Ở miền đất ấy (kỳ3)

(Tiếp theo và hết)

Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện 

thế giới là cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật

22.

Những ngày ở núi Đưng đi tìm Liêu, tôi phải đương đầu với những nguồn ý kiến trái ngược nhau về việc mất tích của Liêu. Ở núi Đưng bỗng dưng người ta cũng bàn tán nhau về chuyện vì sao Liêu không còn nữa. Đúng hơn, không phải bàn tán, mà rỉ tai nhau. Ông Din hiệu trưởng bỗng rỉ tai tôi, rằng Liêu đã có chửa nên xấu hổ bỏ làng đi. Tôi rất hoảng, y như lúc nghe tin Liêu chết. Nhưng thầy có tin đấy là chuyện thật không? Tôi hỏi trong tâm trạng hoang mang. Ông ấy lắc đầu, bảo Liêu là một cô gái tốt. Người nói với ông Din chuyện Liêu có chửa lại là bà Din. Bà Dên bỗng rỉ tai tôi là có người nói với bà như thế. Tôi hỏi người ta nói gì, thì bà ấy khóc, bảo Liêu đã có chửa, nhưng không phải chửa ai đó, mà là chửa ma xoát. Theo sử Giót, người Xoát muốn chiếm hết thảy các nước trên thế gian để bắt hết thảy đàn bà phụ nữ trên mặt đất này phải đẻ ra giống Xoát. Con Liêu đã chết, sao có kẻ còn độc mồm độc miệng ăn nói thế. Ông Dên than thở với bà con trong làng. Nhưng bà Dên thì cho đây là chuyện thật. Vì theo bà, con ma xoát không giết được Liêu trong bụng mẹ, nên giờ lại giết Liêu bằng cách làm cho Liêu có chửa. Bỡi có chửa với ma xoát có nghĩa cả xác thân lẫn hồn phách của Liêu đã bị loài ma ấy đem về thế giới của chúng. Phải cúng giải oan cho con gái ta thôi. Bà Dên một hai bảo ông Dên phải cúng ma xoát, để chúng thả Liêu về lại núi Đưng. Em nghĩ là có kẻ đã bịa ra chuyện ấy. Cô Nà công nhân lâm trường bỗng rỉ tai tôi. Theo Nà, có ai đấy muốn làm hại Liêu, nên đã bịa ra chuyện Liêu có chửa với ma xoát. Vì có lời đồn đại Liêu có chửa với ma, nên cô ta đã phải bỏ làng ra đi. Nhưng vì đâu người ta lại muốn hại Liêu? Tôi hỏi. Nà bảo không biết, cô cũng đoán vậy thôi. Không chừng là thằng Lình con trai ông Đung trưởng làng Mừa đã bịa ra chuyện con Liêu có chửa. Ông Din lại rỉ tai tôi. Theo chỗ ông biêt thì Lình, công nhân lâm trường núi Đưng, có tình ý với Liêu từ lâu. Trên đường đến lâm trường, Lình thường ghé lại trường học để gặp Liêu. Hầu như là ngày nào anh ta cũng ghé lại trường. Rồi bỗng không thấy anh ta đến nữa. Chắc là con Liêu không thích thằng Lình, nên nó đã không đến nữa. Ông Din hiệu trưởng nói. Nhưng như thế thì anh ta bịa ra chuyện Liêu có chửa để làm gì? Tôi hỏi. Chuyện gái trai yêu đương là ghê gớm lắm, thằng Lình nó thù con Liêu, anh rõ chưa. Ông Din nói. Như thế, theo ông Din, lời đồn đại Liêu có chửa là xảy ra sau khi Liêu không còn. Trong lúc Liêu không còn, Lình đã nói ra thế cho bõ giận, thế thôi.

Tôi lại cảm thấy băn khoăn, nếu không muốn nói là hồ nghi trước cái chết của Liêu. Nếu Liêu bị lũ cuốn thì sao không tìm thấy xác? Còn theo sử Giót, giống người Xoát đã chuyển từ thịt xương sang sắt đá, và bị chôn vùi bên dưới mặt đất núi Đưng tự thuở nào. Nhưng nếu ma xoát đã ám hại Liêu bằng cách làm cho Liêu có chửa, như bà Dên nghĩ, hóa ra giống Xoát đã tái xuất hiện ở trần gian? Trước kia, khi nghe Liêu nói về người Xoát, tôi cũng chỉ xem chuyện ấy như một biểu tượng đẹp của nền văn hóa cổ ở núi Đưng. Nhưng đến lúc ấy, giống người không có ống máu ấy cả ngày đêm ám ảnh tôi.

23.

Bấy giờ thì người Xoát đã đánh chiếm nhiều nước trên thế gian.
Ông Nư Năng nói. Nhưng vua Đưng vẫn chưa tin.
Ta chỉ nghe có nước Xoát ở bên kia núi Đưng, chứ chưa nghe có người Xoát dũng mạnh đến thế. Vua Đưng nói.

Ông Nư Năng lại phải quì, để kể hết cho vua nghe những gì ông đã biết được về giống người ấy.

Người Xoát cũng cày ruộng như người núi Đưng. Nhưng một hôm vua Xoát đã lệnh cho dân chúng đốt hết cày bừa, giết hết trâu bò. Có rất nhiều người bị giết, chôn chung với trâu bò, vì đã cưỡng lại lệnh vua. Đến lúc không còn bóng dáng một người nào trên ruộng đồng, vua Xoát lại ra lệnh đốt hết lúa gạo, giết hết các loại gia súc gia cầm. Không ăn. Và chỉ uống nước. Đấy là cách sinh sống, vua lệnh cho hết thảy dân chúng phải tuân theo. Cả nước kinh hoàng, cho là vua đã hóa điên, muốn tiêu diệt nòi giống của mình. Cảnh sống vẫn còn diễn ra trên đất nước, nhưng ai nấy đều cảm thấy như là cảnh chết. Đói. Trẻ thơ không còn khóc nổi. Người lớn muốn bỏ đất nước ra đi, nhưng không còn nhấc chân lên nổi. Đường không còn thấy bóng người. Làng xóm cả ngày lẫn đêm chỉ còn nghe tiếng gió gào.

