Áo mơ phai
chương bảy
Ba người bước vào nhà Thủy Tạ. Đây có vẻ là một cái câu lạc bộ của các văn nghệ sĩ nhiều hơn là một nhà hàng.
Hầu hết dãy cửa sổ mở ra đường ít khi nào được mở. Chỉ có những cửa mở ra phía hồ được mở mà thôi. Nhưng ngay cả những cánh cửa được mở ra đó, Lan cũng chỉ nhìn thấy từ phía xa, từ phía bên kia hồ. Thành thử căn nhà vẫn còn hoàn toàn xa lạ đối với nàng.
Bước vào đây Lan có cảm tưởng được nhập vào cái thế giới vẫn còn đóng kín đối với nàng từ xưa đến nay.
Ông Nam đưa vợ con vào ngồi ở một chiếc bàn ở ngay cửa sổ ra hàng hiên ăn ra mặt hồ.
Ông gọi cho Lan một ly nước ngọt và gọi cho mình và cho vợ hai ly rượu nhẹ.
Bà Nam kêu:
– Ông gọi rượu làm sao tôi uống.
Ông Nam nói:
– Tôi đã trông thấy bà uống rượu ở đây một lần rồi mà.
Câu nói đùa của ông làm con gái mở to mắt nhìn cả bố lẫn mẹ, không hiểu.
Riêng đối với bà Nam, câu nói giống tiếng âm vang từ một cái hành lang sâu thẳm nào, làm rung rinh đầu óc, nhưng chính bà, bà cũng chưa thể nhận ra nó vọng tới từ chỗ nào.
Bà luýnh quýnh ngửng lên nhìn chồng. Bao nhiêu năm sống, cái chàng thanh niên vui đùa, cười cợt, nhanh nhẹn xưa, bỗng biến đâu mất, chỉ còn lại một người đàn ông trầm lặng đôi lúc cau có, phiền muộn, cái chàng trai trẻ nơi ông đã biến mất, nên có nhiều khi bà cũng mất hết những ý niệm về thời gian, bà quên hết dĩ vãng, quên tưởng nhớ lại những ngày còn trẻ, hoặc tệ hơn, những giờ phút hiếm hoi, bà muốn dành giây lát để tưởng nhớ lại cái chuỗi ngày êm đềm cũ, chính bà, bà lại phải tìm cách chặn đứng cơn mơ tưởng của mình.
Hình như cái bóng nặng của dĩ vãng còn đè trong tâm tưởng bà, bà không có trách nhiệm gì về cái chết của một người, của chàng, người bạn của ông Nam xưa, nhưng cái chết đó vẫn chiếm một góc đen tối trong trí tưởng của bà.
Tưởng nhớ lại tất cả những điều ấy có ích lợi chi?
Chàng đã chết. Cái người thanh niên vui vẻ, hoạt bát nơi ông Nam cũng đã mất. Chỉ còn lại cái hình bóng lờ mờ của quá khứ. Cái quá khứ bà không đủ sức làm cho biến hẳn đi. Nó dường như đã hòa lẫn thành cái tuổi già của cả hai vợ chồng bà, tan biến chậm chạp từng ngày từng tháng, nhẹ nhàng như cái màu trắng chiếm đoạt từng sợi tóc của ông Nam, cả mái tóc của bà nữa.
Cái hình ảnh còn sót lại trong trí nhớ của ông đó, có còn chăng trong trí nhớ của bà, bà Nam tự hỏi.
Bà lại phải lục lọi cái trí nhớ đã mòn mỏi của mình.
Lan háo hức ngồi không yên. Nàng muốn đứng dậy đi ngay ra phía lan can ăn ra mặt hồ để nhìn ngắm chỗ này chỗ khác, nhưng lại sợ mẹ mắng nên chưa dám.
Nhưng bà Nam đâu có để ý điều đó.
Bà đang bị câu nói của ông Nam làm cho bàng hoàng. Hai mươi năm, kẻ sống, người chết gần như đã lẫn lộn trong quên lãng, nhưng đồng thời bà cũng nhận ra có những giây phút tưởng chừng chỉ thoáng qua lại bền bỉ khác thường.
