VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (148): NHẤT LINH (1)

Nhất Linh trong Văn Học Miền Nam

Thụy Khuê

NhatLinh

 

Nhất Linh là một trong những nhà văn hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX, chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, người duy nhất xuất hiện trong hai thời kỳ văn học: Văn học tiền chiến và Văn học miền Nam với những tác phẩm có giá trị, soi đường cho một thế hệ. Phần được gọi là Văn học tiền chiến, tức giai đoạn 1930-1945, Nhất Linh có các tác phẩm chủ yếu: Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn, Bướm Trắng… Phần xuất bản ở miền Nam không kém quan trọng, Xóm Cầu Mới là tác phẩm chủ đạo, ảnh hưởng sâu sắc đến những người đi sau như Võ Phiến, Võ Đình… Tuy nhiên, tác phẩm này không được đánh giá đúng mức, đôi khi còn bị «coi thường», không những về phiá những ngòi bút nhận định văn học, mà cả những người trong gia đình như Nguyễn Tường Bách, Thế Uyên… Độc giả trong nước, sau 1975, không còn được đọc Nhất Linh, Xóm Cầu Mới và Dòng Sông Thanh Thủy nữa… Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu Nhất Linh từ 1996, và đã viết về toàn bộ tác phẩm của ông trong bài Nhất Linh (1906-1963) gồm bốn chủ đề : «Ý thức thoát ly trong Đôi bạn», «Nỗi đau hiện sinh trong Bướm Trắng», «Xóm cầu mới, một khởi thủy» và «Nhất Linh, Dòng sông Thanh Thuỷ» (in trong «Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ », Thế Kỷ, Cali, 2004, và trên website: thuykhue.free.fr. Nhân dịp Văn Việt giới thiệu Nhất Linh trong khuôn khổ Văn học miền Nam, chúng tôi in lại dưới đây phần viết về hai tác phẩm chủ yếu của ông trong giai đoạn này: Xóm Cầu Mới và Dòng sông Thanh Thuỷ.

Thụy Khuê, Paris 20/10/2015

 

Tiểu sử Nhất Linh

Nhất Linh, tên thật là Nguyễn Tường Tam[1] sinh ngày 25/7/1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, trong một gia đình sáu trai, một gái. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy, là công chức không dính líu đến văn nghệ và chính trị, từ người anh thứ hai Nguyễn Tường Cẩm, mất tích ở gần Hà Nội, đến Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, Tứ Ly Hoàng Ðạo – Nguyễn Tường Long, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam – Nguyễn Tường Lân và bác sĩ Nguyễn Tường Bách, đều là những người tham dự vào văn chương. Nguyễn Thị Thế và Nguyễn Tường Bách viết hồi ký về gia đình Nguyễn Tường; và năm anh em Nhất Linh có những đóng góp tích cực trong việc quản trị các cơ sở báo chí và nhà in của Tự Lực Văn Ðoàn.

Thích văn chương từ nhỏ, năm 16 tuổi Nhất Linh làm thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn, và năm 18 tuổi, có bài Bình Luận Văn Chương Về Truyện Kiều trong Nam Phong Tạp Chí.

Cuối năm 1923 đậu bằng Cao Tiểu. Nhưng vì chưa đến tuổi vào trường cao đẳng, nên làm thư ký sở tài chính Hà Nội, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, viết Nho Phong. Lấy vợ và theo ban cao đẳng. Lúc đầu, năm 1924 học thuốc được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ.

1926, Nguyễn Tường Tam vào Nam, gặp Trần Huy Liệu, Vũ Ðình Di định cùng làm báo. Nhưng vì tham dự đám tang Phan Chu Trinh, hai người này bị bắt, Nguyễn Tường Tam phải trốn sang Cao Miên, sống bằng nghề vẽ và tìm đường đi du học.

1927 du học Pháp. Ðậu cử nhân khoa học. Ở Pháp ông nghiên cứu về nghề báo và nghề xuất bản.

1930 trở về nước. Nhất Linh cùng hai em là Hoàng Ðạo và Thạch Lam xin ra tờ báo trào phúng Tiếng Cười, nhưng thiếu tiền, báo chưa ra được, thì giấy phép quá hạn, bị rút.

Từ 1930 đến 1932, Nguyễn Tường Tam dạy tư ở các trường Thăng Long và Gia Long. Ở đây ông quen với Trần Khánh Giư – Khái Hưng. Sẵn có tờ Phong Hóa của giáo sư Phạm Hữu Ninh vừa đình bản, Nhất Linh mua lại và tục bản tờ Phong Hóa.

Kể từ ngày 22/9/1932, báo Phong Hóa ra 8 trang lớn, chú trọng về văn chương và trào phúng, tạo ra ba nhân vật điển hình: Xã Xệ, Lý Toét và Bang Bạnh.

Tự Lực Văn Ðoàn được thành lập năm 1933 với 7 người: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Ðạo, Tú Mỡ, Nguyễn Gia Trí và Thế Lữ. Về vai trò lãnh đạo của Nhất Linh, Tú Mỡ kể lại:

Anh Tam thuê một cái nhà nhỏ ở ấp Thái Hà để mấy anh em làm việc. Tôi đi làm thì chớ, về đến đấy bàn bạc về cái tôn chỉ của nhà báo và soạn bài vở dự bị cho đủ in trong sáu tháng. Anh Tam vừa viết, vừa vẽ. Anh đặt ra mục này, mục nọ, giao cho mọi người. Anh có lối làm việc rất khoa học. Anh đã giao cho ai việc gì thì chỉ có chuyên việc ấy. Nhiều lúc tôi muốn viết những bài thuộc về loại khác, anh khuyên chỉ nên chuyên về một lối. Có lẽ là một điều rất hay cho chúng ta. Tôi có thể nói, anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy[2].

Năm 1936, Phong Hóa bị đóng cửa vì Hoàng Ðạo viết bài châm biếm Hoàng Trọng Phu. Tờ Ngày Nay – trước đã ra kèm với Phong Hóa – tiếp tục và kế tiếp Phong Hóa. Tháng 12 năm 1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh phát động phong trào Ánh Sáng cùng nhóm Tự Lực, chống lại các nhà ổ chuột ở các khu lao động.

Năm 1939, Nguyễn Tường Tam lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Ðại Việt Dân Chính. Hoạt động chống Pháp của nhóm Tự Lực trở thành công khai.

Năm 1940, Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đầy lên Sơn La, đến 1943 mới được thả. Trong thời gian này, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay. Cuối năm 1941, Ngày Nay bị đóng cửa.

1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội vì bệnh lao.

Tại Quảng Châu, Liễu Châu, gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh mới ở tù ra, Nguyễn Tường Tam cũng bị giam 4 tháng. Trong thời gian từ 1942 đến 1944, ông học Anh văn và Hán văn, hoạt động trong Cách Mạng Ðồng Minh Hội, rồi về Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Sự tranh chấp, bắt bớ và thủ tiêu giữa hai đảng Việt Minh và Việt Quốc càng ngày càng gia tăng. Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang với quân đội, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Giai đoạn này đã được phản ánh trong Giòng Sông Thanh Thủy.

Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay lại tục bản, khổ nhỏ, ngày 5 tháng 3 năm 1945 và trở thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, với Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách.

Biến cố 19 tháng 8 năm 1945 bùng nổ. Việt Minh lên nắm chính quyền. Ngày Nay bị đóng cửa và phân tán.

Sau chiến tranh Việt Pháp ngày 19 tháng 12 năm 1946, Khái Hưng rời Hà Nội, tản cư về quê vợ ở Nam Ðịnh. Tại đây, bị công an Việt Minh bắt, ông bị thủ tiêu năm 1947.

Hoàng Ðạo và Nguyễn Tường Bách chạy sang Trung Quốc. Hoàng Ðạo mất ở Quảng Châu tháng 8 năm 1948.

Thời điểm1946, Việt Minh và Quốc Gia chủ trương hòa hoãn và hợp tác. Ðầu tháng 6/1946, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội. Hợp tác với chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ ghế Bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị trù bị Ðà Lạt.

Ðược cử làm trưởng phái đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, nhưng ông từ chối và bỏ sang Tầu, gặp cựu hoàng Bảo Ðại, và ở lại Trung Hoa 4 năm.

Năm 1951, ông trở về Hà Nội và tuyên bố không thuộc đảng phái nào, không hoạt động chính trị.

