Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (21)

Thụy Khuê

Chương 16: IV- Jean-Marie Dayot

Phần I: Chức vụ và trách nhiệm

Về mục từ Jean-Marie Dayot, Wikipédia tiếng Anh tóm tắt Wikipédia Pháp. Wikipédia Việt dịch lại tiếng Anh.

Wikipédia Pháp ghi chức nghiệp của Jean-Marie Dayot như sau: “Grand amiral de la flotte annamite et commandant des bâtiments français de l’Annam” (Đại đô đốc của hạm đội An Nam và tư lệnh những tàu Pháp của nước Nam); và ghi những “chiến công” của Dayot như sau:

“Năm1792, ông cầm đầu một chiến dịch cho Nguyễn Ánh, ông tàn phá 5 tàu chiến, 90 chiến thuyền, và khoảng 100 tàu nhỏ của Tây Sơn; ông cho đổ bộ quân đội lên bộ và phá huỷ những đồn luỹ trước khi quay về bến Can-Tru (?) Năm 1793, ông đặt ra chiến dịch hàng năm (Giac mua) [Giặc mùa], trong khi bộ binh do Olivier de Puymanel điều khiển lại tấn công Qui Nhơn lần nữa. Ông bắt được 60 chiến thuyền của Tây Sơn và chiếm được các tỉnh Bình Thuận và Phú Yên, mặc dù thành Quy Nhơn vẫn chưa hạ được.

Jean-Marie Dayot còn thực hiện một công trình lớn lao là thủy đạo đồ bờ biển nước Nam, bản đồ do người em vẽ và ông gửi một bản sao về Paris. Ông lấy tên mình, Port Dayot, đặt cho cảng Van Phong [Vân Phong tức Hòn Khói, tỉnh Khánh Hoà, nơi Gia Long đóng bản doanh khi đánh trận Thị Nại 1801; năm Minh Mạng thứ sáu đổi tên là Vân Phong]. Năm 1795, Jean-Marie Dayot bị kết án oan ức là đã cố tình làm đắm chiếc tàu mà ông cai quản. Oan thực, vì lúc đó ông đâu có ở trên tàu. Ông bị kết án vì bất cẩn và bị đóng gông. Nhờ Olivier de Puymanel và giám mục Adran can thiệp, ông mới được thả sau 4 ngày chịu nhục hình.

Ghê tởm vì bị đối xử như thế sau những phụng sự lớn lao như thế, ông rời bỏ Nam Hà”.

Những điều Wikipédia Pháp viết trên đây, tổng hợp toàn bộ những gì các ngòi bút thuộc địa viết về nhân vật này: “sự nghiệp” của Dayot; “sự oan ức” bị kết án, và sự “đối xử tàn nhẫn” của Gia Long, đối với con người “lừng lẫy” này.

Đôi khi chúng ta nghi ngờ độ chính xác của một số thông tin trên Wikipédia, nhưng đây là một trong những trường hợp điển hình nhất của sự xuyên tạc lịch sử, được Wikipédia quảng bá trên toàn thế giới.

Những sai lầm và xuyên tạc này đến từ các tác giả thực dân, mà chúng tôi đã trình bầy trong các chương trước, nay xin đưa thêm vài nhận xét mới:

1- Chức Grand amiral, Đại đô đốc, nếu tìm tương đương trong sử Việt, là chức của Nguyễn Văn Trương, chỉ huy toàn bộ thủy binh của Nguyễn Ánh, đã lập chiến công trong các trận Thị Nại 1792 (cùng với Nguyễn Văn Thành), trận Thị Nại 1801, trận Đà Nẵng và trận Phú Xuân…

2- Việc “Dayot đặt ra chiến dịch giặc mùa” là hoàn toàn bịa đặt. Gió mùa chứ không phải giặc mùa. Thời đó, tất cả tàu bè (Âu hay Á) đều dùng buồm, đi đâu cũng phải đợi thuận gió mới khởi hành được. Không chỉ Nguyễn Ánh dùng chiến dịch gió mùa, mà Tây Sơn cũng đợi thuận chiều gió để đánh vào Nam, giặc mùa là tiếng dân miền Nam chỉ quân Tây Sơn.

