Những vết thương đau đớn của thiên nhiên

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

(Ủng hộ bài thời sự của Văn Tâm: 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hơn 20 năm xẻ núi xây chùa)

Cứ mỗi lần nhìn thấy cảnh bạt núi, đốn rừng để làm cái mà người ta gọi là “Du lịch văn hóa tâm linh”, tôi đều có cảm giác xót xa, đau đớn, như chính thân thể của thiên nhiên đẹp đẽ đang bị cào, bị cuốc vào mặt mình và thốt lên lời than khóc u uất!

Tôi có dịp đến ba nơi “hoành tráng” như thế đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, để rồi tự thề sẽ không bao giờ bước tới những nơi đó thêm một lần nữa! Máy ảnh, máy quay thường mang theo như thói quen nghề nghiệp, nhưng tôi đã không dám/ không thể chụp một tấm ảnh và bấm một giây hình nào, bởi ở những nơi đó, tôi chỉ nhìn thấy sự lai căng kệch cỡm, sự phô trương lố bịch, thiên nhiên chạy trốn trước sự khoe khoang vẻ vĩ đại sặc mùi thương mại của những kẻ đang âm mưu biến chúng và Phật thành máy thu tiền! Tôi chợt nhớ lại một ngôi chùa lớn ở Thượng Hải, cái cảnh dòng người náo nức sau khi đã trả tiền xếp hàng thăm tượng Phật Ngọc như thăm vườn Bách thú!!!

Còn ở những nơi này, tìm đâu ra chút bóng dáng của “Bầu trời cảnh Bụt/ Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay”. Đâu rồi cảnh: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe suối cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng” mà thi sĩ Chu Mạnh Trinh năm xưa rung động? Tôi đi thẫn thờ, mệt mỏi, hoang mang giữa cái không gian to vật vã toàn màu xám của bê tông và đá xẻ đắt tiền áp đảo, bóng cây lác đác, còn các tượng Phật, tượng La Hán khổng lồ như muốn đè bẹp mọi cảm xúc tinh tế thiêng liêng nếu như nó bất chợt nảy sinh ở nơi chốn được miễn cưỡng gọi là “Tâm linh” này… Và chợt thèm biết bao cái khung cảnh quen thuộc lâu nay trong tâm tính người Việt về những “Mái chùa – Hồn dân tộc” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến từng nói hộ lòng ta: “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá/ Sư cụ nằm chung lẫn khói mây”…

Những Khu “Du lịch tâm linh” như thế hiện giờ đã trở thành “hình mẫu” cho nhiều dự án Du lịch tâm linh kết hợp với dự án bất động sản bắt đầu nảy nở khắp nơi trên toàn quốc, tiếp tục một cách kinh hoàng cái “sự nghiệp” tàn phá Rừng, tàn phá Thiên nhiên, tàn phá những Giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp nhằm phục vụ cho quyền lợi riêng của một số kẻ Lợi ích nhóm! Thiên nhiên vẫn sẽ còn phải tiếp tục kêu cứu đau đớn, khi những cái gọi là “Du lịch văn hóa Tâm linh” trá hình như thế đang thống trị bởi quy luật đồng tiền thời kinh tế thị trường méo mó dị dạng, được “bảo kê” bởi một số kẻ có chức quyền và có tiền. Chính họ đã dám to tiếng trên Đài truyền hình Quốc gia rằng: “Những ai phê phán việc phá rừng, phá thiên nhiên đều thuộc thế lực thù địch!”.

Than ôi! Biết đến khi nào máu của Thiên nhiên mới ngừng chảy? Biết đến khi nào máu mắt của những người lương thiện đau xót cho Thiên nhiên bị tàn sát mới thôi rơi?

Comments are closed.