Đến lúc ấy vua Xoát mới đi gặp chúng dân trong nước. Nếu lũ người còn thấy đói, muốn ăn, và thấy khát, muốn uống, là còn bị buộc vào vòng sống chết. Nay, lũ ngươi vẫn còn ăn rau cỏ, còn ăn các thứ rễ cây và củ quả, vẫn còn uống nước sông, uống nước giếng, tức sẽ còn phải chết. Hãy nghe ta, nếu lũ người muốn thoát khỏi vòng u tối. Là kể từ đây, không được đưa bất cứ thứ vật chi vô miệng, dẫu đấy chỉ là mỗi cọng cỏ, hay mỗi một giọt sương. Và vào lúc đêm chưa hết, ngày chưa đến, vào thời khắc giữa ngày và đêm ấy, lũ ngươi, từ già chí trẻ, hãy cùng ngẩng mặt lên trời để cùng uống thứ hơi thở thần Giót ban riêng cho nòi giống Xoát chúng ta. Hãy nghe ta, nếu lũ ngươi muốn thoát khỏi vòng sống chết.

Vua Xoát đã đi khắp nước, bảo ban dân chúng. Bấy giờ chẳng còn ai đứng lên nổi để đi tìm cái ăn cái uống, đành bò lê trên mặt đất để làm theo lời của vua. Có một hôm, vào lúc đêm chưa hết ngày chưa tới, những người dân Xoát còn sống sót sau cơn đói khát, đã đứng lên được bằng chính đôi chân của mình. Có người lấy cỏ ăn thử, thì nuốt không vô. Có người lấy nước uống thử, cũng nuốt không vô. Thế là ai nấy đều cảm thấy kinh hãi. Không còn đường nạp thức ăn thức uống, tất sẽ chết. Nhưng vua Xoát đã đi khắp nước, gặp hết thảy những người còn sống sót sau cơn đói khát. Hãy nghe ta. Vào lúc mặt trời ở đỉnh đầu, đúng vào thời khắc ấy, lũ ngươi từ già chí trẻ hãy cùng uống lấy thứ ánh sáng thần Giót ban tặng riêng cho nòi giống Xoát chúng ta. Nhà vua nói.

Vào một hôm, lúc dân trong nước đang cùng uống thứ ánh nắng giữa trưa, trời đất bỗng tối sầm, như ai lấy mất mặt trời. Cả nước lại một phen hoảng sợ, đổ về chỗ vua ở. Nhà vua đã giảng cho mọi người nghe, rằng đấy là phút giây thần Giót mang giống dân Xoát ra khỏi vòng sống chết. Hết thảy lũ ngươi đã thành thần, rõ chưa. Vua thét lớn cho mọi người đều nghe thấy. Nhưng ai nấy đều không tin. Bèn rủ nhau cắt thử da thịt của mình, thì thấy máu không còn chảy nữa. Từ đó vua Xoát mang quân đi khắp thế gian để cứu con người ra khỏi vòng sinh tử. Nghe kể đến đây, vua Đưng sợ hãi đến ngã bệnh. Ông Nư Năng phải làm Bài Ca Giữa Ngọ để chữa bệnh cho vua.

24.

Tôi đòi đi hang Trớt, nhưng Liêu lại đưa tôi đến làng Mừa để kể cho nghe đoạn sử Giót trên. Phải ngồi ở đá pơtan thì kể mới hay. Liêu nói. Tôi hỏi rốt cuộc ông Nư Năng có chữa được bệnh cho vua hay không. Cứ nghe xong thì biết. Liêu nói. Và hát cho tôi nghe Bài Ca Giữa Ngọ.

Như sáng với tối

Như ngày với đêm

Sống với chết đã thay nhau không ngừng nghỉ.

Bên ngoài cõi không ngừng nghỉ là không gì cả.

Một ngày nào Giót không còn nói với ta điều này thì ta cũng không thể nói điều gì nữa cả.

Cũng như nói xưa con người không biết lửa là gì

Giót bảo thế này thế này

Con người đã tạo ra được lửa.

Cũng như nói xưa kia con người sống lẫn lộn với muông thú.

Giót bảo thế này thế này

Con người biết chế ra áo quần để mặc và biết làm nhà để ở.

Cũng như nói xưa con người không rõ mình là ai

Giót bảo thế này thế này

Con người liền hiểu mình sinh ra từ Giót

Con người là sinh ra từ Giót thì chẳng thể trở thành những vị thần ở trần gian này sao?

Hoá ra là cả làng Mừa đã kéo đến chỗ đá pơtan để nghe Liêu hát Giót.

Tôi nói với Liêu rằng nghe Bài Ca Giữa Ngọ như nghe kinh.

25.

Tôi và Liêu đi hang Gió. Một ngày cuối thu. Tới hôm ấy tôi mới chịu đi hang Gió, vì lần nào tôi cũng đòi đi hang T’rớt. Con ma Xoát ở hang T’rớt vẫn ám ảnh tôi.

Nếu hang T’rớt là nơi lưu giữ tai ương, thì hang Gió là chốn để chiêm ngưỡng nền văn minh quá khứ của một dân tộc.

Đường lên hang Gió lội suối Riềng ba lượt, lội suối Mung năm lượt. Ông Khơn bảo vua Đưng phải chọn nơi hiểm trở thế này để lập nước. Liêu nói, lúc qua khỏi suối Mung. Tôi hỏi Liêu đi hang Gió được mấy lần rồi. Liêu nói một lần đi với bà Dên, hồi Liêu tròn mười tám tuổi, một lần đi với ông Khơn, sau khi đã nghe ông kể xong sử Giót. Ở núi Đưng, con gái tới tuổi mười tám đi hang Gió để lấy may. Liêu nói. Tôi hỏi lấy may là sao. Liêu bảo lúc đến nơi sẽ nói cho nghe. Có thể nói đấy là hang động trời không chỉ dành cho những kẻ có đầu óc trị nước. Con suối Mung một hồi ngoằn ngoèo qua sườn núi Đưng, tới đây, bỗng khoét vào vách núi làm nên hang động như thể để tạm dừng chân trước khi uốn lượn về hạ nguồn. Dưới mắt nhà địa chất, đấy là hiện tượng cats-tơ hiếm khi thấy xảy ra ở Trường Sơn. Còn với nhà điêu khắc thì đấy là loại kiến trúc vượt ngoài khả năng tạo tác của con người. Từ màu sắc đến hình thể, đến gió và nước, bố cục của hang động là kết quả của niềm ngẫu hứng của trời đất.

Trước đến đây, tôi cũng đã nghe Liêu kể những đoạn sử Giót nói về hang Gió. Đ’Lung lấy củi đốt thành than, rồi lấy than đốt cho sắt chảy thành các công cụ. Hang Gió là lò luyện sắt, nơi làm nên nền văn minh núi Đưng. Sử Giót nói người Xoát dẫm nát ruộng nương của người núi Đưng, phá tan tành cung pơtan của vua Đưng, nhưng chẳng biết có lò nấu sắt ở hang Gió. Tìm ra mỏ sắt là công của Đ’Lung, người đã được vua Đưng sai đi tìm của quí ở nơi lòng đất. Còn việc đặt lò nấu sắt ở hang Gió là thuộc đầu óc trị nước của vua Đưng.

