Chàng

Annie Ernaux

Trần Doãn Nho chuyển ngữ

(Từ nguyên bản tiếng Pháp, Le jeune homme, tác phẩm mới nhất của Annie Ernaux, Nobel Văn Chương 2022, do Gallimard (Pháp) xuất bản tháng 5/2022. Phiên bản tiếng Anh, The Young Man, do Alison Strayer dịch, Seven Stories Press xuất bản, sẽ phát hành vào tháng 9/2023.)

clip_image002

Si je ne les écris pas, les choses ne sont pas allées jusqu’à leur terme, elles ont été

seulement vécues. (Annie Ernaux)

(Nếu tôi không viết về chúng, mọi sự chỉ được trải qua, nhưng không đi xuyên suốt.)

*

*       *

Cách đây năm năm, tôi đã trải qua một đêm lúng túng với một sinh viên, người đã viết thư xin gặp tôi một năm trước.

Thường thì tôi làm tình chỉ để bó buộc mình phải viết. Tôi muốn tìm thấy trong sự mệt mỏi, kéo theo cảm giác lạc lõng sau đó, những lý do để chẳng trông chờ gì hơn ở cuộc đời. Tôi hy vọng rằng kết thúc của nỗi đợi chờ dữ dội nhất, đợi chờ hưởng thụ, sẽ khiến tôi cảm thấy một cách chắc nịch rằng không có lạc thú nào cao cả hơn là lạc thú được viết ra một cuốn sách. Có lẽ chính vì khao khát muốn khởi phát[1] một cuốn sách – mà tôi đã do dự thực hiện vì tầm cỡ của nó – đã thôi thúc tôi dẫn A. về nhà uống một cốc rượu sau bữa ăn tối tại tiệm ăn, nơi mà vì nhút nhát, chàng hầu như chẳng nói năng gì. Chàng nhỏ hơn tôi chừng ba mươi tuổi.

Chúng tôi gặp lại nhau vào mỗi cuối tuần, những lúc không gặp, chúng tôi cảm thấy nhớ nhau càng lúc càng nhiều. Chàng gọi tôi suốt ngày từ một ca-bin điện thoại, để tránh gây nghi ngờ cho cô bạn gái đang ở với chàng. Cô ta và chàng, vốn còn bỡ ngỡ trong cuộc sống chung, lại thêm lo lắng chuyện thi cử, không bao giờ tưởng tượng rằng làm tình với nhau có thể còn là một điều gì ngoài chuyện thỏa mãn nhẩn nha một thèm muốn. Chính là một loại sáng tạo kéo dài. Thứ nhiệt tình mà chàng biểu lộ trước điều mới mẻ này càng lúc càng gắn chặt tôi với chàng. Dần dà, cuộc phiêu lưu trở thành một chuyện tình mà chúng tôi ao ước sẽ đi đến tận cùng, rồi ra sao đó thì ra.

Với cảm giác thỏa mãn và nhẹ lòng khi thấy chàng chia tay cô bạn gái và cô ta rời bỏ phòng trọ, tôi thường xuyên đến với chàng từ chiều thứ sáu đến sáng thứ hai. Chàng cư ngụ ở Rouen, thành phố mà chính tôi đã từng sống khi còn sinh viên vào những năm sáu mươi và là nơi thỉnh thoảng, trong nhiều năm, tôi ghé qua để thăm mộ cha mẹ tôi chôn cất ở Y. Mỗi lần đến với chàng, tôi vứt đại đồ ăn mang theo vào trong nhà bếp chẳng cần tháo gỡ bao bì, và rồi hai đứa ôm nhau làm tình. Ngay khi chúng tôi bước vào phòng ngủ, một đĩa nhạc cài sẵn lập tức khởi động, thường là của ban nhạc “The Doors”.[2] Trong khoảnh khắc, tôi chẳng hề nghe tiếng nhạc. Nhưng những hợp âm nặng nề của ca khúc She lives in the Love Street với giọng hát Jim Morrison lại cứ vang vọng đến tai tôi. Hai đứa nằm trên tấm nệm trải ngay giữa sàn nhà. Giờ đó xe cộ chạy ồn ào. Đèn xe chiếu những tia sáng lấp lóa trên tường phòng, xuyên qua những ô cửa sổ không có màn che. Tôi dường như chẳng bao giờ rời cuộc ân ái từ thuở tôi mười tám, nhưng ở những nơi khác nhau, với những người đàn ông khác nhau, chẳng phân biệt đuợc ai với ai.

