Những tượng – mộ ô nhục (thơ chữ Hán Nguyễn Du viết bên mộ Nhạc Phi)

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

“Vĩ nhân” nào đang mơ có những khu đất khủng để làm mộ – dựng tượng cho mình, nên đọc qua câu chuyện này.

Tóm tắt: Bên những tượng sắt quỳ ở đền Nhạc Phi, Nguyễn Du đã dựng lên những “bức tượng mộ” bằng nghệ thuật ngôn từ. Bài viết chủ yếu bằng phương pháp bình giải, phân tích nghệ thuật đặc sắc của thơ chữ Hán Nguyễn Du trong việc tạo nên sự tương phản đối lập giữa sự độc ác – phi nghĩa với sự tốt lành – chính nghĩa, đồng thời như một sự cảnh báo và nhận diện cái ác xưa – nay.

Từ khóa: Tượng, Mộ, Ô nhục, Căm giận, Trừng phạt.

Trên vạn dặm Trung Hoa, trong tất cả những di tích lịch sử có dịp được tham quan, có lẽ đền thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang là di tích để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên hơn cả. Đặc điểm nổi bật nhất trong kiến trúc của khu đền là giữa không gian rộng rãi, có khu mộ Nhạc Phi cùng con trai Nhạc Vân, đối diện là bốn bức tượng sắt quỳ nhốt trong cũi sắt tạo nên nét đặc sắc chưa từng thấy trong các di tích lịch sử ở Trung Quốc cũng như trên thế giới… Hơn hai trăm năm trước, đại thi hào Nguyễn Du đã tới nơi này, để lại năm bài thơ chữ Hán vịnh sử bất hủ về Nhạc Phi và những kẻ thủ ác hãm hại người anh hùng của đất nước Trung Hoa cổ đại.

Nhạc Phi, người anh hùng tận trung báo quốc thời Nam Tống (1127-1279), sinh ra vào thời nước Liêu và Đại Kim xâm lăng nhà Tống. Năm 1141, quân đội Nhạc Phi đang đánh bại quân Kim, sắp lấy lại được Biện Kinh (tức Khai Phong), thì Tống Cao Tông mê muội, nghe lời Tể tướng gian thần Tần Cối, trong một ngày liên tiếp phát 12 đạo kim bài triệu hồi ông về kinh. Sau khi Nhạc Phi về đến Lâm An (kinh đô Nam Tống, nay là Hàng Châu, bên sông Tiền Đường), Tần Cối bí mật ra lệnh cho Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết thêu dệt tội danh, vu cáo Nhạc Phi “mưu phản” để nhốt ông lại, rồi Tần Cối lấy tội danh “không cần có” (mạc tu hữu) mà giết chết hai cha con Nhạc Phi, Nhạc Vân. Nhạc Phi hưởng dương 39 tuổi. Về sau vua Hiếu Tông giải oan khuất cho ông, ban hiệu là Trung Liệt, ban thụy là Vũ Mục. Đền thờ và mộ của ông cùng mộ con trai Nhạc Vân được xây dựng từ thế kỷ XII, đến nay là một thắng cảnh danh tiếng ở Hàng Châu. Trong khu đền có bức tượng ông ngồi cầm gươm với bức đại tự: Hoàn ngã giang san (Trả lại giang sơn cho ta). Còn trước đền có câu đối: Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt, Bạch thiết vô cơ chú nịnh thần (Núi xanh may mắn làm nơi chôn cất người trung lương, Sắt trắng uổng thay đúc tượng nịnh thần).

Khi Bắc hành, Nguyễn Du dành nhiều cảm xúc và suy tưởng về các nhân vật lịch sử trước bao ngôi mộ trên vạn lý Trung Hoa. Song chùm thơ này, cũng nói về mộ lại có phần khá đặc biệt, gồm một bài viết về Nhạc Phi, và tới những bốn bài viết về vợ chồng Tần Cối; chúng đã được nói đến nhiều trong các bài nghiên cứu, song mới dừng ở mức giới thiệu tổng thể, hoặc nhằm phục vụ cho một luận điểm nào đó, và hầu như chưa được phân tích, bình giải một cách thích đáng ở từng bài. Ở đây chỉ xin nói về bốn bài thơ viết về mộ – tượng của Tần Cối và vợ y.

Tần Cối trong 18 năm làm Tể tướng đã hãm hại không biết bao nhiêu trung thần nghĩa sĩ, khiến cho vương triều Nam Tống trở nên hủ bại, ai ai cũng căm hận thấu xương tủy. Cho đến tận ngày nay, món bánh quẩy của người Hoa được làm bằng bột chiên trong dầu luôn luôn làm từng cặp dính liền, đó là tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị trói với nhau và ném vào vạc dầu hành tội. Mấy bức tượng Tần Cối và vợ là Vương Thị, cùng tên giám ngục Vạn Sĩ Tiết, tướng Trương Tuấn, đều được đúc bằng sắt, dáng quỳ, còng tay ngược phía sau cho người qua lại xỉ vả. Qua mấy trăm năm như thế, tượng của vợ chồng Tần Cối cũng hư hỏng nhiều lần, và trước sau được đúc lại 13 lần [2]. Những nhà kiến trúc chắc có dụng ý tạo ra một quần thể tượng – mộ không ở đâu có, mà bốn bức tượng sắt kia cũng là một thứ mộ riêng biệt dành cho những kẻ phạm những tội ác khiến cả thế gian và trời đất phải nguyền rủa.

