Chương I
SỐ PHẬN LỊCH SỬ CỦA NỀN LÍ LUẬN VĂN HỌC
XÔ VIẾT CHÍNH THỐNG
I. Liên Xô trong bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội cuối thế kỉ xx đầu thế kỉ XXI
Số phận của nền lí luận văn học Xô Viết chính thống phụ thuộc trực tiếp vào sự tồn tại của Nhà nước và Đảng Cộng sản Liên Xô. Cho nên, muốn nắm bắt xu hướng vận động của lí luận văn học Nga thời hậu Xô Viết, dứt khoát phải tìm hiểu tất cả những gì đã và đang diễn ra trong đời sống chính trị, xã hội, văn hoá ở đất nước này trong vòng trên dưới ba chục năm trở lại đây.
Có hai sự kiện chính trị – xã hội từng làm thay đổi toàn bộ cấu trúc và xu hướng vận động của lí luận văn học Nga.
1. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là “công cuộc cải tổ” (“perestroika”) do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M.S. Gorbasev[1] và những người cùng chí hướng như A.N. Jakovlev khởi xướng. Đường lối “cải tổ” về cơ bản được hoạch định và thông qua tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 4 năm 1985. Lí luận, đường lối và cương lĩnh hành động của công cuộc “cải tổ” có cả một quá trình phát triển và được cụ thể hoá trong các Nghị Quyết Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXVII và XXVIII. Về đại thể, quá trình ấy gồm 3 giai đoạn: 1985 – 1986, 1987 – 1988, 1989 – 1991.
Giai đoạn thứ nhất (1985 – 1986): Gọi là thời kì “Tăng tốc”.Vì sao Liên Xô phải “cải tổ” và phải bắt đầu “cải tổ” bằng chiến lược phát triển “tăng tốc” như thế? M.S.Gorbasev nhiều lần nhấn mạnh rằng “cải tổ” là nhu cầu tất yếu và mang tính cấp bách. Mặc dù tư tưởng và cách tiến hành của ông càng về sau càng có nhiều thay đổi, nhưng động cơ thực hiện “cải tổ” thì rất rõ ràng: Liên Xô đứng trước nhiều thách thức, trước hết là thách thức kinh tế và chính trị. Trong cuốn sách nổi tiếng Cải tổ và tư duy mới đối với nước ta và thế giới [2]viết năm 1987, M.S. Gorbasev khẳng định: “Cải tổ là nhu cầu đã chín muồi, nẩy sinh từ quá trình phát triển sâu xa của xã hội xã hội chủ nghĩa chúng ta. Nó đã chín muồi để tạo ra những chuyển biến, có thể nói, nó làm nẩy sinh những chuyển biến trong sự đau đớn. Nhưng nếu kìm hãm công cuộc cải tổ thì ngay cả trong thời gian trước mắt có thể dẫn tới chỗ làm gay gắt thêm tình hình trong nước, tình hình xin nói thẳng ra là đã chứa đựng trong nó nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội và chính trị trầm trọng”[3].
