Những mảnh đời sau song sắt (kỳ 2)

Hồi ký của Phạm Thanh Nghiên

PHẦN MỘT

————————————

NHỮNG CHUYỆN

TRẦN PHÚ

01 —  

Mười Một tháng Chín

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, Osama bin Laden tấn công nước Mỹ. Cả thế giới chao đảo. Khoảng ba ngàn người mang nhiều quốc tịch đã thiệt mạng, hàng ngàn người khác bị thương. Mười Một tháng Chín trở thành nỗi kinh hoàng của loài người. Sự kiện này đã châm ngòi cho một cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu.

Bẩy năm sau, cũng vào ngày này, không phải Osama bin Laden không xảy ra ở nước Mỹ, cũng không ai bị chết. Ngày 11 tháng 9 năm 2008, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mở một chiến dịch bắt bớ với quy mô lớn nhằm vào các nhân vật tranh đấu cho Nhân Quyền và Dân Chủ. Phong trào đấu tranh trong nước bước sang một giai đoạn thử thách mới, khó khăn và khốc liệt hơn.

Nhiều tuần lễ trước khi xảy ra sự kiện 11/9/2008, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu chiến binh Vũ Cao Quận và tôi gần như bị giam lỏng tại nhà sau khi cùng viết đơn xin phép biểu tình hồi tháng 6/2008, yêu cầu có biện pháp đẩy lùi lạm phát. Do bị từ chối, chúng tôi làm đơn khiếu nại và cuối cùng dẫn đến việc tôi khởi kiện UBND thành phố Hà Nội hơn một tháng sau đó. Việc làm này được nhiều người tranh đấu nhận xét là “sáng kiến táo bạo chưa từng thấy trong chế độ cộng sản.”

Một lần hiếm hoi ra được khỏi nhà, tôi đã bị một số kẻ lạ mặt chặn đánh giữa đường. Một tên trong đám hành hung tôi đã đe dọa: “Nếu mày không dừng lại những việc chống đảng thì đừng có trách.” Mấy hôm sau, chị gái và hai người cháu tôi đã gặp một tai nạn giao thông đầy nghi vấn. Không ít người khẳng định thủ phạm đứng sau vụ tai nạn chính là công an cộng sản. Vụ tai nạn khiến đứa cháu gái hai mươi mốt tuổi của tôi gãy tay, chị tôi bị xây xước khắp người và thương tâm nhất là đứa cháu gái mới bốn tuổi rưỡi bị thương ở mặt. Chúng tôi đã sống trong không khí ngột ngạt suốt mấy tháng ròng. Người thân của tôi thực sự phải trải những tháng ngày vô cùng căng thẳng, điều mà họ hoàn toàn không phải gánh chịu. Họ đã trả giá cho lý tưởng của tôi.

Khoảng 20 giờ ngày 11/9, tôi được điện thoại của bác Vũ Cao Quận. Cho đến lúc này, tôi vẫn nhớ giọng nói hốt hoảng của bác:

– Liên* ơi! Bác nghĩ chú Nghĩa bị bắt rồi. Bác gọi điện mãi không thấy chú trả lời.

Tôi cố giữ bình tĩnh để trấn an “người lính già” — bác thích được gọi như thế — nhưng không khỏi bối rối trước vẻ cuống quýt của ông. Bằng kinh nghiệm và linh tính, ông khẳng định nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị bắt. Buông điện thoại xuống, tôi gặp ánh mắt của mẹ. Có vẻ bà hiểu mọi chuyện. Tôi im lặng, lúng túng không biết phải bắt đầu ra sao.  Không để tôi khó xử, bà nói, giọng xúc động nhưng bình thản:

– Chú Nghĩa bị bắt rồi phải không? Thôi, cứ bình tĩnh chuẩn bị tinh thần đi là vừa.

Tôi thầm cảm ơn mẹ. Và muốn nói thật nhiều. Nhưng tôi không làm thế. Tôi sợ phải khóc.

Tôi điện thoại cho anh Phạm Văn Trội, đáp lại là giọng nói từ phía tổng đài. Gọi cho thầy giáo Vũ Hùng, không có tín hiệu. Gọi cho Ngô Quỳnh, Tiến Nam đều không ai nhấc máy. Sự im lặng đáng sợ. Tôi không hy vọng sẽ nhận được tín hiệu từ cuộc gọi tiếp theo. Nhưng Nguyễn Phương Anh đã nghe máy và tôi thực sự ngạc nhiên trước vẻ thản nhiên của anh. Chưa bao giờ tôi làm việc trong trạng thái căng thẳng như thế. Phải chạy đua với thời gian. Đã nửa đêm và công an có thể xông vào nhà, lôi tôi đi bất cứ lúc nào. Điện thoại và Internet chưa bị cắt. Phải tranh thủ tận dụng “may mắn” này. Thông tin về các vụ bắt bớ bắt đầu được loan tải. Hàng chục cuộc điện thoại, hàng chục người liên lạc qua Internet. Nhưng không có tín hiệu nào từ phía người thân của những người bị bắt. Đó quả là một điều kinh khủng.

Hôm nay, rất có thể sẽ là ngày cuối cùng tôi còn được ở trong ngôi nhà của mình. Thi thoảng, nghe tiếng mẹ tôi thở dài. Bà không ngủ, cũng không cho tôi lại gần, không nghe tôi nói. Tôi trở lại trước bàn làm việc. Ba giờ sáng, công an chưa xông vào. Điện thoại reo:

– Cháu ơi! Cô Nga đây… chú Nghĩa bị bắt rồi… lúc tám giờ nhưng cô không thể liên lạc được vì bị cắt điện thoại. Giờ mới tìm được số của cháu. Cô phải nhờ hàng xóm gọi hộ. Gần chục xe hơi…đen xì…từ Hà Nội… xuống đưa chú đi.

Giọng cô Nga đứt quãng, hốt hoảng.

Vợ chồng chú Nghĩa có ba người con trai và cả ba đều vắng nhà. Người phụ nữ duy nhất trong gia đình phải một mình chịu đựng những giờ phút kinh hãi và bất lực chứng kiến cảnh hàng chục công an, mật vụ bắt chồng mình đi giữa đêm khuya. Tôi phải làm điều gì đó.

Tôi sẽ Tọa kháng. Đúng. Tọa kháng!

Những dòng đầu tiên của bức “Tâm Thư” được gõ trên bàn phím. Chưa bao giờ tôi thấy mình ở vào trạng thái nhiều cảm xúc mãnh liệt đan xen, bề bộn như thế. Và cũng là lần đầu tiên, tôi thấy tự hào và thấy thương chính mình đến thế. Bức “Tâm Thư” sẽ là lời nhắn nhủ sau cùng của tôi trước khi rời bỏ căn nhà quen thuộc để bước tới một nơi tối tăm, đầy nguy khốn: Nhà tù.

Phải làm nhiều việc nên gần sáng, tôi mới hoàn thành bức “Tâm Thư.” Tin chắc sẽ bị bắt và bị khám nhà, tịch thu mọi phương tiện làm việc vào sáng hôm sau nên tôi chuyển ngay bài viết cho một người bạn ở nước ngoài. Nếu tôi bị bắt, bức “Tâm Thư” sẽ được ngay công khai trên mạng internet. Nếu không, nó sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp theo dự tính của tôi.