Còn Nguyễn Du đã dành cho mỗi đứa hai bài thơ tựa những nhát búa tạ giáng không thương tiếc xuống đầu sắt ô nhục của chúng. Lẽ đời, làm ra tượng là để chiêm ngưỡng, chứ đâu phải để người ta đóng cũi như súc vật, rồi khạc nhổ, đánh đập suốt gần ngàn năm qua như thế? Thông thường, các tượng hay quần thể tượng được tạo ra, nói theo triết gia Đức Hêghen là “để tô điểm, trang trí cho không gian có tính kiến trúc… và gợi lên ấn tượng về sự sống và vận động” [3, tr. 209] – “mục đích của tác phẩm điêu khắc là dùng hình tượng con người để biểu hiện yếu tố tinh thần” [3, tr. 156]. Nhưng nếu như Hêghen cho rằng, nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp cần/ và đã diễn tả “cái đẹp của lý tưởng” [3, tr. 187], và nghệ thuật “không phải chỉ là một thứ trang trí, các sáng tạo của nó không phải chỉ là những đối tượng để trang trí mà tương ứng với một nhu cầu của sự sống đòi hỏi phải được thỏa mãn” [3, tr. 203], thì ở đây, trước sự thật về những kẻ gian thần độc ác, “nhu cầu của sự sống đòi hỏi phải được thỏa mãn” đó chính là sự căm hờn khinh bỉ cần có chỗ trút bỏ. Và một triết gia hiện đại người Anh cũng đã khẳng định: “Cái đẹp thật sự có thể tìm thấy ngay ở cả những gì xơ xác, đớn đau và hư hoại”, khi mà “năng lực nói lên sự thật về thân phận chúng ta bằng những ngôn từ chuẩn mực và những giai điệu cảm động sẽ đem lại một sự cứu chuộc” [6, tr. 249] – “Và điều này thậm chí cũng đúng với những tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn, như các tiểu thuyết Madame Bovary của Flaubert hay Nana của Zola, với sức mạnh và sự thuyết phục tùy thuộc vào tính chất tương phản đầy mỉa mai giữa những thứ như chúng là và những thứ như người ta muốn chúng là” [6, tr. 272]. Trong văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới cổ kim, không hiếm những hình tượng xấu xa, kinh dị, đáng ghê tởm được đưa vào cấu trúc tác phẩm để làm sự tương phản, đối trọng hữu hiệu với cái Đẹp lý tưởng, sự cao thượng. (Chỉ cần lấy ví dụ về quỷ Satan và các đao phủ thực hiện việc trừng trị tàn khốc trong Kinh Thánh, trong chín tầng Địa ngục của thi hào Ý Dante hay dưới thập điện Diêm phủ của dân gian các nước Á Đông). Những luận điểm của hai triết gia vừa dẫn trên có thể làm một trong những cơ sở lý luận quan trọng để chúng ta thâm nhập sâu thêm vào chùm thơ về mộ – tượng đặc biệt ở đền Nhạc Phi.

Điện cối hà niên chùy tác tân,

Khước lai y bạng Nhạc Vương phần.

Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự,

Đả mạ hà thương nhất giả thân.

Như thử tranh tranh chân thiết hán,

Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân?

Thùy vân ư thế vô công liệt ?

Vạn cổ do năng cụ loạn thần.

Tần Cối tượng (Kỳ nhất)

Cây cối bên điện vua năm nào nay đã bổ làm củi rồi, mà sao tên Cối lại đến dựa dẫm bên mộ Nhạc Vương? Đúng sai đã là chuyện để ngàn năm định luận. Đánh mắng có làm đau đớn gì cái thân giả ấy? Trông có vẻ cứng cáp như thế kia, rõ là một con người sắt thép, mà cớ sao lại khúm núm thờ lũ người Kim? Ai bảo nó không có công trạng gì góp cho đời? Muôn đời còn có thể lấy nó làm gương cho bọn gian thần phải e sợ.

Tượng Tần Cối (Bài 1)

Nguyễn Du khéo chơi chữ Cối trong điện cối – cây cối bên cung điện – và tên Tần Cối: bên điện vua Tống Huy Tông có một cây “cối” sinh nấm ngọc, bị cho là điềm Tần Cối làm mất nhà Tống khi y được trọng dụng; cây “cối” đó sau bị chẻ thành củi. Sự thật là, sau khi hãm hại cha con Nhạc Phi, vợ chồng Tần Cối đã sống trong nỗi bất an, hoảng loạn, chết trong sự ô nhục, và cuối cùng bị di xú muôn đời bằng hình hài sắt thô quỳ nhục nhã. Câu phá đề từ đây bắt đầu cho một nguồn cảm hứng mỉa mai cay độc của tác giả cho tới suốt bài và các bài sau: mà sao tên Cối còn đến dựa dẫm bên mộ Nhạc Vương? Trong một không gian thoáng rộng như được chống đỡ bởi những gốc tùng cổ thụ, bốn bức tượng sắt, mà trung tâm là tượng Tần Cối phải quỳ mãi mãi trước hai ngôi mộ của hai cha con Nhạc Phi, như một sự trừng phạt nghiệt ngã; còn Nguyễn Du thì diễn đạt sự trừng phạt đó bằng câu hỏi mỉa mai gắng kìm sự phẫn nộ: khước lai y bạng Nhạc Vương phần? Theo Từ điển Hán Việt (Thiều Chửu), “y bạng” (依傍) là nương tựa, nhờ vả. Thực oái oăm, và cũng thực ngu xuẩn, đểu cáng và khốn nạn, kẻ giết người độc ác lại tìm sự nương tựa nơi người chính bị kẻ đó giết hại, và ăn theo sự nổi tiếng của người ấy! (Cái ý dựa dẫm ăn theo này, Nguyễn Du sẽ triển khai đầy đủ, và thích đáng trong Tần Cối tượng Bài 2).

