Cái lớn trong cái nhỏ

D. S. Likhachev

Lã Nguyên dịch

clip_image001

 

Trong thế giới vật chất, bạn không thể nhét cái lớn vào cái nhỏ. Nhưng trong phạm vi các giá trị tinh thần thì không phải như vậy: cái rất nhỏ có thể đựng vừa cái rất lớn, nếu gắng sức đặt cái nhỏ vào cái lớn, thì cái lớn sẽ hoàn toàn không còn tồn tại nữa.

Nếu một người có một mục đích lớn lao, thì mục đích đó sẽ thể hiện ở mọi thứ – cả ở những điều dường như chẳng đáng kể chút nào. Bạn phải trung thực ở cả những điều không ai để ý và rất tình cờ: chỉ khi đó bạn mới trung thực trong việc hoàn thành nghĩa vụ cao cả của mình. Mục tiêu lớn sẽ bao trùm toàn bộ con người, được thể hiện trong từng hành vi của người đó, và người ta không thể nghĩ rằng có thể đạt được một mục đích tốt đẹp bằng những phương tiện tồi tệ.

Câu nói “mục đích biện minh cho phương tiện” là câu nói vô đạo đức và có tác hại. Dostoevsky đã thể hiện rõ điều này trong Tội ác và hình phạt. Nhân vật chính của tác phẩm này – Rodion Raskolnikov – nghĩ rằng bằng cách giết một lão già cho vay nặng lãi kinh tởm, hắn sẽ có tiền, sau đó dùng tiến ấy để có thể đạt được những mục đích lớn lao và mang lại lợi ích cho nhân loại, nhưng nội tâm lại bị suy sụp. Mục đích thì xa vời và trở nên viển vông, nhưng tội ác thì có thật; nó thật khủng khiếp và không gì có thể biện minh được. Không thể nỗ lực đạt được mục tiêu cao cả bằng các phương tiện hèn hạ. Trong cả cái lớn, lẫn cái nhỏ, bạn phải trung thực như nhau.

Nguyên tắc chung là thế này: cần giữ cái lớn trong cái nhỏ, nhất là trong khoa học. Chân lý khoa học là quí giá nhất và nó phải được tuân thủ trong mọi chi tiết của công việc nghiên cứu cũng như trong cuộc đời của một học giả. Trong khoa học, nếu chỉ nhắm vào những mục tiêu “nhỏ” – gắng chứng minh bằng “sức mạnh”, trái ngược với thực tế, chỉ nghĩ tới sự “thú vị” của các kết luận, tới tính hiệu quả của chúng, hoặc bất kỳ hình thức tự đề cao nào, thì học giả chắc chắn sẽ thất bại. Có thể không phải ngay lập tức, nhưng cuối cùng thể nào cũng thất bại! Khi các kết quả nghiên cứu thu được bắt đầu được phóng đại, hoặc các dữ liệu bị bóp méo dù rất nhỏ và chân lý khoa học bị đẩy xuống hàng thứ yếu, thì khoa học sẽ không còn tồn tại và bản thân nhà khoa học cũng sớm hay muộn sẽ không còn là nhà khoa học nữa.

Cứ kiên quyết giữ gìn cái lớn trong mọi chuyện! Khi đó chuyện gì cũng đều dễ dàng và đơn giản.

 

Nguồn: Д.С. Лихачёв – Письма о добром, Наука-Logos, Москва – Санкт-Петербург, 2006, ст. 6-7.

file:///D:/LIKHACHEV%20D.S/lihachev_pisma_o_dobrom_2006_text.pdf

Comments are closed.