Hà Nhật
Mấy chục năm rồi mà mỗi lần nhớ lại, cứ thấy buồn cười.
Dạo đó, tôi đang công tác tại Ty Giáo dục tỉnh Thuận Hải, làm cán bộ tổng hợp, mỗi tháng viết một bản báo cáo để gửi về Bộ Giáo dục, công việc thế là nhàn.
Rồi tự nhiên, không biết từ đâu nảy sinh ra cái việc biên soạn sách Ngữ văn Chàm cho lớp 1.
Ngày đó dân tộc mà bây giờ ta gọi là Chăm, vẫn được gọi là Chàm.
Có lẽ bởi tỉnh Thuận Hải là nơi có người dân tộc Chàm vào loại đông nhất nước. Họ thường sống tập trung thành từng làng, sinh hoạt có nét riêng biệt, người trong làng sử dụng tiếng Chàm. Họ chỉ nói tiếng Kinh khi chuyện trò với người Kinh. Y phục của họ cũng khác người Kinh, kể cả các nữ sinh đến trường cũng mặc áo dài kiểu Chàm.
Trong Ty Giáo dục lúc ấy đã có mấy cán bộ người dân tộc Chàm. Một ông Phó Trưởng Ty là người Chàm. Để thực hiện việc viết sách, Ty Giáo dục cho thành lập một tổ biên soạn. Điều ngộ nghĩnh là, dù không biết một từ tiếng Chàm nào, tôi được trở thành một người trong tổ. Ngoài ra, là mấy người Chàm, trong đó có một người được coi là trí thức Chàm lúc ấy, ông tên là Thiên Sanh Cảnh.
Trại viết là ngôi nhà một ông giáo viên người Chàm.
Nhiệm vụ hàng ngày của tôi là đẻ ra một bài đọc cho trẻ lớp 1. Tất nhiên bài viết của tôi là bằng tiếng Việt. Nếu “tác phẩm” của tôi được chấp nhận, nó sẽ được dịch ra tiếng Chàm và viết bằng chữ Chàm.
Cuối cùng công việc cũng xong, sách được chuyển ra Hà Nội, được xuất bản. Và tôi cũng được mấy đồng nhuận bút. Chuyện chẳng có gì đặc biệt để kể lại.
Riêng có chuyện này là không thể quên. Ấy là chuyện những bữa ăn.
Đợt ấy, lo cơm nước cho nhóm viết sách mấy người là một bà phụ nữ Chàm, cũng chính là bà chủ nhà của tôi.
Có năm người ăn, có gì phức tạp mà phải lo! Vậy mà phức tạp đấy!
Này nhé, ông Chàm theo đạo Hồi không thể ăn thịt heo nhé! Rồi, hai ông ông Chàm theo đạo Ấn không biết ăn thịt bò nhé!
Cái cha người Việt là tôi, cái gì cũng ăn được, nhưng là thiểu số, phải phục tùng…
Vậy là bà chủ nhà có cách điều hoà của một nhà chính trị.
Món ăn hàng ngày không thay đổi: CÁ!
Chẳng có tôn giáo nào kiêng cá!
Bà chủ nhà lại có một cách điều hành rất khéo. Cơm mỗi bữa được dọn ra theo cách: mỗi người một đĩa cơm, một tô canh, trong đó thường là một con cá nục còn nguyên và cũng thường là vừa chín tới.
Bây giờ thì tôi đã hiểu sao thứ gia súc quen thuộc của các làng Chàm là dê hoặc cừu. Mời tiệc, ai ăn cũng được, đạo nào cũng được.
Bà chủ nhà của tôi cũng nuôi một con dê. Khi tôi đến đây thì con dê này cũng đã lớn, nếu cần đem thịt thì cũng được rồi. Nhưng có ai dám nghĩ đến chuyện đó lúc này!
Vậy mà chuyện bất ngờ đã xảy ra.
Buổi chiều, con dê chạy loăng quăng ngoài đường thế nào, vướng vào bánh một chiếc ô tô! Chiếc xe bỏ chạy. Con dê tội nghiệp thì què chân.
Bà chủ nhà đành ứa nước mắt mà băng bó cho con vật. Chắc nó sẽ phải trải qua một đêm dưỡng thương rồi sáng mai lại chạy nhảy bình thường.
Ai ngờ, sáng hôm sau, tôi vừa thức giấc, cậu bạn người Chàm đã đứng nay bên giường nói nho nhỏ:
– Anh Cán, hôm nay ta được ăn tươi rồi!
– Sao thế?
– Hồi đêm, sợ con dê chết, bà chủ nhà đã kêu em dậy làm thịt nó rồi.
Vừa thương bà chủ nhà, vừa thương con dê tội nghiệp, tôi cũng thấy buồn cười.
Quả thật bữa cơm trưa hôm ấy có món hầm thịt dê. Đứa đạo Hồi, đứa đạo Ấn, cả đứa vô đạo là tôi đều vui vẻ ăn.
Vậy mà có một đứa chẳng thể vui.
Nó là đứa theo đạo Islam (đạo Hồi mới). Theo đạo ấy, nó có thể ăn thịt dê với điều kiện: con dê ấy được làm thịt bởi một người theo đạo, và trong khi huyết con dê chảy ra thì người ấy đọc những câu kinh cho linh hồn con vật theo đó mà ra khỏi thân xác nó!
Cuối cùng, thức ăn riêng cho cậu ta là: “chén nước mắm cùng với một cái hột vịt luộc”!
Vậy là trong mâm cơm bốn người, đã có đến ba tôn giáo và một vô tôn giáo!
Đoàn kết hoá ra cũng khó nhỉ?