Tôi cứ đứng tần ngần ở cửa vào hang động. Không phải không dám bước vào, mà vì không thể vượt qua phút giây đối mặt với dấu tích của một quá khứ oanh liệt. Hết thảy những gì thuộc xưa cũ, được gọi là lịch sử quá khứ, dường đang ngưng đọng lại nơi trang sách trời kỳ tuyệt ấy. Liêu bảo hôm cô ta đi với bà Dên nắng cũng âm u thế ấy, còn lần đi với ông Khơn thì trời mưa rất to, suối Mung đầy nước, phải leo qua mười hai con dốc trên núi Đưng, để tới hang Gió. Ông Khơn muốn em phải leo dốc như thế nên chọn đi vào ngày có mưa. Liêu nói. Rồi đưa tôi vào hang động. Có tiếng nước chảy đâu đó vẳng lại những âm thanh mơ hồ. Ông Khơn nói có một ngả suối ngầm chảy ở bên dưới, nên hang Gió không đời nào bị ngập nước, mưa hay nắng, Đ’Lung với Hơ Mia vẫn nấu sắt. Liêu nói. Tôi hỏi lò nấu sắt đặt ở đâu. Liêu bảo chuyện này thì không nghe ông Khơn nói. Và Liêu nói không phải ông Khơn nói, mà là sử Giót nói, rằng vua Đưng đã đích thân đến đây coi việc rèn dáo mác, bấy giờ người Xoát đã đánh chiếm nhiều nước trên thế gian, vua Đưng muốn nước mình phải lo trước, nước có bao nhiêu đàn ông con trai thì rèn bấy nhiêu dáo mác, đàn ông con trai sẽ mang dáo mác, cỡi ngựa cỡi voi ra trận, đàn bà con gái đánh trống, ở núi Đưng nhà nào cũng có trống phất bằng da voi, vua Đưng giảng cho mọi người nghe phép hành binh, nhưng ông Nư Năng bảo sở dĩ người ta chết là vì máu chảy quá nhiều, mà người Xoát thì không có ống máu, bấy giờ Đ’Lung đã tìm được chất gặp lửa thì cháy, nên ông Khơ Năng hiến kế cho vua Đưng là làm cho thật nhiều tên lửa để giết người Xoát, có ống máu hay không gặp lửa cũng cháy, người anh hùng núi Đưng là M’Din liền thét to lên là người núi Đưng sẽ chiến thắng, vợ chồng D’Lung và Hơ Mia lại ngồi suốt ngày trong hang Gió để để nấu sắt rèn dao mác, cả nước của vua Đưng sắp sửa vào trận, chỉ mỗi ông Nư Năng là nghĩ khác. Ông Nư Năng đang nghĩ về giống người không có ống máu. Tôi nghe có tiếng gì vang lên ở cuối hang động như có ai đang gõ lên vách núi. Là tiếng nước đấy. Liêu nói. Nhưng sau đó thì sao. Tôi buột hỏi, vì chợt nghĩ đến sự lụi tàn của một nền văn minh, tựa có nhát dao cắt làm đôi dòng lịch sử, trước đó là biết cả thuật luyện kim, biết cả khoa thiên văn, khoa nông học, còn sau đó là lớp hậu duệ cũng làm lúa nước, nhưng những lưỡi cày lưỡi cuốc là do kẻ khác làm ra, sáng thức dậy thấy có mưa mới biết là trời mưa, tôi muốn hỏi điều gì đã xảy ra, do cuộc chiến chống người Xoát, hay là do một điều bí ẩn nào đó của tự nhiên hay của lịch sử, đã làm tắt lịm những sáng chói của một thời. Nhưng Liêu lại tưởng tôi muốn hỏi chuyện đôi vợ chồng Đ’Lung và Hơ Mia. Sau đó thì cả hai người đều ra trận, người Xoát làm cho máu của hai người chảy nhiều quá, nhưng không chết, hai người liền dìu nhau trở về hang Gió, Đ’Lung hát cho Hơ Mia nghe, và Hơ Mia hát cho Đ’Lung nghe, khi yêu nhau người ta không thể rời nhau, phải không anh. Liêu chợt ngưng kể về Đ’Lung và Hơ Mia, hỏi tôi, rồi cất tiếng hát.

Cho đến khi máu ngừng chảy trong thân thể em, thì em cũng không muốn rời xa anh.

Tôi hỏi có phải đấy là bài hát H’Mia hát cho Đ’Lung nghe hay không. Liêu chỉ im lặng, nhìn tôi. Ở cuối hang động như có ai lại gõ lên vách núi. Hơ Mia hát cho Đ’Lung? Hay Liêu hát cho chính mình?

26.

Tôi bỗng rơi vào tâm trạng như tâm trạng bà Dên, rằng Liêu chết là do lũ ma Xoát ở hang Trớt. Thế là tôi lại đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu bận đoạn sử Giót về cuộc chiến giữa người núi Đưng và người Xoát Liêu đã kể tôi nghe ngày ấy.

Nghe theo lời ông Nư Năng, vua Đưng cho làm nhiều tên lửa. Tên bằng vỏ tó, gặp lửa thì cháy, gặp gió không tắt. Hết thảy những người khỏe mạnh trong nước đều ra trận. Núi Đưng là một quần thể gồm nhiều ngọn, chập chùng, núi không cao, nhưng cây cối rậm rạp, hiểm trở. Các nước láng giềng đều ở phía bên kia núi. Binh đội của vua Đưng phải án giữ quan ải quan yếu này. Kỵ binh đi trước nhất. Tiếp đến là tượng binh. Sau tượng binh là bộ binh. Sau cùng là những người chuyển cung tên, lương thảo, và đánh trống. Trên mỗi ngựa chiến có hai kỵ binh, một cầm cung, một giữ đuốc lửa. Tượng binh dùng dáo dài. Bộ binh dùng dáo ngắn. Dàn binh xong, vua Đưng cùng ông Khơ Nan và ông Nư Năng leo lên hỏa đài. Hỏa đài trên núi Đưng bấy lâu chỉ để canh chừng lũ cọp lũ gấu phá nương rẫy.