Bà như ngửi thấy cả mùi hương của kỷ niệm, cái mùi thơm nhẹ nhàng toát ra từ chính tuổi trẻ của một người con gái, mùi thơm của phấn son, của lụa là, của mùa Thu đã làm cho những đám lá đầu tiên bắt đầu khô héo, mùi khói sương và hơi nước trộn lẫn với nhau trong những cơn gió rì rào lạnh tê và có thể có cả mùi thơm của những đám khói hương từ những đền miếu đâu đó tản mạn trong sương.
Tưởng nhớ lại những ngày cũ bà Nam còn như thấy đầu óc rung rinh vì cái mùa Thu huyền ảo ấy.
Hà Nội vừa trải qua một trận thiên tai, một trận đói khủng khiếp, tất cả những người đã nhìn thấy, đã trải qua sẽ chẳng thể nào quên, những buổi sáng đi qua các ngã tư đường người ta vừa kinh hoàng, vừa nghẹn ngào vì cảm tưởng những đám sương thông thường, mà trong đó pha đầy tử khí, vương vấn hơi thở của những kẻ hấp hối, mỗi buổi sáng ra đường người ta đều có thể bắt gặp những chuyến xe bò hốt xác người chết trong đêm trên các lề đường, cái tiếng lạch cạch của những bánh xe gỗ bọc sắt lăn trên các mặt nhựa đã trở thành nỗi ám ảnh rùng rợn trong tâm trí nhiều người, đến nỗi hàng năm sau khi trận đói đã chấm dứt, nghe thấy lại tiếng cái bánh xe lăn lách cách đó người ta còn thấy sợ, sau trận đói khủng khiếp là những ngày toàn quốc bừng lên trong ánh sáng huy hoàng của cuộc đấu tranh giành độc lập, những chữ tự do, dân chủ, giải phóng, giống như những trận cuồng phong quét sạch hết những đám mây u ám trên bầu trời thảm đạm, gom tất cả những ngọn lửa phấn khởi trong lòng hết thảy mọi người thiêu hủy hết những tàn tích cay đắng cũ, thắp sáng tới những xó xỉnh tối tăm nhất trong cuộc đời, đổi một đời mới, trong cái đêm Trung Thu tuyệt vời nhất thế kỷ của đất nước, đêm Trung Thu trời mưa, thiếu nhi toàn thành đã được lệnh rời lại ngày vui tới một ngày sau, thật không còn cái lệnh nào đáng yêu hơn, đó là một Tết Trung Thu tưng bừng nhất trong đời bà Nam được nhìn thấy, thiếu nhi toàn thành, thiếu nhi trong các vùng phụ cận, từ ngoài năm cửa ô đổ vào Hà Nội, đổ về phía vườn hoa Ba Đình, hàng vạn thiếu nhi, hàng vạn cây đèn, hàng vạn nụ cười thắp sáng Hà Nội, mà chẳng phải chỉ có thiếu nhi mới vui mừng thế đâu, bà Nam khi ấy đã là một thiếu nữ trưởng thành cũng bị cuốn theo lớp sóng trẻ thơ vào đêm hội, các em đã diễn trò chơi ném hột bưởi, hột nhãn đánh đắm tàu Tây thả trên mặt hồ, tiếng reo hò vang dậy một góc trời làm chảy nước mắt.
Lan chờ cho người bồi mang nước để trên bàn cho mọi người, nàng cầm lên uống một hụm đã, rồi mới để ly xuống bàn bảo.
– Con ra xem hồ một tí.
Bà Nam nhìn con đứng dậy không nói gì.
Ông Nam hỏi vợ:
– Bà có muốn lấy một chút đá cho vào rượu không?
Bà Nam mỉm cười bảo:
– Thôi.
Ông Nam nói:
– Bây giờ mới thấy mệt.
Bà Nam bảo chồng:
– Mệt sao ông không ở nhà nghỉ, còn đi chơi.
Ông Nam nhìn ra phía lan can nơi con gái đang đứng trông ra hồ, không nói gì.