3- Trên văn bằng vua cấp cho Jean-Marie Dayot có ghi: Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích (khâm sai cai đội chỉ huy hai chiếc tàu [nhị chíchhai chiếc]). Hai tàu này là Đồng NaiLe prince de Cochinchine (tên đã dịch sang tiếng Pháp, không rõ tên gốc tiếng Việt là gì), chưa rõ là tàu do người Việt làm, hay tàu Nguyễn Ánh mua lại của Bồ, Anh hay Pháp, vv… Tuy nhiên, nhiệm vụ hai tàu này là mua bán ở nước ngoài và vận tải lương thực, như ta sẽ thấy, chắc chắn không phải là tàu chiến.

Ngoài ra, từ 1790 đến năm 1795, Dayot giữ chức khâm sai cai đội, tức vẫn là cai đội, tuy có thêm chữ khâm sai, trên quyền cai đội một chút, chứ không thể là “đại đô đốc”. Người chỉ huy toàn bộ thuỷ quân của vua Gia Long là Nguyễn Văn Trương.

4- Chưa có chứng cớ gì đích xác về sự góp mặt của Jean-Marie Dayot trong trận Thị Nại 1792. Nếu có, cũng chỉ là vận tải lương thực. Dayot không ở trong hạm đội tác chiến. Trận Thị Nại 1792 đánh chớp nhoáng, tất cả chỉ có 10 ngày, chưa chắc Nguyễn Ánh đã cần đến sự vận tải lương thực, vì Thực Lục không nói đến các quan coi việc quân lương như trong các chiến dịch khác.

Jean-Marie Dayot (1759- 1809)

Dayot là hai anh em: Jean-Marie và Félix, cùng đến giúp Nguyễn Ánh khoảng 1789.

Jean-Marie Dayot được nhận văn bằng của vua và giữ vai chính trong sự nghiệp này. Félix Dayot, nhỏ tuổi hơn, chỉ đi theo trợ giúp. Tuy sang cùng với Vannier, nhưng Félix không có chức tước rõ ràng, nên cũng không được ghi nhận trong các giấy tờ chính thức.

Trước khi viết về JM Dayot, chúng tôi xin nói qua về Félix Dayot: Félix Dayot, quê Redon (Bretagne), em Jean-Marie Dayot, đến nước Nam năm 1789 cùng với Vannier, và trốn đi năm 1795 cùng với JM Dayot.

Theo thư của giáo sĩ Le Labousse viết về Hội thừa sai Paris ngày 16/6/1792, thì: “Tất cả những người Pháp ở đây giúp vua được hơn hai năm, đều trở về Macao. Trong đó có hai anh em Dayot, quê Rhedon, và ông Vannier quê ở Auray” (Cadière, Doccuments Relatifs à l’époque de Gia Long, BEFEO, số 12, 1912, t. 28). Đó là Le Labousse tóm tắt tình hình chung vào tháng 6/1792, khi biết tin Quang Trung sẽ đánh xuống miền Nam qua ngả Lào. Tuy vậy, anh em Dayot còn ở lại Nam Hà đến 1795 và Vannier, lúc đầu chắc cũng định bỏ đi, nhưng sau, ở lại đến đầu đời Minh Mạng.

Anh em Dayot rời Nam Hà, sang ở hẳn Phi Luật Tân tiếp tục việc buôn bán.

Félix Dayot mất năm 1821; thư Vannier, từ Huế gửi M. Baroudel, quản thủ Hội thừa sai Macao, ngày 2/8/1821, viết về cái chết của Félix như sau: “Tôi rất đau đớn về cái chết của Félix Dayot cùng quê với tôi và đi cùng với tôi sang nước Nam năm 1789” (Cadière, Doc. Rel., BEFEO, t. 67).

Tiểu sử Jean-Marie Dayot

Theo Taboulet, Jean-Marie Dayot, sinh ngày 21/3/1759 (Taboulet, I, t. 249). Quê ở Redon (Bretagne). Theo Faure, Dayot là cháu của Charpentier de Cossigny, cựu toàn quyền Pháp ở Ấn Độ. Dayot trực thuộc vào trụ sở thuộc địa địa phương ở Ấn Độ, với tư cách trợ tá đại úy hải quân, làm việc trên các thương thuyền, bị cướp ở Vizaudrut (giữa Goa và Bombay) bị đánh đập, trốn thoát, nhưng bị mất tàu (Faure, Bá Đa Lộc, note 1, t. 201).

Maybon viết sau Faure, tìm thêm được một số chi tiết khác: “gia đình Dayot sang lập nghiệp tại Ile de France, có nhiều người làm việc cho công ty Pháp Ấn. Có họ với Charpentier de Cossigny, cũng sinh ở Ile de France, làm tư lệnh Pondichéry từ 1785 đến 1787.