Tới liên 2, tác giả làm như khách quan, đứng ngoài đánh giá về thái độ của người đời đối với Tần Cối: Thị phi tẫn thuộc thiên niên sự, Đả mạ hà thương nhất giả thân. Đúng sai đã là chuyện để ngàn năm định luận. Đánh mắng có làm đau đớn gì cái thân giả ấy? Nguyễn Du làm ra vẻ thương hại, cảm thông với hình nhân của kẻ bị đối xử một cách lạ đời như thế, để trách người đời đã làm một việc vô ích, nhưng đồng thời ông bắt đầu giáng đòn vào mộ tượng: nó là thân giả, lại là sắt vô tri vô giác, thì mọi sự “đả mạ” – đánh mắng nhục mạ – có ảnh hưởng gì tới nó đâu, ngược lại chỉ làm nó thêm trơ lỳ và đáng ghét!

Và sự đáng ghét đó cứ lớn dần thành sự tởm lợm, khinh miệt, căm giận trong lòng, khiến tác giả nắm lấy cổ tượng buộc tượng phải ngẩng đầu lên để tra vấn, như nó cũng mang “linh hồn chết” vậy: Trông có vẻ cứng cáp như thế kia, rõ là một con người sắt thép, mà cớ sao lại khúm núm thờ lũ người Kim? Như thử tranh tranh chân thiết hán, Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân? Ở liên 3 này, Nguyễn Du đã kết hợp mấy thao tác nghệ thuật đắt và đúng chỗ: dùng sự tương phản đối lập, lấy hư để nói thực, mượn bóng vờn dạo để bất ngờ xuyên táo sự thật vào chủ thể – cũng là một cách “tá khách hình chủ”: cái dáng vẻ như cứng cáp cho thấy là con người có tính cách gang thép, bất khuất can trường, thế sao lại rạp mình luồn cúi một cách hè hạ trước bọn người Kim? (Theo Từ điển Hán Việt Thiều Chửu: động từ “mĩ mĩ” (靡靡) là lướt theo, rạp theo; phong tục bại hoại cũng gọi là “mĩ mĩ”). Bằng hai câu thơ, Nguyễn Du đã phả linh hồn vào mộ tượng, bắt nó phải dựng dậy để tiếp tục nghe phán xử nghiêm khắc của chính ông thay mặt người đời.

Ba câu hỏi dồn dập ở trên như sự chuẩn bị tâm lý cho người đọc để tác giả đi tới câu hỏi nghiệt ngã cuối cùng trong câu kết: Thùy vân vu thế vô công liệt? Ai bảo nó không có công trạng gì góp cho đời? Và ngay lập tức ông trả lời: Vạn cổ do năng cụ loạn thần. Muôn đời còn có thể lấy nó làm gương cho bọn gian thần phải e sợ! Tới đây, sự mỉa mai chua chát bị dồn nén đã bùng ra thành một lời phán xét đanh thép. Và rõ ràng là Nguyễn Du thấy sự cần thiết của một tấm gương phản đề tày liếp về đạo lý làm người dành cho muôn đời, qua số phận gian thần Tần Cối cả khi sống lẫn khi chết.

Nhà nghiên cứu Lê Thu Yến có viết: “… theo Nguyễn, dựng tượng kẻ xấu tuy là để trừng phạt nhưng như thế tức là vô tình để cho cái ác, cái xấu tồn tại mãi, Nguyễn muốn cái ác, cái xấu phải vĩnh viễn mất đi. Hơn nữa, tượng vợ chồng Tần Cối còn ở đó bên cạnh tượng người anh hùng Nhạc Phi thì hóa ra chừng nào còn người anh hùng này thì hai kẻ xấu kia chúng vẫn tồn tại… Có nghĩa là vô tình để nó bất hủ cùng với người anh hùng Nhạc Phi” [4, tr. 501]. Theo chúng tôi, nhận định như trên là hiểu sai ý tứ của Nguyễn Du, vô tình hạ thấp cái sức mạnh của “đòn âm”, sức mạnh của một thứ “chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn” mà Nguyễn quất vào những kẻ tiểu nhân đểu cáng, những kẻ bạc ác tinh ma. Nguyễn nhiệt thành ủng hộ việc dựng tượng sắt những kẻ này để đồng thời bằng ngôn từ của mình phụ họa thêm, nhân thêm lên một biểu tượng vĩnh cửu của sự phi nhân tính nhằm kêu gọi, phục hồi nhân tính. Điều này chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn trong Tần Cối tượng Bài 2.

Cách Thiên các hủy ngọc lâu tàn,

Do hữu ngoan bì tại thử gian.

Nhất thể tử tâm hoài đại độc,

Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan.

Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết,

Giai hạ đồ tru tử hậu gian.

Đắc dữ trung thần đồng bất hủ,

Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan.

Tần Cối tượng (Kỳ nhị)

Gác Cách Thiên đổ nát, lầu ngọc đều đã hoang tàn. Nhưng vẫn còn tên gian phi càn rỡ ở đây. Suốt đời trái tim chết của nó chứa đầy nọc độc. Nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kỳ lạ. Trong ngục người trung thần khi sống đã phải trào máu, Dưới thềm phạt tội tên gian đã chết, chỉ uổng công! Được cùng với bậc trung thần mà thành bất hủ. Cái phúc lạ lớn tày trời của nó thật quá vô lý.