Phòng chàng hướng ra phía bệnh viện Hôtel-Dieu, đã một năm rồi không sử dụng hiện được dùng làm văn phòng quận. Buổi tối, cửa sổ tòa nhà được chiếu sáng và thường cứ sáng như thế suốt đêm. Khoảng sân vuông vắn rộng lớn ở phía trước là một vùng bóng tối nhàn nhạt và trống trải nằm đàng sau chấn song cửa đóng kín. Tôi nhìn những mái nhà đen, vòm nhà thờ nổi lên từ phía sau. Ngoài các người gác dan, chẳng có ai. Chính ở nơi này, hồi còn sinh viên, tôi đã được chuyển đến bệnh viện đó vào một đêm tháng giêng vì bị xuất huyết do phá thai lậu. Tôi không còn nhớ căn phòng mà tôi nằm suốt sáu ngày thuộc khu nào. Trong cái ngẫu nhiên bất ngờ gần như lạ lùng này, có dấu hiệu của một gặp gỡ huyền bí và một câu chuyện phải được sống.

Những buổi chiều chủ nhật mưa lâm râm, chúng tôi đắp chăn lông, làm tình xong là ngủ say hay nằm lim dim mơ màng. Từ con phố lặng lẽ vẳng lên tiếng trò chuyện của những người bộ hành hiếm hoi đi ngang, thường là khách lạ ở nhà trọ bên cạnh. Tôi lại cảm thấy như mình đang ở Y., trẻ con, ngồi học bài bên cạnh mẹ tôi nằm ngủ thiếp trên giường vì mệt, áo quần còn để nguyên, vào ngày chúa nhật sau khi ăn xong, lúc tiệm đóng cửa. Tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng trôi dạt trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.

Ở nhà chàng, tôi tìm thấy lại tình trạng thiếu tiện nghi và đồ đạc bày biện sơ sài mà chính tôi từng nếm trải lúc bắt đầu sống chung với chồng tôi khi chúng tôi còn là sinh viên. Trên những bếp điện, do bộ điều nhiệt không hoạt động, ta chỉ có thể chiên bít-tết mà nếu không khéo là thịt bị dính bám vào đáy chảo, còn luộc mì hay nấu cơm thì nước tràn ra ngoài không kiểm soát. Chiếc tủ lạnh cũ kỹ không điều chỉnh được khiến rau cỏ đựng trong ngăn rau đông cứng lại. Phải mặc đến ba chiếc áo len mới chống chọi được với cái lạnh ẩm ướt của loại phòng ốc, trần nhà thì cao, cửa sổ thì long ra, không thể nào sưởi ấm bằng những chiếc lò sưởi điện hư hỏng.

Chàng dẫn tôi đến khu Bureau, Big Ben, nơi có những quán cà phê mà đám thanh niên thường lui tới. Chàng rủ tôi vào tiệm Jumbo. Chàng thích đài Europe 2. Chiều nào chàng cũng xem chương trình Nulle part ailleurs.[3] Ngoài đường phố, chàng hay chào hỏi những người trẻ tuổi, thường là sinh viên. Khi chàng dừng lại nói chuyện, tôi lảng ra, khiến họ cứ lén lút nhìn trộm. Sau đó, chàng kể chuyện học hành, diễn tả chi li môn nào đậu môn nào hỏng của người mà chúng tôi gặp. Đôi khi, với vẻ kín đáo, vừa dặn tôi đừng quay đầu lại, chàng vừa chỉ cho tôi thấy từ đàng xa tay giáo sư dạy ở phân khoa văn chương mà chàng theo học. Chàng kéo tôi ra khỏi thế hệ tôi nhưng tôi lại chẳng hề thuộc thế hệ chàng.

Sự ghen tuông quá đáng của chàng – chàng trách tôi đã tiếp một người đàn ông ở nhà vì chàng phát hiện tấm ngồi bồn cầu bị giở lên – khiến cho mọi ngờ vực về sự say mê mà chàng dành cho tôi trở nên vô hiệu và mọi dè bỉu của bạn bè chàng, rằng sao cậu lại có thể dan díu với một mụ gìà mãn kinh, trở thành vô nghĩa.

Chàng dành cho tôi một tình cảm nhiệt thành mà, ở cái tuổi năm mươi bốn, tôi tưởng chẳng bao giờ còn là đối tượng của một người tình.

