Con sẻ què

Truyện Hà Thúc Sinh

image

Tháng Tư ở Houston, đại dịch làm tất cả giống thiếp trong giấc ngủ dài bất tận. Trường học, chợ búa, các thánh đường, phố xá…, con người như đã rủ nhau qua đời tự bao giờ. Và tôi bắc ghế ngồi trước hàng ba hứng lấy tí nắng bù cho cả ngày tự giam hãm trong phòng, và lắng nghe những bầy sẻ lâu lâu rủ nhau chẳng biết từ đâu tràn về những cành sồi bên hông nhà, ríu rít như nhạo báng sao loài người các anh làm biếng thể, ngủ cả mùa đông mà giờ chưa dậy nổi sao…

Tôi nhìn lên cây và nghĩ ngợi. Biết đến bao giờ, vâng, biết đến bao giờ loài người mới đồng loạt thức dậy như tháng qua, mùa qua, năm qua và bao nhiêu tháng ngày đã qua. Hay Thượng đế đã lặng lẽ tắt hẳn đi một chu kỳ sống và những trang sử mới của loài người đang được bàn tay vô hình của Ngài thảo lại, trên những trang giấy mới trong một quyển sổ của những thiên niên kỷ mới? Và sâu trong khu rừng sau nhà tôi rầm rộ bước ra từng bầy khủng long từng có trong truyền thuyết.

Một cơn gió, có lẽ từ cánh đồng hoa lan dại thổi về làm chính bầy chim cũng ngẩn ra trước hương thơm kỳ diệu, và không biết có vì ngây ngất mà thốt nhiên một chú sẻ rơi xuống vuông sân không xa chỗ tôi ngồi.

Tôi nhặt nó lên và thấy nó là một con sẻ què.

***

Con sẻ ra chiều đau đớn và sợ hãi. Biết làm sao cho con vật xíu xiu này đừng để cảm giác ấy xâm chiếm lòng nó! Tôi đưa nó vào nhà, coi lại toàn thân và thấy cánh cổ không bị gì. Chỉ trừ chân trái hình như bị gãy. Tôi lấy cái áo thun cũ lót ổ cho nó nằm, cho nó uống nước và lấy mấy con tép khô cho nó ăn. Hai ngày sau, rõ ràng nó hồi phục và cố nhảy ra khỏi tấm áo thun lót ổ, miệng kêu chiêm chiếp. Tôi nghĩ người xưa nói đúng quá: Chó liền da, gà liền xương. Sẻ cũng là loài lông vũ, có phải vì thế chẳng băng bó gì chân nó cũng tự lành?

Con chim vẫn nhởn nhơ như thế trong nhà gần tuần lễ. Tôi buộc một chân nó vào song sắt cửa sổ. Tiếng kêu của nó hình như thay đổi. Không khẽ khàng tội nghiệp như những ngày trước nữa, mà rõ ràng lắm lúc nghe bức bách, thống khổ như tuyệt vọng, nhất là những lúc trên cành sồi có một bầy chim kéo về tíu tít với nhau. Con sẻ như thảng thốt kêu, như van nài chúng bạn hãy cứu nó.

Nó như muốn nói với tôi: Hãy thả tôi ra, tôi không có gì hết. Tôi có bộ lông ư? Không, trên đời này có ai đi ca ngợi một con chim sẻ với bộ lông màu đất! Hay tiếng hót? Ông ơi, nhớ giùm tôi là một con chim sẻ, tôi không là chị hoạ mi hay anh sơn ca. Ngực tôi chỉ có tiếng ríu rít gọi đàn vì tôi luôn luôn cô đơn và sợ lạc đường giữa thiên địa bao la.

Có lúc giọng nó như van nài. Nó như muốn nói: Ông ơi, ông không hiểu các bạn tôi nói gì ngoài kia đâu. Chúng bảo rằng lụy người nên nỗi phải chiều người. Ông ấy đã cứu mạng mày. Chăn êm nệm ấm, lồng son lưới bạc ông ấy cho mày ở. Nơi không môt con chuột con mèo nào đe dọa mạng sống, chẳng con rắn con sóc nào quấy rầy.

