Cửu Long Thành Trại: Vây Thành: điện ảnh Hongkong đang trở lại

Lê Hồng Lâm

Chiều qua trong cơn mưa (đá) nặng hạt hiếm thấy ở Sài Gòn, tôi chọn một suất chiếu Cửu Long Thành Trại: Vây Thành gần nhà và như bước lên một chuyến tàu quay ngược thời gian, về lại không khí của điện ảnh Hongkong thời hoàng kim.

Câu tagline của bộ phim là “Không thể rời đi, không thể ở lại”, diễn tả một tình huống tiến thoái lưỡng nan ngặt nghèo của sinh tồn. Và hai tiếng đồng hồ thưởng thức bộ phim hành động không cho nghỉ lấy một phút này là “Không thể rời mắt, không thể gục đầu" (ngủ gật trong rạp ngon lắm nếu gặp phim dở). Phim xem hấp dẫn dã man, adrenaline tăng kịch trần, thỏa mãn hai tiếng đồng hồ trong rạp.

Thật vui khi chứng kiến một cú hit của điện ảnh Hongkong tại rạp chiếu Việt Nam khi tôi có cảm giác vài năm gần đây điện ảnh xứ sở Cảng Thơm thưa thớt hẳn trên màn ảnh nước ta, chả bù cho một thời cả nước say mê đến mức tuyên bố “Hongkong bên hông Chợ Lớn”.

Xem Cửu Long Thành Trại: Vây Thành cảm giác điện ảnh Hongkong đang lấy lại được sinh khí của mình sau nhiều năm tụt hậu và thua cuộc trước đối thủ đàn em là Hàn Quốc trong hai thập niên qua.

Khai thác một câu chuyện quá quen thuộc của điện ảnh xứ này: những cuộc thanh trừng, sống mái giữa các băng nhóm xã hội đen trong một vùng đất phi chính phủ, hỗn tạp và tội phạm tăng kịch trần, bộ phim này lấy lại được ADN quen thuộc khiến điện ảnh Hongkong một thời lừng lẫy khắp chốn: tình huynh đệ, lòng trung thành và tinh thần trượng nghĩa, sẵn sàng bảo vệ kẻ yếu thế trước những kẻ hung tàn.

Thế giới màu xám, không đen không trắng ấy từng là chủ đề của vô số bộ phim hành động xã hội đen Hongkong, làm nên những tên tuổi ai cũng biết một thời như đạo diễn Ngô Vũ Sâm, Đỗ Kỳ Phong, Lưu Vĩ Cường… và những tài tử như Châu Nhuận Phát, Lý Liên Kiệt, Thành Long, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa…

Sự thành công đột phá của một bộ phim xã hội đen Hongkong như Cửu Long Thành Trại: Vây Thành cho thấy đạo diễn Trịnh Bảo Thụy hiểu được giá trị và hồn cốt làm nên thương hiệu và đặc sản của điện ảnh Hongkong một thời. Vừa trân trọng, tri ân giá trị cũ, vừa biết cách làm cho chúng hợp thị hiếu, hợp thời hơn qua phần chỉ đạo võ thuật, bối cảnh và hình ảnh khiến Cửu Long Thành Trại là một sản phẩm xuất sắc nếu chỉ xét riêng ở phần thưởng ngoạn.

Dĩ nhiên, đừng đòi hỏi những bộ phim như thế này phải sâu sắc hay truyền tải thông điệp gì mới mẻ hay lớn lao. Hãy để dành những yêu cầu đó cho các bộ phim khai thác chủ đề theo hướng đó, còn với Cửu Long Thành Trại, hãy vào rạp với một mục đích duy nhất, được kích thích adrenaline khi xem người ta… oánh lộn. Mà phim này thì oánh lộn từ đầu tới cuối, oánh tanh bành cả cái bối cảnh Cửu Long Thành Trại (Kowloon Walled City), một cái thành phố cũ kỹ hoang tàn nát như bươm chờ ngày giải tỏa.

Và đạo diễn chọn ngay cái thời điểm có tính lịch sử: năm 1984, năm mà Tuyên bố chung Trung-Anh được ký kết, đặt nền móng cho việc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông từ Anh sang Trung Quốc vào năm 1997. Người Hongkong, nhất là những người sống trong Cửu Long Thành Trại không biết họ thuộc về đâu, Anh hay Trung Quốc, cũng không biết phải đi đâu, bởi bọn họ đã cắm rễ trong thành phố hoang tàn này để sinh tồn lâu lắm rồi.