Đốt lửa lên. Vua Đưng lệnh. Tức thì trống trận vang lên. Mới đầu tiếng trống chỉ ở trong quân, sau đó thì lan cả nước. Tiếng trống tựa thác lũ từ núi Đưng đổ về khắp nơi, rồi từ khắp nơi đổ ngược về núi Đưng. Hãy giương cung lên. Vua Đưng hô to lúc trông thấy lũ người Xoát đã kéo tới chân núi phía bên kia. M’Din liền quất ngựa chạy về phía trước. Cả đám kỵ binh cùng quất ngựa xông lên. Bắn. Người anh hùng núi Đưng thét. Tên lửa lao vun vút về phía người Xoát. Từ trên núi tràn xuống là biển lửa. Từ dưới chân núi tràn lên là biển người Xoát. Người Xoát với dáo mác cầm tay cứ bước đi giữa biển lửa như bước giữa chốn rổng không. Rừng cây gặp lửa cháy từng đám lớn. Chim chóc hươu nai hoảng sợ bay chạy tán loạn. Không xong rồi. Ông Khơ Nan kêu lên lúc nhìn thấy đám người Xoát đã vượt qua biển lửa tràn vào đám kỵ binh. Ngựa chiến và nhiều người núi Đưng đã ngã xuống. Ông Nư Năng rỉ tai vua Đưng. Vua liền ra lệnh thu quân. Ngựa chiến voi chiến bắt đầu tranh nhau chạy. Nhưng người Xoát bỗng dừng lại trước cảnh hỗn loạn của người núi Đưng. Lát sau có tiếng vua Xoát vọng xuống núi. “Chớ luyến tiếc cuộc sống trần gian hỡi những người núi Đưng, bỡi lũ các người là giống người còn chìm đắm trong vòng sinh tử”.

Cho đến lúc về đến cung pơtan, vua Đưng vẫn không tin những gì mình đã trông thấy. Nghe theo lời ông Nư Năng, vua Đưng đã cho thu quân về cố thủ ở làng pơtan. Cung điện của vua ở làng pơtan đang trong yên ổn. “Lũ người Xoát là loài quỉ ma hiện giữa trần gian”. Vua Đưng nói. Ông Nư Năng bảo theo lời đồn đãi bấy lâu thì người Xoát là giống người đã ra khỏi sự sống chết. M’Din bảo phải đánh một trận nữa mới phân thắng bại. Ông Khơ Nan chỉ im, bỡi nỗi sợ hãi còn nguyên trong lòng ông. “Này Nư Năng, hãy nói ta nghe có quả giống người Xoát đã thoát khỏi luật sống chết?”. Vua Đưng lại hỏi. Ông Nư Năng chỉ buông tiếng thở dài, bỡi ông cũng chưa hiểu hết việc ra khỏi sự sống chết.

Lúc vua tôi vua Đưng còn đương bối rối thì có tin người Xoát đã tràn vào các xóm làng trong nước. Người ta đã tận mắt trông thấy người Xoát chỉ toàn đàn ông con trai khỏe như những con thú đực khỏe nhất trong các thú. “Hãy diệt hết những mầm mống của giống người còn chìm đắm trong vòng sinh tử”. Vua Xoát lệnh. Và người Xoát đã thi nhau giết những đàn ông con trai người núi Đưng, và thi nhau ăn nằm với đám đàn bà con gái, gặp đàn bà con gái người núi Đưng bất cứ ở đâu đều bắt ăn nằm với lũ chúng”. Ta chưa hề nghe nói có giống người cầm thú như thế”. Vua Đưng thét lên, nước mắt chảy dài. Ông Nư Năng nghe toát mồ hôi. Ông Khơ Nan cũng nghe toát mồ hôi. M’Din, người anh hùng núi Đưng, cầm ngọn dáo đứng lên. Hơ Linh, vợ của M’Din, cũng cầm ngọn dáo đứng lên. Phải giết lũ cầm thú. M’Din thét. Và cả hai vợ chồng cùng lao ra khỏi cung vua. Nhưng liền sau đó thì có tin cả hai đều đã bị người Xoát giết, ném xác xuống suối Riềng.

Ông Nư Năng thấy mắt mình có lửa, liền rỉ tai vua Đưng: “Phải lấy lửa trong máu người núi Đưng để đốt chúng”. Trận chiến cuối cùng diễn ra ở cánh đồng pơtan. Những đàn bà con gái người núi Đưng bị người Xoát cưỡng hiếp đều tự vận chết. Những người thoát khỏi con mắt của lũ chúng đều chạy về đồng pơtan. Người cả nước đã kéo hết về đồng pơtan. Vua Đưng đã sai ông Nư Năng lo việc phòng thủ hang Gió, nơi cất giữ quặng sắt và chế tạo những đồ dùng bằng sắt. Và đích thân vua cầm quân chống giặc ở đồng pơtan.

Ông Nư Năng nói với con gái là Hơ Mia và con rể là Đ’Lung đang rèn sắt ở hang Gió sở dĩ người núi Đưng giàu có, cả cung vua và đường sá trong nước đều xây lát bằng đá quí, là do có được thứ của cải những nước khác không có, thứ của cải chìm trong đất, là mỏ sắt, thứ của cải đã làm ra cái cày bằng sắt để làm ra lúa gạo ăn không hết, nay lũ người Xoát đã xâm phạm xứ sở, lũ các con phải ra sức canh giữ chốn thiêng liêng này của nước. Nhưng Đ’Lung bảo đánh giặc phải đánh từ xa, không phải chờ đến nhà mới đánh. Rồi cùng Hơ Mia lên ngựa chạy về cánh đồng pơtan.

Lũ người Xoát đã kéo đến đồng pơtan để nghinh chiến. Vua Đưng cứ ngỡ bọn chúng đã kéo hết đến đây. Không ngờ làng pơtan bốc cháy, cung điện của vua ở làng pơtan cũng bốc cháy. “Hỡi những người núi Đưng, hãy để cho lòng căm hận của anh em tràn lên óc”. Vua Đưng gào lên. Rồi quất ngựa xông vào giặc. Hết thảy những người núi Đưng cùng gào lên. Và cùng quất ngựa xông vào giặc. Máu chảy lênh láng trên cánh đồng pơtan. Và từ máu của người núi Đưng, lửa ngùn ngụt bốc lên. “Cả đời ta chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp, chỉ trừ lần này”. Ông Nư Năng đứng ở cửa hang Gió thấy lửa bốc lên ngùn ngụt ở đồng pơtan thì ngửa cổ than. Lát sau ông thấy Đ’Lung và Hơ Mia mình đầy thương tích đang dìu nhau trở lại hang Gió.

27.

Ở đồng Pơtan, xác của người núi Đưng nằm lẫn với sắt đá. Hết thảy những người Xoát khi bị lửa trong máu của người núi Đưng đốt chết đã hóa thành sắt đá. Vua Đưng đã chết trong trận chiến đó. Ông Khơ Nan cũng chết ở trận chiến đó. Hơ Lia, con gái ông Khơ Nan, vợ vua Đưng, cũng chết ở trận chiến đó.

