Văn Việt:
Chúng tôi vừa nhận được tập thơ Chân Dung của nhà thơ Đặng
Tiến (Thái Nguyên).
Đó là những bức chân dung về các nhà thơ, nhà văn, các nhân vật
lịch sử mà ông từng đọc, từng tìm hiểu và nhận được những thông
điệp quý giá từ họ.
Trong thời gian qua, Văn Việt đã giới thiệu một số chân dung
trong 100 chân dung của Đặng Tiến.
Dịp này, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Lời dẫn của
nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cho tác phẩm này và sẽ lần lượt giới
thiệu những bức chân dung đặc sắc nhất.
Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và nhà thơ Đặng Tiến.
LỜI DẪN
Nguyễn Đức Tùng
Tính phê phán, chất hài hước, nỗi đau buồn làm nên tập thơ
Chân dung của Đặng Tiến. Đặng Tiến là một người yêu thơ
nồng nàn. Trước khi làm thơ, và cùng lúc, anh là người đọc thơ
nổi tiếng. Tập thơ này của anh lạ, vì đó là một tập hợp nhiều
chân dung trải rộng từ quá khứ đến hiện tại, từ những nhân vật
lịch sử đến các nhà văn, nhà thơ đương đại. Giữa những nhân
vật khác nhau đến thế, tuy vậy, vẫn có một mối dây liên lạc. Mối
dây ấy do tác giả tạo ra, đó chính là quan điểm nhất quán của
anh về lịch sử. Cái nhìn độc đáo của một người đọc đối với
nhiều tác giả, những hoàn cảnh cá nhân, tình huống xã hội, các
bi kịch và hài kịch của số phận. Thơ Đặng Tiến diễn tả một cách
sống động các sự kiện, nhưng đó không phải chỉ là bản mô tả,
mà chứa đầy xúc cảm cá nhân. Chữ của anh không mới, nhưng
cái nhìn của anh tươi rói, và trong những bài thơ thành công
nhất, anh có một bút pháp táo bạo, dồn dập, hấp dẫn lạ lùng.
Nếu bạn mở lòng, lắng nghe Đặng Tiến, các câu chuyện kể của
anh, các đối thoại, những câu hỏi mà anh đặt ra cho nhân vật của
mình, bài thơ của anh có khả năng mang bạn đến gần hơn những
khía cạnh khác nhau của lịch sử cá nhân, dân tộc và đôi khi, thế
giới. Các nhân vật ấy hiện ra rất thật, đi lại, nói năng, hành
động; không những thế, nếu đặt họ vào một khung cảnh chung,
các nhân vật ấy có thể tương tác, làm bộc lộ những ý nghĩa liên
văn bản khác nữa. Bởi vậy bạn có thể đọc một mạch vài bài thơ
một lúc. Tôi mong rằng tác giả dừng lại lâu hơn trong các chân
dung của mình, và trong một số bài, anh phân tích sâu hơn nữa,
quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh giọng nói trẻ trung, đầy vẻ diễu
cợt, nếu bạn lắng nghe, Đặng Tiến còn có một chất giọng khác,
ấm áp, chừng mực, gần gũi. Trong nhiều bài, tác giả tỏ ra cố
gắng vẽ chân dung toàn vẹn, tôi thiết nghĩ anh có thể chọn một
điểm nhỏ thôi, một góc cạnh của đối tượng làm nó phát sáng. Có
một nỗi sầu muộn trong chất giọng hài hước, một tổn thương
giữa những lời mô tả khách quan, hoài vọng sâu xa của một trí
thức nặng lòng với dân tộc, trong những bài thơ này. Thật khó
để nói về người khác, vì vậy sự lên tiếng ấy của anh là can đảm.