Năm 1786, JM Dayot điều khiển thuyền nhỏ hai cột buồm (polacre) Adélaide, trang bị ở Ile de France để đi Pointe-de-Galles [Sri Lanca-Tích Lan] và Mascate [Oman] mua lưu hùynh và gia vị; nhưng gặp cướp người Mahrattes [Trung Ấn]. Chủ tàu khiếu nại nhiều lần không có kết quả, Dayot bèn về Pondychéry cầu cứu tướng Conway hiện đang làm tư lệnh quân Pháp ở Ấn Độ, nhờ ông can thiệp với nhiếp chính vương Mahratte và được bồi thường (Maybon, Introduction, Relation Bissachère, t. 27).

Sau đó, Maybon chép lại lời Sainte-Croix, cho rằng Dayot đã lái một trong hai chiếc tàu hộ tống giám mục Bá Đa Lộc cùng hoàng tử Cảnh trở về Nam Hà tháng 7/1789. Nhưng điều này sai, vì chính vị giám mục đã tuyên bố ông về với độc một chiếc tàu. Maybon còn đưa ra giả thuyết Dayot đã quen với vị giám mục, hoặc ở Ile de France, hoặc ở Pondichéry, nhưng đó cũng chỉ là giả thuyết, vì không có gì chứng minh những sự “gặp gỡ” này.

Cosserat trong bài Notes Biographiques sur les français au service de Gia Long (BAVH, 1917, III, t. 179) cho biết, ông không tìm thấy tài liệu nào chứng nhận đích xác ngày JM Dayot đến Nam Hà, nhưng ông lại dựa vào chứng sau đây của Faure để xác định JM Dayot đã có mặt ở Nam Hà từ năm 1788, bởi vì, theo lời Faure: “Tàu Dryade… bỏ neo ở Cavite [Phi Luật Tân]…ba giáo sĩ đi từ Paris với giám mục Bá Đa Lộc lên bờ, đó là các ông Le Labousse, Pocard và Lavoué… có 7 pháo thủ Pháp của tàu này đào ngũ ở Cavite và hình như họ sẽ tới tăng cường cho đội ngũ của tàu tư Saint-Esprit do Jean-Marie Dayot, đại uý hải quân, một tay đào ngũ khác của hạm đội ta, cai quản” (Faure, t. 201).

Những điều Faure viết chỉ tin được đến đấy, bởi vì sau đó, ông lại phóng lên rằng J.M Dayot đã được Bá Đa Lộc trao cho nhiệm vụ “thành lập và chỉ huy hải quân của Gia Long” và trong khi chờ đợi, Dayot sang Phi mua bán khí giới cho Gia Long theo lệnh của Bá Đa Lộc. Những điều này không tin được, vì tàu Dryade đậu ở Cavite từ 7/10/1788 đến 29/11/1788, tức là trong thời điểm Bá Đa Lộc còn đang ở Pondichéry, chưa về tới Gia Định, làm sao giám mục Bá có thể phát sẵn chức tước như thế? Và như chúng ta đã biết, Bá Đa Lộc chẳng mộ lính, cũng chẳng mua khí giới gì cho Nguyễn Ánh. Ngoài ra, ông cũng không có quyền hành gì về chính trị lẫn quân sự. Cho nên sự kiện tháng 10-11/1788, Dayot điều khiển tàu Saint-Esprit, mà Cosserat đưa ra cũng không chứng tỏ JM Dayot đã về giúp Nguyễn Ánh từ năm 1788.

Với những chứng cớ tin được, ta chỉ có thể đoán rằng JM Dayot đã đến Nam Hà vào khoảng 1789, trước Félix Dayot, vì theo thư Vannier viết ngày 2/8/1821 đã nói ở trên, thì Félix đến Nam Hà cùng với Vannier năm 1789; và theo Faure, thì Jean-Marie đến trước rồi mới gọi em sang sau.

Còn ngày chính thức JM Dayot về giúp Nguyễn Ánh, có lẽ nên ghi ngày nhận văn bằng Khâm sai cai đội, tức là ngày 27/6/1790.