Để tri ân vua Đưng và những người núi Đưng đã chết trong cuộc bảo vệ đất nước núi Đưng, ông Nư Năng đã làm ra Bài Ca Trước Mộ để đọc lúc tế vong hồn những người đã chết. Cái hang núi dưới chân núi Đưng, hang Trớt, đã trở thành nơi giam giữ lũ ma Xoát. Lũ người Xoát khi chết thì xác thân hóa thành sắt đá còn hồn vía trở thành ma Xoát. Giót nói: Đừng bao giờ đặt chân đến hang Trớt, nơi đã dành cho vong hồn của giống người kỳ dị nơi mặt đất, và vào các đêm tối trời lũ các người hãy đem con gà luộc hay cái trứng luộc đặt ở giữa sân nhà, và nói với lũ ma Xoát rằng đấy là thức ăn con người dành cho chúng.

Mãi đến khi những cơn mưa đầu mùa đông đổ xuống, Liêu mới kể cho tôi nghe đoạn sử Giót nói về hang Trớt, cái hang động ngay từ lần đầu nghe nói đã ám ảnh tôi. Tôi nhớ sau đó mấy hôm thì tôi từ biệt Liêu trở về thành phố. Và khi tôi quay lại làng Riềng thì Liêu không còn nữa.

28.

Tôi cứ đọc đi đọc lại mãi những đoạn sử Giót đã chép được qua lời kể của Liêu. Con người sinh ra từ Giót rồi lại trở thành Giót, thần sinh ra người rồi người lại trở thành thần, có phải là cuốn sử ấy muốn bày ra một thứ thuyết lý kỳ dị để bắt người đời sau phải ngẫm nghĩ? Tôi có ngẫm nghĩ nhiều về sử Giót. Nhưng chủ yếu là cố tìm trong thứ sử văn đầy ẩn dụ ấy những biến cố nào những đoạn sử nào là nơi ẩn náu trái tim của người con gái ấy.

Tôi bỏ việc khoa bảng trở lại làng Riềng lần ấy với niềm đam mê có phần hơi quá sức như thể để lấp đầy sự trống vắng khi không còn có Liêu. Hầu như ngày nào tôi cũng đi, hết làng Riềng lại sang làng Dang làng Mung làng Mừa, hỏi han những ông bà cụ biết hát Giót, nghe hát xong, lại đi. Gặp cả ông Din hiệu trưởng để học hỏi thêm về tiếng nói của người núi Đưng. Tôi đã tìm ra được cuộc hành trình tiếp theo của mình là được đi lại trên những con đường rừng Liêu đã từng đi, được nhìn thấy từng ngày những núi non trùng điệp dưới bầu trời như lúc nào cũng có màu khói. Cuộc hành trình tôi đặt ra cho mình ngày ấy coi như đã mất hút tận cõi lãng quên. Tôi thực sự say đắm một cuộc đi, ở một nơi, tôi cho là đã diễn ra một cuộc tình.

29.

