Nguyễn Văn Tố – vị Hội trưởng của dân trí

hhh

Sáng nay Quốc hội long trọng làm lễ kỷ niệm 130 năm sinh của cụ Trưởng ban Thường trực đầu tiên (như Chủ tịch Quốc hội bây giờ). Bà Kim Ngân, rồi đến ông Lân Dũng đã phát biểu. Có một số uẩn khúc trong cuộc đời và cái chết oanh liệt của Cụ không được nhắc tới. Cụ Hòe, như viết trong hồi ký Gương mặt những người cùng thế hệ, là “nhân chứng cuối cùng” từng biết những điều đó, đã ghi lại cho hậu thế được biết. Xin được chia sẻ với các bạn thanh khí như một nén tâm nhang của cha tôi đối với một kẻ sĩ Thăng Long mà ông tôn làm “bậc cha chú”.


Vũ Thế Khôi

Cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố hơn tôi quá hai chục tuổi, thuộc lớp chú bác mình. Cụ là bậc thâm nho, lại tinh thông Tây học, đã từng chữa bài văn tiếng Pháp, thậm chí có lần sửa be bét cho một đồng sự trẻ, anh N.T.L. cử nhân văn chương đi du học ở Pháp về. Điều đặc sắc của cụ là luôn luôn chỉnh tề trong bộ đồ cổ truyền: khăn xếp, áo the thâm, ô lục soạn. Cho nên bọn sinh viên chúng tôi thuở ấy quí cụ, kính trọng cụ mà cứ khép nép đứng xa!

Thế nhưng một hạnh ngộ đưa tôi lại gần cụ. Số là buổi tối cuối năm 1942, có hai vị khách lạ đến chơi nhà, tự xưng ở trong Ban Trị sự Hội Truyền bá Quốc ngữ, tên là Phước, thủ quỹ, và Khái, trưởng ban khánh tiết, được cụ Hội trưởng cử đến thăm vị chủ nhiệm báo Thanh Nghị. Hai ông trao bức thư cụ Nguyễn Văn Tố mời tôi tới hội quán Trí Tri “diễn thuyết” về vấn đề giáo dục bình dân, về quốc nạn thất học và về hoài bão của Hội Truyền bá Quốc ngữ. Chả là – hai ông nói trịnh trọng – Cụ Hội trưởng rất hâm mộ vị nhà báo kiêm nhà giáo qua các bài viết về những vấn đề trên. Tôi nhận lời.

Buổi nói chuyện (vào đầu năm 1943) rất đông thính giả, ngồi chật ních hội trường. Thành phần gồm đủ mặt giới thượng lưu Hà Thành, và sinh viên học sinh, nam thanh nữ tú. Bài nói tôi chuẩn bị kỹ (sau có đăng báo Thanh Nghị), khi nói lại xen mấy câu thơ dân dã mà gợi cảm của các lớp i-tờ.

O tròn như quả trứng gà

Ô thì đội mũ, Ơ là đeo râu…

Buổi nói chuyện được người nghe khen ngợi. Sự thật là nhờ ngọn lửa yêu nước mà cụ Hội trưởng đã khơi dậy trong người nghe khi giới thiệu diễn giả. Ra về, cụ mời tôi đến dự phiên họp tới của Ban trị sự Hội để bàn kế hoạch mở rộng phong trào. Cụ đề nghị với Hội nghị tạm bổ sung tôi vào Ban trị sự với danh vị tương đương Phó Hội trưởng Tôn Thất Bình, đương nhiên đại hội sau sẽ chính thức hóa… Ông Bình là giáo sư cùng trường Thăng Long với tôi, chủ nhiệm báo Tổ quốc An Nam (La Patrie Annamite) tiếng Pháp, con rể cụ thượng Phạm Quỳnh, được việc lắm, giúp cụ Hội trưởng tiếp xúc với các nhà đương cục đầu sỏ khó tính.

Tôi thì cụ phân công đi cổ động phát triển cơ sở ở các tỉnh xa. Ví dụ, đi Kiến An, ở đấy có kỹ sư Nguyễn Xiển, giám đốc đài thiên văn ở Phủ Liễn, hoặc đi Lạng Sơn, có tri châu Lã Văn Lô, một tráng sinh hướng đạo. Xa hơn cả là đi Huế, có Đào Đăng Vĩ, bạn học cũ, hiệu trưởng Lyceum Việt Anh trong Hội Quảng Trí. Về phần cụ, thì cụ dồn sức đi kinh lý kiểm tra, củng cố các lớp vừa tản cư ra ngoại thành tránh bom đạn Đồng minh, thuộc vùng Khương Thượng, Khương Hạ ở phía nam thành phố. Cụ thường rủ tôi cùng đi. Cụ nói với tôi: “Ông còn trẻ, chuyện trò với đám giáo viên trẻ, số đông đều là sinh viên, hướng đạo sinh – độc giả báo Thanh Nghị cả đấy! – ông bảo, họ dễ nghe. Bảo họ nên bớt hát những bài ca cách mạng đi. Tụi mật thám cứ nhung nhúc như rươi, không thấy à?”

