Nhà văn, dịch giả Kim Ân Vũ Thư Hiên

Văn Giá: Không một chỉ dẫn tối thiểu nào dù nhỏ nhất cho biết bút danh Kim Ân và tập truyện ngắn này là của nhà văn, dịch giả Vũ Thư Hiên. Cũng không nhớ vì sao mà tôi biết Kim Ân chính là Vũ Thư Hiên và đã mua về tập truyện ngắn này khi nó vừa được xuất bản…

Vẫn là một lối văn đặc biệt tinh tế, một trình độ tiếng Việt điêu luyện cả trong dịch lẫn trong viết. Ông vẫn tiếp tục có những cống hiến xuất sắc vào nền văn chương dân tộc. Tù đày và những bất công giáng xuống đời ông không làm ông gục ngã, và lạ thay, không để lại trong văn ông một thù hận nào, dù nhỏ nhất. Văn ông ngập tràn tình yêu đối với con người, dân tộc và tiếng mẹ đẻ.

Cảm ơn Phanbook và Nxb Phụ nữ đã thầm lặng ra tập sách này (2019).

Xin phép nhà văn Kim Ân Vũ Thư Hiên copy truyện ngắn trên trang fb của ông (có in trong tập Hoa cúc dại) để giới thiệu cùng bạn đọc (VG).

Có thể là hình ảnh về hoa cúc châu Phi

H O A C Ú C D Ạ I

(Tặng Thu Hoà

truyện ngắn anh viết trong tù

mà em giấu mang về được

trong một lần đi thăm anh).

Trên đất nước ta có vô vàn xóm thôn, vùng đất, với tên gọi tượng trưng cho ước mơ về một cuộc sống thanh bình: Thái Ninh, Yên Hoà, Bình Cư, An Lạc… Từ bất cứ đâu, chỉ cần lên đường đi một đoạn không dài cho lắm là bạn đã bắt gặp một cái tên được đặt theo cách đó rồi. Mà đất nào mang tên như thế cũng rất hợp với nó, nghĩa là rất thanh bình, rất hiền hoà. Phong cảnh những vùng đất ấy cũng lôi cuốn ta với tất cả dáng vẻ nên thơ của nó – những đàn cò lả lướt nơi chân trời, cánh bướm chập chờn trên hoa dại, gió xào xạc nơi mái tranh và những hàng tre đầu ngõ… Và còn gì nữa? Có dễ là hương cau thoang thoảng về đêm.

Cái thôn Bình Cát mà tôi nói tới ở đây là một thôn như thế.

Nó bé tí bé tẹo, nằm heo hút bên con đường lát đá răm chạy xuyên rừng bạt ngàn. Là nơi tụ hội của hơn chục mái nhà lợp cọ núp dưới tán lá rậm rạp của rừng già. Là nơi có những hàng rào thưa xiêu vẹo bằng nứa tép ken với thân sắn khô chạy quanh những mảnh vườn méo mó, với những lối mòn ngoằn ngoèo qua suối, qua đồi, dẫn ta đi đẩu đi đâu có mà trời biết. Những lối mòn như thế có thể đưa ta ra một con đường cái quan không người đi của một thời nào xa lơ xa lắc đầy cỏ may và cỏ mần trầu. Mà cũng có khi nó dắt ta tới một thôn khác, nhỏ hơn hoặc lớn hơn nó chút đỉnh, ở đó cũng có gà cục tác và lợn ủn ỉn… Hoặc tới một chuồng dê bỏ hoang không còn mái, nơi có một bãi rộng chi chít hoa lau, rồi cụt lủn ở đó như đường đi của người đãng trí. Trên con đường ấy thể nào cũng có những bãi phân trâu khô xác, những con chó lười biếng tha thẩn một mình hoặc nằm ngủ trên vạt cỏ.

Tóm lại, Bình Cát giống hệt nhiều thôn xóm của người miền xuôi định cư nơi mạn ngược, ở đó dân cư trở nên ít lời đến nỗi thoạt gặp ta dễ nhầm họ là người không mến khách.