Trọng tâm cải tổ ở giai đoạn này là cải cách kinh tế. Thực ra vấn đề cải cách cơ cấu kinh tế đã từng được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách trong hai lần cải cách được tiến hành vào giữa những năm 50 (thời N.S. Khrusev[4], sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô) và những năm 60 (thời L.I. Breznev[5]) của thế kỉ trước. Nhưng cả hai cuộc cải cách ấy đều không thu được kết quả đáng kể, nói đúng hơn, đều thất bại. Thời cầm quyền của L.I. Breznev còn được gọi là thời kì “trì trệ”. Từ nửa sau những năm 70, tình trạng “trì trệ” trở nên đặc biệt trầm trọng, những mâu thuẫn của xã hội Liên Xô ngày càng gay gắt và bắt đầu phát tác, gây ra hệ quả xấu cho nền kinh tế và đời sống tâm lí, chính trị, xã hội của nhân dân. Về mặt kinh tế, sự trì trệ thể hiện ở một số mặt cơ bản như sau. Thứ nhất: nền sản xuất tiếp tục duy trì phương thức bao cấp và kế hoạch hoá duy ý chí theo mô hình được hoàn thiện từ những năm 40 và đầu những năm 50 của thế kỉ trước. Thứ hai: do ưu tiên phát triển bề rộng mà không khuyến khích phát triển chiều sâu, triển khai nhiều dự án tốn kém được tuyên truyền rầm rộ nặng về ý nghĩa tuyên truyền hình thức, lại trả lương theo mức chi tiêu kế hoạch và kế hoạch hoá theo sản lượng (sản phẩm chế tạo ra càng đắt, càng nhiều nguyên liệu thì càng nhanh hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch và càng có lợi cho người sản xuất), nền kinh tế vì thế kém hiệu quả, thiếu sức sống, việc áp dụng khoa học kĩ thuật bị kéo lùi, kỉ luật lao động suy giảm, năng suất lao động thấp, hàng hoá kém chất lượng, thiếu tính cạnh tranh so với phương Tây. Thứ ba: kinh tế dựa nhiều vào khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn đến tài nguyên cạn kiệt và ô nhiễm môi trường gia tăng. Thứ tư: mất cân đối nghiêm trọng giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân dụng, công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ, công nghiệp và nông nghiệp, tuy đất đai rộng lớn và phì nhiêu, nhưng sản xuất nông nghiệp sa sút, càng ngày vấn đề nông nghiệp càng trầm trọng, đến cuối thời L. Breznev thì thật sự nóng bỏng. Năm 1982, khi L. Breznev qua đời, tỉ lệ tăng trưởng thu nhập quốc dân của Liên Xô chỉ còn 2,6%, đạt mức thấp nhất của thời kì chiến tranh. Vị trí của Liên Xô với tư cách là cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới bị Nhật Bản thách thức nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Liên Xô công bố, từ năm 1960 – 1965, thu nhập quốc dân của Nhật Bản tăng 5,4 lần, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 6,5 lần, năng suất lao động công nghiệp tăng 4,3 lần; cùng thời kì, chỉ tiêu tăng trưởng tương ứng của Liên Xô là 3,8; 4,8 và 3 lần. Đến năm 1986, tổng giá trị sản phẩm xã hội của Mĩ là 3.900 tỉ đô la, Liên Xô – 1.800 tỉ đô la, Nhật Bản – 1.700 tỉ đô la. Đầu năm 1988, quan chức Nhật Bản chính thức tuyên bố: Nhật Bản đã vượt Liên Xô, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới[6]. Ta hiểu vì sao, vừa lên cầm quyền, Y.Vl. Andropov[7] đã lập tức đặt việc chỉnh đốn và phát triển kinh tế lên nhiệm vụ hàng đầu, kiên quyết làm thay đổi nền kinh tế sút kém. Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lập riêng Bộ Kinh tế và dưới sự chủ trì của Iu.Vl. Andropov, vấn đề kinh tế bao giờ cũng được đưa ra bàn bạc trong các cuộc họp hàng tuần của Bộ Chính trị. Nhưng trong hai năm cầm quyền ngắn ngủi, Iu.Vl. Andropov không thể đưa nền kinh tế Liên Xô thoát khỏi tình trạng trì trệ. Chính M.S. Gorbasev đã thừa nhận: “Cách nhìn trung thực và không thiên kiến dẫn chúng ta đi đến kết luận chắc chắn là: đất nước đang ở vào tình trạng tiền khủng hoảng”[8]. Đây là lí do giải thích vì sao việc xây dựng và cải cách kinh tế trở thành vấn đề thảo luận trọng tâm của Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô. Đại hội đặt mục tiêu đến năm 2000 tăng gấp đôi thu nhập quốc dân và tổng giá trị công nghiệp của Liên Xô, năng suất lao động tăng 2,3 – 2,5 lần, thu nhập thực tế bình quân đầu người tăng 60 – 80% và xác định chiến lược phát triển “tăng tốc” nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Các biện pháp được vận dụng để thực hiện chiến lược ấy là phát huy tính năng động của “yếu tố con người”(phát động thi đua xã hội chủ nghĩa, phát động chiến dịch chống tệ nạn rượu chè), khai thác mọi tiềm năng xã hội, tăng ngân sách nhằm cải tiến kĩ thuật, siết chặt kỉ luật hành chính…
Đọc lại các văn kiện của Đảng và Nhà nước từ thời Y.Vl. Andropov cầm quyền cho tới Đại hội XXVII[9], ta không thấy có bất kì một Nghị quyết nào về văn hoá văn nghệ, nhưng mỗi năm lại có đến mấy chục sắc lệnh, đạo luật về kinh tế, thậm chí, chỉ trong vòng mươi ngày mà liên tiếp có hai chỉ thị về việc chống tệ rượu chè[10]. Nhắc lại như thế để thấy, Đảng Cộng sản Liên Xô xem kinh tế là trọng tâm của cải tổ, chuyện đấu tranh tư tưởng hệ bị gạt xuống hàng thứ yếu, không còn xem văn nghệ là hàn thử biểu đấu tranh giai cấp, lí luận, phê bình văn học là nơi khởi đầu cho những cuộc đấu tranh chính trị. Đây là tiền đề văn hoá – xã hội quan trọng tạo ra không khí dân chủ, tự do, mở đường cho sự đổi mới văn học nghệ thuật nói chung, lí luận văn học nói riêng.
Giai đoạn thứ hai (1987 – 1988): “Cải tổ” và “Сông khai”. Chiến lược “tăng tốc” của M.S. Gorbasev và Đảng Cộng sản Liên Xô không mang lại kết quả mong muốn. Nền kinh tế Liên Xô không thể phát triển “tăng tốc”. Khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn. Cho nên, phải “cải tổ” tận gốc toàn bộ cơ cấu của nền kinh tế ấy. Đường lối cải cách giờ đây là xây dựng thể chế “chủ nghĩa xã hội hạch toán”, thực chất là nới lỏng sự kiểm soát của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế. Năm 1988, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Gorbasev rút ra kết luận rằng sự phát triển kinh tế bị hệ thống chính trị kìm hãm. Cho nên cải tổ kinh tế ngày càng có xu hướng chuyển trọng tâm sang cải tổ chính trị. Tại Hội nghị Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ XIX (từ ngày 28.6. đến 1.7 năm 1988), M.S. Gorbasev trình bày tư tưởng cốt lõi về cải tổ hệ thống chính trị ở Liên Xô. Có rất nhiều “nghị quyết”, “chỉ thị” được thông qua tại Đại hội này, ví như Nghị quyết Về những biện pháp cấp bách nhằm thực thi việc cải cách hệ thống chính trị của đất nước, Về các bước hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XXVII của Đảng và nhiệm vụ đẩy mạnh cải tổ, Về dân chủ hoá xã hội xô viết và cải cách hệ thống chính trị, Về việc đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu, Về quan hệ quốc tế, Về cải cách pháp quyền[11]. Tất cả những “nghị quyết”, “chỉ thị” ấy tựu trung đều nhắm vào mấy nội dung chính sau đây. Thứ nhất: xây dựng nhà nước “xã hội chủ nghĩa pháp quyền” thay thế nhà nước toàn trị hình thành từ thời Stalin. Dưới sự lãnh đạo của Gorbasev, ở Liên Xô bắt đầu hình thành một chính quyền kiểu mới, gọi là Đại hội đại biểu nhân dân, biến Xô Viết tối cao thành cơ quan hoạt động thường xuyên, chức vụ lãnh đạo Đảng và Xô Viết tập trung vào một người từ trung ương tới địa phương, lập ra “Chủ tịch Xô Viết” thông qua luật bầu cử tự do. Thứ hai: xây dựng xã hội công dân “minh bạch”, “công khai”, mở rộng tự do dân chủ, tự do ngôn luận, quyền được “nói”, được “biết” thay cho cơ chế kiểm duyệt và cấu trúc được thiết lập nhằm bảo vệ sự “bí mật” mà thực chất là giữ kín sự dối trá, chuyên quyền. Thứ ba: hình thành nguyên tắc tư duy chính trị kiểu mới trong đường lối đối ngoại: thừa nhận thế giới là toàn vẹn, không thể chia tách, đặt các giá trị nhân loại cao hơn tính đảng, tính giai cấp, thừa nhận nguyên tắc cân bằng lợi ích là phương thức phổ quát trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Giai đoạn thứ ba (1989 – 1991): Tiếp tục đẩy mạnh cải tổ hệ thống chính trị, mục đích cuối cùng là xây dựng nhà nước pháp quyền và chuyển sang chế độ đa nguyên, đa đảng. Năm 1989, bắt đầu tiến hành bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân, lần đầu tiên, Đại hội được phát sóng trực tiếp trên vô tuyến truyền hình, các đại biểu được bầu chọn tự do. Ngày 12.3.1990, tại Đại hội bất thường đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ III, M.S. Gorbasev được bầu làm Tổng thống Liên Xô. Dưới áp lực mạnh mẽ của xã hội, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã đưa điều 6 ra khỏi Hiến pháp Liên Xô, tức là điều khoản quy định vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản.
2. Liên Xô tan rã là sự kiện thứ hai có ảnh hưởng trực tiếp tới khoa học xã hội – nhân văn nói chung, lí luận văn học nói riêng ở Nga. Thực tế chứng tỏ, tốc độ và quy mô các sự kiện trong những năm cải tổ làm mhững người chủ xướng lâm vào thế bị động, không còn kiểm soát được tình hình và bị cuốn theo các sự kiện. Cho nên, càng cải tổ, Liên Xô càng lún sâu vào khủng hoảng, bế tắc. Đến cuối những năm 80 của thế kỉ trước, những nền tảng quan trọng nhất của hệ thống Đảng và Nhà nước của Liên Xô đã bắt đầu sụp đổ. Vào năm 1989, người ta thấy xuất hiện nhiều đảng phái chính trị đối lập chống lại chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản, một bộ phận các Đại biểu Nhân dân thống nhất thành lập khối “Trung gian” cấp tiến, đứng đầu là B. Yelsin[12]. Đại hội lần thứ XXVII (cũng là Đại hội cuối cùng, diễn ra từ ngày 2 đến 13 tháng 7 năm 1990) không thể thông qua cương lĩnh mới, đánh dấu sự tan rã ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô. Tháng 12 năm 1989, và sau đó, tháng 4 và tháng 10 năm 1990, các Đảng Cộng sản 3 nước Baltic lần lượt tuyên bố rút ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ 1.1991, các đảng phái và phong trào chính trị được đăng kí chính thức hoạt động. Ở Kharkov, 47 đảng và phong trào của 12 nước cộng hoà tiến hành “Hội nghị dân chủ” thông qua kiến nghị gửi Quốc hội, kêu gọi giải thể Liên Xô, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Mâu thuẫn giữa trung ương và các nước cộng hoà ngày càng sâu sắc. Trước tình hình đó, ngày 19.8.1991, cánh bảo thủ trong Đảng Cộng sản Liên Xô và bộ máy quốc gia (gồm Chủ tịch Quốc hội Lukianov, Chủ nhiệm KGB Rriusev, Phó Tổng thống Janaev, Thủ tướng Pavlov) với lí do khôi