Trong xã hội hôm nay nhiều người hi sinh tất cả để được sống
an toàn. Đặng Tiến chọn lối đi khác, anh không hi sinh tự do
của mình. Anh sống với nó mỗi ngày, nghiền ngẫm về, ca ngợi
nó. Vì thế bài thơ của anh cũng còn viết cho những người mất
lòng tin, những kẻ đang trả giá với sự thật. Tất nhiên không phải
bao giờ anh cũng nắm được sự thật trong tay mình, nhưng anh đi
tìm nó, và lòng ao ước ấy hiện ra rõ ràng trong mỗi bức chân
dung.
Nguyễn Đức Tùng
***
CHÂN DUNG 1 – VĂN CAO
————–
NHÌN ẢNH VĂN CAO
Một khoảnh khắc hiện hình
Thu vào ống kính
Máy ảnh không định kiến như mắt người
Nhìn bằng thiện tâm, tà tâm, ác tâm, nhân tâm, quỷ sứ tâm, tà ma tâm…
Khen và chê
Khinh bỉ và tôn sùng
Xót thương và dửng dưng…
Ống kính trung thực HƯ TÂM…
Ảnh không còn là ông
Ông Văn Cao bằng xương bằng thịt
Ông Văn Cao đã về với cát bụi
Để cho đời một cái tên
Những tấm ảnh
Người đời mặc sức diễn giải…
Một gương mặt già nua
Một gương mặt nhàu nát
Một gương mặt tàn kiệt
Một gương mặt thẫn thờ
Đầy nghi hoặc
Đầy lo âu và sợ hãi
Run rẩy bơ vơ
Như thừa…
Ôi những khúc hát
Bảng lảng khói sương
Thần tiên cổ tích
Bến xuân thấp thoáng bóng ai
Đàn chim bay chấp chới trong mây
Tiếng hát Trương Chi buồn bi thiết
Chàng hoàng tử long lanh mắt biếc
Hào hoa đã xa vời
Từ mùa thu lá rụng
Từ mùa thu người rụng
Những trận cuồng phong tơi bời….
CHÂN DUNG 2 – A.S.PUSHKIN
————–
NHÂN DÂN IM LẶNG, KHI NÀO?
(Để nhớ A.X.Pushkin)
Bạo chúa lên ngôi, bầy tôi hoan hỉ
Hô vang vạn tuế vạn vạn tuế
Những tiếng hô đều tăm tắp vô hồn
Những tiếng hô đượm mùi thớ lợ
Những tiếng hô sặc sụa mùi tiền
Những tiếng hô rền vang như sấm
Những tiếng hô sực nức mùi thối khắm
Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!
Trăm năm nghìn năm vẫn hô như thế
Vô cảm vô hồn!
Bạo chúa trên ngai vàng
Mặt lạnh mắt gườm
Nhìn bề tôi thấy chúng nhạt toẹt
Nhìn bề tôi thấy chúng giống như lũ vật
Lừa ngựa chó ngao rắn độc
Lũ bề tôi mắt ti hí cũng gườm gườm
Lũ bề tôi nhặng xị
Lũ bề tôi miệng hô vạn tuế từ cuống họng trở lên
Bạo chúa nghe và hiểu
Bạo chúa nhìn
Dưới kia trần gian chúng dân lặng yên
Chúng dân lặng yên
Chúng dân lặng yên
Bạo chúa hoảng hồn
Bạo chúa kinh hoàng
Chúng dân lặng yên như biển sâu hun hút
Trước trận bão giông
Chúng dân lặng yên như trời u uất
Trước trận cuồng phong
Chúng dân lặng yên lòng dân uất nghẹn
Nước mắt không còn để khóc
Lời khẩn cầu trở thành vô nghĩa
Cúi đầu, quỳ gối, van xin
Đã đủ rồi
Chúng dân lặng yên
Nhìn
Nhìn
Nhìn
Tấn trò hề tấn phong
Tấn trò hề hiển thánh
Tấn trò hề xưng tụng
Tấn trò hề lên ngôi
Tấn trò hề tang ma
Tấn trò hề thăng thưởng
Những gã hề bụng bự dụt cổ dụt đầu ngực xệ dái teo
Những gã hề huân chương đeo đầy ngực
Những gã hề diễn tấn kịch
Những tấn kịch hề triền miên không dứt
Trò hề đại hội đại hè đại lễ
Trò hề trên quảng trường ầm ầm ngựa xe
Trò hề tang ma sụt sụt khóc lóc
Trò hề nguyền rủa trò hề ngợi ca…
Nhân dân lặng yên
Bạo chúa lảm nhảm những gì?