Người mắc bệnh xê dịch thâm căn cố đế có chung một nhận xét là dân cư những thôn xóm nọ thường là những người nghiện chè tươi. Chẳng biết họ trồng giống trà gì, trên đất gì, hái nó vào lúc nào, hãm nó thế nào, nhưng bát chè tươi của họ bao giờ cũng sánh đượm màu tơ tằm. Thứ chè tươi này rất chát, rất có hậu, uống vào ngọt mãi trong họng, tóm lại là tuyệt ngon, nhưng khá nguy hiểm nếu uống vào lúc trống dạ – nó sẽ gây ra một cơn say sóng dữ dội trên đất liền.

Tôi nằm lại ở Bình Cát đúng hai tuần lễ.

Cái sự nằm lại bất ưng giữa đường là do một cơn sốt rét gây ra. Nó hoàn toàn ngẫu nhiên, để rồi làm cho tôi đâm mê cái thôn tí hin này. Chắc hẳn nó là một mảnh đất văng ra từ một làng nào đó ở mãi tít hạ lưu sông Hồng, nơi mấy nhánh của nó có những bến đò mang nhiều sự tích thi vị nếu ta được nghe những ông lái hoặc những cô lái kể lúc sang ngang: Trà Thượng, Trà Lũ, Cựa Gà, Bồng Tiên… Vào một năm đói kém, cái mảnh bị văng ra ấy gồm mấy gia đình nghèo nhưng có gan phiêu lưu đã dắt díu nhau gồng gánh lên đường, rồi một ông Tả Ao nào đó trong bọn họ đã soi đã ngắm đất này để chọn làm nơi ở lại. Họ đẵn gỗ dựng nhà, phát nương, làm rẫy. Và thế là một thôn hình thành, bao giờ cũng mang tên mảnh đất quê hương họ bỏ lại đàng sau.

– Dễ vậy – chủ nhà, một ông sơn tràng quắc thước, da đồng, mắt sáng, cho rằng nguồn gốc thôn này theo tôi đoán là có lý – Cơ mà chẳng ai còn nhớ từ thuở nảo thuở nào các cụ tổ đã đến đây. Thành được một cái thôn đâu phải ngày một ngày hai. Thoạt kỳ thuỷ, chắc chỉ có vài nóc nhà, thế rồi có người đi qua, nhỡ độ đuờng rẽ vào ngủ đỗ, khi đôi ba ngày, lúc nửa tháng, đoạn, mến cảnh, mến người, mới dọn đến ở hẳn, ghép thêm vào, mới ra cái thôn bây giờ.

Ông nói quê ở Ninh Bình, nhưng ông chưa về lần nào. Có nghĩa cái quê của ông chỉ là cái quê hoài niệm, một cái tên để kể lại cho con cháu, chứ chính ông cũng không chắc mình nhớ đúng. Ngôi nhà này hiển nhiên do các phó mộc từ miền xuôi dựng – vẫn một kiểu truyền thống thượng thu hạ thếch, cột cái cột quân, với những chữ tượng hình khắc trên thượng lương đánh dấu ngày làm xong. Trong nhà đầy đồ gỗ quý. Thay vì cái giường giát quen thuộc của miền xuôi là bộ ghế ngựa với phản sưa rất dày. Chủ nhà có một người con đi bộ đội. Ông nghe nói anh đang ở mặt trận đồng bằng, có dễ ở ngay vùng quê của các cụ tổ cũng nên. Bà vợ mất từ lâu, ông ở một mình trong ngôi nhà vắng.

Tôi lên cơn sốt rét giữa đường để rồi rơi vào ngôi nhà này trong tình trạng không còn tỉnh táo. Nhìn thấy mấy mái tranh từ xa, tôi cố lết tới ngôi nhà đầu tiên, kịp đẩy được cánh cửa khép hờ của nó là đổ vật xuống, bất tỉnh. Ông chủ nhà đỡ tôi dậy, dìu tôi đặt lên giường, lấy ba tấm chăn sui đắp lên tấm thân nóng rực và run cầm cập của tôi, rồi đun cho tôi một siêu thuốc. Thuốc của ông làm từ những thứ lá lẩu nào không biết, đắng kinh khủng. Vừa uống vào là bụng đau như bị đánh, ruột gan cồn cào, tiếp đến là một cơn nôn thốc nôn tháo ra mật xanh mật vàng. Thế mà rồi người lập tức nhẹ hẳn, mới kỳ. Cơn sốt rét lui dần sau vài thang thuốc ấy. Nó lui, nhưng tôi lử lả.