Văn bằng Khâm sai cai đội của Dayot

Sau đây là bản dịch văn bằng vua cấp cho Dayot (dịch lại từ bản dịch tiếng Pháp):

Văn bằng do vua Nam Hà cấp cho M. Dagot [Dayot]

“Hoàng thượng xét sự trung thành và nhiệt tâm trong công việc của Jean-Marie Dagot, quốc tịch Pháp, người đặc biệt chú ý đến thiện chí mà y đã chứng tỏ khi đến từ rất xa để phục vụ trong ngành thủy binh của người, Hoàng thượng xét thấy y xứng đáng được chọn, và với văn bằng này, cấp cho y chức Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu, quản chiếu hai tàu Đồng Nai và Le prince de Cochinchine. Hoàng thượng hy vọng khi thời cơ đến, Jean-Marie Dagot, sẽ kịp thời chứng tỏ lòng can đảm và trí thông minh để điều khiển các tàu được giao phó, và nghiêm khắc áp dụng quân lệnh, y sẽ xứng đáng được tin cậy. Nếu vì lỗi, không làm tròn nhiệm vụ quan trọng này, thì y sẽ bị nghiêm trị theo luật pháp.

Ngày thứ 15, tuần trăng thứ 5, năm Cảnh Hưng thứ 51, tại Sài Gòn, ngày 27/6/1790″

(Louvet, La Cochinchine Religieuse, I, Paris, 1885, Pièces justificatives, t. 532-533).

Cùng ngày này, có bốn người nữa dưới quyền điều khiển của Dayot được văn bằng cai đội và phó cai đội, đó là: Vannier, Cai đội chấn thanh hầu, quản tàu Đồng Nai; Isle-Sellé, cai đội long hưng hầu, quản tàu Le Prince de la Cochinchine, Guillon, Phó cai đội oai dõng hầu và Guilloux, Phó cai đội nhuệ tài hầu (Theo các văn bằng in trong La Cochinchine Religieuse, t. 534-538).

Như vậy, Dayot được vua giao chức vụ Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu với trách nhiệm quản chiếu hai tàu Đồng NaiLe Prince de la Cochinchine, mỗi tàu có một phụ tá cai đội và phó cai đội người Pháp ở dưới quyền. Và theo chỉ dụ sai phái vua cấp cho Dayot cùng ngày nhậm chức, thì ta biết hai tàu này là hai tàu buôn, có thể đi xa, tới Ma Cao, Phi Luật Tân, vv…

Nhiệm vụ mua bán của Dayot

Nhiệm vụ đầu tiên Dayot nhận được là một chỉ dụ sai phái, ký cùng ngày 27/6/1790 với văn bằng Khâm sai cai đội. Qua chỉ dụ này, ta biết được nhiệm vụ chính của Dayot và đồng thời hiểu thêm sự giao dịch mua bán với các nước lân cận của Gia Long trong năm 1790. Cách thức vua bán gạo để mua các vật dụng chiến tranh và tàu chiến. Đồng thời cho thấy sự nghiêm ngặt trong các chi tiết về ngân quỹ, dưới thời Gia Long và cả Minh Mạng, để tránh sự thâm lạm; nếu đọc Hội Điển, ta sẽ thấy năm nào, vua Minh Mạng mua bao nhiêu cân nhãn, giá bao nhiêu tiền một cân, nhất nhất đều ghi lại hết. Vì thế, sự thâm lạm ngân quỹ của Dayot sẽ là một lỗi nặng, và những người Pháp (Dayot, Chaigneau, Vannier) thường chỉ trích sự “hà tiện” của hai vua là bởi tính cách chi li và gắt gao trong các chiếu chỉ sai phái.

Lệnh sai phái này khá quan trọng và hơi dài, chúng tôi xin tóm tắt, như sau:

“Lệnh cho ngươi Jean-Marie Dagot [Dayot], Khâm sai cai đội quản chiếu tàu nhị chích trí lược hầu, quản chiếu hai tàu Đồng Nai và Le prince de Cochinchine và lệnh cho quan Trung [không rõ tên ông quan là Trung hay chức ông là Trung, cộng thêm một chữ nữa], làm trọn vẹn những điều khoản sau đây:

1- Chở 3.900 tạ [mỗi tạ ta là 62kg500] gạo sang Macao bán.

2- Dùng tiền thu được trả lương còn thiếu cho thủy thủ đoàn của hai tàu …

3- Hàng tháng, dành 300 đồng, để chi cho việc ăn uống trên hai tàu.

4- Làm mọi cách để đòi ở Macao tiền 5.000 cây cau, mỗi cây 3 đồng, mà Antoine Vincent de Rosa, còn nợ vua, cộng thêm nợ cũ của y còn đọng lại 6.208 đồng; và tiền 1.908 tạ cau, giá 3 đồng một tạ, mà Antoine Milner ở Macao còn nợ vua; những số tiền này tổng cộng là 26.933 đồng (piastres) và 4 condorins [?].