Lịch sử băng đảng của Cửu Long Thành Trại thì chắc phải dăm phim nữa mới kể hết, cũng đã được tiểu thuyết hóa bằng tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Dư Nhi và sau đó cũng đã được chuyển thể thành bộ truyện tranh cùng tên. Trong thời lượng hai tiếng đồng hồ của bộ phim, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy chỉ chọn một cột mốc ngắn để kể câu chuyện thanh trừng khốc liệt và tàn bạo của giới giang hồ. Trần Lạc Quân (Lâm Phong), một người đàn ông nhập cư trái phép vào vùng đất này, tìm mọi kế sinh tồn để tồn tại và mua một tấm thẻ căn cước giả nhập vào Hongkong. Anh bị băng đảng của lão Đại (Hồng Kim Bảo) lừa đảo để quỵt tiền, trong cơn cùng đường, đánh cắp một túi ma túy của băng nhóm lão đại và bị đám đàn em của lão truy đuổi tới cùng cho tới khi Quân trốn vào Cửu Long Thành Trại, nơi bọn giang hồ này không thể đột nhập vì thuộc quyền cai quản của võ sư Long Quyền Phong (Cổ Thiên Lạc) và đám đàn em thân tín. Lịch sử băng nhóm và quyền lực của Cửu Long Thành Trại được giới thiệu sơ lược qua một đoạn hồi tưởng về trận chiến sống còn giữa Long Quyền Phong và Trần Chiêm (Quách Phú Thành), một trùm giang hồ ác hiểm từng cai quản nơi đây. Nghe nói phần tiền truyện giữa hai nhân vật này sẽ được khai thác trong một tập phim prequel và một tập phim khác khai thác hậu truyện sau đoạn kết của Cửu Long Thành Trại, tập trung vào hành trình của Trần Lạc Quân và những anh em thân tín của anh sau trận chiến dữ dội cuối phim.

Điểm sáng khiến bộ phim hành động này trở thành hiện tượng phòng vé Hongkong (vượt 100 triệu đô la Hongkong, cao thứ hai mọi thời đại tại xứ Cảng Thơm) và ăn khách tại thị trường đại lục cũng như quốc tế chính là những màn võ thuật mãn nhãn mà đạo diễn Trinh Bảo Thủy mang đến cho khán giả. Một trong hiếm bộ phim hành động của đạo diễn này mà tôi rất thích là Sát Phá Lang 2 với những màn võ thuật điên rồ giữa Cổ Thiên Lạc, Ngô Kinh, Trương Tấn và Tony Jaa. Thương hiệu đạo diễn phim “oánh lộn” của điện ảnh Hongkong xuất sắc nhất một lần nữa phải gọi tên Trịnh Bảo Thụy với Cửu Long Thành Trại: Vây Thành.

Hạn chế tối đa CGI và 80% cảnh quay ở bối cảnh thật, bộ phim này mang tới phần hình ảnh choáng ngợp với bối cảnh cái thành trại hoang tàn đổ nát nhưng vẫn có một đời sống văn hóa giàu có bên trong. Giữa chốn tội phạm nhiễu nhương, kiến trúc đổ nát, luật pháp không tồn tại (tạm thời) ấy, người ta vẫn có lòng tin vào tâm linh, vào luật nhân quả, vẫn có những con người trượng nghĩa và trung thành, sẵn sàng sống chết để bảo vệ những kẻ yếu thế hay lẽ phải ở đời. Và trên nền cái bối cảnh ấy, những cuộc chiến, thanh trừng diễn ra dữ dội, giữa băng nhóm của lão Đại, dẫn đầu bởi cánh tay phải đắc lực của lão, Vương Cửu (Ngũ Doãn Long) – một gã tâm thần điên loạn sở hữu võ thuật và sức mạnh siêu phàm – với Long Quyền Phong và đám đàn em bảo vệ Trần Lạc Quân khỏi cuộc truy đuổi cùng giết tận của bọn băng đảng khát máu.

