Con thiên nga bay qua một thế kỷ dữ dằn

Bài dẫn cho phần thơ Akhmatova

Nguyễn Quang Thân tập hợp và viết từ nguồn tư liệu tiếng Nga và tiếng Pháp

Đó là một người đàn bà phi thường. Cô gái được nuông chiều và hay cười nhạo, làm thơ từ năm mười một tuổi và nổi danh ngay từ tập thơ đầu tiên giữa thi đàn Peterburg đầu thế kỷ hai mươi đang từ giã chủ nghĩa tượng trưng để bước vào những tìm tòi của đủ thứ trường phái. Người đàn bà Nga mang trong mình một phần dòng máu của các hãn tacta[1] ấy từng nổi tiếng trước cách mạng Tháng Mười, đã phải trải qua một số phận tột cùng đắng cay và đột ngột sáng lên như một ngôi Vệ nữ trên bầu trời thơ Nga, sau hàng chục năm thể phách đã trở về cát bụi. Không phải làm văn khi ví bà là một Vệ nữ mà bà đã thật sự thành một ngôi sao. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của bà, UNESCO đã tôn vinh bà là Danh nhân văn hóa thế giới và Hội thiên văn vũ trụ lấy tên bà đặt tên một ngôi sao.

Vâng, bà là ngôi sao Vệ nữ, một thiên tài thơ mang khuôn mặt người phụ nữ đẹp[2] và đầy khí phách, được đánh giá là người đáng tự hào nhất trong các nhà thơ nữ hiện đại (Valéri Briossov). Sau hàng chục năm trời bị che khuất, hiểu lầm và thậm chí bị bôi nhọ, (chuyện này đâu có lạ với chúng ta), từ thập kỷ 90 ngôi sao Akhmatova ngự trên bầu trời như vinh quang của thơ Nga và là một danh nhân văn hoá lớn của loài người. Và từ đây thì vĩnh viễn.

Viết về bà là một điều quá khó khăn hầu như không thể, cũng như ta muốn dùng lời lẽ hay cọ vẽ để mô tả sao Kim. Như Nguyễn Trãi và rất nhiều bậc thầy văn chương khác, bà chỉ có thể thành Sao Kim sau khi chết, sau khi đã nếm trải tận cùng khổ đau và với bà, cái đau đớn nhất của nhà thơ không phải chuyện hai người chồng bị hành hình, đứa con trai duy nhất bị đẩy vào trại Gulag kinh hoàng mà lại chính là sự hờ hững của người đời, của đồng bào Nga mà bà vô cùng yêu mến.

Từ năm 1911 đến nay bà chỉ có mỗi việc để làm: làm thơ. Không, bà không làm thơ mà sáng tạo thơ như Nicolai Nedobrovo[3] đã viết về bà từ năm 1914. Khi bà “sáng tạo thơ” thì chân trời thơ tượng trưng Nga đã bắt đầu khép lại tuy ngôi sao sáng nhất là Alekxandr Blok vẫn còn nguyên độ sáng. Ba mươi năm đã qua rồi, phát súng lục nghiệt ngã của Verlaine[4] bắn vào người bạn “chí thân” của mình là Rimbaud chỉ còn chút dư âm ở nước Nga về trường phái suy đồi đang đến độ cáo chung. Nước Nga đang sôi sục với quá nhiều ý tưởng và cảm xúc. Cách mạng đang tới gần. Suy đồi, tượng trưng, siêu thực… và sau này là chủ nghĩa tuyệt đỉnh... một đặc sản Nga-la-tư với những tài năng lớn như N. Goumilev, O. Mandelstam và Akhmatova về thực chất là sự kế tục văn chương cổ điển Nga, chủ yếu là văn xuôi thế kỷ XIX. Văn xuôi, đúng như vậy. Năm 1922, khi còn chưa bị Staline đẩy vào trại tập trung rồi chết ở đó, Mandelstam đã rất có lý khi ông viết về người bạn thơ nữ tài năng của mình: “Anna Akhmatova đã mang đến cho thơ trữ tình Nga tất cả cái phức tạp bao la và sự phong phú của tiểu thuyết Nga thế kỷ XIX. Sẽ không có Anna Akhmatova nếu không có Tolstoi, Tourgéniev, Dostoiewki và có thể kể thêm Leskov nữa. Sự khải thị của Akhmatova hoàn toàn từ văn xuôi Nga chứ không phải trong thơ.” (Thư viết về thơ Nga – 1922)