Do cuộc sống bấp bênh và thiếu thốn của những sinh viên nghèo – cha mẹ nợ nần của chàng sống ở khu lân cận thành phố Paris bằng đồng lương ít ỏi của một thư ký và của một người làm việc theo hợp đồng – nên chàng chỉ mua những thức ăn rẻ tiền hoặc bán hạ giá, như Con Bò Cười cắt ra từng miếng và Camembert giá năm quan.[4] Chàng phải đi đến tận Monoprix để mua loại bánh mì chàng hay ăn vì giá ở đó rẻ hơn những năm mươi xu so với tiệm bánh mì gần cạnh. Chàng có những cử chỉ và phản xạ tự phát của người sống thiếu thốn lâu ngày. Chàng biết cách xoay sở khi đi ra ngoài hàng ngày. Vào siêu thị, bốc một nắm phó-mát mẫu trong chiếc đĩa mà bà chào hàng chìa ra mời khách. Ở Paris, để đi tiêu đi tiểu mà khỏi trả tiền, cứ quả quyết bước vào một quán cà phê nào đó, tìm nhà vệ sinh rồi sau đó đi ra với vẻ thong dong thư thái. Muốn biết giờ thì xem ở máy đo giờ đậu xe (chàng không có đồng hồ), vân vân. Chàng chơi lô-tô thể thao mỗi tuần, cần tiền thì cần thật nhưng chàng vẫn làm ra vẻ thản nhiên, chờ đợi cái may mắn ngẫu nhiên: “Tôi sẽ trúng số một ngày nào đó. Chắc chắn.” Cuối buổi sáng chúa nhật, chàng xem chương trình bóng đá Téléfoot[5] do bình luận viên Thierry Roland tường thuật. Khoảnh khắc tay cầu thủ bóng đá ghi được một bàn thắng và tất cả mọi người trong công viên Parc des Princes nhất tề đứng dậy hò reo tán thưởng, đối với chàng, là hình ảnh của hạnh phúc tuyệt đối. Ý nghĩ này thậm chí khiến chàng rùng mình.

Chàng nói “ngừng lại đi” hay “thế được rồi” thay vì “cám ơn” khi tôi sửa soạn bữa ăn cho chàng. Chàng gọi tôi là “mụ bồ”[6], là “mẹ cưng”[7]. Chàng khoái trá nhìn tôi la lối om sòm khi biết chàng hút cần sa. Chàng không ghi danh bầu cử nên chẳng bao giờ đi bầu. Chàng không tin rằng người ta có thể thay đổi bất cứ cái gì trong xã hội, vì với chàng, chỉ cần chui vào guồng máy và trốn tránh công việc bằng cách tận dụng những quyền lợi mà xã hội trao cho là đủ. Kiểu thanh niên thời nay là như vậy, họ tin chắc rằng “ai lo chuyện người đó”.[8] Với chàng, công việc chẳng có ý nghĩa nào khác hơn là ý nghĩa của một sự ràng buộc mà chàng không muốn chịu đựng nếu có thể tìm ra được những cách sống khác hơn. So với cái bất trắc của sự thành công trong chuyện viết lách, thì có một nghề nghiệp ổn định là điều kiện làm tôi được tự do, dù phải thừa nhận rằng đời sống sinh viên đối với tôi có vẻ phong phú và dễ chịu hơn.

Nếu gặp chàng ba mươi năm trước, tôi đã chẳng dòm ngó đến chàng. Tôi không hề muốn tìm lại trong một thanh niên những dấu hiệu về gốc gác bình dân là tất cả những thứ mà tôi cho là “nhà quê” vốn nằm sẵn trong tôi. Việc chàng vô tình lấy mẩu bánh mì lau miệng hay đặt ngón tay chận lên chiếc tách tỏ ý không cho tôi rót thêm rượu cho chàng nữa, làm tôi dửng dưng. Nhận ra những cử chỉ ấy của chàng – và cũng nhận ra rằng tôi đã trở nên dửng dưng – là một bằng cớ cho thấy tôi không sống cùng thế giới với chàng. Với chồng tôi, ngày xưa, tôi cảm thấy mình là một đứa con gái dân dã, còn với chàng, tôi là một kẻ trưởng giả.