Tôi thích tác phong giản dị xuề xòa của ông già này, già mà trẻ vì mép, cằm luôn nhẵn nhụi: cụ không để râu. Cụ có lối nói bình dân, thái độ khiêm nhường, chân tình, dễ thương. Đi thanh tra lớp học, cụ thường lân la vào nhà các đồng bào nghèo, giục theo lớp, tiện thể hỏi han về đời sống, công việc làm ăn, được bà con mến lắm. Tôi học được nhiều ở cụ. Mặt khác, cụ lại khéo ngoại giao với các cụ lớn Tây, ta, sách lược khi cương khi nhu, có lùi có tiến, nhờ vậy Hội nhiều phen vượt thác ghềnh suôn sẻ.

Nhưng cái khó lại chính từ anh em cộng sự trẻ, rất hăng hái mở lớp và hướng dẫn bà con học. Khổ một nỗi đôi khi quá hăng! Dễ hiểu. Phe Dân chủ đang phản công quyết liệt ở Âu châu. Đối phó lại, Nhật cựa quậy mạnh, chèn Pháp ở Đông Dương. “Cơ hội đến rồi. Còn do dự gì nữa”. Tranh luận nảy lửa trong các buổi họp của Ban trị sự với các cán bộ trụ cột tận tụy “tip” Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Công Mỹ. Có lần áp suất không khí tăng đến mức cụ Hội trưởng phải tắt phụt đèn. Phòng họp tối om. Cụ Tố cười xòa, nói vài lời pha trò, làm tình hình dịu hẳn…

Cụ tin cậy tôi, tuy ít tuổi nhưng mát tính. Cụ bảo khẽ tôi: “Bọn Tây nó xỏ lá lắm. Đúng là Toàn quyền Decoux có thông tri thúc công sứ các tỉnh ủng hộ mình lập chi nhánh. Lấy lòng mà. Nhưng chắc ông cũng biết tỏng tim đen họ: xui ta bộc lộ lực lượng. Ta lợi dụng, “tương kế tựu kế”. Nhưng sơ hở thì có mà chết cả nút! “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, ông nhỉ”.

Tôi thông cảm mối lo của cụ. Tiện dịp, tôi cũng nói rõ quan điểm của mình, rằng một hội tư nhân thì nên tự hạn chế ở vai trò “gây men” là thượng sách. Sức đâu mà giải quyết được nạn thất học cho toàn dân. Một đại vấn đề. Sẽ đặt ra sau này cho Chính phủ khi nước nhà độc lập. Còn bây giờ thì cố gắng hết cỡ nhưng chớ có nôn nóng. Cụ Tố tán thành ý kiến đó, rất hợp với ý cụ. Từ lâu cụ vẫn khuyên anh em đồng sự chăm lo trau chuốt phương pháp sư phạm. Thanh Nghị đã đăng bài của cụ, tóm tắt các buổi cụ nói chuyện với giáo viên, khuyên khi dạy luân lý nên chú trọng đề cao các đức tính thông thường ngàn đời về đạo làm người: hiếu thảo, cần cù, lễ phép, thân ái, giúp đỡ người nghèo, nói lời thì giữ lấy lời, cố gắng làm việc làng, việc nước cho hết bổn phận… Không phải cụ không nói đến những vấn đề cao xa. Thanh Nghị có đăng bài của cụ nghiên cứu về tính hiếu học của dân ta, về vai trò của các hương sư, các nhà nho xưa kia trong xóm làng, về nguồn gốc chữ viết riêng của tộc Việt thời cổ đại (không giống chữ Hán). Ở thuở xa xăm ấy, thôn xã ta đã biết lập sổ đinh. Thế là tổ tiên ta xửa xưa không mù chữ. Thật đáng tự hào! Hoan hô ông già!

Về phần tôi, nhằm cái thiết thực, tôi nghiên cứu viết chương trình, bài giảng, cách dạy cho các lớp người lớn.

– Tốt lắm – Cụ nói – Chính việc ấy có ghi trong Điều lệ Hội. Mục đích nâng cao dân trí mà!

– Vâng – tôi đáp – Ít nhất để: biết đọc rồi, đồng bào sẵn có cái gì mà đọc, tránh mù chữ trở lại.

Hai chúng tôi đang tập trung sức theo hướng ấy thì Việt Minh gấp rút chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Rồi Tổng khởi nghĩa.

Nhiều cán bộ thoát ly trở về Thủ đô.