Mandelstam, (hẳn ta còn nhớ bài báo đầy thiện cảm và có tầm nhìn xa của anh viết về Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Quốc tế Cộng sản năm 1923) và Goumilev[5], và Akhmatova, Zenkíevitch, Narbout, v.v. trước hết họ là nhà thơ Nga, cả Blok và nhiều nhà thơ tài năng khác, họ đứng vững trên mảnh đất Nga trước những quyến rũ xa vời nhưng khá quen thuộc của nền thơ Pháp vốn có truyền thống hào nhoáng và rực rỡ. Các cuộc cách mạng âm ỉ trong lòng một nước Nga đầy mâu thuẫn và nội lực như ta đã thấy trong tác phẩm của Tolstoi và Dostoievski đã giữ cánh diều thơ của họ lại mặt đất, không mất dạng trong bầu trời thơ ca đầy ẩn số của một thế kỷ đang bắt đầu những bước chân bí ẩn, khó đoán.

Trong năm năm trước cách mạng ấy, chỉ với ba tập thơ trữ tình (Buổi chiều 1912, Cây Sậy 1914 và Bầy Trắng 1917) Anna Akhmatova đã mang lại sự bình yên cho thơ Nga, bình yên ở chỗ thơ bà không chạy theo những giấc mộng hoang đường kiểu Rimbaud mà ở lại với vẻ đẹp cũ. Vẻ đẹp ấy đã quá huy hoàng trong văn xuôi Nga với hai đỉnh Thái Sơn, một là Dostoievski ở Péterbourg và Tolstoi ở Iasnaia Poliana. Tuy Pouchkine, Lermontov, Derjavine[6], Nékrassov vẫn còn ngời sáng với thế hệ bà nhưng những nguồn sáng khải huyền vĩ đại ấy vẫn không đủ với những tâm hồn trí thức Nga đang hướng về một châu Âu đã được đọc Khoa học về giấc mộng của Freud. Còn Maiakovski lúc đó chỉ đang “gõ dương cầm trên vỉa hè” để tìm tới trường phái vị lai. “Bà đã phát triển hình thức thơ của mình, một hình thức tinh tế và độc đáo mà vẫn không rời mắt khỏi văn chương tâm lý.” vẫn Mandelstam trong bài đã dẫn nói như vậy một cách chính xác. Thật hạnh phúc có một kho tàng “văn chương tâm lý” như các nhà thơ Nga đã có với Dostoievski và những tên tuổi vĩ đại khác. Ngay Akhmatova cũng nhận rằng bà không nhập môn vào thi ca với tác phẩm “à la Pouchkine” dù bà là người hết sức yêu thơ ông và đã viết hơn một quyển sách nghiên cứu về thi hào vĩ đại.

Một đôi mắt như thế

Mỗi người cần nhớ đời

Tôi, tốt nhất, cẩn trọng

Tôi không nhìn, thế thôi

(Thơ tặng A. Blok, tháng Giêng 1914 – Nguyễn Quang Thân dịch)

