Đào Nguyên
Đình chỉ, thu hồi sách đã xuất bản: nghịch lý hay “tiến thoái lưỡng nan” của Cục Xuất bản Hoàng Hưng Nhân vụ Cục XB lệnh “đình chỉ” tiểu thuyết “Mối chúa” của Đãng Khấu (tức Tạ Duy Anh), nhớ lại hai việc: 1. Năm 2007, khi Cục XB ra lệnh cho NXB Hội Nhà văn “tự thu hồi” tiểu thuyết “Cọng rêu dưới đáy ao” của Võ Văn Trực, tôi đã viết trên talawas về nghịch lý hay thế “tiến thoái lường nan” này: Xem ra việc ép nhà xuất bản tự thu hồi sách là một chiêu thức tiến thoái lưỡng nan của nhà quản lý văn hoá. Thoái thì sợ các nhà văn, các nhà xuất bản hiểu lầm là “đã cởi trói” và “làm tới”; tiến thì chẳng thể nào thẳng cánh như trước, mà lại hóa ra quảng cáo không công cho sách “có vấn đề”. 2. Đầu năm 2008, Cục XB lại ra lệnh “thu hồi” tập Trần Dần Thơ (NXB Đà Nẵng). Anh em chúng tôi (Dương Tường, Châu Diên, HH, Phạm X Nguyên, Nguyễn Huệ Chi,…) đã lập tức khởi xướng kiến nghị phản đối (bản kiến nghị online đầu tiên trong “lịch sử kiến nghị” của người Việt). Thu được ngay trăm mấy chục chữ ký, nhiều tên tuổi lớn trong-ngoài nước. Sau ba ngày, Cục phải rút lệnh, thay bằng “phạt vạ” NXB vì lỗi… người cấp phép (nhà văn Đà Linh, Phó Giám đốc & Tổng biên tập) không đủ thẩm quyền!!! An ninh gọi tôi “làm việc” hai ngày liền! Kết luận, một thủ trưởng cấp hơi cao bực bội: “Thế là các anh thắng phải không?” Tôi cả cười: “Sao anh nói thế? Chúng ta đã thắng chứ! Chúng ta đã ngăn chặn được một việc làm xấu mặt Nhà nước!” (hihi…) Mười năm sau, giờ vẫn cứ thế! Thậm chí gay gắt hơn, ko cần chiêu “tự thu hồi” nữa, mà thẳng thừng “đình chỉ” có văn bản phê phán hẳn hoi! Mà càng phê phán càng như “quảng cáo” cho sách. Và nhiều blogger, facebooker (trong đó có các nhà văn đang hành chức trong hệ thống) đã “sung sướng” trích lời “phê phán/ quảng cáo”, và dự báo việc in lậu sách nay mai! Vậy là sao? Cục XB ko biết hậu quả ngược của những lệnh này? Lời bình: “Yêu nhau (Đảng) như thế bằng mười hại nhau!” Hihi…
Nguồn: FB Hoàng Hưng |
Tạ Duy Anh núp dưới bút danh mới toe, Đãng Khấu, vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mang tên “Mối chúa”. Ngay lập tức, cuốn sách bị/được giới văn chương mang ra “soi” cẩn thận. Có người kết luận hùng hồn: Văn chương Tạ Duy Anh “oách” hơn Mạc Ngôn, sánh ngang Cao Hành Kiện, nhà văn Pháp gốc Trung Quốc.
“Đề tên Đãng Khấu cho “Mối chúa” ít bị để ý” (Tạ Duy Anh).
Có nghĩa là con đường đi tới giải Nobel văn chương của Việt Nam sau nhiều phen hi vọng và thất vọng bây giờ lại xanh tươi nhờ “Mối chúa” ? Bởi Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn đều là chủ nhân giải Nobel văn chương các năm 2000, 2012.
Vì sao phải ngụy trang?
