Varlam Shalamov
Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga “Колымские рассказы”, Nxb FTM 2010.
Chiều tối, vừa quấn thước dây lại, giám thị vừa bảo là hôm sau Dugaev sẽ được đo kiểm tra một mình. Đội trưởng, bấy giờ đứng bên cạnh và nài nỉ giám thị cho nợ “mười khối đến ngày kia”, đột nhiên im bặt và đưa mắt nhìn ngôi sao hôm lấp lánh sau đỉnh núi. Baranov, người làm cùng cặp với Dugaev, giúp giám thị đo đạc công việc đã thực hiện, nhặt xẻng cạo sạch gương lò đã được làm sạch từ lâu.
Dugaev mới hai mươi ba tuổi, và tất cả những gì tai nghe mắt thấy ở đây khiến hắn ngạc nhiên nhiều hơn là sợ hãi.
Cả đội tập hợp lại để điểm danh, trả dụng cụ và hàng ngũ không đều những tù cải tạo trở về lán. Một ngày vất vả đã kết thúc. Trong nhà ăn, còn chưa kịp ngồi xuống mà Dugaev đã kịp ghé miệng bát húp hết khẩu phần súp lạnh lõng bõng. Khẩu phần bánh mì cho cả ngày được phát vào buổi sáng và đãđược xơi hết từ lâu. Thèm một hơi thuốc. Hắn nhìn quanh, xem có thể xin ai chút mẩu thừa. Trên bệ cửa sổ Baranov đang đặt vào mẩu giấy những vụn thuốc gom từ chiếc túi lộn trái ra. Tỉ mẩn vét từng vụn thuốc, Baranov vấn thành một điếu nhỏ và chìa cho Dugaev.
– Hút đi, nhớ chừa lại cho tớ, – hắn mời.
Dugaev ngạc nhiên – hắn và Baranov không phải chỗ than tình. Hơn nữa, chả có tình bạn nào được đơm bông kết trái trong cái đói, cái rét và mất ngủ, và Dugaev, dù còn trẻ, song cũng kịp hiểu toàn bộ sự giả dối của câu thành ngữ về tình bạn được thử thách trong đau khổ và bất hạnh. Để tình bạn thật sự là tình bạn, thì cơ sở vững chắc của nó phải được đặt ra khi điều kiện sống còn chưa đi tới giới hạn cuối cùng, vượt qua đó con người đánh mất hết nhân tính, chỉ còn lại sự hoài nghi, độc ác và giả dối. Dugaev nhớ rõ một câu thành ngữ phương Bắc, ba điều răn cho đám tù nhân: không tin, không sợ, không xin…
Dugaev thèm khát rít hơi thuốc ngọt ngào, và cảm thấy đầu óc quay mòng mòng.
– Dạo này tớ đuối quá, – hắn bảo. Baranov lặng thinh.
Dugaev quay về lán, nằm xuống nhắm mắt lại. Thời gian gần đây hắn ngủ rất kém, cái đói khiến người ta khó lòng mà ngủ ngon được. Những giấc mơ thống khổ cứ chập chờn – những ổ bánh mì nhảy múa, những bát súp mỡ màng bốc khói… Mãi rồi cũng thiếp đi, còn những nửa tiếng mới đến giờ báo thức mà mắt Dugaev đã mở thao láo.
Cả đội đi làm việc. Mọi người tản ra các gương lò.
– Cậu đợi đó, – đội trưởng bảo Dugaev. – Giám thị sẽ cắt việc cho riêng cậu.
Dugaev ngồi bệt xuống đất. Hắn đã kịp mệt mỏi tới mức chẳng còn quan tâm đến bất kì sự thay đổi nào đối với số phận của mình.
Những chiếc xe cút kít đầu tiên đã rít ken két trên thang, tiếng xẻng xúc đá khua lạo xạo.
