Truyện của Võ Bá Cường
Chương 13: Vết thương
Ông dừng lại, đứng thở dưới gốc cây vối đang đổ hoa xuống mặt ngõ cái sân chạt, rồi người lại lê đôi ủng cà tàng ra cổng nhìn lại lần nữa cái bảng bằng sắt tây gò cong bốn mặt úp chụp lấy trụ cổng mà anh họa sỹ đã gò lưng kẻ lên mấy chữ : Hội Văn Nghệ.
Đúng là cái địa điểm mình đang cần tìm. Trong những gian nhà cấp bốn kia, ngói đã xô xuống từng đám. Xô xuống để cất tiếng khóc than sự đổ nát, ọp ẹp của một thời. Thế nào chả có “anh em ta”, thế nào chả có người biết đến Nguyễn Hữu Đang.
Giời ôi! Không biết đã là mấy giờ rồi. Bụng ông già réo gọi, ông không nhìn thấy ai cả ngoài cái sân cỏ nắng vàng như hoa vối rắc, hàng cây xương cá xanh um và rặng liễu thả tóc xuống lối đi vẻ buồn trước gió.
Không biết ngó vào cửa phòng nào cho thích hợp? Sợ rằng người mở cửa hất hàm hỏi: “Ông tìm ai?” thì chín mặt. Lẽ đời, đi tìm chỗ ngả lưng, kiếm một miếng ăn lúc lỡ vận nơi không quen biết, quả khó. Đừng lo nghĩ nhiều quá, ông nghĩ thầm. Nhưng nào mấy ai hiểu được nông nỗi của già Đang lúc này. Ông biết bụng dạ mình lắm, nhẫn nhịn, chứ không chịu nhục. Trái tim ông không nhầm chỗ bao giờ. Ông muốn cất tiếng, gọi ai đó mà cổ cứ nghẹn. Nước mắt muốn ứa ra hai hàng mi. Nhiều ít ông cũng được nghe cánh văn nghệ tỉnh có chút lòng hào hiệp thương người. Tuy đã về Thái Bình hàng chục năm chưa bao giờ đến để nhờ vả bạn hữu.
Trong lúc hoạn nạn đời dạy ông phải kiên tâm. Người mạnh dạn đưa tay khẽ gõ vào tấm ván gió ở cái cửa vào gian chuôi vồ. Im lặng… Vẫn là sự im lặng như sự lạnh lùng từ chối. Ông gõ tay lần nữa, nhưng lần này mạnh dạn hơn, kiên quyết hơn… Bên trong tiếng dép tất bật đi ra. Ông chủ khoác cái áo đại cán kiểu Tôn Trung Sơn, đội mũ lưỡi trai “Tàu” quá, ông Đang nghĩ vậy. Thế thì phải lựa lời mà thưa với gửi. Cung cách quan văn thật “mao ít” ai đến gõ cửa, ông cho thánh chỉ, bằng không thì đợi đấy. Mùi dầu quế thơm sực nức trong phòng. Bắt đầu tiết cuối xuân rồi mà ngó bộ ông chủ nhà chuôi vồ vẫn cảm thấy lạnh nên cúc cổ cài thật khít. Ông ngồi xuống rung rung đùi và khẽ khàng:
– Bác xơi nước. Và hất hàm hỏi: “Bác là… Quả tôi chưa nhớ bác là ai…”
– Thưa vâng! Tôi là Nguyễn Hữu Đang, ở Vũ Công, lên thị xã có tý việc qua chơi với anh em văn nghệ một chút.
– Cám ơn bác! – Ông chủ gian chuôi vồ khẽ trả lời và à liền mấy tiếng vẻ lạnh nhạt, nhưng bất chợt ông đưa hai chân lên ghế salông, mười đầu ngón chân bám chặt vào cạnh mặt ghế trước, hai vai ông xo lại co rúm thân thể. Quả thật “ông chủ” sợ, sợ cái tên Nguyễn Hữu Đang mà ông đã từng láng máng nghe thấy tội lỗi của hắn. Ông Đang nghĩ: Người thế này, họ biết còn thương ai! Nếu có lòng thương người, họ chẳng nỡ xử tệ với mình như thế. Bụng bảo dạ nên rút sớm đừng trơ mặt ra đây mãi làm gì. Biết đâu họ lại chẳng quẳng đồ đạc của mình ra sân hoặc gọi đội “sếp” bên sở đến thì khổ. hai người ngồi xã giao những câu chuyện chẳng đâu vào đâu và cũng chẳng ăn nhập với thời cuộc. Ông Đang toan đứng dậy. Ông chủ nói:
– Bác ở chơi với chúng tôi, tôi mời đồng chí Phó Chủ tịch thường trực tiếp bác. Trong cảnh khốn cùng đó, làm loé mắt người nhìn, bởi những tia chớp từ mắt “ông chủ” đánh sang, con mắt tuyệt vọng của ông Đang.
