Phỏng vấn: Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Bá Chung: Về các nhà văn Mỹ – Việt với đề tài chiến tranh Việt Nam & hoạt động của Trung tâm William Joiner

Nguyễn Hồng Anh thực hiện

Nguyễn Bá Chung là một nhà thơ, dịch giả và chuyên gia giáo dục trong nhiều năm tại Trung tâm William Joiner [1], thuộc Đại học Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ. Ông rời Việt Nam sang Mỹ đầu thập niên 1970, chứng kiến sự rối ren của tình hình chính trị ở cả hai phía Mỹ – Việt trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, và do đặc thù công việc, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà văn Mỹ và nhà văn hai miền Nam – Bắc Việt Nam viết về cuộc chiến. Ông cũng là đồng dịch giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” của Lê Lựu và nhiều tác phẩm thi ca Việt Nam.

Trung tâm William Joiner ngay từ trước khi bình thường hoá ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam đã làm cầu nối cho các nhà văn hai nước tiếp xúc với nhau qua những hoạt động nghiên cứu, dịch thuật, chương trình giao lưu hè… Như năm 1988, qua Trung tâm, Lê Lựu và Ngụy Ngữ là hai nhà văn Việt Nam đầu tiên sang Mỹ, và sau đó là hơn một trăm nhà văn như Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Sáng, Hữu Thỉnh, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Duy, Ý Nhi, v.v. Năm 1994, Trung tâm xuất bản tập thơ Việt đầu tiên “Thơ từ tài liệu chiến trường” (Poems from Captured Documents), là những văn bản chép tay của những người lính thu được từ cuộc chiến. Đến nay, Trung tâm đã dịch và xuất bản hàng chục tác phẩm văn học Việt Nam.

image

(Từ phải qua) Kevin Bowen, Nguyễn Duy, một người bạn, Phan Đình Diệu, Nguyễn Bá Chung tại Khai mạc Triển lãm thơ Lý – Trần năm 2005

(Ảnh: Nhà thơ Nguyễn Bá Chung cung cấp)

 

NHA: Ông rời Việt Nam sang Mỹ du học vào đầu thập niên 1970, khi chiến tranh Việt Nam vẫn đang diễn ra ác liệt, đồng thời phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao. Trong một bài báo, ông cho biết từng “tham gia những hoạt động đòi lính Mỹ rút khỏi Việt Nam” [2]. Ông có thể chia sẻ thêm về nhận thức phản chiến nơi mình, và những hoạt động cụ thể của ông tại Mỹ liên quan đến chiến tranh Việt Nam khi đó? Và giờ nhìn lại, nhận thức năm xưa với bây giờ có đổi khác không?

NBC: Lớn lên trong chính thể Việt Nam Cộng hòa, lại là người di cư từ Bắc vào Nam, tôi hoàn toàn chấp nhận chính sách chống cộng tuyệt đối của miền Nam. Những huyền thoại về sự tàn bạo kinh hoàng của người cộng sản, những câu chuyện “bỏ rọ trôi sông”, những ngu si đần độn đến độ khó tưởng tượng của các chú cán bộ đã khắc sâu vào tâm khảm của tôi. Chỉ đến khi sang Mỹ du học vào cuối năm 1971, đọc các sách báo Tây phương về cuộc chiến tranh Việt – Pháp và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, quan điểm của tôi mới thực sự thay đổi. Trong cuộc chiến Việt – Pháp, Mỹ đã tài trợ 78% chiến phí cho quân đội Pháp, và sau Hiệp định Genève, Mỹ đã trực tiếp can thiệp vào nội bộ Việt Nam – đem Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng rồi Tổng thống, dựng lên chánh phủ và quân đội Việt Nam Cộng hòa và tài trợ toàn bộ cho hệ thống hành chánh đó. Tóm lại, không có Mỹ thì không có Việt Nam Cộng hòa.

Vì thế tôi gia nhập những cuộc biểu tình chống lại sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam, tham gia những cuộc nói chuyện về tình hình chính trị của cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, và chống lại sự leo thang chiến tranh của người Mỹ.