Khoảng mười một giờ trưa, công an bắt đầu gọi cửa. Đồng thời ra ngay… tối hậu thư sẽ phá cửa xông vào nếu chủ nhà chậm trễ. Hàng chục công an, mật vụ đủ các cấp vòng trong vòng ngoài như vây bắt quân khủng bố. Đối thoại với tôi lần này là người của cơ quan an ninh điều tra, những người tôi chưa bao giờ chạm mặt:

– Yêu cầu chị đi với chúng tôi lên cơ quan an ninh điều tra. 

– Vì sao tôi phải đi với các anh? Các anh là ai?

Một trong số nhân viên an ninh trả lời. Anh ta chính là người thụ lý vụ án của tôi sau này:

– Tôi là Đinh Trọng Chiềm thuộc cơ quan an ninh điều tra. Chúng tôi triệu tập chị và chị phải đi ngay lập tức. Đây là lệnh!

– Lệnh miệng?

– Không, có giấy triệu tập hẳn hoi.

Chiềm quả quyết.

– Đưa tôi xem!

– Chị không cần xem. Chúng tôi làm việc theo pháp luật.

– Hãy chứng minh các anh làm việc theo pháp luật bằng cách đưa giấy triệu tập cho tôi.

Sau một hồi bị chất vấn, cuối cùng một người miễn cưỡng mở chiếc cặp đựng hồ sơ, lấy ra tờ giấy triệu tập. Nhưng tôi đưa tay định cầm thì rất nhanh, anh ta rụt lại.

– Chị không được cầm.

– Ô hay! Các anh triệu tập tôi mà không đưa giấy cho tôi. Làm gì có thứ pháp luật nào như thế?

– Chị đừng lằng nhằng, đi ngay khi chúng tôi còn kiên nhẫn với chị.

Một tay an ninh khác gằn giọng.

Cuộc đôi co giữa một công dân với những viên an ninh trở nên căng thẳng. Giải pháp tháo gỡ bế tắc được đưa ra là một người đại diện cho bên điều tra sẽ chìa bằng chứng luật pháp tức tờ giấy triệu tập ra trước mặt tôi, căn đúng khoảng cách để tôi có thể đọc nhưng đảm bảo tôi không có cơ hội chạm vào nó. Rồi thu tờ giấy về khi “tên phản động” đã đọc xong. Nhưng tôi chưa đọc hết nội dung giấy triệu tập, anh ta đã vội rụt tờ giấy về, cất vội vào cặp trước sự ngẩn ngơ của tôi. Đại diện cơ quan an ninh điều tra giải thích rằng tôi là đối tượng đặc biệt nên không được sở hữu giấy triệu tập dù không pháp luật nào quy định như thế. Hiểu nôm na là có những thứ pháp luật…không tiện quy định trên giấy tờ. Thường thì cách hành xử và ý muốn của công an trước mỗi sự việc, mỗi con người cụ thể sẽ được hóa phép thành luật ngay tức thì, cho dù “luật” ấy vô lý đến khó tin.

Nhìn vẻ mặt căng thẳng của viên công an vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo toàn tờ giấy triệu tập không bị rơi vào tay “kẻ thù”, tôi phì cười:

– À, không dám cho tôi nhận tờ giấy triệu tập như pháp luật quy định cũng đúng thôi. Rõ buồn cười! Các anh xông vào nhà tôi lúc 11 giờ trưa và chìa cho tôi xem lệnh triệu tập lúc 10 giờ 30 phút mà dám lớn tiếng với tôi rằng đang thừa hành luật pháp. Một đứa trẻ con chắc còn thấy vô lý huống hồ cả một cơ quan an ninh với bao nhiêu bộ óc tài giỏi. Chưa kể những…

– Hoặc chị ngoan ngoãn đi theo chúng tôi, hoặc chúng tôi sẽ có biện pháp với chị.

Một an ninh đứng tuổi cướp lời tôi và đe dọa. Đôi mắt anh ta có vẻ căm tôi lắm. Tôi hiểu từ “biện pháp” anh ta dùng nghĩa là gì. Tôi nhìn anh ta, vẻ thách thức:

– Tôi sẽ không tự đi, nếu muốn các ông cứ khiêng tôi đi nhưng xin báo trước, tôi cũng sẽ về theo thế song song với mặt đất chứ không tự về đâu. Đi sao về vậy.

– Không. Đừng có động vào con tôi. Các người không được phép.

Mẹ tôi thét lên khi nhìn thấy mấy an ninh nữ bắt đầu tiến lại chỗ tôi. Rồi bình tĩnh nói với con mình:

– Con ạ, đừng để họ động vào người con. Mình không cưỡng lại được đâu. Đi đi, mẹ ở nhà chờ cơm.

Tôi bước vào chiếc xe hơi đã mở cửa chờ sẵn. Mỉm cười với chính mình khi thấy lũ người hộ tống phía sau, rồi thầm nghĩ: “Mình cũng oai ra phết.” Lúc này chỉ còn lại mình mẹ tôi trong căn nhà vốn luôn bị biến thành “lao thất”, dưới sự canh gác nghiêm ngặt của các tay công an làm nhiệm vụ cai tù. Cái nóng giữa trưa của tiết trời mùa thu khiến tôi ngột ngạt. Không giống thái độ hống hách, vô lối lúc bắt người, cơ quan an ninh điều tra “làm việc” với tôi bằng thái độ khá lịch sự. Lịch sự tới tận lúc còng tay rồi tống tôi vào nhà giam vài ngày sau đó.

Tôi bị thẩm vấn ròng rã suốt một tuần. Họ nói sẽ đáp ứng bất cứ món ăn nào tôi yêu cầu cho bữa trưa nhưng về nhà thì không. Tôi từ chối. Và tôi đã phải tuyệt thực “oan” suốt thời gian bị thẩm vấn cho tới khi bị bắt.

Hàng ngày, xe công an đến đưa tôi lên cơ quan an ninh điều tra, tối đưa về. Chai nước lọc được mẹ chuẩn bị sẵn để tôi mang theo hàng ngày trở nên quý giá. Nó giúp tôi vượt qua cơn đói và thấy ấm lòng hơn suốt một tuần bị lôi đi thẩm vấn, bị đủ loại công an khủng bố tinh thần.

Chiều ngày 12/9, sau gần bốn tiếng đấu trí, tôi được đưa trở về nhà. Cuộc khám xét bắt đầu. Công an vòng trong vòng ngoài như tập trận. Máy tính, máy in, ổ USB, điện thoại, máy ghi âm, sách báo, album ảnh…, tức tất cả những gì bị công an coi là phương tiện và bằng chứng phạm tội đều bị thu giữ. Những bức hình chụp chung với gia đình, với vật nuôi trong nhà; những cuốn sách do nhà xuất bản trong nước phát hành, được bán công khai tại các nhà sách như Hoàng Sa, Trường Sa Là Của Việt Nam, Các Vấn Đề Quốc Tế… đều bị coi là “vật chứng phạm tội” và bị thu giữ. Những mẩu giấy vụn trong thùng rác cũng được lôi ra. Mọi cử chỉ, sinh hoạt của từng thành viên gia đình đều được các con mắt nghiệp vụ săm soi kỹ càng. Lần đầu tiên tôi được…đi vệ sinh trong sự tháp tùng của một nữ an ninh xinh đẹp. Ngồi bên trong, tôi thấy chị ta dí sát mắt qua khe cửa. Quả xứng với danh hiệu công cụ trung thành của đảng.

Nhìn hai thùng bìa các-tông đựng tài liệu công an vừa thu giữ, mẹ tôi thay vì sợ hãi, đã tỏ ra bình tĩnh làm cho những người chứng kiến phải ngạc nhiên:

– Đây là các tài liệu rất quý. Các anh mang về, chịu khó mà đọc, mà nghiền ngẫm. Rất có ích cho các anh.