Tượng Tần Cối (Bài 2)

Liên 1 cũng dường bắt đầu bằng sự xuất hiện của đối tượng vịnh sử như Tượng Tần Cối Bài 1: Cây cối bên điện vua năm nào nay đã bổ làm củi rồi, mà sao tên Cối lại đến dựa dẫm bên mộ Nhạc Vương?

Nhưng ở đây, không chỉ là cây “cối” bị bửa ra làm củi, mà tấm biển đề bốn chữ Nhất Đức Cách Thiên do chính tay vua Huy Tông nhà Tống viết tặng Tần Cối để trong nhà cũng đã mục nát từ lâu giữa lầu phủ hoang tàn, hơn thế, trở thành trò cười cho thiên hạ. Bốn chữ ấy nghĩa là vua tôi cùng có một đức thuần nhất có thể cảm thông được lòng trời. Nhưng khi vua Huy Tông bị bắt làm tù binh nước Kim, Tể tướng Tần Cối cùng bị bắt rồi được tha và chủ trương chủ hòa, chịu thần phục Kim, nhường đất phía Bắc sông Hoài cho Kim, trở thành công cụ cho Đại Kim, bỏ rơi nhà vua trong ngục và bắt giết Nhạc Phi để làm vui lòng nhà Kim (sự Kim nhân). Đời Tống Ninh Tông, Cối bị xóa bỏ tước vương, mang tên thụy là Mậu Xú, rồi sau đó người đời dựng tượng chịu quỳ trước mộ Nhạc Phi để chịu sự trừng phạt như chúng ta đã biết, trong cảnh tượng Cách Thiên các hủy ngọc lâu tàn – Gác Cách Thiên đổ nát, lầu ngọc đều đã hoang tàn. Và tác giả không khoác cái vỏ “lịch sự” để châm biếm nữa (y bạng – dựa dẫm, nương nhờ), mà thẳng thừng điểm mặt chỉ tên kẻ vẫn còn lẩn quất giữa cõi đời: Nhưng vẫn còn tên gian phi càn rỡ ở đây – Do hữu ngoan bì tại thử gian.

Rồi tác giả đi tới khái quát bản chất thực của một kẻ cả khi sống lẫn khi chết bị thiên hạ ngàn đời phỉ nhổ, bằng hai câu thực vào loại “đỉnh” của thơ chữ Hán Việt Nam: Nhất thể tử tâm hoài đại độc, Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan. Suốt đời trái tim chết của nó chứa đầy nọc độc. Nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kỳ lạ.

Khi sống, trái tim của nó mang đầy chất độc đã đành, nhưng chết đi, nó vẫn mang đầy chất độc đó trong trái tim chết (tử tâm). Một cách diễn đạt cực tả nhằm phanh phui tận cùng cái sự thật khủng khiếp về một kẻ từng mang vóc dáng xương thịt con người khiến người đọc cả ngàn năm sau phải rùng mình ghê sợ. Nhưng, nỗi cảm thông này của nhà thơ mới làm nên “thần nhãn” của bài thơ: Nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kỳ lạ! Câu thơ như cũng mang niềm cảm thông sâu sắc của tác giả đối với nỗi đau của người nghệ nhân khi buộc phải dựng lên cái hình hài kết tinh sự xấu xa đồi bại. Nỗi oan của người anh hùng đã là một nỗi thương đau lớn cho bao thế hệ người, song nỗi oan của cục sắt sống vô tội kia khi phải mang hình dạng của kẻ đáng nguyền rủa, phải chịu sự phỉ báng đánh đập mãi mãi cùng hắn, cũng là một điều thực đáng kể, và bởi vậy, nỗi oan của người anh hùng càng thấm thía xót xa đối với người đời! Nghệ thuật bồi thấn tương phản của thơ trong trường ẩn dụ khi kết hợp với cảm xúc mạnh mẽ và sự suy tưởng sâu sắc đã tạo ra một hình tượng thơ thực độc đáo, và hiếm có trong thơ ca trung đại Việt Nam.

Là một nghệ sĩ nhạy cảm có “cái nhìn thấu suốt tới sáu cõi” và giàu tình thương đối với vạn vật, Nguyễn Du hơn ai hết thấm hiểu rằng con người khi sinh ra trên đời ai cũng luôn mong tương thông cùng thế giới để tạo nên một sự hài hoà nhu thuận, như Lão Tử đã nói: Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên (Người theo lẽ đất, đất theo lẽ trời, trời theo lẽ đạo, đạo thuận theo lẽ tự nhiên). Bởi thế, sự tồn tại của của một cục sắt mang nỗi oan kỳ lạ kia là một sự phản tự nhiên đến tột cùng, phá vỡ một nguyên lý thiêng liêng của Trời Đất: vạn vật dữ ngã vi nhất (vạn vật với ta là một). Từ nguồn suy tưởng sâu xa ấy, tác giả đi tới hai câu luận: Ngục trung dĩ tiễn sinh tiền huyết, Giai hạ đồ tru tử hậu gian. Trong ngục người trung thần khi sống đã phải trào máu, Dưới thềm phạt tội tên gian đã chết, chỉ uổng công! Những cặp từ công đối và ngôn từ súc tích vô tình khái quát lên cái sự thật lịch sử đẫm máu được liên thông từ khi nó diễn ra cho tới lúc nhà thơ mục sở thị cảnh mộ tượng bị trừng phạt ra sao. Cảm xúc của nhà thơ tựa cũng tới độ phải trào máu căm hận, khiến ông tạm quên đi điều mình vừa nói (là cái mộ tượng quái dị kia có tác dụng làm gương cho lũ loạn thần), để giây phút đó chỉ thấy sự vô nghĩa, sự uổng công trong hành động trừng phạt của người đời; và từ điểm tựa cảm xúc ấy, tác giả đi tới hai câu kết tưởng đâu như một nhận xét nhẹ nhàng song thực là dữ dội, khắc nghiệt: Đắc dữ trung thần đồng bất hủ, Tề thiên kỳ phúc thái vô đoan. Được cùng với bậc trung thần mà thành bất hủ. Cái phúc lạ lớn tày trời của nó thật quá vô lý! Liên 4 này xét cho cùng cũng là một cặp luận nối dài, cái phúc lạ lớn tày trời của mộ tượng kia đúng là một biểu hiện của sự bất công nối tiếp bất công không thể chấp nhận được đối với lẽ phải cũng như đối với lương tri thông thường! Thái độ mỉa mai châm biếm ở mức độ sâu cay tới đây trở thành một sự phán xử nghiêm khắc, thêm một lần ném vào đầu tượng không chỉ cái tội ác tày trời do hắn gây ra mà còn cả sự ngược đời phi lý kéo dài gần ngàn năm cũng do hắn mà ra, là được bất tử cùng bậc trung thần, mà theo nhà thơ, đó cũng là một sự nhạo báng tự nhiên và thánh thần, một sự vô đạo!