Gió rung tán lá rào rào không làm giảm cái nóng trong lòng chảo rừng già. Tôi quấn chăn ngồi uống chè tươi với ông chủ. Mùa hè ở vùng núi cho ta một cảm giác kỳ cục – cứ như thể ta cố nhớ ra một cái gì mà lại không rõ nó là cái gì. Muốn chạy ra suối ngâm một lát cho đã, nhưng lại lười.

Khúc suối gần nhà nước chảy ri rỉ, vừa cạn vừa lắm rêu. Lũ trâu trong thôn thường xuống đằm ở đấy. Chúng gườm gườm nhìn những người bước xuống rửa chân tay. Để tỏ thái độ khó chịu, chúng đập mạnh cằm làm cho nước bắn tung toé lên người họ. Khi thấy có bực bội với lũ người ù lì nọ cũng bằng thừa, chúng buồn rầu nhắm mắt lại, hít một hơi dài rồi ngụp đầu trong nước mát, thở ra những bọt nước lớn.

Có thể tắm dưới máng nước lần bắc từ trên núi xuống, trong vắt và mát rượi, nhưng phải đi một quãng xa, tới tận cuối thôn, nơi có cái cối giã gạo đặt bên xe cọn nện thình thịch suốt ngày đêm.

Trong thời gian nằm lại ở Bình Cát tôi kịp làm quen với hầu hết các gia đình ở đây. Mọi người kéo đến thăm tôi, một người khách hiếm hoi, để có dịp hỏi chuyện và kể chuyện. Chẳng ai tự nhiên đến để nằm lại lâu như tôi cả.

Người đến thăm tôi nhiều hơn cả là cụ Mộc – một ông già trên bảy mươi, tướng ngũ đoản, tóc đen nhánh, răng chưa rụng cái nào. Tướng ấy trường thọ, sách tướng viết thế. Cụ Mộc hay triết lý về cái chết. Tôi là đệ tử của thuyết duy vật duy nhất được học từ những triết gia nửa mùa, cố giảng giải cho cụ nghe về mối quan hệ vật chất-tinh thần, vật chất có trước tinh thần có sau, vân vân và vân vân.

Cụ Mộc lẳng lặng nghe, ranh mãnh quan sát tôi, rồi phán:

– Thế mà có nó đấy, cái linh hồn mà anh bảo là không có ấy. Chính mắt tôi thấy mà.

Tôi cười trừ, không cãi. Chuyện tồn tại của linh hồn là chuyện muôn thuở, người nói có, người bảo không. Chủ nghĩa duy vật mà chúng tôi phải học thì gạt phắt. Cụ Mộc cần có nó, thế tất nó phải có.

Để đáp lễ, khi nhúc nhắc đi được, tôi sang nhà cụ chơi. Nhà không xa, chỉ cách một khoảnh vườn rộng, tuềnh toàng. Nó đủ chỗ cho một ông già cô đơn với hai sinh vật được chế tạo hàng loạt là Mực và Mướp. Cả con chó lẫn con mèo đều không có một đặc điểm nào khả dĩ phân biệt hai đứa với đồng loại. Trong bữa cơm, cụ ngồi giữa, hai con vật chầu hai bên. Mực tỏ ra đứng đắn hơn Mướp. Mỗi khi nó thấy Mướp nũng nịu cọ đầu vào đùi chủ thì nó gừ gừ, tỏ ý không bằng lòng.

Ông chủ nhà tôi không ưa cách cư xử của cụ Mộc:

– Cứ như thể chúng nó là con đẻ không bằng. Đời thuở nhà ai mà người một miếng thì Mực một miếng, Mướp một miếng. Thật vậy. Lại còn gắp bỏ vào đĩa hẳn hoi nữa chứ. Lẩm cẩm đâu mà lẩm cẩm thế không biết.

Tôi không nghĩ cụ Mộc lẩm cẩm. Tôi dám nói chắc rằng đó là hai con vật hạnh phúc nhất mà tôi từng biết. Có nhiều con vật được chủ cho ăn ngon hơn, có chỗ nằm êm ái hơn, nhưng không thể có con vật nào được chủ thương yêu như vậy. Nhân tiện cũng phải nói thêm rằng Mướp ăn được cả rau cải, và Mực biết uống chè tươi.