Bọn họ nín thinh, làm như không nghe thấy.

Buổi “làm việc” có biên bản với đầy đủ chữ ký của người chứng là ông tổ trưởng tổ dân phố và vài người hàng xóm. Chỉ có điều, “đương sự” bị đẩy ra rìa. Cho đến hôm nay, khi đã mãn hạn tù, tôi vẫn chưa một lần được nhìn thấy cái “Lệnh khám nhà” và “Biên bản thu giữ tang vật” tròn méo thế nào. Đối lý mãi mới được tặng cho lời hứa sẽ gửi một bản vào hôm sau kèm theo lời giải thích: “Bây giờ tối rồi, không xin được chữ ký lãnh đạo, mong thông cảm.” Trời ơi! Những tên cướp của hại người cũng cần ở nạn nhân sự thông cảm nữa ư?

Một toán công an mang chiến lợi phẩm đi. Số đông còn lại tiếp tục phận sự của những cai tù.Chiếc điện thoại của mẹ là phương tiện duy nhất giúp tôi liên lạc được với vài người bạn. Sức khỏe của tôi thực sự giảm sút mấy ngày sau đó. Mẹ tôi phải mời một cô bác sĩ gần nhà đến khám và truyền nước cho tôi. Trong lúc nằm truyền nước, công an đứng vây quanh giường, yêu cầu bệnh nhân đi “làm việc.” Tên Đinh Trọng Chiềm liên tục chất vấn mẹ tôi và bác sĩ về tình trạng sức khỏe của tôi. Cố giữ không cho cơn phẫn nộ được dịp bùng phát, tôi gắng gượng, bằng thái độ khinh ghét và giọng nói mệt mỏi:

– Nếu muốn, các người có thể bắt tôi.

Làm loạn một hồi, tên Chiềm dẫn quân ra ngoài, không quên “mặc cả”:

– Chiều chị nhớ đi đấy, nếu muốn nghỉ, phải viết giấy xin phép.

Có lẽ hắn tưởng cơ quan an ninh điều tra là trường tiểu học còn tôi là bạn cùng lớp với hắn. Hóa ra, cụm từ “an ninh quốc gia” không chỉ gợi sự nghiêm trọng, đáng sợ hay sự cấm kỵ… Nó còn gồm cả những chi tiết hài hước, ngớ ngẩn như các bộ phim hài rẻ tiền trên truyền hình được một bộ phận khán giả dễ tính ưa chuộng. Đối với những kẻ cai trị, “an ninh quốc gia” là đôi đũa thần, chỉ tới ai kẻ đó phải chết. Đối với nạn nhân và những người hiểu biết, cụm từ này gợi lên sự giả dối, phi lý và ngược đời. Ngược đời như kiểu triệu tập lúc 10 giờ 30 phút nhưng 11 giờ cùng ngày mới mang “lệnh” đến và “đương sự” bắt buộc phải tuân lệnh, không có quyền chất vấn cũng như không được chạm vào giấy triệu tập.

Buổi chiều, tên Chiềm nheo nhéo trong điện thoại, giục đi làm việc nhưng tôi cúp máy. Bọn họ không xông vào lôi tôi đi như thường ngày.Và cô bác sĩ cũng không đến điều trị cho tôi như đã hẹn. Ngày 14/9, tôi nhờ người bạn đưa bức “Tâm Thư” lên mạng. Ngày này, đúng 50 năm trước, Phạm Văn Đồng đã sỉ ký bức công hàm công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của cha ông để lại.

Trước khi chiến dịch bắt bớ ngày 11/9 diễn ra, trên các mạng internet đã truyền đi lời kêu gọi người dân xuống đường biểu tình bày tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc. Trong tình trạng bị quản thúc nhiều ngày trước đó, việc rời khỏi Hải Phòng để đến với cuộc biểu tình trước trụ sở đại sứ quán Trung Cộng tại Hà Nội là điều không thể.

Trước thực tế khó khăn như thế, tôi đi đến quyết định “biểu tình tại nhà” với khẩu hiệu mang nội dung khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo trên và phản đối công hàm của Phạm Văn Đồng. Tôi chưa kịp nói dự định của mình cho nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vì khi đó, tôi còn lưỡng lự và nuôi hy vọng sẽ may mắn vượt qua tầm kiểm soát của những tên mật vụ đang canh gác ngoài kia để góp mặt trong cuộc biểu tình. Đến khi chú Nghĩa và một số người hoạt động khác bị bắt, tôi mới quyết định tọa kháng.

Sau này khi ra tù, một số người nói tôi đã “phát minh” ra việc “tọa kháng tại gia”, vì trên thế giới người ta thường chỉ tọa kháng ngoài trời với số đông chứ chưa nghe nói tới việc làm tương tự như của tôi. Tôi không dám chắc mình có phải người tạo ra điều thú vị ấy không. Hoặc đã có những người từng làm thế trước đó nhưng không ai biết, hoặc thông tin ấy không nằm trong phạm vi hiểu biết của những người bạn tôi nên họ tặng danh hiệu “phát minh” cho tôi. Song chắc chắn một điều là tôi sẽ không thể nghĩ ra việc tọa kháng tại nhà nếu không bị chính quyền kìm kẹp trong khi ý chí phản kháng luôn thôi thúc tôi phải vượt thoát khỏi sự kìm kẹp đó.

Sáng ngày 17/9, như thường lệ, xe của công an đến cưỡng chế tôi đi “làm việc.”

Trong lúc ngồi chờ các điều tra viên, Lã Thị Thu Thủy và tôi có cuộc tán gẫu khá thú vị. Thủy là người của phòng an ninh chính trị. Chị ta có mặt ở tất cả các cuộc gặp gỡ, làm việc và nhiều khi trực tiếp thẩm vấn tôi. Tuy chạm mặt nhiều lần, tôi chưa bao giờ thấy chị ta mặc sắc phục. Sau này, khi tôi ra tù, chị ta vẫn là bộ mặt quen thuộc đeo bám tôi. Và vẫn như trước, tôi chưa bao giờ thấy chị ta trong bộ sắc phục, kể cả khi “làm việc” trực tiếp hay những lần bố ráp canh gác nhà tôi. Chị ta luôn bịt kín mặt. Nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi nhận ra ngay cả khi Thủy đứng lẫn lộn trong đám đồng nghiệp, côn đồ hành hung tôi hôm mồng 2 tháng 5 năm 2015. Trong một cuộc thẩm vấn vài tháng trước khi bị bắt, tôi đã yêu cầu chị ta ra ngoài vì không mặc sắc phục và có thái độ hống hách, thiếu lễ phép với tôi. Lần này, chị ta cùng các đồng nghiệp bên phòng an ninh chính trị vẫn hiện diện nhưng việc thẩm vấn thuộc cơ quan an ninh điều tra.

Kéo ghế ngồi sát bên tôi, chị ta dạo đầu:

– Ở đây thiếu gì nước uống mà ngày nào em cũng mang theo cho bận ra?

Dù không thích, tôi vẫn miễn cưỡng giữ lịch sự:

– Quen rồi chị ạ.

Bằng cử chỉ thân mật, chị ta ngồi sát hơn và đưa tay…. bới tóc tôi. Tôi không biết phải đánh giá hành động đó như thế nào nhưng nếu đó là nghiệp vụ chị ta được đào tạo thì quả là đáng khâm phục. Một người bình thường không thể “giả yêu” khi trong lòng ghét cay ghét đắng như thế. Tôi thấy khó chịu với sự vuốt ve lộ liễu đó:

– Em dùng dầu gội gì mà lắm gầu thế, lại còn có tóc bạc nữa chứ?

