Một mẩu ký ức

Hoàng Dũng

TruongQuangDe_2

Chân dung nhà giáo Trương Quang Đệ

Có ai vỗ nhẹ vào vai. Hai khuôn mặt lạ hoắc, một trẻ một già, đang chăm chú nhìn mình. Người trẻ cất tiếng xin lỗi (mà lại bằng tiếng Anh!), rồi hỏi tôi mấy câu (về cái gì thì thú thực không còn nhớ được). Qua trao đổi, tôi biết họ là hai bố con, người Nhật, mới đến Huế một hai ngày, thuê phòng tại khách sạn Hương Giang, chỉ cách trường Đại học Sư phạm vài trăm mét. Họ vui chân dạo phố, rồi tình cờ vào trường. Còn tôi, một giảng viên trẻ, tối không có gì đọc, đành đạp xe lên trường, để đọc báo Nhân dân, tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn bao giờ cũng sẵn: ở cầu thang tầng trệt, luôn luôn có báo Nhân dân dán trên một tấm bảng gỗ treo sát tường. Cái vỗ vai ấy đúng lúc tôi đang chăm chú dí mắt đọc báo.

Thoáng một cái trước mắt tôi, là bóng của một người học trước tôi vài khoá, lúc này đang là Bí thư Đoàn trường. Cái bóng lướt qua, như tình cờ. Rồi mấy phút sau, tai tôi nghe một câu nói bằng tiếng Anh, âm điệu nhã nhặn, có lẽ là hướng về hai người nước ngoài kia: “Excuse me!”. Và một câu tiếng Việt, nghiêm nghị, lần này là cho tôi: “Cậu phải đưa họ ra khỏi trường ngay!”. Người nói hai câu đó, là thầy Trương Quang Đệ, Chủ nhiệm Khoa Ngoại ngữ[1]. Tôi hiểu ngay tình thế và mời hai bố con người Nhật cùng tôi ra khỏi trường.

Ở cổng trường, hai bố con người Nhật chưa chịu đi ngay. Người bố thì im lặng, luôn luôn nhìn vào tôi, dò hỏi và lo lắng. Còn người con thì bật thành lời: “Anh có an toàn không?” (Are you safe?). Tôi gắng gượng đáp: “Đất nước tôi không đến nỗi quá đen tối như ông nghĩ đâu!”.

Tôi quay vào trường. Một người đàn ông cao lớn, đẹp trai, đã chờ sẵn, tự giới thiệu là cán bộ Bảo vệ nội bộ – nghĩa là nhân viên an ninh. Tôi được yêu cầu phải làm bản tường trình. Gặp hai người Nhật đó như thế nào? Họ nói gì? Tôi nói gì? Càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt.

Một tuần sau đó, tôi được gọi gấp đến Phòng Tổ chức của trường. Lại một công an chờ sẵn, lần này là một người khác. Những yêu cầu cũ với những câu hỏi cũ nhưng đã hơi có tí đe nẹt: “Chúng tôi có bằng chứng anh đã gặp họ nhiều lần. Anh liệu mà khai cho đúng sự thật.”

Tôi còn được gọi đến Phòng Tổ chức vài lần nữa. Và có lẽ người ta thấy quả thực chẳng có vấn đề gì, nên rồi tôi được để yên.

Tôi dạy ở trường Đại học Sư phạm Huế được hơn 10 năm, và có dịp gặp lại thầy Trương Quang Đệ nhiều lần. Nhưng không lần nào thầy nhắc chuyện cũ. Tôi chỉ biết hôm ấy đến phiên thầy trực (hồi ấy lãnh đạo nhà trường phải chia nhau trực đêm); thầy được báo có sự cố và phải thân hành xuống giải quyết. Tôi lờ mờ hiểu vì sao thầy hành động như thế.

30 năm sau, tôi gặp thầy một cách tình cờ trong một cuộc toạ đàm tại Sài Gòn về giáo dục Việt Nam do một tờ báo tổ chức. Tôi nhớ đã nói hăng hái, rằng đứng trước cái thảm hoạ cả đất nước đói ăn, không thể cứ khăng khăng như cũ cái chủ nghĩa xã hội trại lính, người ta buộc phải cho phép “khoán hộ”, rồi “năm thành phần kinh tế”; nhưng chính giáo dục mới là thành luỹ cuối cùng của chủ nghĩa xã hội trại lính kia. Sự thay đổi về giáo dục sau mấy mươi năm “đổi mới”, đáng kể nhất chỉ là một sự kiện nặng về nguyên nhân kinh tế: cho phép thành lập trường “dân lập”, và sau đó “tư thục”. Còn cung cách quản lý đó vẫn còn nguyên. Mọi nỗ lực khai phóng thường đều vấp phải cái nhìn cảnh giác, quy vào tội “lơi lỏng”. Và để cho lòng nhiệt tình dắt dẫn, tôi nhắc lại câu chuyện mấy chục năm trước mình đã bị công an “hỏi cung” vì trót nói mấy câu với người nước ngoài, quên bẵng trong phòng họp đang có mặt thầy Trương Quang Đệ.

Xong cuộc toạ đàm, thầy gặp tôi, nhẹ nhàng nói: “Hồi đó, nếu tôi không làm như vậy thì cậu sẽ bị bắt lập tức!”.

Ôi thầy Đệ! May mà có thầy, có những người như thầy, trưởng thành ở “miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, hiểu rõ cách vận hành của nó, cứ lặng lẽ tháo gỡ tai vạ cho một thằng sinh ra lớn lên ở miền Nam như tôi – xã hội đã thay đổi tận gốc rễ, mà vẫn cứ ngờ nghệch!

Và tôi như thoáng thấy lại hình ảnh thầy, trong một chiều bóng tối bảng lảng và thỉnh thoảng nghe tiếng còi tàu hoả tha thiết. Thầy vừa ở Pháp về và đến thăm bạn, đang là Chủ nhiệm Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Huế; còn tôi ngẫu nhiên lại có mặt. Thầy sôi nổi và đau xót kể lại cảnh tàn sát sinh viên ở Thiên An Môn mà thầy chứng kiến qua màn ảnh truyền hình Pháp.

Vâng, Việt Nam may mắn không xảy ra Thiên An Môn, giết một lúc vài ngàn người. Nhưng những vụ bắt người lặng lẽ, những chuyện tù ngục oan ức có qua hay không qua toà án, có số nạn nhân dễ thường gấp vài lần Thiên An Môn.

Nếu không có thầy Đệ, biết đâu tôi là một trong số đó!


[1] Nhà giáo Trương Quang Đệ là một chuyên gia về giảng dạy tiếng Pháp, tác giả nhiều luận văn về ngôn ngữ học, triết học, truyện ngắn… viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Một số sách đã in: “Một linh hồn phiêu bạt” (NXB Văn hóa-Văn nghệ) 2012, “Au crépuscule & Autres nouvelles” (NXB Thời đại 2012), tạp chí Synergies – Pays riverains du Mekong của Nhóm Nghiên cứu Pháp ngữ quốc tế đã dành số đặc biệt năm 2013 cho chuyên đề “Trương Quang Đệ, Penseurs humaniste Vietnamien, Et le “gai savoir” liberateur” (TQĐ, nhà tư tưởng nhân văn VN, và nhà khai phóng “tri thức vui”) – VV

Comments are closed.