh Ba cũng là quê nhà thơ Phạm Tiến Duật có con đường Phạm Tiến Duật rất dài. Quê ngoại tôi, huyện Cẩm Khê là quê nhà thơ Bút Tre cũng có con đường Bút Tre. Tóm lại, địa phương, quê quán của những danh nhân văn hóa nên chủ động trong việc lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật của người con quê hương trước đã. Đợi nhà nước thì sẽ lâu đấy.” (Tống Ngọc Hân)

Mong là gia đình 2 "ông con" Bách & Khoa, sau lễ giỗ đầu/ tiểu tường, hẳn nghĩ đến việc để đời này cho người cha kỳ vĩ của mình. Báo giới và thân hữu cho hay, 2 gia đình con cháu NHT đang vinh hạnh ở trên phần đất hương hỏa tổ tiên để lại. Âu là phúc lộc mà NHT đau đáu trong gian khổ thực hiện và thành quả phần nào, dù phải bán đi 1/2 số đất xương thịt để xây nhà cho 2 con ở riêng. Nếu sau này hậu thế Bách & Khoa có thể thu về phần đất đó mà dựng thành nhà tưởng niệm cho ông cố mình – nhà văn NHT, sẽ còn là đại phúc.

“Hôm qua là 49 ngày mất nhà văn NHT, tôi đến thắp cho ông nén nhang. Thấy ngôi nhà của ông vẫn giữ nguyên như trước, bàn thờ ông đặt ở ngôi nhà cũ nơi ông từng ở. Hai người con trai của nhà văn không có ý định thay đổi bất cứ thứ gì trong ngôi nhà cũ của bố, kể cả cánh cổng bằng gỗ.

Dự định 100 ngày nhà văn mất sẽ xuất bản cuốn sách tập hợp những bài phỏng vấn và bài viết về ông. Một ấn bản kỉ niệm NHT bằng tiếng Anh sẽ xuất bản tại Mỹ cũng đang được xúc tiến.

(Uông Triều)

Cơ khổ! Là chúng tôi cứ mau mắn xía vô đại sự nhà người. Mô hình khu tưởng niệm NHT hẳn có trong đầu các họa sĩ bạn hiền cố nhân Hồng Hưng, Thiết Cương rồi. Đúng không nào?

“Hôm qua, ngày lập hạ, mưa tầm tã, tôi vào thắp nhang 50 ngày anh NHT và sorry anh: N.Q.Thiều và tôi muốn ra mắt 1 cuốn sách chọn lọc những bài viết về anh Thiệp dịp này nhưng đành phải delay, vì muốn có 1 cuốn sách đẹp thì cần phải có thêm thời gian."; “trên bàn thờ anh Thiệp có 1 đĩa khoai lang luộc, món mà anh Thiệp rất thích.” (Lê Thiết Cương)

Và viễn cảnh (không xa) thế nầy sẽ là đẹp mặt cho tình văn hữu nước nhà lắm lắm. Vị khách quý cắt băng khánh thành nhà tưởng niệm NHT vẫn lại là thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch đương nhiệm HNVVN – người mấy năm trước đấy từng cất lời ai điếu bi hào dọc một làng văn Hà Thành.

Lại vĩ thanh:

Với cách thức quen thuộc và hữu hiệu là bán sách đấu giá, NHT lại đang được bá tánh ta Tây trong-ngoài VN tưởng niệm có tính dài lâu theo 3 tiêu chí “xanh – sạch – xinh”. Nhất Thiệp rồi còn gì!

Theo trang cá nhân của siêu ký giả Huy Đức và một số báo chí:

Đấu giá Tướng Về Hưu dùng tiền trồng rừng tưởng niệm nhà văn NHT

"Nhân lễ giỗ 49 ngày nhà văn NHT (8/5/2021), một người thân thiết của ông, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường (Sách Vipen) quyết định bán đấu giá bản in đầu tiên cuốn sách đầu tay của nhà văn: tác phẩm Tướng Về Hưu.”

Vậy chúng ta nên có thơ rằng:

Hoan hô họa sĩ Thiết Cương

Và nhà sưu tập Duy Cường… Hoan hô!