Phòng bên, cửa đã hé. Ông chủ đưa tay khẽ gạt cánh cửa ra phía ngoài chân đun hòn gạch chèn dưới giữ cho gió khỏi đập, đằng sau tấm ri đô màu xanh loang lổ những vết ố và mực tím. Nhà viết kịch thường ngày tiện tay lau chiếc bút Trường Sơn nhiều khi tắc mực. Mùi hành phi, quện nước thịt kho được bốc lên. Nhà viết kịch còn lùng nhùng sau tấm màn vách chưa kịp bước ra.
Biết thủ trưởng của mình dẫn khách đến, nhà viết kịch “đương đại” đành bỏ bát cơm trộn nước thịt kho thừa chiều hôm trước có hội nghị bà cấp dưỡng giành cho vừa đun lên chưa kịp ăn. Cười đon đả mời khách.
“Ông chủ” làm phận sự giới thiệu khách, đùn đẩy một cách nhã nhặn, xin phép ra về, không quên khép chặt phòng mình và chốt lại.
Già Đang ngồi nghe nhà viết kịch ca ngợi thời thế, ca ngợi dân tộc, “Tre non ấp bóng tre già / Đời con nối tiếp đời cha anh hùng“. Tác phẩm văn học thời nay phải lên tiếng cái đáng ca ngợi, phê phán cái đáng phê phán, không nên luẩn quẩn, luẩn quẩn để hổ thẹn với lương tâm và không tránh khỏi pháp luật. Ông Đang không muốn tranh luận quan điểm học thuật với nhà lãnh đạo văn nghệ cấp tỉnh, nhưng ông muốn nói với nhà viết kịch một điều: “Xưa nay pháp luật chỉ biết trừng trị kẻ làm càn chứ không biết nguyên do đâu nó buộc người ta phải làm càn…., nếu kẻ ấy đã bị người ta cướp mất quyền sống, quyền tự do của con người, họ phải biết dùng mọi cách đòi lại, đó là sự công bằng.”
Ông Đang nhìn xuống chân thấy những hòn gạch lát nền mới được “nhà viết kịch” dùng con dao cùn nạo đất lên, do khách khứa tha từ ngoài vào, dầy đến một tấc khoe mình đỏ chon chót, cạnh đấy là cái xô chứa đất chưa kịp đổ ra ngoài sân sau. Ông sợ đôi ủng cà tàng kéo theo nhiều bùn đất vào đây thì chỉ tổ làm người ta ghét. Ông tụt ủng, đưa ra hè, vừa rút đôi chân ra, mùi thối xông lên nồng nặc cả gian phòng. Nhà viết kịch tranh thủ sang xin ý kiến thủ trưởng về bữa trưa nay tiếp thế nào cho phải. Ông Đang lắng tai nghe, những câu nói rin rít qua kẽ răng: “Chúng ta phải giữ vững nguyên tắc của Đảng”.
Ông Đang ứa nước mắt vùng đứng lên rảo bước ra cửa, xuống sân. Ông dừng chân ngẫm nghĩ một lát. Rồi không chờ nhà viết kịch quay ra, ông thoăn thoắt bước lại phía ngõ.
Cảnh tình của ông Đang ức muốn chết. Nhưng ông không liều thân, ông lại đưa ống áo chùi ngang mặt, như đứa trẻ ăn vụng biết chùi mồm từ bếp bước ra, ông nói một mình: “Đừng thấy thế mà sợ. Người ta khinh mình không bằng con chó thì tìm đến cái chết mà làm gì. Phải sống cho ra sống, cần sống thêm mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm nữa… Sống thật can trường dầy dạn cho nó thấm nỗi khổ đủ nỗi nhục để xem đời còn xoay xở hành hạ mình ra sao? Muốn vậy mình phải phấn đấu có sự vững mạnh về thể chất, sự cao cả về tâm hồn, mình phải thiết tha với sự cao cả ấy.