Bà Nam cũng nhìn theo chồng ra phía ngoài. Bà giật mình vì thấy dáng con gái đứng ở đó, giống như cái hình ảnh của chính bà thu nhỏ lại lùi lại, từ cái khoảng mấy chục năm, cái hình ảnh không cách bà bao xa, nhưng cách bằng một chiều dày trong suốt, cứ tưởng tượng ra rằng mỗi năm buông xuống giữa bà và cái ngày bà còn là cô gái mười bảy tuổi đứng đó, một lá chắn bằng thủy tinh, cái bức tường trong suốt đó đã có mấy chục lớp, dù đó là những lớp thủy tinh trong suốt chăng nữa, cái hình ảnh nhìn thấy ở phía bên kia không thể không biến đổi, không méo mó, khác xa với sự thật. Tự dưng bà cũng thấy lòng dâng lên một chút ngậm ngùi, bà nhìn xuống ly rượu nhỏ để trên bàn, màu nâu nhạt của rượu trong bóng đêm đã trở thành màu nâu sẫm, bà đã có cảm tưởng chuếnh choáng tựa trong đầu đã có tráng sẵn một chất men, dù người ta có uống hay không cái chén đời của mình, mọi sự hình như chẳng có gì thay đổi.
Bà nhìn con gái đứng đó bỗng nhiên rùng mình kinh sợ, chỉ trong thoáng chốc từ một cô bé như thế bà đã trở thành già nua thế này, và đứa nhỏ từ đâu đã đến thay thế, một sự biến đổi vừa kỳ ảo, vừa khôi hài, khiến bà cảm thấy lạnh xương sống.
Bà cười bảo với ông Nam:
– Thoáng chốc mà đã mấy chục năm.
Ông Nam hình như cũng đang nghĩ một điều gì đó rất gần với cái điều bà vừa nói ra, nên bà thấy ông nhìn lại mình bằng cái nhìn bà có thể nhận thấy ngay sự ấm áp truyền khắp trên da mặt.
Ông Nam nói:
– Bà thấy mấy chục năm qua mau thôi có còn nhớ gì nữa không?
Bà Nam cười. Câu nói không đủ sức làm cho cả hai người trẻ lại, nhưng cũng làm cho bà cảm động.
Bà Nam nhìn chồng, nhìn bằng đôi mắt của quá khứ đã lọt sâu trong tuổi già, bà thấy buồn cười, cái ghen tuông của đàn ông nhiều khi vô lý và dai dẳng một cách kỳ cục.
Bà Nam cầm ly rượu của mình lên uống, vị ngọt, men nồng làm tê đầu lưỡi. Bỗng nhiên bà cũng thấy lòng phơi phới. Từ lâu bà không còn thấy trong lòng mình cái tình cảm tương tự nữa. Đời sống bà đã được ủ kín trong sự êm đềm, ngay từ ngày hai vợ chồng còn lang thang trên đường chạy loạn, nghĩa là những ngày cả hai còn trẻ, nhiều lúc đi ngang qua những cánh đồng mênh mông lúa con gái, bà đã thấy mình chẳng còn phải là những ngọn lá xanh phơ phất theo những trận gió nữa, bà đã phẳng lặng như mặt đất bên dưới, mặc dù không phải không có những lúc bà thấy cái tình vợ chồng đầy tràn như những khúc sông.
Để dấu cơn xúc động, bà Nam đứng dậy đi ra ngoài hành lang đứng chơi với con.
Bà nhìn ra cả khu hồ rộng rãi đắm chìm trong một màn sương đục lấp lánh những ánh đèn màu chiếu rọi từ các căn nhà bên bờ hồ xuống và từ dưới mặt hồ hắt lên, từ phía phòng thông tin của thành phố, cũng có thể tại rạp chiếu bóng cạnh đó, rạp Philamonique, một trong những rạp chiếu bóng có từ lâu đời nhất của thành phố, vẳng lại tận chỗ hai mẹ con bà đứng một điệu nhạc đã được phóng lớn qua máy khuyếch đại âm thanh.
Bà Nam hỏi Lan:
– Lan đã muốn về chưa con?
Lan vẫn chăm chú nhìn ra phía hồ. Nàng có cảm tưởng kỳ lạ là sương mù vừa dường như làm cho mặt hồ rộng ra vừa co hẹp lại. Cùng một lúc nàng có hai cảm tưởng trái ngược đó có lẽ vì những trận gió thổi xô đẩy những đám sương đã làm cho thị giác của nàng không còn phân biệt được giới hạn chính xác của bờ hồ phía xa nữa.
Lan nói với mẹ:
– Con muốn ở lại chơi một tí được không ạ?
Bà Nam nói:
– Đứng đây lạnh chết.
Lan bảo mẹ:
– Chuyến xe điện cuối cùng đang chạy lên kìa mẹ.