Rồi coi tiếp:

“Giá khởi điểm là 3 triệu VND. Xin mời các bạn bắt đầu, phiên đấu giá sẽ kết thúc vào lúc 16:45 phút ngày 8/5/2021. Tiền bán sách sẽ được dùng để cùng VARS trồng một cánh rừng (khoảng 5000 cây, tương đương 50 triệu VND) nhằm tưởng niệm nhà văn NHT. […] Bạn bè và những bạn đọc yêu mến nhà văn cũng có thể tưởng niệm ông bằng cách Góp Một Cây qua tài khoản của CtyTNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng VN…”

“Xin mời các bạn đọc bài giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Duy về sự ra đời khó khăn của Tướng Về Hưu […] “cũng long đong lận đận như số phận tác giả, như một điềm báo”. Nhà thơ Nguyễn Duy viết cho chúng tôi ngay sau khi biết ý tưởng đấu giá cuốn sách này."

“Ý tưởng đấu giá xuất phát từ vợ chồng giáo sư Peter Zinoman – Nguyệt Cầm – bạn của NHT. Hôm 14/4, họ chuyển tiền tới một dự án trồng và phục hồi rừng trong nước với nội dung: “GS Peter Zinoman trồng cây tưởng niệm nhà văn NHT”. Cả hai muốn trồng 70 cây – bằng số tuổi thọ của nhà văn.”

Theo báo giới, cuộc đấu mở màn bằng 9 triệu và sang ngày sau mức giá cao nhất lên đến 50 triệu VNĐ. Chưa rõ khi bài vở bần tăng soạn xong thì “rừng sách Thiệp” được bao nhiêu? Mô Phật!

5) "Thiệp học", chuyên ngành mới

Tiểu truyện NHT còn hứng chí mà “hậu hậu đậu” (tức là hậu hiện đại nhưng có thể chưa thành) thêm tiểu tiết nữa…

Phục vụ cho Tiểu truyện NHT, dưới đây sẽ diễn đạt bằng văn phong khác, cùng nội dung lá thư gửi các cơ quan liên ngành và các đại gia đề nghị thành lập một chuyên ngành mới mang tên "Thiệp học".

Mục đích, yêu cầu: Các cơ quan chức năng, cụ thể Viện Văn học VN về chuyên môn, và Hội Nhà văn VN về tổ chức và in ấn, nên nghĩ ngay và luôn, đầu tư thích đáng cho 1 bộ môn mới: chuyên ngành "Thiệp học". Chưa cần tới một hội đồng tái xét thành tựu và quá trình sáng tạo văn học, chỉ theo dư luận 35 năm qua về con người và tác phẩm NHT, nhất là sau khi nhà văn nhớn qua đời đã thấy đó là việc đáng làm và làm được.

So sánh: Chí ít cũng như chuyên ngành "Trịnh (Công Sơn) học", dù chưa thấy thành hình bài bản, quy củ song qua các nghiên cứu, phê bình, dư luận VN và quốc tế, "Trịnh học" đã là một thực thể phi cơ chế. Chớ nên để “Thiệp học” đi theo vết nhạc đó!

Cầm đèn chạy trước ô tô phát nữa, chúng tôi đã liều bút tiến cử vừa đúng 21 quý vị dự phần xây dựng chuyên ngành "Thiệp học". Rất vững tin, bằng sự quán sát trách nhiệm văn chữ, bằng tình yêu văn chương, bằng thẩm quyền văn đàn… đội ngũ giáo sư, phê bình gia, văn sĩ, ký giả, dịch giả, nghệ sĩ tinh hoa (ít nhất trong miếng mảng NHT) sẽ đảm nhiệm vững vàng một dự án “Thiệp học”.

Do thiếu thời gian và quan hệ, với đa số, chúng tôi chưa thể tham kiến từng người. Vội, chúng tôi rất vội kịp nộp quyển cho họa sĩ tối giản Lê Thiết Cương đang đốc thúc mỗi nửa ngày, gom bài vở in sách khóc Thiệp 100 ngày[1]. Nghĩa tử nghĩa tận. Thông cảm giùm. Dù sao cũng chả lo, già nửa các chư vị đã là văn hữu thân sơ với “đèn” rồi, thưa “ô tô”…

Song le, đến phút 89 của việc thảy bài, có văn hữu và biên tập viên thân tình khuyên nên tạm lấy Danh Sách 21 Ứng Viên Tham Gia Chuyên Ngành "Thiệp học" ra khỏi bản đăng báo mạng này. Tránh cho các chính chủ có cảm giác bị áp đặt hoặc chủ quan vô phép.