Tôi mặc kệ để Thủy nhổ đi sợi tóc bạc và tự thấy ghét mình. Tôi cũng đang đóng kịch với chị ta.

– Chị Thủy này, sao các anh chị phải mệt thế nhỉ?

– Mệt gì hả Nghiên?

– Theo tôi thì các chị cứ bắt quách tôi đi cho nó nhẹ. Các chị đỡ mệt mà tôi cũng khỏi mất thời gian. Đằng nào chả thế. Chứ thế này, cả hai bên đều tốn sức.

– Ối giời! — Chị ta kéo dài giọng — Em mơ đấy à? Em nghĩ em là ai mà đòi được bọn chị bắt. Phải cỡ như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Thanh Giang, Lê Quốc Quân, hay chí ít cũng như Nguyễn Xuân Nghĩa. Em còn phải phấn đấu chán mới được “bị bắt.” Phải biết mình là ai chứ Nghiên. Nhà nước chỉ bắt những người có đẳng cấp, còn cỡ “tép riu” như em chưa cần thiết đâu, Nghiên nhá!

Vừa nói, Thủy vừa kéo ghế nhích ra xa.

Đáng phục chưa, mấy ai “đổi màu” với tốc độ tên lửa như thế. Chị ta còn thế, không biết các sếp còn “bản lĩnh” thế nào? Tôi mỉa mai:

– Ôi! Nhẹ cả người. Thế mà cả tuần nay cứ lo phải ăn cơm tù. Lo đến ốm cả người. May quá! Cảm ơn chị. Thật ơn đảng, ơn nhà nước quá. Tuyệt quá cái thân phận “tép riu” của tôi.

– Chưa tù, nhưng không yên đâu.

Giọng chị ta đanh lại. Lời đe dọa trở nên lố bịch.

Tôi buộc lại tóc và cười nhạt với chị ta. Cuộc vuốt ve chấm dứt. Mấy tay điều tra viên bước vào. Thủy ra ngoài với thái độ hằn học.

Gần chín giờ tối tôi mới được về nhà. Mệt, đói, chán ăn, bực bội và lo lắng là cảm giác mỗi khi rời trụ sở công an. Không thể kéo dài tình trạng này thêm nữa, phải chấm dứt nó cho dù quyết định sau cùng của tôi sẽ là một biến cố của cuộc đời. Tôi quyết định sẽ tọa kháng.

Mọi thứ từ băng rôn, khẩu hiệu và máy ảnh được “bí mật” chuẩn bị từ trước. Vì lý do tế nhị, xin phép không chia sẻ thêm về việc tôi có các thứ đó trong khi nhiều ngày không thể ra khỏi nhà bởi sự kiểm soát chặt chẽ của mật vụ. Tôi gọi điện cho vài người bạn ở nước ngoài thông báo quyết định tọa kháng vào sáng hôm sau.

Tám giờ sáng 18 tháng 9 năm 2008, tôi tọa kháng.

Tôi ngồi xếp bằng, trong tư thế ngồi thiền. Trước mặt là tấm vải đen mang dòng chữ: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối công hàm bán nước ngày 14 tháng 9 năm 1958 của Phạm Văn Đồng.” Không chờ công an phải yêu cầu, tôi chủ động nhờ mẹ ra mở cổng.

Lần khám nhà bẩy ngày trước, mọi phương tiện làm việc và liên lạc của tôi từ máy tính, máy in, điện thoại di động, máy ghi âm…đều bị thu giữ. Tôi không được sở hữu bất cứ văn bản nào về việc khám nhà, thu giữ tài sản theo quy định pháp luật và theo lời hứa của cánh công an “thực thi nhiệm vụ.” Và tôi đã sắp đặt cho cuộc trả lời phỏng vấn rất có thể là cuối cùng với thông tín viên Hiền Vy, đài RFA, bằng cách cho cô số điện thoại của mẹ tôi. Tôi muốn công luận biết việc mình sắp làm.

Tôi vẫn ngồi xếp bằng, xung quanh là lực lượng công an đông hơn ngày thường. Chuông điện thoại của mẹ reo. Tôi bắt máy, tường thuật diễn biến xung quanh.

Cuộc tọa kháng bị chấm dứt khi mấy an ninh nữ xông vào xốc nách, lôi tôi đứng dậy. Tấm băng rôn bị thu giữ. Cuộc khám nhà lần thứ hai trong vòng một tuần lễ được tiến hành. Mọi thứ đã bị “dọn sạch” từ 12/9 — một tuần trước. Nhưng họ gặp khó khăn trong việc tìm chiếc máy ảnh ghi hình tôi tọa kháng. Vì thế, cuộc khám xét phải kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Đinh Trọng Chiềm yêu cầu tôi đưa hắn lên phòng riêng của vợ chồng anh trai tôi trên tầng hai. Lúc lên cầu thang — được xây lộ thiên —, tôi giật mình thấy chiếc xe thùng đậu ở bên dưới. Không để Chiềm phát hiện phút bối rối, tôi bông phèng:

– Ơ thế “quả” xe kia dành cho tôi đấy hả?

– Không cho chị thì cho ai? Thôi, máy ảnh để đâu đưa ra cho khỏi mất thời gian. Làm khó nhau làm gì. Cứ thế này, không khéo phải phá nhà để tìm mất. Hắn dọa.

– Khiếp, gì mà dọa nhau kinh thế. Các anh phải tự tìm chứ, cứ động tí hỏi tôi còn ra thể thống gì nữa. Mà kể cũng tiếc, đang định hôm nào mời anh đi cafe mà cái xe thùng đỗ chình ình ra thế kia thì…

– Đợi bao giờ chị về thì đi có sao đâu. Chắc tôi phải đợi hơi lâu đấy. Nhưng tôi vẫn muốn chị giữ lời hứa.

– Anh yên tâm, chỉ sợ anh không dám đi thôi. Anh đợi được, nhất định tôi sẽ mời.

Tôi dần lấy lại được bình tĩnh. Không tìm thấy chiếc máy ảnh, anh ta dẫn lính đi xuống. Cuộc khám xét lần này tỉ mỉ hơn hôm 11/9. Thùng rác trong nhà vệ sinh cũng vinh dự được bàn tay công an mò tới. Chiếc máy ảnh cất trong túi áo khoác treo trên tường. Một công an vô tình tựa lưng vào nên mới phát hiện. Không hiểu sao hồi đó, tôi lại dốt nát thế. Tôi đã ý thức chiếc máy ảnh sẽ bị thu giữ thì lẽ ra, phải gửi hình đi từ trước. Nhưng cũng không biết gửi bằng cách nào. Nhiều tuần lễ rồi tôi bị cầm tù trong nhà, điện thoại, máy in, máy tính cùng nhiều thứ khác đã bị tịch thu hôm 12/9.

Sau khi trở về, tôi biết cuộc trả lời phỏng vấn sáng hôm đó, cuộc đối lý giữa tôi với công an cũng như lệnh bắt giữ đã được thu âm, truyền đi rộng rãi. Nhất là câu nói của mẹ dặn tôi làm nhiều người xúc động: ”Cố mà ăn bát cháo rồi đi cho có sức.” Điều đó, sau này an ủi tôi phần nào. Tên Đinh Trọng Chiềm vừa đọc xong lệnh bắt, một đồng nghiệp của hắn cất giọng đắc ý:

– Chị Nghiên, chị thua rồi!

