Nhớ bọ

Nguyễn Minh Kính                                                                                          Hồi ức

Tôi chỉ học trường làng và trường đời, nổi trôi long đong theo vận nước, cuối cuộc đời định cư ở Mỹ, xa nửa vòng trái đất. Do cơ duyên đưa đẩy nên tôi đã “biết nắng mưa nhiều”. Và cũng có lẽ vì thế nên tôi thường có những giấc chiêm bao, giấc mơ. Tôi mơ lang thang một mình trong rừng, mơ bay lượn trên bầu trời rồi né tránh những làn đạn từ dưới đất bắn lên, mơ gặp người xa lạ không nhớ nét mặt của họ ra sao; tôi cũng lại mơ mình bay lượn trên bầu trời, nhìn cánh đồng lúa xanh rờn đang thì con gái trên những thửa ruộng bậc thang quê nhà có guồng nước tự động đơn sơ bên bờ suối phát ra âm thanh kẽo cà kẽo kẹt hòa trong tiếng kêu thánh thót vang vang của những con chim chiền chiện.

Tôi mơ, tôi nằm chiêm bao gặp bọ ở quê nhà. Căn nhà gỗ ba gian nho nhỏ có vài đường nét chạm trổ đơn sơ của những người thợ mộc thời trước, mái lợp bằng lá cọ, đuôi được cắt xén thẳng thớm vui mắt, vách che bởi những tấm phên đan bằng cây nứa khá công phu, cầu kỳ. Phòng khách đơn sơ của dân miền núi chỉ có cái bàn và hai cái ghế dài nằm song song hai bên. Trong bộ quần áo bà ba nâu do vợ tôi may gửi về cho bọ sau năm 1975, bọ đang ngồi uống nước chè xanh và hút thuốc lào một mình.

Quê tôi, cha gọi là bọ. Bọ sinh năm 1915, rời cõi thế lâu lắm rồi, năm mươi năm, nửa thế kỷ rồi. Bọ tôi thuộc dòng họ Nguyễn Đình. Gia phả của dòng họ có lẽ cũng đơn sơ thôi nhưng đã bị thất lạc thời cải cách ruộng đất năm 1953. Dòng họ Nguyễn Đình ở quê tôi có lẽ phát xuất từ huyện Can Lộc di dân đến, có ba chi, chi lớn là ông nội tôi, làm Hương lý, một chức sắc nhỏ trong làng thời trước, chi thứ hai làm Chánh tổng và một chi thứ ba tôi chỉ nhớ tên là cố Chắt Đào.

Bọ tôi là con út trong gia đình có năm anh chị em gồm chị gái đầu và ba anh trai. Người chị đầu của bọ lấy chồng làm Lý trưởng nên gọi là o Cu Lý. Người anh lớn nhất của bọ làm Hương kiểm, cũng một chức sắc nhỏ trong làng, thường gọi là ông Kiểm Đậu.

Chi thứ hai của dòng họ có chú Nuôi Cung thoát ly gia đình theo kháng chiến. Chú đã giới thiệu và kết nạp bọ tôi vào đảng năm 1948 vì bọ là con út, trẻ nhất trong gia đình đã hăng say tham gia Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc Việt Nam.

Quê tôi là miền núi gần đại ngàn rừng xanh, thứ rừng xanh sâu thẳm có tiếng ma thiêng nước độc, là chiến khu kháng chiến chống Pháp của nhà chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng. Bọ tôi cũng võ vẽ được dăm ba câu tiếng Pháp khi vui vài chén rượu với ông bạn nào đó ở huyện Can Lộc phải đi bộ cả nửa ngày đường thỉnh thoảng đến chơi. Có lẽ bọ đã phải trèo đèo, lội suối, băng rừng băng truông xuống vùng đồng bằng để học chứ quê tôi thời Pháp thuộc làm gì có trường học.