Bà Nam nhìn theo tay chỉ của con, sang phía Nhà Bưu Điện. Chuyến xe điện gồm ba toa thắp đèn sáng đang chạy ngược lên phía Hàng Đào. Bà Nam chỉ nhìn thấy trong mấy toa xe một vài người khách.
Đêm lạnh, chuyến xe chạy trên đường sắt nhìn thấy từ phía xa như len lõi giữa một rừng cây và sương mù, trông dường trong một chốn xa lạ nào chứ không phải trong Hà Nội.
Bà Nam trong một phút cảm thấy như tất cả cái đám sương mờ ảo bao phủ trên mặt hồ, trên những hàng cây trùng điệp phía xa, che kín cả bầu trời trước mắt đó làm nặng hơi thở. Những ánh đèn muôn màu lấp lánh trên đầu những ngọn sóng biến khu hồ thành một thế giới kỳ ảo, lộn ngược, như cửa dốc đi vào một hội chợ, nhưng nhìn cho kỹ nó giống như một vực thẳm không đáy. Chỉ có bầu trời không thay đổi màu sắc ở cả hai phía bầu trời thật và bầu trời in hình dưới đáy hồ.
Bà Nam kể lại cho con gái nghe cái Tết Trung Thu thần tiên cũ. Thành phố đã được cúp điện trong giây lát để cho các em chơi trăng.
Lan cười bảo với mẹ:
– Hà Nội hình như được nhớ đến nhiều quá thành thử lúc nào cũng trông lờ mờ.
Bà Nam hỏi Lan:
– Con không thấy Hà Nội đẹp sao?
Lan vội vàng bảo:
– Đẹp chứ.
– Sao con lại cười.
– Vì con nghĩ có lẽ tại người Hà Nội có vẻ mơ mộng quá nên Hà Nội không thức dậy được.
Bà Nam nghe thấy tiếng con gái cùng với một cơn gió lùa mạnh từ dưới mặt hồ lên. Câu nói bay thoảng qua tai bà, nhưng bà vẫn nghe thấy một cách rõ ràng. Lời nói hình như có một vẻ gì trách móc. Máu của lứa tuổi thanh niên sau này đã chảy theo một nhịp khác chăng? Riêng bà, bà lại thấy Hà Nội phải như thế, cái thành phố đã được tạo dựng như thể nó không trở thành khác được.
Tuy nhiên nếu những đứa trẻ ở vào lớp tuổi con bà muốn thế, chắc Hà Nội sẽ phải đổi khác.
Bà Nam nói:
– Tại vì con không được chứng kiến cái lúc thành phố thức dậy.
Đối với Lan, có thể câu nói của mẹ đúng sự thật. Nhưng cái sự thật ấy cũng đã ngủ vùi trong dĩ vãng, ngủ vùi trong trí nhớ của những người như mẹ nàng.
Một thành phố cũng như những người trong thành phố đó, không thể chỉ có những phút thức tỉnh, nó phải luôn luôn thức tỉnh, nếu không nó sẽ chậm khôn lớn, Lan nghĩ thế.
Lan nghĩ thế, nhưng Lan không dám nói với mẹ thế.
Nàng chỉ mỉm cười làm như chịu nhận lời mẹ nói. Đúng con không biết gì về cái ngày huy hoàng đó cả.
Đứng một lát, nhìn mỏi mắt bà Nam bảo con:
– Thôi đi vào, bảo ba đi về luôn.
Lan thong thả theo mẹ đi vào. Nàng có vẻ tiếc còn muốn đứng lại ngắm trời đất một lúc nữa.
Ông Nam vẫn ngồi yên lặng một mình ở chỗ cũ.
Bà Nam ngồi xuống ghế của mình, nói:
– Thôi đi về chứ ông?
Ông Nam bảo:
– Về.
Lan líu ríu đứng dậy đi theo bố mẹ ra đường.
Nàng thầm nghĩ đây là chỗ ngồi chơi tốt nàng rất thích, nhưng lần đi chơi này không phải của mình và nàng không được thỏa thích. Một ngày nào thuận tiện nàng sẽ bảo Quang đưa vào đây một lần nữa.
Ngồi trên xe từ đó trở về nhà Lan không nghe bố mẹ nói một câu nào.
Lan ngả đầu ra phía nệm xe đằng sau che miệng ngáp một cái và cảm thấy buồn ngủ.
Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ao%20mo%20phai&page=7