Một nén nhang tưởng nhớ nhà nghiên cứu văn học Trần Văn Nam

Trần V NamVăn Việt vừa nhận được tin buồn đột ngột từ Hoa Kỳ: Nhà nghiên cứu văn học-nhà thơ Trần Văn Nam đã qua đời ngày 10/1/2018 tại California, hưởng thọ 79 tuổi.

Tác giả Trần Văn Nam mới tham gia văn đàn Văn Việt từ tháng 9/2018, và mới cách đây ít ngày, ông đã sốt sắng hưởng ứng lời mời gửi bài cho Số Xuân Mậu Tuất.

Văn Việt xin thành kính phân ưu cùng gia đình tác giả Trần Văn Nam và cầu chúc hương hồn ông siêu thăng. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết và tấm chân dung mới nhất mà ông gửi cho Văn Việt.

TỰ TRUYỆN TRONG THƠ LÀ CÁCH ĐI TÌM MỘT SỰ THÔNG CẢM

Trần Văn Nam

Trong cuốn sách biên-khảo “Văn Học Miền Nam 1954-1975” xuất bản năm 2016, tác giả Nguyễn Vy Khanh có dùng một từ ngữ có lẽ rất mới là “Thi Ca Tự Truyện”. Với thi ca tự truyện, người làm thơ tự trình bày nguồn gốc cảm hứng trong sáng tác các câu thơ của mình. Bởi vì người làm thơ không thể bộc lộ ra hết những điều mình đã cảm, những tiếp xúc ở đời, những trải nghiệm với thiên nhiên… mà chỉ có thể thu gọn, cô đọng lại trong một hoặc vài câu thơ mà thôi. Bởi vì thơ có tính cách ám-gợi hơn là mô tả, nhất là ở trong lối thơ Haiku. Nhưng độc giả không phải ai cũng nhạy cảm; ai cũng trực giác những ẩn tàng tác giả còn giữ trong đó chưa nói hết ra lời. Vậy muốn được thông cảm, đôi khi tác giả cần chú thích vài chi-tíết dưới bài thơ, hay trình bày khá nhiều lời qua một dịp nào đó có liên-hệ.

Tính tự truyện vốn có sẵn trong thơ, không cần phải thêm lời giải thích dưới bài thơ, thường thấy ở những bài thơ mà nhân vật tự xưng “tôi”. Ví dụ trong thơ Nguyễn Bính, tác giả tự tryện mối tình chớm nở của người hàng xóm là chính tác giả: “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”. Hoặc như trong thơ TT Kh., nhân vật xưng tôi là một người nữ, nàng tự truyện mối tình tàn phai. Chỉ cần đọc hai câu thì ta cũng đủ biết đây là chuyện tình dang dở, có người yêu mà phải thành hôn với người khác, chuyện xưa nay vẫn thường xảy ra: “Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi, người ấy có buồn không?”. Không hiếm gì những bài thơ tự truyện như vậy trong văn học ta. Và ta cũng có dịp lưu ý thấy những bài thơ với các nhân vật xưng “anh” hoặc “em”, có khi mang tính tự truyện, có khi mang tính phổ quát tình yêu nam nữ mà thôi. Ví dụ đọc bài thơ của Kim Tuẩn “Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân”, ta nghĩ bài thơ ca ngợi lòng sẵn sàng hiến dâng của những người nam nói chung cho các người nữ nói chung. Qua đó, ta còn phát hiện sự mô tả cảnh sắc tươi vui của mùa xuân có phần đậm nét hơn mô tả tâm tình: “Anh cho em mùa xuân/ nụ hoa vàng mới nở/ chiều đông nào nhung nhớ/ đường lao xao lá đầy/ chân bước mòn vỉa phố/ mắt buồn vịn ngọn cây/ Anh cho em mùa xuân/mùa xuân này tất cả/ lộc non vừa trẩy lá/ lời thơ thương cõi đời/ bầy chim lùa vạt nắng/ trong khói chiều chơi vơi…”. Ta không biết tâm sự và tâm tình gì rõ nét, trong khi đó thì bầu trời, chim muông, cây lá… thể hiện tiết xuân rộn ràng. Anh và Em trong bài thơ này không mang tính truyện, do đó tự-truyện lại càng không có.

Hình thức giải thích dưới bài thơ cũng là một cách tự truyện trong thơ, vì đôi khi có những từ ngữ chỉ riêng mình biết, nếu không giải thích sẽ gây hiểu lầm. Đem điều mình biết riêng mà trình bày cho người biết chung, đó chính là đi tìm sự thông cảm. Ngặt vì trong thơ không được dài dòng, nên phải có đôi lời dưới bài thơ. Độc giả dường như không ưa những bài thơ có chú giải, vì lẽ đó tác giả thường tìm cách viết thành những bài hồi ký hay truyện kể bằng văn xuôi để thỉnh thoảng xen vào vài câu thơ của chính mình. Sau khi làm cho độc giả quen với từ ngữ hoặc phương ngữ, hoặc địa danh, hoặc dã sử; tác giả sẽ làm cho độc giả không ngỡ ngàng khi đọc những câu thơ có vài từ ngữ lạ hay khó hiểu, hoặc trùng âm dị nghĩa. Một trường hợp gây hiểu lầm trong thơ vì tác giả không chú thích dưới bài thơ; có thể vì tác giả thời xưa không quen lối ấy; cũng có thể vì tác giả ngầm-ý gây bẽ bàng cho một danh sĩ khác. Ta nghĩ chắc là ngầm-ý, vì tác-giả là một Tể-tướng rất quyền uy đời nhà Tống bên Trung Quốc, ông cũng chính là người ra lệnh đem quân sang đánh Việt Nam thời nhà Lý vào năm 1073 (Tướng Lý Thường Kiệt của Việt Nam đã chiến thắng, đẩy lùi toàn bộ cuộc xâm lăng). Tể-tướng đời nhà Tống ấy là Vương An Thạch, ông làm ra hai câu thơ nghe thật vô lý: “Trăng sáng hót đầu núi/ Chó vàng nằm trong lòng hoa”(Minh-nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng-khuyển ngọa hoa tâm). Thi-hào rất nổi tiếng thời ấy là Tô Đông Pha sửa lại giùm cho chỉnh: “khiếu” là kêu được đổi thành “chiếu”/soi sáng; và “tâm” là trong lòng được đổi thành “âm”/dưới bóng. Như vậy thì câu thơ mới hợp lý hơn như sau: “Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng nằm dưới bóng hoa” (Minhnguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng-khuyển ngọa hoa âm). Một thời gian sau, Tô Đông Pha có dịp đi về phía Nam Trung Quốc, miền Hoàng Châu, mới biết “minh-nguyệt” là tên một loài chim ở vùng ấy; và “hoàng-khuyển” là tên một loài sâu, cũng tại vùng ấy. Hai câu thơ của Vương An Thạch do vậy không cần gì phải sửa đổi, không có điều gì vô lý: “Chim minh-nguyệt hót đầu núi/ Sâu hoàng-khuyển nằm trong lòng hoa”… Người của thời xưa muốn thử-thách nhau về kiến-thức, đòi hỏi cả sự am-tường cảnh vật từng miền địa-phương. Hay là vì người thời xưa không có thói quen chú-giải dưới bài thơ hầu tránh sự hiểu lầm? Muốn được thông cảm; mong độc-giả cảm thấy như mình cảm thấy; đừng bị ngộ-nhận; thì ta nên áp-dụng lối “thi-ca tự-truyện”.

Có những hiểu biết thuộc về thấu-thị không thông qua kiến-thức như những ví-dụ ở trên; mà thông qua thần-cảm, thiền-cảm, viễn-cảm. Làm sao tự-truyện được, khi mà những thấu-thị ấy đối với đạo-sĩ tu-sĩ sẽ là tịch-lặng vô ngôn. Ta từng biết đến giai-thoại “niêm hoa vi tiếu”, hoặc từng nghe đến công-án “Hòa-Thượng Trảm Miêu”, đó chính là vài biểu lộ cho ta thông cảm những thấu-thị của các bậc đại giác. Tùy theo thông cảm chỉ mới mấp mé hay hoàn toàn sáng suốt (giải đáp đúng công án) mà ta nhắm có thể theo con đường tu đạo, hay ta nên trở về sống đời bình thường. Nhưng cũng có những thần cảm được diễn tả qua lời của thế gian, qua lời thơ quy-ước dễ được tiếp nhận rộng rãi, đây chính là một hình-thức tự-truyện trong thơ mà thi sĩ thấu-thị. Ví dụ: “Tôi ưa nhìn Bắc-đẩu rạng bình minh/ Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới”(Hàn Mặc Tử, trong bài thơ “Ave Maria”). Như vậy, Hàn Mặc Tử viễn cảm và tự truyện trong thơ những gì mình thấy được (ba ngàn thế giới rạng ngời), không cần qua các hình ảnh dị thường như ở các nhà thơ của “Chủ-nghĩa Tượng-trưng” (Symbolisme). “Chủ nghĩa Tượng-trưng” là tiếng sấm báo sinh “Thần-bí Chủ nghĩa” (qua nhận-định của Jean Moréas, trích từ sách của Thạch Trung Giả). Mới chỉ ở giai-đoạn trung gian cho thần-bí (chưa đạt tới mức thảng thốt quên hết; cũng không như-nhiên đơn giản mà diệu vợi ta cảm thấy ở thơ Haiku), nên hình ảnh trong thơ của nhà thơ tượng trưng, chẳng hạn Rimbaud, chủ điểm là dị thường. Ví dụ qua bài thơ “Con Tàu Say” (Le Bateau Ivre): “… Tôi nhảy múa nhẹ tênh trên sóng nước… Và rực vàng xanh, lân-tinh ca hát… Chợt náo động những đầm lầy mênh mông…Tôi con tàu dưới lớp tảo chằng chịt… Tôi xuyên thủng bức tường bầu trời đỏ… Tôi chạy, tia điện lỗ chỗ người tôi… Những bất động xanh tháo cuộn dài dài/ Tiếc Châu Âu với lan can cũ kỹ… Triệu cánh chim vàng, sức mạnh tương lai.. Xương cốt vỡ vụn, thả vùi trong biển… Lội dưới những con mắt tàu khủng khiếp…” (Trích từ bản dịch của Huỳnh Phan Anh ). Ta gọi thơ của Tượng Trưng Chủ Nghĩa như là kể lại thế giới Thần Bí qua trung gian hình ảnh lạ thường. Kể lại như vậy chính là một hình thức Tự Truyện Trong Thơ…. Không kể gì hết là Tịch Lặng Vô Ngôn. Kể lại Trực-giác như Hàn Mặc Tử, kể lại Thần-bí như Rimbaud; dĩ nhiên cao hơn trình-độ kể lại Tri-giác, tức kể lại những kinh nghiệm nghe thấy thuộc đời thường mà những dòng tiếp theo dưới đây mong được trình bày.

Ví dụ hai câu thơ sau đây trong một bài trường ca: “Còn khi bay trên lục-địa, Hắc Hải và biển nội địa Caspian thành hai vũng tối/ Rải rác ánh đèn thành phố, xa diệu vợi nên đều lặng thinh”. Tàng ẩn trong đó là một trải-nghiệm bao la lúc thấy đồng-bằng Ấn Độ vào đêm khuya, và hai vũng tối là hai biển nội địa. Tác giả ghi lại khi theo đoàn du-lịch đi trong chuyến bay từ Á sang Âu Châu. Làm sao có thể biết đang bay trên Ấn Độ; và làm sao tri-giác bao la hơn các nơi khác? Bởi vì trước mỗi ghế hành khách đều có Tivi; ai ưa coi phim; ai muốn xem thể thao; ai muổn biết hành-trình chuyến bay từng phút một (độ cao, tốc độ bay; đang bay trên đất nước nào hoặc trên biển nào; còn xa bao nhiêu và còn lâu bao nhiêu) thì cứ bấm nút theo dõi. Trong trường hợp trên thì tác giả theo dõi hành trình sơ đồ trên màn ảnh, rồi nhìn xuống thực-địa ở dưới sâu hơn mười cây sổ… Còn về ấn tượng bao la: nhờ vào chuyến bay đêm nên ta dễ so sánh. Khi từ khuôn cửa sổ máy bay nhìn xuống Ấn Độ, từng cụm đèn thành phố phân bố khá đều trên một bình nguyên bóng tối rộng lớn, khiến ta có ấn tượng bao la (Vậy cũng khác với ấn tượng “vùng phát-triển toàn-diện” khi thấy ánh sáng nhấp nháy khắp nơi, như lúc ta nhìn xuống Âu Châu). Với những tri-giác, những cảm nhận ấy, ta không thể nói hết trong hai câu thơ.

Bài thơ trường ca ấy gồm 122 câu, người viết xin tự trích ra ba lần một ý tưởng trùng lập: “Trường giang chuyển tải phù sa chậm dần bồi tụ/ Những bãi san hô và đại ngàn rong biển đang thu hẹp dần dần”(câu 4950 ); “Phù sa tràng giang vẫn tấm lòng lưới nhện giăng tơ/ Sông suối đại ngàn âm thầm đưa nước về Sông Mẹ ”(cău 6667); “Trường giang ngoằn ngoèo cho ta biểu-tượng cụ thể nhất/ Biểu tượng bồi đắp bền bĩ, hồn Sông Mẹ dưỡng sinh” (câu 109-110). Độc giả có thể phán đoán tác giả điệp ngữ điệp ý; hoặc có thể phán đoán tác giả dụng ý nêu lên một ám ảnh. Ám ảnh có lẽ đúng hơn, vì ở câu 79-80 tác giả đã có nói về nỗi ám ảnh ấy: “Đào hồ chứa nước khổng lồ để cân bằng những đập nước khống chế/ Nghề nông nghề đánh bắt thủy sản vô cùng cám ơn”. Như vậy thì dụng ý trùng-điệp có thể tốt về phương diện nội dung (nhắc nhở sự lo lắng và mong cải tạo đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn do mười mấy đập nước ở thượng nguồn); nhưng chắc là hại về phương diện hình thức (bởi điệp-ngữ, trùng lời).

Cũng với bài thơ khá dài ấy, có một hai người bạn nhắc khéo nên dùng từ ngữ trường-thi hơn là trường-ca, vì đây là bài thơ, không phải bài hát. Theo thiển nghĩ, từ ngữ trường-thi thì đúng về phương diện học-thuật, nhưng ta cảm-giác nó có vẻ chữ-nghĩa quá. Từ-ngữ trường-ca như muốn hướng về quần chúng, dù là thơ nhưng muốn hát lên cho mọi người cùng nghe. Cũng giống như ca-dao ở trong dân gian, đó là những câu thơ mà cũng chính là những câu hát, câu hò để ru con ru em, hoặc để đưa đẩy chọc ghẹo giữa trai gái. Muốn được mọi người cùng nghe thì ca hát là xu hướng lựa chọn hơn là thơ; vì thơ thường gắn bó với im lặng của từ ngữ, của chữ nghĩa. Ca hát không chỉ ở với nhân-sinh mà lắm khi người làm thơ còn nghe thiên-nhiên ca hát. Không hiếm gì những trường hợp thiên nhiên cất tiếng như vậy, như trong thơ Hàn Mặc Tử: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo”; hoặc qua thơ Huy Cận, ta nghe tiếng hát trong những hàng cây: “Ngủ đi em, mộng bình thường/ Ru em, sẵn tiếng thùy dương mấy bờ”. Cũng vậy, qua bài thơ trường ca ấy, tôi đã nhân-cách-hóa bằng tiếng hát vang trời của muôn cánh quạt khổng lồ đang thu nhận gió bão đại-dương để vận-chuyển “turbine” làm nên điện-lực: “Rừng đước rừng tràm, biểu-tượng trường thành chống bão/ Muôn cánh quạt gió vang trời hát bài năng-lượng khai trương”.

Những dòng có tính tự-truyện trong thơ (thi-ca tự-truyện) với chủ-đích phản-hồi đôi lời nhận xét của vài người bạn, dù không qua bài viểt mà qua chuyện vãn trong quán cà-phê. Tuy mới là chuyện vãn, nhưng cũng tạo dịp cho người viết phải ưu-tư để trình-bày về những “điệp ngữ” và “từ-ngữ dùng chưa chính xác” của mình. Sau đây là bài thơ ấy:

TRƯỜNG CA KHI Ở TRÊN TẦNG BÌNH LƯU

Khi sàn tàu không còn chút rung chuyển

Chuyến bay đã ở trên tầng bình-lưu

Phía dưới là những lớp mây và biển

Hành khách vơi dần mối ưu tư

Chiêu-đãi-viên đến từng hàng ghế

Bữa ăn cho từng người được dọn ra

Thắt lưng an toàn không cần khóa lại

Bây giờ ta lướt trên bao la

Không khí đối-lưu phía dưới rất hỗn tạp

Tầng bình-lưu bảo đảm đường bay thăng bằng

Người thiu ngủ, người đang xem màn ảnh

Chuyến bay vạn dặm lướt vào đêm trăng

Bình minh đến, phía dưới vẫn là mây và biển

Thấy Hạm Đội Thứ Bảy giàn đội-hình li ti

Những luồng sóng trắng tàu đi vẫn hiện rõ

Lặng lẽ hải hành, đang có sứ mệnh gì?

Đảo Hải-Nam với căn cứ tàu ngầm bí hiểm

Cũng chỉ là bãi ghềnh khiêm tốn trước mênh mông

Tàu ngầm nguyên tử dù có thể lặn sâu biệt dạng

Vẫn e ngại xuất hành khi cuồng nộ Biển Đông

Tầng bình-lưu đang ở cao-độ 32 ngàn bộ

Tốc độ bay 900 cây số/giờ

Trên cao hơn mười cây số, không gian như vùng Thiên Thai trầm lắng

Tầng đối-lưu càng xuống thấp càng quần tụ hình-thành bão giông

Không bao lâu nữa thì vào Việt Nam không-phận

Đại dương ngút ngàn xanh, mây trắng vật vờ

Ở tầm cao này, ngoài thân máy bay lạnh không độ

Trong thân tàu ấm, đôi người như lặng lẽ thờ ơ

Tầng bình-lưu hoàn toàn trên Thái Bình Dương rộng lớn

Khi ta từ phi trường Los Angeles bay về Á Châu

Tầng bình-lưu hoàn toàn lướt trên lục-địa

Khi ta từ Việt Nam bay về các nước trời Âu

Trên Thái Bình Dương thì phía dưới muôn trùng bóng tối

Hải đảo nhỏ nhoi, nào có thấy đâu suốt đêm hành trình

Còn khi bay trên lục địa, Hắc Hải và biển nội-địa Caspian thành hai vũng tối

Rải rác ánh đèn thành phố, xa diệu vợi nên đều lặng thinh.

Photo ngày 2 tháng 11 năm 2016 trên máy bay từ Âu trở về Á Châu

Tầng bình-lưu trên đây quả yên tĩnh

Nhưng dưới kia là tầng đối-lưu mà sao cũng lặng ngắt vô biên

Không nghe gì trong sâu thẳm

Sự thật dưới đó, vùng hỗn loạn triền miên

Tưởng trầm lắng mọi bề nhưng hàm chứa phức tạp

Phức tạp tham vọng con người, phức tạp biến đổi thiên nhiên

Những bãi ngầm đã đắp lên thành đảo

Những phi-đạo 3000 mét muốn chế ngự vùng miền

Thêm nguy cơ, nước biển dâng cao do nóng dần khí quyển

Đất trời gầm thét khi Nam-Bắc-Cực tan băng

Cây tràm cây đước cấy trồng thành rừng chưa đủ sức chống đỡ

Vòng đê cao duyên hải đâu đủ sức cản ngăn

Trường giang chuyển tải phù sa chậm dần bồi tụ

Những bãi san-hô và đại-ngàn rong biển đang thu hẹp dần dần

Thiên nhiên hăm dọa, người với người cũng nghiệt ngã

Tàu ngầm Ki-lô, ngư-lôi diệt hạm, lăm le phòng thân

Cảnh-sát Biển, tàu hải-giám, chưa thể lơ là công vụ

Giàn phóng hỏa-tiễn hàng loạt chưa thể tháo bỏ thành rỗng không

Máy bay không người lái vẫn tiếp tục mang bom đạn

Chiến hạm tàng hình đợi lệnh sẵn sàng tấn công

Tầng đối-lưu thực sự hãi hùng, vô âm chỉ là lầm tưởng

Những tiếng rú phản-lực, trên đây nào có nghe

Những vang động tàn phá san-hô, từng đàn cá đào thoát

Đáy Biển Đông sạt lở, luật quốc tế nào răn đẻ

Chiến hạm đại-cường vờn nhau chiếu-lệ

Những thỏa hiệp, ta nào biết đâu ở chốn thương-trường

Vùng Nhận-Dạng Phòng-Không có nguy cơ thiết lập

Trách nhiệm không-phận quốc-tế bị đưa vào chòng chéo biên cương.