Chàng là người mang ký ức về thế giới đầu tiên của tôi. Khuấy tách cà phê cho đường tan nhanh, xắn đĩa mì ống ra từng phần, cắt trái táo thành những miếng nhỏ ghim vào đầu mũi dao, biết bao nhiêu cử chỉ rơi vào lãng quên ấy tôi bối rối tìm thấy lại ở chàng. Điều đó làm tôi sống lại tuổi mười, mười lăm, khi ngồi cùng bàn ăn với gia đình, với anh chị em họ, dù chàng thì có nước da trắng và gò má đỏ của những người vùng Normandie. Chàng là hiện thân của quá khứ tôi.

Với chàng, tôi trải qua tất cả các chặng đời, cuộc đời tôi.

Tôi dẫn chàng đến những nơi tôi đã từng lui tới trong những năm tháng thời sinh viên. Các quán cà phê Métropole và Le Donjon, gần nhà ga. Phân khoa Văn Khoa nằm trên đường Beauvoisine, để không từ lúc trường chuyển sang khu Đại học Mont-Saint-Aignan, mặt ngoài vẫn trong tình trạng y như thời những năm sáu mươi, với tấm bảng niêm yết thông cáo che chắn bằng lưới sắt – chỉ có chiếc đồng hồ ở mặt tiền là ngưng chạy. Nằm cạnh tiệm ăn U là khu nội trú sinh viên nhỏ trên đường Herbouville, nơi mà, sau khi qua khỏi lối vào, leo lên vài bậc tầng cấp là chúng tôi thấy mình đang đứng trong sảnh đường, mọi thứ trông chẳng có gì thay đổi, với cái lò sưởi ở chính giữa và các cửa ra vào vẫn nằm cùng chỗ, khiến tôi, trong vài phút dài, tưởng như rơi vào khoảng thời gian không tên của giấc mơ.

Làm tình trên tấm nệm trải giữa đất trong căn phòng lạnh ngắt, bữa ăn khiêm tốn ở góc bàn và sự cuồng nhiệt tuổi trẻ mà tôi dễ dàng buông thả mình theo, mang cho tôi cảm giác của sự lặp lại. Khác với thời của tuổi mười tám, hai mươi, lúc mà tôi hoàn toàn sống phó mặc, không quá khứ chẳng tương lai, lần này ở Rouen, với A., tôi có ấn tượng đang diễn lại những cảnh và điệu bộ đã từng diễn ra, trò chơi của tuổi trẻ tôi. Mà cũng là viết/sống một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã cẩn thận dựng sẵn các tình tiết. Đó là một cuối tuần ở khách sạn Grand Hôtel de Cabourg, một chuyến du ngoạn ở Naples. Một số tôi đã viết rồi, như đoạn nói về cuộc trốn chạy đến Venise, nơi lần đầu tiên tôi đi chơi với một người đàn ông vào năm 1963, mà cũng là nơi vào năm 1990 tôi diễn lại với một thanh niên Ý. Ngay cả việc dẫn chàng đến xem buổi trình diễn vở kịch La Cantatrice chauve[9] ở nhà hát Huchette cũng là sự lặp lại khoảng thời gian nhập môn[10] mà tôi hướng dẫn cho mỗi đứa con trai tôi thực tập lúc chúng tập tễnh bước vào tuổi thiếu niên.

Quan hệ của chúng tôi có thể được xem xét dưới góc độ lợi nhuận. Chàng mang cho tôi lạc thú và làm tôi sống lại những gì mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sống lại được. Việc tôi mời chàng đi du lịch, giúp chàng khỏi phải tìm kiếm một công việc làm choán đi khoảng thời gian chàng dành cho tôi, dường như là một đổi chác sòng phẳng, một thỏa thuận tốt, nhất là vì chính tôi là người đặt ra các quy tắc. Tôi đứng ở vị trí ưu thế và tôi sử dụng ưu thế như vũ khí, chả là vì tôi luôn luôn nhận biết tính cách mong manh trong quan hệ tình ái.

Tôi tự cho phép mình có những ứng xử phũ phàng mà tôi không rõ là vì chúng gắn liền với sự lệ thuộc kinh tế của chàng hay với tuổi trẻ chàng. Đừng có lôi thôi, sự răn đe cộc cằn đã làm chàng bực mình mà tôi cũng chưa bao giờ dùng nó với bất cứ ai khác trước chàng.

Tôi thích tự nghĩ mình là người có thể thay đổi cuộc đời chàng.