– Lại đây, – giám thị bảo Dugaev. Chỗ này của mày. I ước lượng thể tích gương lò và đánh dấu bằng một mẩu thạch anh. – Đến chỗ này – i bảo. – Thợ coi thang sẽ dẫn mày đến thang chính. Chở hết đến đó là xong. Này cầm lấy xẻng, cuốc chim, đục, xe cút kít – làm đi.
Dugaev ngoan ngoãn bắt đầu công việc.
“Càng tốt”, – hắn nghĩ. Không ai trong đám bạn tù sẽ càu nhàu là hắn làm việc kém. Đám cựu nông dân trồng lúa mì không cần phải hiểu và biết rằng Dugaev là người mới, rằng ngay sau khi tốt nghiệp trung học hắn vào đại học và từ băng ghế giảng đường chuyển thẳng đến gương lò này. Mỗi người phải tự lo lấy thân. Họ không có bổn phận, không cần phải hiểu rằng hắn đã kiệt sức và đói lả từ lâu, rằng hắn không biết ăn cắp: kĩ năng ăn cắp – đức tính căn bản của chốn lao tù phương Bắc này được thể hiện dưới mọi hình thức, bắt đầu từ mẩu bánh mì của bạn tù, và kết thúc bằng việc báo cáo quản giáo để nhận hàng ngàn phần thưởng cho những thành tích không tồn tại, không có thực. Chẳng ai phải bận tâm về việc Dugaev không thể chịu đựng nổi mười sáu giờ làm việc một ngày.
Dugaev đẩy xe, bổ cuốc, xúc đá lên xe, lại đẩy đi, rồi lại cuốc và xúc lên xe.
Sau giờ nghỉ ăn trưa, giám thị đến, nhìn qua những gì Dugaev đã làm rồi lặng lẽ bỏ đi… Dugaev lại bổ cuốc và xúc lên xe. Đến chỗ đánh dấu bằng mẩu thạch anh còn xa lắm.
Chiều tối giám thị lại xuất hiện và dỡ thước dây ra. – Y đo phần việc Dugaev đã làm.
– Hai mươi lăm phần trăm, – y bảo và nhìn Dugaev. – Hai mươi lăm phần trăm. Mày nghe rõ không?
– Rõ, – Dugaev nói. Con số ấy khiến hắn ngạc nhiên. Công việc sao mà vất vả thế, xúc bằng xẻng thì chẳng được mấy đá, bổ cuốc thì thất là nặng nhọc. Con số hai mươi lăm phần trăm định mức đối với Dugaev là quá lớn. Bắp chân mỏi nhừ, sức đè của xe cút kít khiến tay, vai, cả đầu nữa, đều ê ẩm. Cảm giác đói đã biến mất từ lâu.
Dugaev ăn vì thấy những người khác ăn, có điều gì đó mách bảo hắn là phải ăn. Chứ hắn chẳng muốn ăn chút nào.
– Sao nào, – vừa bỏ đi giám thị vừa nói. – Đến phải chúc sức khỏe cho mày mất.
Buổi tối Dugaev được gọi lên chỗ cán bộ điều tra. Hắn trả lời bốn câu hỏi: tên, họ, tội danh, thời hạn. Bốn câu hỏi, mỗi ngày người ta hỏi tù nhân đến ba mươi lần. Sau đó Dugaev đi ngủ. Ngày hôm sau hắn lại làm cùng với cả đội, với Baranov, còn đêm hôm sau nữa thì mấy người lính dẫn hắn đến chỗ điều tra, rồi giải đi theo lối mòn trong rừng đến một chỗ hầu như được quây thành một khe nhỏ, nơi một hàng rào sừng sững với dây thép gai quấn bên trên, từ đó hàng đêm văng vẳng tiếng xình xịch của máy kéo. Hiểu chuyện gì rồi, Dugaev thấy tiếc rằng hắn đã phí công lao động, phí công làm khổ mình vào cái ngày cuối đời hôm nay.
1955