2000 thuật ngữ Tâm lý học (47)

Hoàng Hưng

471. Empowerment: (sự) Tăng tiến quyền năng

– Sự đẩy mạnh các kỹ năng, kiến thức và sự tự tin cần thiết để kiểm soát cuộc sống của bản thân, như trong một số sơ đồ giáo dục và xã hội. Trong liệu pháp tâm lí, là tiến trình giúp người bệnh trở nên chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu và thực hiện ham muốn của mình. Sự thăng tiến quyền năng cung cấp cho người bệnh một tinh thần thành đạt và nhận biết các năng lực và tham vọng của chính mình.

– Sự tăng quyền ra quyết định cho các cá nhân hay nhóm trong một xã hội hay tổ chức.

472. Empty-chair technique: Kỹ thuật ghế trống

Một kĩ thuật bắt nguồn từ liệu pháp dạng thức (Gestalt therapy) trong đó người bệnh tiến hành một cuộc đối thoại tình cảm với một khía cạnh/phương diện của bản thân hay với một người có ý nghĩa trong đời mình (cha mẹ…), người này được tưởng tượng đang ngồi trên một cái ghế trống. Rồi người bệnh đổi ghế và đóng vai của khía cạnh này của bản thân hay đóng vai của người này. Kĩ thuật này đôi khi được gọi là “kĩ thuật hai-ghế” (two-chair technique).

473. Empty organism psychology: Tâm lý học cơ thể trống

Một dạng Tâm lý học hành vi toan tính dự báo và kiểm soát hành vi trên cơ sở những kích thích bên ngoài, quan sát được và những điều kiện củng cố. Các dạng Tâm lý học cơ thể trống có tên như thế vì những thuyết này không giả định có các tiến trình nội tâm hoặc cấu trúc lí thuyết để giải thích hành vi.

474. Enactive mode: Hành động thức

Cách thức một đứa trẻ bắt đầu biết môi trường xung quanh thông qua việc tương tác bằng cơ thể (đụng chạm và xoay nắm các đồ vật, trườn bò). Hành động thức là biết thông qua làm, trong khi ICONIC MODE (hình tượng thức) là biết thông qua các hình ảnh tâm trí, và SYMBOLIC MODE (tượng trưng thức, biểu tượng thức) là biết thông qua ngôn ngữ và logic. Cũng gọi là “enactive stage” (giai đoạn hành động) [đề xuất của nhà Tâm lý học Phát triển Mĩ Jerome Seymour Bruner (1915-)]

475. Enactive representation: Biểu trưng hành động

Biểu trưng của các vật và sự kiện thông qua hành động và động tác, đặc trưng cho trẻ nhỏ và thiếu nhi. Đứa trẻ hiểu các sự vật theo cách chúng có thể được cầm nắm xoay xở, sử dụng hay tác động vào như thế nào.

476. Encounter group: Nhóm gặp gỡ

Một hình thức trị liệu mang tính thực nghiệm hay trị liệu nhóm có mục tiêu là tăng tiến sự tự nhận thức và khuyến khích hiểu biết nhiều hơn về người khác thông qua việc diễn đạt cởi mở, không ức chế các cảm nhận, cùng với việc cọ sát và tiếp xúc thể chất và ngôn từ.

477. Endogamy: Hôn nhân nội tộc

Thói quen hay tập tục văn hoá kết hôn giữa những người cùng bộ lạc, bộ tộc hay cùng nhóm có liên hệ thân gần; dùng nhiều hơn cho việc hỗn giao giữa các thành viên có họ hàng gần (đối lập với EXOGAMY).

478. Endogenous depression: Trầm cảm nội sinh

Một hình thức trầm cảm không phải là phản ứng với một sự kiện hay trải nghiệm gây bất ổn.

479. Endowment effect: Hiệu ứng giữ của

Xu hướng đặt giá trị cao hơn cho một vật mình đang sở hữu hay đã liên kết với cái bản thể theo cách nào đấy. Hiện tượng này được nhận dạng và đặt tên vào năm 1980 bởi nhà kinh tế học Mĩ Rchard H. Thaler (1945-) và sau đó được điều tra thực nghiệm bởi Thaler và những người khác. Trong một thực nghiệm, người tham gia được phát một vé xổ số hoặc 2 đô la. Ít lâu sau, mỗi người được quyền đổi vé số lấy tiền hay ngược lại, nhưng rất ít người chọn chuyển đổi, phần lớn ưa thích cái mình được phát. Hiện tượng này liên quan chặt chẽ với tâm lí sợ thua thiệt khi chuyển đổi (loss aversion) và cho thấy rằng sự ưa thích phải được hiểu trong liên hệ với những điểm tham chiếu nguyên trạng, như trong lí thuyết triển vọng (prospect theory).

480. Engineering psychology: Tâm lý học công thái

Một nhánh của Tâm lý học kĩ nghệ/ tổ chức hay Tâm lý học nghề nghiệp, quan tâm đến việc làm cho các công việc phù hợp với con người hơn là ngược lại. Nó thiết kế các công việc, trang thiết bị, và chỗ làm việc để đạt tối đa hiệu quả làm việc và phúc lợi, giảm thiểu tai nạn, sự mệt mỏi, nhàm chán và mất năng lượng. Cũng gọi là (đặc biệt ở Mĩ) “biotechnology” (công nghệ sinh học), “human factors psychology” (Tâm lý học nhân tố con người).

Comments are closed.