Bốn câu thơ rất Akhmatova. Đó là một xoáy nước nhỏ bình lặng trên mặt ao, lúc đầu hình như chẳng có gì, một rung động mong manh, một cái nhìn lơ đãng, phiêu diêu nhưng nó cứ lan toả trong lòng ta, mãi mãi. Ta có quyền cảm nhận bài thơ như là sự cự tuyệt sức quyến rũ của Blok, vị hoàng đế thơ tượng trưng (và cả thơ tượng trưng nữa) trong lớp nhà thơ trẻ thời bấy giờ. (Blok hơn Akhmatova 9 tuổi). Sức vang xa của bài thơ là chỗ đó. Thời ấy Akhmatova đã nhận thấy rõ “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tượng trưng là quá rõ ràng và những người mới viết không gắn với trường phái này nữa”. Và “cùng với Mandelstam, Zenkievitch… tôi chấp nhận trường phái tuyệt đỉnh.” (Vài điều về bản thân tôi – 1965). Bà viết những điều mình suy nghĩ, nhưng thơ còn vang xa hơn, đến tầng cao hơn. Sự chấp nhận trường phái tuyệt đỉnh đã giữ hồn thơ của bà ở lại với truyền thống thơ Nga. Đó là sự uyển chuyển trong giọng điệu, sáng rõ và hài hoà trong nội dung luôn hướng nội. Nicolai Nedobrovo viết năm 1914: “Thơ Anna Akhmatova không hướng tới vẻ bên ngoài của tâm hồn để bày ra trước mắt một quang cảnh những hình tượng được cụ thể hoá hay lấp đầy thính giác với âm thanh muôn màu muôn vẻ của thế giới chung quanh. Bà muốn phập phồng trong lòng ta, nơi gần trái tim ta, dồn nén, ve vuốt làm ta nghẹn nơi cổ họng. […] Đó là cái khác nhau giữa Akhmatova và những khẩu đại bác thơ khác. Ông còn viết: “Những hứng khởi tuyệt vời của tâm hồn, những cảm xúc sâu lắng và đa dạng, những đau khổ thực sự đáng thèm muốn, những mối liên hệ kiêu sa và tự do giữa tạo vật, tất cả những cái đó đều được bà chế ngự và hát lên trong thơ.” (N. Nedobrovo – tài liệu đã dẫn). Tất nhiên thơ bà giai đoạn trước cách mạng không chỉ dừng ở cái vạch quen thuộc của thi pháp trữ tình.

Tôi đã từng đi qua Trái Đất

Anna là tên rửa tội của tôi

Nó dịu êm nơi miệng và tai người.

(Cây Sậy – Nguyễn Quang Thân dịch)

N. Nedobrovo nhận xét đó là một đoạn thơ kỳ lạ, những câu thơ trắng (ý tại ngôn ngoại), vần điệu ngũ ngôn dồn dập, ồ ạt một cách bình lặng, nhịp nhàng và kiêu sa với vẻ dịu dàng rất nữ tính. Akhmatova lặng lẽ và kiêu hãnh hướng vào bên trong bản thân mình, bước lên thi đàn Nga như một hiện tượng vừa quen vừa lạ. Quen vì thi pháp tuyệt đỉnh rất gần gũi với thơ Nga truyền thống khởi đầu từ Pouchkine, lạ vì tính độc đáo của riêng bà. Bà đâu có biết rồi sẽ phải trả giá cho những bước đi chân thành và bướng bỉnh đó.

Cũng năm 1914 ấy, có lẽ sau khi đọc Buổi chiềuCây Sậy, Blok đã viết cho Anna Akhmatova lúc đó đang nổi danh: “...Không cần có người chồng chưa cưới qua đời, chẳng cần búp bê, khônglai căng”, cũng không cần những phương trình có đến mười ẩn số, cái chính là phải rắn rỏi hơn, bớt hoa hoè hoa sói đi và hãy đau đớn hơn.” (Nguyễn Quang Thân nhấn mạnh). Còn Marina Tsvetaieva[7] tài năng thì viết thơ tặng Akhmatova vào năm 1915 và nói những lời tiên tri: “Đời chị là một cái rùng mình / Biết bao giờ hết được?”.

“Đời chị là một cái rùng mình” và “ hãy đau đớn hơn”, những cây thánh giá được báo trước ấy đã dồn dập rơi xuống lưng Anna Akhmatova như một định mệnh mà mãi về sau này (1935) bà chỉ còn biết tự giải thích điều đó khi coi đó như một quy luật của muôn đời:

Không có thớt chặt đầu và những thằng đao phủ

Thì trái đất này cũng chẳng có nhà thơ…

(Thơ trong cuốn vở bị đốt cháy – Nguyễn Quang Thân dịch)

Bà cũng đã nói thẳng ý nghĩ “tử vì đạo” này với Vitali Vilenkine, nhà nghiên cứu văn học sử nổi tiếng và là bạn thân của bà “ Mọi nhà thơ đều có bi kịch của mình, không thế anh ta chẳng là thi sĩ. Còn tôi, (bi kịch là ở chỗ) người ta không hiểu tôi.”(V.V. – Kỷ niệm có bình luận – 1982)

Nhưng có cần đến chừng ấy bi kịch trong một cuộc đời như cuộc đời của Akhmatova để thành thi sĩ hay không?

