(Đọc Những kỉ niệm tưởng tượng của Trương Đăng Dung, Nxb Thế giới, 2011)
Lê Hồ Quang
Tiêu đề Những kỉ niệm tưởng tượng không hẳn là một cách chơi chữ. Đó là phúng dụ về hiện thực qua một cách nhìn khác. Ở đó, thế giới được thiết lập nên bởi nhiều chiều kích của kí ức và sự tưởng tượng, chúng tạo nên tính chất mơ hồ, bất định và đôi khi nghịch dị trong “những ý nghĩa thỏa thuận” của ngôn từ. Ở đó, thời gian không trôi theo trật tự tuyến tính viên miễn, nó bị đảo ngược, xâm thực, chồng lấn, xóa nhòa những ranh giới hiển nhiên, tạo nên những tương tác huyễn tưởng, phi thực – đó là thời gian để bắt đầu những suy nghiệm trừu tượng. Cũng ở đó, quá khứ và hiện tại, hiện thực và tưởng tượng, điều đã có và cái chưa từng diễn ra…, tất cả đều có thể đồng hiện và đan cài vào nhau trên cùng một mặt cắt thời gian. Tồn tại trong thơ Trương Đăng Dung là một đời sống đã được gián cách hóa. Nhà thơ biết giữ khoảng cách để cái hiện thực sự kiện “sống sít” được lắng lại, và thông qua màng lọc tâm hồn, biến chúng thành cái hiện thực ưu tư. Chính khoảng cách này cho phép ông nhìn về thế giới không phải như nó là, mà nó trong sự hình dung là. Và bởi vậy, Những kỉ niệm tưởng tượng không chỉ là cái tên gọi, nó còn là chìa khóa để mở ra một hiện thực khác – hiện thực của thi ca.
Ý niệm về thế giới của Trương Đăng Dung gắn liền với cảm thức thời gian. Thực ra, khi con người bắt đầu ý thức về mình như một cá nhân thì đồng thời với điều đó, ý thức về thời gian cũng được mài sắc hơn bao giờ hết. Thời gian qua hình ảnh mái tóc “mới sớm còn tơ xanh chiều đã tuyết” (Lý Bạch) trong thơ xưa hay cảm giác “cái bay không đợi cái trôi/ từ tôi phút trước sang tôi phút này” (Xuân Diệu) trong Thơ mới, dù ở những mức độ khác nhau, đều được nhìn từ thước đo cá nhân này. Nhưng với Trương Đăng Dung, cảm thức thời gian ấy gắn liền với nỗi ưu tư về thân phận con người trong một thời đại đầy biến động: những chuyến tàu chạy ngược chiều kí ức/ không bao giờ vào ga/ những gương mặt người lướt qua/ như con số đếm giây trên đồng hồ điện tử (Thành phố phía chân trời)… Cảm thức ấy không chỉ giúp nhà thơ nhận ra sự nhỏ bé của “những kiếp người” đã “tan trong sương khói”, mà nó còn đẩy ông dấn sâu thêm trong những suy tư hiện sinh. Một mặt ông nhận ra cái kết cục bi đát của phận người nói chung – “sinh ra để rồi chết”: một ngày kia hết mọi buồn vui/ chui xuống cỏ ta sẽ nằm dưới cỏ/ bàn tay ta bất động giữa đất dày/ bàn tay ta thôi tìm nhau run rẩy (Ảo ảnh); nhưng cùng với điều đó, ông nhận ra sự “sinh sôi” như một quy luật tiếp nối vĩnh hằng: Em ở lại/ một lần nữa cùng anh giữa mùa trăng sắp lụi/ ta nghe tiếng muôn loài hấp hối/ tiếng côn trùng trong cát bụi sinh sôi (Ảo ảnh)… Chính vì vậy, thời gian biến mất trong từng khoảng khắc thực tại đồng thời được kéo giãn đến vô cùng trong vòng sinh hóa bất tận. Có thể diễn tả ý niệm thời gian của Trương Đăng Dung qua một cặp phạm trù tương phản mà thống nhất, đó là thoáng chốc và vĩnh viễn. Đi cùng cảm giác về cuộc đời chỉ như một “ảo ảnh”, chỉ là “nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn”; nhà thơ cũng đồng thời “cảm nhận thời gian qua từng giọt nước/ hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này”. Cái vĩnh viễn đã trở thành một thoáng chốc và ngược lại. Ta có thể nói đến một thứ “triết học thời gian” trong thơ Trương Đăng Dung, nó là phản chiếu của một nội tâm quen nhìn sự vật trong tính quy luật và sự tồn tại bản chất của chúng.