Nhưng nói tới sự vô lý tột cùng kia, không có nghĩa là tác giả phủ định quan điểm của mình ở Tượng Tần Cối Bài 1, và sự trớ trêu của số phận này dù sao cũng cần được duy trì khi nó đã trót sinh ra. Sự quá vô lý đó cũng là một cách khó thay thế nổi trong việc tạo ra bài học về đạo lý cho mọi người và treo gương tày liếp cho những kẻ loạn thần xưa – nay. Sự vô đạo khi kẻ ác cùng bất tử với người hiền cũng cần truy tới cội nguồn, và đó cũng là một thứ tội ác mà kẻ mang hình hài ghê tởm muốn “ăn theo” người hiền kia cũng cần phải gánh chịu, cộng với tội ác đã có! Hơn thế, sự “cặp đôi” này cũng là một biểu hiện của thế giới tuy đã qua thời hỗn mang nguyên thủy song lại tạo ra bao sự hỗn mang mới trong nhân sinh mà triết lý Âm Dương Ngũ Hành chưa thể lý giải nổi. (Xin nhớ lại món bánh giò cháo quẩy làm từng cặp tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối bị trói với nhau và ném vào chảo dầu như một cách hành tội và nhắc nhở người đời mãi mãi). Vì thế, nói như nhà nghiên cứu rằng: “tượng vợ chồng Tần Cối còn ở đó bên cạnh tượng người anh hùng Nhạc Phi thì hóa ra chừng nào còn người anh hùng này thì hai kẻ xấu kia chúng vẫn tồn tại” [4, tr. 501] thì rõ ràng là một cách hiểu áp đặt, xa rời ý tứ của Nguyễn Du!

Nhưng phải thêm mộ tượng của kẻ đồng hành, đồng sự của Tần Cối là Vương Thị, thì mới hoàn chỉnh được chân dung của những kẻ thủ ác:

Thiệt trường ba xích cánh hà vi?

Hảo dữ quyền gian bị xướng tùy.

Hậu hoạn chính ân cầm hổ nhật,

Tiền công an vấn ẩm long kỳ.

Nhất sinh tâm tích đồng phu tế,

Thiên cổ hình hài nhục nữ nhi.

Để sự tưởng lai "mạc tu hữu",

Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri?

Vương Thị tượng (Kỳ nhất)

Lưỡi dài ba tấc của thị để làm gì? Khéo cùng với tên quyền thần gian ác kết làm vợ chồng. Cái ngày bắt được cọp chính là ngày trừ được mối lo về sau, Hỏi làm gì cái công ước hẹn uống rượu mừng ở Hoàng Long! Một đời bụng dạ giống hệt như chồng, Nghìn năm hình hài thị làm nhục cho phụ nữ. Suy ngẫm kỹ lại cái việc dựng lên cái án ba chữ: Mạc tu hữu (chẳng cần có), Hẳn là có lời nói riêng của thị trong phòng khuê, chẳng ai biết được.

Tượng Vương Thị (Bài 1)

Bài thơ này, mới xem qua, tưởng đâu chỉ là một tiểu ký sự về chân dung về người đàn bà, kẻ tòng phạm thủ ác với chồng là Tần Cối, qua thị để kể lại lịch sử: Tống bị Kim xâm lăng, Tần Cối cầm đầu bọn chủ hòa. Nhạc Phi chủ trương đánh, và khi cầm quân đánh Kim, có hẹn với tướng sĩ rằng: Thẳng đến Hoàng Long cùng các ngươi uống chén rượu mừng công (Hoàng Long là kinh đô nhà Kim). Tần Cối giả lệnh vua, bắt Nhạc Phi hạ ngục. Với lời thì thào bàn bạc của vợ, coi như bắt được cọp rồi, nếu để thoát, e có mối lo về sau, Tần Cối lấy tội danh “không cần có” (mạc tu hữu) mà giết chết hai cha con Nhạc Phi.