Trước kia mới nếm mùi bất công, gian khổ đã có lúc nghĩ đến cái chết, mà cũng mấy lần suýt chết đói, chết rét trong hang đá Hà Giang, bây giờ ông lại nghĩ trái ngược lại, đừng căm hờn đời làm gì? Chỉ nên nuôi cái chí…
Bước chân ông tưởng như vô định đã lần vào đầu con đường Nguyễn Công Trứ tìm cửa hàng thịt chó chú Hòa. Sao nay đóng cửa, buông mành im ắng thế kia?
Ông vừa quay ra gặp anh xích lô chân gác lên càng xe, đắp cái khăn lên mặt nằm ngủ vờ chờ khách. Mặt anh ta âm thầm như một bức tường, nhưng ánh mắt anh không dấu nổi sự đam mê ở ngoài đời. Ông đi lại khẽ vỗ vào vai hỏi:
– Khí không phải, Quán chú Hòa sao không mở…
Giọng anh ta ấp úng, lưỡi như níu lại:
– Bác tha lỗi cho, tôi không biết
– Xin anh đừng sợ. Tôi là bạn tù của chú Hòa.
– Vâng ạ! Tôi cứ sợ người ta đi dò la gì về chú Hòa.
Anh ta kéo ông Đang ngồi xuống gốc cây bàng hè phố, bằng một cử chỉ khoan khoái vui vẻ. Hai người một già một trẻ ngồi trên những viên gạch cái lối đi, hai bên là hàng cây khẳng khiu rụng hết lá, chỉ có cây bàng gìa đang trổ búp chân chim. Anh xích lô nhặt một quả táo rụng trên hè phố, da táo còn xanh, mà đã thối rớt bởi quả bị đập vào bờ tường gạch. Cầm quả táo trên tay với cái giọng thật cay đắng, anh kể:
– Xin nói với bác, tôi cũng là bạn của chú Hòa. Sao chú ấy tốt thế mà người ta nhìn chú vẻ ấy khác chúng ta. Sau khi ngồi tù ra, con người ấy sống tử tế lại. Thuần lại như con trâu được nết, mở quán chăm chỉ làm ăn. Hàng ngày chú nói với anh em tôi, sống phải có lòng yêu thương nhau. Chú bảo: “ý nghĩ đó học được ở ông già trong nhà lao”. Vì cái lòng “yêu thương” nên bán hàng, lãi đã không thu được vốn cũng mất bởi mấy anh xích lô, mấy tay nghệ sỹ, mấy bố bợm rượu túng bấn mà chú thì thừa thãi lòng nhân ái.
Cái quán thịt chó của chú sau được anh nghệ sĩ đổi tên là “Quán yêu thương”. Quán hoạt động được vài tháng thì đóng cửa. Chú dọn đi nơi khác rồi. Quán này giờ của người ta… Cái lỗ chênh chếch sát mái kia kìa (tay anh xích lô chỉ) vào giờ này, hồi chú Hòa ở mùi thơm thịt chó xào nhựa mận đã ngào ngạt bay ra. Cửa ra vào che bằng cái mành rách trên căng sợi dây thép. Đùi chó thui vàng rộm luộc khéo, treo lủng lẳng, chỉ nhìn thấy đã chết thèm, cái đùi sau giơ đuôi chỏng lên trời trông thật nhộn. Bên cạnh đấy là một cái tủ gỗ con con như cái “gác măng giê” đựng rau thơm, bún sáo, bát mắm tôm … Tay chú Hòa chặt thịt phầm phập, miệng luôn thường trực câu chèo kéo khách. Nom thế thì bố thằng nào đi nổi khi chưa tợp hớp rượu, ăn miếng dồi chó…
Chuông nhà thờ đổ, đúng 12 giờ. Ông nhìn lên dốc cầu Bo, sợi mưa mềm phủ cả thành phố, hai vệ đường cỏ xanh lên như lúc thuở dậy thì. Những bóng người khục khịch quấn chặt chiếc áo nilông xanh, trông như chú gấu đi trên chiếc xe đạp xích rão. Rồi ngửa mặt hớp hớp những giọt nước mưa như uống rượu tìm lấy cái vui trong lòng, tìm lấy cái buồn trong lòng, rồi muốn tìm lại chú xích lô lúc nãy cùng uống cho cuộc vui, cuộc uống thần tiên buổi trưa hôm nay. Và ông thấy mình đã say, ảo não như con tàu bị sóng vật trong giông bão. Ông uống cho quên hết cái phần cay cực kia ở trần gian. Ông gọi đây là bữa rượu tiên, bữa rượu “trời” còn ngon hơn, dịu dàng hơn ấm áp hơn tất cả.