Thời kháng chiến chống Pháp, quê tôi được gọi là vùng tự do, sống mộc mạc chan hòa với nhau theo tình làng nghĩa xóm; chánh tổng, lý trưởng hay chức sắc gì đó từ thời phong kiến để lại cũng là nông dân đầu trần chân đất với nhau, không phân biệt giai cấp gì ráo trọi. Đó là tôi kể thời gian trước phong trào cải cách ruộng đất.

Thời đó bọ được cử làm công an xã. Nghe nói đến công an thì người dân dù bất cứ nơi đâu đều có suy nghĩ lung tung, thương có, tôn trọng có, mà ghét cũng có, tùy hoàn cảnh và tùy theo từng con người nữa. Như đã nói, quê tôi toàn nông dân miền núi sống chan hòa, tình làng nghĩa xóm đậm đà, ai cũng một lòng một dạ theo kháng chiến chống Pháp dưới ngọn cờ giành độc lập dân tộc nên bọ tôi làm công an cũng nhàn. Tôi nhớ không lầm, thời kháng chiến chống Pháp, ở quê tôi trong ủy ban gọi là Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến, bọ tôi làm công an xã rất lâu. Cả ủy ban làm việc không ai có lương. Nhiệm vụ của công an xã là giữ gìn trật tự an ninh trong xã. Ăn ốc nói mò, đoán chừng chắc thời đó bọ tôi cũng là “dân có học” trong xã nên mới được đảm nhiệm việc này.

Nông dân miền núi xứ tôi hiền lành chất phác thực sự, chỉ sống với ruộng đồng nương rẫy. Sáng sớm tinh mơ đã nghe tiếng gà rừng gáy trên nương rồi. Đẹp và yên ắng thanh bình. Ai có xích mích gì với nhau thì báo cho bọ tôi đến giảng hòa, xong việc ngồi uống nước chè xanh, cười hể hả với nhau rồi ra về, không có gì phải nhức đầu suy nghĩ.

Xã tôi thời kháng chiến có tên gọi là xã Song Hương, không phải là sông Hương, vì chỉ có một con sông Ngàn Trươi chảy dọc theo năm xã miền núi. Thời đó nghèo lắm, sống đơn sơ lắm: tôi đánh cái quần xà lỏn, có khi chỉ bận cái áo nâu sòng dày bình bịch dài quá đầu gối kiêm luôn chức năng cái quần, chạy lăng xăng chỗ mẹ đang ngồi tập đánh vần chữ quốc ngữ. Mẹ ngồi viết và đánh vần tên các xã trong huyện Hương Khê nên tôi nhớ tên xã tôi là xã Song Hương từ thời đó.

Có lẽ ý các cụ thời đó muốn nói, “song” là song hành, đồng hành, đi cùng nhau, ôm ấp nhau sống chung với hương thơm của núi, của rừng nên mới gọi là xã Song Hương. Xã gồm có chín thôn xóm: Hợp Tài, Hợp Thành, xóm Hạ, xóm Trung, xóm Thượng, Hợp Trung, Hợp Tín, Lệ Mộc, Lệ Hòa. Đọc tên xướng tên những địa danh đó đã làm cho người ta gợi nhớ từ trong tiềm thức sâu xa khó ai mà quên cho được. Các thôn chạy dọc hai bên bờ sông Ngàn Trươi có nhiều con hói như hói Trí, hói Trùng, hói Bượm, khe Chàng, hói Mân…

Địa dư sinh sống của cái xã miền núi như thế, phương tiện giao thông chỉ có đi bộ. Ở thôn xóm nào có việc cần đến công an xã thì người nọ nói với người kia, truyền tin cho nhau rồi đến tai bọ tôi để bọ đến giải quyết. Có những cặp vợ chồng cơm không lành canh không ngọt, chưa tới mức có chiến tranh nóng, người ta cũng nhờ bọ tôi đến làm “quan tòa”.

