Hai lần gặp nhạc sĩ Hoàng Vân

Hà Nhật

Có lẽ nhạc sĩ Hoàng Vân đã rất ngạc nhiên khi lần đầu nhận được thư tôi. Hoá ra tên tác giả bài thơ mà anh vừa phổ nhạc, được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam rồi được lớp trẻ hát rầm rộ trên cả Miền Bắc, là một người có bút danh Hà Nhật!

Nói thật, nếu không có tác phẩm của Hoàng Vân, chắc không mấy ai biết bài thơ này. Thơ gì mà không có vần, không có điệu, chẳng có gì là du dương như người ta vẫn biết về thơ. Nhưng có lẽ đó chính là ưu thế của bài thơ: nó có khoảng trống cho nhạc sĩ.

Khi tôi có dịp ra Hà Nội để tìm thăm anh Hoàng Vân thì thật ra bài hát “Tâm tình người thủy thủ” đang vào buổi “thoái trào”, bởi vừa có mấy bài “phê bình” từ nhẹ đến nặng, mà nặng nhất là một bài trên tờ báo Nhân dân coi nó là một thứ “nhạc vàng”, gọi nó là như bài hát của một tên cướp biển!

Theo địa chỉ trên phong bì thư, tôi tìm đến nhà Hoàng Vân trên phố Hàng Thùng, một phố nhỏ cạnh Hồ Gươm. Không biết bây giờ các con cháu anh có còn ở ngôi nhà này không?
Gặp anh, tôi coi anh như một người anh. Anh hơn tôi 7 tuổi. Anh đã gian lao hò kéo pháo ở Điện Biên trong khi tôi đang ngồi yên trong lớp học của Trường Trung học chuyên khoa Khải Định!

Thế rồi mùa hè năm sau, thật bất ngờ, tôi lại gặp Hoàng Vân ngay bên bờ sông Nhật Lệ. Hóa ra anh đang làm cái việc mà lúc ấy ta vẫn gọi là “đi thực tế”!
Rồi anh báo tin vừa viết xong ca khúc mà anh đặt tên là “Quảng Bình quê ta”.
Nghe anh tự hát mấy đoạn, tôi bảo: “Anh đã có sự lựa chọn đúng cho bài hát này rồi: âm hưởng hò khoan Lệ Thủy, những chi tiết đẹp đáng nhớ về đất và người Quảng Bình”.
Bài hát của Hoàng Vân đã thực sự thành công, có lẽ vượt lên cả sự kỳ vọng của nhạc sĩ. Không chỉ được phát trên đài phát thanh, bài hát còn trở thành một tiết mục “ruột” của đoàn Văn công tỉnh.
Bí thư tỉnh ủy lúc bấy giờ là ông Thoan rất lấy làm tự hào về bài hát này. Ông cũng tự hào rằng những lời hay trong bài hát cũng là từ gợi ý của ông. Chẳng hạn:
Nếu ai hỏi vì sao quê hương ta nhiều ngói mới? Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi
… Có ai về Rào Nan…
… Có ai về Quang Phú…

Hoàng Vân như trở thành một vị thượng khách của tỉnh Quảng Bình.
“Quảng Bình quê ta” tự nhiên trở thành một thứ “tỉnh ca”. Sau đó, nhiều tỉnh sốt ruột, ngấm ngầm đua nhau đặt hàng “tỉnh ca” cho mình, nhưng xem ra không tỉnh nào thành công cho bằng Quảng Bình.
Tôi nghe nói, trong thời gian cuối cùng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được một cô gái Quảng Bình ngồi cạnh giường hát cho nghe “Quảng Bình quê ta”.
Có chuyện này thật thú vị.
Từ khoảng giữa năm 1972, những trận bom xuống cả vùng Quảng Bình Vĩnh Linh trở nên vô cùng dữ dội. Có những ngày, tôi ngồi ở phía Phú Vinh, đếm đến năm trận bom B52! Đây là loại máy bay ném bom theo kiểu gọi là “rải thảm”, mỗi đợt có ba “pháo đài bay” nối đuôi nhau mà rải thảm. Tuyên bố của chính quyền Nixon lúc ấy là: Đưa miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”!
Vì thế mà, từ tháng 8, bắt đầu những chuyến đi của những đoàn trẻ em từ Vĩnh Linh và Quảng Bình (chủ yếu là đi bộ) ra phía Bắc, trước hết là ra đến tỉnh Thanh Hoá. Những đoàn ấy được gọi là những đoàn K8.
Tình hình căng thêm, đến tháng 10 thì bắt đầu những đoàn K10, chủ yếu là những phụ nữ mang theo con nhỏ. Những ngày ấy thật bi thương!
Thế mà rồi, đúng là: cùng tắc biến, biến tắc thông!
Hiệp định Paris được ký. Hoà bình rồi.
Tôi trở về nhà mình, có gì nữa đâu! Tôi gác tạm mấy cây gỗ, che tạm mấy tấm ni lông lấy từ bao gạo của Trung Quốc. Một lần Lê Thị Mây ghé chơi đã tức cảnh:
Nhà anh Hà Nhật đúng là:
Nhìn lên thì thấy trăng thấy sao
Nhìn ra thì thấy sông thấy núi
Nhìn vào thì chẳng thấy chi…

Tuy nhiên chuyện vui nhất trong khoảng thời gian này chính là chuyện xảy ra trên những chặng đường của Quốc lộ 1.
Những đứa trẻ hôm trước K8, không nghe ai bảo, cứ từ các làng quê tràn ra, đón những chuyến xe đang chạy vào Nam. Không ai ngăn cản được chúng. Bởi chúng chẳng cần phải nói gì nhiều, chúng chỉ đua nhau hát toáng lên:
Quảng Bình quê ta ơi
Khoan khoan hò khoan
Muôn người như một

Thế là có anh tài xế nào mà từ chối được!

Comments are closed.