(Rút từ tập Không tỳ vết – NXB Hội Nhà văn, 2020)
Tôi đọc Mai Quỳnh Nam khá đầy đủ. Anh không viết nhanh, viết nhiều, nhưng đáng ngạc nhiên là anh viết đều đặn. Giống như một thứ nhật kí bằng thơ. Nhật kí lại thường là một thứ nhu cầu tự thân. Nhật kí cho ta nhìn rõ hành trình của kẻ viết ra nó. Ở đây, là hành trình của một thi sĩ. Trong cái hành trình đó của Mai Quỳnh Nam không có sự đột biến, không có những ngả rẽ của tư tưởng, sự thay đổi của bút pháp.
Mặt khác, thơ Mai Quỳnh Nam là một giọng điệu riêng biệt, không trộn lẫn, là sự thống nhất về bút pháp, về cách nhìn thế giới, về tư duy, và thẩm mỹ. Là một nhà nghiên cứu xã hội học, Mai Quỳnh Nam quan sát và suy ngẫm về đời sống, về thân phận con người, về những biến cố xã hội, ở những nhát lớn, mang chiều kích của những suy tư triết học. Và nhờ đó, anh đã không sa vào những tiểu xảo, vụn vặt. Là thi nhân, những quan sát, suy ngẫm đó lại thường bắt đầu, thường lóe lên từ những chi tiết, sự vật rất đỗi bình thường của đời sống, thậm chí, đó là các chi tiết, các sự vật chẳng có chút nào đặc biệt nhưng khi chúng đặt cạnh nhau lại gây ra những hiệu quả thẩm mỹ hoàn toàn bất ngờ với người đọc.
Nếu như ở một số nhà thơ, sự tràn trề xúc cảm giúp họ tìm thấy ngôn ngữ biểu đạt các trạng thái tinh thần tư tưởng, tình cảm thì ở Mai Quỳnh Nam, anh đi con đường ngược lại. Những phát hiện từ quan sát, suy ngẫm về con người, về các biến cố xã hội, cá nhân… mới tạo nên cảm xúc. Có lẽ bởi vậy, Mai Quỳnh Nam thường tự nhận là thơ anh khô, nghiêng về lí tính.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, không hẳn như vậy.
Phần lớn những bài thơ của Mai Quỳnh Nam đều có những phát hiện. Và phát hiện nào cũng đều là những nỗi buồn. Và càng ngày, thơ anh càng buồn hơn. Có nhiều những câu thơ đọc xong, thấy ngơ ngác buồn. Nỗi buồn giống như một tất yếu của cõi sống của chúng ta. Mà thi nhân là người chưng cất, cho chúng ta nhận chân sự thật.
Không tì vết là tập thơ mới nhất và là tập thứ sáu của Mai Quỳnh Nam, là sự trình bày một bước đi mới trong hành trình thơ của anh.
Không tì vết cũng là một nỗi buồn lớn, dằng dặc suốt kiếp người. Khi mà thi nhân đã bước vào cái tuổi tri thiên mệnh.
Nhưng vì sao lại là “không tì vết”? Chỉ có ngọc thì mới không tì vết. Phải chăng Mai Quỳnh Nam muốn nói rằng, trong cõi người này, chỉ nỗi buồn là đáng giá, là thứ có thể thanh lọc tâm hồn?
Giáng Vân
Thích ứng với cô đơn
anh tự do hơn
trong hữu hạn.
***
Chẳng có lý gì
trời không trả lại
bóng nắng hôm qua
rơi vào chỗ ấy
chẳng có lý gì
mắt tôi chỉ thấy
rơi vào chỗ ấy
bóng nắng hôm qua.
***
Em mang đến những miền ký ức
và hơn thế: một nỗi đau thường trực.
***
Hồn anh hoang vắng
sự hoang vắng của lòng anh rất khác sa mạc
nó rỗng
và không bát ngát
***
Tranh chấp dữ dội
giữa ánh sáng và bóng tối
nhưng rồi
bóng tối vẫn là bóng tối
ánh sáng vẫn là ánh sáng
ngay cả khi chạng vạng
cũng đủ nhìn thấy
ai vừa đi qua.
***
Không thể dự phần cùng họ
cuộc chơi xanh đỏ trắng đen
anh tồn tại bằng cách đứng yên
bằng cách đứng riêng.
***
Thế sự tít mù, anh chỉ là con tốt
con tốt đen chẳng có đường lùi
ấn một bước rồi bước thêm một bước
cuộc cờ tàn không kèn trống cáo lui.
Căn cước
Đấy là tôi, mà cũng chẳng là tôi
một tấm hình nhạt nhòa
vài con số bên dòng địa chỉ
không có gì thuộc về tính khí
đấy là tôi, mà cũng chẳng là tôi
có ngày sinh không có ngày chết
ai biết tôi chết khi nào thì viết ra cho
họ biết.
Lời nguyện cuối
Bạn có thể đặt lên mồ tôi một loài hoa
nào đó
một bông hoa nhỏ bé
nhưng nó thực là hoa
bạn nhé
Gió đầu đông
Cơn gió thoáng qua, rồi đi thôi
lạnh và mong manh như kiếp người
Cúc họa mi
Từng cánh mỏng, mỏng tang từng cánh
trắng lung linh chẳng níu kéo thêm gì
không có tiếng lấy màu làm tiếng
trắng dịu dàng, trong suốt cúc họa mi
Tiếng chim
Tiếng chim rất gần
tiếng chim rất xa
miền nào chẳng nhớ
nghe
rồi quên
bỗng một ngày lại ríu rít tiếng chim
xao động cánh rừng xa thẳm
lay thức thời gian sống
…có thể là hồi vọng
của tiếng chim
từ phía im lìm
Bán người
Bán người
mang đến lợi nhuận, chỉ sau ma túy và
súng đạn
bán người
bán thân thể, bán trái tim. Bán hết
em-thương phẩm của thị trường rủi ro
trong cơn tận diệt
Viết theo cách của H. Spencer*
Đang có sự tiến hóa thành một loài
ăn như con vật, nói như con người
lừa đảo cười tươi
*Herbert Spencer (1828-1905), nhà xã hội học người Anh, chủ trương tiến hóa luận
Nắng ở New York
Nắng lênh loang bóng nước
rơi theo chiều cắt dọc
ánh sáng vàng đen
gẫy gập trên đường
mặt trời bị sát thương
kẹt giữa những bức tường cao ngất
Đếm đến một
Một con cá bơi lội nhởn nhơ
một con cá nằm chờ trên thớt
một cành hoa cắm trên bàn thờ
một cành hoa vứt ngoài bãi rác
một giấc mơ xao động giấc mơ
một bi kịch, một bi kịch khác
Thống kê trong thơ W. Szymborska
Thống kê là biểu hiện mỹ cảm của thơ
W. Szymborska
thống kê về tình trạng sống
về tình trạng chết
về đồ vật
về chó, mèo, chim chóc
về Những người yêu thơ
Ba từ kỳ lạ nhất – sự quan sát ngập tràn
cảm xúc
thống kê hoàn toàn bất lực
trong tập hợp này:
sẽ không có người thứ hai
mang đến cho thơ
nhiều cảm xúc từ thống kê như bà
nghĩa là, không thể ai hoàn thiện
năng lực ấy
như W. Szymborska
Gửi N
Đọc anh rất khó
tôi phải nhờ hạt tuyết
phả ra hơi nước
để hiểu anh
tôi và hạt tuyết
giống nhau
ở sự tan dần