Chỉ vài nét điểm sơ lược gợi lại lịch sử như thế mà người đọc đã hình dung ra tất cả tấn bi kịch đau đớn của người anh hùng và chiến hữu, bởi chúng được lồng một cách khéo léo, tài nghệ, qua mấy nét vẽ chân dung ký họa thực sống động về Vương Thị. Cái chân dung đó bắt đầu bằng thiệt trường tam xích – lưỡi dài ba tấc– mà tác giả gắn vào câu hỏi tu từ phiếm chỉ: cánh hà vi – để làm gì thế? và cũng bắt đầu bộc lộ một thái độ ghê tởm, kinh sợ. Cái logic của câu chữ – hình tượng diễn ra hợp lý và giản dị đến độ không ngờ: để làm gì, để khéo cùng với tên quyền thần gian ác kết làm vợ chồng, ngưu tầm mưu, mã tầm mã! Hai câu đề đã khái quát toàn bộ thực chất nhân cách của đôi vợ chồng này bằng thái độ thẩm mỹ và lý tưởng xã hội của tác giả. Từ đây, nhà thơ sẽ diễn dịch cái cảm giác, suy nghĩ, đánh giá của bản thân đã kịp truyền cảm sang người đọc về thân phận, lai lịch người đàn bà khủng khiếp từng sát cánh bên kẻ hãm hại người trung lương ra sao.

Hai câu thực như một hình dung rõ rệt trước mắt nhà thơ về sự hí hửng độc ác của người đàn bà khi người anh hùng bị sa lưới, và ông nhìn thấu tim đen của mụ, trong một tiếng thở dài kín đáo: “Cái ngày bắt được cọp chính là ngày trừ được mối lo về sau, Hỏi làm gì cái công ước hẹn uống rượu mừng ở Hoàng Long!”…

Rồi ông căm giận hạ hai câu luận, đánh giá trực tiếp về “nhân cách sói cái” của thị: Một đời bụng dạ giống hệt như chồng, Nghìn năm hình hài thị làm nhục cho phụ nữ. Sử sách từng kể Vương Thị là là kẻ nham hiểm, đã đem bỏ thuốc độc vào ba trăm hũ ngự tửu của vua đưa qua Bộ Lễ niêm phong để ban thưởng cho Nhạc Phi và quân sĩ, cũng may là quân của Nhạc Phi phát giác kịp thời. Vương Thị cũng là một cố vấn đắc lực cho Tể tướng Tần Cối, đưa ra nhiều mưu sâu kế độc như không phát thêm lương thảo cho Nhạc Phi khi ông đang cầm quân đánh Kim… Cái lưỡi dài ba tấc của thị chính là cái lưỡi của loài rắn độc mang hình người làm nhục cho nữ giới, đáng muôn đời nguyền rủa. Tội lỗi lớn nhất của thị là bằng cái lưỡi rắn đó thì thào trong phòng riêng vợ chồng góp phần tạo ra một cái án kinh thiên động địa hiếm có, theo sự suy ngẫm của tác giả ở hai câu kết: Để sự tưởng lai "mạc tu hữu"/ Khuê trung tư ngữ cánh thùy tri. Suy ngẫm kỹ lại cái việc dựng lên cái án ba chữ: Mạc tu hữu (chẳng cần có), hẳn là có lời nói riêng của thị trong phòng khuê, chẳng ai biết được. “Chẳng ai biết được” (cánh thùy tri) là một cách nói giảm khinh, tưởng đâu giúp thị lấp liếm tội lỗi phần nào, nhưng thật ra là giáng thêm cho thị một cái tát thích đáng bởi sự khẳng định Khuê trung tư ngữ ngay đầu câu như một sự lật bài ngửa đã chặn trước!

Dường chưa hả giận, nhà thơ còn viết tiếp bài thứ hai về người đàn bà độc ác, và lần này, từ những ký họa phác thảo ở trên, ông vẽ lên một chân dung toàn diện về mụ, “dựng” lên một tượng mộ thứ hai bằng ngôn từ – bên bức tượng sắt quỳ ô nhục của mụ.

Thâm đồ mật toán thắng phu quân,

Ưng thị "thần kê" đệ nhất nhân.

Bất lạn sĩ sinh tam thốn thiệt,

Thuần cương hoàn đắc vạn niên thân.

Xướng tùy tận đạo ưng vô hối,

Kỹ lưỡng đồng niên cánh khả thân.

Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng,

Dã tằng hám phá Nhạc gia quân!

Vương Thị tượng (Kỳ nhị)

Mưu mô tính kế sâu kín hơn cả chồng, Đúng là bậc nhất trong loại “gà mái gáy sáng”. Sinh ra là đã có có ba tấc lưỡi bất hủ, Lại có cái thân bằng gang thép muôn năm bền vững. Trọn đạo xướng tùy hẳn không có gì phải hối hận, Gian ác như nhau, nên lại càng ăn ý với nhau hơn. Chớ bảo đàn bà không có sức mạnh, Chính thị đã từng phá tan quân của họ Nhạc.

Tượng Vương thị (Bài 2)

Liên 1, tác giả nói ngay đến bản chất mưu mô thâm hiểm xảo quyệt của Vương Thị, mà theo ông còn vượt xa chồng. Đúng là bậc nhất trong loại “gà mái gáy sáng”! Chữ Thần Kê lấy từ câu Tẫn kê tư thần trong sách cổ, ý nói gà mái gáy sớm, chỉ người vợ lộng quyền trong nhà. Nhưng lộng quyền trong triều đình, tham dự vào chính sự với trái tim đen ngòm thì quả là một tai họa khủng khiếp đối với quốc gia!