Vài tháng sau, vào Nam, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản những sách Tự Lực Văn Ðoàn.

Năm 1953 lên Ðà Lạt ở ẩn, sống với hoa lan ven suối Ða Mê.

1958 rời Ðà Lạt về Sài Gòn, chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay, phát hành được 11 số thì bị đình bản.

Dính líu đến vụ đảo chính ngày 11/11/1960, ông bị chính quyền Ngô Ðình Diệm gọi ra xử ngày 8/7/1963. Nhất Linh uống thuốc độc tự tử ngày 7/7/1963.

 

Tác phẩm

Trong 40 năm hoạt động văn học và chính trị, Nhất Linh đã hoàn thành trên 20 tác phẩm, và những sách sau đây đã được xuất bản:
Nho phong, viết năm 1924, in năm 1926
Người quay tơ, 1926
Anh phải sống, viết chung với Khái Hưng 1932-1933
Gánh hàng hoa, viết chung với Khái Hưng 1934
Ðời mưa gió, viết chung với Khái Hưng 1934
Nắng thu, 1934
Ðoạn tuyệt, 1934-1935
Ði Tây, 1935
Lạnh lùng, 1935-1936
Hai buổi chiều vàng, 1934-1937
Thế rồi một buổi chiều, 1934-1937
Ðôi bạn, 1936-1937
Bướm trắng, 1938-1939
Xóm Cầu Mới, 1949-1957
Viết và đọc tiểu thuyết, 1952-1961
Giòng sông Thanh Thủy, 1960-1961.

(Tiểu sử soạn năm 1996)

 

Nhìn lại sự nghiệp Nhất Linh

 

Ngày nay, hầu như không ai chối cãi giá trị của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo và Tự Lực Văn Ðoàn trong công việc cải tạo xã hội, giải phóng phụ nữ, sau Hồ Biểu Chánh ở trong Nam, họ đã đặt nền móng cho một nền văn học quốc ngữ ở Bắc, mà trước và sau họ chưa có một văn đoàn nào đạt được ảnh hưởng sâu xa trong xã hội như vậy. Nhưng còn một khía cạnh khác ít được chú ý, và có lẽ quan trọng hơn, đó là tư tưởng của Nhất Linh, dòng ý thức sâu sắc về sự thoát ly của con người, về những nét tiêu cực trong lý tưởng cách mạng, về tính ngắn hạn của hạnh phúc, về sự trường tồn của văn hóa, văn nghệ… Những yếu tố cơ bản này, vừa lặn sâu dưới đáy các tác phẩm, vừa bao trùm toàn bộ những sáng tác của Nhất Linh, kể từ tập truyện ngắn Người Quay Tơ viết năm 1926 đến những tác phẩm cuối cùng như bộ trường thiên Dòng Sông Thanh Thủy[3] viết năm 60-61. Như vậy, tìm hiểu Nhất Linh cũng là đào xới những ẩn tưởng chìm sâu trong lòng tác phẩm, mà một «đọc đi» chưa thể thấu, cần có thêm một «đọc lại ». 

Sự nghiệp văn học của Nhất Linh có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 1932 đến 1936 với các tác phẩm chính mang tính luận đề: Anh Phải Sống, Gánh Hàng Hoa, Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng … Và giai đoạn sau, từ Ðôi Bạn, Bướm Trắng đến Xóm Cầu Mới, Dòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh đã ra khỏi giới hạn luận đề để viết về những khắc khoải nội tâm của con người.

Có một nghịch lý là đối với phần đông độc giả, dường như tên tuổi Nhất Linh chỉ gắn liền với các tác phẩm luận đề như Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, … Khi Nhất Linh từ bỏ tiểu thuyết luận đề, đấu tranh xã hội để bước vào tiểu thuyết nghệ thuật và tư tưởng, thì Ðôi Bạn, Bướm Trắng đã ít người đọc hơn.

Sau 1954, Nhất Linh cho ra đời những tác phẩm không kém phần quan trọng, nhưng ít được dư luận biết đến, hoặc nếu đề cập, cũng không được đánh giá đúng mức, đó là tập tiểu luận Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết và hai cuốn trường giang tiểu thuyết Dòng Sông Thanh ThủyXóm Cầu Mới [4].

Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng Nhất Linh vẽ nên cảnh xung đột trực tiếp giữa lối sống cũ và mới. Ðể bênh vực người phụ nữ, Nhất Linh đã không ngần ngại đẩy hoàn cảnh đến mức độ cực đoan nhất, lấy phần quyết thắng về phe Loan, người phụ nữ tân thời, tranh đấu cho quyền làm người trong xã hội Khổng Mạnh.

Ðôi Bạn, Nhất Linh đi xa hơn. Ông không dựa trên tình tiết, không dựa trên cốt truyện để xây dựng tiểu thuyết nữa. Nhất Linh đi sâu vào địa hạt nội tâm, xây dựng nghệ thuật trên sự tinh vi của nhận thức. Cảm giác, xúc giác, khứu giác là những yếu tố chính trong cơ lực con người, giao thoa giữa nội tâm và ngoại giới. Nhất Linh cho người đọc thưởng thức những mùi hương, những say sưa của hạnh phúc, của ánh nắng chiều, của mầu thời gian thoáng nhạt. Dũng với Loan trong Ðôi Bạn đã khác xa Dũng với Loan trong Ðoạn Tuyệt. Dũng Loan trong Ðôi Bạn “cao” hơn, giúp ta nhớ lại, duyệt lại, học lại những cảm giác đã mất, dẫn ta bước vào thời gian và không gian liên tưởng, cho ta những rung động mới, những ấn tượng mới.

Với Bướm Trắng, Nhất Linh đi sâu vào khía cạnh triết lý. Trương, trong Bướm Trắng, biết mình bị lao, chỉ còn sống được có một năm, bập bềnh giữa sống và chết. Qua Trương, Nhất Linh phân tâm con người trước cái chết. Bằng một lối nhìn trầm lặng, ngòi bút bình thản đi vào các cửa ngõ nội tâm biến dạng và bối rối của Trương, không phải để tìm kiếm một lối thoát cho Trương, mà để cùng nhập cuộc phiêu lưu của một người mất hướng.

 Thanh Thủy là một dòng sông nhỏ, chảy qua biên giới Việt Trung, gần Hà Giang. Dòng Sông Thanh Thủy là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Nhất Linh viết về chính trị. Dòng Sông Thanh Thủy được viết khá vội vàng, trong thời điểm 60-61. Thời kỳ Nhất Linh đã bị chính quyền Ngô Ðình Diệm truy lùng và bắt bớ. Về phương diện kỹ thuật tiểu thuyết, Dòng Sông Thanh Thủy hơi loãng, thua Ðôi Bạn, Bướm TrắngXóm Cầu Mới, nhưng có giá trị lịch sử và nhân văn. Truyện về giai đoạn kinh hoàng của cách mệnh, hai đảng Việt Nam Quốc Dân Ðảng, gọi tắt là Việt Quốc, và Việt Minh thanh toán nhau trong bắt bớ và thủ tiêu. Thế mèo vồ chuột của hai đảng đã được Nhất Linh mô tả trong Dòng Sông Thanh Thủy một cách lạnh lùng và tường tận.

Xóm Cầu Mới tác phẩm dang dở của Nhất Linh, cuốn tiểu thuyết không có cốt truyện, được Phượng Giang in thành hai tập, trên 700 trang. Bản thảo bị thất lạc nhiều năm -theo nhà xuất bản Phượng Giang- tình cờ tìm thấy vào ngày giỗ thứ mười của Nhất Linh. Ðây là tác phẩm quan trọng mang những kỳ vọng của Nhất Linh về một bộ tiểu thuyết trường giang trên mười ngàn trang, diễn tả những phức tạp muôn mặt của cuộc đời. Tác phẩm được viết đi viết lại tất cả 5 lần. Lần đầu năm 40 tại Hà Nội. Lần thứ hai năm 43 tại Quảng Châu. Lần thứ ba năm 49 tại Hương Cảng. Về nước năm 51, Nhất Linh viết lại lần thứ tư tại Hà Nội. Và trước khi in một số chương trên Văn Hóa Ngày Nay, Nhất Linh sửa lại lần chót bên dòng suối Ða Mê, tại Fim Nôm Ðà Lạt vào năm 57.

