Tự do thông tin và kiểm duyệt Internet

Lê Quốc Anh

Khi nhắc đến dân chủ, người ta hay nói đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, tóm lại là quyền tự do thông tin. Trong đó có quyền tự do truy cập thông tin trên mạng Internet mà không bị kiểm duyệt.

Phương Tây luôn được tự xếp hạng là khu vực có nền tự do thông tin cao nhất thế giới. Nhưng điều đó sẽ sớm chấm dứt. Một đạo luật về kiểm duyệt thông tin trên Internet đã được đệ trình lên Quốc Hội Pháp và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Dự kiến đạo luật này sẽ được bổ sung vào điều 6 trong bộ luật Đảm bảo và điều tiết không gian mạng SREN (https://www.assemblee-nationale.fr/…/alt/DLR5L16N47884).

Lấy lý do bảo vệ công dân của mình, chính phủ Pháp đang ép buộc không những các nhà cung cấp dịch vụ mạng (FAI) mà cả những nhà phát triển trình duyệt như Firefox, Chrome… phải đưa vào danh sách cấm truy cập các trang web do chính phủ cung cấp.

Việc khóa các trang mạng từ Trình Duyệt là một kỹ thuật không cho phép truy cập vào một số nội dung của một trang Web dựa trên địa chỉ URL. Kỹ thuật này không giống các bộ lọc của các nhà cung cấp dịch vụ mạng (FAI) mà để đối phó người dùng có thể đi vòng qua một địa chỉ IP khác, chẳng hạn dùng một VPN hay một Proxy để vượt qua, hay còn gọi là cách vượt tường lửa. Còn khi việc ép buộc các Trình Duyệt phải đưa danh sách cấm vào thì kể cả dùng VPN hay Proxy cũng không thể truy cập được, trừ khi tự viết riêng trình duyệt.

Lập luận của chính phủ khi đưa ra đạo luật này, đó là họ phải có trách nhiệm giúp cho người dân tránh khỏi những trang web lừa đảo, tin giả (fake news), khiêu dâm… Trên cơ sở lập luận này, họ cho rằng đôi khi cần phải có quyền hành can thiệp vào đời tư công dân của họ. Không để người dân muốn làm gì thì làm, muốn truy cập vào đâu thì truy cập.

Tất nhiên sẽ rất ít người phản đối khi chính phủ bảo rằng điều đó để ngăn không cho trẻ em truy cập vào nội dung khiêu dâm và rằng tự do thông tin không dành cho trẻ con. Họ cũng nói rằng trong xã hội mà bố mẹ không làm tròn bổn phận trách nhiệm quản lý con cái của mình thì Chính phủ phải ra tay bảo vệ trẻ em là tương lai của đất nước này.

Còn đối với người lớn, họ lập luận đạo luật mới sẽ bảo vệ người dùng khỏi những nguy hiểm rình rập trên không gian mạng do những hành vi lừa đảo trực tuyến, những thông tin sai lệch…

Tuy nhiên, dự luật mới này gây ra rất nhiều tranh cãi khi mà chính phủ Pháp nhờ đó mà tự trao cho mình quyền quyết định nội dung nào là hợp pháp, nội dung nào là không hợp pháp mà không cần thông qua một cơ quan tư pháp độc lập giám sát nào.

Chưa nói đến lỗ hổng bảo mật từ việc chặn trang Web bởi trình duyệt có nghĩa là trình duyệt phải kết nối với chính phủ để nhận và cập nhật danh sách cấm, một khi áp dụng, nó sẽ có tác động đến cả hai đối tượng người dùng: Đối với những nhà xuất bản nội dung, họ sẽ hình thành cái gọi là tự kiểm duyệt mất đi tính sáng tạo chỉ vì sợ do một sơ suất nào đó sẽ rơi vào danh sách đen của chính phủ. Đối với người đọc thông tin, một khi danh sách cấm bị lạm dụng, họ sẽ bị hướng theo những tin tức được chỉ đạo bởi chính phủ.

Như vậy nó đang vi phạm đến quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận, truy cập thông tin đa chiều từ các nguồn khác nhau.

Cái mà nền dân chủ phương Tây tự hào bao nhiêu năm nay.

Paris 15/09/2023

Comments are closed.