Ôi! Bao đêm ông không ngủ để mơ đến cái ngõ văn chương, tưởng bạn văn chương đã hiểu mình. Ông rứt ngọn cỏ bên lề đường đưa vào miệng nhấm nháp cất bước. Vì thế ông đã hẹn một lời với cỏ sẽ trở thành sức cỏ mùa xuân mà suốt đời ông mong đợi.
Vâng ông đã về đến xã Bình Minh Kiến Xương, cắp nón vào nhà cụ Môn bạn chơi. Ông Nguyễn Tiến Đoàn cũng có mặt ở đó. Theo như ông Đoàn tả hôm đó, ông Đang mặc cái áo bông tã, đeo một cái túi như tay nải lôm nhôm, loam nhoam khiến ai nhìn thấy cũng phải buồn cười. Ông Môn đọc luôn:
“Chơi xuân, giữa hạ trở về
Bên yên ngựa nhỏ, đuề huề hành trang
ủng cao su, áo ngự hàn
Hệt như ông lão rời làng di cư
Nỗi buồn nhớ bạn vẩn vơ
Lắng chuông xóm đạo vẫn như đêm dài…”
Câu thơ ông Môn ẩn ý như dấu biệt nỗi niềm vào trong. Ông chẳng dám nói ông bị bắt ở nhà ông Bình bên Nam Định từ mùa xuân đến đầu hạ mới được tha về. Hạ rồi mà vẫn ủng cao su, áo ngự hàn. Hôm nay vẩn vơ nhớ bạn tìm thăm…
Ba ông ngồi ôn lại sự đời, ôn lại thời cuộc. ông Đoàn dưới cụ Đang 18 tuổi, ông Môn suýt soát tuổi ông Đang. Ông Đang vốn là nhà hùng biện (orateur), ông nói hay, giọng khỏe, âm sắc quý phái, diễn tả có duyên kết hợp với nụ cười Di Lặc. Nhưng hôm nay ông lại là người trầm lặng nhất, lặng thinh đi lại nhẹ nhàng, tính cách như một Triết gia phương Đông thực thụ. ông Đoàn vén mành nhìn ra ngoài trời. Sau trận mưa, ánh nắng đầu hè rực rỡ chênh chếch vàng rực khắp vườn tược nhà ông Môn. Cây cối trong vườn xanh um, những bông hoa lựu đỏ rực vẻ khêu gợi. Bóng cây khế trùm hết giếng thơi xanh mát, cành nào cành nấy quả vàng ươm căng da, mọng nước. Ông Môn dẫn ông Đang ra sân giếng. ông Đang với tay trẩy quả khế đèo nho nhỏ, cắn vội nhai sồn sột. Lúc ấy ông Môn tay xách chiếc xô nhỏ, tròn như chiếc gầu thả dây múc nước đổ ra chậu thau nhôm trắng và không quên thả vào chiếc khăn tay mới.
– Bác rửa mặt đi cho mát rồi vào uống nước.
Một làn gió nhẹ thổi từ khóm tre đầu ngõ, luồn qua vườn cây xoan đào vào chỗ giếng nước nơi hai ông đang đứng. Luồng gió nhẹ như lau mồ hôi đầm khuôn mặt ông Đang. Gió mát làm lòng người vui vẻ. Ông Môn có làn da trắng hơn, một chòm râu thưa, đẹp, vẻ tiên ông, hơi quay người lại gọi ông Đoàn con người thư sinh, nhẹ nhõm, ra chỗ giếng nước rồi ba người đứng xít lại gần nhau xem ai cao ai thấp.