Thực ra, với Trương Đăng Dung, ý niệm thời gian tương đối ấy là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Nhãn quan này cho phép nhà thơ dễ dàng phối trộn, lắp ghép giữa quá khứ/ hiện tại, không gian/ thời gian, phương Đông/ phương Tây, thực/ ảo… Vì vậy mà trong Có thể, ông dễ dàng tồn tại trong cái trạng thái phân thân giữa cái tôi bây giờ và cái tôi “hai mươi ba ngàn năm về trước”. Vì vậy mà trong Tôi lại nhìn thấy họ, ông có thể nhìn thấy “những người vợ suốt đêm vá lưới/ mắt quầng thâm nhìn chồng” và “từng đoàn người tay xách nách mang, lầm lũi đi qua cánh đồng bạc trắng” ở một làng chài nghèo khó quê ông giữa một “trời Âu” hoàn toàn khác biệt và xa lạ – “đêm đêm giữa trời Âu/ những người tôi mới gặp lần đầu/ những người tôi chưa từng được gặp”… Suy tư về thời gian trong thơ ông thực chất là sự suy tư về phận người. Không phải về một cá nhân riêng lẻ mà là thân phận con người nói chung. Đó là những thân phận bé nhỏ, đơn độc, mệt mỏi, sợ hãi. Điều đó được khẳng định rất rõ trong những câu thơ như hành động truy vấn tinh thần này:
Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời
sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,
anh hỏi ngọn núi
núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi,
anh hỏi con người
người trả lời anh bằng nước mắt rơi!
(Ảo ảnh)
Như vậy, trong thơ Trương Đăng Dung, thời gian được diễn tả như một phúng dụ về trạng thái nhân thế phổ quát. Điều này cho thấy một tâm trạng có phần bi quan của nhà thơ, vì xuyên qua trục không – thời gian ấy, cái mà ông luôn nhìn thấy, như là sự lặp lại giễu cợt của lịch sử, là một hiện thực không lí tưởng, đầy bất trắc, thậm chí phi lí. Những kỉ niệm tưởng tượng (bài thơ được lấy tên làm tiêu đề chung cho cả tập và cũng là tác phẩm, theo tôi, là nổi bật nhất của tập thơ này), thể hiện rất tập trung tư tưởng ấy.
Bài thơ gây một “ám ảnh” (thậm chí “tái ám ảnh”) mạnh mẽ tới độc giả bởi nhiều lí do. Trước hết là sự độc đáo trong bút pháp. Đó là sự xáo trộn đầy bất thường về không gian (phương Đông/ phương Tây); thời gian (tháng Năm năm 1054/ sáng nay/ ngày sinh lần thứ một ngàn…); Đồng thời với điều đó là sự đứt mạch, “nhảy cóc” trong cảm xúc, câu chữ và sự chuyển đổi đột ngột đối tượng trữ tình. Sự tương phản kì dị, thậm chí “kinh rợn” trong các hình ảnh thơ cũng là một trong những điểm gây ấn tượng mạnh với người đọc. Có thể nhận ra rất rõ dấu ấn của bút pháp siêu thực trong tác phẩm. Tuy nhiên, mục đích của tác giả không phải nhằm đi đến những cách tân thuần túy hình thức. Cách viết đặc biệt này nhằm lột tả bản chất của một trạng huống hiện thực phổ quát. Sự ghép nhập các phiến mảnh