Chỉ bằng một lời giới thiệu ngắn về “Mối chúa” trên trang cá nhân mà gom đến vài tên tuổi lừng lững của văn chương thế giới, nhà văn Phạm Lưu Vũ đã kích thích sự tò mò, phấn khích của nhiều người: Nhất định tìm cách khám phá cuốn sách này. Tuy nhiên, người đưa Đãng Khấu lên mây xanh cũng gặp phải những phản hồi khác: “Phạm Lưu Vũ biến ông này (Đãng Khấu-pv) thành người khổng lồ thì ghê gớm quá”! Nhân tiện nhà văn Phạm Lưu Vũ cũng “ra đòn” với Trần Đức Tiến khi tác giả “Linh hồn bị đánh cắp” có bài giới thiệu về “Mối chúa” đăng trên báo đàng hoàng: “Trần Đức Tiến cũng là nhà văn mà không biết đọc sách. Bài viết ngu hơn anh giáo giảng văn… cấp 1”. Nói thế hóa ra xúc phạm những giáo viên dạy văn cấp 1 và vô tình làm hại “Mối chúa”. Nếu một tác phẩm mà những người có trình độ nhất định như giáo viên dạy văn cấp 1 không có khả năng đọc, hiểu được lớp vỏ bên trong thì tác phẩm ấy có lẽ cũng khiến phần đông độc giả tự sợ mà… chạy. Nhưng qua chính Đãng Khấu mới hay, Phạm Lưu Vũ đã nhanh nhảu “mắng” oan Trần Đức Tiến. Buộc phải viết một bài giới thiệu nhạt hoét về “Mối chúa” cũng là một sự tự hạ mình của Trần Đức Tiến. Chẳng qua vì nể và thương bạn, nên “nhà văn đoạt nhiều giải thưởng văn học nhất Vũng Tàu” đã chấp nhận viết hộ Tạ Duy Anh một bài thiếu muối về cuốn sách. Bây giờ, khi Trần Đức Tiến bị dư luận “ném đá” chính Tạ Duy Anh lại thấy mình có nghĩa vụ phải thanh minh cho đồng nghiệp đàn anh bằng một bài viết nghe nói sẽ đăng trên trang Trần Nhương: “Trần Đức Tiến phải chấp nhận “giả ngố” để chỉ kể lại nội dung cuốn sách theo hướng viết về môi trường một cách hiền lành”.
Vì sao Tạ Duy Anh, tức Đãng Khấu, lại muốn ngụy trang đứa con của mình như vậy? Lão Tạ tâm sự: “Mình chỉ giúp nó (tức “Mối chúa”-pv) trưởng thành để “nó” ra ngõ không bị cho vào rọ ngay. Mình làm cách nào để nó ra khỏi ngõ, đến được ngoài đường, lên được xe bus. Chứ mình mặc áo đắt tiền cho “nó”, ra ngoài bị trấn liền”. Đó cũng là lí do vì sao Tạ Duy Anh không dùng bút danh vốn đã đình đám của mình mà lại phải tránh tên trong “Mối chúa”: “Đãng: Trừ hại; Khấu: Trộm cướp. Đãng Khấu nghĩa là trừ trộm cướp. Tên thật của tôi là Đãng (Tạ Viết Đãng-pv)”. Lão Tạ đang chờ đến hồi tái bản sách, sẽ chuyển sang tên Tạ Duy Anh: “Tôi có muốn tên Đãng Khấu đâu, để Đãng Khấu cho bớt bị để ý”. Nhà văn bật mí: Vẫn còn cuốn tiểu thuyết viết ra từ năm 2004 đến giờ không in được, vì “nó bị lộ vở hết rồi”. Thế nên “Mối chúa” cứ âm thầm ra đời, đến lãnh đạo nhà xuất bản nơi Tạ Duy Anh làm việc cũng không biết luôn. Bây giờ thì “Mối chúa” đã từ “ngõ ra đường” an toàn, có lên được xe bus hay lên được máy bay bay qua biên giới hay không, Tạ Duy Anh vô can?!
Bìa sách “Mối chúa”. Ảnh: Đ.N.
Đồ sộ nhất theo nghĩa đen
Giới văn chương rỉ tai nhau: “Mối chúa” là tác phẩm hoành tráng nhất của Tạ Duy Anh từ trước tới giờ. “Cha đẻ” cuốn tiểu thuyết chỉ xác nhận một vế: “Tôi chỉ có thể nói đồ sộ theo nghĩa đen, ở khổ giấy bình thường, nó rơi vào khoảng 450 trang, chả dày à? Còn đồ sộ theo nghĩa khác làm sao tôi đánh giá được, tôi vô can. Nhà văn có mỗi một quyền là sinh “con”, trong khi “nó” chưa thành “đứa trẻ con”, có thể bồi bổ, siêu âm, thấy có dấu hiệu nọ kia thì nắn “nó” từ trong ấy. Còn đã sinh ra rồi thì thôi. Lần tái bản sau nếu “nó” có cái mụn, cái sẹo thì mình sẽ làm sạch đi còn mặt “nó” vẫn thế, không thay đổi được”.
