Phạm Nguyên Trường
21. Bill of rights – Tuyên ngôn nhân quyền. Tuyên ngôn nhân quyền của Mĩ là 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mĩ. Mười tu chính án này đã được phê chuẩn và trở thành Đạo luật Nhân quyền (hay Mười điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Mĩ) vào năm 1791. Các tu chính án này hạn chế quyền lực của Chính phủ liên bang, bảo vệ quyền của tất cả công dân, những người sinh sống và du khách trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong các quyền được liệt kê mà các tu chính án này đảm bảo có: tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do tôn giáo; quyền được mang vũ khí của người dân; tự do hội họp; tự do kiến nghị; và các quyền không bị lục soát và tịch thu vô lí; không bị hình phạt tàn bạo và bất bình thường; và tự buộc tội do bị ép buộc. Tuyên ngôn nhân quyền cũng hạn chế quyền của Quốc hội bằng cách cấm Quốc hội ban hành luật về thành lập tôn giáo và bằng cách cấm Chính phủ liên bang tước quyền sống, quyền tự do hay tài sản của bất cứ người nào mà không thông qua tố tụng pháp luật.
22. Bipartisanship – Thỏa thuận lưỡng đảng. Thỏa thuận lưỡng đảng là tình huống chính trị trong hệ thống lưỡng đảng (ở Mĩ và một số nước phương Tây khác), trong đó các đảng chính trị đối lập với nhau tìm được nền tảng chung để đi tới thỏa hiệp.
23. Black caucus – Nhóm người da Đen trong Quốc hội Hoa Kì, là nhóm gồm hầu hết các nghị sĩ Phi trong Quốc hội Hoa Kì. Nhóm nghị sĩ này nói rằng mục tiêu của họ là “gây ảnh hưởng tích cực đến tiến trình của các sự kiện sao cho phù hợp với người Mĩ gốc Phi và những sắc dân khác có trải nghiệm và ở trong những tình huống tương tự”, và “công bằng hơn cho những người gốc Phi trong thiết kế và nội dung của các chương trình và dịch vụ trong nước và quốc tế”. Ba ưu tiên trước mắt của họ thu hẹp khoảng cách về cơ hội trong giáo dục, đảm bảo chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho tất cả người Mĩ, tập trung vào việc làm và an ninh kinh tế, đảm bảo công bằng cho tất cả mọi người, lương hưu cho tất cả người Mĩ, tăng quỹ phúc lợi và tăng công bằng trong chính sách đối ngoại.
24. Black Panthers – Đảng Báo Đen. Đảng Báo Đen là một tổ chức chính trị xã hội cách mạng được do các sinh viên theo đường lối Marxist là Bobby Seale (Chủ tịch) và Huey Newton (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) thành lập vào tháng 10 năm 1966 tại Oakland, California. Đảng này hoạt động ở Hoa Kỳ từ năm 1966 đến năm 1982, với các chi bộ nhiều thành phố lớn và các chi bộ quốc tế ở Vương quốc Anh vào đầu những năm 1970, và ở Algeria từ 1969 đến 1972. Khi được thành lập, ngày 15 tháng 10 năm 1966, hoạt động cốt lõi của Đảng Báo Đen là các đội tuần tra của công dân công khai mang theo vũ khí nhằm theo dõi hành vi của các sĩ quan của Sở Cảnh sát Oakland và thách thức sự tàn bạo của cảnh sát trong thành phố.
25. Black Power – Phong trào ủng hộ các quyền công dân và quyền lực chính trị cho người da đen. Black Power là khẩu hiệu chính trị và tên được gán cho các hệ tư tưởng khác nhau với mục đích là giành quyền tự quyết cho những người Mĩ gốc Phi. Phong trào này hoạt động rầm rộ vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, nhấn mạnh niềm tự hào chủng tộc và tạo ra các thiết chế chính trị và văn hóa của người da đen nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy lợi ích tập thể và thúc đẩy các giá trị của người đen.
Phong trào này thể hiện một loạt các mục tiêu chính trị, trong đó có chống áp bức chủng tộc, thành lập các tổ chức xã hội và nền kinh tế tự cung tự cấp, với các hiệu sách, hợp tác xã, trang trại và phương tiện truyền thông do người da đen làm chủ. Tuy nhiên, phong trào đã bị chỉ trích vì tách ra khỏi dòng chính của phong trào dân quyền và ủng hộ cho việc tách biệt chủng tộc và thiết lập ưu thế của người da đen đối với các chủng tộc khác.
26. Black Section – Nhóm da đen. Nhóm không chính thức trong Công Đảng (Vương quốc Anh, trong những năm 1980s), đại diện cho quyền lợi của người da đen trong các khu vực bầu cử.
27. Block Grant – Trợ cấp theo khối. Trợ cấp theo khối (Hoa Kỳ) là những khoản tài trợ cụ thể của chính phủ liên bang cho các tiểu bang và chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ các chương trình với những mục đích rộng lớn khác nhau, như thực thi pháp luật, dịch vụ xã hội, y tế công cộng và phát triển cộng đồng. Chính phủ liên bang ít giám sát các khoản tài trợ theo khối và cho các tiểu bang được linh hoạt trong việc thiết kế và triển khai các chương trình.
28. Block Vote – Sẽ hoàn thiện khi soạn về hệ thống bầu cử.
29. Bolivarian Revolution – Cách mạng Bolivar là tiến trình chính trị ở Venezuela do cố Tổng thống Venezuela Hugo Chávez, người sáng lập Phong trào Cộng hòa thứ năm và sau đó là Đảng Xã hội Thống nhất Venezuela (PSUV) lãnh đạo. Cuộc cách mạng Bolivar được đặt theo tên của Simón Bolívar, một nhà lãnh đạo cách mạng người Venezuela và người Mỹ Latin, đầu thế kỷ XIX, nổi bật trong các cuộc chiến tranh giành độc lập của người Mỹ gốc Tây Ban Nha nhằm giành độc lập cho hầu hết miền bắc của Nam Mỹ khỏi ách thống trị của Tây Ban Nha. Theo Chávez và những người ủng hộ khác, Cách mạng Bolivar tìm cách xây dựng một liên minh liên Mỹ để thực hiện chủ nghĩa Bolivar, chủ nghĩa dân tộc và một nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo.
30. Bolshevism – Chủ nghĩa Bolshevik. Niềm tin và hành động của những người Bolshevik. Bolshevik (tiếng Nga: большеви́к, xuất sứ từ bolshinstvo – đa số) là những thành viên của phe đa số (Bolshevik) của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga (RSDLP) theo đường lối Marxist tách ra khỏi phe thiểu số (Menshevik, xuất xứ từ men’shinstvo – thiểu số). Việc chia rẽ diễn ra tại Đại hội Đảng năm 1903 và cuối cùng đã trở thành Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi chia rẽ, Đảng Bolshevik đã được đặt tên là RSDLP(b) (tiếng Nga: РСДРП(б)), trong đó chữ “b” là viết tắt của “Bolshevik”. Ngay sau khi giành được chính quyền, tháng 11 năm 1917, đảng này đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) (РКП(б)) và được mọi người biết đến với tên gọi Đảng cộng sản kể từ thời điểm đó, tuy nhiên, cho đến mãi năm 1952 đảng này mới bỏ chữ “Bolshevik” khỏi tên gọi của mình. Những người Bolshevik đã giành được chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1917 và thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô).