Bùi Hiển và một hành trình với truyện ngắn

Nguyễn Phượng

Bùi Hiển chính thức gia nhập làng văn bằng tập truyện ngắn Nằm vạ (1941). Lúc bấy giờ mọi náo động trong đời sống văn học đã tạm thời lắng xuống. Những diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai không chỉ bao phủ một đám mây đen trên bầu trời châu Âu mà còn tạo ra cả một bầu không khí ảm đạm ở Đông Dương. Phần lớn độc giả hướng sự quan tâm của mình vào những vấn đề cấp thiết khác. Văn chương nghệ thuật cố nhiên phải lùi xuống bình diện thứ yếu. Tuy nhiên, cũng chính vì rơi vào bối cảnh như thế, văn chương trở lại với vị trí thực của mình. Không còn được hưởng những tán dương dễ dãi, cũng không được công chúng quan tâm một cách thái quá, tác phẩm văn chương chỉ còn một cách: tồn tại bằng giá trị thực.

Quả nhiên, văn chương Việt Nam những năm 40 mươi của thế kỷ trước không gây chú ý bằng những quảng cáo, giới thiệu, bình giá ồn ào như với các tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hay bằng những tác phẩm gây sốc dư luận như trường hợp Vũ Trọng Phụng với các phóng sự Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô; các tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê… của mấy năm trước. Các sáng tác giai đoạn này sẽ thu hút độc giả bằng những nỗ lực sáng tạo, những tìm tòi mới và sâu về mặt nghệ thuật. Nỗ lực của Bùi Hiển trong thiên hướng mới này của văn chương là cố gắng diễn đạt cái chất sống thực thô mộc, giản dị. Tập truyện ngắn Nằm vạ được dư luận đề cao, có lẽ, cũng bởi thế.

Nhưng vẻ thô mộc, giản dị trong những sáng tác ấy của Bùi Hiển cũng sẽ khó mà duy trì lâu bền sức thu hút của nó nếu, trong mỗi một sự kiện, một chi tiết, một hình ảnh… nhà văn không để lại rất rõ dấu ấn của cái mức độ tỉ mỉ, kỹ lưỡng và tinh tế của mình, trong lối viết.

Tất cả những phẩm chất nói trên trong mảng sáng tác trước 1945 của Bùi Hiển, đã góp phần mở ra một thế giới với một sức hấp dẫn riêng mà người đọc lúc bấy giờ không thấy ở Tự lực văn đoàn hay ở nhiều cây bút hiện thực khác.

Tuy nhiên, những người cầm bút có kinh nghiệm đều cho rằng sự thành công của tác phẩm đầu tay, dẫu vang dội đến mấy, cũng chỉ là một thứ “của để dành” vừa dễ chịu vừa đáng ghét. Bởi nó vừa tạo tâm thế tự tin, bình ổn vừa gây cảm giác chống chếnh, bất an. Trên một phương diện nào đó, Nằm vạ có thể cũng là một thứ “của để dành” như thế. Hơn thế, dấu ấn của sáng tác này còn bám dai dẳng trong kí ức công chúng văn học khiến nhiều khi, hễ nhắc đến Bùi Hiển là người ta, như một quán tính, nhắc đến một cách say sưa những truyện ngắn độc đáo mà họ đã được đọc trong Nằm vạ.

Bùi Hiển chẳng phải không biết tới niềm hạnh phúc không mấy dễ chịu đó. Hơn thế, ông còn biết một cách sâu sắc những thử thách thực sự đối với người cầm bút trong câu nói đùa mang thái độ rất nghiêm túc với Hoàng Trung Thông, dẫn lời than thở của một nhà văn phương Tây: “Tất cả mọi điều đã được nói từ bảy nghìn năm nay, và chúng ta đến quá muộn trong một thế kỷ quá già”. Đó là chưa kể, do những can thiệp vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu của lịch sử, văn chương Việt Nam sau 1945 buộc phải rẽ sang một lộ trình khác, vận hành theo một tốc độ khác và, trong bối cảnh đặc biệt này, bất cứ người cầm bút nào dù đã thành danh hay mới vào nghề, đều cảm nhận rõ những hệ luỵ của một thách thức mới.

Theo dõi mảng sáng tác của Bùi Hiển từ sau 1945, có thể thấy, toàn bộ việc viết của cây bút bậc thầy về truyện ngắn này sau Nằm vạ, là một hành trình đầy khó nhọc và âm thầm nhằm đi tìm những giải pháp mĩ học mới cho thể loại.