– Không, tôi thắng chứ. Tôi thắng các anh về chính nghĩa. Tôi thắng các anh về lẽ phải. Tôi thắng các anh về lòng yêu nước. Tôi thắng các anh về lương tâm và trách nhiệm. Tôi chỉ thua các anh về cơ bắp thôi. Nhưng các anh không thể dùng vũ lực mãi được. Vũ lực sẽ dẫn các anh đến thất bại.

Tay bị còng, tôi cúi xuống hôn mẹ, một cái hôn vội vã. Bà vẫn ngồi yên như thế trên chiếc ghế hàng ngày bà vẫn ngồi. Hời hợt đáp lại nụ hôn của tôi, bà quan tâm đến những kẻ bắt con bà hơn:

– Như vậy là các anh đã bắt con tôi về tội yêu nước.

Câu nói đã khích lệ tôi suốt bốn năm tù. Phải nhiều ngày sau tôi mới lý giải được vì sao bà không đứng dậy tiễn tôi. Không phải bà không muốn. Mà khi đó mẹ tôi không còn đủ sức để đứng dậy. Sức lực còn lại bà đã dồn vào câu nói cuối cùng để không chỉ kết tội những kẻ bắt con bà, mà còn là sức mạnh truyền sang cho tôi. Tôi, cho đến hôm nay vẫn chưa hiểu hết tấm lòng của mẹ mình.

Đi ngang qua mặt Lã Thị Thu Thủy, tôi giễu cợt:

– Vậy là nhà nước của chị đã đánh giá lại đẳng cấp của tôi rồi à?

Chị ta giận tím mặt. Những tên khác ngơ ngác.

Tôi bước ra khỏi nhà, không ngoái lại nhìn.

Những người hàng xóm đứng từ xa, rụt rè và im lặng. Trong đám đông, tôi nhận thấy mấy gương mặt phụ nữ cúi xuống kéo vạt áo. Rồi một cánh tay ngập ngừng giơ lên. Tôi cũng giơ đôi tay bị còng lên vẫy vẫy.

– Lên xe đi, tù rồi còn lắm chuyện.

Tôi trừng mắt nhìn tên công an vừa quát. Hắn còn rất trẻ. Chưa bao giờ tôi dành cho ai ánh mắt như thế. Hắn lảng đi. Một nữ công an khác đỡ tôi lên xe. Chị ta rất nhẹ nhàng. Tôi đoán, chị ta cũng thấy ánh nhìn của tôi. Tên công an kia đã vô tình giúp tôi ngăn lại phút yếu lòng bởi khi đó, tôi đã gần khóc. Cửa xe thùng đóng lại. Tôi chỉ cho mình khóc một chút thôi. Rồi co cẳng chân lên để nước mắt thấm vào ống quần nơi đầu gối. Mọi chuyện đã kết thúc. Đang bắt đầu một chặng đường mới. Chặng đường mù mịt và tăm tối. Chính tôi sẽ phải tự thắp sáng đường đi cho mình.

Tôi, rất có thể sẽ phải xa nhà ba năm, năm năm, bẩy năm hay lâu hơn thế. Tôi sẽ già đi, thậm chí có thể mang thương tích, bệnh tật trên cơ thể. Nhất là, mẹ tôi hẳn sẽ yếu đi rất nhiều hoặc bà cũng sẽ không còn ngồi lại trên chiếc ghế ngày nào bà tiễn tôi. Nhưng tôi nhất định sẽ trở về trong chiến thắng.

Bởi, không phải ai khác mà chính tôi đã chọn cho mình con đường ấy: Con đường Tự Do.

02

Những Ngày Đầu Tiên ở Tù

Tôi xin tặng câu chuyện này cho bạn, những Tù Nhân Lương Tâm “dự bị” dưới chế độ CS, để thấy được những khoảnh khắc của một người tù. Tôi luôn hy vọng, trong tương lai gần sẽ không còn nhiều người Việt Nam phải trải nghiệm cuộc đời mình trong chốn ngục tù đầy đau thương và mất mát như cái giá để trả cho Khát Vọng Tự Do.

Con người luôn có xu hướng “nói tốt về mình” và cảm thấy dễ dàng khi kể về những thành công hơn là những thất bại. Người ta hay lảng tránh hoặc giấu kín những sai lầm của bản thân, nhất lại là những sai lầm “ngoài mình không ai biết.” Nhưng, thành thật với chính mình phải được xem là điều kiện bắt buộc để trở thành một con người chính trực, để thấy rằng mục đích chính không phải trở thành người hùng mà là cách đối mặt và vượt qua những khoảnh khắc sợ hãi, mềm yếu của mình trước những thử thách đầy cam go, khốc liệt.

Tôi không định cất giữ những “bí mật” của riêng mình trong thời gian bị cầm tù mặc dù hoàn toàn có thể và có quyền làm như thế. Nhưng, tôi sẽ kể một cách trung thực nhất không chỉ những chuyện của chiến thắng, của khí phách và lòng quả cảm mà cả những chuyện về thất bại, về phút giây hèn yếu của tôi, một tù nhân lương tâm dưới thời cộng sản.

Đơn giản vì sự thật cần được biết tới và tôn trọng. Nếu bạn không may trở thành một tù nhân lương tâm như tôi thì hy vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp bạn có thêm vài kinh nghiệm. Nhất định bạn sẽ chiến thắng, một chiến thắng trọn vẹn vì bạn giỏi hơn tôi, dũng cảm và thông minh hơn tôi nhiều.

Tôi luôn nghĩ mình không đến nỗi nào khi vượt qua bẩy ngày khủng bố trước khi bị bắt. Ngay cả lúc bước chân vào nhà tù, làm  thủ tục “nhập kho”, tôi vẫn không sợ hãi.

Một cai tù mặt mũi bặm trợn, mặc độc chiếc quần xà lỏn đang chơi bóng chuyền ngoài sân, xông vào gây sự:

– Đứng dậy, vào đến đây mà còn dám ngồi à? Tội gì? Có muốn cạo trọc đầu không?

Tôi vẫn ngồi trên ghế. Thay vì phản ứng với hắn, tôi đưa mắt nhìn ả điều tra viên. Cô nàng hơi lúng túng, rồi tiến đến chỗ tên cai tù hống hách. Không biết cô ta thì thầm nhỏ to điều gì nhưng tôi thấy thái độ của hắn chùng xuống. Lúc này tôi mới chằm chằm nhìn hắn, cho tới khi hắn lỉnh ra sân, tiếp tục cuộc chơi với đồng nghiệp.

Làm thủ tục xong xuôi, bọn điều tra viên ra về. Một người phụ nữ trung tuổi đưa tôi vào căn phòng chật chội. Tôi ngốc đến nỗi không biết đó là cai tù vì mụ mặc thường phục, dáng vẻ nhỏ nhắn và có phần yếu ớt. Lẽ ra tôi phải biết một điều rất đơn giản ngoài các tù nhân đã bị nhốt và bọn điều tra viên, nơi đây là thánh địa của bọn cai tù.

Lúc này, tôi mới thấy mình không còn chút sức lực nào hết. Tôi thả lỏng người, cho phép đầu óc được ngơi nghỉ bằng cách không suy nghĩ.

– Ngồi xuống!

Tôi giật mình khi mụ ta ra lệnh. Tôi vẫn chưa nhận ra chân dung của một cai tù. Bực mình trước sự lúng túng của tôi, mụ quát to hơn:

– Ngồi xuống!

Tôi nhìn quanh không thấy cái ghế nào.

– Tìm gì! Ngồi xuống đất ấy.