Với tất cả tiền thu được [tiền bán gạo và tiền nợ] Jean-Marie Dagot [Dayot] lấy ra 3.848 đồng thiếu một quan, để trả lương cho thủy thủ đoàn như đã nói trên, chỗ còn lại đưa cho quan Trung giữ.

Sau đó các ngươi sẽ đi Manille, và sau khi xin phép quan toàn quyền ở đấy, sẽ sửa chữa hai tàu, rồi sắm sửa buồm, dây và những thuyền cụ khác. Mua 500 tạ lưu huỳnh và làm một chuyến tải gạo đem về Macao bán. Với số tiền còn lại, và nếu giữ gìn sổ sách đúng đắn, các ngươi sẽ mua được 1.000 cái cuốc sắt, 500 cuốc đinh (pic de clou) đủ loại lớn nhỏ, mua những súng trường tốt và những đại bác đạn 12 livres [cân Anh, tức là 0, 453kg] hay lớn hơn.

Các ngươi phải rời Macao và về đến đây vào khoảng giữa tháng giêng năm tới [tháng 2/1791] là chậm nhất. Nếu các ngươi thấy một chiếc tàu lớn, trang bị đầy đủ những thứ cần thiết, và có thể chở tới 40 ngàn canjus [?] thì các ngươi có thể trả tới giá 40.000 đồng, với điều kiện sẽ trả làm ba lần:

1- 10.000 đồng, tiền mặt.

2- 5.000 tạ gạo, khi khâm sai cai đội Dagot trở về đây.

3- Chỗ còn lại đến tháng 6 sang năm sẽ trả hết.

Các ngươi phải cẩn thận thi hành đúng những điều khoản trên đây, nếu vì bất cẩn hay vì lỗi, mà không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ coi như phạm tội nặng”.

Sài Gòn ngày thứ 15, tuần trăng thư 5, năm thư 51, đời Cảnh Hưng (27/6/1790) (Louvet, t. 533-534).

Dayot chỉ là một trong những người được vua sai đi mua bán, còn có những chỉ dụ khác cho Barisy, Januario Phượng, Gibsons… đi bán gạo, cau… để mua khí giới ở những vùng khác như Mã Lai, Indonésia, Ấn Độ, vv… và có thư từ của nhà vua viết cho vua Anh, vua Đan Mạch, vv… với cùng mục đích.

Như vậy, chúng ta thấy địa bàn hoạt động để mua khí giới và tàu chiến của Nguyễn Ánh rất rộng; về phiá Tây Sơn, chắc cũng không kém, vì có những chứng cớ của các giáo sĩ cho biết Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Quang Toản cũng tiếp xúc với người Âu. Do đó, nếu chỉ xem người Pháp giữ độc quyền giao thiệp và “giúp đỡ” Nguyễn Ánh là một sai lầm.

Nguyễn Vương giới thiệu Dayot với toàn quyền Phi Luật Tân

Ngày 22/6/1790, tức là 5 ngày trước khi JM Dayot nhận chức Khâm sai cai đội quản hai tàu Đồng NaiLe Prince de Cochinchine và nhận chỉ dụ sai phái, vua đã viết một uỷ nhiệm thư cho toàn quyền Phi Luật Tân, gửi gấm Dayot và quan Trung. Chúng tôi xin trích dịch đoạn chính:

“… Quả nhân vẫn luôn luôn có ý muốn giao dịch với các hạ. Hôm nay, vì có việc, quả nhân phải gửi hai tàu đến Macao và Quảng Đông, và sai bọn JM. Dagot, người Pháp, khâm sai cai đội, quản hai tàu và quan Trung đi cùng; sau khi xong nhiệm vụ ở hai nơi nói trên, họ sẽ đến Manille để mua lưu huỳnh và sửa chữa [caréner tức là lau chùi, sơn hay bọc lại phần chìm của vỏ tàu] hai tàu này. Trong trường hợp hai phái viên này cần đến sự giúp đỡ của các hạ để hoàn tất nhiệm vụ, quả nhân xin mạn phép yêu cầu các hạ đoái hoài đến họ, nếu họ có thiếu thốn tiền bạc gì, xin các hạ vui lòng ứng ra cho, như đối với chính quả nhân vậy. Nếu sau có dịp thừa nhận những sự giúp đỡ này, xin các hạ yên tâm rằng quả nhân sẽ hết sức sốt sắng…