Về nhiều mặt – văn chương, kịch nghệ, các thói quen trưởng giả – tôi là người bày vẽ cho chàng. Lý do chính khiến tôi muốn tiếp tục cuộc tình này, chính là vì, một cách nào đó, nó đã xảy ra rồi, mà tôi thì lại là nhân vật của hư cấu.

Tôi ý thức rằng đối với chàng thanh niên trẻ này, người đang ở trong chặng đầu tiên của mọi sự, điều đó chứa đựng một uy lực khắc khe. Trước sau, khi bàn về những dự tính tương lai cùa chàng đối với tôi, tôi trả lời: “hiện tại là đủ”, chẳng bao giờ nói ra rằng hiện tại đối với tôi chỉ là một quá khứ lặp lại. Nhưng sự lặp lại, mà chàng có thói quen buộc tội tôi là gian trá khi quá ghen tuông, thật ra ngược lại với những gì chàng tưởng tượng, vốn không là những khao khát mà tôi có thể có đối với những người khác trước chàng, mà cũng không nằm trong kỷ niệm với những người tình của tôi, như chàng hằng nghĩ. Nó gắn liền với sự hiện diện của chàng trong đời tôi, chàng đã biến thành một bản thảo kỳ lạ và liên tục.

Ở nhà, chàng khoác áo choàng tắm có mũ trùm đầu y như những người đàn ông khác. Khi chàng mặc vào, tôi chẳng còn phân biệt được chàng với họ. Trước lớp vải bông màu xám nhạt, tôi chỉ cảm thấy hiện thể mềm dịu của chính tôi và bản sắc khát khao của mình.

Cũng có khi chúng tôi nói về lúc chàng sẽ lấy vợ, đẻ con. Thứ tương lai mà chúng tôi gợi lên trong mắt nhau khi ôm chặt lấy nhau, cả hai đứa đều như sắp khóc, tuyệt chẳng có gì buồn. Nó chỉ khiến cho thời khắc hiện tại càng mãnh liệt và chua xót hơn y như thể chúng tôi đã từng sống nó trong quá khứ. Bằng tưởng tượng, hai đứa chia sẻ nỗi mất mát hỗ tương với một khoái cảm tột cùng.

Thân xác tôi không tuổi. Phải nhận ra ánh mắt chê bai nặng nề của những khách hàng ngồi gần chúng tôi trong một nhà hàng mới làm cho tôi hiểu điều đó. Ánh mắt đó chẳng hề làm cho tôi hổ thẹn mà càng làm cho tôi xác định là chẳng cần gì phải giấu giếm quan hệ của tôi với người đàn ông “chỉ đáng tuổi con trai tôi”, khi mà bất cứ một gã năm mươi tuổi nào đều có thể phây phây xuất hiện bên cạnh người mà rõ ràng chẳng phải con gái gã, thì lại không gây nên một trách móc nào. Khi nhìn vào cặp đôi đứng tuổi này, tôi biết rằng nếu tôi ở bên một chàng trai trẻ hai mươi lăm tuổi, thì tôi khỏi phải nhìn thấy mãi truớc mặt tôi khuôn mặt già nua của một người đàn ông trạc tuổi tôi, cũng là khuôn mặt lão hóa của riêng tôi. Trước A., khuôn mặt tôi còn trẻ chán. Đám đàn ông luôn biết như thế, hà cớ gì mà tôi lại tự cấm đoán mình làm điều đó.

Đôi khi tôi nhận thấy ở một vài bà trạc tuổi tôi, nỗi khát khao muốn quyến rũ chàng dựa theo một lập luận đơn giản: nếu đúng là thích, chàng sẽ thích những phụ nữ từng trải, thì tại sao không là mình nhỉ? Các bà đều nhận biết chỗ đứng của mình trong hiện thực chợ tình, nên hễ bà nào trong số họ tìm cách phá rào thì các bà khác sẽ có thêm hy vọng và sự táo bạo. Cho dù thái độ muốn chiếm đoạt – thường là rất kín đáo – tình cảm của người bạn trai của tôi có làm tôi khó chịu đến đâu, điều đó cũng không làm phiền tôi nhiều bằng sự tự tin mà các cô gái trẻ dùng để tán tỉnh chàng một cách công khai trước mặt tôi, y như thể sự hiện diện bên cạnh chàng của một người phụ nữ lớn tuổi hơn chàng là một trở ngại không đáng kể, thậm chí, chẳng hề tồn tại. Thế nhưng, nghĩ cho cùng, người phụ nữ đứng tuổi thường lợi hại hơn thiếu nữ trẻ – bằng cớ là, chàng đã bỏ rơi một cô gái hai mươi tuổi để theo tôi.

