Chung quanh vấn đề “văn mẫu” (kỳ 10): Sách giáo khoa quan trọng tới mức nào?

Thái Hạo

Những tranh cãi liên miên suốt hai năm qua xung quanh các bộ sách giáo khoa có lẽ phải làm chúng ta nhìn nhận lại nhiều điều: không chỉ về chất lượng các bộ sách mà còn cả về nhận thức của xã hội đối với ví trí của sách giáo khoa trong tinh thần của chương trình giáo dục đổi mới.

Trong bài viết “Mấy băn khoăn về quy định chọn sách giáo khoa đăng trên tờ Một Thế Giới (3/9/2020), tôi viết: “Chúng ta hiểu rằng, lúc này, mục tiêu của chương trình sẽ trở thành điểm quy chiếu, là đích để khiến tất cả các hoạt động giáo dục đều hướng vào nó, chứ không phải sách giáo khoa (sgk). Cái tinh thần này phải làm chúng ta hiểu trên phương diện lý thuyết rằng, thậm chí giáo viên, vì đối tượng học sinh đặc thù của mình, có thể không dùng bất cứ bộ sách nào trong danh mục, mà tự soạn lấy tài liệu cho mình để dùng”. Nghĩa là sgk không quan trọng!

Ở đây xin được lưu ý, cái “không quan trọng” của sách giáo khoa được chúng tôi đề cập không hề có liên quan gì tới việc làm ẩu, soạn bừa, cẩu thả và thiếu tính khoa học. Trên quy ước chung, không chỉ sách giáo khoa mà mọi sách vở trong một nền văn hóa tử tế đều phải được làm ra một cách tử tế với việc đảm bảo mọi nguyên tắc, từ nguyên tắc chung đến nguyên tắc đặc thù.

Nói sách giáo khoa “không quan trọng” thì đúng hay sai? Nó sẽ đúng khi chúng ta có một đội ngũ nhà giáo “chất lượng cao”, đội ngũ ấy không những có chuyên môn vững vàng mà còn phải có nghiệp vụ sư phạm “bậc thầy”. Cả hai cái này lại phải đặt trên nền của một vốn tri thức và văn hóa sâu rộng. Và chỉ đến lúc đó thì sách giáo khoa mới không còn quan trọng nữa. Người dạy có thể tự thiết kế lấy tài liệu cho mình, hoặc có thể dùng bất cứ tài liệu nào có chất lượng tốt và phù hợp để sử dụng. Nhưng vì ở ta chưa có được một đội ngũ như thế cho nên không những sgk là quan trọng, mà còn phải đi kèm sách giáo viên, sách chuẩn kiến thức kỹ năng và nhiều loại “sách giải” khác nữa.

Những huyên náo về sgk trong dư luận suốt cả một thời gian dài là có nguyên cớ: xã hội đã quá quen với mô hình cũ – sgk là “pháp lệnh”, là “thánh điển”, cho nên nó mới gây ra một cơn bão như thế. Và một nguyên nhân khác nữa là sự âu lo trước thực tế của chất lượng đội ngũ làm giáo dục.

Như thế, cũng có nghĩa là đối với nền giáo dục của ta, sgk vẫn quan trọng. Vấn đề là chấp nhận sự quan trọng theo kiểu đó của sgk đến bao giờ? Đến khi nào người thầy có đủ năng lực tự chủ chuyên môn. Và đến đây, bài học quan trọng là, phải nhanh chóng đào tạo ra một thế hệ người thầy như thế.

Nhưng, sẽ không có được “một thế hệ” (tức là đồng bộ, là đại đa số) người thầy như vậy nếu sự đào tạo vẫn bị định hướng là “hồng” hơn “chuyên”. Một người thầy bị đúc ra từ một cái khuôn tư tưởng thì nếu có thể có được chút bản lĩnh chuyên môn thì thường là do một “may mắn tình cờ” nào đó như di truyền hay một “biến cố” đặc biệt mà thôi. Lúc này, cởi trói tư tưởng sẽ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của việc đào tạo nhà giáo. Không làm được việc này (cởi trói tư tưởng) thì mọi sự bàn tán nếu không phải là “con kiến mà leo cành đa” thì cũng thường là “nhàn đàm” lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

Nói như thế không phải để tuyệt vọng. Bản thân chương trình 2018 với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách” chính là một biểu hiện của sự cởi trói. Nhưng nếu dừng lại ở đây thì câu chuyện vẫn còn quá chung chung, chưa trở thành một thao tác có tính phương pháp để áp dụng một cách trực tiếp cho những khâu cuối cùng của đổi mới như là kiểm tra – đánh giá.

