Mekong dòng sông nghẽn mạch [1]

Lời dẫn nhập “Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch”

Ngô Thế Vinh

clip_image002

image

“Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng”, dữ kiện tiểu thuyết, xuất bản lần đầu tiên năm 2000, tái bản năm 2001 nay đã tuyệt bản. Trong khoảng thời gian ấy, tác giả đã thực hiện một số chuyến đi “quan sát thực địa” từ Vân Nam Trung Quốc xuống các quốc gia Lào Thái Cam Bốt và Đồng Bằng Sông Cửu Long Việt Nam.

“Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch” bao gồm những hình ảnh và các trang bút ký sống động của tác giả viết về các chuyến đi ấy.

Trình tự các bài viết – thay vì theo thời gian các chuyến đi, sẽ được sắp xếp theo vị trí địa dư từ thượng nguồn xuống tới vùng hạ lưu. Duy chuyến viếng thăm quốc gia Tây Tạng đầu nguồn sông Mekong, nay chỉ còn là một vùng tự trị của Trung Quốc, cho dù được hoạch định rất sớm và từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được do một số điều kiện khách quan và cả sự nhạy cảm về chánh trị khi mục đích chuyến đi không phải là “du lịch”.

Cũng qua các thông tin có được ấy, để thấy rằng sự suy thoái của con sông Mekong là do những bước “khai thác tự hủy” như một phản ứng dây chuyền với tàn phá sinh cảnh, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường… tất cả đã và đang diễn ra nhanh và sớm hơn dự kiến của nhiều người. Điển hình là vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, sông Cửu thì đang cạn dòng, thêm ngập mặn, ngày càng ô nhiễm và nguồn thủy sản thiên nhiên từ sông vốn rất phong phú cách đây ba thập niên thì nay hầu như không còn đáng kể…

Thế rồi chỉ hai ngày trước khi bước sang năm 2007, một sự kiện đã gây chấn động cho toàn thể các quốc gia Đông Nam Á và các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh khi Tân Hoa Xã loan tin, ngày 29-12-2006, lần đầu tiên Bắc Kinh đã hoàn tất hai chuyến tàu tải 300 tấn dầu hỏa xuất phát từ cảng Chiang Rai bắc Thái lên tới một giang cảng tỉnh Vân Nam.

Tiếp theo chuỗi những con đập thủy điện khổng lồ Vân Nam đã và đang gây tác hại trên đời sống của hơn 60 triệu cư dân hạ nguồn, thì sự cố này được coi như một đòn dáng chí tử thứ hai trên sinh mệnh của con sông Mekong, khi dòng sông được khai thác sử dụng như một thủy lộ chiến lược vận chuyển dầu khí từ Trung Đông tiếp tế cho các tỉnh vùng kỹ nghệ tây nam Trung Quốc thay vì phải đi qua eo biển Malacca.

Cho đến nay, rõ ràng là không có giải pháp nào để cứu lấy dòng sông khi mà mọi quốc gia trong lưu vực – nhất là Trung Quốc, chỉ muốn tự do khai thác con sông theo ý mình chỉ để phục vụ cho quyền lợi ngắn hạn cục bộ – cả theo cái ý nghĩa hủy hoại, mà bất kể tới hậu quả dây chuyền ảnh hưởng tác hại tới các quốc gia láng giềng và về lâu về dài, tới sinh mệnh của cả một dòng sông ra sao.

Kêu gọi thể hiện “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung cho mọi quốc gia trong lưu vực với mối quan tâm bảo vệ dòng sông trong toàn bộ các kế hoạch khai thác và phát triển – nhưng đó phải là những bước hợp tác phát triển bền vững.

NGÔ THẾ VINH

Đồng Bằng Sông Cửu Long 08/2006

California 01/2007

Comments are closed.