Ngày thứ 14, tuần trang thứ 5, năm Cảnh hưng thứ 51 (22/6/1790)” (Louvet, I, t. 543-544)

Dayot đã hoàn tất mỹ mãn nhiệm vụ đầu tiên này, cho nên, thư của chính quyền Việt cám ơn toàn quyền Phi viết ngày 1/7/1791, tức là một năm sau, có những lời lẽ:

“Năm ngoái, hoàng thượng đã gửi tới Manille Jean-Marie Dagot [Dayot], người Pháp, với tàu của người để mua vật liệu chiến tranh và sửa chữa phần chìm của vỏ tàu. Hoàng thượng đã viết thư cho quan toàn quyền Phi Luật Tân nhờ che chở và giúp đỡ. Hoàng thượng hết sức hài lòng khi biết quan toàn quyền đã hết sức chú ý đến sự thỉnh cầu của người và đã cấp cho phái viên tất cả những phương tiện để thành công trong nhiệm vụ. Hoàng thượng xin gửi tới quan toàn quyền sự biết ơn sâu xa và không bao giờ người quên sự giúp đỡ này….”

Năm 52 Cảnh hưng, ngày 1, tuần trăng thứ 6 (1/7/1791) (Louvet, I, t. 544)

Nhưng chỉ chuyến đi đầu tiên là có kết quả, chuyến đi thứ nhì, Dayot đã phạm lỗi thâm lạm ngân quỹ, sẽ nói rõ ở phần dưới. Ngoài nhiệm vụ “buôn bán” này, vua còn giao cho Dayot một nhiệm vụ khác, khá quan trọng, đó là việc vận tải lương thực.

Nhiệm vụ vận tải lương thực

Theo bài ký sự ở dưới, Dayot nhận nhiệm vụ vận tải lương thực cho quân đội, mỗi khi có chiến dịch hành quân đánh Tây Sơn. Chiến dịch này đã được Gia Long hoạch định từ tháng 2/1792: tức là tấn công theo gió mùa, thuận gió đánh ra Trung, ngược gió lại quay về Gia Định. Nhưng đến tháng 7/1792, mới có trận Thị Nại, là trận đầu tiên, đánh theo gió mùa.

Hiện tại, chưa thể xác định rằng JM Dayot có tham dự vào trận Thị Nại 1792 hay không vì hai lý do:

– Thiếu tài liệu chính xác.

– Tháng 6/1792, là thời điểm khủng hoảng: vua thấy sự thâm lạm ngân quỹ của Dayot, nổi giận đuổi tất cả lính Pháp, nhưng sau vua hồi tâm. Tuy vậy, cũng khó hình dung vua cho Dayot ngay nhiệm vụ tải lương ở trận Thị Nại.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ dần dần tháo gỡ các chi tiết, để đi đến kết luận rõ ràng hơn về trận Thị nại 1792, trong những trang sắp tới. Nhưng trước hết, hãy nói về công việc vận lương của Dayot, và nhờ sự biệt đãi của nhà vua mà anh ta vẽ được bản đồ bờ biển nước Nam như thế nào, qua bài ký sự dưới đây.

Ký sự của Dayot

Trong bài ký sự này, Jean-Marie Dayot nói rằng anh ta đã lợi dụng chiến tranh gió mùa để vẽ bản đồ thủy đạo của nước Nam.

Jean-Marie Dayot lợi dụng chiến tranh gió mùa để làm thủy đạo đồ bờ bể nước Nam (1791-1795)”

…”Lần đầu tiên đi khắp nơi với quân đội của Vua Nam Hà, từ Vũng Tàu đến Qui Nhơn, tôi đã ngạc nhiên vì con số vịnh, những chỗ trú, những chỗ tàu đậu mà chúng tôi thấy trên mỗi bước đường, ở vùng bờ biển vẫn được trình bầy trên bản đồ như nhiều chỗ đầy đá ngầm. Dù trong chiến dịch này, tôi chưa có dịp trông thấy phần lớn những bến cảng đẹp, tôi đã thoáng nẩy ý định sẽ tu chỉnh lại vùng này, bằng những bản đồ đúng hơn tất cả những bức mà tôi đã có từ trước tới giờ… Tôi bèn tâu với vua, vì biết ông là người rất thích những gì có tính cách khám phá, khoa học, và tôi đã không lầm; ông hết lòng với việc này và đã cho tôi tất cả những trợ giúp cần thiết mà tôi đã hoài công tìm ở những nơi khác…