Thế mày còn muốn đi đâu nữa? Mày đã ở với bầy từ lúc nở từ trứng ra cho đến khi bị nạn và ông ấy đón mày về, lo lắng, chăm sóc, cái ơn tri ngộ ấy liệu dễ quên sao? Hay mày muốn trở lại với bầy đàn để tranh ăn từ hạt cỏ đến con sâu? Nếu mày vẫn nghĩ trong bầy đàn có hạnh phúc và mong ngày trở lại thì bọn tao lại nghĩ rằng mày quá mơ màng, nghĩ chuyện trèo cây tìm cá, lặn biển mò chim. Tỉnh lại sẻ ơi! Tỉnh lại đi sẻ ơi!

Tôi nhìn quanh. Êm vắng quá. Đầu tôi đi lang thang lắm chỗ và sau cùng lại cũng quy vào cơn đại dịch. Vâng, trong cơn đại dịch này giá như Thượng đế sẽ chọn tôi là kẻ ra đi, tôi phải làm sao? Người sẽ đem tôi từ chiếc lồng nhỏ trần gian này vào một chiếc lồng lớn hơn, ấm êm hơn, đầy đủ hơn, và chốn ấy vượt ra ngoài mọi ước đoán, mọi tưởng tượng của tôi, thì tôi sẽ phải làm sao? Và nếu được khẩn cầu lần cuối, tôi sẽ khẩn cầu gì? Tôi đã sống hơn bảy mươi năm với đời, trải nghiệm cũng nhiều, và lắm phen đã vào sinh ra tử, đã thấy bao kẻ quyền thế nhắm mắt xuôi tay. Họ không khác một mảy may người ăn mày chết đầu ngõ nhà tôi trong cơn loạn lạc hay người lính tội tình ngã đạn nơi tiền tuyến. Họ cũng xanh xao, hèn yếu, và mới đây thôi, một tiếng thét của họ làm đảo điên nhiều binh đoàn, một quyết định của họ làm bao đứa trẻ và ngươì già yếu mất chén cơm. Họ đã đều ra đi vào một cõi không ai hay biết. Và họ để lại gì, như một báo hiệu cho người đi sau tránh né? Như cụ Nguyễn Du, thơ như thế nhưng phút cuối ra đi vì bệnh dịch thời Gia Long, nào ai tìm được một câu lục bát có tính nhắn gửi sau cùng của cụ? Còn tôi, lời sau cùng nếu được nói tôi sẽ nói gì? Có lẽ tôi sẽ nói rất khẽ: Chúa ơi, xin cho con tự do!

***

Tôi mở cửa lồng. Con sẻ nhảy loạn một vòng, rồi bay ra đứng nơi cửa một lúc, cất tiếng kêu như lạc giọng, đoạn nó bay tới, đậu nghiêng người trên gờ tường cửa sổ một lát, rồi như sung sướng, nó buông cánh tự rơi, và vụt bay qua cửa sổ, phóng ra vườn, lao vào dãy sồi xanh sẫm, kéo theo cả đàn sẻ không biết nấp ở đâu, bay theo và túa lên trời xuân ấm về nhiều phương khác biệt.

Tôi đứng nhìn lên những mái nhà chung quanh, lòng thầm ngậm ngùi nghĩ biết bao phận người như tôi, hiện không có tự do, dù có thể tạm thời. Họ vẫn đang bị giam hãm trong một màn lưới vô hình gọi là đại dịch. Nó vẫn phủ kín khắp nơi, và không ai biết bao giờ con người mới lọt qua được cái cửa lồng bao la này, để như con sẻ què kia, bay lên trời xanh vô tận.

17-4-2020

Comments are closed.