Xóm Cầu Mới viết về cuộc sống của một xóm nhỏ, với năm gia đình, địa vị xã hội khác nhau, trong nửa đầu thế kỷ XX. Khác với những tiểu thuyết trước, thường giới hạn trong một hạng người: trí thức tiểu tư sản, như trường hợp Gánh Hàng Hoa, Ðoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Ðôi Bạn, Bướm Trắng. Ở Xóm Cầu Mới Nhất Linh khảo sát nhiều hạng người. Ông tạo ra một xã hội nhỏ, trong đó mỗi nhân cách giàu nghèo đều có tương quan mật thiết với nhau. Mỗi chân dung nhân vật đều linh hoạt và sâu sắc về dung mạo cũng như về đời sống tâm linh.

 

 

 

Xóm Cầu Mới, một khởi thủy

 

            Đối với Nhất Linh, mỗi tiểu thuyết là một chặng đường, Xóm Cầu Mới tổng kết những chặng đường nghệ thuật và tư tưởng, Nhất Linh đem hết kinh nghiệm sống và viết của đời mình để tạo nên tác phẩm. Ở đây không còn chủ đề, không còn đấu tranh xã hội, cũng không phơi bầy một triết lý sống nữa, mà chỉ có đời trần trụi. Đời sống. Trong Xóm Cầu Mới, Nhất Linh đã đạt đến cái đích của tiểu thuyết mà ông mong muốn “không phải là sự diễn tả đời sống nữa, nó chính là đời sống, đời sống rung động và hồi hộp, mà không chỉ là đời sống bên ngoài mà còn là đời sống bên trong, đời sống bí ẩn của tâm hồn”[5]. Nhất Linh tạo không gian nội tâm và ngoại giới của mỗi nhân vật và đi sâu vào không gian ấy như thể ông bị nhân vật lôi cuốn đi, từ Mùi, Siêu, đến những người xung quanh như Tý, Bé, Triết, Mạch, ông Lang Hàn, U già, vợ chồng bác Lê, Nhỡ, Đỗi, Bà Chủ Nhật Trình, ông Năm Bụng, cậu Ấm, cụ Án v.v…

            Nhất Linh không xây dựng nên nhân vật nữa mà chính những nhân vật dựng nên cõi viết Nhất Linh. Xóm Cầu Mới mở đầu bằng những hàng:

            “Mùi sực thức giấc nhưng còn mơ màng chưa tỉnh hẳn. Tiếng gió trong lá cây, ở xa xa, không biết nàng nghe thấy thực hay chỉ là tiếng trong giấc mơ; tiếng lá loạt soạt làm nàng cảm như đâu đây có ai vừa kéo chăn đắp cho khỏi lạnh, tay nàng bất giác kéo một góc chăn phủ lên chỗ ngực để hở. Một nỗi vui lành mạnh thấm nhuần khắp thân thể và hình như người nàng vẫn vui suốt cả đêm qua, bây giờ hơi tỉnh nàng mới nhận thấy: “Ban đêm mình nằm mê thấy một chuyện gì chắc vui lắm.”[6]

            Tất cả những động tác của Mùi ở đây chỉ làm nổi bật phần cốt yếu là sinh hoạt tâm linh. Hành động đáng chú ý nhất là “kéo chăn” lên đắp trên ngực, cũng không phải chủ đích của Mùi mà là vì Mùi cảm thấy như đâu đây có ai kéo chăn đắp cho khỏi lạnh, cho nên tay nàng bèn “bất giác” kéo một góc chăn lên để đắp chỗ ngực để hở. Vậy ngay đến hành động kéo chăn lên đắp ngực cũng là một hành động mơ hồ, như trong vô thức. Và trong 50 trang tiếp theo là hồi ức về những việc xẩy ra hôm qua, từ khi nhận được thư Siêu báo tin sẽ về Xóm Cầu Mới, xa hơn nữa đến thời tuổi thơ của Siêu và Mùi, những giận dữ, những trò chơi và cái hôn đầu của tuổi mười ba. Rồi khi Siêu đi xa, Mùi vả tay vào dậu găng cho chẩy máu để ăn vạ v.v…

            Tất cả những động tác, những ký ức và hồi tưởng chạy dài trong đầu khi Mùi nằm trên giường còn ngái ngủ. Trước Xóm Cầu Mới dường như chưa có tiểu thuyết gia Việt Nam nào sử dụng “hồi tưởng” lâu như vậy. Ở đây có một sự êm ả rất Đông phương và một táo bạo rất Tây phương.

            Có mối tương quan nào đó giữa chương đầu Xóm Cầu Mới và chương đầu của A la recherche du temps perdu (Đi Tìm Thời Gian Đã Mất) của Marcel Proust. Đoạn “Một Buổi Sáng” trong Xóm Cầu Mới có gì tương tự như đoạn Combray của Proust, cậu bé Proust thao thức trên giường với tiếng gọi của kỷ niệm, của suy tưởng. Tất nhiên không có gì chứng minh Nhất Linh chịu ảnh hưởng Proust. Trong tập tiểu luận Viết Và Đọc Tiểu Thuyết cũng không thấy Nhất Linh nhắc đến Proust mà ông khâm phục Tolstoi. Nhưng cách xây dựng tiểu thuyết của Nhất Linh không giống cái “không khí” Tolstoi nữa, tức là đã ra khỏi thế kỷ XIX để bước vào thế kỷ XX mà hồi tưởng, mơ mộng ký ức được tận dụng triệt để với Marcel Proust. Nhất Linh trong Xóm Cầu Mới sử dụng hồi tưởng và ký ức như một lợi khí mới của văn học. Và nếu có mối tương quan nào giữa Nhất Linh và Marcel Proust thì chỉ ở chỗ hai nhà văn này cùng dùng những yếu tố đó và chỉ ở chỗ đó mà thôi vì sự khác biệt của họ rất rõ ràng: văn phong của Proust dồn dập, nhiều dòng, nhiều trang, tràn đầy âm thanh, hình ảnh, mầu sắc v.v…, Proust là người “dụng văn” trong khi Nhất Linh ngắn, gọn, đơn giản, ông chủ trương không làm văn (nữa), tức là bỏ lối viết văn chương của thời lãng mạn để trở về với lối viết nguyên thủy “có lời là vì ý, được ý hãy quên lời” rất Nam Hoa Kinh[7]. Nét chung giữa Proust và Nhất Linh là cả hai đều cho người đọc cái ấn tượng an lạc, hạnh phúc trong những giây phút sống lại kỷ niệm. Ở Proust là chiếc bánh madeleine chấm nước trà bất hủ. Ở Nhất Linh là dậu găng, là những cánh hoa mộc, là những chiếc bánh gai, những ngày lụt lội, những con ma ở gốc đa, ở lăng cụ Quận, những con lợn của bác Lê và những cái cốc đầu con của bác ấy. Là thằng Tý thông minh, là U già lẩm cẩm hay nói ngang phè mà có lý, là bà ký Ân Chủ Nhật Trình hay nõ mồm, mở mồm ra là “người trần mắt thịt ơi!”, là ông giáo Đông Công Ích Tin Lành vừa buôn đạo vừa buôn công phiếu. Là ông Năm Bụng giắt năm chai rượu lậu trong bụng, là cụ Án bắt ruồi, cậu Ấm nói dối vợ đi bắn vịt trời để hút thuốc phiện v.v… Cái thế giới đã qua như một thời vang bóng, được Nhất Linh dựng lại như một thế giới đang còn sống bây giờ, một xã hội trúc đầu nghiêng xuống, một xã hội về chiều. Tính chất nghiêng xuống ấy là nòng cốt tác phẩm. Nghiêng xuống mà không bi quan, vẫn hóm hỉnh và hạnh phúc:

            Cụ Án nghiêng người nhấc cái vung nồi cá kho dứa đặt trên cái hỏa lò con nhìn vào trong nồi và hít mũi mấy cái. Lứa cá kho này cụ thấy ngon hơn mọi lần. Trong đời cụ, cụ chỉ thích nhất ăn cá kho dứa, mùa nào không có dứa tươi thì cụ nấu cá với dứa hộp và Hải đi Hà Nội mua đạn bao giờ cũng nhớ mua mấy hộp dứa biếu cụ. Độ trước khi cụ Án ông còn sống bắt cụ rời nhà quê lên ở trên tỉnh, cụ được nếm đủ các thứ sơn hào hải vị nhưng cá kho dứa cụ vẫn thấy ngon nhất. Cá kho ăn lại đỡ tốn, mỗi miếng cá bé tý cũng ăn được bao nhiêu là cơm. Biết tính cụ nên có ai biếu cụ là biếu cá và phải là cá còn tươi nguyên. Cụ tự tay kho lấy và kho xong thì cụ treo ngay trên giường cụ ngồi, vừa tầm tay với.

            Cụ đậy vung nồi và tay lại cầm lấy cái que đập ruồi. Chỉ trừ lúc giã trầu ở cối, còn thì lúc nào tay cụ cũng cầm que đập ruồi. Cụ ghét và sợ ruồi lắm. Nhưng ở chung quanh chỗ cụ ngồi thì lại có đủ các thứ để nhử ruồi đến thật nhiều; ngoài nồi cá, lại có những xâu cá mắm, những chai mật ong và những quả chuối bao giờ cũng chín đen chín nát. Vì cụ bại một chân đi phải chống nạng nên ít khi cụ đi lại. Giang sơn cụ và cả đời cụ vì thế thu hẹp trong phạm vi cái giường cụ ngồi. Tất cả những thứ gì cụ cần dùng đều để ở trên giường và ở cái tủ chè cạnh giường. Chỉ trừ có số tiền cụ để dành được là cụ dấu ở chỗ khác.

            Vì cụ không đi lại được nên chỉ đánh được những con ruồi ở trên giường. Để bắt ruồi chung quanh giường cụ nuôi cò ruồi, nhưng con cò không được bắt ruồi trên giường. Có con ruồi nào vừa bay đến đậu trên chiếu mà con cò định mổ thì cụ đã nhanh tay đập trước; đập xong cụ hất ruồi xuống đất cho cò ăn. Lần nào con cò nhanh hơn mổ cướp của cụ một con ruồi trên chiếu là cụ lấy cán que đập ruồi đập vào đầu con cò một cái để phạt nó hỗn. Có một con cò lâu dần hiểu được chỗ đó nên không bao giờ mổ tranh ruồi của cụ; cụ thích lắm và khoe với tất cả mọi người, nhưng sau con ấy bị chó cắn chết mất. (Trang 288, 289, sđd)

            Còn gì bi hài hơn một cụ Án về già, từ một cụ Án bà quyền quý, có thể đã có thời dựa vào uy thế cụ ông, hét ra lửa, vậy mà bây giờ giang sơn cụ thu hẹp lại còn có cái giường, mà cũng không phải cả cái giường, các thứ lủng củng chiếm đến nửa, phần còn lại cụ ngồi chung với ruồi, cụ đập ruồi, tranh với cò, bên cạnh nồi cá kho, xâu cá mắm … Hoàn cảnh cụ không khác gì lắm với gia đình bác Lê, những ngày nước lên phải ngủ chung với lợn. Nhưng cảnh cụ còn bi đát hơn, vì cụ có con cò tâm đắc nhất thì nó lại bị chó cắn chết.

            Không thể biết rõ Xóm Cầu Mới ở vào thời nào, chỉ biết mang máng như là khoảng nửa đầu thế kỷ XX, bản đồ Xóm Cầu Mới mang máng giống bản đồ huyện Cẩm Giàng, Nhất Linh làm bàng bạc thời gian, tạo nên tính chất vô định của tất cả những thời đại đang suy tàn. Mà thời đại nào rồi cũng phải suy tàn, những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ, như câu thơ Vũ Đình Liên, đó là lý do tồn tại của những kẻ đi tìm thời gian đã mất.

 

*

 

            Xóm Cầu Mới là một xã hội giai cấp mà lại như không còn giai cấp, các giai cấp đã lộn tùng phèo, chỉ có tương quan giữa người và người: giữa bác Lê và thằng Tý, giữa cụ Án và những con ruồi, con cò, giữa Mùi và U già, giữa Bé và Đỗi, giữa bác Lê gái và bác Lê trai, v.v… và trong những tương quan ấy, phái mạnh, hay phái khỏe, thường có vẻ kém thế trước phái yếu.

            Cụ Án thua xa con ruồi, yếu thế hơn con cò, bác Lê trai, trừ lúc say rượu làm càn, còn thì vẫn sợ bác gái nen nét, rồi bác gái lại thua thằng Tý, Mùi khôn ngoan nhưng chẳng bao giờ cãi lý được với U già … Những trái khoáy ấy gián tiếp hóm hỉnh lật đổ những lập thuyết hùng hồn về các sự đấu tranh giành quyền bình đẳng như đấu tranh giai cấp, đấu tranh nhân quyền… Trong Xóm Cầu Mới, các hình thức đấu tranh trở thành ngớ ngẩn, bởi mối tương quan giữa người và người, người và vật, ở đây, là một tương quan tự nhiên, tự tại, cuộc đời bầy ra như thế: trong những bất bình đẳng đã có bình đẳng, đó là mối tương quan nguyên thuỷ mà các lớp áo ngoài như giầu sang, sức mạnh, thế quyền … chỉ hời hợt phủ lên. Nhất Linh gạt bỏ lớp áo ngoài thô thiển, để khắc họa con người từ những nét nguyên thủy, bản năng và do đó, chúng thật hơn tất cả những chân dung đã bị tù túng trong những lớp áo choàng xã hội.

            Xóm Cầu Mới là một cái làng nguyên thủy, từ đó phát xuất những “mẫu người”, “mẫu mô tả”, “mẫu tâm lý”, chúng tạo nên một “trường phái Nhất Linh” với những đặc điểm:

– Khắc họa chân dung bằng cách đặt tên: Nhất Linh tạo ra những biệt hiệu mang hình ảnh và tư cách con người. Lối đặt tên như vậy nằm trong đời sống, nhưng khi ông đưa vào tiểu thuyết nó trở thành một khởi thủy. Những khuôn mặt như bà Chủ Nhật Trình, ông Năm Bụng, ông giáo Đông Công Ích Tin Lành … là những tiên phong, vì trước ông, chưa thấy ai đưa ra một “hệ thống” đặt tên như thế và sau ông, có những ông Ba Thê Đồng Thời, anh Bốn Thôi, ông Bốn Tản, chị Bốn Chìa Vôi … của Võ Phiến. Đó là một nối tiếp “truyền thống” Nhất Linh, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Chắc không phải ngẫu nhiên, vì trong những tác phẩm đầu của Võ Phiến, chưa thấy xuất hiện cách đặt tên như vậy.

Khắc họa chân dung bằng một câu nói, một dáng điệu như bà Chủ Nhật Trình luôn luôn mở miệng ra là “người trần mắt thịt ơi”, Triết hay “ngồi buồn”, bác Lê hay “cốc đầu” các con … Cách xác định cá tính nhân vật bằng một nét cố hữu này từ Tolstoi chuyển đến Nhất Linh, rồi từ Nhất Linh qua Nhật Tiến, tạo ra những nhân vật cực kỳ sống động trong Thềm Hoang với những cô Huệ mở mồm ra là “khỉ gió đùng lăn!”, cô Đào mở mồm là “khắm chửa!”

Khắc họa toàn cảnh bằng một chi tiết (phương pháp hoán dụ).

            Nhất Linh không chỉ ảnh hưởng đến những người đến sau bằng cách đặt tên, hoặc cách sống động hóa nhân vật mà còn ở cả lối nhận xét chi li, và nhất là cách mô tả toàn cảnh bằng một chi tiết mà sau này người đọc có thể thấy lại trong các tác phẩm của Võ Phiến, Võ Đình… Biện pháp hoán dụ chỉ dùng một chi tiết va chạm thể xác như đụng chạm ngón tay, bàn chân hoặc đôi khi không cần va chạm thể xác mà chỉ một cái nhìn trộm cũng đủ diễn tả những mãnh liệt của nhục cảm trong đầu các nhân vật.