Cây thánh giá nặng nề nhất của đời thường mà bà phải mang trên vai suốt cuộc đời khổ nạn là cái chết oan khuất trên pháp trường (1921) của nhà thơ quý tộc nổi danh N. Goumilev, người chồng đã ly dị mà bà vẫn còn yêu[8], bà cũng không hiểu sao con người tôn sùng vẻ đẹp của tiếng Nga ấy lại là “kẻ thù của nhân dân”. Và sau này là Nicolai Pounine, người chồng thứ hai, chết trong trại tập trung. Và đến lượt Lev Goumilev bị bắt và bị giam oan uổng, tội ác lớn nhất của anh có lẽ vì anh là con trai của bà, một nhà thơ cứng đầu cứng cổ. Tên độc tài không muốn đụng đến nhà thơ nổi danh, hắn chỉ giết hai người bà yêu mến và bắt giam đứa con trai duy nhất của bà. Cái đau đớn mà Blok từng đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa nơi thơ bà đã tới ngay trong cuộc sống thực của bà chứ không phải trong thơ. Blok đã rất chính xác. Những đau khổ quá sức chịu đựng đối với một người đàn bà đã được thi sĩ trả nợ bằng thơ và tất cả tinh hoa sinh ra từ nỗi đau có một không hai ấy đã, như những con trai làm ngọc từ một vết thương, hoá thành những trang thơ, những chuỗi ngọc đáng kiêu hãnh của thơ Nga và nhân loại. Những viên ngọc ấy được xâu thành hai chuỗi lung linh trên ngực nhà thơ. Đó là Cầu hồn hay Khúc tưởng niệm (đã có bản dịch sang tiếng Việt của Phạm Vĩnh Cư) và những bài thơ được làm trong nhiều thời kỳ khác nhau trong tập Thơ trong cuốn vở bị đốt cháy. Đây là món nợ đời mà nhà thơ phải trả, cho nỗi đau của bản thân mình và của rất nhiều người đau khổ khác, một thiên chức của nhà thơ.

Trong những năm rùng rợn của chế độ Êgiôv, tôi đã đứng xếp hàng mười bảy tháng trời ở nhà tù. Có một lần, một người nào đó nhận ra tôi. Khi ấy người đàn bà có cặp mắt xanh biếc đứng đằng sau tôi và tất nhiên chưa bao giờ nghe thấy tên tuổi tôi bỗng dưng bừng tỉnh khỏi trạng thái đờ đẫn chung cho tất cả chúng tôi và hỏi vào tai tôi, ở đây mọi người đều nói thì thầm:

– Cái cảnh này chị có tả được không?

Tôi đáp:

– Được.

Khi ấy, một cái gì đó giống như nụ cười thoáng hiện trên cái trước kia là khuôn mặt của chị.

(Khúc tưởng niệm – Thay lời nói đầu – tìm xem bản dịch của Phạm Vĩnh Cư)

Quả thật bà đã tả được. Khúc tưởng niệm xứng đáng là một bài “cầu nguyện không cho riêng một tôi / Mà cho tất cả mọi người đứng đó với tôi trong một thời “chỉ có kẻ đã chết mới nở nụ cười / sung sướng vì đã được bình yên thành phố Léningrad như một tấm biển thừa / Treo lủng lẳng bên cạnh các nhà tù của nó. (bản dịch Phạm Vĩnh Cư)

Ngay cả trong Khúc tưởng niệm, Akhmatova không thét lên nỗi đau của mình như những đại bác thơ. Bà lặng lẽ nhìn vào bên trong mình, bên trong những khúc đoạn trường của những người cùng chung với bà số phận bất hạnh, bà ngơ ngác không hiểu sao cái cô gái hay cười nhạo/ Và được tất cả bạn bè nuông chiều / Cô nữ sinh ở Hoàng Thôn vui tính lại phải đứng dưới chùm sao Thập tự để tuôn những giọt nước mắt nóng bỏng đốt thủng lớp băng năm mới. Người đàn bà ấy không hiểu nổi cái gì đã xảy ra, người đàn bà ấy chồng dưới mồ / con trong nhà giam. Bà không thể làm gì hơn trước sắt thép, bà chỉ nói về ánh trăng, cái vừng trăng vàng khè đội mũ lệch đêm nào cũng ngó vào nhà để thấy một cái bóng thấy một người đàn bà đau ốm, đơn độc. Trăng ngó vào phòng giam của con bà đêm đêm bằng ánh mắt diều hâu oi bức để:

Nói về cây thập tự của con cao vời vợi

Và về cái chết 9

(Những câu, chữ in nghiêng: Khúc tưởng niệm – tìm xem bản Phạm Vĩnh Cư dịch)[9]

Nhưng nỗi đau đến núi đá cũng gẫy gục ấy chưa hẳn là lớn nhất với một nhà thơ.