CHÂN DUNG 4 – PHẠM LUẬN
————–
THẦY TÔI
[Tưởng nhớ nhà giáo Phạm Luận, Thầy tôi]
Những ngày xưa ấy
Tôi nhớ
Ông sống khiêm nhường
Thường xa những chỗ ồn ào
Những nơi người ta cứ phải gồng mình mà sống
Những ai cắc cớ
Ông chỉ cười
Nụ cười hồn nhiên không ẩn ý…
Ông diễn giải những điều cao siêu
Thành giản dị
Cổ văn vời xa
Hóa thật gần
Người văn chương
Như trúc
Hư tâm
Lòng rỗng không
Gió nhẹ thổi qua ngân thành tiếng sáo
Tiếng trúc nâng vầng trăng lên cao
Mây trắng ngẩn ngơ
Cánh chim chiều nghiêng trong hoàng hôn sẫm tím
Những đêm dài
Những đêm dài
Thầm lặng
Ngọn đèn, cây bút, thếp giấy, cổ thư
Từng chữ người xưa
Xôn xao hiện
Ông lắng nghe
Và chuyển lên trang viết
Chồng bản thảo cao dần
Những trang sách ông để lại không nhiều
Giấy cũng dễ hư nát thôi mà
Ông thường tâm sự thế
Trước tác đẳng thân
Rồi
Còn lại những gì?
Chiều thu muộn
Ông lặng lẽ ra đi…
*****
ĐỂ NHỚ
Mười năm thầy vắng bóng
Nhà cũ đã đổi thay
Lối về giờ tấp nập
Người xe đông như mây
Chiều nay những trò cũ
Cùng nhau trở về đây
Nén tâm hương thơm ngát
Lặng lẽ dâng. Nhớ Thầy…
Bóng người xưa thấp thoáng
Nhẹ nhàng kìa Hạc bay
Gương mặt ai thanh thản
Giọng trầm ai đâu đây
Như hiện về tất cả
Vẹn nguyên. Vẫn vẹn nguyên
Dáng thầy vẻ tất tả
Cái thời đói triền miên
Chuyện áo cơm, không đùa
Biết bao người ngã gục
Lặng lẽ cùng đêm dài
Một mình Thầy thao thức
Cổ thư từng trang chữ
Lần mở dưới tay Thầy
Đói nghèo không chuyển lay
Quyền uy không chịu khuất
Những tháng năm xô bồ
Văn chương cùng trôi nổi
Hình như Thầy. Một Thầy
Gắng đứng Riêng một cõi
Những thứ như bọt bèo
Sau mưa, dày nấm mọc
Sặc sỡ, vội khoe mình
Sẽ tan trong phút chốc
Văn chương vốn vô mệnh
Phải là tuổi trăm năm (*)
Qua ngọn lửa thời gian
Vàng thau không thể lẫn
Thầy là nơi Lắng lại
Giữa bụi bặm ồn ào
Này Quốc âm thi tập
Này thi kệ thanh cao
“Cung oán ngâm” bi thiết
“Chinh phụ ngâm” não lòng
“Hoàng Lê…” tấn hài kịch
“Sơ kính…” bao nỗi niềm
Hồ Xuân Hương ngạo nghễ
Yên Đổ thơ đắng lòng
Tú Xương buồn nát ruột
Uy Viễn tình mênh mông
Nhớ Thầy… là ta nhớ
Thơ chữ Hán Nguyễn Du
Bức chân dung tự họa
Tên gọi là Tố Như
Nhớ Thầy là ta nhớ
Những bài giảng Truyện Kiều
Mênh mông và sâu thẳm
Chân trời tiếp chân trời
Truyện Kiều và Tiếng Việt
Truyện Kiều – tâm hồn ta
Qua tháng năm giông bão
Còn đây những cánh hoa
Ơn tấm lòng tri ngộ
Sống trong tình bao dung
Của Thầy ta ngày ấy
Dặm đường xa điệp trùng
Người xưa theo cánh hạc
Lưu luyến lại về đây
Kìa Thầy cười rạng rỡ
Khói trầm bay. Nhẹ bay. /.