phục sự thống nhất của Liên bang Xô Viết đã tiến hành đảo chính, lập Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, tước bỏ quyền lực của Tổng thống Liên Xô Gorbasev và đưa quân đội vào thủ đô. Nhưng lực lượng đảo chính không nhận được sự ủng hộ của dân chúng và quân đội, đảo chính càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa các nước cộng hoà và các thế lực chính trị lãnh đạo khu vực. Theo lời hiệu triệu của Tổng thống Liên bang Nga Boris Elsin, hàng vạn dân chúng Moscow vây quanh Nhà trắng, bảo vệ trụ sở của chính phủ Nga. Chỉ sau 2 ngày (21.8), đảo chính bị dập tắt. Gorbasev trở lại nắm quyền và tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau đảo chính, tình hình diễn biến vô cùng mau lẹ. Ngày 24.8.1991, Gorbasev yêu cầu giải tán Uỷ Ban Trung ương Đảng. Ngày 29.8.1991, Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động, chính quyền Xô Viết trong toàn Liên bang bị giải thể. Ngày 6.9, Quốc hội bãi bỏ Hiệp ước Liên bang năm 1922, trao quyền hành cho cơ quan lâm thời. Ngày 25.11, các nhà lãnh đạo 7 nước cộng hòa từ chối không kí Hiệp ước liên bang mới mà họ từng tham gia soạn thảo. Ngày 8.12, tại Minsk, thủ đô của Belorus, các nhà lãnh đạo 3 nước cộng hoà Nga, Belorus và Ukraina ra tuyên bố kí thoả thuận thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô viết. Ngày 21.12, tại Alma Ata, thủ đô Kazakhstan, tất cả các nước cộng hoà, trừ 3 nước vùng biển Baltic, kí tuyên ngôn tôn trọng các tôn chỉ và mục đích của thoả thuận thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Và cuối cùng, ngày 26.12.1991, Liên Xô chính thức chấm dứt sự tồn tại[13].
Công cuộc cải tổ và sự tan rã của Liên Xô là những sự kiện mang ý nghĩa cách mạng, tạo ra bước ngoặt, kéo theo sự thay đổi sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống của nước Nga, trong đó có văn học và các khoa học về văn học. Lí luận văn học Nga không thể đứng bên ngoài dòng thác của lịch sử. Có điều, tuy là hai chế độ chính trị khác nhau, nhưng nền tảng tạo nên Liên Xô trước kia và SNG ngày nay vẫn là nước Nga, là dân tộc Nga và các tầng lớp nhân dân khác nhau sinh sống trên đất Nga với nếp cảm, nếp nghĩ, với những truyền thống bền vững hàng ngàn đời nay. Mà lịch sử tư tưởng Nga thì chưa bao giờ là một hiện tượng thuần nhất. Cho nên, Liên Xô mới có thể hiến tặng cho nhân loại một trong số những tài năng kiệt xuất của thế kỉ XX: M.M. Bakhtin. Nói cách khác, nước Nga trước khi Liên Xô tan rã không chỉ sản sinh ra những công trình khoa học công thức, giáo điều, mà còn là quê hương của những học giả lớn. Chỉ riêng Viện Văn thế giới (IMLI) trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sau 75 năm hoạt động (1932 – 2007) đã tạo ra được hàng trăm tên tuổi lẫy lừng rất có uy tín ở nước Nga và trên thế giới, như S.S. Averintsev, Y.B. Vipper, M.M. Pokrovski, M.L.Gasparov, N.I. Balasov, S.I. Sobolevski, G.P. Berdnikov, D.D. Blagoi, N.F. Belchikov, P.A. Nikolaev, L.I. Timofiev, G.I. Lodmize, F.F. Kuznetsov, V.M. Gatsak, L.D. Gromova, N.V. Kornienko, A.D. Mikhailov, V.V. Novikov, B.L. Riftin, E.R. Tenitshev, A.L. Toporkov… Công trình nghiên cứu của họ cho đến nay về cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị. Nghĩa là lịch sử dẫu có thay đổi thế nào, thì lí luận văn học trên đất nước Liên Xô trước kia và lí luận văn học Nga ngày nay vẫn có quan hệ mật thiết với nhau.