Thời kháng chiến chống Pháp, cả xã Song Hương của tôi chỉ có một khẩu súng gọi là súng kíp do bọ cất giữ. Nói đến khẩu súng kíp chắc chỉ có lứa tuổi của tôi hoặc già hơn may ra mới nhớ, mà cũng chỉ nhớ mường tượng, còn chắc không ai hình dung nổi khẩu súng nó ra làm sao.

Tôi nhớ cái thân súng kể cả báng súng dài phải hơn một mét, cỡ nòng khoảng chừng mười lăm đến mười bảy mi-li-mét. Tận cùng sau nòng súng có một lỗ nhỏ và cái qui-lát bật kêu lách cách đập vào lỗ nhỏ có hạt nổ mồi lửa chuyền vào nòng súng để thuốc nổ trong nòng súng cháy và đẩy đạn đi. Thời đó đạn chưa có vỏ cát-tút bằng đồng bọc đầu đạn và chứa thuốc nổ ở trong. Đạn là những viên chì khối tròn cỡ bằng hạt đậu. Muốn bắn một phát súng kíp là cả một công đoạn vừa lâu vừa phải rất cẩn trọng.

Đầu tiên người ta bỏ thuốc súng vào nòng, kế đến là lớp giấy rất dày, mềm dễ cháy rồi nén thật chặt bằng một cây sắt gọi cây thông nòng. Cây thông nòng cũng để lau chùi, vệ sinh nòng súng. Khi cái qui-lát đập vào lỗ nòng súng có hạt nổ, lửa sẽ truyền vào nòng làm cháy khối thuốc đã nạp sẵn và đẩy các viên đạn đi. Tôi đã thấy bọ bắn súng kíp rồi và bọ chỉ bắn chơi thôi vì không có các viên chì trong nòng súng.

Tối Ba Mươi cúng tổ tiên xong, bọ nạp thuốc súng vào nòng để sẵn đó. Sáng Mồng Một tết, bọ mang súng ra đứng giữa sân, bỏ hạt nổ vào qui-lát chĩa súng lên trời. Tôi nhóng người, ngước cổ lên dòm bọ bật qui-lát để bóp cò. Bọ bảo tôi lấy tay bịt lỗ tai lại.

Tôi thích nghe tiếng súng nổ nên không chịu bịt lỗ tai. Một tiếng nổ “đoàng”, âm thanh dội qua dội lại từ dãy này sang dãy núi kia nghe ùng oàng ùng oàng, rồi lại ùng oàng vang rền cả một vùng núi rừng đang yên tĩnh thức dậy để đón ngày đầu năm mới. Hơn bảy mươi năm rồi, hôm nay tôi vẫn còn hình dung được những phút giây bọ bắn phát súng đó. Hình dung và nhớ bọ quá chừng.

Trong thời gian kháng chiến, những năm trước 1953, bọ đi dân công hỏa tuyến, tải lương thực vũ khí vào chiến trường Bình-Trị-Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên). Bọ phụ trách đoàn dân công của xã, ghi chép sổ sách, giấy tờ hàng hóa xuất nhập và giao nhận.

Làm công việc địa phương, thỉnh thoảng bọ được trên huyện gọi đi tập huấn, học tập lý luận chính trị gì đó. Tài liệu học tập, ghi chép, bọ ghi số thứ tự 1-2-3-4… Tôi le te không biết gì, lấy bút sửa lại toàn số 9, số 10, thỉnh thoảng cho số 8 vào.

Tôi nói với bọ, bọ đi học, người ta cho bọ điểm thấp quá, con sửa cho bọ điểm 10. Thời đó tôi chưa có em, là con một, được cưng chiều. Bọ nhìn tôi vừa cười vừa lắc đầu rồi nói: Thằng ni, con nít mà đã có tính thiên vị. Tôi nhớ hai tiếng “thiên vị” đến thuộc lòng mà không biết nghĩa của nó là gì.

