Đưa văn chương đi, ừ thì đi

Dạ Ngân

Việc văn chương của các nước khác được chuyển ngữ ra sao, tôi không biết. Phạm vi biết của mình, chắc chắn hạn hẹp, nhưng đang lúc muốn viết gì đó về việc này, bèn cào phím, nói chuyện vui vui chút nghen.

Phàm việc gì thì cũng phải từ thân quen thân thiết mà nên, như làm ăn, vậy thôi. Hội đoàn ừ thì hội đoàn, nhưng cũng những nhóm nhỏ lành mạnh khuynh hướng mà thành. Nhóm đầu lĩnh gan thì bỗng chốc có giải lớn cho những cuốn sách quan trọng như Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng… hay nhóm Hội Nhà văn Hà Nội khi Hồ Anh Thái + Phạm Xuân Nguyên cầm trịch thì Gia đình bé mọn của tôi được giải và những cuốn khác của các tác giả, các dịch giả khác liên tục được vinh danh (xin phép không cần liệt kê ở đây).

Chuyện đưa văn chương (tôi chỉ xin được nói phần văn xuôi) đi Mỹ, công đầu phải kể đến các cựu binh của Trung tâm William Joiner mong muốn hàn gắn Mỹ – Việt cả khi chính phủ Mỹ chưa định bỏ cấm vận. Thế là xuất hiện những Kevin Bowen, Bruce Weigl, Lary Heineman, Wayne Karlin, Peter Zinoman, Rosemary Nguyen bên cạnh Hồ Anh Thái, Trương Vũ, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Nguyệt Cầm… Nxb Curbston Press đã in 13 đầu sách văn & thơ riêng hoặc chung cho nhiều nhà văn nhà thơ (trong nước) của Việt Nam. Trong cuộc đi xuyên Mỹ của nhóm Mỹ – Việt khi ra mắt Love after War (in 2003), cựu bình – GS Wayne Karlin phải lấy uy thế và chiều cao tầm 2m của mình để án ngữ phần nào trước những người Việt biểu tình bên ấy. Quả là một thời gay go và can đảm.

Năm 2006, sau khi Gia đình bé mọn nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, chính GS Wayne Karlin khích lệ tôi qua Hồ Anh Thái “Đến lượt Dạ Ngân rồi đấy” và ông ấy đã đề nghị Rosemary Nguyen chuyển ngữ. Vẫn Trung tâm William Joiner, vẫn Nxb Curbstone Press, và là cuốn thứ 13 (số xui) vì ngay sau đó, chưa kịp thực hiện chuyến PR như Nxb dự định cho dịch giả và tôi thì giám đốc Truyền thông qua đời và nhà ấy cũng bị sáp nhập với nhà khác. Chuyện buồn nhưng rất đáng nói về kỳ công sự dịch, là khi OK với đề nghị của Wayne Karlin và Nxb Rosemary đã thu xếp (kiểu Mỹ), đưa cả gia đình sang Hà Nội 2 năm để con gái học tiếng Việt, để gần tác giả, để ông chồng học và lấy bằng cao học (từ xa) và chắc chắn, là để trải nghiệm Việt Nam. Cho dù có một ông Cần Thơ trong nhà nhưng Rosemary vẫn làm việc về chữ nghĩa và các thứ với tôi mỗi tháng ít nhất một lần, rất kỹ.

Để thấy rằng, có thân thiết, có hội nhóm, vẫn phải có những người “ăn gì mà lọm cọm như thể trời đày như vậy chứ”. Đúng, văn chương là thứ trời đày, người viết cũng như người dịch, thôi thúc tình yêu với đất nước ấy, hoặc với quá khứ (đau thương) ấy, hoặc vì chính bản gốc ấy và sự trau dồi thứ tiếng mà họ gắn bó, chẳng hạn như trường hợp dịch thẳng của Rosemary Nguyen. Sau quãng nhà văn Hồ Anh Thái tự quàng trách nhiệm đầu lĩnh tổ chức phần văn xuôi, nay lại có thêm nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai với tấm lòng và khả năng kết nối lớn, hay tận tụy trời đày như GS Hà Mạnh Quân cùng TS Võ Quỳnh Hương (ở Mỹ) hay như nhà thơ Paul Christiansen (đang sống ở Sài Gòn). Vẫn cứ “ăn gì mà lọm cọm” so với thu nhập chính của họ, nhưng giải thích tình yêu thì không thể, vì yêu và thích, thế thôi. Mối Chúa – Tạ Duy Anh, tập truyện một tác giả Hà Nội lúc nửa đêm – Bảo Ninh, tập truyện nhiều tác giả trong Bến đợi (Longings, đã chào hàng), hay như sắp tới là Tắt đèn – Ngô Tất Tố… quả thực tin vui có phần dồn dập sau đại dịch đến giờ.

Nhưng, nhưng vì sao chuyện chuyển ngữ văn học nói chung vẫn khiến nhiều nhà văn ta sốt ruột hoặc “không thèm sốt ruột”? Vấn đề như là đang nghẽn ở đâu đó. Đơn cử Hàn Quốc, số tinh nhuệ viết lách (tạm gọi vậy) chừng vài trăm người nhưng số “dự bị” dễ đến hàng chục ngàn người – số này phải được báo chí chính thức xét chọn khách quan để được công nhận một cách rất chọn lọc khi được gọi là tác giả. Việc dịch ở bên ấy cũng phải có những người “ăn gì mà lọm cọm”, nhưng khác ở ta, các Quỹ văn học sẽ hỗ trợ. Dịch giả Kim Joo-Yong dịch Nguyễn Huy Thiệp cho biết, cô ấy được Quỹ Tinh hoa Văn học Thế giới của Hàn Quốc hỗ trợ, vậy mà phải mất nhiều năm mới dịch và in xong, chậm đến mức cô ấy buồn phát khóc khi biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không chờ được đến khi tập Tướng về hưu ra mắt.

Lại nói để hiểu vì sao ở ta, các nhóm nhỏ gần như tự bơi sau khi Trung tâm Willam Joiner kết thúc vai trò lịch sử. Tôi không thể nói kỹ về tổng thể tình hình dịch và đưa văn chương Việt đi nước ngoài, vì tôi không còn là hội viên của Hội Nhà văn nữa; tôi chỉ nghĩ rằng, nếu có quỹ đầu tư cho Trung tâm chuyển ngữ chẳng hạn, có thể Hội Nhà văn sẽ suốt ngày bị kiện vì ai cũng thấy sách của tôi mới xứng đáng được dịch sớm! Bạn có nghĩ như vậy không, chuyện buồn mà nhiều khi thành ra buồn cười là vậy, đúng không?image

image

image

clip_image014

Hai dịch giả trẻ Paul Christiansen + Nguyễn Lâm Thảo Thi và tôi mới đây ở Quán Ngon – Quận 1. Mà ngon thiệt vì chúng tôi nói đủ thứ về những điều trong stt của tôi hôm nay.

clip_image016

Người công lao lớn với Mỹ – Việt, nhà thơ Bruce Weigl – bên nhà thơ công lao "sắp lớn" nối tiếp Paul Christiansen – trước khi kéo lên nhà tôi.

Comments are closed.