Cho nên, để miêu tả cục diện lí luận văn học Nga từ cuối những năm 80 của thế kỉ trước cho đến nay, chúng tôi vừa phải khảo sát sự tác động của hoàn cảnh chính trị – xã hội đến các khoa học văn học, vừa phải đặt nó vào chiều dài và bề dày của truyền thống văn hoá Nga. Chúng tôi sẽ chứng minh, một mặt, sự tan rã của Liên bang Xô Viết khiến cho nền lí luận văn học chính thống sụp đổ, tạo ra tình trạng hỗn loạn kéo dài hàng chục năm của nghiên cứu văn học. Nhưng, mặt khác, công cuộc cải tổ cho phép nước Nga rà soát lại lịch sử tri thức, đánh giá một cách khoa học, khách quan thực tiễn sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ nghiên cứu, tích cực và chủ động hội nhập với thế giới để xây dựng một nền lí luận văn học kiểu mới.
[1] Mikhail Sergeievik Gorbasev: Sinh ngày 2.3.1931, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 11.3.1985 đến 25.12.1991
[2] М. S. Gorbasev – Vai trò của công cuộc cải tổ và đổi mới tư duy đối với đất nước ta và toàn thế giới. М., Politizdat., 1987.
[3] M.X. Gorbasev – Cải tổ và tư duy mới đối với nước ta và thế giới (Bản dịch tiếng Việt). Nxb Sự thật – APN, 1988, tr. 22
[4] Nikita Sergievik Khrusev: Sinh: 17.4.1894, mất: 11.9.1971. Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô từ 9.1953 đến 14.10.1964.
[5]Leonid Ilich Breznev: Sinh: 19.12.1906, mất: 10.11.1982. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 14.10.1964 đến 10.11.1982
[6] Số liệu thống kê dẫn theo: Du Thuý – Mùa đông và mùa xuân Moskva – Chấm dứt một thời đại (Bản dịch tiếng Việt của Lê Quang Lâm) Nxb Chính trị quốc gia, H., 1995, tr. 21
[7] Andropov Iuri Vladimirovic: 1914 – 1984 ) – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 12 .11.1982 đến 9.2.1984.
[8] M.S. Gorbasev – Cải tổ và tư duy mới đối với nước ta và thế giới. Nxb Sự thật – Nxb APN, H., 1988, tr.32
[9] Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXVII khai mạc ngày 22.2, bế mạc ngày 6.3.1986
[10] Ngày 7.5.1985, Hội đồng Quốc gia Liên Xô ban hành Nghị quyết “Về các biện pháp khắc phục tệ rượu chè say sưa và xoá bỏ nạn nấu rượu lậu”. Ngày 16.5.1985 Chủ tịch Đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô ban hành sắc lệnh “Về việc tăng cường đấu tranh chống nạn rượu chè” tạo ra một chiến dịch kéo dài cho đến tận năm 1988.
[11] Xem tư liệu: Cải tổ ở Liên Xô – Nguồn: http:// www.hrono.ru/1984ru.html
[12] Boris Nhikolaevich Yelsin: Sinh 1.1.1931, mất 23.4.2007, Tổng thống đầu tiên của Nga từ 10.6.1991 đến 31.12.1998
[13] Hiện nay có thể tìm thấy nhiều tài liệu ghi chép chính xác và rất chi tiết đến từng ngày, tháng đã diễn ra các sự kiện lớn nhỏ trong suốt quá trình cải tổ từ năm 1981 đến 1991. Chẳng hạn, xin xem: Перестройка в СССР (1981-1991) – Nguồn: http:// www.hrono.ru/1984ru.html