***

Tuy vậy, viễn tượng lạc quan dưới tầng đối-lưu vẫn tiềm ẩn

Phù sa tràng giang vẫn tấm lòng lưới nhện giăng tơ

Sông suối đại-ngàn âm thầm đưa nước về Sông Mẹ

Nước lợ tìm cách thích nghi cho lúa mọc tràn bờ

Thiên nhiên đại lượng, chớ làm thiên nhiên trừng phạt

Những địa-chấn tầng sâu vốn tàng trữ nguy cơ

Bão cấp 8 sẽ có ngày chứng tỏ sức mạnh

Tai họa Đá Trời có thể từ không gian lao xuống bất ngờ

Thiên nhiên hủy diệt, thiên nhiên cũng gợi nguồn sáng tạo

Sóng gió đại dương cho nguồn điện-lực tương lai

Mưa lụt tràn sẽ rửa sạch nhiễm mặn

Cây ăn trái thích-ứng kịp thời với nước lợ để xóa bỏ nguy tai

Ánh sáng mặt trời thay cho Thủy Điện Nhiệt Điện

Đã nghĩ cách đưa băng tuyết vào sa mạc cho Trái Đất hòa hài

Đào hồ chứa nước khổng lồ để cân bằng những đập nước khống chế

Nghề nông, nghề đánh bắt thủy sản, vô cùng cám ơn

Cải tạo đất pha cát thành những vùng trồng nho xanh mướt

Cải tạo đồi núi thành những ruộng bậc thang dập dờn

Thiên nhiên đại lượng, đừng làm thiên nhiên phẫn nộ

Hàng Không Mẫu Hạm Gerald Ford lặng lẽ đi ra khỏi vùng

Tàu Sân Bay Liêu Ninh thôi phô trương nanh vuốt

Chiến Hạm trực thăng Izumo đi vào ổn định chung

Những hải đảo mới xây hứa hẹn Đường Tơ Lụa Trên Biển

Mọi phía chỉ lo thương mại, cứu hộ trên biển, nhân loại an cư

Dầu khí ven biển Việt Nam chắc không nhiều, giảm thiểu tranh chấp

Giàn khoan dầu khổng lồ do vậy đã kéo neo giã từ?

Tự do hải hành, tàu dầu từ Trung Đông vào lũ lượt

Trao đổi hàng hóa gia tăng, giải trừ Thế-Chiến Thứ Ba

Không có quân cảng nào cấm địa

Tàu hải hành Xuyên Á thấy đâu cũng là nhà

Pháo-đài-bay chiến-lược sẽ tháo gỡ bom rải thảm

Hỏa tiễn không-đối-không, địa-đối-không, sẽ gỡ kíp nổ sẵn sàng

Bom Tinh Khôn, ngư lôi Diệt Hạm, sẽ vào hầm khóa chặt

Đầu đạn nguyên tử thu nhỏ hết là mối nguy tiềm tàng

Hỏa tiễn Sát Thủ Hàng Không Mẫu Hạm có lệnh ngừng chế tạo

Cũng đình sản xuất lâu rồi loại Tàu Ngầm Hố Đen

Rất nhiều Thủy Sư Đô Đốc, Đại Tướng Tư Lệnh

Đã được đưa vào danh sách tranh giải Hòa Bình Nobel

Những đường cao tốc đang thành hình ở Đông Nam Á

Hy vọng không phải là những đường chiến lược trá hình

Viễn tượng Thủy Lộ Quốc Tế nối liền các thành phố cô lập

Viễn tượng Xe Lửa Cao Tốc đưa tất cả hẻo lánh vào an ninh.

***

Từ tầng bình-lưu nhìn xuống

Im lặng dưới kia ngày nào đây sẽ thực sự yên bình

Trường giang ngoằn ngoèo cho ta biểu tượng cụ thể nhất

Biểu tượng bồi đắp bền bĩ, hồn Sông Mẹ dưỡng sinh

Rừng đước rừng tràm, biểu tượng trường thành chống bão

Muôn cánh quạt gió vang trời hát bài năng lượng khai trương

Mênh mang những bãi hấp thụ ánh sáng

Tưởng vô-dụng, bây giờ sa mạc chói nóng được tuyên dương.

Nhưng có những điều trên tầng bình lưu không thể thấy

Đó là sức sống của hàng triệu con người bình thường

Hàng hàng lớp lớp nhà nông ra đồng trên không gian rộng

Hàng hàng lớp lớp thuyền chài ra khơi trong bình minh sôi động

Những vùng nhân quần có nét giống nhau, có phải ta cùng huyết thống

Rồi tất cả nhân loại có nét hao hao, có phải ta cùng một giống

Vậy mâu thuẫn hãy rời xa, tất cả chúng ta cùng tìm sự sống

Bình an, Hòa đồng, San sẻ, khắp trời vang vang Trường ca.

TRẦN VĂN NAM (City of Walnut, California)

(Hoàn-thành trong thời gian từ Mỹ sang Á, rồi từ Á sang Âu; đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2016)

Comments are closed.