Chúng tôi đi xem phim, đề tài là mối tình giữa một thiếu niên và một phụ nữ đứng tuổi. Chúng tôi thất vọng, bực bội vì cảnh người phụ nữ này van xin để rồi bị bỏ rơi và tàn tạ, chẳng giống gì với cảnh chúng tôi đang sống. Tôi cũng không phải là nhân vật Léa trong Chéri,[11] tiểu thuyết của Colette mà tôi mới đọc lại. Những gì tôi cảm thấy trong mối quan hệ với chàng thật khó diễn tả vì là một trộn lẫn giữa tình dục, thời gian và ký ức. Thoáng lúc, tôi xem A. như chàng thanh niên trong phim Théorème,[12] một loại thiên thần lộ liễu.[13]

Sống trong hoàn cảnh của những người đi ngược lại với các tiêu phạm xã hội, chúng tôi lập tức phát hiện ra những cặp đôi tương tự cặp chúng tôi. Họ và chúng tôi trao nhau những cái nhìn đồng lõa. Chúng tôi cần sự giống nhau. Không thể quên rằng, đối với bên ngoài, chúng tôi sống cuộc tình này dưới cái nhìn xoi bói của xã hội, điều mà tôi xem như là một thách thức nhằm thay đổi các quy ước.

Trên bãi biển, nằm cạnh chàng, tôi biết rằng những người bên cạnh đang lén lút quan sát chúng tôi, nhất là tôi, họ cẩn thận săm soi cơ thể tôi, ước đoán độ phát triển của nó, bà ta trạc bao nhiêu tuổi nhỉ? Nằm riêng ra mỗi người một nơi trên cát, chúng tôi chỉ nhận được một cái nhìn hờ hững. Hễ chúng tôi đi cặp đôi với nhau, những cái nhìn trở nên trâng tráo, đầy vẻ kinh ngạc, y như đang đứng trước một lắp ghép phản thiên nhiên. Hay một huyễn hoặc. Họ chẳng thấy chúng tôi y như chúng tôi là, mà lờ mờ coi đó là chuyện loạn luân.

Chúa nhật nọ, ở Fécamp, trên con đê chắn sóng gần bờ biển, chúng tôi nắm tay nhau đi dạo. Từ đầu này đến đầu kia, tất cả mọi người ngồi trên bờ rào bê-tông chạy dọc theo bờ biển đều đưa mắt nhìn theo. A. nhận xét rằng chắc thiên hạ coi chúng tôi ngứa mắt hơn một cặp đồng tính. Tôi nhớ dến một chúa nhật khác hồi tôi lên mười tám, cùng đi nghỉ hè với cha mẹ, tôi cũng đi dạo như thế này, tất cả những ánh mắt nhìn cũng đuổi theo tôi chỉ vì tôi mặc một cái váy dính sát vào người, điều này khiến mẹ tôi cáu kỉnh mắng tôi sao không mặc quần nịt bụng dưới váy, loại đồ lót bền chắc mà theo lời bà, sẽ giúp tôi “trông đàng hoàng hơn”. Một lần nữa, tôi hoàn thân là đứa con gái tai tiếng. Nhưng lần này, chẳng chút hổ thẹn nào, tôi cảm thấy thắng lợi.

Không phải lúc nào tôi cũng thắng lợi như thế. Một buổi chiều ở Capri, trước cảnh tượng những cô gái trẻ rám nắng rộn ràng đi lại trên quãng trường nơi chúng tôi uống rượu Campari, tôi hỏi thẳng chàng: “Anh mê gái trẻ?”. Nét mặt ngạc nhiên đi kèm theo tiếng cười phá lên sau đó của chàng khiến cho tôi hiểu ra cái dại dột của mình. Đó là một câu hỏi chỉ để biểu lộ sự cảm thông và lòng rộng lượng của tôi, tuyệt không phải để biết sự thật về lòng ham muốn của chàng, mà tôi vừa chứng kiến một giờ trước đó. Tuy nhiên, không những câu hỏi cho thấy rằng, nói chuyện trẻ, thì tôi chẳng còn trẻ nữa, mà nó còn loại chàng ra khỏi phạm vi này, y như thể vì theo tôi mà chàng phải lìa bỏ tuổi trẻ.