Mười bốn bài thơ Akhmatova làm rải rác trong nhiều năm chưa công bố[10] (đúng hơn là không thể công bố) được bạn bè trong đó có Anatoli Naiman cất giữ và Roman Timentchik tập hợp lại trong Thơ trong cuốn vở bị đốt cháy chỉ được xuất bản ở Riga năm 1987 chứ không phải trên quê hương Nga của bà. Những bài thơ trong tập này có sự khác biệt lớn với giai đoạn trữ tình trước đây của Akhmatova, chúng hàm chứa những ẩn ức cay đắng, những ẩn ý sâu xa và được cân nhắc kỹ lưỡng đến từng câu chữ để nói lên bằng thơ cái Sự thật cay đắng không phải của riêng Akhmatova mà còn của thời đại. Có lẽ sự kín đáo này không phải để tránh né kiểm duyệt vì bà không hề có ý định công bố chúng, cũng chẳng vì lý do “an toàn” nào khác mà hồn thơ Akhmatova là thế, nó vốn có âm hưởng bi thảm ngay từ đầu, từ những ngày bà mới bắt đầu cầm bút lại được Blok nhắc nhở là cần đau đớn hơn nữa, rắn rỏi hơn nữa. Điều dễ phân biệt những bài thơ này với các tác phẩm của giai đoạn đầu là tính công dân được lộ rõ hơn, như Timentchik nhận xét, nó có cảm hứng nékrassov hơn.

Theo tôi, ở Khúc tưởng niệm, bà nhìn thẳng không e dè nỗi đau của mình và các bạn phụ nữ đi thăm nuôi. Bà chỉ coi bài thơ như

dệt cho họ một tấm khăn liệm rộng

Bằng những từ ngữ nghèo nàn tôi nghe được của họ

thì, với Thơ trong cuốn sổ bị đốt cháy bà đã thét lên những phẫn uất bị dồn nén đến tột cùng của mình. Đến chỗ này ta bỗng nhận ra một Akhmatova công dân. Công dân theo kiểu riêng bẩm sinh của bà, một thứ thơ trữ tình công dân đầy tính nữ không giống một ai khác.

Chê bai tôi, chửi bới, ồ, à

Các anh hãy còn kịp chán

Tôi sẽ dạy các anh, những chàng dũng cảm

Cách tránh né tôi ra.

Lợi lộc tôi không tìm kiếm

Vinh quang tôi chẳng đợi chờ

Ba mươi năm rồi tôi sống

Dưới bóng tử thần đâu xa.

(Nguyễn Quang Thân dịch qua bản tiếng Nga)

Sự “thay đổi” của thơ bà làm nhiều người bất ngờ. Phải chăng Akhmatova, một hồn thơ luôn thì thầm, luôn hướng nội thường vẫn hát lên những bài ca nhỏ nhẹ của trái tim mình những năm 10 đầu thế kỷ đã trở thành một nhà thơ khác trước, một nhà thơ công dân?