Người gần gụi thứ hai của tôi là cái Tý Chuột, con gái bà hàng xóm ít lời. Tý Chuột tất nhiên tuổi Tý, theo cách đặt tên truyền thống, cho khỏi quên. Chuột là tiếng gọi yêu thêm vào, chỉ tính cách, chứ cô bé chỉ giống con chuột nhắt ở đôi mắt đen lánh và rất hoạt, còn cử chỉ thì gợi liên tưởng về một con thỏ con. Tý Chuột lên chín, hay chạy sang chơi với tôi, ngồi dựa vào tôi, ngước cặp mắt có hàng mi dài và đen nhìn tôi, mỉm cười vô cớ, và im lặng. Tôi kiếm một đọt cọ xanh rờn về tết cho Tý Chuột một con châu chấu voi khổng lồ, đính cho nó đôi mắt tròn vo bằng hai hạt quả dại không biết tên là quả gì. Tý Chuột thích lắm, vồ lấy nó, ấp vào ngực, ngước nhìn tôi bằng cái nhìn biết ơn.

Hôm sau, tôi còn chưa tỉnh giấc, Tý Chuột đã rón rén bước vào nhà, đưa cho tôi món quà của em:

– Cho anh đấy! – Tý Chuột nói, mặt đỏ ửng.

Cần phải hiểu đúng món quà của trẻ con. Nó giá trị hơn quà của người lớn rất nhiều. Người lớn cho nhau quà thường kèm theo sự tính toán, không ít thì nhiều. Quà của trẻ con thì hoàn toàn không có cái đó. Tôi tin chắc Tý Chuột sẽ trở thành một cô gái tốt bụng. Người tốt là người không chỉ biết nhận, mà còn biết cho.

Tôi cài bông cúc dại lên quai ba lô. Không thể cắm nó vào chỗ nào khác, trong nhà không có gì thay cho bình hoa. Bông cúc dại tươi được nửa ngày, rồi ủ rũ ngả đầu xuống, cuộn những cánh nhỏ bé lại. Tý Chuột mang về cho tôi một bông khác, cũng chỉ một bông thôi.

Con châu chấu voi của tôi được đậu trên vách nứa, ngay đầu giường Tý Chuột. Trong ánh nắng lọt qua vách nứa, nó sáng lên màu lục nhạt của ngọc bích.

* *

*

Vào một buổi trưa, tôi đang thiu thiu ngủ sau những bát chè tươi thường lệ thì ở thôn Bình Cát xảy ra một sự bất ngờ.

Giấc ngủ thiu thiu trong rừng trưa là một khoảnh khắc phân thân. Anh vẫn biết anh đang ở đâu, anh bực bội vì cái nóng hầm hập, đồng thời anh lại thấy mình ở một nơi khác trong một giấc mơ đứt quãng. Tôi thấy mình đang trên đường hành quân qua vùng đồi lúp xúp ở Ninh Bình, nơi man mác màu tím hoa sim với tiếng hát bay bổng “Ai đã đi, ai đã qua Chợ Bến, Chi Nê… Bông lau ngập ven đồi… đây đồi xưa, đây rừng xưa in bóng cô nàng, cô nàng ơi, nàng đi rẽ ngang…” Rồi lại thấy mình đang đung đưa trên một cầu mây mà bên dưới hun hút một con sông rừng trong suốt, lổn nhổn đá…

Tôi trượt chân, tôi rơi, tôi rơi… Rồi choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa.

Tý Chuột cúi sát mặt tôi, giọng hoảng sợ:

– Anh ơi, dậy đi kìa, dậy đi!

Tôi rũ mình khỏi giấc ngủ nặng chịch, gắng ngồi dậy.

Qua lời kể đứt quãng, không mạch lạc, bằng giọng láu táu, nhìn gương mặt tái mét vì sợ hãi tôi hiểu Tý Chuột vừa trải qua một chấn động mạnh. Rồi tôi cũng hiểu ra điều Tý Chuột muốn tôi biết – trong khi cô bé chạy chơi ngoài đường thì bắt gặp một anh bộ đội nằm giữa nắng, mũ úp lên mặt. Tý Chuột đánh thức mãi, nhưng anh bộ đội không chịu dậy.