Một bạn trong lãnh đạo Việt Minh báo tin mừng: trong dự kiến danh sách Chính phủ Nhân dân lâm thời có tên tôi ở Bộ Cứu tế Xã hội. Thú thật, tôi băn khoăn lắm: nghề mình là “gõ đầu trẻ” cơ mà! Mấy hôm sau, các báo công bố danh sách chính thức của Chính phủ: tên tôi được ghi ở Bộ Quốc gia Giáo dục, tên cụ Tố ở Bộ Cứu tế Xã hội. Một sự hoán vị bất ngờ!

Bộ Giáo dục ngay những ngày đầu đã xin được Sắc lệnh xóa nạn mù chữ trong thời hạn một năm, có trở lực lớn thì trong vòng 3 năm; song song là Sắc lệnh lập ngành Bình dân học vụ. Không đợi tôi kiến nghị, cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố chủ động bàn với Ban trị sự quyết định và tuyên bố: chuyển toàn bộ tổ chức cùng toàn bộ tài sản vật chất và tinh thần của Hội Truyền bá Quốc ngữ sang ngành Bình dân học vụ. Có được điều kiện thuận lợi ấy, Bộ Giáo dục bèn mở Hội nghị toàn quốc Bình dân học vụ. Hồ Chủ tịch đến dự, cho phép khóa huấn luyện giáo viên đầu tiên mang tên “Khóa Hồ Chí Minh”. Trước khi bế mạc hội nghị, một cán bộ của Bộ, anh Lê Văn Bình, bí thư của tôi, dẫn một nữ huấn luyện viên, mang sổ vàng lên xin chữ ký lưu niệm của Hồ Chủ tịch, cố vấn Vĩnh Thụy và mấy Bộ trưởng có mặt. Anh nguyên là một hiệu trưởng tư thục, cũng là cơ sở tốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ, thường được cụ Hội trưởng tới thăm và động viên. Cụ thầm thì: “Ông Bình này! Đáng lẽ mình ở bên Bộ các ông, cùng làm Bình dân học vụ đấy! Nhưng thế là phải. Đúng người, đúng chỗ, cả hai”. Nghe kể lại, tôi càng mến phục cụ về đức khiêm nhường, tính hồn nhiên của cụ. Tất cả vì việc công!

Từ đó tôi ít được gặp cụ: cả hai người đều túi bụi xếp đặt cơ quan mình được cách mạng giao trách nhiệm, bên thì diệt giặc đói, bên diệt giặc dốt. Đều nặng cả.

Lúc kháng chiến nổ ra ở Thủ đô. Tôi theo Chính phủ lên ATK Tân Trào. Cụ Tố dẫn cơ quan mình lên thị xã Bắc Cạn.

Cuối thu năm 1947, Pháp tấn công Việt Bắc. Với hai gọng kìm thép và lửa, bằng cả ba binh chủng không, thủy, lục, địch nhảy dù Bắc Cạn. Cơ quan cụ Tố bị mắc kẹt trong gọng kìm của giặc.

Cụ Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố lâm nạn. Đó là vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trên chiến trường, đối mặt với địch.

Chỉ xin phép được chia sẻ mối tình cảm sâu sắc của các bạn với vị Huynh trưởng quá cố đã gắn cuộc đời mình với sự nghiệp cao cả – nâng cao dân trí. Tôi xin phép diễn tả tình cảm chung ấy bằng một hình ảnh – một ảo ảnh – mãi mãi in đậm trong lòng mọi người chúng ta.

Đây, ảo ảnh:

Cái đêm lịch sử ấy, sương núi mịt mù, phủ toàn cảnh một góc miền thượng du… thấp thoáng trong màn sương bóng một ông già quen quen. Vẫn bộ đồ dân tộc đơn sơ: khăn xếp, áo the, nhưng không thâm mà trắng toát, từ đầu đến chân: “tiên phong đạo cốt”.

Ta thấy Bóng đứng thẳng người, trong vòng vây của gươm súng tua tủa.

Bóng đạp chân lên khối đất đen ngòm: khối Khổng lồ Tội ác – địa ngục đầy quỷ dữ phun máu lửa, cả máu lẫn lửa, không đỏ mà đen thui chất bùn tanh.

Bóng ngửng đầu nhìn bầu trời cao: sao Đẩu lấp lánh, phóng tia sáng vẫy gọi. Thế rồi, không một phút do dự, Bóng lao thẳng vào luồng sáng, luồng sáng rực rỡ của chính nghĩa Ái Quốc – Chí Minh.

Ôi! Đẹp biết nhường nào!

Oanh liệt biết nhường nào!

Kiến nghĩa bất vi phi dũng dã

Ôi! Đạo đức tuyệt vời! Trí tuệ tuyệt vời!