            Nhất Linh đã dùng thủ pháp này từ Bướm Trắng trong hai xen độc đáo: Trương nhìn trộm bàn tay của Thu trên tấm chăn “trên nền vải trắng một bàn tay của Thu hiện ra trước mắt chàng” (trang 54), và Trương úp mặt vào chiếc áo cánh của Thu “nhìn qua khung cửa sổ ra ngoài không thấy bóng ai, Trương với chiếc áo cánh của Thu rồi úp mặt vào chiếc áo mà chàng âu yếm vò nát trong hai bàn tay. Lụa áo Trương thấy mềm như da người và mùi thơm hơi cay, không giống hẳn mùi thơm của nước hoa – xông lên ngây ngất” (trang 59). Trong cả hai xen, đều không có “công-tắc” thể xác trực tiếp, Nhất Linh không cần mô tả kỹ càng theo lối viết hiện thực, cũng không cần cường điệu bằng bất kỳ một thái quá nào. Tất cả được dàn dựng như một tấu khúc.

            Chi tiết “bàn tay của Thu trên nền vải trắng” là khúc dạo đầu, dẫn đến những đam mê siêu hình trong các điệp khúc kế tiếp: ám ảnh “bàn tay” triền miên chi phối Trương, thức, ngủ, lúc nào cũng mơ tưởng đến “bàn tay”. Rồi từ bàn tay, Trương lây sang chiếc áo cánh Thu vắt trên ghế. Tới đây, tất cả chỉ mới là thầm, trộm. Nhưng đến lúc gặp Thu, Trương (lộ liễu) chăm chú nhìn vào “bàn tay” làm cho “nàng thấy ngượng và rờn rợn sợ” (trang 58). Tức khắc, những ám ảnh không còn siêu hình nữa mà đã truyền sang Thu như một luồng điện thể xác gần như sinh lý, chúng dẫn đến đỉnh cao là xen hai: Trương úp mặt vào chiếc áo cánh khi Thu đi khuất; nhưng Thu lại quay lại, nhìn trộm thấy việc Trương làm. Nguồn phát xuất nhục cảm, ở đây, là những cái nhìn, nhìn trộm. Điểm nhìn trộm kích thích ngũ quan, làm chúng nổ bùng lên như một hỏa diệm sơn cảm giác.

 

*

 

            Ở Xóm Cầu Mới, Nhất Linh thao túng các nhân vật bằng chính giác quan và fantasme của họ. Mùi, có lẽ là nhân vật tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, có những fantasme tính dục táo bạo. Nhưng tính “đĩ ngầm” của nàng được trình bầy một cách tự nhiên, tế nhị, gợi cảm và “vô tội”. Mùi trở thành một “trường hợp”, một biểu tượng của nhục cảm, bởi Mùi là một mẫu người bản năng, nguyên thủy, đã được Nhất Linh cởi bỏ lớp áo ngoài của luân lý xã hội. Mùi “ngủ” với lá thư của anh Siêu, Mùi quất tay vào dậu găng cho chẩy máu, hai lần Mùi rửa chân với anh Siêu ở hai “nồng độ” khác nhau, mưa lụt, Mùi bắt anh Siêu bế, Mùi nằm trên giường của anh Siêu, …. Những hành động của Mùi tự nhiên như Đỗi dẫm lên chân Bé (để tỏ tình), như ông Giáo Đông “cầm nhầm” cái khăn che mắt của Bé lại hí hửng tưởng là khăn mùi-xoa của Mùi …

            Chuyện đôi con dì yêu nhau là một sự loạn luân cấm kỵ. Nhưng Nhất Linh đã phiêu lưu vào thế giới cấm kỵ ấy một cách thản nhiên. Một Nhất Linh hoàn toàn tự do, biết mình nắm trọn mọi nhu yếu cần thiết của kỹ thuật và nghệ thuật viết văn, biết mình có thể san định những khoảng trời bão táp. Nhất Linh đưa hết sở trường của mình vào tác phẩm. Xóm Cầu Mới bắt đầu bằng hình ảnh: Mùi tỉnh dậy, sau một đêm hạnh phúc với “lá thư” của Siêu, người anh họ, Mùi “phạm cấm” lần đầu vì đã “nằm ngủ một đêm với bức thư của anh Siêu”, như một Eva ăn trái táo, và từ đó phát xuất cá tính của Mùi, một cô gái quê, con một cụ Lang, sống hồi đầu thế kỷ. Mùi có quán bán nước, bán thuốc, bán bánh cuốn, bán gạo. Mùi là hình ảnh cô gái quê tần tảo, một bà Tú Xương tương lai, là cô hàng xén trong truyện ngắn Thạch Lam, là cô hàng xóm trong thơ Nguyễn Bính. Đó là phần hình thức. Về mặt tư tưởng, Mùi táo bạo và sống động hơn nhiều. Mùi có một đời sống nội tâm phức tạp mà các cô kia chưa bao giờ có. Mùi mới hơn cả Loan trong Đôi Bạn, Đoạn Tuyệt, khác hẳn Nhung trong Lạnh Lùng, và tự do hơn nhiều cô gái tỉnh thành thời nay. Nàng dám để cho nhục cảm dẫn dắt, không lúc nào Mùi bị mặc cảm hoặc tự kiềm chế, mặc dù biết tình yêu của nàng với Siêu là cấm kỵ:

            “Mặc dầu Siêu với nàng là đôi con dì không lấy được nhau nhưng cái mãnh liệt của tình yêu ấy không mảy may làm nàng sợ hãi; nàng lại thấy mừng không ngờ mình yêu đến thế. Nàng đón lấy nó như hiện giờ này nàng đón lấy cơn gió lạnh sắc đương quất vào hai bên má”. (trang 19, sđd)

            Trong Văn Học Việt Nam ít có cô gái quê nào táo bạo như Mùi. Mùi tự do và biết mình tự do vì Mùi tạo nên hoàn cảnh mà không chạy theo hoàn cảnh. Tình yêu của Mùi và Siêu đậm dấu ấn thể xác nhưng lại là thứ thể xác não thùy, phát xuất từ tình yêu nguyên thủy, xẩy ra ở trong óc nên không thể phạm tội. Không riêng về tình yêu nhục dục mà tất cả những nhân vật hay những bối cảnh mà nhân vật tạo ra trong Xóm Cầu Mới, đều ít nhiều nằm trong trạng thái bản năng nguyên thủy. Ví dụ trí thông minh của thằng Tý, phát xuất tự bản năng: mới chín tuổi nó đoán được ý bố nó, nó đoán được ý con lợn, nó tìm những giải pháp lô-gích đo quần áo mà mẹ nó không nghĩ ra v.v… Tình yêu của Đỗi và Bé cũng là một tình yêu bản năng: Cặp trai gái làng này tỏ tình bằng cách dẫm chân lên nhau, rồi những ngón chân ấn lên một tý, mỗi lần ấn là một lần tăng nồng độ tình yêu. Nỗi buồn của Triết, em trai Mùi, cũng là nỗi buồn nguyên thủy, Mùi không biết tại sao em mình hay ngồi buồn, cả đến việc chơi bươm bướm của Triết, Triết chơi với những con “bươm bướm ma”, và đó lại là một lối chơi buồn mà chính Triết cũng không biết là mình buồn. Tính lẩm cẩm của U già là một hình thức truy lùng sự thật, tìm về nguyên thủy: Thật ra U già không lẩm cẩm, u còn lô-gích nữa là khác, U già lật tẩy những ý nghĩ trong đầu Mùi. Mùi biết là lần nào mình cãi nhau với U già cũng thua, nhưng nhà vắng quá, thỉnh thoảng Mùi phải tìm cách cãi nhau với U cho có tiếng nói, và U già mỗi lần thấy Mùi gắt là lại nói ngang phè. Những cơn say của bác Lê là để thỏa mãn cái thèm, che lấp cái nhát, cái bản năng sợ vơ. Bác biết trước là uống rượu vào sẽ đánh vợ đánh con, nhưng bác không thể tránh được, bác cố nhịn, nhưng đến phút chót cái thèm vẫn ăn đứt bác và bác lại chịu thua cái thèm …

Tất cả những “kỹ thuật” xây dựng nhục dục trên bàn tay, cánh tay, ngón chân, trên những mảnh thân nhỏ nhất, trong những cử chỉ tầm thường nhất, do Nhất Linh sáng tạo, sẽ được Võ Phiến thừa kế như một môn đệ và Võ Đình nối tiếp Võ Phiến.