Giải pháp đầu tiên mà Bùi Hiển muốn xác lập là phải có được một cảm quan riêng biệt về thực tại. Cảm quan này tựa một nguồn sáng tự bên trong chi phối cách nhìn cuộc đời và con người của ông.

Đây có thể là lý do khiến ông, trong những năm chiến tranh kể cả ở những giai đoạn ác liệt nhất, về mặt cảm hứng, Bùi Hiển không mấy quan tâm tới việc cần phải diễn tả cái bối cảnh tàn khốc, nơi các ý thức hệ chạm trán nhau nảy lửa, mà là những cảnh đời thường, những chi tiết có vẻ “vụn vặt” hay một vài kỉ niệm bất chợt tái sinh trong kí ức… khiến cái hiện thực mà ông mô tả thường tựa như một thứ hiện thực bên lề, một thế giới nghiêng về sinh hoạt hơn là chiến đấu; tâm tình, tâm sự và những kỉ niệm hơn là sản xuất và giao tranh.

Ngày nay, đọc lại những truyện ngắn và bút kí của Bùi Hiển viết trong hai cuộc chiến tranh Vệ quốc, tâm trí tôi (thật ngoan cố) chỉ đọng lại những tiểu cảnh. Đó là cảnh bà con chạy Tây càn mà “nhộn nhịp”, vui vui. Người ta lao xuống những cái “tròng” (xuồng nhỏ) chèo tới tấp như chèo đua. Có cả một bà nạ dòng không kịp mặc áo, vú vê thỗn thện, rướn người đẩy mái chèo. Lại có cả một chị áo dài trắng, nón mới trắng ngà, vẻ ung dung khuê các, duyên dáng, nhịp nhàng đưa đẩy đưa đẩy hai chiếc dầm bơi như múa (Thừa Thiên một thuở). Đó là chuyện giữa đất Bình Trị Thiên khói lửa, vẫn có những cảnh họp chợ ồn ào, tự nhiên mặc kệ thỉnh thoảng một tràng súng bắn rê của địch. Có cô gái mặt rỗ hoa nhưng nước da trắng trẻo mua dầu bóng xõa tóc chải ngay giữa chợ (Một câu chuyện trong chiến tranh).

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa bùng nổ, Bùi Hiển liền có mặt trong các đoàn thâm nhập thực tế miền Trung. Ông đến với miền đất lửa, chia sẻ gian nan, vất vả cùng các đội thanh niên xung phong, các đơn vị bộ đội chiến đấu, các cơ sở sản xuất, trường học và cả sống chan hòa với những gia đình bình thường, những con người giản dị. Ông cố giấu mình, thầm lặng quan sát, không muốn mọi người biết mình là một nhà văn…

Và cứ thế, Bùi Hiển đều đặn cho ra đời những truyện ngắn trên thực tế là không gây những tiếng vang thật lớn trong dư luận thời bấy giờ nhưng lại in đậm cốt cách của riêng ông và giờ đây, sau một độ lùi tương đối dài về thời gian, chính những sáng tác đó lại gợi nhiều suy ngẫm về một lựa chọn, một bản lĩnh nghệ thuật của người cầm bút trung thành với cách nhìn thế giới mang cảm quan riêng biệt của mình. Đó là câu chuyện về tiểu đội trưởng tự vệ Bích Hường khiến người đọc có thể ngạc nhiên khi, tác giả cố tình không tạo điểm nhấn về sự can trường, dũng cảm của cô mà là ở sự bất ngờ tỏa sáng cái vẻ đẹp của tâm hồn qua một chi tiết rất nhỏ nhặt, đời thường: những giọt nước mắt xúc động của người tiểu đội trưởng nổi tiếng quyết liệt này trước hạnh phúc riêng tư vừa tìm lại được của một đồng đội (Hai giọt nước mắt trong tiểu đội trưởng Bích Hường) là những nét đẹp giản dị, thầm kín ở các thế hệ con người Việt Nam mà chỉ trong một hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt nào đó mới lộ ra (Kỷ niệm về một người con đi xa), là sức vươn lên âm thầm mà mạnh mẽ của niềm khao khát sống trong một cô gái mù (Chiếc lá)…

Tôi cho rằng đó là đóng góp thực sự của Bùi Hiển. Vì ông đã không cố gắng minh thị sức mạnh của một dân tộc qua những ánh chớp chói loà của những đối đầu lịch sử mà cố gắng kiềm chế để điềm tĩnh tìm tòi, khám phá cái nội lực bên trong ở mỗi con người của dân tộc ấy. Sự ngưỡng mộ lặng thầm của nhà văn với những vẻ đẹp giản dị mang chất sống thực khiến ông chú trọng tới việc phát hiện cái chất thơ hồn nhiên của đời sống trong một bối cảnh phi thơ hơn là diễn đạt cái dữ dội, khốc liệt bất cứ ai cũng cảm nhận được. Sứ mệnh thực sự của một nhà văn là ở đấy chăng? Riêng tôi, tôi thấy đây là phẩm chất độc đáo khiến truyện ngắn của Bùi Hiển mang tính hiện đại một cách không ồn ào, hấp dẫn mà không dễ lí giải.

Hệ quả của cái nhìn cuộc đời như đã nói ở trên là lối biểu đạt về con người thiên về việc khám phá và kiếm tìm những giá trị nhân bản. Thực ra, tìm kiếm những vẻ đẹp tự nhiên, sâu kín, kể cả sự phức tạp của con người có lẽ là hành trình không ngừng nghỉ ở Bùi Hiển từ thuở bắt đầu cầm bút cho mãi tới sau này. Ý thức nghệ thuật này đã tạo nên một thiên hướng trong lối khắc họa nhân vật của Bùi Hiển, đó là ngay cả khi mô tả con người trong những bối cảnh dữ dội của chiến tranh, ông vẫn không mặn mà lắm với những gì quá chói lóa ở con người. Dẫu cho, ông có thể hiểu rõ rằng, những phẩm chất kì lạ ở con người đôi khi bùng phát trong những bước đi đầy mê hoặc của lịch sử. Nhưng phát hiện chất người trong con người, cái con người hồn hậu cùng cách ứng xử gần như bản năng của nó trước tai ương, mới thực sự là mối bận tâm lâu dài của Bùi Hiển. Chính điều này khiến mỗi nhân vật của Bùi Hiển thường hiện diện như những cá thể. Và, vì chỉ hiện diện như những cá thể khiến chúng trở nên hấp dẫn, sinh động buộc ta phải chăm chú, tò mò theo dõi và luôn ngạc nhiên trước sự thay đổi của chúng.

Đó là chuyện mấy thanh niên học sinh Huế hăm hở, hăng hái gia nhập Vệ Quốc đoàn mang trong đầu bao ý tưởng hào hùng, lãng mạn. Nhưng rồi, mặt trận vỡ họ chạy lên chiến khu, ăn đói, mặc rét, ghẻ lở, ốm đau…, một anh đêm ngủ nằm chết còng queo. Một anh khác dao động, có lệnh hành quân, giả vờ xung phong rồi giữa đường bỏ trốn. Anh còn lại vào trận lóng ngóng thế nào suýt bị địch bóp cổ chết. Anh ta ngất đi, khi tỉnh lại còn trơ một mình, anh định vào làng xin cái ăn. Gặp một bà chủ nhà, bà ta xua đi. Sang một nhà khác, bà chủ nhà thứ hai chắp tay vái lia lịa, xin anh đi cho, kẻo địch kéo đến giết cả nhà. Anh ta uất quá bỏ đi, chỉ có một em bé gái trong đêm đi tìm anh, cho anh củ khoai nướng, thành kính hỏi về Việt Minh. Sáng hôm sau, khi anh chuẩn bị lần về quê làm ăn sinh sống thì cô bé đêm trước lại đến. Anh đuổi, nó không chịu đi. Đến ngã ba, quay lại nhìn, anh thấy ánh mắt đứa bé trìu mến vẫn dõi theo anh, chân anh vô tình vẫn bước về phía chiến khu, đầu gục rũ rượi như con gà trống vừa qua một cuộc đấu chọi gay go (Ánh mắt).

Sau này, những nhân vật phải tự tranh đấu để vươn lên trước trái ngang và hẩm hiu của hoàn cảnh và thân phận kiểu như thế ta sẽ còn gặp lại nhiều lần. Đó là Đợi trong truyện ngắn cùng tên, là Lựu trong Chiếc lá, hoặc, chỉ để vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình và để xứng đáng với người chồng như chị Luyến trong Người vợ… Tất cả, dù có thể các nhân vật ấy không hoàn toàn ý thức được nó là một cá thể nhưng dường như tất cả đều tự hình thành cho mình một quan điểm sống, một lối sống riêng và cá tính, nội tâm của chúng biến đổi phần lớn không phải do sự nhào nặn của hoàn cảnh mà là bởi tự sâu thẳm nó muốn thay đổi để, nói như Milan Kundera: “đến gần hơn một điều gì cốt yếu trong cái tôi của chính nó” chứ không phải để hòa lẫn với kẻ khác hay để cho hợp thời cuộc. Chính thế, có thể nói: các nhân vật trong hầu hết truyện ngắn của Bùi Hiển là những con người đang trở thành chính mình. Điều này thể hiện quan niệm và một cái nhìn về con người mang tính hiện đại.

Xu hướng khắc họa nhân vật như những cá thể đang vận động, theo lộ trình, sớm muộn sẽ dẫn Bùi Hiển tới cái chỗ ông gặp gỡ những đồng nghiệp tên tuổi vang dội của mình trong nền văn xuôi thế giới đương đại với những Kafka, Milan Kundera, Carlos Fuentes, Ortega Ygasset… Tôi cho rằng, với Bùi Hiển, điều đó là tự nhiên. Bởi tôi biết, chính ông, với vốn căn bản tiếng Pháp, là người đã dịch các sáng tác hiện đại của văn chương Tây Âu như: Những truyện ngắn phương Đông của Margueritte Youriénar, Chuyện con mèo ú tim của Marcel Aymé, Bản di chúc Pháp của Andrei Makine…Và chính ông cũng là người đã từng chăm chỉ và nhẫn nại đọc các nhà văn thuộc phong trào tiểu thuyết mới như Nathalie Sarraute, Michel Butor, Alain Robbe Grillet…

Tuy nhiên, ông đã cố gắng che dấu những tìm tòi ở cái thể loại mà ông là một trong số không nhiều cây bút có thẩm quyền này bằng cách “nhiệt đới hóa” tất cả các thể nghiệm của các tài danh nói trên như kĩ thuật dòng ý thức, phân tâm học, phi lí, hiện sinh… mà chắc chắn ông có tiếp cận và chia sẻ. Điều làm tôi ngạc nhiên là cuộc tao ngộ ấy đã xảy ra sớm hơn nhiều. Ngay từ khi Bùi Hiển viết Nằm vạ. Chẳng hạn ở truyện ngắn Cái dọc tẩu, tác giả cho ta thấy cái đời viên chức tỉnh nhỏ buồn chán đã dẫn mấy chàng thanh niên trải qua một đêm buông thả như thế nào. Khi cuộc vui đã tàn, ai nấy trở về và tìm cách thác cớ dối vợ. Nhưng họ không dối được lương tâm. Khi đã nằm yên trên giường cùng vợ con họ muốn quên đi bằng giấc ngủ. Cuộc vui trở lại trong giấc mơ nhưng đã biến dạng thành những hình ảnh thác loạn, sa đọa, hãi hùng mà chính nhân vật cũng chưa từng trải qua. Anh ta bàng hoàng tỉnh dậy và không thể ngủ được nữa. Nhân vật tự an ủi mình rằng tất cả chỉ là ác mộng. Nhưng giả định có sự can thiệp của vô thức thì biết đâu những hình ảnh ấy chẳng phải là hệ quả của những day dứt âm thầm trong tâm trí mà chính nhân vật đã không nhận ra? Hay đó là hiện thân những khuyến cáo của lương tri?

Những năm gần đây, tuy đã cao tuổi, Bùi Hiển vẫn viết và hình như ngòi bút ông có những chuyển động ngầm đầy mạnh mẽ theo hướng nói trên và có phần còn tinh luyện hơn? Đọc những truyện như Cái bóng cọc, Sai phạm cuối đời, Chuyến xe thời gian… thấy cái nhìn của tác giả vẫn giữ được tia ấm áp, nhuần nhị, hóm hỉnh như xưa nhưng đã mở ra những suy tư, trăn trở, những kiếm tìm để kể lại những điều không thể kể về cái thế giới nội tâm với những đan xen, chằng chéo bởi những vô thức, tiềm thức đầy phức tạp của con người.

Hóa ra, ông đã không sẵn sàng hy sinh tất cả những đam mê cách tân, đuổi theo cái lạ khác trong khi viết, chỉ có điều ở Bùi Hiển, những tìm tòi lớn thường được biểu hiện dưới một vẻ ngoài bình dị.