Với đồng bào miền Nam, chính sách tân thực dân của Mỹ đã phần lớn che giấu bàn tay của Mỹ trong cuộc chiến tranh. Trong quân đội, có lẽ chỉ từ cấp trung tá hoặc cao hơn mới đối diện với sự can thiệp này. Khi được hỏi ai chỉ huy các cuộc hành quân hàng năm, tướng Cao Văn Viên đáp, hàng năm MACV [3] đã chuyển cho Bộ Tổng Tham mưu một bản kế hoạch và chúng tôi chỉ việc thi hành. Nguyễn Cao Kỳ, trong cuộc phỏng vấn với BBC sau ngày 30-4-1975, đã nói: “With my experience later on, I think all the important military or political decisions were made in Washington, and they let us have, maybe, 24 hours’ warning […] It was true; and it was true when the propaganda of communists condemned us as not nationalists but as puppets and lackeys of America.” [4] (Qua kinh nghiệm sau đó, tôi nghĩ là tất cả những quyết định quan trọng về quân sự và chính trị đều được thực hiện ở Hoa Thịnh Đốn, rồi họ cho chúng tôi biết có lẽ khoảng 24 giờ báo trước […] Sự thật là, đúng như tuyên truyền của cộng sản lên án chúng tôi không phải là người quốc gia, mà là những con rối và đầy tớ của Mỹ). Với đa số người dân, họ không thấy người Mỹ nào can thiệp trực tiếp vào hệ thống hành chánh địa phương của Việt Nam. Vì thế một phần dân miền Nam có một khái niệm rất lờ mờ về vai trò của người Mỹ trên đất nước mình.

Vì không trực tiếp can thiệp vào hệ thống quyền lực địa phương như thời Pháp đô hộ Việt Nam, lại vốn xuất thân từ truyền thống tư bản Tây phương, chính sách tân thực dân này cho Việt Nam Cộng hòa một số khoảng trống nhất định trong lãnh vực sáng tác, tôn giáo, và chính trị.

Chính sách tân thực dân này của người Mỹ tiếp tục được thực hiện ở Iraq và Afghanistan sau cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, với một kết quả tàn hại không kém cuộc chiến tranh Việt Nam.

NHA: Với công việc gắn bó lâu năm là chuyên gia của Trung tâm William Joiner, ông đã tiếp xúc với nhiều nhà văn Việt Nam, và dịch, giới thiệu không ít tác phẩm của họ đến độc giả Mỹ. Ông có nhận xét như thế nào về thế hệ các nhà văn Việt Nam đi ra từ chiến tranh?

NBC: Họ là những cây bút thực sự yêu nước, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ sự sống còn và chủ quyền của dân tộc. Với những tác giả ở miền Bắc, vì không sống ở miền Nam nên họ không thể hiểu sự phức tạp của chính trị miền Nam, và vì thế phần lớn nhìn miền Nam với một nhãn quan toàn triệt – tất cả những tác giả ở miền Nam đều là tay sai của Mỹ, phục vụ cho kẻ ngoại xâm. Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết là lúc đầu ông không thể hiểu là ở miền Nam có những nhà văn, những trí thức cũng đau đáu với vận nước như những nhà văn, trí thức miền Bắc.

NHA: Ông từng gắn bó và làm việc cùng nhiều nhà văn Mỹ nổi tiếng cũng đồng thời là cựu binh Việt – Mỹ như Kevin Bowen, Bruce Weigl, Larry Heinemann… Xin ông cho biết cảm nhận và nhận định của ông về họ và tác phẩm của họ với tư cách là nhà văn Mỹ viết về đề tài chiến tranh Việt Nam.

NBC: Ông Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner, có một khả năng đặc biệt và phi thường: ông tập hợp được một nhóm nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Mỹ làm nền cho Trung tâm. Họ luân phiên tới giảng dạy, nói chuyện tại hai tuần lễ hè hàng năm khi Trung tâm Joiner tổ chức khóa gặp mặt mùa hè. Đó là Tim O’Brien, Yusef Komunyakaa, Grace Paley, Bruce Weigl, Larry Heinemann, Sam Hamill, Lady Borton, Michael Herr, Fred Marchant, Martha Collins, Carolyn Forché, Martín Espada, John Dean, Philip Caputo, Askold Melnyczuk, Lloyd Schwartz, Paul Atwood, Demetria Martinez, Martha Nelson, Danielle Georges, George Kovach, Brian Turner, Sean Davis, v.v.

Nhiều người trong số này đã đoạt những giải thưởng cao quý của văn học Mỹ như Pulitzer, National Book Award, San Francisco Poetry Award, National Book Critics Circle Award, Washington Prize, Washington Poets Association, Lifetime Achievement in Poetry Award, Pushcart Prize, Anisfield-Wolf Award, Ohioana Award, Lannan Translation Series Award, v.v. Họ đã sáng tác những tác phẩm làm kinh điển cho cuộc chiến tranh Việt Nam, nói lên được những phi lý, quái dị, tàn bạo, phi nhân tính của cuộc chiến tranh đó. Thí dụ ba tác phẩm “Going After Cacciato”, “The Things They Carried”, “If I Die in a Combat Zone: Box Me Up and Ship Me Home” của Tim O’Brien, tác phẩm “Paco’s Story” của Larry Heinemann, và tác phẩm “Song of Napalm” của Bruce Weigl.