Ông Đang cười: “Ba anh em suýt soát nhau”. Cụ Môn đế giọng: “Ba chúng ta cao suýt soát nhau nhưng tài cụ Đang hơn tất cả”. Rồi cụ hít mạnh một hơi gió vườn nói tiếp: “Nhìn chân ba anh chẳng anh nào dài hơn anh nào, ai cũng có một con đường học hỏi, đi tìm công danh, nhưng chẳng ai nên nghiệp lớn, chỉ nhìn vào văn bút của anh Đoàn sau này”. Nghe ông Môn nói vậy, ông Đoàn lên tiếng tiếp:
– Việc học hành mênh mông như biển cả, biết đâu là bến là bờ. Vậy học bao giờ mới hết được. Chả ai dám nói “tôi học như thế đã đủ rồi”. Mặt trận văn bút mới là khó. ông Đang mới chạm vào đã “chết”, nghiệp văn của ông ví như vị tướng soái ra trận chưa chiếm lĩnh được thành trì, chưa chiếm giữ được đất đai đã trở thành viên tướng bại trận…
Ông Đang lên tiếng: “Tôi giờ như hòn gạch phồng sù sì, xấu xí, bị người thợ hồ lát nhầm lối ra vào cửa. Mỗi lần ai vào nhà, hoặc từ trong nhà bước ra nhìn thấy viên gạch phồng đều khó chịu. Tôi đã tạo ra sự không bằng phẳng, nhiều góc cạnh, hòn gạch như thế ông chủ nhà nhiều lần muốn đục đẽo, chọn hòn khác thế vào chỗ tôi. Hòn gạch phồng không thể khắc chữ, trổ hoa. Thôi thì mình cam phận xấu nằm lặng lẽ trước cửa, để người ta bước lên, bàn chân họ cảm nhận được sự sống âm thầm viên gạch chịu lửa, mà không sợ hiểu lầm.
Ba ông dẫn nhau vào nhà, nhấp chén trà, ông Đang trầm ngâm hồi lâu mới lên tiếng:
– Sau một thời gian dài tôi phải sống khốn khổ ê chề do người ta đã tìm cách giáng vào đầu tôi những quả đấm mạnh. Tôi nghiệm ra, tâm đắc với lời Khổng Tử “Phản cầu chư kỷ”. Nghĩa là trở lại với “mình”, xét lại mình như tôi (NHĐ). Đã có lần nói với ông Đoàn “Tai vạ cũng tốt cho một cái gì”. Cái mà Lão Tử nói “Họa lẫn trong phúc”, trong tai họa đã ngầm chứa điều phúc. Đó là quy luật của Đắc – Thất (được – mất). Một khái niệm đồng thời cũng là một hàm lượng triết học phương Đông. Ngày trước những bậc “chính nhân quân tử” thường khắc con dấu bằng ngà voi có bốn chữ: “Phản cầu chư kỷ” đóng vào những trang viết, lấy đó làm phương châm xử thế, xử với chính mình nữa. Tự biết mình đã là sáng suốt, tự thắng được mình mới là người cường tráng về Đức và Đạo, biết vượt lên những cái tầm thường.
Ông Đoàn nói:
– Mặt trận giữa người nông dân và đồng ruộng bao giờ cũng gian khổ. Họ chăm chỉ thế mà vẫn đói. Xem ra cảnh tình làng thôn sau hòa bình chẳng tươi tỉnh gì. Gia tài của họ là nắm rơm khô, cái bu gà ngoài sân và mấy cái bao tải đựng thóc ở góc nhà chả bao nào đầy.
Ông Môn tiếp lời:
– Gia tài của anh em mình có hơn gì họ chỉ có mấy cuốn sách cũ nát. Bữa bữa chúng ta mấy lưng cơm gạo mậu dịch khô lăn khô lóc chan tí nước cà muối.
Ông Đang nói vẻ triết luận:
– Con người có phẩm chất của nó, luôn trung thành với ý tưởng của mình. Nghèo không sợ, già không lo. Vì thế mà người nông dân vẫn một lòng theo Đảng. Đấy là phẩm hạnh của họ.