Cứ gì anh mà già như ta cũng còn say đắm cõi trần gian này. Ông già họa sĩ Phác đang đãi cát ở suối Rưng nói làm tôi giật mình. Chỗ ông ấy ngồi đãi cát là đáy của một con thác, nước khô cạn từ lâu. Tôi nhìn vào mắt người họa sĩ già, và im lặng. Ta biết thế nào anh cũng trở lại. Ông Phác vừa nói, vừa bước lại chỗ để đồ đạc của mình, lấy từ túi xách ra một viên sỏi màu đỏ. Ta đến vùng núi rừng này đã hơn ba năm, bữa đầu tiên vào trú ở trạm đo nước, người phụ trách trạm chuyện trò với cậu cháu ta như những người thân đi xa vừa gặp lại, nhưng đến khi thấy chỉ mỗi thằng cháu ta vẽ, còn ta xuống sông Cái, rồi lên suối Rưng, đãi cát tìm vàng, anh ta bắt đầu xa lánh ta. Ban ngày cậu cháu ta nấu cơm ăn ngoài trời, đêm mắc võng nằm ở vòm cây sau trạm đo nước, hơn ba năm ở vùng núi rừng này ta gặp đủ hạng người, thợ rừng dưới xuôi lên đốn gỗ trộm, các vị hảo hán đi tìm trầm, bọn họ ngang qua chỗ ta mồi điếu thuốc, hay xin miếng nước, rồi đi, chẳng ai hỏi ta đang làm gì, dù chỉ nửa câu, cho đến hôm có người đến chỗ ta xưng là nhà khảo cổ, gần cả ngày ta chỉ nghe ông nói, về các loài sinh vật thời thái cổ, về những hóa thạch người, về những con nòng nọc đứt đuôi thế nào để thành ếch nhái, lúc mặt trời sắp tắt ông hỏi ta đang làm gì, ta nói là đãi cát tìm vàng, ông nhà khảo cổ tỏ ra thất vọng, rồi lẳng lặng ra đi, ta nhìn lên nửa vầng mặt trời còn lại trên đỉnh núi, lẳng lặng nhặt một viên sỏi đỏ cất vào ba lô, ta đã dành cho ông nhà khảo cổ một viên sỏi đỏ, nhưng qua hôm sau ta trả lại cho suối Rưng, bởi trong đêm, nằm ở sau trạm đo nước, ta đã nghe người phụ trách trạm với ông nhà khảo cổ bảo ta là lão già điên khùng, sau những ngày sống như kẻ xa lạ với loài người ở chốn núi rừng này, ta bỗng nảy ra cái ý muốn xem thử có còn kẻ nào trên đời này đến trò chuyện với ta không. Ông Phác nói, mắt vẫn không rời viên sỏi đỏ trên tay. Nhưng cho đến nay thì bác đã cất giữ được bao nhiêu viên sỏi như thế? Chỉ mỗi viên dành cho anh. Ông già họa sĩ nói, và bỗng ngưng việc đãi cát. Có bao giờ anh trông thấy một dòng sông luôn khô cạn, hay một mùa đông bất tận? Tôi bảo về mùa đông quả không phải là thế, nhưng dòng sông chẳng những khô cạn, mà sau một biến cố nào đó, có thể trở thành đất bằng. Biến cố ư, nếu do con người làm, lại là chuyện khác, còn như không phải do con người, thì trở thành đất bằng đâu phải là khô cạn, đấy chỉ là cách thế khác của tồn tại, cách thế khác của cuộc đắm say của tồn tại, không còn đắm say là sắp đi vào cõi hủy diệt. Tôi chẳng hiểu hết lời ông nói, nhưng cảm thấy vô cùng hân hoan. Nhưng từ ngày lên đây bác đã tìm được thứ bác tìm kiếm chưa? Tôi hào hứng hỏi. Chưa, nhưng ta nghĩ là sẽ tìm được. Ánh mắt ông Phác chợt tối sầm. Hôm ấy là mưa suốt ngày, nước con sông Cái lên rất nhanh, người coi trạm đo nước đã về xuôi, mưa quá, cậu cháu ta đã dọn cả các thứ tranh tượng vào nhà đo nước, thằng cháu ta vẫn ngồi đăm mắt vào bức tranh vẽ dở, ta ra bờ sông nhìn cột đo nước lúc trời tạnh mưa, một trăm bảy mươi lăm, rồi một trăm chín mươi sáu milimet, nhìn con nước lũ đang hung hăng điên cuồng, ta lại nghĩ đến cuộc đối đầu với tự nhiên của con người, các vị thần trên trời không còn thống trị được con người, còn con người thì như đang lăm le làm bá chủ tự nhiên, nhưng tự nhiên thì cứ thản nhiên, làm như không nghe thấy, nửa đêm hôm ấy, làm như không biết có cậu cháu ta đang trú ở trạm đo nước ấy, nước con sông Cái đã tràn vào nhà trạm, cuốn hết những tác phẩm của thằng cháu ta, cả tranh vẽ núi sông, cả tượng gấu tượng voi, tượng cua cá, chỉ phút chốc đã trở về với trời đất, chẳng lẽ cứ ngồi chồm hổm thức trên nền nhà xâm xấp nước, cậu cháu ta đã quyết định phải đấu lưng lại mà ngủ, vào khoảng gà gáy lần đầu, nước sông Cái lại tràn vào nhà trạm một đợt nữa, kéo theo xác một thiếu nữ, quần áo của cô ta đã bị nước lũ xé rách, gần như đang trần truồng, đừng sợ, đây là nhà trạm đo nước, còn ta từ dưới xuôi lên đây đãi cát tìm vàng, ta nói khi nhận ra thiếu nữ vẫn còn sống, cô gái liền ngồi dậy trước mặt ta, chẳng hề tỏ e thẹn, nhờ có sấm chớp liên hồi, ta đã nhìn rõ được cô gái, thì ra chẳng phải áo quần bị nước lũ xé rách, một thứ xiêm y ta chưa hề trông thấy, chiếc yếm lóng lánh như hạt móc đỡ lấy đôi bầu vú căng đầy, không phải là hoa, mà như là bụi mưa trải lên mái tóc dài tận bờ vai, đừng nhìn em thế, đây là cơ duyên, cô gái nói, ta vừa vui vừa sợ, không phải bị lũ cuốn, mà cô gái theo cơn lũ đi rong chơi, lần rong chơi này em muốn lưu chút vết tích ở trần gian, cô gái nói, giọng háo hức, có phải là vua chốn thủy cung, thưa nữ chúa, ta mạnh dạn hỏi, đừng gọi thế, dẫu là vua em cũng là thân con gái, hãy hôn em đi, thiếu nữ nói xong những lời ấy, liền xích sát vào ta, ta bàng hoàng ôm chầm lấy người con gái chốn thủy cung, hôn lên vầng ngực thơm mùi biển, rồi lịm đi trong niềm hân hoan có lẫn nỗi sợ hãi, chính là lúc ta nhớ ra là ta đã lịm đi, thì lại nhận ra là người con gái đang tựa vào lưng ta mà ngủ, ta có nghĩ đến cát sỏi, nghĩ đến giá vẽ, hộp màu, rồi lại thiếp đi trong mùi thơm của biển, con lũ trên sông Cái đã rút từ lâu, nhưng nền nhà trạm đo nước vẫn còn loang loáng nước, thằng cháu ta ngủ rất ngon, vẫn tựa vào lưng ta mà ngủ. Như thế là bác đã tìm thấy vàng ở trong cát, tôi nói. Quả tình là tôi đang bị kích động bỡi câu chuyện kể. Ông Phác lại thẫn thờ nhìn lên vách con thác. Thì đấy cũng chỉ là một cách tự huyễn hoặc mình. Ông nói.

30.

Trong giấc mơ đêm hôm ấy bà Dên đã mơ thấy ma Xoát hóa làm con hổ đến bắt Liêu đi. Đang mùa tuốt lúa. Tôi và Liêu đang tuốt lúa trên nương. Bà Dên từ nhà vừa lên tới đầu nương thì trông thấy con hổ đang chồm lên phủ Liêu. Bà thét lên. Nhưng chẳng còn kịp. Tôi hỏi làm sao biết đấy là ma Xoát hóa làm con hổ. Bà Dên nói là bà đã nhìn thấy khi tha Liêu ra khỏi nương lúa con hổ lại hóa thành con ma Xoát. Tôi hỏi hình thù ma Xoát ra sao. Bà Dên bảo lúc chửa Liêu bà nhìn thấy con ma Xoát không đầu, còn lúc nó giả làm con hổ thì con ma Xoát đi bằng đầu. Rõ ràng là già này nhìn thấy con ma Xoát đi bằng đầu, vừa đi bằng đầu vừa nắm tay con Liêu lôi đi, lúc già này chạy gần kịp thì nghe con ma cười sằng sặc. Bà Dên nói. Tôi nói trong mơ thì người ta thường nhìn thấy lung tung. Những chuyện thấy trong mơ thường là chẳng có thật. Không có con ma Xoát làm sao già này nhìn thấy tới hai lần? Bà Dên nói, nước mắt ràn rụa. Ông Dên chỉ thở dài. Từ hôm mơ thấy ma Xoát giả hổ bắt Liêu đi, bà Dên lại đòi phải cúng ma cho con gái. Nhưng nhà ông bà Dên đâu có con trâu nào. Ông Dên lại chạy đến ông Nan trưởng làng Riềng. Ông Nan lại hẹn mùa lúa lên người làng sẽ góp nhau mua trâu cúng cho Liêu. Rồi bà Dên lại nằm mơ thấy Liêu về khóc lóc với bà. Đâu phải Giót bảo nó chết, là do ma Xoát oán hận người núi Đưng đấy thôi. Bà Dên nói. Ông Dên cũng nói nếu là Giót bảo chết thì làm sao con Liêu còn về được. Tôi chợt nhớ đoạn sử Giót nói về lẽ sống chết:

Giót sinh ra người núi Đưng, rồi đến ngày sẽ đem người núi Đưng đi…

Có một hôm, ở bến suối Riềng, tôi đã nghe bà Dên trò chuyện với Liêu. Trời đã sập tối. Trăng non đầu tháng bắt đầu phủ xuống núi rừng thứ ánh sáng màu nhũ bạc. Ở nhà ông Din hiệu trưởng trở lại nhà ông bà Dên, tới bến suối Riềng, tôi ngồi nghỉ chân. Cách đó mấy hôm có cơn mưa lớn, nước suối Riềng vẫn còn đầy. Con nước chảy làm rung rinh bóng cây vừng hai bên bờ suối khiến tôi có cảm tưởng có đám người đang bơi trong nước. Đã bao nhiêu lần qua lại bến suối này, ban ngày có ban đêm có, khi đi một mình khi có Liêu, nhưng tự dưng lúc ấy tôi cứ cảm thấy khó khăn khi nghĩ đến việc lội qua bến nước ấy. Ở phía bên kia, dường có ai vừa lội xuống bến, tiếng nước khua như tiếng cá quẫy. Nhưng nhìn kỹ thì chẳng thấy ai. Một lúc lại nghe có tiếng thở dài từ bến nước bên kia vọng lại. Tôi lật đật đứng lên. Bóng đám vừng vẫn dập dềnh trong nước, lúc dài ra lúc thu ngắn lại trông tựa tay chân con người đang co duỗi trên dòng suối. Với tôi, ma Xoát là chuyện hoang đường. Nhưng lúc ấy, những hình ảnh quái dị đang diễn ra nơi dòng suối khiến tôi không thể không nghĩ đến lũ ma Xoát. Cố kiềm chế nỗi sợ, tôi căng mắt ra nhìn, và thử lắng nghe. Thì ra, đúng là có tiếng người trò chuyện ở phía bờ bên kia: “Cho nó ăn con trâu thì nó thả con ra, mẹ biết mà, tổ tiên nó không có máu, nên đẻ ra nó là con ma thèm máu”… Tôi nhảy bừa xuống nước, bươn bả lội về phía bến bên kia. Bấy giờ tôi bỗng thấy tin những điều bà Dên thấy trong mơ. Là Liêu đã trở về thật. Dẫu đó là hồn ma bóng quế, tôi cũng phải gặp Liêu cho bằng được. Cho tới lúc tôi đã leo lên cái gộp đá chỗ bến nước bên kia, bà Dên vẫn còn trò chuyện với Liêu. Từ hôm Liêu mất, cứ năm ba hôm bà Dên lại đem quần áo cũ của con gái ra suối giặt. Con Liêu nó đi rồi. Bà nói, khi biết có tôi đến. Tôi chẳng buồn nói là mình đi đâu về. Cứ lặng lẽ cùng với sự lặng lẽ của bầu trời đêm núi Đưng.

31.

Lẽ ra phải đợi đến lể đâm trâu cúng ma Xoát cho Liêu, nhưng sáng hôm ấy ông bà Dên đã đem rượu cần ra uống. Đây là uống mừng trước. Ông bà Dên nói. Ngoài ông bà Dên với tôi, còn có mấy người già ở mấy nhà bên. Lúa trên nương đã chín gần hết. Tuốt lúa xong là làng sẽ cùng nhau giết trâu để cúng cho Liêu. Có con Liêu kể Giót nó mới hiểu, có con Liêu mới dẫn nó đi chỗ này chỗ nọ. Mấy người già vừa uống rượu vừa chuyện trò nhau. Bọn họ nói về mối quan hệ giữa Liêu và tôi. Nó trong cuộc chuyện của bọn họ chính là tôi. Ông Dên vít cần rồi buông cần, nhìn tôi nhoẻn cười. Uống mừng cho em nó đi. Bà Dên nói, trao cần rượu cho tôi. Làm như thể tới lễ đâm trâu cúng ma Xoát thì Liêu trở về. Ở đây là uống mừng trước việc Liêu trở về. Ở trong nhà, tôi biết là ông bà Dên chẳng hề nghĩ ngợi gì về mối quan hệ thân thiết giữa tôi và Liêu. Những người ra đường còn thích ở trần mặc váy và chưa bao giờ ra khỏi núi Đưng, như ông bà Dên, thì chẳng đời nào nghĩ đến chuyện con gái mình lại đi phải lòng một anh nhà nghiên cứu là tôi, mà theo bọn họ là rất tài giỏi. Là đoạn nào trong sử Giót? Tôi rất đỗi bất ngờ vì chưa bao giờ thấy ông Dên hát Giót. Một người mà khi con gái chết thì giấu kỹ những giọt nước mắt để đêm đến thì để cho nỗi đau trào lên trong hơi thở, một người ai cũng tưởng đã khô cạn xúc cảm trong lòng, giờ bỗng cất tiếng hát vui như ánh nắng ban mai.

Vẫn thứ ngôn ngữ cổ kính tôi đã từng nghe. Thứ ngôn ngữ khiến ta không muốn nghĩ cũng phải nghĩ, nghe chẳng hiểu gì cả nhưng cứ thấy là như đã hiểu. Không biết ông Dên hát đoạn nào trong sử Giót, nhưng nghe ông hát cứ thấy như có tiếng nước vỗ vào khe đá, như có ai đang đi trên con đường rừng…Uống mừng cho em nó đi. Bà Dên lại giục tôi. Quả tình là cả ông Dên lẫn bà Dên đều đang vui. Chẳng ai nói ra là sắp tới Liêu sẽ trở về. Nhưng qua niềm vui của họ tôi biết là họ đang tin chắc rằng Liêu sẽ trở về trong lễ đâm trâu sắp tới. Mấy ông bạn đến uống với ông bà Dên cũng đang rất vui. Có con Liêu hát Giót nghe mới hay. Có con Liêu mới kể được Đ’lung và Hơ Mia. Bọn họ bàn luận về Liêu như thể là Liêu sắp quay về. Ông Dên dường như đã say, ông buông cần rượu, nhìn mọi người, khóc. Mình biết mà, cứ đem miếng thịt trâu máu me nhét vô bụng nó… Ông Dên nói, nước mắt chảy trên hai gò má. Những nước mắt vui sướng.

Tôi chẳng uống bao nhiêu, nhưng cũng thấy phấn khích trong lòng. Tự dưng thấy muốn đi hang Trớt. Bà Dên hỏi tôi đi đâu khi trông thấy tôi rời khỏi ché rượu cần, bước ra cửa. Nó đang vui, muốn đi đâu kệ nó. Tôi nghe mấy ông bạn của ông bà Dên nói lúc đã xuống khỏi nhà sàn. Đầu óc tôi còn đang nghĩ lung tung thì đám rừng cây muồng đã hiện ra trước mắt. Cho đến khi đã đứng giữa rừng cây âm u trước hang núi ấy tôi vẫn còn tự hỏi mình đi đâu đây. Chẳng có câu trả lời nào. Chỉ thấy gương mặt Liêu càng lúc càng rõ hơn trong trí nhớ. Liêu ngồi ở đó đăm nhìn về quá khứ để giảng cho đám học trò của mình nghe về cuộc hôn phối như có vẻ tình cờ của tổ tiên, còn tôi thì vừa ngóng cổ nghe vừa nghĩ đến một cõi sinh diệt nào đó tự chốn cổ xưa.