Bối cảnh của Cửu Long Thành Trại được phục dựng trong phim rất ấn tượng (khiến tôi ít nhiều liên tưởng đến Blade Runner kinh điển của Ridley Scott) làm nền cho những cảnh hành động liều cao tha hồ mà bung lụa. Các cuộc rượt đuổi diễn ra bên trong Thành Trại, trong khung cảnh đổ nát, với dây điện chằng chịt, các mái nhà xiêu vẹo chờ sụp, các hành lang tối như những mê cung hoặc như một tổ nhền nhện… đem lại những trường đoạn mãn nhãn, đặc biệt là các cảnh cận chiến. Các cảnh quay là thiếu sáng, nhưng vẫn đậm chất điện ảnh nhờ góc máy linh hoạt và phần dựng phim nhanh gọn đầy kịch tính. Và để làm tăng “mood” cho bộ phim hành động liều cao này, đạo diễn không ngần ngại thử nghiệm một vài cảnh quay mang tính… siêu nhiên, biến một vài nhân vật, như nhân vật phản diện khét lẹt Vương Cửu của Ngũ Doãn Long có dáng dấp của một villain đẳng cấp như trong phim của Marvel.

Phim kết hợp dàn cast của hai thế hệ cũng khá tốt, vừa có đất để tôn vinh các tên tuổi lâu năm của điện ảnh Hongkong như Hồng Kim Bảo, Cổ Thiên Lạc, Nhậm Hiền Tề, Quách Phú Thành, vừa có đất để những tên tuổi trụ cột hay đang lên có đất dụng võ, điển hình qua màn diễn xuất khá nhiều đất diễn để trưng trổ của Lâm Phong, Lưu Tuấn Khiêm, Ngũ Doãn Long…

Hai tiếng với Cửu Long Thành Trại: Vây Thành với tôi là một trải nghiệm điện ảnh đáng giá, nhấn mạnh ở khía cạnh thưởng ngoạn hơn là suy ngẫm. Một bộ phim giúp ta được sống lại với thời hoàng kim của điện ảnh xứ Cảng Thơm mà ta từng gắn bó suốt thời trẻ, vừa được nhìn thấy cái chất thời thượng, nắm bắt được thị hiếu của khán giả đương đại để không “lỗi mốt” hay lạc thời qua phần visual xuất sắc.

Tôi cảm giác với phim này, điện ảnh Hongkong đang trở lại, với một cách kể chuyện phóng túng, mới mẻ và đương đại hơn. Hai phần tiếp theo cũng đang được đưa vào sản xuất, biến Cửu Long Thành Trại trở thành một trilogy và biết đâu, thành công vang dội không kém đàn anh Vô Gian Đạo của hai thập niên trước?

 

clip_image002

Lâm Phong (vai Trần Lạc Quân), nam chính của Cu Long Thành Tri: Vây Thành có màn diễn xuất và cả trình diễn võ thuật ấn tượng, tạo cơ hội cho anh tái diễn nhân vật này phần tiếp theo.

 

clip_image004

Cổ Thiên Lạc (Long Quyền Phong) và Trần Chiêm (vai diễn cameo của Quách Phú Thành) trong một phân cảnh cận chiến, trong phần flashback của bộ phim. Hai anh tài này đều có 3-4 thập niên vẫy vùng trong nghề rồi.

 

clip_image006

Màn cận chiến giữa Long Quyền Phong và lão Đại (Hồng Kim Bảo) đầy dữ dội, xứng đáng trùm của hai băng đảng hàng đầu.

 

clip_image008

Bối cảnh bên trong tiệm cắt tóc của Long Quyền Phong nằm trong Cửu Long Thành Trại.

 

clip_image010

Anh Cổ Thiên Lạc vẫn chứng tỏ phong độ đỉnh cao ở tuổi U55. Chàng Dương Quá mặt non tơ năm nào giờ đã thành lão Đại của điện ảnh Hongkong rồi. Hơn 30 năm chưa bao giờ thấy anh ngưng nghỉ, đóng phim như điên, dù chất lượng trồi sụt, phim thua nhiều hơn phim thắng vẫn không bỏ cuộc. Nể.

 

clip_image012

Nhậm Hiền Tề vai Địch Thu, cũng một lão Đại nhiều ân oán giang hồ.

 

clip_image014

Đạo diễn và DOP bên trong bối cảnh Cửu Long Thành Trại phục dựng. Điểm cộng lớn của phim này chính là bối cảnh.

 

clip_image016

Tuổi nghề của dàn cast trong phim, cộng lại gần hai thế kỷ rưỡi.

 

clip_image018

Quy tụ dàn cast ai, ba thế hệ. Kỳ cựu không lấn át mà nâng đỡ thế hệ mới để cả hai cùng tỏa sáng. Dàn cast công nhận chất.

Comments are closed.