Tim O’Brien, một cựu chiến binh Việt Nam, đã mất ngủ thường trực sau khi từ cuộc chiến trở lại Mỹ. Tôi không thể quên được một kỷ niệm về ông. Trong một cuộc nói chuyện giữa 3 nhà văn Mỹ và 3 nhà văn Việt Nam, mỗi người trình bày cảm tưởng của mình trong khoảng 5, 6 phút. Tim O’Brien nói không tới 15 giây, làm cả hội trường xúc động. Ông nhìn các nhà văn Việt Nam và nói: “Các bạn không thể tưởng tượng được niềm hạnh phúc của tôi khi được ngồi ở đây, bên các nhà văn này”. Ông bị các ám ảnh tàn bạo của cuộc chiến làm ông mất ngủ, bây giờ xuất hiện bên các nhà văn Việt Nam là một kinh nghiệm hoàn toàn mới. Nó không xóa đi các kỷ niệm đau thương của cuộc chiến, nhưng nó cho ông những cảm nghiệm mới để ông có thể nhìn lại cuộc chiến với một tâm trạng bình thản hơn.

NHA: Cũng trong một bài báo, ông cho biết lý do chuyển sang làm việc tại William Joiner là: “… công việc đó giúp tôi giải quyết nhu cầu của bản thân: sự tò mò về chiến tranh Việt Nam. Cho tới lúc đó, tôi vẫn không thể hiểu vì sao nước Mỹ lại thua trận. Cá nhân tôi muốn gặp những nhà văn Việt Nam, đọc và dịch tác phẩm của họ, xem thử có câu trả lời nào ở đó không” [5]. Sau nhiều năm, ông đã tìm thấy câu trả lời cho thắc mắc đó?

NBC: Vâng, sau một thời gian quen biết các tác giả trong nước và tìm hiểu thêm qua nhiều tài liệu, tôi đã tìm được câu trả lời: người Mỹ thất bại vì người Mỹ bị coi là quân xâm lược, và trong hơn bốn ngàn năm tồn tại, Việt Nam chưa hề khuất phục trước bất cứ một quân đội xâm lăng nào, từ Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, tới Pháp và Mỹ. Tôi đã từng được nghe kể những khó khăn kinh khủng của quân giải phóng, ăn đói hàng tuần, vật lộn hàng tháng trên đường rừng, đào hầm tránh hàng ngàn trái bom tấn thả từ không trung, v.v. Tiểu đoàn biệt động của Bảo Ninh khi chấm dứt chiến tranh chỉ còn mười mấy người. Đó là những hy sinh thầm lặng cho đất nước này.

NHA: Một trong những mục tiêu chính của Trung tâm William Joiner ngay từ khi thành lập là giúp cho người Mỹ hiểu hơn về chiến tranh Việt Nam, thông qua văn học. Với những hoạt động thiết thực của Trung tâm như tổ chức giao lưu giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam, dịch thuật và hội thảo, v.v., theo ông, đến nay tác phẩm về chiến tranh và hậu chiến của các tác giả Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh liệu có tác động như thế nào đến nhận thức của độc giả Mỹ?

NBC: Công việc dịch thuật đòi hỏi một nỗ lực bền bỉ và lâu dài. Chương trình dịch thuật của Trung tâm William Joiner chỉ bắt đầu từ năm 1994. Như thế là mới gần 30 năm. Với hơn 20 tác phẩm dịch, điều Trung tâm đã làm được là thành công trong việc đặt nền móng cho việc giới thiệu văn học Việt Nam cho công chúng Mỹ. Với việc chuyển dịch những tác phẩm có giá trị văn học cao, trung thực, và dễ cảm, Trung tâm William Joiner đã mở ra một cửa ngỏ thông thoáng cho những tác phẩm sắp tới. Giá trị đầu tiên là những tác phẩm này được nhiều phê bình gia người Mỹ ca ngợi và đánh giá cao. Nó khẳng định chính nghĩa bất khả phản bác của cuộc chiến tranh Việt Nam và từ đó giới thiệu người đọc tới các mặt khác của văn hóa, con người và đất nước Việt.

image

Nhà thơ Ý Nhi đọc thơ tại Lannan Foundation (thành phố Santa Fe, Hoa Kỳ), nhà thơ Nguyễn Bá Chung dịch trực tiếp.

Người ngồi góc trái: nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner.

(Ảnh: Nhà thơ Ý Nhi cung cấp)

NHA: Vì sao ông và cộng sự chọn dịch tiểu thuyết đầu tiên ra tiếng Anh là “Thời xa vắng” của Lê Lựu? Nhân đây ông có thể nói qua về tiêu chí chọn tác giả và tác phẩm để dịch sang tiếng Anh?