Trí nhớ tôi khôi phục lại một cách dễ dàng những hình ảnh của chiến tranh, những chiếc xe thiết giáp Mỹ chạy ngang qua Vallée, thành phố Lillebonne, những bích chương cổ động có hình tướng de Gaulle đội mũ kê-pi, những bản tuyên ngôn tháng Năm 1968, nhưng tôi đang sống với chàng, một người mà những kỷ niệm xa xôi nhất lại khởi đầu một cách khó khăn từ cuộc bầu cử của Giscard d’Estaing.[14] Bên cạnh chàng, trí nhớ tôi dường như vô tận. Độ dày thời gian phân cách chúng tôi là một độ dày dịu dàng, tăng thêm cường độ cho hiện tại. Thứ ký ức lâu dài về khoảng thời gian trước khi chàng sinh ra này, nói vắn tắt, là hình ảnh đảo ngược của những gì sẽ là của chàng sau khi tôi chết, với những biến cố, những nhân vật chính trị mà tôi không bao giờ biết, ý tưởng này chẳng hề thoáng qua đầu tôi. Nói gì thì nói, bằng chính hiện hữu chàng, chàng cái chết của tôi. Chẳng khác gì mấy đứa con trai tôi với tôi, và chẳng khác gì tôi đối với mẹ tôi, người đã ra đi trước khi nhìn thấy Liên Xô tan rã, nhưng vẫn nhớ tiếng chuông ngân vang trên khắp đất nước vào ngày 11 tháng 11 năm 1918.[15]

Chàng thích có con với tôi. Ước muốn này khiến tôi bối rối và làm tôi cảm thấy quả thật là quá bất công khi thể chất vẫn còn sung mãn nhưng lại không thể mang thai. Tôi thán phục khoa học vì nhờ nó mà từ nay, dù đã mãn kinh nhưng người ta vẫn có thể mang thai được bằng trứng của một phụ nữ khác. Nhưng tôi chẳng muốn thực hành phương pháp này như tay bác sĩ phụ khoa của tôi gợi ý. Tôi đơn giản chỉ đùa bỡn với ý tưởng thêm một lần làm mẹ mà, sau lần sinh đứa con thứ hai lúc hai mươi tám tuổi, tôi chẳng bao giờ còn ham thích. Còn chàng, có lẽ chàng nhầm lẫn ước muốn của mình chăng? Một mùa hè, ở Chioggia, trong khi đợi tàu để trở về Venise, chàng nói: “Anh muốn ở trong em và rồi ra khỏi em để được giống em.”

Chàng cho tôi xem những tấm ảnh chàng, cậu bé mảnh khảnh, tóc quăn, chàng thiếu niên mặt lầm lầm lì lì dưới mái tóc dài. Tôi cũng thoải mái cho chàng xem ảnh của tôi thời còn là cô bé và thiếu nữ. Với cả hai, xa hẳn rồi thời đó. Tôi miễn cưỡng lựa ra khoe tấm ảnh đẹp nhất trong số những bức ảnh thời hai mươi, hai mươi lăm tuổi, dù biết tấm ảnh này sẽ tạo ra sự so sánh tàn ác với khuôn mặt của tôi ngày nay, làm tăng thêm vẻ tiều tụy và khắc khổ của nó. Chàng bắt gặp một cô gái khác mà trong thực tế, chàng chẳng tìm thấy nét gì giống với người đàn bà đang ngồi trước mặt. Niềm khao khát khơi dậy trong chàng về người con gái có khuôn mặt không nếp nhăn, mái tóc dài màu nâu buông xõa này, người con gái mà chàng không bao giờ gặp mặt, hóa ra, là vô vọng. Phản ứng tự phát của chàng như ngầm nói rằng, “tấm ảnh này, nó làm anh buồn.”