không – thời gian vốn xa cách như trên kì thực nhằm để nhấn mạnh sự tương đồng giữa Đông và Tây, xưa và nay, quá khứ và hiện tại… Đó là sự tương đồng – đúng hơn là sự lặp lại – của những quy luật vận hành thế giới. Thoạt nhìn, những hình ảnh, chi tiết thơ có vẻ lộn xộn và không nhất quán (điều mà nhiều người đã nói tới). Tuy nhiên, khi sắp đặt tất cả những chi tiết ấy trong một tổng thể, dưới cái nhìn suy tư về phận người, bài thơ đã tạo nên sự kết nối đầy ý nghĩa các chi tiết nhỏ lẻ và rời rạc. Mối liên hệ kết nối giữa tôi (chủ thể trữ tình) – anh (nhà thơ Hunggary, đối tượng trữ tình thứ nhất) – mẹ (đối tượng trữ tình thứ hai) – em (đối tượng trữ tình thứ ba) được hình thành trên cơ sở tương đồng thân phận. Sự xuất hiện liên tục của những đại từ xưng hô số nhiều: tôi với anh/ ta/ chúng ta; sự lặp lại cố ý của cụm từ “cùng nhau” nhằm tô đậm thêm tính “tất yếu” của số phận con người dù khác màu da, quốc tịch, tuổi tác, dù là tôi/ anh/ mẹ tôi/ em tôi/ bác sĩ/ y tá/ gái điếm/ trẻ nhỏ/ người già… Đó không phải là một nỗi đau siêu hình. Đó là sự lặp lại của tấn bi kịch khi con người vừa là nạn nhân nhưng cũng có khi là đao phủ của chính mình bởi những tham vọng mù quáng. Trên nền một thời gian có tính ước lệ, bị xáo trộn, cắt rời, đứt nối vô hạn định, là hình ảnh một cuộc sống với những chi tiết “tả thực” đến gây sốc. Đó là những hình ảnh dồn chứa nỗi đau đồng thời mang một sắc thái châm biếm kín đáo:
Chúng ta lớn lên cùng nhau ăn thịt chó
cùng nhau thấy những những con trâu vừa kéo cày
vừa đái bừa xuống ruộng
cùng nhau thấy những gái điếm ngủ dọc bờ sông
đầu gục xuống
và những chuyến tàu chở đầy ắp vũ khí
trên nóc toa là trẻ nhỏ người già
Và bài thơ kết thúc trong một dự cảm mang màu sắc u mua, nghịch dị:
Đã lâu rồi quạ cũng bay đi
có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo nhiều xương ống
để làm búp bê cho em tôi chơi
làm dùi cho em tôi đánh trống
Ta sẽ còn bắt gặp hiện thực nghịch dị ấy trong những bài thơ khác của Trương Đăng Dung. Chẳng hạn trong Chân trời:
Anh đã thấy những người dị dạng
dang tay đòi hái mặt trời
những bóng ma thọt chân lang thang
đòi trở về quê cũ
Và những đội quân không mũ
tay súng tay đao chân bước thụt lùi
những nhà thơ chống gậy đứng cười
trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện…
Trong Giấc mơ của Kafka:
Khắp nơi
những đôi mắt
dính trên cổ những người không có mặt
những tiếng kêu
phát ra từ miệng những người không có cổ
những bàn chân
càng bước càng lún sâu vào đất…
Đó là những biểu tượng về một cuộc sống bị áp đảo bởi chiến tranh, bạo lực và nỗi đau, trong đó, thân phận con người xiết bao u tối, nhỏ bé và bất lực.