… Làm việc trong hải quân của nhà vua và cai quản các tàu Tây phương, lực lượng chính của quân đội ông, tôi bắt buộc phải đi theo quân mỗi khi có chiến dịch, thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Trong 5 năm liên tục, tôi chạy dọc theo bờ biển, từ Bắc xuống Nam và từ Nam lên Bắc cùng quân đội. Nhiệm vụ tải lương, cho một số lượng tàu bè nhiều đến thế, đi với quân đội và tuỳ tùng, và cho cả bộ binh, thường tiến dọc theo bờ biển, bắt buộc chúng tôi phải đỗ lại mỗi buổi chiều, để tập hợp một đoàn thuyền tàu, thường tới hơn nghìn cánh buồm. Nhiều khi chúng tôi cũng bị bắt buộc phải ở lại một nơi nhiều ngày để đợi bộ binh và phân phát thực phẩm cho họ. Khi ở trên đất địch, thì phải tiến chậm hơn và trong thời gian tàu thả neo, chúng tôi đo đạc kích thước và dò chiều sâu của bể. Nhà vua cho tôi hai thuyền chèo và hai thuyền buồm, chuyên làm việc ấy, luôn luôn đi theo tàu do tôi điều khiển. Tôi được những sĩ quan có học và chăm chỉ giúp đỡ, hết lòng vào việc ấy, đến nỗi không có một điểm nào là không được đo đạc ghi chép bằng năm, sáu vị trí khác nhau… Khi mùa gió bắt buộc chúng tôi phải quay lại Sài Gòn, nhà vua thường để cho tôi tự do sử dụng những chiếc tàu dưới quyền điều khiển của tôi, để đến các bến khác nhau và ở lại bao nhiêu ngày cũng được tuỳ tôi định, theo công việc đo đạc bản đồ… khiến tôi có thể bảo đảm rằng có rất ít bến tàu được đo đạc kỹ càng và chính xác như những bến thấy trên bản đồ trong sưu tập bản đồ của tôi.

Mặc dù cẩn thận như vậy, nhưng vẫn có nhiều chi tiết thoát ra hoặc không đúng, bởi vì, nhìn từ biển vào, những đối tượng này có vẻ khác với bộ mặt thật của chúng, nếu M. Olivier de Puymanel, sĩ quan đầy công trạng và tài giỏi, điều khiển đoàn quân cận vệ của nhà vua và là kỹ sư đầu tiên của nhà vua, vui lòng cho tôi biết tất cả những tư liệu và làm việc vài lần với tôi, thì chúng tôi đã cùng nhau làm bản đồ sông Sài Gòn, và nhiều chỗ khác lưu thông với Cao Mên. Anh thường đi cùng với chiến dịch trên bộ, luôn luôn dọc theo bờ biển, và anh không để lỡ cơ hội nào mà không vẽ bản đồ những chỗ anh đi qua và ghi lại những nhận xét. Về phía chúng tôi, những bản đồ mà chúng tôi làm trên các hạm đội, nhiều hơn, lại có dấu hiệu thông báo cho chúng tôi mỗi ngày, đúng 12 giờ trưa…

… Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của những sĩ quan mà tôi có hân hạnh điều khiển, nên hôm nay tôi rất hài lòng tặng cho các thủy thủ một công trình đáng tin cậy, nhờ sự chính xác của họ, nhờ tính hiếu kỳ của họ, và bằng sự mới mẻ của họ. Tôi không dám nhiều lời về tất cả số lượng đo đạc khổng lồ đã được kỹ lưỡng vẽ lại trên giấy. Đó là một phần công việc của tôi và Félix Dayot, em tôi, nhưng những bản đồ (cartes) và những đồ thị (plans) được vẽ rõ ra từ đám mây mù, chính nhờ cây bút chì của Félix…”

(Mémoire sur la côte et les ports de Cochinchine par M. Dayot, mandarin à la cour de Cochinchine, pendant les années 1791-1792-1793-1794 et 1795. Archives du Ministère de la Marine… daté de Macao le 1/11/1807 (Lược trình về bờ bể và bến tàu ở Nam Hà của Ô. Dayot, quan trong triều Nam Hà những năm 1791-1792-1793-1794 và 1795, văn khố bộ Hải quân… viết ở Macao ngày 1/11/1807 (Taboulet, I, t. 250-251).