Trong cải-cách-ruộng-đất, quê tôi cũng rất căng. Xã miền núi chín thôn xóm, dân cư thưa thớt mà có đến mười ba người bị quy địa chủ, cường hào ác bá, thành phần Quốc Dân Đảng.

Tôi nhớ những người đó là, ông Lê Văn Châu, ông Chắt Giảm ở xóm Hợp Trung, thường gọi xóm Bàu Ông. Ông Châu bị xử bắn. Ông Chắt Giảm bị quy Quốc Dân Đảng, cãi nhau với đội cải cách trong cuộc họp xóm không được, tức quá, về nhà thắt cổ tự tử. Cố Chắt Đoàn và ông Nuôi Thuần ở xóm tôi bị quy địa chủ. Cố Chắt Đoàn sợ quá cũng thắt cổ tự tử. Ông Phạm Trọng Huyến cũng ở xóm tôi, làm việc trong Ủy ban hành chính kháng chiến xã thời kháng chiến, bị quy Quốc dân đảng, thấy oan ức quá cũng lại thắt cổ tự tử. Anh Cu Vinh ở xóm Thượng vừa làm y tá vừa làm thợ may và gia đình buôn bán lặt vặt, bị quy thành phần cường hào, bóc lột. Thời cải cách, buôn bán cũng gọi là bóc lột. Người ta bắt anh quỳ, đội một rổ đá lên đầu để xỉa xói, đấu tố. Tôi và lũ bạn mười, mười hai tuổi rủ nhau đi coi.

Xóm Hạ có ông Chắt Đường, ông Bang Đường, ông Chắt Châu, ông Phó Tý, ông Cu Trạch, ông Chắt Thưởng, ông Trần Đình Sinh. Ông Bang Đường bị xử bắn, rồi vợ chết theo không biết lý do gì, đứa con trai độc nhất tuổi thanh niên bỏ làng ra đi không biết đi đâu. Ông Phó Tý tham gia hoạt động chống Pháp, bị Pháp đốt nhà mà bị quy địa chủ nên ông cũng thắt cổ tự tử. Ông Trần Đình Sinh không phải địa chủ nhưng bị quy thành phần cường hào nên sợ quá cũng thắt cổ chết.

Trong cải cách, dòng họ tôi cũng ổn vì các cụ đã qua đời, cố bà Chắt Tổng hiền lành lại có chú Nuôi Cung là con theo kháng chiến nên bình an. Bác tôi làm Hương kiểm cũng hiền lành, O Cu Lý có chồng làm Lý trưởng khôn khéo không mất lòng ai. Duy chỉ có bọ bị quy Quốc Dân Đảng. Bọ nhẫn nhục im lặng chịu đựng. Chính quyền cách mạng cho bọ ngồi chơi xơi nước. Tuy thế bọ vẫn chuyện trò vui vẻ với xóm làng. Bọ nói, ông đội trưởng cải cách là người miền Nam tập kết ra Bắc coi vậy cũng còn đỡ, chứ gặp phải một ông khác đến đây thì họ hàng ta chưa biết sẽ ra sao.

Cải cách ruộng đất xong, thôn xóm và toàn xã thành lập Hợp-tác-xã nông-nghiệp làm ăn tập thể, nghe nói để từng bước tiến lên Nông-Trang-Tập-Thể giống như Liên-Bang Cộng-Hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết bên Liên-Xô.

Vào Hợp-tác-xã là tự nguyện, không bắt buộc nên bọ và dăm bảy gia đình nữa không chịu vào mà vẫn làm ăn cá thể, vần công, đổi công cho nhau. Nhưng sau rồi vì áp lực bị bao vây ruộng đất, một kế sách rất khôn của hợp-tác-xã là họ cấy lúa trên những thửa ruộng của họ trước để bao vây, cô lập không cho những gia đình làm ăn cá thể dắt trâu bò vào cày bừa ruộng của mình, và hơn nữa việc chứng giấy tờ học hành cho con cái không dễ dàng nếu làm ăn cá thể nên bọ và những gia đình làm ăn riêng lẻ cũng phải vào Hợp-tác-xã nông nghiệp.