Ba ông ngồi trong mái nhà tranh tưởng như yên ấm, thanh cao, luận thời, bàn thế. Vẻ mặt ông nào cũng điềm tĩnh như “Bàn cờ thế sự quân không động” nhưng lòng ngầm chứa bão rung, cây đổ. Mỗi ông như một cây “ăng ten” nhỏ thu nạp nắm bắt những thông tin trong làn sóng ngắn, trong quá khứ, hiện tại của lịch sử. Những thông tin ấy bày ra trước mắt ba ông như số phận tâm hồn mỗi con người oan khuất. Như Nguyễn Trãi là một nhà Nho đạo hạnh, lại nằm trong cái lồng nhỏ của xã hội chật hẹp. Người cầm quân đã sử dụng “quyền” “hành” của mình không hợp với lòng dân, không hợp với đạo Phật, nên Nguyễn Trãi dù là người tài năng văn chương, chính trị xuất chúng, con người ấy không được một thể chế chính trị nuôi dung, cuối cùng một kẻ sỹ như ông phải nhận lấy cái chết oan uổng.
Cái chết của Nguyễn Trãi là tiếng thét của muôn dân, cái chết ấy cho ta hiểu thêm quan hệ giữa vua tôi và kẻ sĩ. Nhà Nho ấy luôn đề cao tôn thờ “đức hạnh”, biết chọn lựa Đức – Hạnh – theo nghĩa của Khổng Tử là lòng nhân đối với nhân dân. Chúng ta nhìn lại cuộc đời của Nguyễn từ lúc chào đời, đến lúc xuất chúng văn chương chính trị đến mối tình lớn lao lúc xế chiều đều in dấu thời điểm then chốt lịch sử Đại việt. Định mệnh cá nhân và lịch sử dân tộc nương dựa nuôi dưỡng nhau. Cho nên Nguyễn Hữu Đang hoàn toàn đồng ý với câu nói của Bernard Guenée. “Qua định mệnh con người ta có thể hiểu được định mệnh dân tộc và ngược lại …”
Thông qua tấn bi kịch của Nguyễn Trãi, định mệnh một con người ta có thể nhìn thấy lịch sử của thời ông sống. Thời ông đi ở ẩn trong rừng trúc, lúc ngồi trước bàn cờ “tiên” không màng thế sự công danh, đấy là thái độ phản kháng, theo tinh thần vi vô của Lão Trang.
Với con mắt “viễn thấu” tầm chiến lược, ta hiểu Nguyễn Trãi là nhà ngoại giao tài tình, một nhạc sĩ, nhà địa lý thông thái, một thi nhân, một nhà chiến lược mà cuộc đời ông đi qua thảm kịch bi khuất đau thương của một vĩ nhân sống trong xã hội chật hẹp bé nhỏ …
Cuối buổi ông Đang còn nói: “Chúng ta thường nói rằng triết học là một vấn đề tri thức thuần túy, và rằng nền triết lý cao nhất phát sinh từ một tâm trí thiên bẩm với trí thông minh sắc bén và những thao tác tư duy biện chứng kỳ diệu. Nhưng trí năng không phải là tất cả. Phải có một sức tưởng tượng sâu sắc, phải có ý chí mạnh mẽ cứng cỏi, phải có trí tuệ nhạy bén về bản tính con người và cuối cùng phải có một thị kiến hiện thực về chân lý tổng hợp trong toàn thể sinh mệnh con người. Điều ấy chúng ta tìm thấy trong con người Trần Đức Thảo. Để chứng minh điều này, chúng ta đọc ý kiến của GS – NGND Nguyễn Đình Chú trợ lý của thầy Trần Đức Thảo tại Trường ĐHSP Văn khoa 1957 đã tâm sự: “Thầy Trần Đức Thảo là một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, thày còn đáng cho nền văn hóa Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại …” (Trích bài: Thơm mãi cỏ Khang Thành của Kiều Mai Sơn VN số 46 ngày 17/11/2007 ). Ông Đoàn nói lại cảm tưởng của mình được đứng trước ông Đang mắt như được mở ra. Tầm nhìn của mình như trước bầu trời trí thức mênh mông, lộng gió. Hôm ấy các ông ôn lại cuộc gặp giữa ông Đoàn và ông Đang ở chùa Trà Vi nơi giam lỏng ông Đang. Hai ông không quan tâm tới chùa trên, mà dồn mọi suy nghĩ vào nhà thờ tổ, thờ một ông có bộ râu rất đẹp, một chân đi hia, một chân đi đất.