Liên 2, mấy chữ tam thốn thiệt như điệp lại với mấy chữ thiệt trường tam xíchTượng Vương thị Bài 1 nhằm đặc tả cái lưỡi dài ba tấc tượng trưng lưỡi của loài rắn độc, có điều tác giả nhấn mạnh rằng, sinh ra mụ đã có cái lưỡi bất hủ mang bản chất của thú dữ như thế! Cái lưỡi mềm không xương chứa nọc độc này thấm đầy máu của bậc trung thần, lại được tác giả đưa ra làm đối xứng với cái hình nhân bằng sắt thép muôn năm bền vững dành cho người đời vạn thuở khạc nhổ, đánh đập – một thứ công đối hình ảnh đầy hiệu quả nghệ thuật, tác động mạnh tới ấn tượng và cảm nghĩ của người đọc. Từ cơ sở này, nhà thơ đi tới luận về chủ thể vịnh:

Trọn đạo xướng tùy hẳn không có gì phải hối hận, Gian ác như nhau, nên lại càng ăn ý với nhau hơn – Xướng tùy tận đạo ưng vô hối, Kỹ lưỡng đồng niên cánh khả thân.

Chú ý cách dùng từ của tác giả: trọn đạo xướng tùy, đạo vợ chồng; nhưng mỉa mai chua xót thay, cái đạo vợ chồng như Khổng học đã dạy “phu phụ hòa kính” – chồng vợ hòa thuận kính trọng nhau mà Hán nho cải thành “phu xướng phụ tùy” – chồng xướng vợ theo – đối với hai vợ chồng Tần Cối đã biến thành thứ đạo của bọn bất lương “Chung lưng mở một ngôi hàng” để mua bán đổi chác quyền lợi ích kỷ trên xương máu của người lương thiện và bậc trung thần! Bởi thế, chúng chẳng có gì mà phải hối hận (ưng vô hối), ngược lại, vì bản tính gian ác như nhau, nên lại càng ăn ý với nhau hơn, và chúng có cái hạnh phúc riêng, có tiếng cười hả hê riêng của chúng trên số phận đau thương quốc gia và của đồng loại. Sự phán xét của Nguyễn Du về đạo lý làm người thông qua cách mỉa mai đó thực thâm trầm, nghiêm khắc và giàu sức khái quát.

Với hai câu kết, tác giả phác nét vẽ cuối cùng hoàn chỉnh chân dung người đàn bà gian ác: Mạc đạo nữ nhi vô lực lượng, Dã tằng hám phá Nhạc gia quân! Chớ bảo đàn bà không có sức mạnh, Chính thị đã từng phá tan quân của họ Nhạc!

Nhạc Gia quân tức quân họ Nhạc. Quân Kim rất sợ Nhạc Phi, thường bảo nhau: Chuyển núi thì dễ, phá quân đội của Nhạc Phi thì khó. Nhạc Phi bị giết trong ngục, từ đó đội quân của ông tan rã. Sức mạnh của Vương Thị là sức mạnh phá hoại, thiêu hủy những gì vốn là kết quả của lòng dũng cảm, sự hy sinh, hàng đống xương máu của những người ái quốc trung quân trong thời kỳ ấy, và ảnh hưởng của thị chắc cũng không phải là ít trong sự phá hoại luân thường đạo lý xã hội nhiều thời đại sau. Vì thế, thị cần được/ bị bêu để “làm gương” cho bọn nữ “loạn thần” trước công luận bằng bức tượng mộ ô nhục kia! Làm tới hai bài thơ vịnh về thị, phải chăng Nguyễn Du muốn gửi gắm cả niềm tâm sự đó? Thị có tội lớn ngang với chồng mình trước lịch sử và sự phán xét của lương tri, nhưng chắc hẳn thị còn đáng trách hơn đối với Nguyễn Du bởi thị nằm trong cái giới nhân sinh mà bản thân ông bao giờ cũng trân trọng và dành cho những tình cảm thắm thiết trĩu nặng: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung! (Truyện Kiều), Đau đớn thay phận đàn bà/ Hỡi ôi thân ấy biết là mấy thân! (Văn chiêu hồn)…

Chúng tôi vừa điểm qua năm bài thơ của Nguyễn Du viết tại Đền Nhạc Phi ở Hàng Châu. Có điều cần lưu ý là, mặc dù Nhạc Phi cũng có tượng ở trong khu đền, song Nguyễn chỉ viết về mộ của ông (Nhạc Vũ Mục mộ), trong khi đó viết tới bốn bài về tượng hai nhân vật phản diện (Tần Cối tượng, Vương Thị tượng). Có cảm giác: ấn tượng nặng nề qua bốn bài này lấn át cảm xúc bài đầu viết về người anh hùng. Song, thực tế là, sự nặng nề đen tối toát ra từ hình tượng về các mộ tượng kỳ dị kia lại có tác dụng làm nổi bật lên các điểm sáng trong nhân cách và võ công của Nhạc Phi mà qua cách miêu tả và bộc lộ cảm xúc, nhân vật lịch sử này được Nguyễn Du coi trọng, đánh giá cao không kém các nhân vật văn hóa – lịch sử khác như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường, Liêm Pha, Tỷ Can, Dự Nhượng, v.v. Đối với các nhân vật phản diện, nhất là những kẻ nhuốm đầy máu trung thần nghĩa sĩ và người dân lương thiện, lúc nào ông cũng có thái độ tẩy chay, đối kháng, phủ nhận kịch liệt, như trong các bài Phản chiêu hồn, Ngũ nguyệt quan cạnh độ, Kỳ lân mộ, Tần Cối tượng… dường như khác hẳn với con người đa cảm và suy tưởng ta thường thấy. Với chùm thơ này, Nguyễn lại thêm một lần bộc lộ rõ rệt không chỉ tầm vóc tư tưởng, chiều sâu tâm hồn, mà cả bản lĩnh văn hóa cùng tài năng nghệ thuật của một nhà văn – nghệ sĩ. Đọc ông viết về những kẻ học đòi ông Cao, ông Quỳ mà miệng ngậm đầy máu người, về những kẻ mang trái tim chứa đầy nọc rắn độc như vua Trụ, Tần Thủy Hoàng, Minh Thành Tổ, Tần Cối, Vương Thị, v.v. có thể hiểu cái thông điệp ngầm của ông về cái nghịch lý của sự “bất tử” đối với người đời sau: cuộc đời hữu hạn này là đáng quý, và một khi con người ta sống tử tế, lương thiện, tâm thành, thì sẽ có khả năng lưu lại trường cửu trong lòng hậu thế, và nếu có tài năng công đức lớn, sẽ được dân xây đền thờ hương khói ngưỡng vọng đời đời; còn ngược lại, tâm địa xấu xa, hành xử như thú dữ với đồng loại thì dân sẽ “đái ngập mồ thấu xương”, việc bị đúc tượng mộ bằng sắt thô đóng cũi bêu ô nhục cho muôn đời sẽ không chỉ diễn ra ở một ngôi đền Nhạc Phi! Đó cũng là một sự cảnh báo và nhận diện cái ác của đại thi hào, kêu gọi nhân loại hãy cảnh giác với những kẻ có trái tim đen tối, dù chúng có khoác cái mặt nạ tử tế nhân hậu gì và ở bất cứ cương vị xã hội nào!