Bọ tôi được cử vào Ban Quản Trị Hợp-tác-xã làm nhiệm vụ thủ quỹ, thủ kho. Khen bọ lại hóa ra giống câu thành ngữ Mẹ hát con khen hay, mà thực tế khách quan nhận xét, nhìn lớp tuổi của bọ, cao hơn tuổi bọ và thậm chí trẻ hơn bọ nữa, thì bọ tôi vẫn là người có uy tín nổi trội trong làng xã. Có thể xứ núi rừng nghèo nàn lạc hậu, anh chột làm vua xứ mù, nhưng rõ ràng đúng như thế. Các loại giấy tờ tính toán, ghi chép sổ sách, bọ làm đâu ra đó. Bọ làm thủ kho kiêm cả thủ quỹ quản lý vừa thóc lúa vừa tiền bạc của Hợp-tác-xã từ năm này qua năm khác cho đến khi lâm bệnh qua đời.

Khi bọ qua đời, người cháu họ là chị Nguyễn Thị Hà gọi bọ tôi bằng chú ruột thay mặt gia đình để cùng với chính quyền địa phương và Hợp-tác-xã kiểm kê tiền bạc và kho thóc. Tiền bạc tất nhiên là nguyên vẹn, còn kho thóc sau khi kiểm kê xong chẳng những không bị hao hụt mà còn dôi ra. Nói dôi ra tức là còn thừa, nghe vô lý. Nhưng là thế này, theo quy định, thóc để trong kho được trừ một tỷ lệ hao hụt do thóc để lâu ngày bị khô sẽ nhẹ cân và một phần do sâu mọt nữa. Thóc dôi ra là vì thế.

Bọ thường có óc khôi hài, nói chuyện trạng cho vui. Tôi về quê nghe chị Hà con bác tôi và nhiều người khác kể lại, bọ tôi thường hay nói chuyện trạng. Hồi còn nhỏ, tôi đã được một lần nghe bọ kể chuyện khôi hài với mấy ông bạn hàng xóm lúc trà dư tửu hậu, về một ông cán bộ nào đó cưỡi ngựa đi hết làng này sang làng khác diễn thuyết hô hào kháng chiến chống Pháp. Ông cán bộ đó nói, muốn kháng chiến thắng lợi thì phải đủ ba cái, một là đủ người, hai là đủ lương thực, ba là đủ khí giới. Tiếng đủ dấu hỏi, quê tôi thường phát âm thành dấu nặng. Ông ấy cũng phát âm tiếng đủ có dấu hỏi thành dấu nặng mà lại còn nhấn giọng, nhấn âm rất trịnh trọng nữa.

Tôi có người bác ruột, anh trai thứ hai của bọ, tên gọi là bác Nuôi Phong cũng hay nói chuyện trạng, hễ ngồi uống nước chè xanh là nói chuyện trạng để cười chơi. Nơi thâm sơn cùng cốc lại sống thời lạc hậu không có một thứ gì vui chơi giải trí, không nói chuyện trạng, chuyện tiếu lâm có lẽ sẽ chết vì buồn.

À, mà quên, thời đó quê tôi nơi khỉ ho cò gáy vậy mà thanh, thiếu niên nam nữ đã biết nhảy “Xòn xòn, xòn đô xòn. Xòn xòn, xòn đô xi” rồi, và thêm điệu nhảy múa du nhập từ bên Liên-Xô hùng cường là bài nhảy, vừa nhảy vừa hát, “Bước đi… dân U-cờ-ren vui-mừng niềm-tin (là)… xiết bao. Xây nền tự-do hòa-bình… nước Liên-Xô vững-bền… Kìa muôn-nơi, vẫy sức-ta … ”.