Như một phản ứng tâm lí – thẩm mĩ tất yếu, đi cùng nhận thức hiện thực ấy, trong thơ Trương Đăng Dung hiện diện thường trực là nỗi khát khao về cái Đẹp và những giá trị vĩnh cửu. Hãy chú ý đến hình tượng Em trong thơ ông. Đây là một biểu tượng quen thuộc trong thơ, nhất là thơ lãng mạn chủ nghĩa, đó là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu, khát vọng hạnh phúc, cái Đẹp thi ca… Song với Trương Đăng Dung, Em không chỉ là hình ảnh một người tình gắn với những cảm xúc ái ân ngọt ngào. Hình ảnh Em hiện lên trong thơ ông như một bản thể lẻ loi và đơn độc giữa nhân thế:
Bao nhiêu lần khép cửa
em vẫn thấy mình chưa ở bên trong
Và cặp môi hồng
mím chặt vào nhau an ủi
(Thành phố phía chân trời)
Nếu trong thơ của nhiều tác giả, Em là một biểu tượng của cái Đẹp thì ở thơ Trương Đăng Dung, Em còn là hình ảnh tượng trưng cho thân phận côi cút và mong manh của chính cái Đẹp trong một đời sống dằn dữ và bất trắc. Cho nên hình ảnh Em gợi nên bao âu lo trĩu nặng:
Mỗi ban mai khép cửa
anh vẫn ngoái nhìn em lần nữa
ngoài kia mây bay
gió thổi mong manh rèm cửa đóng
ngoài kia trời rộng
ở đâu đó đang gầm lên tiếng súng…
(Anh không còn gì ngoài em)
Nhìn rộng ra, trong thơ Trương Đăng Dung, Em vừa là một đối ảnh tâm hồn vừa là một bản thể tinh thần trùng khít với cái tôi thi nhân. Bởi vậy, tìm kiếm Em không chỉ là tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc mà còn là tìm kiếm diện mạo tinh thần của chính Anh – nhà thơ. Đó là một hành trình nội tâm dài dặc, không ngừng: Bao năm rồi anh tìm em/ trong những bình minh không không có mặt trời/ trong những lâu đài chỉ có cánh dơi/ trong những giấc mơ không đầu không cuối (Ảo ảnh)… Qua Em, Anh tìm thấy chính mình:
Anh nhìn vào mắt em
thấy hình anh ở đó
Nếu mắt em khép lại
ảnh hình kia chỉ còn lại trong em
anh không còn thấy anh trong hiện tại
chỉ thấy em với những hình những ảnh
của mùa hè đang qua
một góc vườn và mấy khóm hoa…
(Ảo ảnh)
Hình ảnh Em và Anh – cái tôi nhà thơ đã trở thành một cặp biểu tượng song trùng, chúng ánh xạ vào nhau, chiếu rọi rõ nét hơn cảm thức thân phận con người. Vì vậy, nếu hiện thực nhân sinh được nhà thơ hình dung như một cõi thế xa lạ, đầy những bức tường ngăn cách và thù nghịch thì Chân trời chính là cái đích khát vọng mà Anh và Em hướng tới. Chân trời đồng nghĩa với sự bí ẩn, nơi gửi gắm những mơ ước và cũng là nơi đánh thức bao nỗi “khắc khoải”: Anh đã đứng trong màn đêm/ khắc khoải chờ em đến/ cùng đi về phía chân trời… Tuy nhiên, những trải nghiệm cá nhân và cả những kinh nghiệm lịch sử lặp lại khiến nhà thơ, bên cạnh những khát khao trải nghiệm nhằm thỏa mãn nhu cầu lí tưởng, vẫn luôn cảm thấy bất an. Đấy là một phức hợp cảm xúc, trong đó những cảm nhận về cái Đẹp, về tình yêu luôn đi cùng với cảm giác cô đơn, trống trải và nỗi sợ hãi:
Em đã đến
đẹp như ánh trăng
cô đơn như ngọn gió,
chúng ta nằm trên cỏ
sợ hãi trước chân trời
(Chân trời)