Ở Liên Xô, có một thời kỳ dài, nhất là trong những cuộc tranh luận gay gắt đầu những năm 20 thế kỷ trước, giai đoạn mà sau này Albert Camus nhận xét trong diễn từ Nobel Discours de Suède nổi tiếng: “ Những tác phẩm đẹp và bi thảm của những năm đầu cách mạng Nga cho chúng ta thấy được nỗi day dứt [chọn đường]. […] Những gì nước Nga cho chúng ta đọc trong thời gian đó là một phòng thí nghiệm rực rỡ của hình thức và chủ đề, một sự sáng tạo đầy lo âu và những tìm tòi điên loạn.[11] Nói như vậy là chính xác. Nội chiến đã kết thúc. Nhưng phải hàng chục năm người ta mới thiết lập nổi những lề luật mới không giống ai trong sáng tạo văn chương có “tính Đảng”, chuyện ấy đâu có dễ với những người kế thừa di sản của Pouchkine và Lermontov. Có lẽ cái chết của Essénine và sau đó của Maiakovski là những cột mốc buồn chấm dứt giai đoạn mà văn đàn là một phòng thí nghiệm rực rỡ. Sau đó là độc tài, là hiện thực xã hội chủ nghĩa đăng quang và văn học xô viết đi tiếp chặng đường như chúng ta đã biết quá rõ. Trong thập kỷ 20 đó, những mũi tên tẩm thuốc độc phóng tới tấp vào Akhmatova (Tamara Balachova) và những la ó của báo chí dậy lên “từ Libau đến Vladivostok” (như bà từng nói thế) sau những tập Xa tiền thảo (1921) và Anno Domini (1922) của bà. “Người ta chụp cho bà những cái mũ đầy khinh bỉ như thơ phòng trà, thơ giường chiếu, thơ suy đồi không ích gì cho cách mạng. Không hề có cuốn sách nào của bà được in từ 1922 đến 1940 ở ngay xứ sở mình (Tamara Balachova). Những nhà văn Nga lưu vong vì lý do này khác viết hồi ức khai thác một cách lạc lõng về quan hệ vợ chồng giữa bà với Goumilev và không biết gì hơn về bà và thơ bà ngoài những gì họ đã biết và đánh giá từ những năm trước cách mạng. Còn Phương Tây thì dành cho bà một sự bàng quan khó hiểu và đáng ngạc nhiên. Bà viết trong hồi ức: “Bài thơ Tôi chẳng bao giờ đi với ai không làm họ thích. Người ta [Phương Tây]đã ngừng in thơ tôi. Chuyện đó kéo dài mãi tới năm 1939…”

Phương Tây vu vạ tôi rồi tin như thật

Phương Đông phản bội tôi sang trọng đàng hoàng

Phương Nam thí cho tôi chút không gian nhỏ giọt

Cười cợt, bẻ bai dòng chữ nghịch thần..

(Thơ trong cuốn vở bị đốt cháy – Nguyễn Quang Thân dịch)

Vậy là chỉ còn Phương Bắc, ngoài khơi Léningrad là Vịnh Phần Lan, con đường thuận lợi nhất của những người rời nước lưu vong thời đó. Nhưng bà là nhà thơ Nga, bà không thể rời đất Nga, tiếng Nga, như một số người khác.

Không, tôi chẳng nương dưới bầu trời nào

Chẳng mong đôi cánh xa lạ nào che chở

Thời đó tôi đã cùng nhân dân, bất hạnh sao

Ở nơi mà nhân dân tôi phải ở.

(Thơ trong cuốn vở bị đốt cháy – Nguyễn Quang Thân dịch)

Dù điều đó có nghĩa là:

Ở lại đây trong mịt mù lửa khói

Chút thanh xuân huỷ hoại không còn

Lũ chúng tôi có bao giờ đếm được

Những ngọn đòn đánh thẳng vào lưng.

(Tập Anno Domini – Nguyễn Quang Thân dịch)

Bà đã ở lại với nước Nga.

Là nhà thơ hướng nội và yêu quá khứ, cô gái Hoàng Thôn kiêu sa bước từ thi đàn vào thư viện Học viện nông nghiệp làm nhân viên, lặng lẽ dành thời gian nghiên cứu Pouchkine, nghệ thuật kiến trúc Péterbourg cổ và im lặng.

Bà không “nói lớn” được như Maia. Cũng không tự cắt mạch máu cổ tay mình cho đến chết như Essénine. Trước bão tố, thái độ được lựa chọn đúng với bản chất của bà là im lặng.

Ở trên cột bêu người xấu hổ của khổ đau

Tôi đứng đây dưới bóng ngai vàng

(Mảnh vụn)

Tôi đã lặng im từ ba mươi năm rồi

Và bà tự hỏi:

Tại sao chị lặng câm như một tên tội phạm?

(Bi ca phương Bắc)[12]

Cũng câu hỏi đó trong “Thơ trong cuốn sổ bị đốt cháy”:

Tai tôi điếc vì những lời nguyền rủa

áo tôi mang rách mướp đến tận cùng

Tôi là người đàn bà tội lỗi

nhất trần gian có phải thế không?