NGÔI NHÀ BÊN ĐỒI YÊN NGỰA(*)
Mỗi lần qua đê Mỏ Bạch
Một lần lại lóe trong ta
Một mảnh kí ức vụt hiện
Hệt in ánh chớp xa xa
Một thời ngày xưa. Xa lắm
Ta là cậu bé nhà quê
Dấu vết chân bùn tay lấm
Hiện hình dáng đứng dáng đi
Cheo leo lưng đồi nhà nhỏ
Thầy ta “ẩn dật” dài dài!
Bài vở dụt dè ta đến
Trống ngực lại đập liên hồi
Thầy ta lần nào cũng thế
Liêu xiêu trong cả dáng ngồi
Mùa đông mùa đông tê lạnh
Ấm lòng một chén trà thôi
Phòng văn ăm ắp sách vở
Ta thấy nhỏ bé vô cùng
Thầy ta một pho sách sống
Khoan thai, tất bật, ung dung…
Năm tháng qua đi như chớp
Thầy ta về với tổ tiên
Ta cũng da mồi tóc bạc
Lãng quên bao chuyện lãng quên
Ngôi nhà bên đồi Yên Ngựa
Lối nhỏ mỗi khi mưa dòng
Mấp mô những viên quậy xám
Giờ đây đã hóa hư không…
—-
(*) Nhà thầy tôi cheo leo đồi Yên Ngựa
Đồi đã được san bằng nhà san sát mọc lên
CHÂN DUNG 8 – G.LORCA
————–
CHẾT ĐÂU LÀ HẾT
[Để nhớ G.Lorca]
G.Lorca dặn bạn bè và người thân
Khi ông chết chôn theo một cây Tây Ban cầm (ghita gỗ)
G.Lorca quả là nghệ sĩ
Yêu đời và hài hước
Người yêu đời thường thích khôi hài
Người khôi hài thường có trái tim nhậy cảm và trí tuệ hơn người
Nhà thơ tiên phong bị lũ độc tài xử tử không cần tuyên án
Nghe nói chúng dân u mê, cuồng loạn đã ném xác ông xuống giếng cạn
Không một cây Tây Ban cầm nào được chôn theo ông
Từ đấy
Đàn ghi ta mỗi khi ngân rung
Hình như luôn vấn vương hồn thi nhân
Thi nhân tuyệt vời làm sáng danh Tây Ban Nha
Trời xanh không một gợn mây
Biển xanh không một cánh buồm
Chỉ có tiếng Tây Ban cầm cùng lời di chúc
Khi tôi chết…
Không có cây đàn nào được chôn
G.Lorca chưa chết
Tên tuổi ông luôn phảng phất
Toàn xứ sở Tây Ban Nha
Nơi trời xanh và nước biếc
Nơi triền núi đá lởm chởm nhọn hoắt những ngọn tháp nhà thờ
Nơi những vườn nho và ô liu xanh thắm
Nơi thảo nguyên ung dung gặm cỏ ngựa và cừu
Nơi thôn làng vũ điệu huê tình say đắm…
Khi tôi chết chôn theo cây đàn
Thế giới bên kia nếu có
Tôi sẽ hát
Tôi sẽ đàn
Tôi sẽ đọc thơ
Cho những ai chưa được nghe
Cho những ai chưa kịp nghe
Cho những ai…
Chưa từng được khóc
Chưa từng được cười
Chưa từng hạnh phúc
Đã phải xa cõi trần gian khốn khổ này.
Đ.T