Thơ Trương Đăng Dung, với thể thơ tự do và giọng điệu tự sự từ tốn, tha thiết, là một lựa chọn phù hợp với cái đích bộc lộ sự cảm nghiệm đời sống trong những chiều kích thời gian rộng dài và những quy luật vận hành lặng lẽ không ngừng của nó (do xuất phát từ nhu cầu “trình bày tư tưởng” này nên ở một số bài, ông chọn cách nói trực tiếp, điều này dẫn đến việc hơi lộ ý, bù lại nó cho người đọc thấy rõ hơn cái tạng chất triết lí của thơ ông). Thời gian ở đây gắn liền với những thức nhận về đời sống nhân sinh mà cái cốt tủy của nó là cảm giác bất trắc. Ta có thể thấy rõ điều này trong Vật chứng. Đây là bài thơ diễn tả rất hay cảm giác nước đôi phức tạp của con người trước thời gian. Một mặt, con người lí trí tỉnh táo biết rất rõ rằng trước thời gian rồi mọi cái trở nên vô nghĩa, nó biến con người, nói như Xuân Diệu, từ “dương vô cùng đến âm vô cùng”. Nhưng bằng những hành động sinh tồn cụ thế, anh ta vẫn không ngừng khát khao và nỗ lực chống lại cái dòng chảy ghê gớm đó (thực ra, đây là nỗi niềm nhân sinh muôn thuở, thể hiện rất rõ trong văn chương, chẳng hạn trong đoạn độc thoại nổi tiếng của Hamlet). Vì vậy, cái yêu cầu của nhà thơ với người tình: Em đừng xếp lại chăn/ em đừng chải lại tóc/ em đừng tô lại môi/ cứ để nguyên áo quần trên ghế/ cứ để nguyên hiện trạng căn phòng/ Anh cần vật chứng/ trước thời gian (câu này tác giả bài viết in đậm) thoạt nghe có vẻ khá… trái khoáy. Tuy nhiên, đấy là một yêu cầu mang tính triết lí hơn là một hành động thực tế. Trong yêu cầu khẩn khoản đó, ta đọc thấy nỗi lo âu cùng cái khát vọng cưỡng lại dòng chảy thời gian, nhằm “đánh dấu” về sự tồn tại của tình yêu, hạnh phúc – những thứ vốn quá dễ lụi tàn trong đời sống con người, lại càng quá mong manh trước thời gian vô tận. Song, nếu vũ trụ là vô cùng thì đời người chỉ là hạt bụi trên guồng quay “vô tăm tích” của nó. Cưỡng lại vòng quay ấy bằng những “vật chứng” như hơi ấm một làn môi, một lần tình tự, chẳng phải là quá… mơ hồ hay sao? Kì thực đây chỉ là một cách “đặt vấn đề” của Trương Đăng Dung. Sự thật thì trong quan niệm của ông, “vật chứng thời gian” không chỉ có thế. Với ông, sự tồn tại của đời sống, dù là một đời sống đầy thăng trầm, khắc bạc, là có thật. Sự tồn tại của con người, dù trong thân phận hữu hạn và đau khổ, là có thật. Những mơ ước, khát vọng của con người là có thật. Nhưng chúng chỉ thực sự tồn tại như một “vật chứng” trước thời gian khi con người suy tư về chúng. Sự suy tư – ấy là bằng chứng về sự tồn tại đích thực của con người giữa thế giới. Đó là khởi thủy của sự xuất hiện triết học, nghệ thuật, thi ca…, những loại hình ý thức đánh dấu sự tồn tại của đời sống tinh thần của con người, vượt lên thời gian và cái chết. (Về điều này, tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của một nhà triết học: tôi tư duy vậy tôi tồn tại. Thơ, với Trương Đăng Dung, xét đến cùng bản chất của nó, hẳn nhằm để bộc lộ sự suy tư đó. Hơn thế, thơ còn chính là trạng thái suy tư đó. Ở điểm này, ta thấy rất rõ sự giao thoa, gặp gỡ giữa một Trương Đăng Dung – nhà nghiên cứu, lí luận và một Trương Đăng Dung – thi sĩ). Suy tư về sự vô hạn của thời gian, sự phù du và bất trắc của phận người, không phải là để yếm thế buông tay mà để biết đối diện với nó bằng một thái độ tỉnh táo: một mặt không ảo tưởng dễ dãi, mặt khác vẫn biết gạn lọc, nâng niu những giá trị của vĩnh cửu trong cái thoáng chốc của đời người. Sự suy tư ấy cho thấy con người không chỉ tồn tại như một đối tượng bị động mà như một chủ thể tự do, tự tại, biết chủ động ngay trong thế bị động. Và phải chăng đó mới chính là một thái độ “hiện sinh trung thực”?
Vinh, 12/9/2011