Đây là cuốn sách Tạ Duy Anh lầm lì viết suốt ba năm, không quản ngày đêm. Phạm Lưu Vũ phát hiện: “Mối chúa” là kiểu tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, với lối viết đậm chất Kafka (“Kafka dùng một chữ cái để đặt tên nhân vật (Mr.K) còn Tạ Duy Anh dùng 3 chữ cái: Mr.Đại”). Tạ Duy Anh giải thích giản dị hơn: “Cuốn sách này nhằm đính chính một cuốn sách khác đã từng ra đời. Kết cấu có hai giọng kể, một giọng kể của mình, một giọng kể với danh nghĩa là mình trích lại, mình chuyển lại tác phẩm mà mình phản biện kia”.
Có rất nhiều suy luận, đồn đoán về “Mối chúa”, Đãng Khấu giải thích: “Mối chúa là một nhân vật không có thật, là một lốt người. Với tất cả các chỉ dẫn thì bạn đọc phải hiểu mối chúa không phải một ông ở trong một công ty nào đó, bởi công ty nào có khả năng thắt cổ ngân hàng, tạo ra một thể chế nhỏ? Đó chắc chắn phải là một nhân vật cực khủng. Một con mối chúa có thể tạo ra triệu con mối con để tàn phá”. Tôi hỏi Đãng Khấu: “Thế nếu ai đó nghĩ mình là mối chúa thì sao?”. Nhà văn đáp: “Đó là chuyện bình thường, làm sao kiểm soát được?”. Anh nói vui: “Nếu Puskin sống dậy đọc những bình luận của độc giả về tác phẩm của mình có khi cũng hoảng hốt tự hỏi: “Mình có viết thế này đâu?’. Đó chính là sự kỳ diệu. Sáng tác không dừng lại mà tiếp tục tồn tại trong độc giả, độc giả sẽ sáng tác tiếp. Người ta cảm nhận vẻ đẹp của sách theo những cách khác nhau. Vậy là một cuốn sách có thể phóng chiếu hàng ngàn hình ảnh khác nhau”.
Tạ Duy Anh đủ tỉnh táo để không tham vọng cuốn sách này sẽ cháy hàng: “Đừng hi vọng nhiều người đọc, có khi chỉ vài người đọc còn đa phần cầm lên lại vứt đi. Nhưng không được coi đấy là tiêu chí để nản lòng. Kể cả một người đọc có khi cũng đã tốt rồi, thế giới thay đổi bằng vài người chứ có phải bằng triệu người đâu”. Nói vậy song lão Tạ không che giấu nỗi buồn của người cầm bút trong đời sống hôm nay: “Chưa bao giờ tác phẩm hư cấu kém tác dụng như giai đoạn này. Những tác phẩm hư cấu hiện nay khiến cho người viết cảm thấy tuyệt vọng về tác dụng của nó với xã hội. Có hôm Bình Phương (Nhà văn Nguyễn Bình Phương-pv) đọc xong cuốn này gọi điện cho tôi. Tôi bảo mình cứ hì hục làm suốt ngày đêm, viết xong một cuốn sách nhọc vô cùng nhưng đến khi nghĩ lại thấy nó chả tác dụng gì, chả tác động đến ai. Ông Phương động viên mình: Thôi thì mình cứ làm, rồi sau cũng sẽ có một số người đọc, để tìm hiểu đời sống ngày hôm nay chẳng hạn”.
Trước câu hỏi: Giới văn chương thì ồn ào với “Mối chúa” nhưng bạn đọc xem ra vẫn dửng dưng? Lão Tạ được người trong giới ca ngợi thông minh, quả không sai. Lão quá biết mình là ai: “Loại sách như của tôi, bọn trẻ không đọc đâu. Chúng còn mải đọc ngôn tình, loại sách đó in vài vạn cuốn là bình thường. Sách mình in vài ngàn đã đê mê rồi. Như cuốn “Chuyện ngõ nghèo” (Nguyễn Xuân Khánh- pv) hot thế, ồn ào thế cũng chỉ in 2.000 cuốn mà vẫn chưa trôi”. Sách gây ồn ào là một chuyện, còn số phận cuốn sách ra sao đôi khi còn tùy thuộc vào may, rủi. Song Tạ Duy Anh quyết định dừng lại, để “đứa con” của mình tự bươn chải: “Tồn tại hay không là việc của “nó”, chẳng lẽ mình đã “đẻ” ra “nó” rồi còn phải ngày ngày đi theo “nó” cầu xin các bác bón cho “nó” ăn không thì nó chết? “Nó” phải tự kiếm sống thôi”.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/van-nghe/on-ao-quanh-moi-chua-1187642.tpo