Trên là những nhận định dựa vào sự suy lý mang tính tư biện nhiều hơn là một giải pháp, nó không ổn ở chỗ rằng sẽ rất dễ sa vào câu chuyện “con gà – quả trứng” – nghĩa là một sự phát biểu không mấy có giá trị thực tiễn và cho thực tiễn, ngoài việc tạo ra một niềm tin là có vẻ rõ ràng hơn cả khi nhìn về tương lai lâu xa. Và, may mắn thay, ở đây, câu chuyện “xóa bỏ văn mẫu” có thể giúp chúng ta giải quyết được vấn đề!

Việc đánh vào và phá bỏ “văn mẫu” không chỉ khu biệt trong câu chuyện dạy văn học văn, càng không phải chỉ là giải quyết những “bất cập” trong khâu kiểm tra đánh giá. Một khi mà văn mẫu đã trở thành đối tượng như là khâu then chốt trong đổi mới giáo dục thì việc đột kích vào nó sẽ gây ra một phản ứng dây chuyền, làm chuyển động toàn bộ hệ thống giáo dục từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra đánh giá…, và cả người thầy. Người thầy không thể dạy theo kiểu cũ được nữa; lúc này, tất nhiên họ cũng không thể tiếp tục chấm bài theo kiểu cũ.

Tại sao thế? Vì nếu anh ta vẫn làm theo lối cũ thì học trò anh ta sẽ thi rớt; và vì nhiều lý do rất đặc thù mà sẽ không một hiệu trưởng hay một “lãnh đạo” địa phương nào “dung túng” cho một kết quả như thế. Đến đây, việc “tấn công” vào văn mẫu không những chỉ làm thay đổi bản thân nội dung và phương pháp dạy học, mà một cách hữu cơ, sẽ làm thay đổi luôn cả cung cách quản lý trong giáo dục.

Quá trình đào tạo người giáo viên ở đại học có thể chưa thật tốt nhưng với một lối giáo-dục-không-văn-mẫu thì người thầy sẽ có cơ hội và cả áp lực để tiếp tục tự đào tạo. Ở chiều ngược lại, dù có được một sinh viên xuất sắc nhưng với kiểu học hành thi cử mang tính chất văn mẫu như đã và đang diễn ra thì khi bước chân lên bục giảng không lâu, anh ta cũng rất dễ bị làm hư! Dạy học theo phương cách cũ là rất nhàn, rất dễ, bởi vì người thầy cơ bản đã được làm sẵn cho tất cả: sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, đáp án chấm…; còn bây giờ thì không. Nếu không nỗ lực tự học để trở thành một nhà giáo dục thực thụ thì anh ta sẽ bị đào thải, tất yếu bị đào thải.

Lúc này, mọi vấn đề chỉ còn gom lại ở đúng một điểm thôi: văn mẫu. Và câu hỏi tối hậu là có làm đến cùng hay không, có quyết phá bỏ hết mọi tàn tích của nó hay không? Đây chính là một trong những gợi ý cho Bộ Giáo dục và là hướng ra cho cả nền giáo dục.

Xin lưu ý, hai chữ “văn mẫu” mà chúng tôi dùng ở đây không phải chỉ để nói về môn Văn. Về bản chất, nền giáo dục của chúng ta ở tất cả các môn đều mang màu sắc văn mẫu. Chính vì thế việc đột phá vào những khuôn khổ, những trói buộc và sự ban phát chân lý trong học đường sẽ giúp giải quyết một cách hệ thống những vấn đề của nền giáo dục Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, Bộ chủ quản cần có một chiến lược và kế hoặc cụ thể, xúc tiến việc xây dựng ngân hàng đề thi theo hướng đánh giá tư duy và phát triển năng lực. Phải tung ra càng sớm các tốt những cái đề như thế để thầy cô giáo và học sinh tiếp xúc, làm quen và tự định hướng. Nếu làm được như thế thì từ nay, công việc của Bộ sẽ được thu hẹp, không cần phải ôm đồm quá nhiều mà chỉ cần tập trung thật sâu vào những điểm trọng tâm nhất, gọi là những huyệt đạo của giáo dục.

Cứ nắm lấy đầu ra là gần như đã quản lý được toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là một lối quản trị thông minh, vừa “khỏe” lại vừa hiệu quả, và thường thì luôn đạt được mục đích mà không tốn quá nnhiều công sức để “canh chừng” các cơ sở giáo dục.

Comments are closed.