Rừng Việt Bắc – đất Tổ bạt ngàn

Hồn Sĩ phu – nòi Hùng muôn thuở!

Tôi kính cẩn cúi đầu, nghiêng mình trước anh linh

Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố

Nhân, trí, dũng,

Một bậc hiền!

Trên đây là bài phát biểu của tôi trong Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Ban Liên lạc Cựu chiến sĩ Truyền bá Quốc ngữ tổ chức ngày 11-10-1997 tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam ở Hà Nội, đã đăng tạp chí Xưa & Nay, số 44 tháng 10-1997, đăng lại trong cùng tạp chí số 333 tháng 6-2009. Ngay khi ấy tôi đã đặt vấn đề với ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nên tổ chức tìm kiếm mộ và hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Tố làm căn cứ truy nhận công lao to lớn của Cụ đối với Tổ quốc. Việc tìm kiếm gặp khó khăn, kéo dài, không kết quả khiến tôi rất áy náy, lo lắng mình gần đất xa trời rồi mà vẫn chưa tròn bổn phận của “nhân chứng cuối cùng”, tuy là gián tiếp thôi vì không tận mắt thấy, chỉ được nghe kể chi tiết về gương hy sinh lẫm liệt của Cụ Tố, mà chính Hồ Chủ tịch cũng nhắc lại trong Điếu văn do Người tự soạn. Cuối cùng sau nhiều năm tìm kiếm, nhờ tâm huyết cùng nỗ lực của Hội Khoa học lịch sử và Câu lạc bộ “Chiến sĩ diệt dốt”, có sự thúc đẩy của ông Nguyễn Văn An, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Quốc hội, đầu năm 2007 việc tìm mộ và hài cốt đã thu được kết quả mỹ mãn. Vậy nhưng tôi được nghe nói hài cốt tìm được vẫn bỏ gầm cầu thang ở đâu đó, việc truy nhận Cụ là liệt sĩ vẫn trắc trở không rõ vì lý do gì. Tôi lại gửi thư lên Thường trực Quốc hội kể rõ những điều đương thời tôi được nghe về cái chết của cụ Ứng Hòe tại Lễ truy điệu ở An toàn khu của Chính phủ Kháng chiến trong rừng núi Tuyên Quang, mong góp một tiếng nói của nhân chứng để Nhà nước giải quyết dứt điểm vấn đề. Mới đây, sắp bước vào tuổi 100, mắt mờ tai điếc rồi, tôi được con trai “quát” vào tai: “Cụ Tố được truy tặng Huân chương Sao Vàng rồi ông ạ!”

Ôi vạn hạnh! Vạn hạnh!

Tôi đem hết sức tàn đọc cho con ghi làm quyển sách này cũng là để không một ai có công với dân với nước bị lãng quên.

Xin được đăng lại ở đây văn bản độc nhất vô nhị: Lời điếu Cụ Tố, do Hồ Chủ tịch tự soạn và đọc tại Lễ truy điệu trong chiến khu Việt Bắc.

LỜI ĐIẾU CỤ TỐ

1. Than ôi!

Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ

Mây phủ mê man, Thái Sơn ngừng biếc.

Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng

Phú quý công danh, cụ nào có thiết

Đến ngày dân tộc giải phóng thành công

Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc

Giữ chức Bộ trưởng thì cụ ngày ngày gần gũi nhân dân

Đại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết.

2. Dân ta hết sức tôn trọng hòa bình

Giặc Pháp dã tâm gây nên lưu huyết

Từ ngày toàn quốc kháng chiến nổ bùng

Thì cụ tâm tâm hô hào đoàn kết

Lũ Tây gặp nhà là đốt, gặp của là vơ

Thấy làng thì phá, thấy người thì giết

Non sông gấm vóc há cam lòng chịu đọa đày

Con cháu Lạc Hồng, nào để thực dân khinh miệt.

Ngày này qua tháng khác, cụ đi động viên tinh thần dân chúng khắp xa gần,

Xứ Bắc đến miền Nam, cụ đã trông thấy sức kháng chiến ngày thêm mãnh liệt.

3. Quân địch ào ào tấn công

Trong vùng cụ đang làm việc

Chúng tra tấn cụ, cực kỳ tàn khốc, dã man

Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt

Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa

Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt

Với cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho

Cho nên Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc.

4. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ mà hứa rằng

Từ đây, quốc dân ta đã đồng tâm, càng thêm đồng tâm

Chính phủ ta đã kiên quyết, càng thêm kiên quyết

Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn

Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà Việt Nam

Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng

Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như vầng nhật nguyệt.

Hồ CHÍ MINH

(Hà Nội, 11/10/1997 – TP. Hồ Chí Minh 6/1/2011)

Nguồn: FB Vũ Thế Khôi

Comments are closed.