Như vậy, nhiệm vụ của Dayot thực rõ ràng: không những Nguyễn Vương cho Dayot điều khiển hai tàu Đồng NaiLe Prince de Cochinchine mà còn cho sử dụng hai tàu này vào những việc riêng. Tuy Dayot tâu vua là vẽ bản đồ cho vua nên mới được biệt đãi, nhưng chủ đích của anh ta không phải vậy, Dayot đã viết rất rõ chủ đích của mình: tôi rất hài lòng tặng cho các thủy thủ một công trình đáng tin cậy. Thủy thủ ở đây là thuỷ thủ Pháp, vì Dayot không nhắc nhở gì tới việc trình bản đồ cho vua Gia Long. Dayot trao toàn bộ bàn đồ này cho Sainte-Croix đem về Pháp và kèm theo lá thư viết cho Ste-Croix (sẽ trích dưới đây) nói rõ chủ đích của anh ta. Cho nên những người vội vàng kết luận Dayot có công vẽ bản đồ bờ biển nước Nam cho vua Gia Long sử dụng, là hoàn toàn sai lầm.

Công lao của Dayot đối với nước Pháp

Công lớn nhất của Dayot với nước Pháp là vẽ bản đồ bờ biển Việt Nam, Maybon viết:

“Trong những lần đi dọc bờ biển nước Nam, không chỉ theo quân, mà còn vận tải lương thực, hai anh em Dayot đã làm một việc rất hiển vinh: vẽ thuỷ đạo đồ bờ biển và các cửa biển. Chính ông Renouard de Sainte-Croix đã đem về Pháp những bản đồ và ghi chép của Dayot. Trong thư Dayot viết cho Sainte-Croix ở Macao ngày 15/11/1807 có những hàng: “Tài mọn của tôi không cho phép tôi mơ ước chức giao dịch viên của một viện quý giá [Viện lưu trữ], nhưng tôi sẽ rất mừng nếu kết quả công việc của tôi được công nhận. Tôi có thể gửi các nhận xét bổ ích về nhiều vấn đề của cái xứ chưa ai biết đến này bằng sự hiểu biết hạn hẹp của tôi. (…) Tôi gửi ông kết quả sáu năm làm việc cam go, tất cả những gì ông sẽ làm sẽ là tốt, nếu có trở ngại gì với việc ông vì tình bạn giúp tôi và tấm lòng của tôi phục vụ tổ quốc, thì cũng không giảm bớt được lòng biết ơn suốt đời của tôi đối với ông”. Saint-Croix đã gửi công trình của Dayot về kho lưu trữ và đã được Hoàng đế [Napoléon] xem.

Năm 1820, chính phủ quyết định dành cho Dayot một câu lạc bộ thiên văn; nhưng sự tưởng thưởng đến quá muộn, Dayot đã mất từ năm 1809. Ông cũng không nhìn thấy những bản đồ của ông được Viện lưu trữ hải quân phát hành năm 1818, và cũng không biết lời khen ngợi hết mình của Abel Rémusat: “…Chúng ta biết có nhiều người nước ta đã giữ những chức vụ quan trọng trong triều nước Xiêm và nước Việt, và nhờ vào một trong những người đó, ông Dayot đã quá cố mà chúng ta có tập địa đồ (Atlas) cực kỳ quý giá về nước Nam, được vua [Louis XVIII] sai khắc năm 1818, đó là một trong những toà lâu đài đẹp nhất của khoa học địa lý xây trên cái xứ rất xa Âu châu… Từ khi các bản đồ của ông Dayot được in ra, bờ biển nước Nam được biết rõ, có lẽ còn hơn một số bờ biển Âu châu nữa.

Năm 1817, vua Louis XVIII sai Kergariou sang biển Đông, với bản đồ của Dayot. Trong thư ngày 28/3/1818 gửi bộ trưởng Hải quân, Kergariou viết: “Tôi đã đi khắp các cửa biển của nước Nam và trong hải trình chông gai này, tôi đã có dịp kiểm chứng, đảo lộn hầu như tất cả công trình của Ông Dayot. Chẳng có lời nào đủ để khâm phục sự chính xác, nhất là sự chính xác mà đất đai được chiếu lại trên các bản đồ” (Maybon, Relation Bissachère, t. 31-33).

Sau này, liên quân Pháp Tây Ban Nha cũng dùng bản đồ này để đánh chiếm nước ta dưới thời vua Tự Đức.

Hết phần I về Jean-Marie Dayot.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-20/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-19/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-18/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-17/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html

Comments are closed.