(Nguyễn Quang Thân dịch)

Cái im lặng của Akhmatova trong một thời gian dài là bắt buộc, cũng không có nghĩa là bà đã đổi khác. Đúng hơn, bà ẩn mình, không chờ chết, không chờ thời mà lặng lẽ nhìn thẳng vào nỗi đau lòng mình và làm thơ, nguồn thơ của bà chưa bao giờ cạn. Cái xoáy nước Akhmatova vẫn toả những vòng tròn mỗi lúc mỗi rộng trên mặt nước, dù là một mặt nước đang nổi sóng và cả khi độc giả hờ hững, lãng quên. Cũng có lúc bà mệt mỏi, bà bi quan xin đừng ai cầu nguyện cho tôi – ai bỏ đi rồi xin đừng quay lại (chắc không ít bạn bè đã rời bỏ bà trong những ngày đó. Nhớ lại chuyện Pasternak khi bị hành hạ vì cuốn Bác sĩ Zivago, có hôm đã vui mừng khoe với vợ: Em ơi, hôm nay anh công an hộ tịch chào anh rồi!). Nhưng rồi chính bà lại cầu xin Thượng Đế tối cao:

Thượng Đế ơi, Người thấy tôi mỏi mệt chừng nào

Sống lại, chết, rồi vẫn sống

Và chỉ xin một ân huệ nhỏ nhoi:

Hãy mang hết cả đi! Nhưng bông hồng này đỏ thắm

Tươi mát hương này xin để lại cho tôi.

(Bông hoa hồng cuối cùng 1962 – Nguyễn Quang Thân dịch)

May mắn cho chúng ta, Thượng Đế đã để lại cho Anna Akhmatova nhiều hơn thế.

*

Đã để lại cho bà nguyên vẹn tài năng và lòng can đảm, cái khí phách mà không có nó thì bất kỳ nhà thơ nào cũng chỉ là người biết ghép vần và nổi tiếng vì biết uống rượu Tây hơn là tài thơ. Akhmatova đã gan góc, bướng bỉnh bảo vệ danh dự của tiếng Nga, của thơ Nga và của bản thân mình. Cuối năm 1941, sau khi phát xít tấn công Liên Xô, bao vây Peterburg bà đã lên đài phát thanh kêu gọi nhân dân đứng lên bảo vệ “thành phố của Piốt Đại Đế” và như bà nhớ lại, cảm hứng thơ lại tuôn chảy mạnh mẽ, vẫn là những câu thơ Akhmatova:

Chúng ta không run sợ nằm dưới làn đạn

Cũng chẳng đắng cay than thở vì không còn một mái nhà

Nhưng tiếng Nga ơi, chúng tôi gìn giữ

Gìn giữ tiếng Nga vĩ đại của ta!

(Tập Ngọn gió chiến tranh – Nguyễn Quang Thân dịch)

Bà, người suốt đời bảo vệ vẻ đẹp Nga cổ xưa và thanh sạch. Mặc dù, như nhiều số phận không may mắn của trí thức Nga khác, việc quay đầu nhìn lại quá khứ có thể bị coi là một tội lỗi, như người vợ của Lốt trong thành Xô-đôm, bị trừng phạt và biến thành một cột muối khi quay đầu nhìn lại. Nhưng bà vẫn gan góc quay đầu nhìn lại. Vì không thể không quay đầu nhìn lại. Và bà cất lên một câu hỏi rất Akhmatova:

Ai sẽ than khóc cho người vợ này

Mất mát này phải chăng là nhỏ nhất?

chỉ mỗi trái tim tôi chẳng bao giờ quên được

Kẻ hiến dâng đời cho mỗi cái nhìn thôi.

(Người vợ của Lốt – 1922- 1924 – Thơ Kinh – Nguyễn Quang Thân dịch)

Phải, Anna Akhmatova, như con thiên nga tuyệt đẹp và cao sang trong bài thơ Vườn Mùa Hè, “vẫn bơi qua thế kỷ như xưa”, người đàn bà phi thường ấy sẵn sàng hiến dâng đời cho mỗi cái nhìn, đã bơi qua thế kỷ để đặt lên ban thờ ngôn từ của nhân dân Nga một sự nghiệp thơ mãi mãi là biểu tượng của tài năng, lòng trung thực và nhân phẩm.

