Con đường

Nguyễn Đức Tùng

image

 

Người khất thực dẫn tôi về đất nước. Mang tôi tới với buổi sáng có mặt trời mọc hừng trên đồng lúa, sông lượn vòng chảy ra từ núi. Tôi đi theo chân người bộ hành, tôi tưởng tượng như thế, hình dung ra thế, tôi thực sự đi như thế. Đó là buổi sáng tuyệt đẹp ở Hà Tĩnh, dưới chân đèo Ngang, nơi ngày xưa Bà huyện Thanh Quan dừng lại. Tôi chưa bao giờ tới đó. Trên cánh đồng không bóng người, có một cánh cò chấp chới ở xa, cơn mưa đêm qua vừa tạnh, ngôi nhà ẩn sâu trong sườn núi. Tôi nhìn thấy chiếc lá lúa, cỏ bên đường, hòn sỏi đỏ nâu. Tôi nhìn thấy hàng rào tre, chiếc đinh rỉ sét, một chiếc giày trẻ con lăn đi trong gió.

Theo bước chân người đi bộ, mặt trời lên cao trưa nắng gắt, mồ hôi lấm tấm. Tôi nhìn thấy cây gạo bên đường, mùa hoa đỏ đã tàn. Ở đô thị con người tất bật công việc, nhưng thôn quê người ta thong thả hơn. Mùa này tôi được ăn cơm gạo nếp, được ăn mận và nhãn, ăn khế và xoài, mùa này ve kêu tưng bừng bốn phía. Người dân nghỉ ngơi, bày ra tục lệ tết tiếc, cúng kiếng rộn ràng. Thời tôi bé, mùa này là mùa tết Đoan ngọ, tiên trên trời xuống tắm vì nước sạch và cạn. Tôi cũng được xuống tắm. Những tháng khác, mẹ tôi không cho tôi xuống sông vì sợ đuối nước, nhưng mùa này an toàn. Nước đến ngang ngực trẻ con, nhìn thấy đáy, cát mịn phau phau. Một người đàn ông cầm cái cào, cào một lượt nhấc lên những con lươn bằng ngón tay, thịt xào rất ngon. Thầy dạy con nít lớp hè trong xóm của tôi giỏi đến mức có thể lặn xuống sông bắt cá bằng tay. Mẹ tôi đồ xôi cả ngày, rắc men, thức dậy nửa đêm thắp đèn dầu nhìn xem rượu đã ứa ra chưa. Ba tôi thích ăn rượu nếp, làm thừa thì đem cho hàng xóm, thực ra mẹ tôi không ưa nó lắm nhưng chiều chồng. Người đàn bà chiều chồng có việc gì mà không làm được. Đây là mùa tết sâu bọ. Mùa an cư kiết hạ của bậc tu hành. Một người không lui về, vẫn đi chân trần trên đường, thì để tránh dẫm đạp các côn trùng ít khi chịu đi trên cỏ, chỉ đi trên đường lát gạch, lát xi măng, đất bằng phẳng. Thời tôi còn bé, người ta ăn uống nhiều thứ vào tháng Năm. Lại có người chọn ăn một bữa mỗi ngày, nhưng không thiếu ăn, người ấy thức dậy từ sớm, đi trong sương, đi trong gió, thức ăn của tạo vật là ở đó. Nhìn những bức hình chụp, tôi tưởng tượng ra cái thiên nhiên đằng sau, phía trước, chung quanh người ấy, và bắt đầu lắng nghe tiếng chim quyên, khắc khoải nhớ quê nhà. Tâm sự của người đi xa là thế, nhìn một người đi bộ trên đường mà nghĩ ngợi ra lắm điều, đưa người ta vào một thế giới khác, không phải để quên đi, mà để nhớ lại, không phải để buồn, mà để yêu thương. Tình yêu không phải là một điều gì tràn đầy, như bát nước im, tình yêu vốn nằm ở sự thiếu vắng, như dòng chảy. Đó là một hành trình, nhớ lại là một hành trình, nghĩ về phía trước là một hành trình. Tình yêu là sự chuyển động. Bạn đi về phía trước, chân chạm xuống mặt đất, không phải chỉ để khỏi sát hại côn trùng mà còn để chạm vào sức mạnh của nguồn cội. Bạn biết rồi: mọi sự vật không bao giờ toàn hảo. Các hoàn cảnh đều biến hóa bất ngờ, rã ra, buồn, mệt mỏi, hưng phấn, hồi phục, nhưng một người đi chân đất giữ cho nhịp điệu của cơ thể hòa điệu với thiên nhiên, nhịp tim, nhịp thở, nhịp bàn tay, giữ chắc bản tâm vào một cái bát hư không, sẽ để lại phía sau mình rất nhiều đời sống, và sáng tạo ra những đời sống mới mẻ khác, phía trước. Cuộc đi bộ này đối với tôi tuyệt đẹp vì nó trình bầy một đất nước.

(Chương Đất nước, trích trong tiệp ký Con đường, gồm nhiều chương)

Comments are closed.