Không kịp suy nghĩ, tôi ngồi thụp xuống đất. Đến bây giờ và có lẽ mãi về sau, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ và day dứt bởi hành động đó của mình. Một sai lầm không bao giờ cứu vãn được. Hình ảnh những người tranh đấu trong phút chốc đã bị tôi làm cho thảm hại.

– Họ tên?

Càng lúc mụ càng tỏ ra hách dịch và khinh bỉ.

Lúc này, tôi mới nhận ra một tên cai tù. Tôi lập tức đứng lên. Nhưng, tay tôi phải vịn vào bàn làm việc của mụ vì khi đó tôi đã rất mệt. Sự mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng của tám ngày vật lộn với cơ quan an ninh điều tra dường như đang dồn lại, bủa vây tôi. Tôi đã sai lầm khi cho phép trí não mình nghỉ ngơi. Ngạc nhiên trước thái độ bất ngờ của tôi, mụ cai tù hoạnh, ánh mắt xoáy vào kẻ đối diện:

– Ai cho mày đứng lên mà đứng? Ngồi xuống!

– Tôi không có nhu cầu ngồi dưới đất.

Tôi nhìn thẳng vào mắt mụ cai tù. Đôi mắt nhỏ và đục. Nhất là lực mắt như một sức nặng xoáy vào người đối diện. Người “yếu bóng vía” chắc không dám nhìn vào đôi mắt ấy.

Gần đến ngày ra tòa tức mãi hơn một năm sau, tôi mới biết mụ là thông gia của đương kim bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh. Nhiều người ví von rằng, muốn biết bản chất của công an cộng sản Việt Nam, chỉ cần nhìn gương mặt của ông bộ trưởng. Ở đó có sự tăm tối, độc ác, có mùi máu tươi lẫn với tiếng thét kinh hoàng của những kẻ vô tội. Gương mặt của ông bộ trưởng, thật sự khiến người ta rùng mình dù chỉ thoáng thấy trên màn hình vô tuyến.

Không phục hồi được danh dự của mình sau hành động thảm hại vừa rồi nhưng không thể để mụ chiến thắng trọn vẹn. Dồn hết sức lực và niềm kiêu hãnh còn lại vào ánh mắt, tôi muốn mụ hiểu: Tôi đã đứng dậy.

Phải nhớ sự sỉ nhục hôm nay để không lặp lại một sai lầm tương tự trong tương lai.

Mụ cai tù chủ động xuống nước. Tôi “khai” lý lịch xong, mụ ta bắt đầu bài thuyết giảng giống như bao nhiêu bài thuyết giảng của cánh đồng chí với mụ. Mụ bảo suốt mấy chục năm công tác, chưa bao giờ mụ gặp “loại tội phạm” như tôi. Trước khi đẩy tôi vào buồng giam, dùng lối xưng hô rất ngọt, mụ nhẹ nhàng đe dọa:

– Thôi, cô chả cần biết mày làm gì ở ngoài. Vào đây rồi thì cố suy nghĩ kỹ. Sai thì nhận, không việc gì phải ngoan cố rồi khổ ra. Chịu khó chấp hành nội quy, không là khó sống lắm. Cô cứ nói thật cho mày biết như thế.

Mụ cai tù bập khóa lại, vội vã và chuyên nghiệp đến mức cánh cửa như chạm vào lưng tôi. Tôi thực sự bị đẩy vào thế giới những kẻ được cho là đáy cùng xã hội. Hàng chục con mắt đổ dồn vào kẻ mới đến. Tôi thấy rờn rợn. Rất cố gắng để xua đi ý nghĩ họ là những kẻ đáng sợ. Trong phút chốc, khó nhận diện đâu là chân dung kẻ sát nhân, kẻ buôn ma túy, đâu nữa là kẻ buôn phụ nữ và trẻ em? Từ nay, tôi sẽ phải “chung đụng” với những con người này và họ sẽ là một phần cuộc sống của tôi.

Nhưng chắc chắn một điều là không ai trong số họ giống như tôi: Vào tù chỉ vì đòi Quyền Con Người và muốn toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước mình.

Lần đầu tiên tôi bị “kiểm tra thân thể” đúng nghĩa đen cụm từ này trước sự chứng kiến của bao nhiêu người khác. Việc khám người do buồng trưởng — người tù được quản giáo chỉ định để giám sát các tù nhân — thực hiện. Vài người khác, được gọi là “trách nhiệm” cũng do quản giáo chỉ định, lo phần kiểm tra tư trang. Đây là thủ tục bắt buộc với hầu hết người mới nhập buồng.

Nói “hầu hết” vì thi thoảng cũng có vài trường hợp ngoại lệ. Đó là người nhà của ban giám thị, hay bọn cai tù. “Người nhà” có thể là họ hàng, nhưng đa số là quan hệ xây dựng dựa trên lợi ích giữa kẻ làm ăn phi pháp với những tên cai tù hoặc những tên quan chức có cỡ. Chỉ cần “cô” — cai tù quản lý buồng giam — nói trước với buồng trưởng một tiếng, kẻ mang danh “người nhà” sẽ vênh váo bước vào buồng giam mà không ai được phép đụng vào thân thể.

Trong lúc khám người, chị buồng trưởng phổ biến cho tôi nghe “nội quy” buồng giam. Đại loại không được đi quá phạm vi chỗ nằm, không được nói chuyện riêng gây mất trật tự, nhất là không được “tuyên truyền chống Nhà Nước.” Tôi đoán rất ít người ở đây nghe thấy cụm từ này trước khi tôi xuất hiện. Chị buồng trưởng phải phát âm tới lần thứ ba mới đúng cụm từ. Không hiểu sao khi ấy, tôi hình dung ra vẻ mặt ngây ngô có phần hãm tài và nụ cười hồn nhiên của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Sự sợ hãi và vẻ hồn nhiên, hài hước của ông ta len lỏi vào tận chốn ngục tù.

Tôi nói với buồng trưởng Nhung Rồng rằng tôi cần phải đi tắm. Chị ta chỉ cho tôi vào toa lét. Vài hôm sau tôi mới biết không một ai đủ “gan” ngang nhiên yêu cầu được tắm trong giờ đóng cửa buồng cũng như không một tù nhân nào dám “đồng ý” cho việc đó.

Đối với mọi người, ngay ngày đầu bước chân vào buồng giam tôi đã mang dấu hiệu khác biệt.

Tôi được xếp nằm dưới “gầm mà”(), cạnh hai người tù buôn ma túy. Làm quen vài câu lấy lệ, tôi thả mình xuống tấm chiếu không còn lành lặn.

Lúc này đã gần bẩy giờ tối.

Mệt và đói. Mấy thìa cháo tôi ăn trước lúc đi đã bay hơi ngay khi vừa ngồi trong xe thùng.

– Sao không mở ti-vi lên coi hả các chị?

Không ai trả lời. Tôi nhắc lại câu hỏi lần nữa, Nhung Rồng trả lời :

– Ti-vi hỏng.

Cái ti-vi chỉ “hỏng” đúng buổi tối đó thôi. Nó hỏng theo chỉ thị. Bản tin thời sự hẳn sẽ đưa tin về một chiến công lẫy lừng của các chiến sĩ công an, tóm gọn tên “phản động” với “bằng chứng không thể chối cãi”, và “đối tượng đã cúi đầu khuất phục”. Cánh điều tra viên không muốn cắm mặt xuống đất mỗi lần đi hỏi cung “bị can” —  nhân vật chính trong bản tin thời sự. Kể cũng chưa mất hết liêm sỉ. Mọi người vẫn ngồi chơi. Tôi nằm nhưng không sao ngủ được. Một chị đánh bạo hỏi:

– Em ơi thế em đi tù hay đi ngủ?