NBC: Ông Kevin Bowen là người quyết định chọn dịch tác phẩm “Thời xa vắng”. Tôi chỉ là người được mời tham gia dịch thuật. Đó quả là một quyết định liều lĩnh và thực sự sáng suốt: Bốn dịch giả chưa ai dịch bất cứ một đoạn văn nào, và phải mất 5 năm dịch phẩm mới chào đời. Bây giờ Trung tâm William Joiner đã có hơn 20 tác phẩm dịch!

Theo tôi, ông Kevin Bowen chọn tác phẩm này vì Lê Lựu đã tạo được một cảm tình đặc biệt với các nhà văn Mỹ, vì tác phẩm đang gây tranh luận ồn ào ở trong nước, nhất là nó là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam đặt lại vấn đề ý nghĩa cuộc sống trong xã hội chủ nghĩa. Người Mỹ thường rất tôn trọng những tác phẩm dám viết, dám nói, và dám đặt những vấn đề lớn.

Về tiêu chí để chọn dịch, thực sự không có văn bản nào xác định điều đó. Trung tâm William Joiner có đề nghị một số tác phẩm dịch để xin tài trợ nhưng không thành. Chúng tôi tự quyết định chọn những tác phẩm chúng tôi đánh giá cao về văn học, tầm ảnh hưởng, và dễ truyền cảm trong ngôn ngữ mới.

NHA: Trong số các nhà văn Việt Nam từng được mời sang Trung tâm William Joiner tại Mỹ giao lưu, cũng như trong số các tác phẩm được chọn dịch ra tiếng Anh, hầu hết là các nhà văn và tác phẩm miền Bắc. Vì sao lại không nhiều tiếng nói của các tác phẩm và tác giả văn học miền Nam trước 1975?

NBC: Đây tôi nghĩ là vấn đề lịch sử. Trung tâm William Joiner mời các nhà văn nhà thơ Việt Nam qua Hội Nhà văn, đóng đô ở Hà Nội, mà thời đó đa số hội viên là người miền Bắc. Những hội viên miền Bắc thời đó “chính thống” hơn những hội viên miền Nam, nên thường được Hội Nhà văn đề cử. Số hội viên miền Nam tăng lên với thời gian, tổng cộng khoảng gần 1/3 tổng số.

NHA: Xin ông cho biết phản ứng của cộng đồng người Việt tại Mỹ đối với các hoạt động của Trung tâm William Joiner như thế nào?

NBC: Đây là một vấn đề khó định lượng. Lúc đầu cộng đồng hải ngoại cực liệt chống đối Trung tâm William Joiner, nhất là trong vụ kiện Trung tâm William Joiner về vụ cấp học bổng cho các nghiên cứu của Rockefeller về cộng đồng hải ngoại. Đó thực sự chỉ là một cái cớ: mục tiêu của cộng đồng là đánh sập Trung tâm William Joiner vì Trung tâm bị coi là có liên hệ với Cộng sản Việt Nam. Vụ kiện được phát động khắp thế giới. Sau 8 năm kéo dài, cộng đồng hải ngoại hoàn toàn thất bại. Nhất là với sự tham dự vào cuộc tranh luận của nhà văn Trương Vũ [6], một trụ cột của các nhà văn miền Nam, người đã lên án phe tấn công Trung tâm William Joiner.

Hiện nay sự chống đối đã giảm sút nhiều, một phần vì các “chiến sĩ chống cộng” kịch liệt đã phần nào mất ảnh hưởng trong cộng đồng, và đa số người trong cộng đồng bây giờ có khuynh hướng ôn hòa hơn. Chắc chắn những tác phẩm dịch của Trung tâm có ảnh hưởng trong cộng đồng, nhất là với giới trẻ. Những tác phẩm dịch của Trung tâm William Joiner được đánh giá cao trong giới đại học Mỹ.

Sài Gòn – Boston, 11/2022

Chú thích:

[1] Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả xã hội William Joiner (William Joiner Center for the Study of War and Social Consequences) được thành lập năm 1982, đến 2013 phát triển thành Viện William Joiner (William Joiner Institute).

[2], [5] https://tuoitre.vn/van-hoc-bac-nhip-cau-buoc-qua-thu-han-20210426160612715.htm

[3] Bộ Chỉ huy Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam.

[4] Bài phỏng vấn đăng trên tạp chí The Listener của BBC, số ra ngày 24/11/1977, trang 670-672, với nhan đề “Nguyen Cao Ky: ‘What South Vietnam needs is a man like Ho’”

[6] Có thể đọc toàn văn bài viết của Trương Vũ: “Vụ kiện William Joiner Center: Ai có quyền viết lịch sử một cộng đồng?” trong cuốn Chiến tranh Việt Nam nhìn từ phía bên kia (Nhiều tác giả), chương 15, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2010.

Comments are closed.