 

            Xóm Cầu Mới tập hợp những con người trong trạng thái bản năng nguyên thủy. Nhất Linh tìm đạt đến cối rễ của cá tính, của bản ngã, như thể ngòi bút của ông đã là nhân vật; rồi chính những nhân vật ấy lại dẫn dắt ngòi bút đi, tạo nên những cuộc đời chưa thành hình. Xóm Cầu Mới là tác phẩm dang dở, hình như Nhất Linh mới viết được có một phần ba, cũng là một tác phẩm chưa thành hình. Ngòi bút vừa xây nên nhân vật lại vừa từ nhân vật đi ra, tự nhiên như không phải tả gì cả. Có thể là Nhất Linh đã tìm được nguồn cội hành vi và cảm giác của con người và có lẽ đó là sự thành công sâu sắc nhất của Nhất Linh.

 

 

 

Nhất Linh, Giòng Sông Thanh Thủy

 

            Nhất Linh bắt đầu viết Giòng Sông Thanh Thủy ngày 28/11/1960. Cuốn đầu, Ba Người Bộ Hành, 248 trang, trong vòng một tháng. Hai tập sau chắc cũng hoàn tất rất nhanh bởi toàn bộ ba cuốn, hơn 600 trang, được nhà Đời Nay in năm 1961, hai năm trước khi Nhất Linh quyết định tự chấm dứt đời mình.

            Tại sao lại có Giòng Sông Thanh Thủy? Bộ tiểu thuyết vượt ra ngoài cõi viết của Nhất Linh, một người mà cho đến năm 1960 vẫn loại chính trị ra ngoài văn học? Phải chăng Nhất Linh muốn để lại một tự phán của nhà văn Nhất Linh về nhà chính trị Nguyễn Tường Tam, và qua đó là bản án của văn học đối với cách mạng?

            Giòng Sông Thanh Thủy là một trường giang tiểu thuyết, gồm: Ba Người Bộ Hành, Chi Bộ Hai Người Vọng Quốc. Toàn bộ viết về thời kỳ cách mạng Việt Nam tại Trung Hoa, thời kỳ 44-45, trên trục Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, Hà Giang mà hoạt động chính trị của Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng, ở vào thế phải diệt nhau bằng những phương tiện tàn bạo nhất: ám sát, thủ tiêu. Hai nhân vật chính trong truyện: Ngọc, cán bộ Việt Quốc, Thanh, cán bộ Việt Minh, đều biết người nọ có nhiệm vụ phải giết người kia nhưng đồng thời họ cũng yêu nhau bằng một tình yêu tuyệt đối: tình yêu đến chết.

 

            Về văn phong và nghệ thuật, Giòng Sông Thanh Thủy không phải là tác phẩm nổi bật nhưng là cuốn sách mạnh nhất về tư tưởng và chính trị của Nhất Linh, ông điều tra về con người, về các guồng máy chỉ đạo con người, về tội ác, về sự nhân danh lý tưởng, tổ quốc dẫn đến tội ác, về chỗ đứng của tình yêu, bên cạnh tội ác. Tóm lại là sự sa đọa của con người trong các guồng máy cách mệnh Việt Quốc và Việt Minh nói riêng, và qua đó là sự sa đọa của con người trong các guồng máy cách mạng nói chung.

            Giòng Sông Thanh Thủy không phải là cuốn tiểu thuyết chống Cộng sản, bênh Việt Nam Quốc Dân Đảng, ở đây Nhất Linh đứng lên trên địa vị đảng trưởng, ông dùng địa vị nhà văn để phân tích tâm lý và hành động của những người bẩm sinh hiền lành, nhân ái, nhưng khi đã sa vào guồng máy cách mạng, có thể trở thành những kẻ sát nhân lạnh lùng, không chút rùn tay, chùn bước. Giòng Sông Thanh Thủy là tác phẩm phản đề, phản lại những mẫu người cách mệnh trước, như Dũng, như Trúc v.v…, những nhân vật lãng mạn làm cách mạng mà không nhúng tay vào tội ác. Với Giòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh xác định: cách mạng và tội ác đi đôi với nhau, không thể khác. Trong Giòng Sông Thanh Thủy, Nhất Linh nhà văn, kết án Nguyễn Tường Tam nhà cách mạng, và đưa ra chân lý: cái đẹp trong văn chương và ý nghĩa nhân bản của văn học sẽ còn tồn tại lâu dài, như thơ Tô Đông Pha, Đỗ Phủ, trong khi những thành bại chiến tranh Chu Du, Tào Tháo … đều đã trôi vào quên lãng. Hiển nhiên hơn, 40 năm trôi qua, Nhất Linh nhà văn vẫn còn tồn tại, trong khi nhà cách mệnh Nguyễn Tường Tam đã đi vào bụi bặm của thời gian. Đó là ý nghĩa sâu xa của tác phẩm.

 

*

 

            Giòng Sông Thanh Thủy được cấu trúc như một tiểu thuyết trinh thám mà các đối thủ truy tìm chỗ hở của nhau để ra tay, toàn thể lồng trong không khí nghi ngờ, một nỗi nghi ngờ bệnh hoạn: không biết đối phương là ai? Là gián điệp đơn phương hay nhị trùng? Kẻ mình sắp giết có phải là nội gián cho địch? Hay chính mình sẽ bị địch giết trước? Ba Người Bộ Hành mở vào cạm bẫy, rình rập tay ba giữa Ngọc, Tứ và Nghệ. Trong khi Chi Bộ Hai Người, tìm sự đối chất tay đôi giữa Ngọc và Thanh. Cuối cùng, Vọng Quốc theo dõi đường về cõi chết của hai người.

 

            Những nhân vật chính (cán bộ Việt Quốc và Việt Minh) xuất thân ở những môi trường khác nhau, họ tình cờ làm cách mệnh hơn là vì lý tưởng.

            Ngọc (Việt Quốc) đang đi học, vì gia cảnh sa sút nên phải bỏ dở để học nghề đan ren ở làng bên cạnh. Ngọc yêu Thúy, con ông chủ. Thúy ho lao, mất. Đang bàng hoàng trước cái chết của Thúy, Ngọc được Lê, anh ruột Thúy dẫn vào cách mạng, trở nên một cán bộ giao liên, phụ trách thủ tiêu những phần tử Việt Minh. Thanh (Việt Minh) được lệnh trà trộn vào hàng ngũ Việt Quốc ở Vân Nam và Hà Giang, quyến rũ Ngọc, giết Ngọc và tiêu diệt toàn bộ Việt Quốc. Thanh xuất thân con nhà giàu, có học, lấy chồng nhưng người chồng chơi bời, tiêu hết tiền hồi môn của vợ, hai người ly dị, Thanh gặp người tình thứ nhì, lại bị lừa lần nữa, thất vọng, gia nhập Việt Minh.

            Những nhân vật khác cũng theo cách mệnh vì những lý do cá nhân hơn là vì lý tưởng, như Nam, trước làm y tá, vì nhà sa sút nên phải lấy một người chồng Tàu, theo chồng sang Văn Sơn; chồng chết, ở hẳn lại Vân Nam, làm nghề thầy thuốc, đỡ đẻ và gia nhập Việt Quốc, thi hành các vụ thủ tiêu. Nam, dưới mắt Ngọc, “là người rất hiền lành thế mà bây giờ nàng cũng giết người không khác gì chàng” (Ba Người Bộ Hành, trang 110). Về việc Nam thủ tiêu Vương Đức, một cán bộ Việt Minh, Ngọc nghĩ: “chàng chưa hiểu được tại sao một người đàn bà nhu mì như Nam lại có thể giết người, mà lại tự ý giết một cách độc ác như thế, chàng thốt nhớ lại câu Thanh nói: “Bị cái guồng máy nó lôi kéo.” […] Ý nghĩ về cái tốt, cái xấu ở đời lại lảng vảng trong đầu óc chàng, […] cũng như Tứ và Nghệ, đều là những người tốt, có lòng nhân đạo […] Ngay lúc Nam kể cho chàng nghe về việc giết Đức, chàng không khỏi ghê tởm vì lòng độc ác của con người; chàng thấy thương hại cho Đức khi bị Nam bóp cổ; đôi mắt mờ ấy biết đâu đã không đau khổ vì không hiểu và biết đâu Đức không có cha mẹ, vợ con hay một người yêu và trước khi chết đã không nghĩ tới những người thân yêu đó” (Ba Người Bộ Hành, trang 115)

            Ngọc không hiểu tại sao Nam, một phụ nữ hiền lành, một bà đỡ, một thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho người nghèo, một người “cứu nhân độ thế” mà lại có thể giết người không gớm tay, cũng như Ngọc không hiểu được chính mình, tại sao có thể thẳng tay thủ tiêu hai cán bộ Việt Minh, Tứ và Nghệ, một cách tàn ác và lạnh lùng không kém.