– Cả hai chị ạ.

Tôi bình thản đáp. Một vài người khác mạnh dạn hơn, bắt đầu hỏi chuyện. Song cũng chỉ một lúc, không còn ai dám chuyện trò với tôi nữa. Bản tính tò mò không thắng được nỗi sợ hãi. Cái mệt đã giúp tôi trải qua đêm đầu tiên trong tù một cách dễ dàng.

Ngày hôm sau.  

Chị buồng trưởng gọi mọi người dậy sau tiếng kẻng báo thức. Lúc này tôi mới phát hiện bàn chải đánh răng đã bị thu giữ khi làm thủ tục nhập trại. Tôi nhớ rất rõ, người cho tôi vay chiếc bàn chải đánh răng là chị Hà, thường được gọi kèm tên bố là Hà Ban. Theo quy định, bàn chải đánh răng phải bị chặt cụt phân nửa phần cán với lý do: Đề phòng việc tù nhân tự sát hoặc dùng làm hung khí gây án, gây thương tích cho người khác. Cũng giống như phụ nữ khi vào tù không được phép mặc xu-chiêng để đề phòng việc dùng dây áo thắt cổ tự tử. Nhưng những quy định quái gở này vẫn không làm giảm các vụ “tự sát”, hay những cái chết bất thường, đầy bí ẩn trong các nhà tù.

Chị Hà Ban về sau bị kết án bẩy năm tù giam vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy.” Mặc dù khi khám nhà và đọc lệnh bắt, công an không tìm ra một chất gì được gọi là ma túy ngoài mấy chục ống xi-lanh. Cơ quan điều tra lập luận rằng bị can là một con nghiện, đương nhiên “tàng trữ” xi-lanh không ngoài mục đích tiêm chích ma túy. Có xi-lanh tức là có hê-rô-in, vì thế bắt giữ là đúng người đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh và công bằng của luật pháp. Sau này, tôi được một bạn tù cho biết chị Hà Ban đã chết trên trại giam Xuân Nguyên, Hải Phòng vì căn bệnh Aids. Chị chết như bao người tù khác: Đau đớn, vật vã, tức tưởi và cô quạnh.

Trong lúc đợi đến lượt đi tắm, một giọng nói thì thầm phía sau tôi:

– Nghe chị nói nhưng đừng quay lại nhìn. Trong này có rất nhiều điều ngang tai trái mắt nhưng tốt nhất cứ mặc kệ. Không “đứa nào” xứng đáng để em bênh vực đâu. Nhất là lúc ốm đau, nếu không thật cần thiết đừng uống thuốc.

Một chút hoang mang thoáng trong đầu tôi lúc đó.

Sau này, dù rất cố gắng, tôi vẫn không nhận ra giọng nói ấy là ai. Vài cái tên được điểm trong đầu nhưng tôi vẫn không chắc chắn. Kinh nghiệm của “người tù bí ẩn” sau này trở thành phương châm hành xử cho tôi suốt thời gian bị tạm giam. Đối với một tù nhân lương tâm, đó chưa hẳn là lối ứng xử hoàn hảo bởi giống như một sự làm ngơ có lựa chọn trước các bất công mà bạn tù xung quanh gánh chịu. Không có ai “giao trách nhiệm” nhưng một người bảo vệ nhân quyền, khi vào tù vẫn có bổn phận bênh vực cho kẻ yếu. Ít ra đó là suy nghĩ của tôi khi còn ở ngoài.

Dù không muốn, song tôi đã chọn lựa thái độ “làm ngơ” trước một số việc ngang tai trái mắt suốt mười tám tháng tạm giam và ý thức được đó là cách tốt nhất giúp tôi phần nào hóa giải được chính sách cô lập, điều quan trọng để đến gần hơn và tìm hiểu về những người tù. Cuộc đời của họ là bằng chứng rõ ràng nhất phản ánh bộ mặt thật, nhem nhuốc và nhầy nhụa của chế độ. Tụi cai tù và thậm chí cả bọn điều tra viên sẽ ít cảnh giác hơn với một tù nhân lương tâm có tính cách hài hước, giản dị và nhất là chả mấy khi nói chuyện chính trị. Hầu hết những kẻ tuyên chiến với sự phi nhân của chế độ này, trong đó có tôi, thường mặc nhiên nghĩ mình đã rất hiểu chuyện, song cũng phải ngỡ ngàng nhận ra rằng: Sự thật còn vượt xa tưởng tượng, vượt xa những gì mình đã biết.

Bữa cơm đầu tiên.

Những âu cơm đang để dưới đất kia là dành cho chúng tôi. Tôi thầm ra lệnh cho mình.

“Ngồi xuống và bưng bát cơm lên!”

Đưa miếng cơm vào miệng, cố gắng để không giọt nước mắt nào rơi xuống. Tôi tiếp tục ra lệnh cho mình.

“Phải ăn hết!”

Cái thứ chúng tôi ăn chỉ giống cơm chứ chưa hẳn là cơm. Mỗi chiếc âu nhựa, tù thường gọi là bo, đựng một xuất “cơm” ngả vàng — có hôm màu đen — còn lẫn cả thóc, sạn, trấu, dây bao và mang mùi hôi đặc trưng được gọi chung là “mùi cơm tù.”

Một ít muối rang lác đác vài hạt lạc vụn đựng trong một bát con bằng nhựa hai người chung nhau. Cũng hai người chung nhau một bát canh rau muống. Gọi thế cho sang chứ đó là thứ rau “chưa lớn đã già”, lơ thơ vài cọng gầy đét và dai ngoanh ngoách. Hiếm hoi lắm mới có một bữa rau non. Dù non hay già thì bát canh tù cũng phải mang đậm “bản sắc” với nguyên cả gốc, lá úa, cỏ và điểm xuyến vài chú sâu béo ngậy. Nước rau màu đen là đạt tiêu chuẩn Nhà Nước cho một bữa cơm tù hoàn hảo.

Trong mười tám tháng bị tạm giam, tôi chưa thấy ai có thể ăn hết xuất cơm trong ngày đầu tiên ở tù cả. Tôi cũng không ngoại lệ và đó chính là một sự thất bại.

Tôi nhớ đến Bếch, con chó cưng của tôi. Một lần, chỉ vì tức giận chuyện gì đó tôi đã hơi mạnh tay khi để bát cơm trước mặt nó. Con chó không ăn, lẳng lặng bỏ đi. Lúc cả nhà cơm nước xong xuôi, bố tôi gọi mãi không thấy nó thưa. Ông đi tìm, thấy Bếch đang nằm thu lu trong ổ, mắt đỏ hoe. Nó tủi thân. Cuối cùng tôi phải nựng nịu, dỗ dành mãi nó mới chịu ăn. Tôi đi tù đến năm thứ ba thì Bếch chết. Mẹ tôi bảo nó già và nhớ chủ.

Bị đồng loại đối xử không giống những con người, tôi cay đắng nhưng thứ làm tôi đau khổ chính là sự bất lực của mình. Tôi đã không phản kháng. Giọng nói sáng nay văng vẳng bên tai. Tôi nhận ra một điều, sự quy hàng còn khó khăn hơn nhiều so với nỗ lực phải chiến thắng.

Sáng thứ hai —  sau ba ngày bị bắt — tôi đi cung.