Tôi theo Tý Chuột ra đường.

Anh bộ đội nằm đó, trên vệ cỏ, bên một bụi cây gần bờ suối. Chắc hẳn trời nóng quá, anh xuống suối tắm, rồi quyết định nằm nghỉ trong bóng râm. Nhưng bóng râm lúc này đã lùi xa, còn anh bộ đội thì vẫn nằm đấy, giữa nắng chang chang.

Tôi ngồi xuống bên cạnh, lật cái mũ lá ra. Trên gương mặt bất động của người nằm đấy có một dòng kiến lửa nối đuôi nhau leo lên mép và hố mắt.

Tý Chuột túm chặt lấy tôi.

Cái chết, có thể là lần đầu em thấy, làm em co rúm.

Tôi ở lại, sai Tý Chuột chạy về thôn báo cụ Mộc. Cụ là người cao tuổi nhất, cũng là người được trọng vọng nhất trong thôn.

Tôi ngồi bên anh bộ đội, tần ngần bắt những con kiến bò trên mặt anh, vứt chúng ra xa. Buổi trưa, con đường hàng tỉnh vắng ngắt. Một con chim tí xíu, đỏ như máu, kêu một tiếng thảng thốt, bay ngang mặt tôi. Xa xa, chày nước kẽo kẹt đều đều gieo những tiếng câm lặng vào không gian oi ả.

Cùng với cụ Mộc, rồi sau cụ, có đến nửa thôn Bình Cát kéo ra, làm thành một vòng tròn quanh xác anh bộ đội. Sau một hồi bàn tán, mọi người đồng ý với nhau sẽ làm ma cho anh. Trước mắt, hẵng đưa anh về nhà ông Bưởi gần nhất đã, mọi việc tính sau.

Nhưng cụ Mộc không bằng lòng:

– Đưa anh ấy về nhà tôi là tiện nhất – cụ bảo – Gỗ làm săng có sẵn, tôi đóng một loáng là xong. Để vậy tôi lo.

Trong cái ba lô gối đầu của anh bộ đội chỉ có vài vật dụng tối thiểu của bất cứ người lính nào – một tấm chăn mỏng đã rách, hai bộ quân phục với một quần lót, quyển nhật ký chép nhiều bài thơ và vài bài hát, một cuốn sách in giấy bản “Trung đội chiến đấu” của Cục Quân huấn, và dưới cùng là mấy mảnh vải dùng làm mụn vá và hai đoạn săm quai dép. Trong cuốn nhật ký chỉ có một cái tên, không có họ, không cả phiên hiệu đơn vị. Cái tên kêu rổn rảng đến nỗi tôi ngờ là bí danh chứ không phải tên, một thói quen thời thượng mà các chàng trai thích chọn cho mình khi đi vào cuộc chiến.

Thế là không có cách nào báo cho ai biết về cái chết bất ngờ nọ.

Trong hai bộ quần áo có một bộ còn mới. Cụ Mộc tự tay tắm rửa cho anh bộ đội bằng nước hương nhu và lấy bộ quân phục mới mặc cho anh. Trong bộ quần áo mới trông anh thật chững chạc.

Cụ Mộc quyết định dùng mấy tấm ván dựng ở góc nhà, chắc hẳn là thứ để dành cho chính mình, đóng cỗ quan tài cho anh bộ đội. Khi mấy anh phó mộc trẻ kéo đến làm giúp, cụ xua hết:

– Mình tôi làm được rồi.

Lát sau, họ ngồi chồm hổm quanh cái quan tài đã đóng xong, uống chè tươi hoặc nhai trầu, ngắm nghía cái công trình cụ làm một mình. Họ vuốt ve những mộng khít khịt như miệng mím.

– Vàng tâm xanh – họ gõ gõ vào ván thiên, tấm tắc – Thiên địa hai tấc, thành tấc tám, cụ khéo thật, không sai một li.

Tôi ngồi một mình bên người đồng đội không quen biết. Một nỗi buồn đè lên vai tôi.