Xin chấm hết những dòng viết rất không đầy đủ này bằng những câu thơ của Alexandre Blok viết tặng bà ngày 16 tháng Chạp năm 1913:

Buồn bã và mộng mơ

Chị tự nói với mình:

“Tôi chẳng ghê ghớm mà cũng chẳng ngây thơ

Không đủ ghê gớm để giết người

Cũng chẳng quá ngây thơ để mà không biết

rằng cuộc đời là ghê gớm nhường bao!”


[1] Anna Akhmatova sinh ngày 23 tháng Sáu năm 1889 ngày lễ Thánh Jean. Được đặt tên Anna để tưởng nhớ bà ngoại Anna Egorovna Motovilova. Mẹ của bà ngoại bà là một hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan).

[2] A. Akhmatova được nhiều hoạ sĩ đương thời vẽ chân dung. Nathan Altman, hầu như chỉ vẽ chân dung bà từ 1914. Còn Amedeo Modigliani (1884 – 1920), danh hoạ người Ý thuộc trường phái Paris đã quen bà ở thủ đô nước Pháp và đã vẽ tặng bà 16 bức chân dung, bây giờ chỉ còn một và đó là bức giá trị nhất. Những bức khác bị đốt trong thời gian con trai bà (Lev Goumilev, hiện nay là tiến sĩ sử học) bị bắt.

[3] Nicolai Vladimirovitch Nedobrovo (1882 – 1919), triết gia tài năng, thi sĩ và nhà phê bình Nga, từng viết một bài phê bình về A. Akhmatova mà bà cho là giá trị nhất trong những bài viết về bà.

[4] Rimbaud và Verlaine cùng đi hoang ở Anh và Bỉ, phát súng lục của Verlaine bắn vào bạn đã chấm dứt

“ cuộc tình “ của hai người và ngay sau đó (1873) tập Chuyến đi ngh địa ngc của Rimbaud ra đời với những bài thơ đầy hoang tưởng và bế tắc. Mãi về sau, Rimbaud mới chuyển sang chủ nghĩa siêu thực và ảnh hưởng lớn đến thơ ca châu Âu đầu thế kỷ.

[5] Tiến sĩ Nicouline trong một lần nói tại Viện Văn học cho biết, khi còn là sĩ quan hải quân Sa hoàng, cùng hạm đội Nga ghé qua Cam Ranh, N.Goumilev đã viết hai bài bút ký về xứ Annam thuộc Pháp. Nếu đúng thế thì có lẽ ông là nhà văn Nga đầu tiên viết về đất nước chúng ta.

[6] Nếu tôi nhớ không nhầm thì Maia kovski có một câu thơ viết rằng thi tài của ông “ có th đọ cùng thi sĩ Derjavine “.

[7] Marina Tsvetaieva (1892 – 1941) nhà thơ Nga tài năng, sống lưu vong, hồi hương năm 1940 và tự tử năm 1941. Mấy câu thơ trên dịch theo bản tiếng Pháp của Henri Abril.

[8]Hai nhà thơ ln ca nước Nga tng là v chng (sau khi ly dị) vn là bn ca nhau. Trên mt trang ca tp Bầy Trắng do A.Akhmatova gi N. Goumilev vào tháng Sáu năm 1918, li đề tng có ghi: “Tặng N. Goumilev, bạn thân yêu của tôi với tình yêu Anna Akhmatova” (Lev Ozerov) N. Goumilev đã được minh oan năm 1990.

[9] Khúc tưởng nim được viết từ 1936 đến 1940, trừ Thay li nói đầu năm 1957. Nó chỉ được in lần đầu tiên ở Pháp khoảng giữa những năm 60 và Liên Xô trước đây giữa những năm 80. Cả hai lần ra mắt độc giả đều được coi là một sự kiện văn học quan trọng. Bản dịch sang tiếng Việt rất thành công của nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư được in lần đầu tiên ở Việt Nam khoảng cuối thập kỷ 90 trên tạp chí Đất Qung do nhà thơ Thanh Quế làm Tổng biên tập.

[10] Khoảng 1946 đến 1963, bài cuối cùng ghi: Rome đêm 18 tháng Chp năm 1964, có lẽ đây cũng là bài thơ cuối đời của bà làm trên đường từ Ý về nhân dịp nhận giải thưởng Etna-Taormina.

[11] Discours de Suède – Gallimard 50 édition.

[12] Bài thơ này làm dở dang gồm bảy khúc. Dẫn theo trí nhớ của Lydia Tchoukovskaia.

Comments are closed.