Từng cặp nam nữ nhảy với nhau. Mỗi người chống tay bên hông, đứng đối diện nhảy, chân trái người nọ đá nhẹ vào chân phải người kia, đổi qua đổi lại. Rồi đổi tư thế, quay lưng lại, lưng người nọ đối diện lưng người kia, chân trái người nọ cũng đá nhẹ về phía sau chân phải người kia, cứ thế mà nhảy mà hát. Sau cùng là động tác đứng đối diện, quay mặt vào nhau, nắm tay nhau vừa nhảy vừa hát, rồi đưa tay qua đầu lộn vòng. Con trai nắm tay con gái thích quá, đèn đuốc không có, chỉ có ánh trăng lu, nhảy riết rồi con gái có đứa dại dột mang bụng bầu, lại phải ngồi họp kiểm thảo. Các ông bà già không biết nhảy, mà nhảy thì ai mà coi cho được nên chỉ nói chuyện trạng thôi.

Năm 2017 tôi về quê bốc mộ cho bọ để đem về một nơi chung của dòng họ. Cốt của bọ chỉ còn cái xương sọ là được thấy rõ ràng nhất. Tôi đứng lặng người cả mấy phút đồng hồ nhìn cái xương sọ của bọ mà nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt hồi tưởng hình ảnh của bọ thời tôi còn tuổi niên thiếu.

Lần về đó, đứa cháu họ của tôi làm trong Mặt Trận Tổ Quốc xã nói, trước đây các đảng viên qua đời, giấy tờ, hồ sơ thường hủy đi, nay bắt buộc phải lưu giữ lại. Nó nói, cháu sẽ phô-tô hồ sơ đảng viên cha của chú cho chú coi.

Tôi đã đọc và phô-tô lời nhận xét của Chi ủy cùng Đảng ủy xã có con dấu đỏ chói nói về bọ tôi để làm kỷ niệm chơi.

Lời nhận xét như vầy: “Có tinh thần chịu khó trong công tác Đảng giao, Đảng điều. Tinh thần đấu tranh đoàn kết yếu, quan điểm lập trường không rõ ràng”.

clip_image002

Bọ ơi, ngày nay nhiều đảng viên ở nông thôn đã không còn sinh hoạt đảng, họ lặng lẽ âm thầm bỏ đảng và một số đảng viên trí thức có tên tuổi đã từng cống hiến tài năng công sức cho đảng, cho đất nước cũng đã xin ra khỏi đảng, vì họ cảm thấy làm phiền đảng. Rồi lại có những đảng viên trí thức tài giỏi khác nữa bị khai trừ khỏi đảng vì họ không muốn làm theo ý đảng. Chưa hết, thậm chí có những đảng viên cấp cao, cao thật cao được đào tạo kỹ càng bài bản, học vị học hàm đầy mình cũng bị khai trừ khỏi đảng vì thoái hóa, biến chất, tham nhũng, ăn của nước của dân…

Thế thì, “Tinh thần đấu tranh đoàn kết yếu, quan điểm lập trường không rõ ràng” mà người ta phê trong hồ sơ lý lịch cho bọ có nhằm nhò gì đâu, thấm thía gì đâu.

Xin bọ hãy thảnh thơi yên nghỉ ở thế giới bên kia để chờ tái sinh vào kiếp khác, nơi đó yên bình và giàu lòng nhân ái hơn, thưa bọ.

Biển nước mênh mông không đong đầy tình mẹ, Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.

Hôm nay lại đúng vào ngày Lễ Cha (Father Day) trên đất Mỹ, dân Mỹ rộn ràng mua những bó hoa tươi thắm và những món quà có ý nghĩa để tặng Cha làm con thêm day dứt nỗi nhớ Đấng Sinh thành.

                                                                                                                16-06-2024

Comments are closed.