– Ngủ đi, anh bạn! – tôi cúi xuống, thì thầm với anh – Hãy ngủ yên. Anh đã làm hết phần việc của mình rồi.

Chiều xuống. Trong ánh hoàng hôn chập choạng tôi thấy Tý Chuột bước vào. Cô bé ôm một bó lớn hoa cúc dại trước ngực.

– Em hái cho anh bộ đội – Tý Chuột lí nhí nói, cái nhìn dò hỏi dừng trên mặt tôi – Được không, anh?

– Sao lại không? – tôi đáp, nghẹn ngào – Hay lắm, em ạ. Anh ấy sẽ vui.

Chúng tôi nhẹ nhàng đặt từng bông cúc một lên ngực người quá cố, không để bông nào che khuất bông nào.

Cụ Mộc lặng lẽ mang đĩa đèn dầu trẩu đến, đặt lên đầu phản, nơi anh bộ đội nằm. Bấc đèn vàng vọt rung rinh khe khẽ mỗi khi có gió thoảng vào nhà làm cho nét mặt vốn bất động của anh thay đổi, như thể anh đang ngủ, anh đang mơ thấy gì đó, và ngay lúc này đây anh sẽ cựa mình.

Trong ánh sáng yếu ớt của đĩa đèn tôi thấy một giọt lệ long lanh trên má Tý Chuột.

* *

*

Anh bộ đội được an táng trên sườn đồi bên đường cái, từ đó đi thẳng xuống là nơi Tý Chuột tìm thấy anh.

Tôi là người người lính duy nhất có mặt ở đây khi anh bộ đội qua đời, mặc nhiên được coi là thân quyến của người quá cố. Đứng bên tôi là cụ Mộc, người lo toan mọi việc cho anh bộ đội không quen biết.

Sau khi hạ huyệt, từng người trong thôn Bình Cát đến bên tôi, nói hoặc không nói, nắm tay tôi thay lời chia buồn.

Ông chủ tịch cái xã có thôn Bình Cát nhập vào, người Tày, ôm lấy tôi:

– Chúng mình ở đây sẽ trông nom cái mả. Nhìn xem: cả thôn này đi đưa vớ. Chẳng có đám ma nào to như thế đâu. Người ta thương nhiều nhiều lố…

Buổi sớm có gió mát. Trời cao. Mây bay chầm chậm. Những con từ quy đi lạc thời gian vẫn còn gọi nhau mấy tiếng cuối cùng.

Tôi ngồi lại bên ngôi mộ mới. Cùng ngồi với tôi còn có cụ Mộc, ông chủ nhà của tôi, và Tý Chuột. Mực cuộn tròn dưới chân chủ, còn Mướp thì ngủ yên trên tay Tý Chuột. Lát sau đã thấy những cánh bướm trắng đầu tiên thấp thoáng trên đường cái.

– Chết thế này là thiêng lắm đấy. Anh ấy sẽ phù hộ cho cả thôn – cụ Mộc âu yếm vỗ lên nấm đất – Tôi biết anh không tin. Nhưng rồi có lúc anh sẽ tin

đấy. Con người ta chết đi, không phải mất tăm mất tích đâu. Người mất rồi vẫn sống trong tâm ta, khi ta nhớ họ. Họ thành linh hồn, ở trong ta, và ở trong cõi khác.

– Cụ nói phải – ông chủ nhà tôi tiếp lời – Người thôn mình sẽ còn nhớ mãi anh ấy. Linh hồn anh ấy sẽ còn quanh quất đây với ta.

Tôi nắm tay cụ Mộc:.

– Vâng – tôi nói – Niềm tin rằng linh hồn tồn tại nhắc người sống rằng cuộc đời không vĩnh cửu, và con người phải sống với nhau cho phải đạo, đừng làm những điều xấu xa.

Cụ Mộc kéo tôi đứng lên:

– Anh hiểu ý tôi đấy. Linh hồn, nó là thế. Nó linh thiêng cũng là ở chỗ ấy.

Đó là tất cả câu chuyện về thôn Bình Cát của tôi, nơi tôi chỉ ở có hai tuần lễ trong đời mình.