Đọc thơ Nguyễn Du vịnh những bức tượng mộ này, rồi sau đó tận mắt được “chiêm ngưỡng” chúng, bất chợt chúng tôi liên tưởng tới những điều triết gia Hêghen nói về nghệ thuật điêu khắc; ông viết rất hay và kỹ lưỡng tới cả trăm trang sách về “điêu khắc lý tưởng” trong các tư thế, các góc nhìn, các bộ phận tượng, các cá tính, các đề tài, các y phục, các lứa tuổi và giới tính, các chất liệu làm tượng…[3, tr. 134 – tr. 234]. Trong tất cả các chất liệu điêu khắc cổ điển sử dụng được triết gia Đức liệt kê, như cẩm thạch, đá hoa cương và các loại đá khác, gỗ, ngà, vàng, đồng thau, ngọc, thủy tinh, đất sét…, chúng ta không hề thấy ông nhắc đến sắt. Chỉ tới điêu khắc hiện đại và hậu hiện đại người ta mới dùng tới chất liệu sắt, thép (dĩ nhiên là sắt thép không rỉ); còn thời cổ – trung đại ở Trung Hoa và các nước Á Đông, có lẽ duy nhất chỉ tại đền Nhạc Phi người ta mới sử dụng sắt thô để làm tượng đặt dưới nền đất mà thôi! Sắt thô có khả năng bền vững với thời gian (thế mà cũng đã phải đúc đi đúc lại tới hơn chục lần trước sự trút bỏ căm giận của người đời), và điều quan trọng là chỉ chất liệu đó mới thể hiện hết được tính chất tàn nhẫn, vô lương, sắt máu của bản tính nhân vật trong tư thế quỳ nhục nhã. Nếu Hêghen lúc viết công trình Mỹ học được tới Trung Hoa, đến thăm mấy bức tượng mộ đặc biệt này, chắc hẳn ông sẽ có cả một chương sách về chúng “làm ngây ngất” người đọc. Nhưng tiếc thay, ông đã không bao giờ tới đó. Và đại thi hào Việt Nam đã thay triết gia phương Tây làm công việc này, bằng những thi phẩm tuyệt tác giàu tính triết luận có khả năng tham gia vào cuộc chiến sinh tử thanh tẩy sự xấu xa độc ác và giành giật lại nhân tính cho Con Người.

________________________

[1] Nguyễn Du (2105), Toàn tập, tập II (Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích), Nxb Văn học, Hà Nội. (Những trích dẫn thơ và giải thích chủ yếu lấy từ sách này).

[2] Vũ Dương (2018), “Hãm hại Nhạc Phi, tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối đúc đi đúc lại 13 lần, nghìn năm không được đứng dậy”. Nguồn: https://www.dkn.tv/van-hoa/ham-hai-nhac-phi-tuong-quy-cua-vo-chong-tan-coi-duc-di-duc-lai-13-lan-nghin-nam-khong-duoc-dung-day.html (Truy cập: 7-8-2020).

[3] F. Hêghen (1999), Mỹ học. Tập 2 (Phan Ngọc giới thiệu và dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.

[4] Lê Thu Yến (2011), “Nguyễn Du và những nhân vật lịch sử Trung Quốc”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế: Những lằn ranh văn học. Nxb Đại học Sư phạm, TP. Hồ Chí Minh.

[5] Nhạc Phi (1270), “Mãn giang hồng” (Phan Lang dịch). Nguồn: thivien.net (Truy cập: 7-8-2020).

[6] Roger Scruton (2016), Dẫn luận về cái đẹp (Thái An dịch). Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

IMG_1454

Cổng đền Nhạc Phi

 

IMG_1457

Tượng Nhạc Phi trong đền

 

IMG_1456

Tranh trong đền miêu tả tình cảm gắn bó của dân chúng với Nhạc Phi

IMG_1458Tượng vợ chồng Tần Cối- Vương Thị trong sân đền Nhạc phi

(Ảnh của tác giả bài viết)

Comments are closed.