Đọc Sai phạm cuối đời thấy có sự can dự kín đáo của cái nhìn phân tâm học không chỉ ở những trăn trở, dằn vặt âm thầm của người bố đi qua chiến tranh trước một mất mát không thể bù đắp, một vết thương không thể lành trong tâm hồn đứa con khiến người đọc phải suy ngẫm về hiện tại bất toàn của một con người có căn rễ sâu xa từ một tuổi thơ bị đánh cắp. Sự biến dạng của nhân cách người con trong hiện tại rõ ràng liên hệ mật thiết với một tuổi thơ bầm dập bị hắt hủi, chà đạp bởi tội ác. Nhưng dù người bố có cố gắng đến thế nào, người con có cố gắng đến thế nào, những chấn thương của tuổi thơ cũng đã âm thầm nén thành một ẩn ức. Một ẩn ức bị nhốt chặt trong chiếc hộp Pandora khiến người vợ kế của ông Nghiễm, với sự nhạy cảm thiên bẩm của người phụ nữ đã nhận thấy và lánh xa. Chiếc chìa khóa mà ông Nghiễm ngẫu nhiên trao cho Quảng về mở hộ căn phòng mình cũng là chiếc chìa khóa mở chiếc hộp Pandora ấy. Tội ác được tháo cũi, sổ lồng và tai họa đã xảy ra như một Định Mệnh. Và người bố ấy, từ là một tội nhân tiềm thể đã trở thành một tội nhân thực sự. Đây là lí do vì sao ông Nghiễm cứ nức nở thanh minh với người bạn già về việc mình không có lỗi. Không có phiên tòa nào dành cho cá nhân ông. Nhưng người bố ấy sẽ phải sống trong ân hận vì cái sai phạm cuối đời của chính mình, cái sai phạm mà chỉ những ai sống sâu sắc với hạnh phúc và bất hạnh của chính mình và của người khác mới có khả năng nhận thấy. Truyện bỗng mở ra một chiều sâu nhân bản không ngờ và đó cũng là một minh triết của nhà văn.

Không chỉ với “Sai phạm cuối đời”, “Cái bóng cọc”, một thời từng gây hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận mà có người từng diễn giải là sự cảnh báo của nhà văn về một thứ “chủ nghĩa bất động”, một kiểu biến tướng của “chủ nghĩa vị kỉ hiện đại”… cùng nhiều truyện ngắn khác thường không chỉ dừng lại ở một vài thông điệp sâu sắc nhưng dễ tiếp nhận mà, phần lớn, còn mở ra nhiều hướng diễn dịch khác qua lối viết hàm súc và giàu sức gợi của tác giả…

Đọc truyện ngắn Bùi Hiển, dù là khi ông mới xuất hiện hay khi ông đã là một tên tuổi đầy uy tín trong đời sống văn học, người ta như được bước vào một thế giới quen thuộc, được tự tin đi lại thoải mái trong thế giới ấy như trong ngôi nhà của chính mình và dường như không phải ngạc nhiên về bất cứ điều gì. Ít ai ngờ rằng ta đang đi vào thế giới của một cây bút lão luyện, thấm nhuần Tây học một cách sâu sắc, rất avant garde (tạm dịch là tiền phong) nhưng lại cũng rất kiềm chế. Dù không mấy khi bộc lộ quan điểm nhưng có thể trong thâm tâm của một người cầm bút sớm có tinh thần tự tri, Bùi Hiển muốn cái Mới mang nội lực dồi dào trong sáng tạo (tựa như ở phương Tây người ta tìm tòi) nhưng vẫn phải là một thứ cây quả Việt Nam và phương Đông sinh trưởng trên mảnh đất Việt Nam thấm đẫm nắng gió phương Đông(*), không gây choáng bởi vẻ tân kì như một số người có điều kiện tiếp xúc với Tây phương và nhanh nhạy “chào hàng” với lớp người đọc thích của lạ. Đây là lí do, công chúng Việt nếu kém tinh tường sẽ không nhận ra cái nhất điểm linh đài ở Bùi Hiển. Và theo tôi, đây mới là món quà tặng quí giá mà Bùi Hiển đã tế nhị và kín đáo gửi lại cho bao thế hệ độc giả.

 

Hà Nội 2009

N.P

———

(*) Ý này tôi có được khi trao đổi với NGND Nguyễn Văn Long. Nhân đây xin cảm ơn Thầy.

Comments are closed.