 

            Ba Người Bộ Hành, mổ xẻ sự “không hiểu” ấy và mô tả tâm lý rình rập giữa Ngọc, Tứ và Nghệ. Cả ba đều đã dùng những thủ đoạn “dối trá, gian giảo, độc ác để hạ thủ nhau”: “Họ rình nhau như những con thú dữ mà người nào cũng vì một lý tưởng mình cho là cao đẹp” (Ba Người Bộ Hành, trang 207). Ở đây, Nhất Linh đã viết những trang lạnh lùng và rùng rợn nhất về tội ác của con người, nhân danh cách mạng. Ngọc dẫn Tứ và Nghệ đến một chỗ được gọi là “chỗ ấy”, tức là nơi Ngọc sẽ thi hành bản án; trên đường xuyên núi rừng, phong cảnh hùng vĩ, Ngọc vừa đi vừa hát “Chàng cất tiếng hát cao giọng, đi thật mau cho bước chân ăn nhịp với bài hát mà chàng cố hát thật mau:

            Hồn nước muôn năm sống cùng non nước!

            Ngày nay ta noi tấm gương anh hùng,

            Dù khó thế mấy quyết cùng nhau bước,

            Làm cho vang tiếng cháu con nòi giống Tiên Long.

            Chàng chuyển sang điệp khúc:

            Mau, mau đồng lòng, tay cầm tay, trông cờ nước, ta đều bước,

            Tuốt gươm, thề với núi sông …

            Hồn nước muôn năm sống cùng …

            Bài hát ấy là của Lưu Hữu Phước, đảng viên Việt Quốc trong thời kỳ bí mật từ trong nước truyền ra.” (Ba Người Bộ Hành, trang 214)

            Nhất Linh đã dùng tâm lý nghệ thuật để giải thích câu hỏi: Tại sao một người “bình thường” như Ngọc, có thể giết người – người đồng loại – cùng chung một lý tưởng đánh đuổi ngoại bang như thế? Câu trả lời có thể rất đơn giản: Họ giết người theo đơn đặt hàng của “tổ quốc”. Lạnh lùng hành sự, không chút chùn tay, vì cho rằng mọi hành động của họ đều “vì tổ quốc”, đều được tổ quốc phù trợ. Tổ quốc trở thành Thượng Đế, một thứ cứu cánh biện minh cho phương tiện. Tổ quốc – cái tổ quốc ấy – được những giáo sĩ, tông đồ, thừa sai, … rao giảng. Mỗi nhóm thừa sai có một ý nghĩa tổ quốc khác nhau: Tông phái Việt Minh và thiền phái Việt Quốc không cùng chung quan niệm về tổ quốc, về chính thể, về tổ chức xã hội… dù họ cùng là người Việt. Cho nên những pháp tăng như Lưu Hữu Phước, nay có thể cổ võ cho Việt Quốc, mai trở cờ đón gió Việt Minh, nhưng vẫn ở trong lòng “tổ quốc” và vẫn có thể nhân danh tổ quốc để thanh toán, loại trừ nhau. Ở đây, cái ác của con người đã được mặc đồng phục tổ quốc để hành sự. Ngọc cũng là người bình thường như tất cả mọi người, nhưng khi cái ác trong anh được tổ quốc trưng dụng, anh có thể bình tĩnh làm những hành động điên cuồng nhất mà lương tâm không mảy may dầy vò. Lương tâm đã bị “chính nghĩa” chinh phục, nó cấm khẩu.

            Vô hiệu hóa được lương tâm, Ngọc sung sướng thưởng thức cảnh đẹp, say sưa với nhịp bước hùng ca và tự do hành sự. Sau khi đã bỏ thuốc độc trong cà phê cho Tứ và Nghệ rồi, “chàng nhấc thây của Nghệ và Tứ đem ra đặt sát gần bức vách núi rồi đẩy mạnh một cái. Hai cái xác rơi từ trên cao xuống, lọt vào khe mấy tảng đá. Đứng ở trên còn thấy hở ba cái chân, Ngọc bẻ một cành cây rậm lá quăng xuống, chàng phải quăng xuống bốn năm cành mới có một cành trúng và che phủ mấy cái chân hở. […]

            Ngọc ngẩng lên: trời cao và xanh, lơ lửng một vài đám mây trắng. Các ngọn núi bao bọc chung quanh dưới ánh sáng mùa thu trong có một vẻ đẹp rực rỡ mà vẻ đẹp của trời thu như còn xa hơn nữa; nắng đẹp ở vườn sau nhà Thanh, nắng làm rám da mấy quả lựu và làm hồng đôi gò má Thanh đương đứng ngắm những cánh hoa lựu trắng, nắng còn đẹp ở những nơi xa xa nữa; lúc này Nga đương ra vườn cất quần áo đã khô, lòng chợt nhớ đến chồng, mong ngày chồng về; nắng đẹp ở trong vườn người chị thân yêu của chàng giờ này có lẽ đương cau mũi và mắng chàng:

            – Thằng Ngọc chết tiệt, đi đâu biệt tích không một lá thư gửi thăm nhà.” (Ba Người Bộ Hành, trang 237-238)

 

            Phải có một bản lĩnh cao cường như Nhất Linh mới có thể hòa trộn tội ác trong bối cảnh trời cao, mây rộng, yêu nước và yêu người như thế. Như để báo trước chủ đề: thế giới tâm linh không có lằn ranh thiện ác, trước khi vào truyện Nhất Linh đã dẫn hai câu thơ Nguyễn Du:

Trời kia đã bắt làm người có Nhân[8]

… Đã mang lấy nghiệp vào thân…

 Và lời Pascal:

 Vérité en deçà des Pyrénées, erreur au delà.

(Bên này dãy núi Pyrénées là sự thực, bên kia là sai lầm).

            Nhất Linh thay rặng Pyrénées của Pascal bằng dòng sông Thanh Thủy: Trong con người không có rặng Pyrénées, cũng không có dòng sông Thanh Thủy, hoặc nếu có thì cả núi lẫn sông đều chìm lấp trong cái vực chung thiện ác là trái tim.

            Ngọc và Thanh là tên một loài lan quý (Giòng Sông Thanh Thủy in 10 bản trên giấy Thanh Ngọc với 17 phụ trang do chính Nhất Linh vẽ). Lan Thanh Ngọc mà Nhất Linh đã tha thiết vun trồng bên dòng suối Đa Mê, được minh họa ở trang đầu với những dòng:

            Sắc trong Thanh Ngọc hương thơm mộng

            Một thoáng mơ tiên thoảng xuống trần.

            Thơ và họa dạo đầu, phác thảo chân dung hai nhân vật chính, vừa trong như Ngọc, vừa Thanh như lan, nhưng chẳng bao lâu sẽ hóa thân thành ác quỷ, một khi họ bị guồng máy cách mệnh cuốn về hai phía đối đầu: quốc gia và cộng sản. Thanh Ngọc chỉ là tại kiếp, trước họ đã có tiền kiếp Linh Giang, sau họ là hậu kiếp Bến Hải. Hai trăm năm, hai mươi năm, vận hạn ngắn dài, tùy theo lịch sử và con người, nhưng tựu trung tất cả đều là những linh hồn đồng bệnh.

            Cho nên, tác phẩm của Nhất Linh không chỉ viết cho một thời mà ông viết cho nhiều thời, không chỉ là sự tranh chấp giữa Việt Quốc – Việt Minh những năm 45, mà còn bao trùm những tranh chấp đã có từ trước Nhất Linh, sau Nhất Linh… hai trăm năm, hai ngàn năm … những guồng máy tranh chấp chưa bao giờ ngừng quay từ khi có loài người. “Thanh nói với Ngọc:

– Cái guồng máy ấy vẫn còn, còn mãi. Anh đã xem Đông Chu Liệt Quốc và Tây Hán chứ?

– Có, tôi có đọc nhiều lần.