* *

*

Có thể kể thêm gì vụ cái thôn nhỏ bé đã trở thành một tình yêu trong tôi? Về cô gái xinh xinh với đôi môi tươi nở phô hàm răng đều đặn và trắng muốt mà tôi vừa kịp bắt được cái nhìn thương mến thì đã phải ra đi? Hay về bà Bưởi, người đàn bà câm lặng với nụ cười hồn hậu ngồi hàng giờ ở bậu cửa cặm cụi vá những chỗ rách và đơm lại cho tôi những cúc áo đã mất trong hành trang người lính?

Tôi tự hứa với mình sẽ trở lại Bình Cát khi nào hết chiến tranh.

Nhưng tôi chỉ trở lại được cái thôn đầy ấn tượng ấy mười hai năm sau.

Bên con đường hàng tỉnh đã được mở rộng gấp đôi, sườn đồi có anh bộ đội nằm nay đã là một nghĩa trang liệt sĩ với rất nhiều mộ chí. Tôi bỏ xe đạp ở dưới, leo lên thăm người đồng đội năm xưa. Bên những ngôi mộ câm lặng là rất nhiều cúc dại với những bông hoa bé nhỏ đung đưa theo gió. Những con ong rừng vụt vẫy cánh bỏ đi khi nghe tiếng chân người. Chúng lướt qua tôi như những bông hoa biết bay. Ngồi bên nấm mộ anh bộ đội ngày nào, tôi nhắm mắt lại nghe tiếng lá rừng rung lên từng đợt khi có gió, tưởng chừng tôi đang ở vùng biển của đồng bằng, nơi có những con sóng dạt dào từ khơi xa trườn tới, vuốt ve bờ cát.

Có một cô gái ôm chồng vở đứng lâu ở dưới đường nhìn lên. Khi cô đến gần, tôi nhận ra đôi mắt ướt đen lánh dưới hàng mi cong. Là cái Tý Chuột năm xưa đấy ư?

Cô gái đánh rơi chồng sách khi nhận ra tôi. Cô nắm chặt tay tôi, nước mắt chảy tuôn.

– Sao đến bây giờ anh mới quay lại hả anh? – cô gái thổn thức – Anh thật tệ.

Tý Chuột đưa tôi về nhà, nhưng không phải nhà cô, mà nhà cụ Mộc. Bà Bưởi mất, cụ Mộc đón cô bé mồ côi về nuôi. Giờ Tý Chuột đã là cô giáo trường tiểu học xã.

– Trời ạ! – cụ Mộc kêu lên khi thấy tôi theo sau Tý Chuột hiện ra nơi khung cửa – Đã tưởng anh chết rồi cơ đấy, hoá ra vẫn còn. Xã này bao nhiêu đứa đi, mà có mấy đứa trở về!

Cụ khác trước rất nhiều – tóc bạc trắng, da nhăn nheo, nhưng nụ cười hồ hởi thì vẫn như trước, chỉ thiếu hai răng cửa.

Cụ ôm chầm tôi, chùi nước mắt vào vai tôi.

– Con nhìn thấy anh trên đồi mộ – Tý Chuột nói – Con mới leo lên…

– Đã kịp thăm mộ bạn rồi cơ à? Cơm nước gì chưa? Cơm đã, chiều rồi, xong ta nói chuyện. Bắt con hoa mơ làm thịt đi, Hồng Liên ơi. Cái giống đẻ thì ít, ấp bóng thì nhiều ấy để làm gì.

Tôi nhìn quanh – Hồng Liên nào nhỉ?

Cụ Mộc đập vào vai tôi:

– Nhà chỉ có hai ông cháu thôi. Giờ nó là cô giáo, không gọi Tý Chuột nữa. Con gái đứa nào cũng tự đặt cho mình một cái tên mỹ miều, anh ạ.

Hồng Liên cười bẽn lẽn, hai má đỏ ửng màu cánh sen. Sen đâu có mọc trên núi cao, rừng sâu – chỗ của nó là trong những đầm miền xuôi chứ. Có phải tên này được chọn từ trong nỗi nhớ truyền nối?

Lại cảnh năm xưa: cụ Mộc rót ra hai bát chè tươi, bưng một bát lên bằng hai tay. Hồng Liên xuống bếp vo gạo. Lát sau đã nghe tiếng lửa cháy phào phào.