Hôm nay nhìn xuống chân ông Đang đi ủng, ông Đoàn nói vui:
– Em trông bác như ông tượng thờ ở nhà tổ chùa Trà Vi, chân đi hia, tay mang cây tích trượng (gậy hoá độ) để tìm đường truyền bá tinh thần dân chủ. Ông Đang cười:
– Mình đang tù bỏ mẹ chứ có đi truyền bá gì đâu?
Hôm ấy, hai ông còn dắt tay nhau ra gốc cây đa cổ thụ phía Tây chùa. Tay ông Đang gạt sương, chân đạp cỏ tìm khoảng trống nhìn ra đồng làng. Ông đọc một đôi câu đối cho ông Đoàn nghe:
* Nào công, nào tội, rằng nhục, rằng vinh. Thương số phận Khuất Nguyên – Nguyễn Trãi.
* Vẫn nước, vẫn nhà, biết thời, biết thế. Quý cuộc đời Phạm Lãi – Trương Lương.
Sau trở lại nơi ở, hai ông mải trò chuyện, con chuột đói từ gầm giường chạy ra gặm vào chân ông Đang. Ông dậm chân mạnh xuống đất, rồi cười bảo: “Bọn thạc thử ở đây đông lắm nên tôi phải dấu gạo vào trong cái hòm sắt có nắp thật khít mà cũng không yên. Ngẫm một lúc, hai ông dõi mắt nhìn cánh chim bay trước cửa, ông Đang đọc tiếp:
* Quên chí làm quan, quên gan làm giàu, vui cảnh thanh bần lấy Thọ Khang Ninh xây hạnh phúc
* Nhớ văn tránh dốt, nhớ vũ tránh rát, mến nghề giáo huấn dùng Chân Thiện Mỹ dựng nhân sinh.
Mãi sau ông Đoàn mới cất lời: “Triết học và thi ca cứu sống tôi. Em xin bác cho mượn mấy cuốn triết học”. ông Đoàn liếc nhìn cái tủ sách của ông Đang (ông già điên), cuốn nào cũng có giá. Trong đó có hai cuốn đáng giá nhất: Thiền học của Suduki nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng Nhật Bản và cuốn “Những nhà văn hóa Phương Đông. Les Hummanite d’Extreme Orient, LES PERES – SYSTEME DUTAOISTE. (Lão Tử) LIE – TZEU (Liệt Tử), TCHOANG TZEU (Trang Tử) của tác giả LEON WIEGER người Pháp.
Sau khi tra cứu đọc một cách khoa học nghiêm túc, hơn chục năm ở Trà Vi (Vũ Công) “ông già điên” đã tóm tắt ý tứ tiếp thu bằng tiếng Pháp. Bản tóm tắt dày độ vài chục trang viết bằng bút mực xanh, hiện ông Đoàn người Động Trung giữ.
Các ông ngồi xếp bằng trên cái giường gỗ xoan trải chiếu hoa, uống chén rượu suông, ăn bát cơm gạo cũ, rồi rủ nhau đạp xe xuống nhà cụ Nguyễn Đình Thụ thôn 5 xã Vũ Trung Kiến Xương nơi đi lại của ông Đang để tìm cái ống quyển cụ Thụ đã cho 5 số báo Nhân Văn thời ấy rồi dấu lên ránh bếp. Tiếc rằng về đến nơi cụ Thụ đã mất, cái ống quyển ấy cũng đã thất lạc đi đâu, ai mà biết được.
Ngày 1/8/1981 già Đang gửi cho ông Đoàn lá thư để giãi bày nỗi lòng ẩn trắc của mình trước vấn đề ông Đoàn đề xuất “Nghiên cứu lịch sử Thái Bình”. già Đang biết đây là việc làm quá khó để quá khứ được sống lại, làm thỏa mãn tất cả mọi người. Muốn vậy phải cố gắng hết sức cùng nhau lên đường đi tới hang cùng ngõ hẻm trong làng xã Thái Bình, nghe chuyện trong dân gian, chuyện nay, chuyện xưa, điều hay lẽ phải được nén lại, chưng cất viết lên “sự thật” mà có dám viết lên sự thật không? Thái độ nhân dân mọi thời cần nói lên sự thật, dù nó đắng cay chua chát đến đâu cũng phải giãi bày cho hết nỗi lòng uất ức trong dân. Và người viết sử thấy nhục nhã khi không làm được việc ấy.