Lần đầu tiên tôi gặp Liêu thế đó. Ký ức tựa ngọn gió vô tình thổi đến đó thì làm rung rinh những chiếc lá trên cây. Rừng muồng trước cửa hang Trớt đang mùa không có hoa. Lũ chim thì dè xẻn từng tiếng kêu. Đừng tưởng chốn vắng tiếng chân người thì chúng tha hồ ca hót. Trên đầu tôi, nơi các vòm cây, đám chim đỏ mỏ đang lặng lẽ rượt đuổi nhau. Dường lũ chim đa tình cũng biết rõ đấy là chốn đất thiêng. Là lúc khác, chắc cũng khó có chuyện mỗi mình tôi dám vạch gai góc chui vào hang núi ấy. Không phải bao nhiêu bận tôi cùng Liêu đứng lặng nhìn rừng muồng âm u rồi cùng quay về đó sao. Nói vạch gai góc chỉ là một cách mô tả. Thực ra đám muồng mấy trăm năm tuổi đã che khuất hết ánh mặt trời, chẳng mấy loài dây gai sống nổi dưới tàng cây của chúng. Chẳng mấy chốc tôi đã vẹt được đám dây gai yếu đuối, cái hang núi đã hiện ra.

Sau này nhớ lại tôi vẫn còn thấy rõ tâm trạng mình lúc ấy: Cứ nghĩ là nhất định sẽ trông thấy một điều gì đó liên quan đến Liêu. Càng vào trong, hang núi càng lớn rộng ra. Ánh sáng có bớt dần nhưng vẫn đủ để nhìn thấy các thứ. Rong rêu và các loài thạch thảo mọc đầy bốn phía vách hang. Tổ tiên người núi Đưng quả có lý khi đem nhốt lũ ma Xoát vào chốn âm u lạnh lẽo này. Tôi có lấy làm thích thú khi nghĩ đến điều này. Đã bắt đầu nghe thấy nước ở nơi trần hang nhỏ xuống người tôi lạnh ngắt. Và dưới chân tôi cũng nhớp nháp những nước. Là đang giữa trưa. Nhưng ánh sáng trong hang như sắp buổi hoàng hôn. Gió thì lúc có lúc không, cứ thấy lành lạnh tựa đang giữa đêm khuya. Bấy giờ tôi có cảm tưởng như đang bước đi trong một cơn mơ đầy hứng thú. Cho đến lúc thấy thấp thoáng ở đằng trước như có ai đứng chặn lối vào hang tôi mới giật mình dừng lại. Có lẽ rượu cần của ông bà Dên tới lúc đó mới ngấm nên tôi mới có đủ can đảm đứng nhìn. Không phải người. Mà tượng người bằng đá. Ở từ xa tôi đã quyết đoán đó là một công trình điêu khắc đá ai đó đã đem cất vào hang núi. Như nhà khảo cổ vui mừng trước một cổ vật bất ngờ được phát hiện, tôi chạy ùa tới chỗ tượng đá. Khi đã gỡ bỏ các thứ dây leo và rong rêu, các chi tiết của tượng đá đã hiện rõ, tôi mới thấy hoảng. Là tượng ma Xoát ư? Bấy giờ tôi cố định thần xem thử có phải rượu cần của ông bà Dên đã làm mụ đầu óc mình hay không. Cứ nhắm mắt lại, rồi mở ra, tôi làm vậy thật nhiều lần, nhưng lần nào cũng trông thấy như thế. Một người đá đi bằng đầu. Mắt tôi hoa lên. Và, dường như con ma đá đang vặn mình tiến về phía tôi. Sau này nhớ lại tôi vẫn còn thấy rõ hình ảnh thảm hại của tôi lúc đó. Bấy giờ là tôi đổ ập xuống hang núi, và như chỉ còn trông thấy một bầu trời u tối. Nhưng có phải đấy là vị thần mang trái tim quỉ trong Bài Ca Trước Mộ của ông Nư Năng? Chẳng hiểu sao trong cơn hoảng sợ tôi lại còn nghĩ được con quái vật bằng đá là có liên quan với sử Giót. Cho đến lúc tôi lơ mơ thấy mình và Liêu cùng ngồi trong huyệt mộ thì nghe có tiếng hát của ông Nư Năng :

Hỡi những người núi Đưng thân thiết của ta chớ nghĩ ngợi

Bởi anh em đã ra khỏi giống vật khôn hơn hết thảy

các giống vật ở trần gian

đây là những lời thốt ra tự đáy lòng ta

Chớ nghĩ ngợi hỡi những người núi Đưng thân thiết của ta

Bởi nơi anh em đến

không có cả ánh sáng không có cả bóng tối

không có cả lãng quên không có cả không lãng quên

không có cả cái có không có cả cái không có

Còn đây là Giót mách bảo ta

là lũ người Xoát đã hóa thành sắt đá

chôn vùi dưới mặt đất của người núi Đưng

Nhưng Giót lại bảo

một ngày nào đó loài người sẽ biến thành sắt đá biến thành

ngọn lửa thiêu cháy cả mặt trời

là giống vật khôn hơn hết thảy các giống vật ở trần gian

loài người sẽ biến ánh sáng thành bóng tối sẽ biến bóng tối thành ánh sáng

sẽ lấy cả bầu trời lẫn mặt đất làm của cải của mình

loài người giàu có sẽ tắm bằng thứ rượu quí giá nhất trần gian

và ngợi ca chính mình cho đến lúc chẳng còn lời để ngợi ca

bởi làm bằng nước mắt của Giót loài người sẽ sỉ vả nỗi thống khổ của mình

cho đến lúc chẳng còn lời để sỉ vả

để xua đuổi thống khổ

loài người sẽ tắm bằng máu của chính mình

vừa tắm bằng máu của mình vừa hát những lời thân thiết nhất trần gian

Ta phải nói cho anh em biết điều này nữa

bỡi Giót đã mách bảo ta

rằng một ngày nào đó

loài người sẽ tự biến mình thành những vị thần mang trái tim quỉ

và tự sát hại trần gian của mình

Ông già Nư Năng cứ ngồi yên trước mộ của tôi và Liêu mà hát.

32.

Tôi bỏ việc khoa cử lên cao nguyên nằm lại Tây Trường Sơn theo sử Giót suốt bao nhiêu ngày tháng, và cuối cùng cũng vào được hang núi Trớt, tận mắt nhìn thấy hình ảnh ngược của con người .

Nam Tượng- Qui Nhơn, 2003-2017

Comments are closed.