– Đấy, anh xem cái guồng máy đã có từ mấy nghìn năm trước. Anh chắc còn nhớ Vệ Ưởng nước Tần, Phạm Lãi với Văn Chủng nước Việt, Hàn Tín với Trương Lương đời Tây Hán. Vệ Ưởng, Văn Chủng, Hàn Tín đều bị cái guồng máy nó nghiền nát nhừ cũng như nó sẽ nghiến anh Ninh và cả anh nữa. […] Anh bị lôi cuốn vào đó và tôi cũng vậy.” (Chi Bộ Hai Người, trang 86)

            Thanh gần gũi với Nhất Linh, tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, có tư tưởng. Đã bao lần Thanh muốn bỏ tất cả để tìm đến thiên thai với Ngọc. Họ đã sống những giây phút thần tiên, lãng mạn với nhau, đã đi thuyền trong trăng, đã dạo vườn đào Côn Minh như Lưu Nguyễn. Thanh đã muốn bỏ tất cả tục lụy, tranh chấp, chém giết, nhưng guồng máy không tha cho Thanh, không tha cho Thanh-Ngọc. Như Thanh, Nhất Linh cũng đã bỏ tất cả, lên Đà Lạt tu tiên, tìm một cõi đam mê, vượt khỏi bậm bụi cuộc trần, nhưng rồi rút cục Nguyễn Tường Tam cũng không thoát khỏi guồng máy, lại trở về trần, trở về với đấu tranh chính trị, để rồi bị guồng máy chính trị nghiền nát. Nhất Linh gánh cái nghiệp của nhà văn và nhà cách mạng: cả hai đều biết rất rõ về nhau nhưng không buông tha nhau và đeo đuổi nhau đến hơi thở cuối cùng. Văn chương và cách mạng đối với Nguyễn Tường Tam Nhất Linh như Ngọc và Thanh, như lan Thanh Ngọc, là một thứ tình yêu lạ lùng, tình yêu đến chết.

            Khi Ngọc và Thanh biết đích xác nhiệm vụ của nhau, họ cùng đi với nhau đoạn đường cuối tên là Vọng Quốc. Họ cùng vọng quốc như nhau, cùng rời Côn Minh đi về biên giới, vượt cầu sang sông Thanh Thủy, về Hà Giang để phụng sự đất nước.

            Đất nước là của chung, nhưng cách phụng sự đất nước của đảng họ lại khác. Cho nên phải giết nhau. Đoạn đường cuối ấy được Ngọc cảm nhận như sau: “Ngọc cho cuộc đi với Thanh về Hà Giang như một cuộc tìm kiếm thiên thai; thân chàng dù có bị guồng máy nghiến nát nhưng linh hồn chàng theo lời Thanh vẫn thường nói, sẽ tan đi như hạt muối trong nước hay biến thành một niềm vui hòa loãng trong cái mênh mông của hư vô. Phạm Lãi, Tây Thi chết đã mấy nghìn năm nhưng tâm hồn hai người vẫn tồn tại trong tâm hồn nhân loại.” (Vọng Quốc, trang 92)

            Trong hành trình này, hai người đã đồng ý với nhau rằng trước khi chết, nếu được nhìn một hình ảnh đẹp, nghe một điệu nhạc hay, thì cái chết chắc sẽ bớt đau hơn. Và họ cũng đạt đến giây phút thần tiên ấy:

            “Thanh để hết cả tâm hồn khe khẽ ngâm, tiếng thoảng nhẹ như hơi gió trong đêm trăng sương mù:

            Đêm sương thoảng tiếng ai trong gió,

            Lòng hỏi lòng biết có hay không?

            Hay chăng tiếng vọng mơ mòng

            Của lòng mình nói cho lòng mình nghe…

            Tiếng ngâm rứt đã từ lâu nhưng dư âm còn vang mãi trong hồn Ngọc. Tự nhiên chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài phú Xích Bích và nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Đông Pha và ánh trăng trong trên dòng Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có thể lát nữa sẽ chết, Việt Quốc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa. Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của những đêm sương lạnh.” (Vọng Quốc, trang 208)

 

            Có phải đó là chúc thư văn học của Nhất Linh? Phải chăng Nhất Linh muốn nhắn lại rằng tất cả những tranh giành, quyền lực, lý tưởng … rồi sẽ chết cùng với con người. Nhưng tiếng thơ không chết. Tô Đông Pha không chết, cũng như Nguyễn Tường Tam đã phần nào chìm trong quên lãng nhưng Nhất Linh sẽ sống mãi với Đôi Bạn, Bướm Trắng, Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy … trong lòng người.

            Với Nhất Linh, thực thể duy nhất đọng lại, kết tinh trên đống xương tàn, trên những nấm mồ của các guồng máy đấu tranh, vẫn là cái đẹp. Cái đẹp là khối tinh anh kết tụ cả thiên nhiên, vũ trụ lẫn con người. Cái đẹp có giá trị phi lịch sử, phi thời gian. Vượt trên mọi tranh chấp, cái đẹp không phải giết người mà vẫn bất tử. Cái đẹp là cứu cánh, cứu rỗi, không độc tôn như Thượng Đế mà đa dạng, ai cũng có thể chiếm hữu và chia xẻ. Bản thân cái đẹp có thể chinh phục tất cả mọi linh hồn mà chẳng cần mảy may bạo động.

 

Paris, tháng 5/2002, tháng 6/2003

T. K.

 



[1] Viết theo tiểu sử Nhất Linh, Nguyễn Ngu Í, Sống Và Viết Với …, Sàigòn 1966, Xuân Thư in lại, không đề năm. Trong chú thích, Nguyễn Ngu Í viết: “Tiểu sử này, do chính Nhất Linh đọc cho tôi viết và đã xem lại trước khi in, tôi xin giữ trọn vẹn và không thêm đoạn đời từ thu 1954 đến thu 1963, để giữ chút kỉ niệm về anh. Khi tái bản sẽ in bổ túc.” Và Nguyễn Ngu Í mất tháng 8 năm 1977 tại Sài Gòn. Hình như sách chưa tái bản khi còn sinh thời Nguyễn Ngu Í, cho nên chúng ta không có được phần tiểu sử Nhất Linh từ 54 đến 63, do chính ông biên soạn.

[2] Trích Chân Dung Nhất Linh của Nhật Thịnh, t.128-129, Ðại Nam tái bản, không đề năm, Tú Mỡ trả lời Lê Thanh trong bài Phỏng vấn các nhà văn.

[3] Nhất Linh viết là Giòng Sông Thanh Thuỷ.

[4] Các cháu của Nhất Linh như Duy Lam, Thế Uyên, đều có ý chê những tác phẩm của ông in sau 1954. Cả em ruột Nhất Linh, Nguyễn Tường Bách cũng viết trong hồi ký: “Sau này, ở miền Nam, anh lại viết thêm vài cuốn như Xóm Cầu Mới, Giòng Sông Thanh Thủy … Những tác phẩm này kém xa ngày trước vì anh không còn những cảm thụ độc đáo như ngày còn trẻ và cũng mất cả vẻ hồn nhiên trong tâm linh, sau khi đã trải qua những ngày vật lộn chính trị kinh hồn.” (Việt Nam, Những Ngày Lịch Sử, t. 50, Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðiạ, Montréal, 1981)

[5] Viết Và Đọc Tiểu Thuyết, Nhất Linh, nhà xuất bản Đời Nay, 1969, trang 69, câu này Nhất Linh trích từ lời của một nhà phê bình viết về cuốn Anna Karénine của Tolstoi, mà ông cho là một mẫu mực của tiểu thuyết.

[6] Xóm Cầu Mới, Phượng Giang, 1973, in lại ở Hoa Kỳ, không đề năm, không đề nhà xuất bản, trang 13.

[7] Những nhà văn lớp sau như Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến… đã ít nhiều chịu ảnh hưởng. Nhất là Võ Phiến, trong lối mô tả chi tiết, ông hay nhắc đến lời Nhất Linh (trong Viết Và Đọc Tiểu Thuyết) khuyên những ai muốn viết tiểu thuyết hay đừng quan tâm tới câu văn hay. Thật ra, lời khuyên của Nhất Linh chỉ có tính cách tương đối vì một người không theo “trường phái” Nhất Linh như Vũ Khắc Khoan vẫn được Nhất Linh quý trọng.

[8] Nhất Linh viết nhầm, thực ra câu thơ Nguyễn Du là: Trời kia đã bắt làm người có thân

Comments are closed.