Thư ông viết: “Cám ơn anh Đoàn đã tìm đến tôi với thiện chí, có lẽ là để giúp tôi được cùng anh nghiên cứu sử học ở Thái Bình này. Rất tiếc vài chục năm nay tôi đã từ bỏ con đường tập thể, cải tạo môi trường đấu tranh xã hội để theo con đường cá nhân thích ứng cầu an. Cầu an mà cũng chuộng nhàn có cái quy luật gọi là “cố gắng ít nhất”, quy luật lười vậy.
Nghiên cứu sử học vừa khó nhọc, vừa có thể va chạm gay go. Tôi bây giờ tạng yếu, không dám làm. Anh biết đấy, tôi đã trải qua cơn bão táp tổn thất đáng kể. Nhưng may sao như một câu tục ngữ Phương Tây: “Tai vạ cũng tốt cho một cái gì”. Nhờ tai vạ tôi tỉnh ngộ xa dần những sự ham mê kể cả ham mê những lý tưởng Chân Thiện Mỹ. Những lý tưởng ấy tự nó không có hại, cái hại là ở chỗ ham mê, bởi ham mê đưa đến quá đáng, quá đáng làm mất thăng bằng, phá vỡ hài hòa. Vả lại thế nào là Chân Thiện Mỹ còn bàn cãi chưa xong.
Trong những ngày “sống thêm” và sống “co lại” của đời tôi, chút năng lực còn sót tôi dùng vào việc suy nghĩ, không suy nghĩ căng thẳng vì ích nước lợi dân, mà suy nghĩ nhẹ nhàng thoải mái vì thích thú riêng. Tích cực hay tiêu cực không thành vấn đề nữa.
Một trò chơi không hơn không kém!
Đối với anh, tôi rất quý mến tính nết và tôn trọng ước mơ của anh. Tôi không mạo muội đem nhân sinh quan, quan điểm ra để phủ nhận những gì đã làm, đang làm, trong cõi tục nhằm phục vụ cho một ước lệ xã hội. Được anh chấp nhận là chính nghĩa và không loại trừ khả năng trong tâm hồn anh, tồn tại, song song êm đẹp hai mặt “tiên” và “tục”.
Cuộc sống là một “trò chơi”, hết thảy mọi việc lớn nhỏ đều là một “trò chơi”.
Từ lâu thế gian này, chẳng tránh được “trò chơi”. Ta chơi không cay cú.
Nguyễn Hữu Đang
Thấy rõ quan điểm ông bây giờ tránh đàn văn, bút trận mà khi xưa ông lao vào Nhân Văn Giai Phẩm và vì cái bệnh “thiếu ôn hòa” “tham thắng” của ông đã để lại một thảm họa khó quên. Cái thời ấy ông còn rất trẻ đi tìm cái đẹp trong cái lý tưởng ở mãi một chân trời xa lắc.
Tâm trạng ấy được bạn hữu Phạm Môn viết bốn câu thơ vào tiết tháng Bảy
Anh đã ra đi chán vạn lần
Già teo thân thế bạc thanh xuân
Đàn văn, trận bút, tình non nước
Sau trước say tìm dáng mỹ nhân.
12/7/1989
Ông Phạm Môn muốn nói ông Đang say tìm dáng mỹ nhân, theo ý của Tô Đông Pha trong tiền “Xích Bích phú”: Diểu diểu hề dư hoài/ Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương/
Mỹ nhân của ông Đang là cái đẹp trong tình bạn, tình đồng chí đồng điệu chứ có phải đâu cái đẹp ở một người con gái.
Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm ông Đang sống trong cảnh phải giữ mồm giữ miệng, e dè từng li từng tý, sống trong ngơ ngác, sống phải đề phòng nhau âm thầm dồn nén. Ra tù được về quê, tưởng đấy là cái bến đậu một hậu phương. Nay cái hậu phương ấy trong ông cũng bị đổ vỡ vì quay trước quay sau chỉ có một mình, không vợ, không con, không bố, không mẹ, không nhà, không cửa. Nỗi niềm cô đơn như cái bóng đen đã trùm lên tất cả và ông khóc âm thầm khi biết mình được nhà chức trách hôm nào tặng cho hai chữ “người điên”. Làng quê giờ thường gọi ông “già điên ăn mắm cóc”.
V.B.C.
(Xem tiếp kỳ sau)