Quang cảnh vừa giống vừa khác ngày tôi đến Bình Cát những năm xa tít tắp. Trên ban thờ cụ bà, máy thu thanh bán dẫn véo von một điệu xuân tình. Không thấy con Mực cùng con Mướp. Thay vào chúng là một con Bốn Mắt mảnh khảnh, giống chó có rất nhiều ở vùng này, một con mèo nhị thể mắt la mày lém. Chúng không gây được cảm tình ở tôi. Có lẽ tôi không công bằng – tôi luyến tiếc những cái đã qua, chúng đã thành tình yêu, không chỉ là kỷ niệm.

Hồng Liên kiên trì tìm bằng được tung tích anh bộ đội.

Cuối cùng rồi cô đã tìm ra anh là ai chỉ với một bí danh còn lại trong cuốn nhật ký. Nhưng khi cô lần theo những đường dây rối rắm như búi tơ hồng ấy để tìm ra đơn vị anh thì nó đã sáp nhập vào một đơn vị lớn, rồi đơn vị lớn ấy lại sáp nhập vào một đơn vị khác, phiên hiệu cũng đổi khác, làm cho sự tìm kiếm thêm đủ mọi rắc rối. Công việc đơn độc của cô được bè bạn biết, và cô được giúp đỡ nhiệt tình. Những mẩu chuyện mà vài người bạn còn lại của anh sau chiến tranh cho cô và các bạn hình dung ra cuộc đời người lính đã vĩnh viễn nằm lại ở Bình Cát. Hoá ra anh là một chiến sĩ rất dũng cảm trong chiến đấu. Anh được đồng đội đặc biệt yêu mến.

Cái ba lô, cuốn nhật ký, mấy đồ vật còn lại của anh bộ đội rồi cũng được chuyển cho gia đình anh ở Hà Nội. Cô trở thành người của gia đình này.

Điều làm cho Hồng Liên bất bình là bộ máy quan liêu nhất định không công nhận anh bộ đội được chôn ở Bình Cát là liệt sĩ.

– Họ nói – Hồng Liên kể, giọng giận dữ – anh ấy không chết trong chiến đấu thì không thể được coi là liệt sĩ. Đúng là một lũ ăn hại chưa từng biết mùi thuốc súng.

– Em ơi, bực mình làm gì – tôi an ủi – Chẳng có người lính nào khi đi chiến đấu muốn mình trở thành liệt sĩ cả.

Cụ Mộc cười vang, ho sặc sụa.

Đêm đó tôi trằn trọc suốt, không sao nhắm mắt. Lúc đầu, tôi còn nghĩ có lẽ đó là do mấy bát chè tươi dữ dằn của cụ Mộc mà tôi đã biết, cộng với sự lạ nhà. Nhưng rồi tôi hiểu ra: tôi nhầm – tôi được nghe quá nhiều chuyện về tình người trong một cuộc tìm kiếm dường như vô vọng.

Tôi rồi cũng chợp đi được một lúc khi gần sáng. Nắng sớm lọt qua vách nứa chiếu vào mặt tôi làm tôi tỉnh giấc. Mở mắt, tôi ngạc nhiên nhìn thấy một con châu chấu khổng lồ đậu trên vách. Bên cạnh nó là một bông cúc dại còn đọng một hạt sương long lanh. Phải mấy giây sau tôi mới nhận ra con châu chấu năm nào tôi tết cho Tý Chuột. Thời gian đã làm mất đi màu xanh lá mạ của đọt cọ để thay vào màu vàng nhạt trong suốt. Ánh nắng chiếu vào con châu chấu và bông cúc dại làm cho khoảng không quanh chúng sáng hơn chỗ khác.

Đến lúc ấy tôi mới nhận ra ở khung cửa có một đôi mắt đen láy đang mỉm cười với tôi.

Trong phút đó tôi muốn có một phép màu biến cô giáo Hồng Liên trở lại thành cái Tý Chuột trước kia.

Để tôi có thể ôm chặt em trong lòng.

Để được hôn lên đôi má mũm mĩm và nồng ấm của em.

Để nói lời cảm ơn em đã nhớ đến tôi bằng nỗi nhớ mà bất cứ ai cũng khát khao được có.

1973

Nguồn: FB Văn Giá

Comments are closed.