Thưa quý độc giả, ai đồng ý (cần có chuyên ngành "Thiệp học" với những thành viên trong Danh Sách 21 chưa hiển lộ nói trên) giơ tay, chúng tôi biểu quyết nhé?

Là thi sĩ (nghĩa là mơ với Thiệp), chúng tôi hình dung tiếp…

Hội thảo khai mở chuyên ngành "Thiệp học" sẽ được tổ chức trong thính phòng hội nghị lớn nhất của Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, tại 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội, VN; với đề tài "Lại đi tìm NHT lần nữa" (Chuẩn. Nguyên đầu bạc từng khóc ngay sau khi Thiệp mất, "hồi 2001 mình đã làm sách gồm 54 bài phê bình trái chiều về NHT và tin là sau đây vẫn còn phải đi tìm NHT lần nữa".)

Chưa biết liệu phe phản biện xung trận đông đảo như xưa, nhưng ắt hẳn Ban tổ chức sẽ mời VIP không thể vắng mặt, nhà nghiên cứu, phê bình Bùi Việt Thắng (người mà NHT từng nói trong bài Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên Và Những Nhầm Lẫn Của Nhà Văn:

Trong bài phê phán tôi, Bùi Việt Thắng có chỉ ra chi chít những nhầm lẫn của tôi. Tôi không sợ, vì đơn giản nếu tôi sợ thì tôi đã chẳng phải là nhà văn. Nhà văn không đưa ra những bài học luân lý. Nhà văn chỉ kể chuyện. Phật tổ đã nói: "Mở miệng là đã sai rồi". […] chân lý rốt ráo trong cuộc sống chính là sự nhầm lẫn. Chúng ta chỉ có được những giây phút ngắn ngủi của sự ổn định ôn hòa…")

[Mao Tôn Cương tí: Nhà em chịu bác. Chả luận lý bình phê nào địch lại với thầy trò Phật – Thiệp nhỉ?]

Dẫu không chức vị gì, nhưng cũng có tiểu truyện khủng này, tức là có tí công ăn cơm nhà thảo thỉnh thư lập chuyên ngành "Thiệp học"; hơn tí nữa lại cũng quen biết thân sơ các kiểu với không ít VIP trong Ban tổ chức, không nhẽ không được mời tham luận? Đã thủ sẵn bài, chúng tui sẽ giựt tít: "Thà chết, quyết không khai NHT trong đống rơm!"

13.

Vậy lại có thơ rằng

Bất tri tam thập ngũ dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Thiệp Huy [2]

Vancouver, 20/3 – – 18/6/2021

[Nhân dịp 100 Ngày Thiệp]

Đỗ Quyên

(Còn tiếp 1 kỳ)


[1] Tin giờ chót: Bingo! Sách tiễn Thiệp đã ra lò bởi bàn tay và trái tim Cương:

“Vào xóm Cò “thăm” chị Trang và anh Thiệp. Đặt lên bàn thờ cuốn “Về Nguyễn Huy Thiệp”, vừa ra khỏi xưởng in, mực chưa ráo. Có 1 bó đài sen và mấy củ khoai luộc, mẹ chuẩn bị giúp. Nhớ những buổi chiều, uống trà ăn khoai lang luộc ở G39, anh Thiệp hay lẩm nhẩm câu “Đạo quy ư phác”/ Đạo bao giờ cũng quay về cái chỗ giản dị… 11h sáng mai, sẽ có buổi livestream giới thiệu trước về cuốn sách. Ai quan tâm thì mời xem nhé.” (Lê Thiết Cương FB, 18/6/2021)

Ơn Phật nhân duyên bản cô đọng 8 điều (2 ngàn từ), phiên bản ngắn nhấtvề cái chỗ giản dị” của biên khảo “Nguyễn Huy Thiệp – Tiểu truyện cuối cùng" cũng đã được thành chút khói hương nơi xa dịp này.

[2] Liên văn bản với câu tự trào của đại thi hào Nguyễn Du. Khỏi dẫn bản nguồn, chỉ xin 2 lời chú: a. Đã thay “tam bách” bằng “tam thập ngũ”; b. Theo giáo lý có Tam thập ngũ phật danh lễ sám văn gồm 35 đức Phật.

Comments are closed.