Ba điều tra viên, hai nam và một nữ với tôi trong buồng cung ẩm thấp, chật chội. Chiếc áo dành cho “bị can” và đôi chân trần không giầy dép không làm tôi mất tự tin. Trên nét mặt họ, sự căng thẳng nhiều hơn vẻ tự mãn. Không có gì đặc biệt trong buổi hỏi cung đầu tiên ngoài việc nhận quyết định tạm giữ chín ngày — trong khi đã giam tôi ba ngày rồi. Nhưng tôi biết mình sẽ ở đây lâu dài, nhiều tháng thậm chí nhiều năm.

Cộng sản luôn thù ghét kẻ chống lại họ.

Đã gần một tuần trôi qua và tôi vẫn không nhận được quà tiếp tế từ gia đình. Mẹ và các anh chị tôi có thể không biết tôi đang ở đâu. Tôi hình dung ra vẻ hốt hoảng và tất tưởi của mẹ khi gõ cửa từng cơ quan công quyền để hỏi thăm tin tức con mình. Mẹ tôi đã ngoài bẩy mươi và tôi chưa từng phải xa mẹ.

Vẫn ba điều tra viên hỏi cung tôi. Không giữ thái độ điềm đạm như mấy lần trước, tôi chủ động chất vấn:

– Vì sao đến hôm nay tôi vẫn không nhận được tin từ gia đình?

Đinh Trọng Chiềm lên giọng. Hắn bao giờ cũng thế, luôn cố gắng thể hiện vai trò cấp trên với đồng đội:

– Chị nên nhớ, chị đang bị bắt giữ để điều tra, mọi sự liên hệ với gia đình là hoàn toàn không được phép.

– Các anh không cho gia đình tôi biết tôi đang ở đâu. Điều đó là phạm pháp.

Tôi buộc tội.

– Chúng tôi đã thông báo cho gia đình chị.

Vẫn tên Chiềm quả quyết.

– Các anh giải thích thế nào về việc gần một tuần nay tôi không nhận được tiếp tế từ gia đình?

– Cái đó làm sao chúng tôi biết được? Đó là việc của gia đình chị.

Câu nói cùn của Chiềm khiến tôi nổi đóa:

– Anh đã nói thế thì tôi cũng thẳng thắn với các anh luôn nhé. Nếu trong một, hai ngày tới tôi không nhận được tin từ gia đình. Tôi sẽ tuyệt thực. Đừng hòng các anh cung cán gì được hết.

Không để đồng đội tiếp tục, tên Dương xoa dịu:

– Chị Nghiên này, chúng tôi đã thông báo tới chính quyền địa phương và họ có trách nhiệm sẽ báo cho gia đình chị cũng như hướng dẫn mẹ chị các thủ tục gửi quà. Còn vì sao đến hôm nay chị chưa nhận được tiếp tế thì chúng tôi sẽ tìm hiểu. Chị yên tâm!

– Làm thế nào để tôi tin các anh?

Nhận ra sự mềm dẻo của đồng nghiệp có vẻ hiệu quả hơn, tên Chiềm lập tức thay đổi thái độ:

– Chị Nghiên ạ! Chúng tôi biết phụ nữ thì có những thứ không thể thiếu. Nói thật với chị trước khi đến đây, anh Dương đã gửi cho chị một số tiền nhỏ vào sổ lưu ký để chị mua những thứ cần thiết nhưng trại giam họ không cho. Hứa với chị, ngay chiều nay tôi sẽ đến nhà để hỏi xem vì sao gia đình chưa đi gửi quà cho chị.

Sự “tử tế” của họ khiến tôi cảnh giác.

Thấy đối phương im lặng, Dương tiếp tục thuyết:

– Lẽ ra tôi không nói với chị chuyện tôi gửi tiền vì nó không đáng bao nhiêu. Vả lại trại giam họ cũng không cho nhận. Nhưng vì chị không tin nên chúng tôi phải nói. Đó là sự thật và chị nên tin ở thiện chí của chúng tôi.

Lúc này Hương, đồng nghiệp nữ của họ, mới lên tiếng:

– Nghiên hãy tin bọn chị…

Tôi nghĩ, chị ta phải cố lắm mới không thốt ra vế sau câu nói “…không phải lúc nào bọn chị cũng nói dối”

Dương không có mặt trong ngày 12/9 khi các đồng chí của anh ta khởi đầu chiến dịch khủng bố tôi trước khi ký lệnh bắt. Anh ta tự cho phép mình không phải chịu trách nhiệm hoặc chí ít không thấy ngượng trước chất vấn của tôi liên quan đến thủ tục triệu tập ngược đời mà cơ quan an ninh điều tra đã thực hiện. Anh ta, chính là người tôi đánh giá cao nhất trong số hai đồng nghiệp còn lại. Chắc Dương thực sự khá nên được phân công đảm trách các cuộc thẩm vấn lúc tôi còn ở ngoài cho đến suốt quá trình điều tra trong thời gian tôi bị giam giữ. Dương khá thông minh và kín đáo, không mấy khi lộ sự tức giận trong khi Chiềm, luôn cố gắng chứng minh năng lực vượt bậc — thứ anh ta không có — và không ngại quảng cáo thân thế của mình. Việc họ là “tài năng trẻ quốc gia”, từng được đi gặp chủ tịch nước vì thành tích học tập xuất sắc thời học phổ thông là do Chiềm “khoe” với tôi trong một lần cung:”Chị tưởng chị như thế là đã nổi tiếng à? Không đâu, chúng tôi còn nổi tiếng hơn chị nhiều. Chúng tôi đã học trường Năng khiếu Trần Phú và đã được gặp chủ tịch nước đấy. Chị là cái thá gì. Chị từng được gặp chủ tịch nước chưa?” Anh ta ngốc, phải biết tôi đấm thèm vào cái gọi là “chủ tịch nước” ấy chứ.

Không biết do sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự thỏa thuận ngầm của họ mà cả Chiềm lẫn Hương đều đi ra ngoài. Chỉ còn một mình Dương đối diện với tôi trong buồng hỏi cung. Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi như sắp tuyên bố điều gì quan trọng:

– Chị Nghiên, nếu chị muốn, tôi có thể cởi tấm áo này ra để thề với chị.

Tôi sững lại trong giây lát. Một điều gì khó tả, nhưng chắc chắn đó không phải cảm giác toại nguyện hay sự phấn khích đắc thắng. Tự nhiên tôi có cảm giác khó chịu.

– Tôi tin anh.

Tôi đáp cộc lốc. Dương đã tầm thường đi một chút.

Và đó là điều tôi không muốn.

Vài hôm sau, với vẻ cởi mở hơn, cả ba vào gặp tôi:

– Tôi đã đến nhà chị và cũng ra phường hỏi rồi. Hóa ra anh Hải, công an hộ tịch bận đi học nên anh ấy chỉ làm việc buổi tối thôi. Chị gái chị tới vào giờ hành chính vì thế không gặp. Tôi đã hướng dẫn gia đình chị và bảo các anh ở phường giúp đỡ những thủ tục cần thiết. Chỉ nay mai là chị nhận được quà thôi. Chị cứ yên tâm.

Chiềm dùng từ “hóa ra” với vẻ hân hoan cứ như anh ta vừa khám phá ra một bí mật quan trọng. Tôi không còn hứng thú để lý luận hay bắt bẻ cái thứ “luật vô luật” của Nhà Nước trước thông báo “hồn nhiên” của anh ta.

Tôi nhận lời động viên “cứ yên tâm ở tù” và lệnh tạm giam bốn tháng từ những kẻ bắt mình.

P.T.N.

(còn tiếp)

* Tên thường gọi ở nhà của Phạm Thanh Nghiên

Comments are closed.