Một hôm, đang ăn trưa trong một quán rượu ở Madrid, bỗng nghe vang lên ca khúc Don’t Make Me Over với giọng ca Nancy Holloway.[16] Tôi ngỡ như trở lại khu nội trú nữ sinh viên ở Rouen, rồi bị lạc đường trên phố Eau-de-Robec, quảng trường Saint-Marc, trong khi tìm kiếm tấm biển đề tên người bác sĩ đã muốn giúp tôi phá thai vào tháng 11 năm 1963. Kennedy vừa mới bị ám sát. Tôi nhìn A. ăn khoai tây chiên trước mặt tôi. Chàng trông có vẻ hơi lớn hơn người tình sinh viên đã làm tôi mang thai, và là người đã khắc sâu vào trong ký ức tôi ca khúc thịnh hành thời bấy giờ của Nancy Holloway, mang lại cho nó ý nghĩa của một tình yêu cuồng điên và bị ruồng bỏ là tâm trạng của tôi lúc đó. Với tôi, dù người đàn ông cùng ngồi nghe là ai chăng nữa, khúc hát sẽ vẫn mang ý nghĩa đó. Sau này, nếu được nghe lại, tôi sẽ nhớ đến quán rượu Puerta del Sol với A. ngồi trước mặt, khoảnh khắc này có ý vị vì đã đóng khung cho bối cảnh của một kỷ niệm hung bạo từ trước. Sẽ chỉ là một kỷ niệm lặp lại.

Càng ngày, dường như tôi càng có thể tích lũy những hình ảnh, những kinh nghiệm, những năm tháng, mà không dự cảm điều gì khác hơn là sự lặp lại. Tôi có cảm tưởng được sống đời đời và được chết cùng một lúc, như mẹ tôi đã từng như thế trong giấc mơ tôi thường có và khi thức giấc, trong khoảnh khắc, tôi đoan chắc rằng bà thực sự sống dưới cả hai hình thức này.          

Cảm nhận này là một dấu hiệu, cho thấy vai trò của chàng như người mở thời gian trong đời tôi đã chấm dứt. Vai trò của tôi, người khởi xướng thời gian trong cuộc đời chàng chắc chắn cũng chấm dứt. Chàng đã rời Rouen đi Paris.

Tôi kể câu chuyện phá thai lậu này mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Càng viết về biến cố đã xảy ra trước lúc chàng ra đời này, tôi càng cảm thấy bị đẩy đến chỗ phải rời xa chàng không gì ngăn cản được. Tôi muốn tháo chàng và trục chàng ra khỏi tôi như tôi đã từng tháo và trục cái bào thai hơn ba mươi năm trước. Tôi tiếp tục viết câu chuyện của tôi bằng cách áp dụng chiến lược tuyệt đối cách ly, lúc chia tay chàng. Trong vòng vài tuần, chiến lược này trùng khớp với đoạn cuối của cuốn sách.

Lúc đó là mùa thu, mùa thu cuối cùng của thế kỷ 20. Tôi tự cảm thấy hạnh phúc bước vào thiên niên kỷ thứ ba, cô đơn và tự do.

(1998 – 2000 – 2022)


[1] Nguyên văn: déclencher.

[2] “The Doors”: một ban nhạc rock nổi tiếng Mỹ thời thập niên 1960 với giọng ca chính là Jim Morrison.

[3] Chương trình truyền hình nổi tiếng của Pháp được phát vào buổi chiều.

[4] Con Bò Cười (La vache qui rit) và Camembert là tên gọi hai loại phó-mát nổi tiếng sản xuất ở Pháp; quan = Franc = đơn vị tiền tệ của Pháp trước khi dùng Euro.

[5] Téléfoot: Một chương trình truyền hình bóng đá Pháp.

[6] la meuf.

[7] la reum.

[8] Nguyên văn: Chacun sa merde = Mỗi người đều có phân (cứt) của mình.

[9] Tên một vở kịch của Eugène Ionesco (1909-1994), nhà văn Pháp.

[10] Nguyên văn: initiation pratiquée. Cách dịch khác: tiếp thụ văn hóa.

[11] “Chéri”, tiều thuyết của Colette (1873-1954), nhà văn nữ Pháp, kể về mối tình chênh lệch tuổi tác giữa Léa de Lonval, một cô giáo dạy kèm, với Chéri, tức là Fred Peloux, cậu học trò nhỏ hơn bà 30 tuổi.

[12] Théorème (Teorema), một phim Ý do Pier Paolo Pasolini sản xuất năm 1968, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của ông.

[13] Nguyên văn: une sorte d’ange révélateur; cách dịch khác: một loại thiên thần mặc khải, một loại thiên thần biểu lộ. Nguyên văn câu: Fugitivement, je considérais A. comme le jeune homme pasolinien de Théorème, une sorte d’ange révélateur.

[14] Cựu tổng thống Pháp nhiệm kỳ 1974-1981.

[15] Ngày ký hiệp ước đình chiến, chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918).

[16] Ca sĩ nhạc jazz Mỹ được ưa chuộng ở Pháp thập niên 1960.

Comments are closed.